Tái bút - Phản biện Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về bô-xít đề cập đến gần hết những quan
tâm của giới khoa học trong và ngoài nước1. Nhưng có nhiều điểm chúng tôi
không hoàn toàn đồng ý hay thấy cần phải khai triển thêm.
Trong bài này, chúng tôi xin rà lại từng đoạn Báo cáo của Chính phủ gửi
Quốc hội và xin chua thêm những kiến nghị của chúng tôi.
Toàn văn báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về bô-xít
I. Về Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít
giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt tại Quyết định số 167/2007/QĐ TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007.
1. Nguồn tài nguyên bô-xít:
Khi đánh giá một tụ quặng người ta phân biệt
(a) trữ lượng địa chất (geological reserve) nghĩa là trữ lượng có thể khai
thác được với khả năng kỹ thuật hiện đại;
(b) và trữ lượng kinh tế (economical reserve) nghĩa là một phần của trữ
lượng địa chất có thể khai thác có lợi với giá niêm yết hiện nay của sản
vật.
Theo USGS (US Geological Survey, Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ) thì trữ
lượng kinh tế là 2,1 tỷ tấn và trữ lượng địa chất là 5,4 tỷ tấn2. Khi lập
kế hoạch kinh tế cho một nước thì người ta dùng trữ lượng kinh tế chứ
không lấy trữ lượng địa chất. Nếu lấy trữ lượng địa chất thì sẽ dẫn đến
một kế hoạch quá lạc quan. Với 2,1 tỷ tấn Việt Nam đã xếp hạng ba thế giới
rồi.
Báo cáo này không nói đến những mỏ ở ngoài Bắc và ven biển Trung Bộ đang
được triển khai hay đang được nghiên cứu nêu trong Quyết định 167/2007/QĐ
TTg. Những mỏ này nhỏ và, suy ra, chắc có tỷ số lợi nhuận thấp hơn. Khi
lập kế hoạch khai thác thì người ta bắt đầu khai thác trước những mỏ có
triển vọng mang lại tỷ số lợi nhuận lớn nhất. Như vậy có nghĩa là phải
khai thác cho hết tất cả quặng ở Tây Nguyên trước khi nghĩ đến khai thác
mỏ ở những nơi khác.
2.Quan điểm phát triển:
Chúng tôi có hai nhận xét :
(a) Kế hoạch này rất lớn, ảnh hưởng đến cả một vùng trọng điểm của lãnh
thổ quốc gia. Theo Nghị quyết 66/2006/QH11 thì Chính phủ phải xin ý kiến
Quốc hội trước khi ban hành Quyết định 167/2007/QĐ TTg;
(b) Những điều viết ở phần này đều chí lý. Nhưng chỉ là chủ tâm. Theo
nguyên tắc của bảo đảm chất lượng (vòng tròn PDCA của Deming) thì Chính
phủ phải trình Quốc hội những việc sẽ làm, phương pháp kiểm tra việc sẽ
làm và chỉ tiêu để có thể chấp nhận những việc đã làm.
Trên phương diện những chỉ tiêu chấp nhận, hiện nay chúng ta thiếu trầm
trọng những tiêu chuẩn về chất thải phế liệu. Để đi tắt, chúng ta cần dịch
nguyên văn những tiêu chuẩn ISO và tiêu chuẩn của Hội đồng Âu châu. Ngoài
ra, chúng ta còn phải đào tạo thêm đội ngũ chuyên gia về môi trường và
tăng cường đầu tư về thiết bị kiểm tra. Dùng những tiêu chuẩn tiên tiến
khắt khe sẽ xếp nước ta vào loại những nước văn minh và, nhất là, sẽ khích
động công nghiệp ta tiến bộ và làm ăn có hiệu quả.
3. Nội dung chủ yếu của Quy hoạch:
Chúng tôi có hai nhận xét :
(a) Tầm vóc của kế hoạch cho thấy Chính phủ không thể viện cớ những nhà
máy Tân Rai và Nhân Cơ nhỏ không cần phải tuân thủ Nghị quyết
66/2006/QH11;
(b) Kế hoạch trình bày trong Quyết định 167/2007/QĐ TTg không dự tính đến
toàn bộ dây chuyền chế biến bauxit – alumin (nhôm oxit) – nhôm – thương
phẩm bằng nhôm. Kế hoạch vi phạm Đoạn 4, Điều 5 của Luật Khoáng sản "hạn
chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh quặng".
