Sao cho phải Đạo làm ăn ?

Vietsciences- Nguyễn Thanh Lâm          13/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

Nhiều người đang nói đến Đạo kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Một lời thề kiểu Hippocrates vẫn chưa có. Từ Đông sang Tây,văn hóa doanh nghiệp được hiểu mỗi nơi một phách.Tuy nhiên,mọi con người tín thực và trọng danh dự đều luôn cố gắng trả lời một câu hỏi: sao cho phải Đạo làm ăn ?

Tiếng Việt có hai chữ "làm ăn" nghe thật hay.

Khác với từ business trong tiếng Anh là kinh doanh, thoát thai tự chữ busy là bận rộn.

Làm ăn. Làm để ăn. Làm có ăn. Ăn để làm. Có ăn có làm. Có làm có ăn. Làm và ăn. Làm ăn không nhất thiết phải luôn bận rộn. Hai chữ làm ăn còn bao gồm mọi câu chuyện mưu sinh dù lớn dù nhỏ, khác với chữ kinh doanh có phần uy nghi,dao to và búa lớn.

Thật ra,kinh doanh là một hoạt động bình thường và tất yếu của cuộc sống loài người.

Nhưng tinh thần kinh doanh trong tiến hoá lịch sử đã nhiều lúc nhiễm màu sắc khác nhau,gây ra những hậu quả có khi vô cùng tàn ác và khốc liệt.Kinh doanh kiểu chiếm hữu nô lệ,lạm quyền,phong kiến,kiểu đế chế,kiểu Trung cổ,kiểu thuộc địa,kiểu tư bản lang sói hay mạo hiểm hay khoa học tinh vi. Cũng có cả những kiểu kinh doanh ngây ngô,duy ý chí,như những chứng bệnh ấu trĩ của một xã hội quờ quạng.

Ông tổ của ngành xã hội học, Max Weber, đã nói đến những cách làm giàu phi lý tính, hoặc do đầu cơ, hoặc thiên về cách chiếm lĩnh bằng bạo lực, nhất là chiếm đoạt thông qua chiến tranh, hay dưới hình thức chiến lợi phẩm tài chính, nghĩa là thông qua việc bóc lột những người bị trị.

Weber định nghĩa "hành vi kinh tế tư bản chủ nghĩa" là "hành vi dựa trên hy vọng đạt được lợi nhuận bằng cách tận dụng nhưng cơ hội trao đổi, nghĩa là dựa trên những cơ may chiếm hữu một cách hòa bình (vẻ mặt hình thức)"

Sự ham muốn lợi nhuận,từ ngàn xưa,được kết hợp trong thời kỳ công nghiệp hoá, với tính kỷ luật, sự sáng tạo, óc khoa học kỹ thuật và lối tổ chức quản trị để làm nên diện mạo mới của các nền kinh tế kiểu mới, trong đó, nền luật pháp và bộ máy hành chính dựa trên tư duy lý tính (rationalism) dẫn đến những phương thức kinh doanh hiện đại và một tinh thần kinh doanh lành mạnh.

Ấy cũng là nguyên tắc cơ bản của Đạo làm ăn ngày nay.

Joseph Schumpeter cho rằng doanh nhân là người thực hiện những cách phối hợp mới mẻ thông qua 5 trường hợp sau : (1) tạo ra sản phẩm mới hay chất lượng mới cho sản phẩm hiện có; (2) tìm ra cách sản xuất, dạng dịch vụ hay cách bán hàng mới; (3) tìm ra thị trường mới; (4) chinh phục hay tạo ra được nguồn nguyên liệu mới: (5) lập ra doanh nghiệp mới.

Chính Schumpeter trong tác phẩm " chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và nền dân chủ" đã nhìn thấy : nhà công nghiệp hay thương nhân không giống như vị lãnh chúa thời Trung cổ. Họ đứng đầu một cơ ngơi, nhưng quyền chỉ huy chủ yếu về kinh tế này không thể so sánh với uy lực thống soái, quyền sinh sát của vị lãnh chúa.

Đạo kinh doanh,như thế,dựa trên nền tảng nhân văn.

Nói như Schumpeter "hoàn toàn không mang tính anh hùng theo kiểu hiệp sĩ quí tộc, vì ở đây không có chuyện giương kiếm và phi ngựa lao về phía kẻ thù.

Quan niệm" thương trường là chiến trường" (câu nói từ phim "người Bắc Kinh ở New York") dần dần được thay thế bằng quan niệm "cùng thắng" (win-win) hay "đại dương xanh thay đại dương đỏ". "tối đa hoá lợi nhuận" được thay thế bằng "tối ưu hoá các lợi ích".

