Plutonium : 240 thế kỷ ! (Ta nên biết sợ Điện Hạt Nhân)

Vietsciences-Nguyễn Khắc Nhẫn              05/05/2010

 

Những bài cùng tác giả

Sau khi Đài BBC cho lên mạng ngày 19-9-04 bài phỏng vấn “đối chất” (débat contradictoire) giữa GS Trần Hữu Phát (từ trong nước) và cá nhân tôi về Điện Hạt Nhân (ĐHN) ở Việt Nam, tôi có nhận được của nhiều thính giả trong và ngoài nước một số câu hỏi liên quan đến các vấn đề sau đây : các kiểu lò , lò thế hệ IV, xử lý nhiên liệu và lưu giữ chất thải phóng xạ, tháo gỡ nhà máy, ĐHN kinh tế hay không, sự cố vừa qua ở Nhật, Việt Nam và vũ khí nguyên tử , năng lượng tái tạo.

Trong 8 bài tôi đã viết ( xin xem danh sách ở sau) được đăng trên báo chí trong nước cũng như ở Pháp, hoặc trên mạng www.tailieu.thoidai.org, vài đề tài nêu trên đã được đề cập. Những đề tài này sẽ được bổ túc hoặc thu gọn lại ở đây để các độc giả khỏi mất thì giờ tra khảo. Tôi xin lỗi các độc giả, không trình bày lại Năng lượng tái tạo trong bài này, vì tôi đã có một bài rất dài, dành riêng cho lĩnh vực trọng yếu này, đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 7/10/04 và 14/10/04

      

Các kiểu lò

Muốn có một ý niệm về tính cách hết sức phức tạp và nguy hiểm của các lò hạt nhân để sản xuất điện, ta nên xét qua về cơ cấu kỹ thuật:

Đầu thập kỷ 1950, người ta định nghĩa kiểu lò hay dây (tiếng Pháp gọi filière) bằng sự phối hợp của ba thành phần sau đây :

- Chất nhiên liệu.

- Chất điều độ ( modérateur) (Lò neutron nhanh không có chất này) .

- Chất truyền nhiệt.

 

Có thể lựa chọn một số yếu tố khác nhau cho mỗi thành phần :

                        - Truyền nhiệt : nước thường, nước nặng, sodium, CO2, hélium…

-  Điều độ: hydrogène, deutérium, graphite…

- Nhiên liệu thì tuỳ bản chất: 235U, 233U, 239Pu… hay trạng thái vật lý: đặt (kim loai, oxyde, carbure) cháy, hòa tan..

Ví dụ với mỗi chất ta có 3 đến  5 yếu tố, một bài tính tổ hợp đơn sơ (5x5x3x4) cho ta ít nhất là 300 kiểu lò !

Lò thế hệ Ι gồm có những lò như Shippingport (Mỹ), Magnox (Anh) hay UNGG (Pháp). Phần lớn các lò này đã hoặc đang được tháo gỡ.

Lò thế hệ  II gồm các kiểu lò PWR ( Pressurized Water Reactor) và BWR (Boiled Water Reactor) (Âu, Mỹ ,Nhật ), VVER và RBMK (Nga ), Candu nước nặng (Canada, Ấn Độ).

            Sở dĩ lò thế hệ II PWR được thông dụng nhất trên thế giới (75%) là nhờ ở chiếc tàu ngầm Nautilus của Mỹ áp dụng thành công kỹ thuật này lúc sơ khởi, năm 1954.

Trên nguyên tắc, có nhiều kiểu lò khác, kinh tế và an toàn hơn, nhưng vì sợ mất thì giờ và phí tiền để nghiên cứu, nên  công nghệ PWR may mắn được tiếp tục phổ biến rộng rãi trên thị trường. Bằng chứng là một hai kiểu lò thế hệ IV đã được chú ý từ mấy chục năm nay.

 Các lò chuyển tiếp thế hệ III ,với nước áp lực, như EPR (European Pressurized Reactor) 1600MW và với nước sôi như SWR 1000-1250 MW (có thiết bị an toàn thụ động) được Pháp và Đức chung sức nghiên  cứu từ trên 12 năm nay, sẽ có hiệu suất và mức độ an toàn cao. Giá thành kWh, trên nguyên tắc, sẽ hạ vì thời gian xây cất và tu bổ (kể cả  việc thay nhiên liệu) được rút ngắn. Trái lại thời gian vận hành sẽ kéo dài 60 năm. Các lò thế hệ III, tuy chưa ra đời, đã được nhiều chuyên gia xem như đã lỗi thời vì cùng một kỹ thuật với các lò PWR . Đến nay, chỉ có Phần Lan đã quyết định sẽ xây cất 1 lò EPR và EDF (Electricité de France) sẽ có khả năng đặt mua nhiều lò EPR để lần lượt thay thế các lò PWR đến tuổi phải ngưng vận hành.

