Top 1

Vietsciences- KKT                    24/11/2009

 

Trước tiên, tôi xin được nói ngay là, để cho hợp thời thượng, tôi dùng cụm từ “tài liệu tổng hợp thông tin đa chiều”, (mà một số nhà báo trong nước đang dùng), để chỉ nội dung bài viết này của tôi. Nó có một lợi thế: nếu có những ai (chắc là nhiều) chửi bới đoạn nào, thì tôi nói đó không phải là ý của tôi; nếu có ai (chắc là hiếm) khen ngợi đoạn nào, thì tôi nhận đó là ý của tôi. Ngoài ra, khi viết dài thì phiền cho người đọc, vậy tôi xin chỉ nêu ba thí dụ thôi, dù biết là khiếm khuyết.

Mở đầu bằng 2 câu nhái Kiều : 

Nếu đua trong bảng đoạn trường,
Thì giành giải nhất chứ nhường cho ai ! (1)

Để nói lên cái nỗi truân chuyên của người Việt Nam

a/ Về bảng xếp hạng đại học của Đại học Giao thông Thượng Hải (nguồn: “Universités: les secrets du classement de Shanghaï”, nhật báo Le Figaro 31/10/2009), theo nguồn này, nói gọn là bảng xếp hạng có 5 tiêu chí :

- Số cựu sinh viên được giải Nobel và huy chương Fields.

- Số nhà giáo được giải Nobel và huy chương Fields.

- Số công trình nghiên cứu được dẫn nhiều nhất trong 21 ngành như khoa học, y, khoa học xã hội, vv.

- Số bài báo đăng trong các tập san “Nature” và “Science”.

- Thành tích / hiệu năng (performance) so với cỡ (to/nhỏ) của trường (Performance académique comparée avec la taille de l’établissement).

Theo nguồn này, chính ông Niancai Liu (Lưu Niệm Tài), giáo sư hoá học, người đầu tiên thực hiện bảng xếp hạng này theo yêu cầu của ban giám đốc trường ông, kể với phóng viên của báo : Nhóm của ông chỉ có 3 người (lo việc tìm tài liệu để xếp hạng), với mục tiêu của chính quyền Trung quốc là so sánh mức độ của các đại học Trung quốc, rồi so sánh với một số đại học nước ngoài, sau đó cố gắng để đến năm 2020 nâng được một số đại học Trung quốc lên trình độ quốc tế. Trong sự lựa chọn, những công trình nghiên cứu không sử dụng tiếng Anh không được dùng để xếp hạng. Chính ông Yin Jie (Ấn Kiệt), phó chủ tịch Đại học Giao thông Thượng Hải cũng nói rằng bảng xếp hạng của họ chỉ thực sự có ích cho các đại học (kiểu) Mỹ, Anh, Nhật và Trung quốc ; nó không “công bằng” đối với các đại học Pháp, Đức, mà cách tổ chức hoàn toàn khác (2). Ngoài ra, các đại học Anh-Mỹ, cũng không chú ý lắm đến bảng xếp hạng này, vì đã từ lâu họ có bảng xếp hạng riêng của họ đối với các đại học của nước họ. Theo bà Geneviève Filliatreau, giám đốc của OST (Observatoire français des sciences et des techniques, “đài quan sát” khoa học và kỹ thuật của Pháp), thực hiện việc đánh giá các đại học thì không khó gì ; “lợi thế ” của Đại học Giao thông Thượng Hải là đã tung việc này ra trước mọi người (2003).(3)

Ai muốn có thể đọc thêm tài liệu : “Le classement de Shanghaï, étude mal menée, calcul mal fait » (Bảng xếp hạng của Thượng Hải, nghiên cứu ẩu, tính toán sai) trên nhật báo Le Monde 16/11/2009 (4).

Thiết tưởng, có quan chức hay một số người nào ở Việt Nam ngồi buồn thừa giấy muốn vẽ voi, hoặc cuống cuồng muốn bắt chước Trung quốc, để mong có thành tích về cải tổ giáo dục đại học, thì ngoài việc bắt chước họ đặt mốc 2020, thì cũng nên bắt chước cho đến đầu đến đuôi. Đó là tự bày ra cho mình một số tiêu chí xếp hạng ; thí dụ như những tiêu chí sau đây :

- Lập hồ sơ nhanh nhất và sơ sài nhất để xin mở trường, mà được mở ngay.

- Mở trường và tuyển sinh mà không có số nhà giáo tương xứng, chưa có trụ sở, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm. Khai khống mà trường vẫn tồn tại. - Tuyển sinh (đầu vào) ở trình độ thấp nhất mà đầu ra vẫn bảo đảm có bằng cấp hạng bảnh.

- Có những khóa học “tại chức” không cần có mặt nghe bài giảng ; hoặc có thể gửi người lái xe hoặc thuê người khác đi nghe hộ, mà vẫn đạt được bằng cấp hạng cao.

- Có nhiều “cựu sinh viên ” làm quan trong guồng máy hành chính, quản lý hoặc giám đốc công ty quốc doanh này nọ.

- Học phí trường cao cắt cổ mà sinh viên vẫn nai lưng ra đóng, chứng tỏ một khả năng đáp ứng được “ cung” theo “cầu ”, theo một quan niệm “thị trường giáo dục” theo một nghĩa Việt Nam nào đó : thuận mua vừa bán, vv.