Peter Drucker cho rằng lợi nhuận không phải là mục tiêu của doanh nghiệp (khác với cái nhìn phổ biến về hoạt động kinh doanh) mà là phương tiện để doanh nghiệp trường tồn và phát triển, hay điều kiện để doanh nghiệp tồn tại. Lợi nhuận là hệ quả của kinh doanh. Drucker nói" chỉ có một định nghĩa có giá trị về mục tiêu của doanh nghiệp, đó là tạo ra khách hàng.

Như thế,Đạo làm ăn phải xử lý tốt đẹp các quan hệ con người, như một tổng hòa của các quan hệ xã hội. Sam Walton, ông chủ của mạng siêu thị lớn nhất toàn cầu Wal-Mart đã nói " thành công khi bạn mang lợi ích đến cho người khác" và " hãy cho khách hàng những gì họ muốn".

Joma Ollila đã đưa Nokia từ vực sâu phá sản trở thành tập đoàn đóng góp một phần ba thị trường điện thoại di động thế giới, nhờ gắn liền sứ mệnh "kết nối mọi người" (connecting people) thông qua chiếc điện thoại không dây đầy đủ tiện ích, làm cho chúng ta gần nhau hơn, hiểu biết và yêu mến nhau hơn.

Cũng với những triết lý đầy nhân văn nêu trên, Larry Page đã tạo ra Google đáp ứng gần 1 tỉ yêu cầu tìm kiếm thông tin vào năm 2006, cùng với Gmail và những dịch vụ khác.

Từ thập niên 1970,chỉ có một vài đại học ở Mỹ dạy môn đạo đức kinh doanh (business ethics).

Hình như giới học thuật cũng dị ứng với phạm trù đạo đức, xem như một mảng của thần học và là những khuôn phép bó buộc tự do và sự phát triển. Tựa như câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, khi chàng khổng lồ có bộ óc thủ cựu bé tí, đặt một cái giường dài đúng 1m6 và bắt những nạn nhân của mình nằm lên. Ai ngắn thì hắn kéo dài ra. Ai cao nhồng thì hắn chặt bớt chân.

Môn đạo đức kinh doanh khảo sát từ thuyết duy lợi (utilitarism),thuyết thực dụng (pragmatism), lô gic thương mại,lô gic đạo đức v.v.. Một kinh tế gia người Mỹ rất nổi tiếng là Milton Friedman cổ vũ chủ trương phó mặc cho sự vận động của thị trường, tin rằng kinh tế thị trường luôn được tự điều tiết bằng một bàn tay vô hình. Thuyết "laissez-faire, lassez passe' " đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong mọi giáo trình kinh tế học, nhưng ở góc độ đạo đức quản trị (management ethics) lại buộc doanh nhân tự đặt mình trong những lan can,những con lươn chặn bớt các hành vi bất lương như lừa đảo, trốn thuế, buôn lậu, rửa tiền, buôn bán cái chết.

.. vượt rào kiểm soát và xử lý của luật pháp.

Quan điểm "kinh doanh là kinh doanh" (business is business) cũng là một cách biện hộ cho những chệch choạng đạo lý trong làm ăn. Triết gia Pháp Andre' Comte-Sponville cho rằng mục tiêu tối thượng và quan trọng nhất của doanh nghiệp là phục vụ cổ đông, chứ không phải xã hội.

Thuật ngữ kinh bang tế thế (kinh tế),theo Comte-Sponville, bị đặt ra vùng ngoại vi hoạt động quản trị kinh doanh.

Cho dù là như thế chăng nữa,trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility - CSR) ở thời đại ngày nay đã khác xưa. Những cam kết thành văn hay bất thành văn về việc không gây tổn hại tới cộng đồng,không gây ô nhiễm môi trường, không bắt trẻ em làm việc,không chặt cơ hội có chỗ làm cho người khuyết tật, thiểu năng...và đặc biệt không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng. Ý tưởng này dẫn đến việc thể chế hoá các hoạt động tòa án từ WTO đến quận huyện và các hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

Nước tương có chứa độc tố 3-MCPD, nước mắm chứa phân bón Urea... là những thí dụ về tác hại của sự thiếu hiểu biết, hoặc thiếu lương tâm, thiếu cái Tâm cần có của đạo đức kinh doanh.

Sao cho phải Đạo làm ăn ?

