Những bài cùng tác giả
Dự án xây dựng nhà máy điện hạt
nhân tại tỉnh Ninh Thuận được Bộ Công Thương Việt Nam cho là cần thiết giúp
giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng hiện nay của Việt Nam.

Photo courtesy
Wikipedia
Nhà máy điện
nguyên tử ở Cattenom, Pháp. Các ống khói đang nhả ra hơi nước không phóng xạ
từ tháp làm nguội. Lò phản ứng hạt nhân được đặt trong các ngôi nhà hình ống
tròn
Đây cũng là đề tài được các đại
biểu quốc hội đưa ra bàn thảo trong kỳ họp thứ 6, Quốc Hội khóa 12 ở Hà Nội
trong những ngày qua, và đến ngày 25 này sẽ biểu quyết.
Đối với giới khoa học thì hầu
hết các ý kiến đều cho rằng không nhất thiết phải tiến hành xây dựng nhà máy
điện hạt nhân vì Việt Nam đang có những cách khác để giải quyết nhu cầu điện
năng của đất nước.Một trong những nhà khoa học lâu nay luôn quan tâm đến vấn
đề có nên phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam hay không là Giáo sư Nguyễn
Khắc Nhẫn.
Ông từng có nhiều bài phân tích
liên quan dự án điện hạt nhân mà phía các cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra.
Gần đây nhất ông có tham luận gửi cho "Hội nghị người Việt Nam ở nước
ngoài lần thứ nhất" diễn ra ở Hà Nội về chuyện này Ông là nguyên cố vấn Nha Kinh Tế, Dự Báo Chiến Lược (EDF,
Paris), nguyên Giáo sư Viện Kinh Tế Năng Lượng và Trường Đại Học Bách Khoa
Grenoble (Pháp).
Hôm nay ông tham gia chuyên mục
Khoa Học- Môi Trường kỳ này để bàn về dự án phát triển điện hạt nhân tại
Việt Nam.
Chí phí quá tốn
kém an toàn không đảm bảo
Sau đây là cuộc trao đổi giữa
giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn với Gia Minh :
Gia Minh : Trước
hết xin chân thành cảm ơn Giáo Sư đã dành thời giờ tham gia chương trình
Khoa Học-Môi Trường kỳ này nói về vấn đề điện hạt nhân của Việt Nam.
Kính thưa Giáo Sư, có ý kiến từ
trong nước vừa qua nói rằng Việt Nam vẫn nhất thiết phải phát triển điện
hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng ở trong nước, vậy
theo Giáo Sư nếu không làm điện hạt nhân thì có cách gì khác mà vẫn có thể
đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển của Việt nam không ạ?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Kính chào quý vị thính giả. Từ mấy
năm nay tôi có dịp cho biết là tôi hoàn toàn không đồng ý với lý luận là
nước ta phải xây cất những nhà máy điện hạt nhân vì nhu cầu điện tăng quá
mạnh. Theo tờ trình của Bộ Công Thương lên chính phủ, năm 2020 Việt Nam sẽ
cần 380 tỷ kWh, một con số khổng lồ không thể nào đạt được, theo tôi.
Làm sao chỉ trong 10 năm nữa mà ta có thể cần một sản lượng điện 4 lần lớn
hơn sản lượng điện năm 2010? Không có nước nào có thể phát triển với một tốc
độ kỷ lục như thế. Chạy đua theo tỷ lệ tăng trưởng điện năng 15-17% mỗi năm
có nghĩa là cứ 4 hay 5 năm ta phải có đủ điều kiện kinh-tài, nhân công để
nhân gấp đôi công suất của tất cả các nhà máy điện và tất cả các hệ thống
cao thế và hạ thế toàn quốc. Với mức tăng trưởng kinh tế 5-6%, hệ số đàn hồi
của nước ta cao nhất nhì thế giới, khoảng 2,6 hoặc là 2,8.
Nói một cách khác, chúng ta lãng phí ngoài mức tưởng tượng va hiệu suất năng
lượng của Việt Nam thấp nhất nhì. Mỗi lò 1.000 MW trung bình sản xuất mỗi
năm 6 đến 7 tỷ kWh. Sản lượng điện của
8 lò tối đa là 56 tỷ kWh. Nếu ta lấy con số 380 tỷ kWh trừ bớt 56 tỷ còn 324
tỷ kWh, thì sản lượng điện này vẫn còn quá
lớn so với nhu cầu thực sự của đất nước vào chân trời 2020-2025.