 

Lò thế hệ IV

Lò thế hệ IV đang được 10 nước chung sức nghiên cứu trong khuôn khổ Forum International Generation (GIF), do Mỹ đề xướng từ năm 2000. Các nước ấy là: Mỹ, Argentine, Brésil, Canada, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Nam Phi, Thuỵ Sĩ, Anh.

6 kiểu lò đã được lựa chọn trong số 120 hệ thống kĩ thuật được các nước đề nghị:

1.      Lò SFR (Sodium Fast Reactor).

2.      Lò LFR (Lead or Lead/Bismuth Fast Reactor).

3.      Lò SCWR (Supercritical Cooled Water Reactor).

4.      Lò MSR (Molten Salt Reactor).

5.      Lò GCFR (Gaz Cooled Fast Reactor).

6.      Lò VHTR (Very Hight Temperature Reactor).

Ngoại trừ lò VHTR và lò SCWR, 4 (5) kiểu lò kia có chu trình kín, nghĩa là phải có khả năng đốt cháy phần lớn chất thải phóng xạ để hạn chế việc xử lý nhiên liệu .

Khác với các lò thế hệ trước, với các lò thế hệ IV, chu kỳ nhiên liệu rất phức tạp, phải được định nghĩa ngay từ lúc đầu . Bốn tiêu chuẩn chính phải được tôn trọng là :

-Tiết kiệm tài nguyên.

-Tiết kiệm về chu kỳ nhiên liệu.

-Hạn chế chất thải phóng xạ.

-Hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử.

 Vì đang còn trong thời kỳ phôi thai, phần lớn các lò này, trên lý thuyết, an toàn hơn, nhưng chưa thể xuất hiện trên thị trường trước 2035-2040.

 

 

Nước nghiên cứu và phát triển

No tron

Nhiệt độ ra (độ C)

Nhiên liệu

1

SFR

Nhật, Mỹ, Pháp, Anh

Nhanh

520-550

U- Pu Zr, oxyde U-Pu (Nitrure U-Pu)

2

LFR

Nhật, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ

Nhanh

550-800

Nitrure U-Pu

3

SCWR

Canada, Nhật, Mỹ

Nhiệt/Nhanh

620

Oxyde U (UOX) Oxyde U-Pu (MOX)

4

MSR

Pháp

Nhiệt

700

Muối chảy

5

GCFR

Nhật, Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Sĩ

Nhanh

850

Carbure U-Pu

Nitrure-Pu

6

VHTR

Nhật, Mỹ, Pháp, Anh, Nam Phi, Cộng đồng Châu Âu

Nhiệt

950-1100

Oxyde carbure U

 

Nhiều chuyên gia Châu Âu trong hệ thống MICANET và HTR-TN, chú trọng về nghiên cứu, cũng góp phần hợp tác với chương trình GIF này. Có công nghiệp nào bắt ta phải đợi ba bốn chục năm sau mới được giao máy móc mà cũng không hứa hẹn là sẽ chạy tốt và rẻ không? Ngay như ở Mỹ, cũng có nhiều chuyên gia đề nghị tiếp tục sử dụng lò thế hệ II vì đã có kinh nghiệm, còn hơn là chờ đợi lò thế hệ IV, chưa có thể bảo đảm về an toàn cũng như kinh tế ! (Về sác xuất xảy ra sự cố, bài tính rất phức tạp, một phần cũng vì trình độ nhân viên khai thác, tùy nước, có ảnh hưởng khác nhau. Đem so sánh với rủi ro tai nạn máy bay hay xe cộ xảy ra chẳng hạn cũng không thiết thực, vì hậu quả do ĐHN gây ra thảm hại hơn nhiều). Các bạn nghĩ sao nếu Mercedes, Honda hay Renault hứa hẹn với khách hàng một kiểu xe tân tiến, nhưng chỉ con cháu họ mới mua được vì còn ở giai đoạn nghiên cứu? Phải chăng là những nhóm áp lực (lobby) của một số nước giàu mạnh muốn duy trì ảnh hưởng và địa vị của ĐHN trên thế giới, không muốn có sự cạnh tranh của Năng lượng tái tạo ?

Vì lỡ đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ USD cho lĩnh vực này, nên họ không có can đảm rút lui, mặc dù thị trường ĐHN đã trở nên lu mờ và thiếu triển vọng (trừ một số nước Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, vì nhu cầu quá lớn, không chuyển hướng ngay được và cũng vì họ cần thêm kinh nghiệm cho việc chế tạo vũ khí nguyên tử ?)

 

Xử lý nhiên liệu và lưu giữ chất thải phóng xạ (nhược điểm lớn nhất của ĐHN)

Tôi xin nhắc lại đây vài chi tiết trình bày trong các bài về ĐHN đã viết.

