Tại sao phố cổ Hà Nội bị từ chối công nhận là di sản văn hóa thế giới ?

Vietsciences             19/04/2010

 

Những bài cùng đề tài

  1. Tháp nước cổ nhất Hà Nội được 'tân trang'
  2. Hà Nội 'tân trang' phố cổ
  3. 'Đừng làm mới đồng loạt nhà phố cổ'

Bài phỏng vấn bà Irina Bokova đăng trên blog “http://banmaixanhblog.tk” dù là thực hay giả tưởng cũng phản ảnh rất đúng thực trạng chỉnh trang Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị lễ hội Nghìn năm Thăng Long mà chúng ta đang gấp rút tiến hành lâu nay, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng tiền thuế của dân.

Nó làm tôi lo ngại và liên tưởng đến kỷ niệm cười ra nước mắt sau đây!

Hồi tôi còn sống ở Paris vào thập niên 1975-80, ăn mặc xập xệ một cách bình thường theo lề thói tự do sinh hoạt của cộng đồng giới Đại học.
Có một nữ trí thức Hà Nội khá xinh sang làm thực tập. Tháng đầu mỗi khi phải đi ăn restaurant trong campus cùng với bà ta, nhiều khi tôi ngượng chín người vì nhiều đồng nghiệp nhìn theo “mốt đầm à la HN“. Bà ta lại càng “se faire remarquer” (tự làm cho người ta chú ý) tợn và nói với tôi:

- Em phải bỏ nhiều tiền tìm những tiệm “mode thời thượng ở HN” để may đấy !

Một tháng sau tôi thấy trên thân thể bà ta biến mất những “mode thời thượng” và ngạc nghiên.

Bà ta cười xòa trả lời:
- Bây giờ em đã biết “mình chả giống ai !”.
- Chị tiến bộ cực nhanh!

“Ta có cách làm của ta”, câu nói đó của một vị lãnh đạo đâu từ nhiều thập niên trước vốn là cách nghĩ tiểu nông của kẻ vừa thắng Mỹ nên đâm ra hoang tưởng, nhưng không hề tư vị, nay thì hình như đã được thế hệ lãnh đạo mới tiếp nhận theo một quan điểm thực dụng khác hẳn. Tuân theo sự “chỉ đạo” của túi tiền mà họ có thể vay được và thu lãi được, mặc cho bộ mặt Hà Nội cổ truyền cần gìn giữ ra sao, họ có thể đập phá đi tất cả, nhào nặn lại tất cả, để có một Hà Nội theo con mắt “thời trang” của họ. Đúng là “Mốt đầm à la HN” đấy.

GSTS Nguyễn Thu

 

15h paris tức khoảng 22h Hà Nội ngày 12-4-2010, tại Paris, Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (Unesco) đã chính thức từ chối công nhận Phố cổ Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Trong thông cáo chính thức, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết: “Unesco đã có những điều tra độc lập và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Hà Nội có những di sản như hồ sơ mà họ đã đệ trình”. Quyết định của Unesco đã giáng mạnh vào tham vọng của Hà Nội khi thành phố này chuẩn bị mừng đại lễ 1000 năm tuổi với sự tham gia của chính Unesco: Chỉ riêng trong năm 2009, Unesco đã công nhận không gian văn hóa Quan họ Bắc Ninh và Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể. Unesco cũng đã đồng ý tham gia đại lễ hội nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long, tuy nhiên, những cuộc điều tra và khảo sát và độc lập của Unesco cho thấy riêng đối với Khu phố cổ Hà Nội, không có bất cứ bằng chứng gì chứng tỏ khu phố này đã từng tồn tại hàng trăm năm nay. Bà Bokova trả lời phỏng vấn PV TTXVH tại Paris.

 Bà Irina Bokova

PV: Nhưng thưa bà, những khu phố cổ của Hà Nội hiện vẫn đang tồn tại?!