Để trả lời câu hỏi, nếu chúng ta kiên quyết áp dụng chính sách chống lãng
phí năng lượng ở mọi lãnh vực thì xem như chúng ta có thêm một nguồn năng
lượng mới quan trọng, vì lãng phí có thể lên tới 30%.
Đến năm 2025 một chính sách kiên quyết tiết kiệm năng lượng cộng với một
chiến lược dài hạn khuếch trương mạnh mẽ năng lượng tái tạo mà nước ta được
tạo hoá ưu đãi, theo tôi, sẽ có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu điện lực.
Câu hỏi tại sao phải làm điện hạt nhân, bài toán chứng minh vì nhu cầu va
cân bằng năng lượng là hoàn toàn thiếu phân tích khoa học. Chỉ 2 năm qua
trên thế giới các nước thi đua đầu tư rất năng động vào năng lượng tái tạo
và kinh tế xanh : 400 tỷ đôla riêng cho 3 nước Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên
. Nói rằng năng lượng tái tạo không đủ sức để thay thế điện hạt nhân hoặc
các nguồn năng lượng cổ điển như than, dầu khí, vì công suất rải rác mọi nơi
thấp, hay vì giá thành cao là không đúng sự thật.
Rút khỏi công nghiệp hạt
nhân
Thử đặt câu hỏi tại sao một nước có công nghiệp hiện đại như Đức mà lại kiên
quyết xung phong hy sinh hàng trăm tỷ đôla để từ từ rút lui ra khỏi lãnh vực
điện hạt nhân? Năng lượng gió của Đức hiện nay đứng đầu thế giới với một
công suất tương đương trên 20 lò phản ứng hạt nhân. Từ nhiều năm nay Đức
xuất khẩu tua-bin gió trên toàn cầu. Về điện mặt trời Đức cũng đứng vào hàng
đầu.
Giá thành năng lượng tái tạo đã bắt đầu kinh tế và sẽ đủ sức cạnh tranh với
điện hạt nhân. Giá điện hạt nhân càng ngày càng tăng vì nhiều lý do: thiếu
chuyên gia và công nhân có kinh nghiệm, điều kiện an toan quá khắt khe, giá
Uranium tiếp tục tăng cao, kinh phí đầu tư mỗi kW tăng vụt.
Từ trên 30 năm nay, nước Mỹ không xây cất một lò điện hạt nhân nào cả, không
phải chỉ vì hai sự cố Three Mile Island và Chernobyl, mà chủ yếu vì giá điện
hạt nhân không kinh tế so với các nhà máy điện nhiên liệu khác.
Ở một vài nước, giá thành điện hạt nhân sở
dĩ tương đối thấp là vì nhiều nhà máy đang kéo dài thời gian vận hành và da
được khấu hao. Ngay như ở Pháp, giá thành điện hạt nhân của EDF sự thật
không rẻ như người ta tưởng, nếu kể tất cả những thông số, những kinh phí
liên hệ đến việc nghiên cứu, thời gian vận hành, xử lý nhien liệu, lưu giữ
chất thải phóng xạ, tháo gỡ, môi trường, an toàn, bảo hiểm.
Gia Minh : Ngoài cái ý kiến là phải phát triển điện
hạt nhân và trong các ý kiến ủng hộ, mặc dù có băn khoăn, nhưng mà họ cũng
nói là thôi, nên làm một nhà máy điện hạt nhân trước và lần thì cũng phải
tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ là áp dụng công nghệ lò thế hệ
thứ ba và từ đó để học hỏi kinh nghiệm rồi sau đó thì phát triển thêm. Vậy
xin Giáo Sư trình bày tính toán đơn giản nhất về một nhà máy điện hạt
nhân như thế và có cần thiết phải xây riêng một nhà máy để học hỏi kinh
nghiệm hay không?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Tôi hiễu
anh muốn nói gì. Trong nước, sự thật GS Phạm
Duy Hiển không đồng ý với các con số khổng lồ đã tung ra về nhu cầu điện
năng của nước ta vào năm 2020-2025, như tôi đã trình bày, vì vậy GS Hiển có
đề nghị nếu làm điện hạt nhân thì phải hết sức thận trọng và Việt Nam nên
bắt đầu xây dựng một lò phản ứng mà thôi để có vài năm kinh nghiệm cần
thiết, trước khi nghĩ đến việc xây tiếp 4 hay 8 lò. Theo GS Hiển, công
nghiệp ta chưa đủ điều kiện để bảo đảm một tốc độ xay dung quá lớn, đó cũng là quan điểm của tôi. Sự thật không cần phải xây
riêng một nhà máy để học tập kinh nghiệm đâu, chẳng ai làm thế, vì tốn kém
vô ích, mà cũng chẳng lợi gì cho việc học hỏi, trau dồi kinh nghiệm.