Mỗi năm, một lò PWR 1000 MW (với nhiên liệu 238U + 3,5% 235U) có thể sản xuất 6 -7 tỷ kWh và sinh ra khoảng 21 tấn nhiên liệu phóng xạ. Khối lượng này gồm có 20 tấn U (0,9% 235U), 200 – (330) kg Pu, 21 kg Actinides nhỏ (10 kg 237Np + 10 kg 241Am + 1 kg 244Cm) và 1183 kg sản phẩm phân rã (có 80 kg hoạt tính cao với đời sống dài).

Lúc đầu, xử lý nhiên liệu hạt nhân chủ yếu là để lấy Pu (Plutonium) cho quân đội. Sau đó Pu được trích ra để dùng trong các lò siêu phản ứng như Phénix (250 MW) và Superphénix (1250 MW) của Pháp. (Chính phủ Pháp đã ra lệnh đóng cửa Superphénix năm 1998, vì nhà máy rất nguy hiểm, bị trục trặc liên tiếp làm tốn hao gần 10 tỷ USD !)

 Phương pháp dùng PuO2, ở nhiên liệu phóng xạ trích ra, trộn với UO2 thành nhiên liệu MOX (Mixed Oxide Fuel) cho những lò PWR, sự thật không có lợi gì lắm về phương diện kinh tế cũng như môi trường. Vì vậy nên nhiều nước đã bỏ phương pháp này. Điều đáng lo ngại (vì sợ bọn khủng bố) là nhiều lúc phải chuyên chở nhiên liệu phóng xạ và Pu từ tỉnh này sang tỉnh khác hoặc ra ngoại quốc.

 Ví dụ sau đây cho ta thấy tính cách vô cùng nguy hiểm của công nghiệp hạt nhân, đòi hỏi một giá quá cao, chưa kể vấn đề an ninh xã hội. Theo hiệp ước Start I và Start II (1991- 1993) giữa Mỹ và Liên Xô, về việc tước vũ khí nguyên tử, hai nước này đã thoả thuận (năm 2000) tìm cách giảm bớt mỗi bên 34 tấn Pu quân đội. Vì vậy Mỹ quyết định giao cho Areva của Pháp dùng Pu này để chế tạo 4 tập hợp nhiên liệu MOX cho lò ĐHN của Mỹ . Hai chiếc tàu (giống nhau, 100 m X 15 m, để đánh lừa quân khủng bố) Pacific-Teal  và Pacific- Pintail, với nhiều lính tráng và vũ khí, đã chở 140 kg Pu, từ hai cảng quân sự Charleston (Mỹ) đến Cherbourg (Pháp) ngày 6-10-04. Có cả vệ tinh theo dõi để bảo vệ !

Tổ chức Greenpeace (xem Pu này như chất thải phóng xạ chứ không phải nhiên liệu) đã bố trí phản đối mạnh. Trên đất Pháp, đoàn xe dưới sự bảo vệ của quân đội, sẽ chở Pu của Mỹ từ Cherbourg đến La Hague (trạm kĩ thuật) trước khi tiếp tục cuộc hành trình gần 1200 cây số đến Cadarache ngày 9/10/2004 (giá thành kWh như thế làm sao kinh tế ?).

 140 kg Pu này (đủ để chế tạo 20 quả bom nguyên tử) không có nghĩa lý gì so với con số 1 triệu kg (1000 tấn!) Pu (quân đội và dân sự lẫn lộn) đang được tích trữ trên thế giới từ năm 1995, chủ yếu là ở Nga và ở Mỹ. Số lượng này, mỗi ngày một tăng, phần lớn vì các lò ĐHN! Đó là món quà dộc hại của một số cường quốc tặng cho nhân loại, chưa kể Uranium giàu do các máy ly tâm được TS Abdul Khan (Pakistan) phổ biến kín đáo đó đây!

Từ lâu, cơ xưởng La Hague mang tiếng “thùng rác hạt nhân” của Pháp, đã nhận xử lý nhiên liệu phóng xạ của nhiều nước như Nhật, Đức, Bỉ... Ngày nay tìm một nước như Pháp lúc trước, phụ trách việc xử lý nhiên liệu cho các nước khác và đồng thời phải tìm vài địa điểm để tập trung chôn vùi chất thải phóng xạ, dưới sự kiểm tra quốc tế, không phải là chuyện dễ. Đề nghị này của một vài nước, có tính cách lý thuyết, sẽ khó thực hiện được.

         Ngoại trừ Pháp, phần lớn các nước áp dụng chu trình mở, nghĩa là không thực hiện khâu xử lý nhiên liệu hạt nhân, rất phức tạp và tốn kém.

Chất thải phóng xạ gồm có hai thành phần chính:

·        Những nguyên tố TRU - TRansUraniens (Pu, N Neptunium, Am Americium  vv..) chiếm 1,1% nhiên liệu đã đốt, với chất độc phóng xạ có hiệu lực hàng triệu năm.