Bà Bokova: Với tư cách đứng đầu cơ quan Unesco, chính tôi đã trực tiếp tới Hà Nội. Hà Nội chỉ còn lại những nhà vệ sinh thật cổ, và cũng “thật khổ”. Kiến trúc những ngôi nhà tại các tuyến phố Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu…có vẻ là kiến trúc hộp diêm, nhưng thực chất nó đã được làm mới. Không có một công trình cổ nào lại có màu hồng hoặc màu xanh.

PV: Thưa bà, nhân dịp đại lễ 1000 năm, Hà Nội đang tu bổ lại các di tích cổ để chúng sạch sẽ và đẹp hơn mà thôi

Bà Bokova: Tôi hiểu những điều các bạn đang làm, nhưng điều đó thực chất lại đang giết chết yếu tố thời gian của di tích. Trên thế giới hiện có 2 cách bảo tồn: Thứ nhất, người ta giữ nguyên trạng di tích, cố gắng tạo cho chúng một môi trường tốt nhất chứ không động chạm tới di tích. Thứ hai, là cách mà các bạn đang làm, tu bổ, thay thế gần như là một sự làm mới. Thật khó có thể chấp nhận một ngôi chùa với toàn gạch men được giới thiệu đã 400-500 năm tuổi, một ngôi nhà trăm tuổi có màu vàng nhạt và mới kính coong; Hoặc một tháp nước có màu xanh da trời.

PV: Nhưng không trùng tu thì di tích sẽ biến thành phế tích, không sơn sửa lại thì di tích trông sẽ rất bẩn thỉu.

Bà Bokova: Nhưng nếu các bạn, gọi theo cách của người Việt là “vôi ve” khu phố cổ, thì sẽ phải đóng hộp quần tây-cà vạt cho vua Lý Thái Tổ?

PV: Thế còn Tháp Rùa, thưa bà, nom nó vẫn cổ kính đấy chứ?

 

Tháp Nước Hàng Đậu trước  và  sau khi cải tạo

 

Bà Bokova: Vâng. Đã có nhiều ý kiến nói Tháp Rùa thực chất chỉ là một ngôi mộ. Unesco coi trọng tất cả các di tích cổ, chứ không phân biệt tính chất của di tích. Ngay tại quê hương Bulgari của tôi 2 di tích được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới đều là các công trình lăng mộ. Quần thể các công trình tôn giáo được đục trong đá tại làng Ivanovo và Mộ người Thrace ở Kazanlak. Riêng đối với Mộ người Thrace, tôi có thể tự hào nói rằng trong đó vẫn còn giữ được những bức tranh cổ được coi là những tuyệt tác nghệ thuật của Bulgari từ thời Hy Lạp cổ và được bảo quản tốt đến ngày nay. Chúng tôi hoàn toàn không hề vôi ve hay trùng tu kiểu làm mới như các bạn mà vẫn có thể giữ gìn được. Xin lưu ý đây là ngôi mộ được xây từ thế kỷ thứ 4 trước công nguyên. Còn Tháp Rùa của các bạn đã được “vôi ve” từ cách đây 20 năm, cùng đợt với một ngôi chùa khác là Trấn Quốc.

PV: Xin nhắc lại câu hỏi, thưa bà, Tháp Rùa vẫn giữ được vẻ cổ kính đấy thôi?

Bà Bokova: Tôi đã đến chiêm ngưỡng Tháp Rùa và trực tiếp sờ tay vào những bức tường. Tôi xin nói thật, có vẻ nó đã được sơn bằng loại sơn không đạt chất lượng nên chỉ 20 năm nó đã có vẻ… cổ kính. Nhiều người trong Ủy ban điều tra độc lập cho rằng Tháp Rùa chỉ có tuổi thọ là 20 và vẻ cổ kính là ngẫu nhiên khi chất lượng vôi ve thấp và được làm cẩu thả một cách tình cờ. Khi đến Hà Nội, tôi được Ủy ban Unesco Việt Nam giới thiệu những tấm ảnh Tháp Rùa được các viên chức người Pháp chụp hồi đầu thế kỷ nhưng chúng tôi không tìm thấy sự liên quan giữa ngôi tháp trong ảnh và ngôi tháp mới hiện đang tồn tại. Hơn nữa, về mặt giá trị kiến trúc, trong sách Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, từ năm 1971, tác giả Hoàng Đạo Thúy cũng đã đánh giá: “Bang Kim biếu Tây cái Tháp Rùa. Cái tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cửa lối gô-tích, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì”. Còn chùa Trấn Quốc. Nói thật tôi thấy cách thức trùng tu kiểu xây mới và việc bố trí những bộ bàn ghế gỗ trong hiên nom ngôi chùa này giống với một quán cà phê hơn.