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN TRONG QUY HOẠCH
1. Dự án Tổ hợp bô-xít – nhôm Tân Rai (Lâm Đồng)
Nghị quyết 66/2006/QH11 ban hành năm 2006, công văn 303/CP CN ban hành năm
2000, công văn 808/TTg CN ban hành năm 2005 và Quyết định 167/2007/QĐ TTg
ban hành năm 2007. Nghị quyết của Quốc hội ban hành sau hai Công văn nên
không thể áp dụng cho hai Công văn nêu trên. Nhưng Quyết định nêu trên
phải có ý kiến của Quốc hội trước khi ban hành.
Trên nguyên tắc, những Công văn chỉ đạo phương pháp thi hành một Quyết
định của Thủ tướng. Chúng tôi không hiểu quy trình lập những văn bản Chính
phủ.
2. Dự án khai thác bô-xít và sản xuất alumin Nhân Cơ (Đăk Nông 1)
3. Các dự án khai thác, chế biến bô-xít khác
4. Dự án tuyến đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận
Chính phủ cần trình Quốc hội vốn đầu tư và chi phí vận hành đường sắt
này
có tính vào dự án khai thác bô-xit Tây Nguyên hay không. Nếu không tính
thì những công ty tham gia vào dự án trả phí giao thông ra sao, ảnh hưởng
đến tỷ số lợi nhuận của các công ty đó là bao nhiêu.
5. Dự án đầu tư xây dựng công trình cảng Kê Gà – Bình Thuận
Cũng như với đường sắt Tây Nguyên – Bình Thuận, Chính phủ cần trình Quốc
hội vốn và chi phí vận hành cảng Kê Gà – Bình Thuận này có tính vào dự án
khai thác bô-xit Tây Nguyên hay không. Nếu không tính thì những công ty
tham gia vào dự án trả tiền sử dụng hạ tầng cảng ra sao, ảnh hưởng đến tỷ
số lợi nhuận của các công ty đó là bao nhiêu.
III. MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH CÁC DỰ ÁN
BÔ-XÍT
Cũng như với nhà máy điện cho dự án, tất cả những hạ tầng hậu cần phải
dùng cho một dự án là những hạng mục của dự án đó, không thể tách rời và
nối liền với một hệ thống nào khác.
(a) Vận tải bằng đường sắt bao giờ cũng rẻ hơn và tôn trọng môi trường
thiên nhiên hơn là vận tải bằng xe ô tô.
(b) Nếu xuất khẩu nhôm và sản phẩm làm bằng nhôm thì trọng tải sẽ giảm ít
nhất một nửa so với xuất khẩu alumin. Suy ra, vốn đầu tư và chi phí vận
hành các hạ tầng hậu cần cũng sẽ giảm.
(c) Chở bằng đường bộ thì có phải xây một xa lộ chuyên dụng hay dùng quốc
lộ 28 hiện có? Nếu xây một xa lộ chuyên dụng thì vốn đầu tư và chi phí bảo
trì và điều hành xa lộ đó đã tính vào dự án chưa ? Nếu dùng quốc lộ 28 thì
vốn đầu tư để nâng cấp và chi phí bảo trì và điều hành do ai chịu ?
IV. BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC Ý KIẾN GÓP Ý
1. Về chủ trương phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất
alumin và luyện nhôm.
Những nước biết kiềm chế khai thác tài nguyên thiên nhiên trong giới hạn
tỷ lệ nhỏ của tổng sản lượng quốc nội (GNP, Gross National Product) như
Australia, Hoa Kỳ, Canada,... đã trở nên những cường quốc công nghiệp. Còn
những nước khác đã suy thoái đến độ không thể ngóc đầu lên được nữa. Chúng
tôi không nói tương lai của Việt Nam sẽ đen tối như Đảo quốc Nauru, nhưng
kế hoạch của Chính phủ về khai thác mỏ nói chung và mỏ bô-xit nói riêng có
tiềm năng dẫn nước ta xuống hàng các nước phải đi ăn xin viện trợ quốc tế
để tồn tại3.