·        Những mảnh phân rã chiếm 4% nhiên liệu đã đốt với chất độc phóng xạ kéo dài 200-300 năm.

Với hệ thống lai ADS (Accelerator Driven System) của giải thưởng Nobel Carlo Rubbia và những thí nghiệm liên hệ FEAT (First Energy Amplifier Test) và TARC (Transmutation by Adiabatic Resonance Crossing), các nhà khoa học tìm cách loại bỏ trên 99,9% những nguyên tố TRU và trên 95% những mảnh phân rã có đời sống dài. Vì một số lý do kỹ thuật và kinh tế, nhiều công ty điện lực như EDF, không hưởng ứng hệ thống ADS này.

Sự thiêu đốt và/hay chuyển vị (transmutation) nguyên tử có những quá trình hết sức lâu và vô cùng phức tạp. Không thể chuyển vị nguyên tử những sản phẩm phân rã có đời sống trung bình như 137Cs (Cesium ) và 90Sr (Strontium)

Về việc lư­u giữ chất thải phóng xạ, điểm yếu lớn nhất của ĐHN, sau nửa thế kỷ, khoa học và kỹ thuật vẫn chư­a tìm ra lối thoát. Không có nư­ớc nào dám tuyên bố sẽ thành công trong t­ương lai gần hay xa (hàng chục năm hay thế kỷ). Giải pháp “tạm thời” rất tốn kém, tóm tắt là thủy tinh hóa chất thải, rồi tạm chôn sâu vào lòng đất có đất sét hoặc muối, với hy vọng một ngày kia khoa học sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề !

 

Tháo gỡ nhà máy ĐHN!

            Tháo gỡ nhà máy ĐHN hết sức phức tạp và nguy hiểm vì chất phóng xạ. Cũng vì thế mà EDF phải hợp tác với CEA, COGEMA, ANDRA để tổ chức một trường chuyên dạy phương pháp tháo gỡ ! Sau khi nhà máy thôi vận hành, phải đợi từ 25 đến 50 năm. Kinh phí cần thiết rất lớn.  Năm 2001/2002 có 26 nước (trong đó 17 nước thuộc tổ chức OCDE) đã hợp tác nghiên cứu chiến lược tháo gỡ, dưới sự phối hợp của cơ quan nguyên tử AEN. Giá tháo gỡ trung bình ở dưới mức 500 USD/ kW .Con số 15% tiền đầu tư thường được đưa ra có thể cao hơn nhiều. Tháo gỡ một nhà máy PWR 1000 MW, trị giá 2 tỷ USD, cần ít nhất 300 triệu USD! EDF đang lần lượt để dành 20 tỷ USD cho khâu tháo gỡ. Nước Anh đã dự trù từ nay đến 2140 một ngân khoản lên đến 72 tỷ USD, chỉ riêng cho các lò của những công ty tư nhân. Làm một nhà máy ĐHN tức là kẹt gần một thế kỷ, chưa kể các vấn đề tài chính và kỹ thuật liên hệ đến khâu xử lý nhiên liệu và nhất là khâu lưu giữ chất thải phóng xạ.

 

ĐHN không kinh tế

Đứng về phương diện kinh tế, kinh phí đầu tư một nhà máy ĐHN rất cao, so với các nhà máy chạy bằng than hay khí ( và dầu ). Giá thành kWh ở Châu Âu  không rẻ như người ta tưởng. Ở Pháp, vì nhiều nhà máy được xây cất  một loạt, cùng một kiểu lò, trong một  thời gian ngắn, nên giá tương đối rẻ hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, nếu kể tỉ mỉ tất cả những chi phí từ khâu nghiên cứu sưu tầm (thường không tính hết vì có sự hợp tác giữa các cơ quan dân sự và quốc phòng), xử lý nhiên liệu, tháo gỡ, lưu giữ chất thải phóng xạ, bảo hiểm an toàn v v..., thì ĐHN không kinh tế, nhất là đối với những nước đang phát triển, còn thiếu rất nhiều điều kiện về khoa học kỹ thuật cũng như nhân viên chuyên môn.

 

Nhà máy ở Châu Âu

Kinh phí đầu tư

USD/kW

Giá thành

cUSD/kWh

Thời gian xây dựng

Nãm

Khí

Than

DHN

400   -  800

    900 - 1300

1500 - 2000

3 - 4,5

    4 - 5

3 - 3,5

2 - 3

3 - 4

5 - 6

 

Riêng ở Mỹ, giá thành ĐHN cao hơn điện chạy bằng than hay khí 60% !                                   