PV: Thưa bà, không lẽ phố cổ không còn chút ấn tượng nào đối với bà? Không lẽ hơn 50 tỷ đồng bỏ ra để làm mới di tích cho du khách lại khiến những người nước ngoài không thích?

Bà Bokova: Câu trả lời thứ hai có thể nói được ngay: Không ai thích ở những ngôi nhà mới sáng choang và toàn mùi sơn nhưng lại rúm ró chật hẹp như thế cả. Người ta sẽ chỉ ấn tượng khi chiêm ngưỡng và hít thở sự cổ kính của di tích. Còn ấn tượng của tôi thì lại nằm ở sự ngạc nhiên với cách sống, thích nghi và đầy sáng tạo của cư dân phố cổ. Thật thích thú khi đi trên phố Hàng Bạc chúng tôi bất ngờ bắt gặp một nhà vệ sinh trên ban công tầng hai. Nếu các bạn gìn giữ được những di tích này, hy vọng trong tương lai, Unesco sẽ xem xét lại việc công nhận cho Hà Nội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: http://banmaixanhblog.tk/

 

 

aTháp nước cổ nhất Hà Nội được 'tân trang'

Mấy ngày nay, nhiều người dân Hà Nội ngỡ ngàng khi thấy tháp nước cổ bằng đá nằm ở đầu phố Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) được công nhân xây dựng đục phá để "tân trang"

Tháp nước Hàng Đậu - công trình kiến trúc hơn 100 tuổi nằm tại ngã sáu của các phố cổ Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.

Sáng 10/4 tháp nước cao hơn 25 m, đường kính 19 m được quây kín bằng lưới. Công nhân đang đục phá những lớp vữa cũ, trát vá bằng vữa bê tông mới. Ngoài ra, tháp nước còn được lắp đặt trạm điện, hệ thống chiếu sáng. Vỉa hè quanh khu vực này cũng được lát gạch mới. Trong tấm pano giới thiệu dự án ghi rõ, tháp nước sẽ được phủ màu sơn xanh và trắng.

Tháp nước Hàng Đậu được quây kín để sửa chữa. Ảnh: Hoàng Hà.

Tháp nước cổ nhất Hà Nội được "tân trang" đã gây sự chú ý đặc biệt của người dân thủ đô, đặc biệt là khu vực phố cổ. Chị Thanh Hà, ở phố Hàng Than nhận xét, tháp nước Hàng Đậu ấn tượng bởi màu nâu trầm cũ kỹ, nếu sơn ve làm mới thì không còn dấu tích xưa.

"Những lớp vữa mới đã xóa đi nét gồ ghề, cũ kỹ của công trình tồn tại hơn một thế kỷ. Nếu tu tạo như vậy không chỉ tốn kém mà còn phá hỏng di tích", chị Hà nhận xét.

Theo ông Hoàng Nam Sơn, Phó ban chỉnh trang đô thị Hà Nội, dự án “Cải tạo, chỉnh trang khu vực Tháp nước Hàng Đậu" phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có chi phí hơn 3 tỷ đồng. Đơn vị thi công sẽ phá bỏ các lớp vữa cũ và trát lại bằng vữa bê tông. Những lớp gạch hư hỏng cũng bị đục bỏ, vỉa hè được thay mới.

Đề cập việc tháp nước được sơn màu trắng xanh hiện đại, ông Sơn cho rằng, do đơn vị thiết kế pano in sai màu nên đã gây hiểu lầm cho người dân.

Lớp vữa mới xóa đi lớp áo cổ kính của tháp nước. Ảnh: Hoàng Hà.