2. Về việc lập và phê duyệt Quy hoạch
Một hồ sơ đánh giá dự án gồm bốn phần :
(a) khả thi kinh tế (chia ra làm lợi ích của xí nghiệp, lợi ích của Nhà
Nước và lợi ích của nhân dân);
(b) tác động đến môi trường;
(c) tác động đến văn hoá xã hội địa phương;
(d) đóng góp cho tiến bộ công nghệ.
Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và Báo cáo đánh giá tác động môi trường
(ĐTM) chưa đủ. Các nước công nghiệp tiên tiến còn đánh giá thêm tác động
văn hóa – xã hội (ĐTVX). Đối với Việt Nam, một nước muốn tiến lên thành
một quốc gia công nghệ hậu công nghiệp thì phải đánh giá thêm đóng góp cho
tiến bộ công nghệ cho Việt nam. Những tập đoàn công nghiệp quốc tế thường
cũng đánh giá thêm đóng góp cho tiến bộ công nghệ của tập đoàn họ khi
nghiên cứu một dự án kinh doanh.
"Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch là đảm bảo đúng Luật"
không
đúng với phát biểu của ông Trần Phương ở hội thảo ngày 23-10-2008 : "do
vấn đề cần thiết của việc khai thác bô-xit và đặc thù của địa phương nên
khi phê duyệt quy hoạch phân vùng khai thác bô-xit ở Tây nguyên, Thủ tướng
đã miễn cho cơ quan trình quy hoạch lúc đó là Bộ Công thương lập đánh giá
môi trường chiến lược"4.
Như Dân biểu Nguyễn Minh Thuyết đã nêu : "cứ tách từng dự án ra để nói
rằng nó chưa đến số tiền Quốc hội yêu cầu đưa vào công trình trọng điểm
quốc gia, tôi cho như thế là lách luật"5.
Dù đã "cắt khoanh giò" dự án như
thế, Chính phủ vẫn vi phạm các Đoạn 1 và 2, Điều 2 của Nghị quyết
66/2006/QH11 vì:
(a) Chỉ riêng có dự án Tân Rai quy mô vốn đầu tư có sử dụng hơn một nửa
vốn Nhà Nước vì TKV là một công ty quốc doanh;
(b) Dự án và các công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn
khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Dù tài ba tới mấy chăng nữa một cá nhân, một nhóm chuyên gia hay một bộ
phận Nhà nước cũng không bao giờ sáng suốt bằng 85 triệu người dân. Quốc
hội là tập hợp các đại biểu của dân. Nếu đã tham khảo Quốc hội trước thì
Bộ Công thương đã không phải "tiến hành công tác triển khai việc rà soát
tình hình triển khai các dự án, cập nhật tình hình và dự báo mới nhất về
tác động của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, từ đó đề xuất
điều chỉnh dự án Quy hoạch bô-xit cùng với việc lập Báo cáo đánh giá tác
động môi trường chiến lược để trình duyệt theo quy định".
3. Về việc triển khai các dự án bô-xít
Trong thư ngày 20-05-2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kêu gọi "dừng các dự
án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm". Việc này có
thể thực hiện được trừ dự án Tân Rai. Chúng ta chỉ còn nước là ghép Kỹ sư
vào công trình thiết kế của Chalieco để học kinh nghiệm thiết kế và xây
dựng của họ và dùng cơ sở Tân Rai làm thí điểm đào tạo tay nghề (từ lao
động phổ thông đến kỹ sư) và làm trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Một thí điểm 466 triệu USD quả là đắt. Nhưng bây giờ còn làm gì được nữa
một khi đã hấp tấp ký hợp đồng mà không suy nghĩ trước ?
