Nên Thận Trọng Việc Thực Hiện Các Dự Án Cao Cấp

Vietsciences- Võ Ngọc Phước            18/09/2011
 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Xe Điện cao tốc Shinkansen

Tại một số nước ở Á Phi trong dó có Việt Nam, do mong muốn có thành tích biểu dương phát triển xã hội kinh tế một cách nhanh chóng, nhà nước thường có khuynh hướng muốn thực hiện các dự án cao cấp một cách khẩn thiết, nhất là ở lãnh vực hạ tầng cơ sở xã hội chẳng hạn như hệ thống đường xá cao tốc, hệ thống xe điện ngầm, xe điện cao tốc, xử lý nước và chất thải bằng công nghệ cao, nhà máy điện nguyên tử vv…bất chấp vốn đầu tư cao ngất và các nguy cơ khó khăn trong vận hành, quản lý hay quá trình hoạt động kinh doanh tồi tệ có thể xảy ra sau đó.

Đây cũng là điều dễ hiểu về việc các lãnh đạo nhà nước mong muốn có được các công trình như vậy; bởi vì, như ai cũng biết, tình trạng tân tiến và chất lượng hay tốc độ phục vụ ở hạ tầng cơ sở xã hội, như được thấy tại các nước tiên tiến, thường được xem như là biểu tượng hay trình độ phát triển xã hội kinh tế cao độ của các nước này. Các lãnh đạo, vì vậy, nghĩ rằng việc thực hiện được các dự án như vậy thì sẽ tạo thành tích phát triển xã hội kinh tế cao độ cho nhà nước và có thể phục vụ cho người dân.

Biết được ý muốn của giới lãnh đạo ở các nước Á Phi như vậy, một số nước tiền tiến đã có kinh nghiệm thực hiện các công trình sử dụng kỹ thuật công nghệ cao đã có chính sách cho giới công kỹ nghệ của nước họ triển khai hoạt động kinh doanh nhằm cung ứng việc xây dựng các dự án loại này cho các nước Á Phi với phương sách giúp vốn đầu tư ban đầu qua nguồn vay ưu đãi của các chương trình viện trợ cho các nước này.

Như vậy là các nước Á Phi sẽ không phải lo giải quyết bài toán nan giải về vốn đầu tư ban đầu, thường là phải trên hàng tỷ Mỹ kim mà nhà nước không thể nào huy động cho có được dễ dàng,. Ngoài ra với chương trình hoàn trả còn có 5-10 năm ân huệ và một thời gian hoàn trả kéo dài 20-30 năm với một lãi suất hàng năm xem như quá thấp chỉ trên dưới 2 phần trăm. Đó là những điều kiện quá hấp dẫn để thúc đẩy cho việc thực hiện này.

Chính vì vậy mà trong những năm gần đây, người ta nhận thấy các cơ quan của nhà nước đã bổng dưng đua nhau khẩn thiết lập kế hoạch để thực hiện các dự án loại này, dù rằng trước đây vào thập niên 90, thời kỳ đầu triển khai các chương trình viện trợ song phương, người ta còn thấy nhà nước Việt Nam tỏ ra rất dè dặt và thận trọng việc vay vốn ưu đãi của các chương trình viện trợ để phát triển hạ thầng cơ sở xã hội, vì còn lo lắng việc hoàn trà quá nặng nề phải để lại cho các thế hệ về sau gánh vác.

Sự biến đổi này có thể là do ở việc thực hiện một dự án có đầu tư vốn vay chương trình viện trên vài trăm triệu Mỹ kim, to lớn như vậy, thường có thời gian xây dựng kéo dài ít nhất 5-10 năm, với thời gian này có thể bảo trợ công ăn việc làm cho nhân viên công chức các bộ ngành và hàng ngàn nhân công trong nước, giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp và tạo an sinh xã hội, những vấn đề xã hội căn bản cần phải cấp bách giải quyết.

Một mặt khác, ngoài việc có thể đóng góp cho cơ quan, qua việc lựa chọn nhà thầu và cơ sở cung cắp nguyên vật liệu, các dự án viện trợ có nguồn vốn vay to lớn như vậy có thể đã tạo ra những quyền lợi bổng lộc to tác cho các cấp cán bộ chỉ huy cũng như các giới thân thuộc được thừa hưởng. Đó cũng có thể xem là động cơ thúc đẩy mạnh mẽ cho các cơ quan liên hệ.