"Tháp nước Hàng Đậu đã qua 2 lần sửa chữa, song nhiều hạng mục của tháp đã bị hư hỏng nên cần được chỉnh trang. Chúng tôi tiếp tục sửa chữa bằng cách trát mộc để giữ màu gạch trước đây, hoàn toàn không sơn màu khác", ông Sơn nói.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, năm 1894 người Pháp xây dựng 2 tháp nước ở Hàng Đậu và Đồn Thủy (cuối phố Đinh Công Tráng), để cung cấp nước cho khu Thành cổ - lúc này là nơi tập trung quan chức và binh lính người Âu cùng với khu dân cư “36 phố phường”. Đá tảng dùng để xây được lấy từ đá hộc dỡ của thành cổ.

Khi Hà Nội phát triển áp dụng những công nghệ mới, 2 khối kiến trúc này không còn đảm nhiệm công năng ban đầu là tháp nước nữa.

Đoàn Loan

b- Hà Nội 'tân trang' phố cổ

Vài ngày nay, các nhà cổ trên phố Hàng Khay, Hàng Đào, Bà Triệu.. được phủ lớp áo mới màu vàng, chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm. VnExpress.net ghi lại những hình ảnh này.

Là một trong số 75 tuyến phố được tân trang chào đón 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mặt tiền các ngôi nhà ở đầu phố Hàng Đào rực một màu vàng trên tầng 2.
Tương tự, tầng 2 các nhà trên phố Hàng Khay được lăn sơn màu vàng.
Ngôi nhà hơn 100 năm tuổi (xây năm 1886) ở đầu phố Hàng Khay sau khi được tân trang.
Từng tốp công nhân được bố trí gấp rút sơn sửa mặt tiền các ngôi nhà. Theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội, số tiền bỏ ra để tân trang 75 tuyến phố của các quận nội, ngoại thành là khoảng 50 tỷ đồng.
Trên phố Hàng Đào, nhà cổ được quét vôi ve còn nhà mới xây được lăn sơn. Cho rằng đây là chủ trương của thành phố, lại không phải bỏ tiền nên chủ số nhà 21 đồng ý cho tân trang mặt tiền. Tuy nhiên, không ít lần bà chủ chạy ra phàn nàn về việc màu sơn không đẹp như trước đây.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, phố cổ hấp dẫn du khách bởi có những ngôi nhà rêu phong cổ kính. Vì vậy, họ lo ngại việc khoác áo mới cho các ngôi nhà này có làm giảm đi sự hấp dẫn?
Bên trên, các công nhân thi công, còn bên dưới việc kinh doanh, sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, một số hộ dân cho rằng, việc tân trang được thực hiện khá ẩu khiến mặt tiền nhiều ngôi nhà bị lem nhem.
Tháng 6 tới sẽ là hạn cuối của việc tân trang phố phường nhưng điều không ít người dân băn khoăn là, liệu với việc bỏ ra hàng chục tỷ đồng, Hà Nội có đẹp hơn trong dịp kỷ niệm tròn 1000 tuổi.

Khánh Chi

 c-'Đừng làm mới đồng loạt nhà phố cổ'

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, bảo tồn không phải là việc làm mới như hiện đại mà phải gìn giữ giá trị của di sản, theo đặc trưng của từng tuyến phố và loại hình công trình.

Ngày 2/4, sau khi VnExpress.net thông tin việc Hà Nội đồng loạt tân trang 75 tuyến phố, trong đó nhiều tuyến phố cổ đang được sơn đồng màu, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tỏ ra khá ngạc nhiên bởi "chưa được nghe thông tin này dù vài ngày trước có dự hội thảo tại trung tâm thông tin phố cổ".

Theo ông Nghiêm, tại cuộc hội thảo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tôn tạo thì trước mắt cần xác định giá trị của khu phố cổ cũng như thay đổi điều lệ quản lý, điều hành và bảo tồn phố cổ được ban hành từ năm 1999. Hơn nữa, bảo tồn càng không phải là việc làm mới như hiện đại mà phải gìn giữ giá trị của di sản theo đặc trưng của từng tuyến phố và loại hình công trình.