4. Về lựa chọn sản phẩm của các dự án
Lý do ngưng dây chuyền chế biến bauxit – alumin – nhôm - thương phẩm bằng
nhôm ở khâu alumin vì thiếu điện hay điện đắt là không đúng. Bộ trưởng
Công thương dựa trên những sai lầm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về
chiến lược đầu tư và phép tính giá thành điện. Nhà máy điện dùng cho một
dự án là một hạng mục của dự án đó, không thể tách rời và nối liền với một
hệ thống nào khác. Không ai cộng công suất ổ phát điện của những xe hơi
vào công suất điện của EVN và không ai bỏ công ra tính riêng giá thành
điện sản xuất nhờ những ổ phát điện đó ! Tây Nguyên có thể coi là bình
điện của Việt Nam, tại sao lại có chuyện thiếu điện và điện đắt cho dự án
bô-xit Tây Nguyên được ? Ngoài ra giá trị gia tăng của khâu điện phân lớn
hơn nhiều tiền lãi đầu tư và chi phí vận hành một nhà máy chế biên alumin
thành nhôm. Khi xuất khẩu alumin chúng ta biếu nước khác giá trị gia tăng
đó.
5. Về quy hoạch sản lượng các dự án
Theo Nghị quyết 66/2006/QH11 và để tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp
quyền, sau khi rà soát điều chỉnh thì Chính phủ phải trình lại kết quả
nghiên cứu trước Quốc hội để xin ý kiến.
6. Về địa điểm đặt nhà máy alumin
Chúng tôi đồng ý với Thông báo 14 TB/TW của Bộ chính trị "các nhà máy chế
biến alumin và luyện nhôm cần đặt tại tỉnh Đăk Nông". Trên phương diện kỹ
thuật, phải đặt tất cả dây chuyền chế biến bauxit – alumin – nhôm – thương
phẩm bằng nhôm để tận dụng phương pháp sản xuất đúng mức đúng lúc (lean
and just in time manufacturing). Trên phương diện chính trị nhân dân Tây
Nguyên sẽ không hiểu tại sao bô-xit thì đào ở đất mình, bùn đỏ thì ô nhiễm
môi trường của mình để alumin được xuất khẩu và trở về địa phương mình
dưới dạng những sản phẩm tiêu dùng bằng nhôm.
7. Về diện tích chiếm đất, rừng của các dự án
Dự án khai thác bô-xit sẽ vi phạm một diện tích tương đối nhỏ so với diện
tích tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng nhưng không vì thế mà miễn việc nghiên cứu
tác động môi trường và tác động văn hóa xã hội. Chỉ nên thực hiện dự án
khi những tác động tiêu cực có thể chấp nhận được đối với nhân dân địa
phương và đem lại tỷ số lợi nhuận cao.
8. Về công nghệ áp dụng
Theo nguyên tắc bảo đảm chất lượng, việc thực hiện những cam kết và đảm
bảo này phải được kiểm tra thường xuyên, kết quả mỗi đợt kiểm tra phải
được công bố, và Chính phủ phải ra lệnh dừng hoạt động cơ sở nào không tôn
trọng những cam kết đó.
9. Về hạ tầng cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án:
Vì không có đủ thông số kỹ thuật chúng tôi chỉ xin gợi vài ý kiến liên
quan đến phần này.
a) Cung cấp nước :
Vấn đề nước có thể không đặt ra nếu bơm nước Biển Đông lên Tây Nguyên để
pha loãng nước chứa trong bùn đỏ, dùng nước lọc và rửa bùn đỏ ở khâu pha
loãng hỗn hợp bauxit, hydroxit natri. Đây có thể là một đề tài Tiến sĩ cho
một nghiên cứu sinh mà nếu có kết quả khả quan thì xin cấp văn bằng sáng
chế quốc tế làm tài sản công nghệ cho đất nước.
b) Vận chuyển alumin :
Với khối lượng alumin phải vận chuyển, tuyến đường sắt này phải là một
tuyến chuyên dụng và là một hạng mục của dự án.
Quy ra mỗi km/tấn hay mỗi km/m3, chở thương phẩm từ Tây Nguyên ra Bình
Thuận thì giá cước rẻ hơn là chở nhôm, chở nhôm thì rẻ hơn là chở alumin
(tới khoảng hai lần), chở alumin thì rẻ hơn bô-xit (tới ít nhất ba lần,
tùy hàm lượng Al2O3). Ngoài ra, điện có sẵn tại chỗ để biến chế nguyên
liệu thành thương phẩm và có nhân lực để sản xuất (sau khi được đào tạo).