Thật ra, trên nguyên tắc, các dự án đầu tư quốc gia đều phải tuân thủ các thủ tục và qui chế của dây chuyền thẫm định khắt khe trước khi được quyết định có nên cho thực hiện hay không. Tuy nhiên, do tình trạng cơ chế tập trung quyền hành vào cấp lãnh đạo và việc có thể phân chia quyền lợi bổng lộc cho nhau, nên việc thẫm định đã trở nên một qui trình hình thức, dù rằng đã được qui định phải qua nhiều công đoạn cứu xét cần đến một thời gian dài để có kết quả thẫm định sau cùng.

Điều này đã làm nảy sinh việc tiếp cận riêng các bộ phận và quan chức thẫm định hay có trách nhiệm về thủ tục để thúc đẩy cho được thực hiện nhanh chóng. Hơn nữa, cũng cần phải nói đến tình trạng giới hạn hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật của các chuyên viên thẫm định của các bộ ngành nhà nước. Vì lý do đó, các dự án có sử dụng các loại kỹ thuật công nghệ cao, đã không được thẫm định một cách kỹ càng đúng mức. Giới chuyên gia trong nước, vì nhiều lý do, cũng đã không dóng góp sâu rộng cho việc thẫm định này.

Điều này có thể sẽ đưa đến một tình trạng nguy hiểm là sau khi một số dự án cao cấp đã được xây dựng thì mới biết là không thể nào vận hành, quản lý kỹ thuật hay hoạt động kinh doanh sinh lợi nhuận được như đã lên kế hoạch ban đầu.

Điều này đã được thường nhận thấy ở một số nước Phi Châu và Châu Đại Dương từ vài mươi năm trước đây. Sau khi thu nhận các công trình và được huấn luyện vận hành và quản lý, cơ quan nhà nước sở tại cũng vẫn không duy trì được việc vận hành, bảo trì và hoạt động kinh doanh nhiều được. Các công trình y, vì vậy, sau đó đã bị bỏ phế dù đã phải hao tốn biết bao phí tổn tiền của để xây dựng ra được.

Tại sao lại có tình trạng như vậy xảy ra. Như chúng ta được biết, trên căn bản, một dự án được xem như tạo thành bởi hai phần, “phần cứng” ( phần cơ sở công trình và thiết bị ) và “phần mềm” ( phần tồ chức, vận hành, bảo trì và kinh doanh ).

Ở mỗi địa bàn xây dựng, tuỳ theo từng loại mà tính chất của hai thành phần này có thể được tạo lập vững vàng và cùng nhau phối hợp được hoạt động chặt chẽ hay không. Chỉ một bên thành phần có vấn đề là không thễ hoạt động như đã dự tính được. Như vậy, không có nghĩa là một dự án xây dựng và hoạt dộng suông sẻ ở một nước khác cũng có thể xây dựng và hoạt động suông sẻ ở Việt Nam, nhất là khi có yếu tố sử dụng kỹ thuật công nghệ cao.

Vì vậy, trước nhất là cần chú trọng ở yếu tố địa bàn. Một dự án cao cấp cần phải được xem xét việc thực hiện có được suông sẻ ở địa bàn một nước phát triển hay không. Ở đây “phần cứng của địa bàn” là vị trí, địa thế, địa tầng cùng các điều kiện thiên nhiên và các phối hợp hạ tầng xã hội để kiện toàn và phối hợp cho xây dựng và hoạt động. Trong khi về “phần mềm của địa bàn” thì phải xem xét đến văn hóa, tập tục, truyền thống sinh hoạt của địa phương có trái ngược với tính cách hoạt động hay không.

Điều đáng nói là, do vô tình xao lãng hay vì các áp lực quyền lực, việc thẫm định yếu tố địa bán đã thường không được cưu xét một cách xâu xa và kỹ càng. Do đó, mà một số dự án cao cấp, sau khi đã được quyết định cho phép thực hiện hay đã cho tiến hành xây dựng, một vài năm sau thì mới nhân thấy ra là địa bán không phù hợp, hoặc là ở phần cứng hoặc là ở phần mềm, và bộ ngành trách nhiệm không biết phải nên giải quyết thế nào.