"Nghĩa là phải có thiết kế cải tạo, chỉnh trang cho từng tuyến phố chứ không phải có quy định chung chung cho cả khu vực. Quản lý không phải chỉ về hình thức mà còn là cách thức khai thác và sử dụng giá trị của khu phố cổ", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Ảnh: Khánh Chi.
Ông Đào Ngọc Nghiêm: "Đừng mới hóa di tích mà phải làm sao để nâng tầm giá trị của di tích đó". Ảnh: Khánh Chi.

Nhắc lại chuyện quét vôi Tháp Rùa, chùa Trấn Quốc... khiến dư luận phản ứng, ông Nghiêm cho rằng những bài học này càng khẳng định thêm rằng đừng mới hóa di tích mà phải làm sao để nâng tầm giá trị của di tích đó.

Cũng theo ông Nghiêm, phố cổ có 6 hình thái kiến trúc (phong kiến, thuộc địa kiểu Pháp, nghệ thuật trang trí...), mỗi hình thái này đều có sự khác nhau không chỉ về không gian, chi tiết mà cả là màu sắc nên không thể sơn đồng màu trong khu phố cổ được.

Để gìn giữ chừng 1.000 công trình kiến trúc có giá trị trong khu phố cổ, ông Nghiêm dẫn giải: “Nhiều nước cũng đã thực hiện bằng cách hỗ trợ cho người dân tôn tạo nhà cổ theo hướng nhà nước đề xuất chứ không phải là người dân muốn làm gì thì làm, không phải là cứ sơn phết lên để đón chào sự kiện nào đó”.

Ảnh: Khánh Chi.
Nhiều nhà trong khu phố cổ đang xuống cấp từng ngày nhưng thành phố vẫn chưa có quy hoạch chính thức bảo tồn. Ảnh: Khánh Chi.

Đồng tình với quan điểm này, PGS TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng ví von: "Người phụ nữ dùng son phấn mà đẹp hơn thì cũng tốt, nhưng nếu cứ trát vào mà không hợp thì sẽ mất tác dụng. Đối với khu phố cổ, cần phải quy hoạch đồng bộ, nhất quán để làm sao bảo tồn được khu vực này".

Theo ông Hùng, phố cổ phải có màu của thời gian. Vì vậy, việc chọn màu nào để tạo sự hài hòa mới là điều quan trọng. Nguyên tắc của bảo tồn là để phát triển vốn cổ, làm tôn vẻ đẹp lên. Vì thế theo ông cần nghiên cứu lại lịch sử cũng như xem lại ảnh chụp cũ để đưa ra phương án tu bổ phù hợp.

Trao đổi với VnExpress.net, bà Trần Thị Lan, Trưởng ban Tuyên truyền - Đối ngoại Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, Ban quản lý đang quét vôi, tháo bỏ những thứ mất mỹ quan trên tuyến phố Hàng Đào để tạo không gian thoáng đãng, đẹp mắt hơn.

"Khi thực hiện chỉnh trang bằng ngân sách nhà nước, chúng tôi cũng hỏi ý kiến người dân thì đa phần đồng tình. Hơn nữa, làm đẹp bề ngoài chẳng ảnh hưởng gì đến các nhà", bà Lan nói thêm.

Khu phố cổ Hà Nội rộng khoảng 100 ha với chừng 85.000 dân nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Trong toàn bộ khu 36 phố phường, hiện có khoảng 1.000 nhà có giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, do càng ngày mật độ dân số ở đây càng tăng khiến phố cổ xuống cấp nghiêm trọng.

Để bảo tồn di sản khu phố cổ, năm 1995, Bộ Xây dựng đã đưa ra nguyên tắc bảo tồn và trùng tu khu phố cổ. Năm 2004, khu phố cổ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di sản Lịch sử Quốc gia.

Lộ trình xây dựng hồ sơ khu phố cổ Hà Nội để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đang được xây dựng. Tuy nhiên, những di tích trong khu 36 phố phường vẫn đang xuống cấp từng ngày trong khi thành phố vẫn chưa có quy hoạch chính thức bảo tồn khu vực này.

Khánh Chi

 

 

             http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org