Nhờ địa thế thuận lợi ba nhân tố sản xuất tập trung ở cùng một nơi, chúng
ta có thể chế biến bô-xit thành thương phẩm với giá thành rẻ hơn trung
bình thế giới vì quy luật của phương pháp sản xuất đúng mức đúng lúc được
dàn ra toàn bộ hơn.
c) Cung cấp điện :
Như viết ở một phần trên, điện không phải là một vấn đề ở Tây Nguyên.
d) Về nguồn lực cho các dự án:
Theo TS. Nguyễn Đông Hải, Nhà văn Nguyên Ngọc và TS. Nguyễn Thành Sơn
thì : "theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Đại học Tây Nguyên,
trong 12 buôn làng của huyện Đắk Rlap, số người học hết lớp 9 để có đủ
điều kiện tuyển dụng vào dự án cũng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Dự án
bô-xít Nhân Cơ mới chỉ tuyển chọn được 02 con em đồng bào dân tộc tại chỗ
đi đào tạo công nhân. Hiện dự án bô-xít Nhân Cơ đang gửi người đi đào tạo
tại Trung Quốc, nhưng chủ yếu là con em của cán bộ trong công ty từ các
tỉnh khác đến. [...]. Việc người dân tộc trên Tây Nguyên sẽ bị đẩy ra
ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình, thay vào đó là làn
sóng di cư mới của những lực lượng lao động có đủ trình độ từ Trung Quốc
và các tỉnh ngoài Tây Nguyên đã trở thành hiện thực"6.
Nhưng chúng ta không thể tuyển một người nếu người đó không có khả năng
nghiệp vụ và chúng ta không thể chọn dạy nghề cho một người không có đủ
học lực chỉ vì người đó là người dân tộc thiểu số. Khi xưa chúng ta đã
chọn ưu tiên con cháu các vị có công với cách mạng và vẫn còn đang chịu
hậu quả tai hại của chính sách kỳ thị này. Để giải quyết vấn đề này chỉ có
một phương pháp. Chính quyền địa phương các tổ chức Đảng phải khuyến khích
các dân tộc thiểu số coi trọng việc học của con cái và tạo điều kiện vật
chất để những thành phần nghèo khó trong xã hội vẫn có thể cho con cái ăn
học cho tới tối đa ý chí và khả năng của các cháu. Đây là trách nhiệm lớn
nhất của một Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
10. Về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án
a) Hiệu quả kinh tế:
Những hãng hay cơ quan tài chính đánh giá những dự án theo quan tâm của
họ. Mình không thể dựa vào ý kiến của họ để quả quyết rằng dự án của mình
tốt hay xấu.
Khi tính giá trị hiện tại thực thì phải dùng giá thị trường trung bình
trong dài hạn chứ không dùng giá niêm yết ở thời điểm lấy quyết định.
Chúng tôi không có đủ thông tin để ước lượng tỷ lệ hoàn vốn nội tại. Một
tỷ lệ hoàn vốn nội tại 10/11 phần trăm là một tỷ lệ lớn. Nhưng chúng tôi
không biết Bộ Công thương đã kể cả tỷ số vay vốn và tỷ số lạm phát khi
tính giá trị hiện tại thực hay không. Nếu không kể đến thì tỷ lệ hoàn vốn
nội tại này sẽ ít hơn và có thể âm, nghĩa là dự án lỗ vốn.
b) Hiệu quả xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên :
Vì không có đủ thông tin chúng tôi coi những số liệu về số hộ bị ảnh hưởng
bởi dự án là đúng. Cũng như về diện tích chiếm đất, rừng của các dự án, tỷ
lệ những hộ bị ảnh hưởng không có là bao nhiêu. Tuy nhiên vẫn cần phải
phải tiến hành một chương trình nghiên cứu xã hội và nhân chủng học trước
khi thực hiện dự án và sau khi đưa những công trình vào hoạt động. Ngoài
khía cạnh hàn lâm, những nghiên cứu này sẽ giúp Chính phủ điều chỉnh chính
sách dân tộc và cũng là cơ sở khoa học để công tác dân vận hữu hiệu hơn.