 

Nhà máy ở Mỹ ( vận hành 40 năm )

cUSD/kWh

Khí (giá hạ )

3,8

Khí (giá trung bình )

4,1

Than

4,2

ĐHN

6,7

 

Sự cố vừa qua ở Nhật

            Trong ngày kỷ niệm (9/08/2004) thành phố Nagasaki bị Mỹ dội bom nguyên tử năm 1945, làm 75.000 dân tử nạn, một sự cố quan trọng đã xảy ra tại lò PWR số 3 (825 MW) của nhà máy Mihama, tỉnh Fukui, cách Tokyo 320 km về phía Tây.

            Tai nạn được xem như lớn nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực hạt nhân của Nhật vì có 5 người thiệt mạng và 6 người bị thương.

            Chủ tịch công ty KEPCO (Kansai Electric Power Co), nhìn nhận trách nhiệm, đã xin lỗi dân chúng và gia đình các nạn nhân. Cũng rất may là không có phóng xạ thải ra vì đường ống bị nổ (đường kính 60 cm – chiều dày 10 mm), cạnh tuabin, không thuộc chu trình sơ cấp. Nhà máy Mihama hoạt động từ 1976 ; trong 28 năm trời, đường ống này chưa hề được kiểm tra, nên chiều dày bị ăn mòn, chỉ còn 1,4 mm, dưới độ an toàn (4,7 mm) mà chẳng ai để ý ! Nếu theo nguyên tắc, cứ 10 năm kiểm tra 1/4 thiết bị, thì phải đợi 40 năm mới xong chương trình.

            Một tai nạn tương tự cũng đã xảy ra năm 1986 ở Mỹ tại nhà máy Surry ( Virginie) làm 4 người tử thương.

            Trong thời gian qua, Nhật là nước đã gặp liên tiếp nhiều sự cố nhất trên thế giới, từ lò nơ tron nhanh Monju, đến nhà máy xử lý nhiên liệu Tokaimura làm 2 người chết vì phóng xạ (1999).

            Năm 1991, một đoạn ống của lò số 2 nhà máy Mihama  cũng bị vỡ, làm thoát ra 55 tấn nước nhiễm phóng xạ !

            Năm 2003, công ty TEPCO (Tokyo Electric Power Co), lớn nhất của Nhật, đã bắt buộc phải tạm ngưng hoạt động một loạt 17 lò vì có sự dối trá trong  các tài liệu về an toàn.

            Năm 1999, sau khi thăm viếng các nhà máy ĐHN của Nhật, một nhóm chuyên gia Đức đã tuyên bố hết sức ngạc nhiên về những trang bị thiếu an toàn và cách áp dụng bừa bãi những tiêu chuẩn k thuật của một nước có công nghiệp mạnh như vậy !

            Đừng quên rằng tỷ lệ ĐHN của Nhật đã lên quá 25% với 52 lò, sản xuất mỗi năm trên 300 tỷ kWh, được xếp vào hàng số 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Pháp. Một phần ba số lò trên đã hoạt động được 25 năm.

            Cũng như một số nước Âu, Mỹ khác, Nhật muốn gia hạn thời gian vận hành của các nhà máy ĐHN lên 40,50, hoặc nếu có thể, 60 năm ! Điều này rất nguy hiểm vì lúc thiết kế, phần lớn các công ty dự định cho hoạt động 30 năm thôi. Mặc dù phải tu bổ cẩn thận trước khi được phép gia hạn, nhưng không thể nào thay thế tất cả những bộ phận của nhà máy được.  Việc mở cửa thị trường điện lực, sự cạnh tranh về giá thành kWh, sự ham lợi của những công ty tư nhân, sự tiết kiệm nhân công kiểm tra ; dần dần sẽ làm giảm mức độ an toàn trong việc khai thác và quản trị những nhà máy ĐHN. Trong chớp nhoáng, một vài tai biến xảy ra có thể làm sụp đổ cả công nghiệp hạt nhân, hết sức mỏng manh.

            Trong một nhà máy có hàng chục, hàng trăm km dây điện, ống nước, đủ thứ  dụng cụ, người ta sợ hạt nhân ít mà lo cho nhân viên thiếu trình độ kỹ thuật, thiếu bình tĩnh thì nhiều. Sự cố vừa qua ở Nhật đă làm lung lay thêm sự tin tưởng của dân chúng cũng như của chính phủ. Từ hai tháng nay, ngày nào báo chí cũng lên tiếng, hòa âm với những tổ chức như CNIC (Citizen’s  Nuclear Information Center) đặt nhiều câu hỏi, tìm hiểu gốc cội, tại sao có những tai nạn liên tiếp ? Những qui định, chỉ thị của chính phủ sẽ được áp dụng một cách nghiêm khắc hơn (Tất cả các nhà máy ĐHN đều phải được kiểm tra lại, trong đó những nhà máy của KEPCO phải tạm ngưng hoạt động) và những công ty sẽ không dám che dấu sự thật như trước nữa. (Tiện đây cho phép tôi nhắc lại – và xin miễn phê binh – lời tuyên bố của ông Kazuki Hamachi, người dẫn đầu diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản ở cuộc triễn lãm ĐHN ở Hà Nội tháng 05 vua qua : « không cần quá lo ngại về chất thải phóng xạ hoạt độ cao, bởi trong 70 năm, lượng chất thải này từ nhà máy điện hạt nhân chỉ lớn bằng một nắm tay ! » theo Vnexpress 24/05/2004).

