Quy trình đánh giá tác động môi trường và dự án bauxite Tây Nguyên

Vietsciences- Nguyễn Đức Hiệp          05/06/2009

 

Những bài cùng tác giả
 

Bài này nội dung chủ yếu nói về quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thẩm định tác động môi trường trên cơ sở phát triển bền vững, đồng thời cũng bàn về Luật bảo vệ môi trường Việt Nam 2005 và những gì có liên quan đến trường hợp dự án bauxite Tây nguyên. Chúng tôi sẽ không đề cập đến vấn đề đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), vì đây thuộc về chính sách qui hoạch, nhưng một vài nguyên tắc cho phép đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cũng có thể được áp dụng vào việc đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC).

Quá trình hoạch định dự án và đánh giá tác động môi trường (ĐTM)

Hoạch định một dự án mới, hay nâng cấp một cơ sở sản xuất, đều phải thông qua qui định về đánh giá tác động môi trường.

ĐTM  là một phương tiện cho ta thấy toàn cảnh ảnh hưởng của dự án vào môi trường sống, và là cơ chế bảo đảm cho sự đồng thuận của các bên được thực hiện nghiêm túc, từ đầu cho đến lúc kết thúc hoạt động sản xuất của công trình.

Sau phong trào môi sinh trong thập niên 1960, hệ thống quá trình đánh giá tác động môi trường được dùng đầu tiên năm 1969 ở Mỹ trong bộ luật Chính sách môi trường quốc gia (National Environmental Policy Act, NEPA), ở các tiểu bang Úc từ năm 1979, ở Liên hiệp Âu châu từ năm 1985, ở Trung Quốc năm 2002, ở Việt Nam năm 2005, và ở nhiều nước khác.

 

Quá trình đánh giá tác động môi trường dựa vào những nguyên tắc cơ bản sau đây:

  • sự tham gia (participation) : có sự tham gia của tất cả các tác nhân/tổ chức có liên quan, trong đó có đại diện cộng đồng cư dân địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp hay/và những dân tộc bản địa mà nền văn hóa, hay đời sống tâm linh của họ bị đe doạ.
  • tính chất công khai và trong suốt (transparency) : Quá trình đánh giá tác động môi trường (ĐTM) qua các giai đoạn phải được giải thích và thông tin đầy đủ.
  • tính chất cụ thể và chắc chắn (certainty) : quá trình phải có mục đích rõ ràng, phù hợp, chặt chẽ (consistent), trong một hạn kỳ đã được sự đồng ý của các bên.
  • tính chất nghiêm ngặt và chính xác (rigour) : quá trình phải áp dụng những phương pháp khoa học, sủ dụng những kỹ thuật thích hợp với vấn đề đang quan tâm giải quyết.
  • trách nhiệm (accountibility) : những người quyết định trong chính phủ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ, lý do của quyết định cho tất cả các tác nhân, tổ chức liên quan. Để có hiệu quả, và như trong trường hợp không có sự đồng thuận, thì nên lập ra một cơ chế khiếu nại trong đó quyền quyết định phán xử là một bộ phận công quyền (bộ trưởng) hay tổ chức độc lập. Tổ chức hay nhân sự thực hiện dự án phải có trách nhiệm về những cam kết trong ĐTM.
  • tính chất chính trực (integrity) và đáng tin cậy (credibility) : Quyết định phải được dựa vào tất cả các thông tin, dữ kiện có được, và tất cả các yếu tố liên quan phải được xem xét không bỏ sót, và được thực hiện một cách chuyên nghiệp, khách quan, công tâm, không thiên vị, và được độc lập kiểm nhận.
  • tính hiệu quả (efficiency) và kinh tế (cost-effectiveness): quá trình nên thực hiện mục tiêu với ít tốn phí nhất cho các bên tham dự, các tác nhân liên quan và cộng đồng.
  • tính uyển chuyển (flexibility): Quá trình nên xem xét tất cả các đề nghị dưới đủ các dạng và các tác động khác nhau ... để tìm ra những giải pháp tối ưu và những quyết định đứng đắn, đạt được sự đồng thuận cao nhất.
  • tính chất liên ngành (interdiscipline) và tổng hợp (integration) :  quá trình phải bảo đảm các phương pháp thích hợp và chuyên sâu ở các lãnh vực vật lý, sinh học, kinh tế, xã hội, được dùng đúng ngành, kể cả dùng những kiến thức truyền thống của dân tộc bản địa.
  • tính thực tiễn (practicality) : quá trình cần ghi nhận những điều cộng đồng quan tâm, sử dụng công nghệ tốt nhất để giảm chất thải (best available control technology) và những bất định khoa học.
  • tính thận trọng (precaution): trong việc sử dụng các biện pháp chống lại tác hại vào môi trường của các tai hoạ có thể xảy đến.

Nguyên tắc thận trọng là nguyên tắc quan trọng trong quan niệm phát triển bền vững và được chấp nhận trong các chính sách và thao tác, trong lãnh vực phát triển và môi trường trên thế giới.