Tôi lấy ví dụ ở Trung Tâm Hạt Nhân Grenoble, người ta đã tháo gở các lò thí
nghiệm và mô hình xây cất cách đây 50 năm để đào tạo chuyên viên kỹ thuật
cần thiết cho việc khai thác các nhà máy điện hạt nhân của EDF. Cá nhân tôi
đã có dịp tu nghiệp ở đây. Các cơ sở của trung tâm này bây giờ thôi phục vụ
ngành hạt nhân và đã chuyển sang micro và nano công nghệ hay năng lượng tái
tạo, vì thế làm điện hạt nhân bây giờ, theo tôi, là đi lùi chứ không phải đi
tới như ta hiễu lầm.
Xây một lò là kẹt một thế kỷ, 40-50 năm vận hành và thời gian tháo gở có thể
kéo dài 50 năm, chưa kể kinh phí khổng lồ cần thiết lên đến hàng trăm tỷ
đôla.
Chiến lược làm điện hạt nhân của ta thường có ghi 3 mục tiêu chính: giải
quyết bài toán an nình và cân bằng năng lượng, gìn giữ nguồn tài nguyên
thiên nhiên cho các thế hệ mai sau, tăng cường tiềm lực khoa học và công
nghệ. Theo tôi, cả 3 mục tiêu đều sẽ không thực hiện được. Ta không thế giải
quyết bài toán an ninh và cân bằng năng lượng với điện hạt nhân, vì sao? vì
chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào ngoại quốc ở tất cả các khâu xây cất, khai
thác và máy móc, như thế thì an ninh độc lập ở chỗ nào? Có ai dám bảo đảm
cho ta có thể liên tục nhập cảng nguyên liệu Uranium làm giàu để hàng chục
lò Việt Nam tương lai vận hành không? Làm điện hạt nhân, vì thế không phải
đổi mới, mà trái ngược lại có thể kiềm hãm tiến bộ vì hàng chục và có lẽ
hàng trăm tỷ đôla sẽ bị một lãnh vực xem như lỗi thời sẽ thu hút hết sạch.
Chưa ai dám bảo
đảm về an tòan hạt nhân
Gia Minh : Về vấn đề điện hạt nhân thì cái quan tâm lớn
nhất, đó là vấn đề an toàn, thì Giáo Sư cũng đã đề cập đến, nhưng mà
rồi các
biện pháp mà cơ quan chức năng Việt Nam muốn xây điện hạt nhân họ đưa ra
trong lãnh vực an toàn , vậy theo Giáo Sư thì những biện pháp đó có khả thi
đến mức độ nào ạ?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Anh đề cấp đến vấn đề hết sức quan
trọng. Xử lý chất thải phóng xạ và an toàn là hai vấn đề then chốt của lãnh
vực điện hạt nhân. Công nghiệp điện hạt nhân đã đầu tư mạnh vào hai khâu này
những đến nay vẫn chưa có một lời giải thoả đáng, vì vậy mà công nghiệp hạt
nhân rất mong manh.
Theo cá nhân tôi, nếu rủi ro một sự cố lớn gây tai biến xảy ra bất cứ ở đâu
trên thế giới để phóng xạ lan tràn làm dư luận hoang mang thì công nghiệp
hạt nhân có thể sụp đổ trong giây phút. Tôi hết sức lo sợ khi nghe các cấp
trách nhiệm trong nước tuyên bố rằng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ
được đảm bảo an toàn. Ở các cường quốc cũng chẳng ai dám hứa hẹn với dân
chúng như thế.