Chương trình và chiến lược dài hạng về ĐHN của Nhật có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn. Ủy ban năng lượng nguyên tử nước này (Atomic Energy Commission) đang ở trong một trình trạng khó xử vì chưa nhất trí được một số vấn đề trọng yếu, như việc xử lý nhiên liệu chất thải phóng xạ.

            Theo bài phân tích kinh tế mới nhất của cơ quan nói trên, giá thành mỗi kWh, không xử lý nhiên liệu, là 0,9 yên thay vì 1,6 yên nếu xử lý, có nghĩa là giải pháp xử lý đắt hơn 80% !  Dù sao khả năng của những cơ xưởng xử lý như Rokkashomura (sắp mở cửa) cũng bị giới hạn vào năm 2016. Mà nếu không xử lý thì chẳng có tỉnh nào tình nguyện cho phép chôn chất thải phóng xạ cả.

 

Việt Nam và vũ khí nguyên tử

 Bị nghi ngờ, nên Việt Nam nằm trong danh sách của 44 nước trên thế giới được ghi trong hiệp ước cấm thử vũ khí nguyên tử (CTBT).

Tôi không đủ tư cách để đề cập vấn đề chính trị. Đứng về phương diện khoa học và kỹ thuật, theo tôi có thể có 3 lý do sau đây :

      - Ở Đà Lạt ta có lò phản ứng TRIGA (Training, Research, Isotop Production, General Atomic) từ năm 1963 do Mỹ trở giúp xây dựng. Với mục đích chỉ để nghiên cứu và đào tạo, nên kiểu lò phản ứng nhỏ này (nơ tron nóng) hết sức an toàn một cách thực chất, dễ khai thác so với những lò ĐHN có công suất  lớn hơn 2000 lần. Công suất nhiệt, lúc sơ khởi của lò TRIGA, chỉ có 250 kW. Năm 1984 Liên Xô giúp ta khôi phục và công suất nhiệt lên đến 500 kW.

      -Viện nghiên cứu hạt nhân Đà lạt từ 20 năm nay đã đào tạo được khoảng 150 cán bộ kỹ thuật có trình độ, bảo đảm vận hành lò an toàn và triển khai ứng dụng có kết quả, đồng thời cũng đã sản sinh ra 50 công trình khoa hoc, đã được công bố trên các tập chí quốc tế (xem bài của GS Phạm Duy Hiển: «Hai mươi năm lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt », www.tailieu.thoidai.org).

      - Nguồn năng lượng thiên nhiên ta (dầu, khí, than, thủy  điện) còn dồi dào mà Viện Năng Lượng Nguyên Tử lại tuyên bố sẽ xây cất nhà máy ĐHN với hai lò 1000 MW ở Ninh Thuận năm 2017-2020.

 

Tuy không bắt buộc, phần lớn các nước muốn chế tạo bom nguyên tử đều bắt đầu từ chương trình ĐHN, như vậy để có sự hợp tác quốc tế công khai về mặt kỹ thuật cũng như tài chính; nên ta bị nghi ngờ là chuyện tất nhiên (bom nguyên tử cần một khối lượng tới hạng từ 5 đến 7 kg Pu, tùy theo trạng thái kim loại hay PuO2 – mỗi lò PWR 1000 MW có thể cho một năm 200 kg Pu).

            Trong báo cáo năm 1995 trình ông Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc về vấn đề tăng trưởng quá mức của vũ khí nguyên tử, Jacques Attali, nguyên Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mitterand và Chủ tịch một ngân hàng ở Londres, đã long trọng đề nghị nên hạn chế việc xây cất nhà máy ĐHN ở một số nước trên thế giới. Một trong những lý do nêu ra là vì cơ quan nguyên tử quốc tế IAEA thiếu quyền hạn và điều kiện thanh tra chu đáo.

            Điều hết sức mâu thuẫn là các cường quốc, tuy muốn hạn chế sự lan rộng vũ khí nguyên tử, nhưng vẫn tiếp tục xuất khẩu lò hạt nhân, để duy trì công nghiệp này và thu lợi, bất kể hậu quả có thể tai hại cho các nước nghèo và hòa bình thế giới.

            Điều đáng lo ngại khác là 90% vũ khí buôn bán trên thị trường quốc tế được sản xuất ở tại 5 cường quốc toàn là uỷ viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc !

Từ năm 1976, Mỹ, Pháp, Đức đã chiếm trên 80% thị trường công nghiệp hạt nhân, Nga 15%. Vài nước như Canada, Anh, Nhật cũng đã gặt hái được nhiều hợp đồng béo bở. Rất nhiều thỏa ước hợp tác về hạt nhân đã được kí kết như:

- Mỹ với Israel, Irak (1974).

- Pháp với Irak, Iran (1975), Ai Cập (1978), Ấn Độ (1982).

- Đức với Brésil(1975).

(Irak, Iran thừa dầu mỏ thì làm nhà máy ĐHN để làm gì? )

Vì lí do chính trị, Mỹ nhiều khi phải tránh ra mặt công khai, nên giao dịch qua hai nước Pháp (với giấy phép sáng chế Westinghouse) và Đức chẳng hạn. Đó là một trong những mặt dối trá của công nghiệp hạt nhân, không riêng gì cho nước Mỹ.

Iran đã cho Pháp mượn 1 tỷ USD đầu tư vào xưởng Eurodif sản xuất Uranium giàu, để có nhiên liệu cho 20 lò được dự trù trong chường trình ĐHN mà vua (cũ) nước này mơ ước từ lâu.

Nhiều nước núp sau hạt nhân dân sự hoà bình (Atome for Peace, khẩu hiệu của Mỹ) để chế tạo âm thầm hay công khai vũ khí nguyên tử. Ta nên nhớ rằng những cuộc chiến tranh gần đây đều nặng mùi dầu mỏ và đã diễn ra ở một vùng giàu nhất về nhiên liệu này:

-Israel  – Ai Cập –Syrie  (Kippour 1973- cơn khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên).

-Iran- Irak (1979-1980 – cơn khủng hoảng đầu mỏ thứ hai).

-Koweit - Irak- Mỹ (1990).

-Mỹ - Irak (2003).

Trong tương lai nên trách những cuộc chiến tranh khủng khiếp hơn vì nhiên liệu hạt nhân..!

 

Con đường bế tắc của ĐHN

            Chẳng lẽ các nước nghèo phải tình nguyện xây cất hàng trăm, hàng ngàn lò ĐHN để tiêu thụ nhiên liệu MOX, giúp cho Nga, Mĩ nhẹ bớt gánh nặng Pu, không biết cất đâu cho an toàn? Năm 1993, General Atomics (Mỹ) và Minatom (Nga) đã chung sức nghiên cứu lò nhiệt độ cao GT-MHR. Năm 1994, sau hiệp ước thỏa thuận việc ngưng sản xuất Pu cho quân đội và hạ mức lưu giữ chất Pu, Mỹ và Nga lúc bấy giờ đồng ý nghiên cứu lò nhiệt độ cao để sử dụng hàng trăm tấn Pu có thừa! Fuji Electric (Nhật), cũng tham gia vào chương trình, với mục đích chung là để bán cho các nước đang phát triển ! Nếu Areva Pháp, với 140 kg phải cần 4 tháng để chế tạo nhiên liệu MOX, thì với trên 1000 tấn Pu hiện có, phải ít nhất là 20 thế kỉ! (trong lĩnh vực hạt nhân, dùng đơn vị thời gian lớn như thế là phải, để ta đừng quên rằng chu kì giảm một nửa phóng xạ của Pu là 240 thế kỷ!. Cũng vì thế mà Mỹ đã cùng Areva thành lập một công ty tổ hợp DCS (Duke-Cogema-Stone Webster) để nghiên cứu việc xây cất ở Savannah River trong năm tới một xưởng Mỹ DEMOX. Nga cũng  sẽ có xưởng CHEMOX để loại trừ bớt Pu.

            Các nước nghèo, sau khi xử lí nhiên liệu, có thể tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử (mặc dù dân chúng đói rách, trường hợp này đã xảy ra !). Với lý do gì các cường quốc cấm họ? Iran đang kín đáo phản đối.  Chạy vòng quanh (gọi là chu kỳ kín) – quân đội và dân sự lẫn lộn – nhưng rút cuộc, chất thải phóng xạ tuy bớt đi, mà vẫn còn đó!  Nhiên liệu Uranium sẽ khan hiếm  (điều hiển nhiên), nếu nước nào cũng sẽ tự hào có lò ĐHN, và chiến tranh nguyên tử (thay cho chiến tranh dầu mỏ) khó tránh khỏi. Các lò ĐHN, mục tiêu lý tưởng, sẽ được dội bom trước.  Nói một cách khác, khi hòa bình bị lung lay, có lò ĐHN chẳng khác nào như chứa bom nguyên tử trong nhà!