Bản báo cáo ĐTM, nếu không dựa vào ít nhất một vài nguyên tắc quan trọng kể trên, thì nó không hơn không kém chỉ là một "bằng giả" được chứng nhận qua sự thỏa hiệp giữa một người mua bằng để tiến thân và người phát bằng với hệ quả là thiệt hại chung cho toàn xã hội.

Để cho bản báo cáo ĐTM  có thực chất, đúng với quan niệm phát triển bền vững,và đạt được sự đồng thuận trong xã hội, các giai đoạn trong quá trình chung, mà nhiều nước đã áp dụng, sẽ được mô tả như sau. Dĩ nhiên về chi tiết hành chánh và quản trị, có chỗ khác nhau tùy theo từng nước, từng tiểu bang hay tỉnh, nhưng tựu trung, các nguyên tắc : tham gia, công khai, trong suốt, trách nhiệm,thận trọng đều phải được áp dụng.
 

Thẩm lọc và xác định phạm vi dự án (screening and scoping)

Cụ thể, bản báo cáo tác động môi trường phải được thao tác một cách khoa học và trong khuôn khổ của Luật môi trường và các luật khác. Điều 18 Luật môi trường Việt Nam 2005 có qui định các dự án phải lập báo cáo tác động môi trường.

Trong một dự án có khả năng tác động lớn lên môi trường, thì ít nhất trong giai đoạn đầu, cũng nên có sự tham khảo ý kiến của các tác nhân liên quan và các chuyên gia, để đi đến một đề nghị về ranh giới của dự án. 

Chính phủ, qua các cơ quan hữu trách như bộ môi trường-tài nguyên, hay sở tài nguyên-môi trường ở địa phương, có thể đặt thêm các điều kiện và tiêu chuẩn, tuỳ theo tình trạng cụ thể ở địa phương, như các điều kiện phải hoàn thổ, tái lập rừng, động thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học,v.v. 

Cơ quan có trách nhiệm thẩm định, ngoài các vấn đề kỹ thuật chuyên môn, còn phải xem xét kiểm tra xem kết quả của ĐTM có vi phạm các luật trong nước và quốc tế về môi trường đã được thông qua không : đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa, v.v. Trong trường hợp trong vùng có dự án mặc dù nhỏ nhưng gần ngay cạnh các địa điểm văn hóa, di sản thế giới, hay vườn quốc gia, thì phải có cơ quan của chính quyền trung ương tham gia.

Vì không thể biết chính xác tác động của dự án vào môi trường nên phải dùng tất cả những kiến thức, phương tiện khoa học có được, để tính toán, tiên đoán tác động của dự án lên môi trường. Một phương tiện để thực hiện sự tiên đoán trên là dùng mô hình toán, hóa lý, tài chính... Không thể nói chỉ khi làm rồi mới biết như lời phát biểu gần đây của một quan chức về dự án bauxite ở Tây Nguyên. Thí dụ mô hình tiên đoán nồng độ bụi, khí thải, phát ra từ nhà máy đến vùng dân cư chung quanh gần nhà máy có vuợt tiêu chuẩn quốc gia hay không, dùng những dữ kiện lượng khí thải, địa hình, khí tượng… hay dùng mô hình thủy văn để tính toán và tiên đoán mức an toàn của hồ chứa chất thải bùn đỏ qua trữ lượng, vũ lượng nước mưa cao nhất trong vùng, hệ thống thoát nước, độ bền của đất, đập ngăn,v.v. hay khả năng và nồng độ ô nhiễm lên mạch nước ngầm, hay các sông rạch trong vùng, hay lưu vực. Các biện pháp xử lý phòng ngừa sự cố, thẩm định rũi ro, giảm thiểu tác động vào môi trường sống, đều phải được nghiên cứu, tiên đoán và thực hiện khi thi hành dự án.

Tất cả những thao tác, tính toán, tiên đoán tác động của dự án lên môi trường và các biện pháp phòng ngừa hay giảm thiểu tác động kể trên phải được tường trình chi tiết trong bản báo cáo sơ khởi đánh giá tác động môi trường.
 

Thẩm định và thương lượng với chủ dự án và các tác nhân hay tổ chức liên quan

Bản nháp sơ khởi đánh giá tác động môi trường (ĐMT) sau đó sẽ được công bố cho công chúng và các tác nhân liên quan biết. Chủ dự án gởi bản báo cáo sơ khởi đến các tác nhân  liên quan và cơ quan hữu trách ở địa phương hay trung ương (như bộ hay sở môi trường). Cơ quan này có nhiệm vụ thông báo cho công chúng biết bằng mọi phương tiện thông tin, để mọi người đều có thể tham khảo trong khoảng thời gian được ấn định.