Các chuyên gia trong ngành đã liệt kê 15 rủi ro. Nếu chỉ có 15 rủi ro thì
nhân viên có trách nhiệm điều khiển nhà máy có thể ngủ yên, nhưng trên thực
tế thì rủi ro mênh mông, không tài nào tiên đoán vì sao, ở đâu, giờ phút nào
có thể xảy ra. Những biện pháp hạn chế tối đa chỉ có giá trị trên lý thuyết,
khó định được mức độ khả thi rõ ràng. Lẽ cố nhiên các lò tân tiến thế hệ 3,
thế hệ 3+, và sau này thế hệ 4, mức an toàn cao hơn các lò thế hệ 2, nhưng
không ai có thể bảo đảm hoàn toàn.
Hầu hết các sự cố lớn nhỏ không phải do máy móc mà đều do con người hay quản
lý vô kỷ luật gây ra. Biến cố Three Mile Island ở Mỹ và Chernobyk ở Nga
trước hết cũng do con người chứ không phải vì máy móc.
Ta chưa có kinh nghiệm để bàn ra những biện pháp riêng có mức độ khả thi
cao. Hạn chế rủi ro do ở trình độ kiến thức, tinh thần trách nhiệm và kỷ
luật con người. Liệu ta có những điêù kiện vừa nêu không?
Gia Minh : Quan điểm của Giáo Sư rất là rõ ràng rồi là
không nên tiến hành phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, nhưng mà sắp đến
đây các đại biểu quốc hội đang họp ở Hà Nội sẽ đưa tay biểu quyết về vấn đề
này và nếu như các đại biểu quốc hội họ đồng ý với số đông thì việc làm này
cũng sẽ được tiến hành. Là một người trong nghề có những đánh giá rất cụ thể
như vừa rồi thì điều mà Giáo Sư muốn nói với các vị đại biểu quốc hội cũng
như các nhà quản lý xã hội, có thể nói là lời nói cuối cùng đối với họ, là
gì thưa Giáo Sư?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn : Câu hỏi của anh vô cùng tế nhị. Tôi
xin phép nhắc lại như thế này. Bài tham luận đầu tiên của tôi về điện hạt
nhân được phổ biến ngày 26-4-2003, đúng 17 năm tròn sau biến cố Chernobyl
với nhan đề rất lễ phép "Việt Nam
nên thận trọng đối với điện hạt nhân", Lời Mở Đầu tôi mượn của St. Exupery:
"Chúng ta không thừa hưởng đất đai của tổ tiên, chúng ta mượn tạm của con
cháu".
Tại Paris tôi đã có dịp trực tiếp trao tận tay cho các vị lãnh đạo Việt Nam
cao cấp nhất cái CD của tôi gồm gần 20 bài đầy tâm huyết đối với quê hương
về năng lượng tái tạo, thuỷ điện và điện hạt nhân. Tôi xin miễn nhắc lại đây
tất cả những lý do khách quan vì sao tôi rất lo sợ cho tổ quốc, nếu chính
phủ và quốc hội đồng thanh quyết tâm xây cất nhà máy điện hạt nhân.
Trong 30 năm làm việc và đã có dịp theo dõi chương trình điện hạt nhân của
Pháp, từ lúc sơ khởi năm 1973, tôi thiết tha đề nghị với chính phủ và quốc
hội không nên mạo hiểm vào con đường đầy chông gai hiểm trở của điện hạt
nhân, một lãnh vực có khả năng đem lại thất bại nặng nề và tai biến cho đất
nước. Thay vì bỏ ra hàng chục tỷ đôla cho 8 lò trị giá 24 hoặc có thể lên 48
tỷ đôla, tôi đề nghị chính phủ để dành số tiền ấy đầu tư mạnh vào các lãnh
vực then chốt có nhiều triển vọng như giáo dục đào tạo, nghiên cứu, và những
lãnh vực có lợi thiết thực cho dân chúng như y tế, xã hội .
Gia Minh : Cám ơn Giáo Sư về những phân tích và ý kiến tâm
huyết đề nghị đối với dự án xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam.
Mục Khoa Học- Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả
và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giớ này trên làn sóng phát
thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Gia Minh chào tạm biệt.
-
Gia
Minh, phóng viên RFA
|