11. Về tác động môi trường của các dự án bô-xít
Ở các nước Tây phương, người ta cho phép thải ra thiên nhiên nước có pH ở
trong khoảng cách 5 và 9. Để giảm pH từ 12,5 xuống dưới độ 9 thì có thể
dùng một dung dịch acid (nghĩa là có độ pH dưới 7) để trung hòa kiềm hay
pha loãng kiềm bằng nước. Ở phần 9.(a) chúng tôi có gợi ý dùng nước Biển
Đông, nhưng bất cứ nguồn nước nào cũng có thể dùng được.
Mua công nghiệp của nước khác không đủ và có thể không thích hợp vì tác
động tới môi trường thiên nhiên, cũng như tới đời sống văn hóa xã hội địa
phương, tùy nhiều ở hoàn cảnh địa thế, địa chất và khí hậu địa phương.
Những hậu quả tích cực nêu ở phần này cần được xác nhận bởi những công
trình nghiên cứu khoa học về vấn đề ảnh hưởng của dự án đến môi trường
thiên nhiên và đời sống văn hóa xã hội.
12. Về vấn đề người lao động nước ngoài tại dự án
Chúng tôi tiếc rằng Chính phủ đã ký những hợp đồng EPC (Engineering
Procurement Construction). Đây là những hợp đồng mà các nước chậm tiến ưa
chuộng vì không có cán bộ có kỹ năng và cũng chịu không thể thành lập một
đội ngũ cán bộ có kỹ năng cho sau này. Chúng không đóng góp gì cho ta về
tiến bộ công nghệ cả.
Chúng tôi không có điều gì nghi ngờ sự thành thật của những cam đoan hay
dự định của Chính phủ về những người nước ngoài tại dự án. Nhưng, theo
nguyên tắc của bảo đảm chất lượng, mỗi năm Chính phủ phải trình Quốc hội
tình hình cụ thể của lao động người nước ngoài.
13. Vấn đề ảnh hưởng đến an ninh – quốc phòng của các dự án bô xít:
Để hành nghề tư vấn về chiến lược công nghệ công nghiệp chúng tôi cũng đã
phải học về chiến lược quân sự. Tuy nhiên, chúng tôi không đề cập trong
bài này vì an ninh quốc phòng không phải là những đề tài phô trương trên
báo chí được.
V. Kết luận và kiến nghị:
Lẽ cố nhiên là Quốc hội có quyền "thường xuyên giám sát quá trình thực
hiện các dự án bô-xít" và chúng tôi cũng xin đề nghị Quốc hội lập một Ủy
ban giám sát dự án này chặt chẽ. Nhưng quyết định ở cấp Quốc hội là tiếp
tục khai triển dự án, hủy bỏ dự án và hoãn lại thực hiện dự án.
Kiến nghị cá nhân chúng tôi gửi Quốc hội
Chúng tôi không phải là một nịnh thần.
Những văn bản Quốc hội thông qua mà chúng tôi đã tham khảo (Hiến pháp,
Luật Kinh doanh, Luật Lao động, Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ Môi trường)
đều đầy đủ và tương xứng với pháp quy các nước tiên tiến khác. Tuy nhiên,
nguyên tắc Nhà Nước pháp quyền chưa được nhân dân và các vị lãnh đạo thấm
nhuần. Vì nao núng muốn đưa nước ta lên hàng một cường quốc, Chính phủ đã
vi phạm nhiều quy định của Quốc hội, đại diện của dân. Cũng vì nao núng
đó, Chính phủ đã hấp tấp tạo ra những việc đã rồi mà không trình Quốc hội
trước. Chúng tôi tin cậy ở sáng suốt của các vị Dân biểu xử lý nhắc nhở
các thành viên Chính phủ phải tuân thủ triệt để pháp quy Nhà Nước để làm
gương cho dân.