Sau khi nhận được tất cả các ý kiến, kể cả những ý kiến phản biện, từ công chúng, và các tác nhân liên quan, cơ quan hữu trách của nhà nước có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia để thẩm định bản sơ thảo báo cáo ĐMT. Bản sơ thảo báo cáo này có thể được bổ sung. Sau khi quyết định được thông báo và nếu không có sự phản đối , thì bản báo cáo ĐTM cuối cùng, sau khi đã được sửa đổi, sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện dự án. Bản báo cáo này sẽ được cơ quan hữu trách về phía nhà nước thông báo, trình bày với công chúng bằng mọi phương tiện thông tin. Nếu có sự phản đối, không đồng ý, của chủ dự án, hay của bất cứ tác nhân liên quan, tổ chức công chúng, hoặc cá nhân nào, thì có thể khiếu nại, kháng nghị lên bộ trưởng, và trong trường hợp không thi hành đúng luật, thì có thể khiếu nại đến một tổ chức trọng tài tư pháp độc lập để có quyết định sau cùng.

Cơ quan thẩm định ĐTM là cơ quan nhà nước, có trọng trách thực thi Luật môi trường. Trường hợp ở Việt Nam là Bộ tài nguyên và môi trường, hay Sở tài nguyên-môi trường của tỉnh hay của địa phương. Tuy nhiên người dân, hay các tổ chức dân sự, cũng có quyền theo dõi, giám sát, sau khi ĐTM đã được chấp thuận và đề án được thi hành sau đó. Bản ĐTM và giấy phép cấp cho chủ dự án với các điều kiện, là những hợp đồng mà chủ dự án cam kết với xã hội.
 

Giám sát, kiểm tra

Người trách nhiệm chính trong sự giám sát là cơ quan nhà nước trung ương hay địa phương, nhưng các công dân, tổ chức dân sự, cũng có quyền quan trắc và giám sát, theo dõi quá trình thực hiện, như bản báo cáo và cam kết tác động môi trường đề ra.
 

Đánh giá tác động môi trường trong luật bảo vệ môi trường Việt Nam 2005

Trong Luật bảo vệ môi trường năm 2005  của Việt Nam, phần đánh giá tác động môi trường có các điều khoản liên quan đến một số các nguyên tắc trên :

- Điều 20.8 (2005) Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) :

8. Ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã), đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án ; các ý kiến không tán thành việc đặt dự án tại địa phương, hoặc không tán thành đối với các giải pháp bảo vệ môi trường, phải được nêu rõ trong báo cáo ĐTM.

- Điều 21.6 (2005) Thẩm định báo cáo ĐTM :

6. Tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân, có quyền gửi yêu cầu, kiến nghị về bảo vệ môi trường đến cơ quan tổ chức việc thẩm định (điều khoản 7). Cơ quan tổ chức thẩm định có trách nhiệm xem xét các yêu cầu, kiến nghị đó, trước khi ra kết luận, quyết định. 

- Điều 23.1 (a)(b) (2005). Trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo ĐTM :

1. Chủ dự án có những trách nhiệm sau đây :

a) Báo cáo với Uỷ ban nhân dân, nơi thực hiện dự án, về nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM ;

b) Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án, các loại chất thải, công nghệ xử lý, thông số tiêu chuẩn về chất thải, các giải pháp bảo vệ môi trường để cộng đồng dân cư biết, kiểm tra, giám sát. 

- Điều 23.2 (a) (2005).

2. Cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM có trách nhiệm sau đây :

a) Thông báo nội dung quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, do mình phê duyệt, cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án ; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông báo nội dung quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM, do mình hoặc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phê duyệt, cho Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện), Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án. 

- Điều 128.1, 128.2 (2005). Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường :

1. Tổ chức, cá nhân, có quyền khiếu nại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc khởi kiện tại Toà án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường sau đây :

a) Gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường ;

b) Xâm phạm chủ quyền, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng dân cư, tổ chức, gia đình và cá nhân.

3. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền nhận đơn khiếu nại, tố cáo, có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của Luật này.

Nói chung Luật môi trường Việt Nam 2005 cho phép quá trình ĐTM đạt được kết quả có thực chất dựa vào nguyên tắc phát triển bền vững. Vấn đề là quá trình ĐTM có được thực thi đúng như vậy không, trên thực tế.

Trở lại vấn đề liên quan đến quá trình ĐTM trong trường hợp dự án bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ, Tây nguyên. 

Qua các sự kiện đã xảy ra, mà chúng ta được biết, thì quá trình thực hiện ĐTM cho dự án bauxite ở Việt Nam quá bất cập và không có thực chất, vì nó không hội đủ các yếu tố quan trọng như tham gia, trong suốt, trách nhiệm, và thận trọng. Tệ hơn nữa, là quá trình đã diễn ra không đúng quy cách và có khả năng rất cao là đã vi phạm chính Luật môi trường Việt Nam.

 

Tham khảo :

(1) International Association for Impact Assessment, 1999, Principles of Environmental Impact Assessment Best Practice,
http://www.iaia.org/assets/files/Principles of IA_web.pdf

(2) John Nevill, Principles of Environment Impact Assessment, May 2000,
http://jnevill.customer.netspace.net.au/eia_principles.pdf

(3) Luật  Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2005,
http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn/dulieu/lbvmt.htm

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đức Hiệp