Câu hỏi ấy được đặt ra ở phương Đông với những phạm trù tuy rộng lớn,trừu tượng nhưng có vẻ dễ hiểu hơn phương Tây. Ấy là Đạo đức kinh của Lão Tử, là triết lý Khổng Mạnh về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín.

Mà trong làm ăn thì chữ Tín lại đứng đầu.

Giữa lô gic đạo đức và lô gic thương mại thì chẳng mấy ai đặt lô gic đạo đức lên trên hết, vì chẳng doanh nhân nào là người ngây ngô, trừ khi là một ông thánh, hay là người mặc khải được, ngộ được sự mệnh của mình.

Lô gic thương mại phương Đông dựa trên 5 đức tính : trung thực, chăm chỉ, biết điều,không tham lam và sòng phẳng.

Chữ Tín là yếu tố cơ bản hàng đầu trong Đạo kinh doanh và xây dựng giá trị vô hình,giá trị thương hiệu, uy tín nghề nghiệp của doanh nhân.

Ở vùng Bắc Đức, mạn Bremen,Hamburg và vùng Hà Lan, cái đập tay của hai doanh nhân sau khi thương thảo là một bản hợp đồng của chữ Tín, của danh dự và không thể tuỳ tiện thay đổi gì nữa cả, dù giá buôn giá bán của thị trường có trồi sụt lên xuống.

Đã hứa là phải làm đúng lời hứa. Chữ Tín ngày nầy còn được giữ với sự tận tâm tự giác theo phương thức kinh doanh hậu mãi. Giao hàng đúng hẹn dù nắng hay mua, dù xe hư hay kẹt xe.

Tôm đông lạnh bị bơm nước vào cho nặng ký. Hàng áo gió lót bèo tây phơi khô thay vì lông thủy cầm. Hạt tiêu trộn hạt đu đủ. Làm quấy làm quá rồi ù xòe, xin thông cảm, xin nương tay. Cách làm ăn đó chẳng bao giờ phải Đạo.

Phương Đông cũng giống như phương Tây thôi: kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Việc gì mình không muốn thì đừng bắt người khác.

Người làm ăn phải ăn ở cho đúng, biết lắng nghe các thông tin phản hồi và trân trọng những lời chỉ trích. Khách hàng khiếu nại là khách hàng chạy lại, không phải chạy đi.

Làm ăn chân chỉnh đòi hỏi lòng tự trọng luôn được đặt vào mọi công việc và một quy tắc ứng xử phải Đạo. Hầu hết mọi cam kết đa phương của WTO chẳng hạn đều có bộ quy tắc ứng xử (conduct), dựa trên sự định hình của các nguyên tắc đồng thuận để tạo thành thói quen kinh doanh tương thích và văn minh.

Làm giàu chính đáng là một ước mơ đẹp, rất đáng trân trọng, rất đáng khuyến khích. Cách đây gần một trăm năm, cụ Lương văn Can đã nói đến câu chuyện tựa như ước mơ internet " thế giới đi lại như một nhà" và viết cuốn sách đầu tiên dạy kinh doanh ở nước ta là "thương học phương châm", mà ngày nay, lần giỡ trước đèn, doanh nhân thời hiện đại vẫn còn cảm nhận tính thời sự nóng bỏng và ngộ ra nhiều điều hữu ích.

Cụ Can lưu ý người làm ăn phải biết cách giao thiệp, biết trọng nghề, có lòng kiên tâm và biết giữ tín thực... Cụ nói trong thời còn "trọng nông ức thuong" và lời Cụ vẫn vững như đồng suốt quãng thời gian tiếng Việt có cái từ chụp mũ khá quái đản, là "gian thương".

Người Trung quốc ngày xưa cũng đã tổng kết 3 lời khuyên : người kinh doanh không nên quên gia đình, bạn bè thân quyến, vẫn thu xếp dự đám cưới, đám ma và phải có giờ đọc sách.

Đạo đức kinh doanh được định nghĩa như thế nào,sau những phần luận giải trên đây : Đó chính là sự tôn trọng các quy tắc ứng xử phải Đạo,không chỉ bao gồm những điều cấm đoán mà còn có những giá trị tích cực cần phát huy. Đạo đức kinh doanh là một vật tự thân (thuật ngữ "Ding an sich" mà các triết gia Đức ưa dùng) nằm trong bản chất, trong cốt lõi văn hóa và triển vọng của doanh nghiệp.

Sống sao cho phải Đạo ?

Câu trả lời nằm trong câu hỏi : người làm ăn, dù là đại gia hay người làm công, xét cho cùng, biết ăn ở và đối xử phải Đạo làm người là đạt Đạo.

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Thanh Lâm