Chính phủ đã trình Quốc hội dự án bô-xit Tây Nguyên như là giải pháp duy
nhất để phát triển kinh tế vùng này. Trên lãnh thổ và lãnh hải nước ta,
đặc biệt ở vùng Tây Nguyên, có nhiều tài nguyên thiên nhiên khác chưa được
khai thác mà báo cáo của Chính phủ không đề cập đến. Ngoài ra, từ khi có
chính sách Đổi mới, kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh mặc dù ngành khai
thác mỏ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ và tỷ lệ đó có xu hướng giảm. Như vậy
không khai triển dự án bô-xit Tây Nguyên thì cũng không sao. Dự án này chỉ
là một phương án trong số nhiều phương án khác có thể hay hơn. Chúng tôi
xin Chính phủ so sánh lợi hại của tất cả các phương án để Quốc hội có thể
chọn.
Chính phủ đã trình Quốc hội một báo cáo chủ yếu tập trung vào những dự án
đang triển khai. Phương pháp cắt một dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ có
thể là một ý đồ "lách luật" để không trình Quốc hội một dự án lớn hơn nữa.
Dự án lớn đó là quy hoạch kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên. Thực ra thì vấn
đề tiềm ẩn là vai trò của các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên trong
kinh tế Việt Nam. Tùy chúng ta chọn lựa tốc độ khai thác những tiềm năng
ấy và đặt tỷ trọng của những ngành khai thác ấy trong toàn bộ các hoạt
động kinh tế nước ta ra sao thì chúng ta sẽ tiến lên hàng cường quốc hậu
công nghiệp hay suy thoái đến không còn sức để ngóc lên được nữa. Chúng
tôi xin các vị Dân biểu nâng thảo luận và những nghị quyết lên hàng những
vấn đề lớn ảnh hưởng đến tương lai lâu dài của đất nước.
Về dự án bô-xit Tây Nguyên thì chúng tôi xin kiến nghị tiếp tục dự án nhà
máy Tân Rai và hoãn lại những dự án mỏ bô-xit khác để có thì giờ :
(a) nghiên cứu kỹ hơn về khả thi về kinh tế, kỹ thuật (đặc biệt về môi
trường) , văn hóa xã hội và hợp tác quốc tế;
(b) tăng cường đội ngũ cán bộ thanh tra kỹ thuật, thanh tra môi trường và
thanh tra tài chính;
(c) nghiên cứu những cơ hội phát triển công nghệ qua dự án và đưa những cơ
hội đó vào kế hoạch của những dự án khác;
(d) và thành lập một tập đoàn thiết kế và xây dựng công nghiệp có tiềm
năng tham gia trực tiếp vào dự án Tân Rai, học hỏi tay nghề của Chalieco
để thực hiện những dự án tương lai.
Nếu quyết định tiếp tục dự án Tân Rai thì chúng tôi xin đề nghị điều động
thêm vốn để xây cùng một lúc một nhà máy điện phân ở Đắk Nông hay Lâm Đồng
với công suất tương ứng với công suất của nhà máy alumin. Nhà máy điện
phân này sẽ ưu tiên dùng điện của những nhà máy thủy điện địa phương.
ĐĐC
Tham khảo:
[1] "Toàn văn báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về bô-xít" đăng ở địa chỉ
Internet
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/849417/
[2] USGS : "Bauxite and alumina" đăng ở địa chỉ Internet
http://minerals.usgs.gov/minerals/pubs/commodity/bauxite/mcs 2009
bauxi.pdf
[3] Xin Quý Dân biểu tham khảo bài của chúng tôi "Công nghiệp khai thác
mỏ", đăng ở địa chỉ Internet
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai15/200915_DangDinhCung.htm/
[4] "Khai thác quặng bôxit ở Tây Nguyên: Nhiều nguy cơ, chưa có giải
pháp", đăng ở địa chỉ Internet
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=284683&ChannelID=17
[5] "Không đưa dự án bô-xít ra Quốc hội là lách luật" đăng ở địa chỉ
Internet
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/05/849749/
[6] "10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô-xít Tây Nguyên" đăng ở địa chỉ
Internet
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5543/index.aspx
HC, HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
©