            Giá một thùng dầu càng cao (vừa mới vượt lên mức 55 USD), công nghiệp ĐHN càng mừng. Vì quyền lợi riêng của mình, nước Mỹ, với số lượng dầu mỏ dự trữ quan trọng của họ -Strategic Petroleum Reserve (SPR), có khả năng lên đến 700 triệu thùng – có thể làm giá dầu hạ xuống bằng cách đổ vào thị trường mỗi ngày 4 triệu thùng  (ba tháng tối đa và sau đó 1,8 triệu thùng), tức 50% mức sản xuất của Arabie Saoudite. Trên thế giới không có nước nào có thể làm hạ giá nhiên liệu hạt nhân nhanh chóng như thế, nên cơn khủng hoảng, nếu xảy ra, sẽ tai hại cho hòa bình thế giới..

            Làm ĐHN là khiêu khích tạo hóa. Với những lò hiện nay áp dụng hiện tượng phân rã hạt nhân (1g uranium tương đương với 3 tấn than), các chuyên gia đã bắt chước lò thiên nhiên của tạo hoá trong lòng quả đất (lý thuyết này còn đang được tranh luận trong giới khoa học). Mặt khác, theo đuổi các công trình nghiên cứu Điện nhiệt hạch hạt nhân (1g nhiên liệu tương đương với 45 thùng dầu) như lò nhiệt hạch thiên nhiên của mặt trời, mà không có gì bảo đảm kết quả, thì thật là phí thì giờ (hàng nửa thế kỷ) và tiền bạc (hàng chục tỷ USD). Dự án ITER (Intenational Thermonuclear Exprerimental Reactor) cần ít nhất 12 tỷ USD nữa cho 30 năm tới. Phải đợi đến gần cuối thế kỷ 21 này mới biết có thể sử dụng điện nhiệt hạch hạt nhân hay không! Đến chân trời xa vời này, thì năng lượng tái tạo (NLTT) đã trưởng thành và kinh tế từ lâu (2030). Theo cá nhân tôi, thế giới đang đi vào một con đường bế tắc hết sức nguy hiểm. ĐHN không phải là lời giải cho bài toán năng lượng và hòa bình của nhân loại và đặc biệt cho các nước như ta. Lời giải phù hợp cho năng lượng nước ta phải là Năng lượng tái tạo, như tôi vừa trình bày trong bài đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn. Ta không nên mặc cảm: không đi vào con đường Điện hạt nhân không phải là ta “không có đầu óc thông minh”, ngược lại, tôi tin rằng người Việt Nam ta vốn không “nhẹ dạ, cả tin”, không “lên gân làm oai”, đủ tri thức để biết chọn con đường phát triển vững chắc, đồng thời tránh được “khuynh gia bại sản”, và hậu quả tai hại cho con cháu.

                                                                       Grenoble, 16/ 10/ 2004

Danh sách các bài về Điện hạt nhân của tác giả

(Được đăng ở www.tailieu.thoidai.org)

 

1.        Tại sao Việt Nam nên thận trọng với Điện hạt nhân – Đoàn kết Paris số 490, tháng 6/2003.

2.        Anh Nguyễn Khắc Nhẫn trả lời một số câu hỏi về Điện hạt nhân ở Việt Nam – Đoàn kết Paris số 491, tháng 10/2003.

3.        Về Điện hạt nhân ở Việt Nam – Đoàn kết Paris số 492-493, tháng 1/2004; Hồn Việt, tháng  5/2004.

4.        Tại sao chưa nên làm Điện hạt nhân ở Việt Nam – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 18, ngày 29/04/2004 và số 19, ngày 6 /05/2004.

5.        Đất nước ta chưa cần Điện hạt nhân – www.tailieu.thoidai.org ngày 1/05/2004.

6.        Điện hạt nhân không kinh tế mà còn nguy hiểm cho đất nước – Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 22, ngày 27/05/2004 ; Điễn đàn Paris số 142, tháng 7/2004 ; Đoàn kết Paris số 496, tháng 10/2004.

7.        Điện hạt nhân : nên dè dặt đối với những luận điệu tuyên truyền của ngoại quốc – Người lao động, ngày 15/07/2004.

8.        Năng lượng tái tạo thay vì Điện hạt nhân. Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 7/10/2004 và 14/10/2004.

 

Hai tài liệu khác của tác giả liên quan đến vấn đề năng lượng của nước nhà :

·        Outils de prévision et de gestion de la demande. Le cas spécifique de l’électricité. Séminaire franco-vietnamien  sur la planification énergétique – Hanoi, 26-30/03/1990.

·        L’hydroélectricité au VietNam (en collaboration avec Nguyễn Trần Thế et Michel Ho Ta Khanh). Revue de l’Energie Paris số 546, tháng 05/2003. Đoàn kết Paris số 494, tháng 3/2004.

             

TS Nguyễn Khắc Nhẫn,

Nguyên Cố vấn Nha kinh tế, d báo, chiến lược EDF Paris,

             GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble,

             GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble.

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    L