Tiếp đến, điều đáng phải chú trọng là ở yếu tố chức năng cơ chế và khả năng vận hành ( functioning ). Đây là phần mềm cốt lõi. Đối với một việsử dụng kỹ thuật công nghệ cao, yếu tố này rất quan trọng và phức tạp vì liên hệ đến nhiều mặt của các vấn đề nội bộ, nhất là mặt nhân sự và mặt kinh doanh. Bởi vì, không phải đơn thuần là sau huấn luyện kỹ thuãt và tổ chức nhân sự là tạo ra được chức năng cơ chế và khả năng vận hành sử dụng kỹ thuật công nghệ cao. Người ta đã nhận thấy là một số tai nạn chết ngưới tại các nhà máy điện nguyên tử xảy ra từ trước đến nay là do nhân viên kỹ thuật phạm các lỗi vô cùng sơ đẳng. Ở các nước Á Phi, dĩ nhiên sự phạm lỗi sơ đẳng sẽ có nhiều hơn.

Do dó, cần phải ý thức là các loại công sự cao cấp đang hoạt động ở các nước tiền tiến chưa chắc sẽ có thể thực hiện để hoạt động ngay một cách an toàn ở một nước đang phát triển như Việt Nam. Điều nguy hiễm là người ta thường nhận thấy một khi các cấp lãnh đạo nhà nước phán quyết “ họ đã làm được ở nước họ thì họ cũng làm được ở nước ta “ thì thường phải được cho tiến hành ”vì đã có lệnh trên” dù không biết chắc chắn có hoạt động được theo như kế hoạch hay không.

Đặc biệt, đối với sự thẫm định về yếu tố vốn đầu tư, có lẽ do là nguồn vốn vay ưu đãi viện trợ với các khoản chiêu đãi công du cho các cơ quan liên hệ, nên việc cứu xét có phần nới lõng đến các chi tiết số liệu tài chính, nhất là ở phần chi xuất để kinh doanh hoạt động có lợi nhuận và chương trình hoàn trả tốt đẹp sau đó. Điều này có thể sẽ gây ra hậu quả tai hại ở sự tồn đọng chồng chắt nợ công đáo hạn phải hoàn trả sau đó.

Đẳc biệt, nngười ta thường thấy việc đánh giá thấp phí tổn bảo trì và vận hành ( maintenance and operation cost ) cho các cơ sở liên hệ hàng năm. Thông thường chi phí này phải là trên dưới 15 phần trăm của toàn bộ vốn đầu tư cơ sở ban đầu. Điều này có thề gây ra hậu quả là dự án sẽ không được bảo trì đúng mức hàng năm và, vì vậy, sớm xuống cấp hay tạo những phí tổn phụ thuộc ngoài dự toán ban đầu để sửa chửa các hư hại và gây xáp trộn thiệt hại ở chương trình dòng tiền ra vô ( project cashflow ) để duy trì tình trạng kiện toàn trong suốt thời gian hoạt động kinh doanh.

Cũng trong mục tiêu bảo đảm sự kiện toàn về mặt tài chính , những trường hợp rũi ro có thể xảy ra thường phải được đưa ra để cứu xét trong phần thẫm định rũi ro ( Risk/ Sensitivity Analysis ) để đánh gía đứng đắn đúng mức và tìm phương cách để đối phó những trường hợp xảy ra như vậy.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, hình như có sự lơ là căn bản cho việc làm quan trọng này. Hậu quả đang cho thấy một hậu họa như việc vốn vay viện trợ đồng Yen của Nhật bản vào những năm mà tỷ giá 1 Mỹ kim tương đương 130 Yen nay nay đang phải chịu hoàn trả với tỷ giá 1 Mỹ kim chỉ tương đuơng 75 Yen, hay cũng có nghĩa là nhà nước ( hay cuối cùng là người dân) đang phải chịu hoàn trả với một lãi suất gần như 100 phần trăm cho các vốn vay này (ít nhất là vài trăm triệu Mỹ kim cho mỗi vốn vay ).

Chung qui, không phải là vì lý do vốn đầu tư quá cao hay việc vận hành quản lý khó khăn mà không nên thực hiện các loại phục vụ cao cấp này, Thực hiện hay không là nhằm đem phục vụ lợi ích cho người dân này khi có nhu cấu này. Nhưng trước hết, ngoài yếu tố an toàn hoạt động, cần phải thận trọng và bằng mọi cách phải thẫm định các yếu tố quan trọng căn bản kể trên một cách đứng đắn đúng mức để bảo dảm chắc chắn thành công về mọi mặt sau khi xây dựng xong và hoạt động kinh doanh sẽ vừa sinh lợi nhuận vừa đem lợi ích đến cho người dân và đất nước.

VNP

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Võ Ngọc Phước