Với một bảng xếp hạng theo những tiêu chí kể trên, thì đâu có cần đến 2020 mới lọt vào Top 1.

b) Một số nước “ đang trỗi dậy” (émergents) làm đồ dỏm/đồ nhái – từ hàng hóa có nhãn hiệu cực sang cho đến hàng hóa thường dùng hàng ngày – được xếp vào hạng top 1, top 5, top 7 gì gì đó (5), vì những mánh khóe của họ. Nếu công bằng ra thì phải nhường top 1 cho ta. Bởi vì những mánh khóe bịp bợm của họ chẳng qua chỉ là những “tiểu xảo” – tôi dùng tiếng Việt “khuếch đại” kiểu ngày nay, “xảo” đây theo nghĩa “xảo quyệt” – thấm đâu được với những “đại xảo” sau đây:

- Hàng hóa lừa của nước người ta chỉ dùng để bịp người nước khác, chứ chủ yếu không dùng để bịp chính người nước họ. Hoặc như có sự này, thì khi bị phát hiện, họ cũng bị kiện cáo, truy tố hình án. Còn ở ta thì cứ phây phây, học món lừa của người khác – dù họ tung chiêu lừa ra để hại người nước ta (6) – để lừa chính người mình.

- Bằng cấp giả nước nào cũng có xảy ra, nhưng họ cũng biết phân biệt không dùng để đề bạt lên chức. Còn ta thì vì “cử rồi mới thi” – nghĩa là bổ nhiệm vào chức vụ rồi mới đi học tại chức để lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ – nên sự an toàn là tuyệt đối! Chẳng nước nào có thể sánh được.

- Nước họ có lừa bịp, thì cũng chỉ biết bịp người dưới trần gian. Chứ thật là hiếm hoi, khi bịp cả ma, quỉ, thần. Nhan nhản chuyện vàng mã : đô-la giả, nhà lầu, xe xịn, vàng, làm bằng giấy vv… đốt đi để hối lộ quỉ thần, lập bàn thờ ở ngay cơ quan nhang khói, để cầu thăng quan tiến chức. Đúng là "quỷ khốc thần sầu"

Tôi không phải là người chế biến ra tin tức, mà những chuyện “không đẹp” lại do chính báo trong nước đăng (thí dụ như (7))

c) Những ai học tiểu học vào khoảng những năm 30, 40 của thế kỉ 20, hẳn còn nhớ bài học “Cái lưỡi” trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, (Việt Nam Tiểu học Tùng thư, nxb Trẻ tái bản năm 1993). Đây là bài ngụ ngôn (nghe đâu bắt nguồn từ Esope, người Hy lạp, khoảng thế kỉ VII- thế kỉ VI trước Công nguyên) nói về cái hay và cái dở của cái lưỡi (8). Ta cũng có câu : “Lưỡi không xương, trăm đường lắt léo”. Cái tài nói là ở cùng một người, phát biểu một câu rồi nói ngược lại sau đó, không một chút ngượng ngùng. Ở Trung quốc, ông Bộ trưởng giáo dục Trung quốc Zhou Ji (Chu Tể) bị cách vì tham nhũng; ông được coi là người mang trách nhiệm về một nền giáo dục thấp kém, mang lại sự kiến thức hạng tồi, gây sự phẫn nộ trong dân chúng. Ở ta thì làm gì có chuyện này. Ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo của ta kiêm nhiệm chức vụ Phó thủ tướng tức là ông có thẩm quyền cao hơn, coi như được ông Thủ tướng ủy cho lãnh vực này và rộng hơn thế. Hẳn ông trực tiếp giúp ông Thủ tướng cho phép mở trường đại học tràn lan, rồi chính ông lại than là Bộ không có phương tiện để kiểm tra kịp thời tình hình thực sự của các trường đại học. Về tình hình giáo dục, người đọc có thể xem thêm (9). Rồi lại có câu chuyện Hội nghị Việt kiều toàn quốc. Thoạt đầu, dự tính làm từ 19/11/2009 đến 24/11/2009, sau rút xuống còn 4 ngày, từ 20/11/2009 đến 24/11/2009 với 4 hội nghị chuyên đề tiến hành song song chiều 21/11 và sáng 22/11. Hai buổi cho khoảng 650 Việt kiều và số còn lại là quan chức. (Tôi không đặt chuyện kể bậy, mà có được đọc thông báo chính thức để làm bằng chứng, nếu cần). Có kẻ xấu miệng bàn rằng: Thuở xa xưa, Ban Việt kiều Trung ương là một cơ quan quan trọng, do một ông Bộ trưởng phủ Thủ tướng làm Trưởng ban; sau tụt xuống do một ông có hàm thứ trưởng làm trưởng ban; sau đổi gọi là Ủy ban về người VN ở nước ngoài, và được đưa về phụ thuộc ở Bộ ngoại giao, do một ông thứ trưởng thỉnh thoảng ngó tới. Một trong lý do tổ chức Hội nghị Việt kiều toàn cầu, phải chăng là một dịp để đòi được nâng cấp lên cao hơn? Một lý do khác là qua việc tập hợp được cả mấy trăm Việt kiều từ nhiều nước, cũng là một cách chứng tỏ rằng mấy tay trí thức trong hay ngoài nước ngo ngoe phản biện chỉ là một thiểu số tép riu. Theo đài BBC, ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt ở nước ngoài – khi được đặt câu hỏi (10) – nói :  Tôi nghĩ những ai yêu nước, yêu dân tộc thì đều trở về. Những ai mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước, để Việt Nam sánh vai ngang tầm các nước khác trên thế giới, xứng đáng với mong muốn của các vị tổ tông tiền liệt và anh hùng liệt sỹ thì đều trở về tham gia hội nghị. Những người không về dự và còn có ý kiến khác về hội nghị, thì tức là người ta chưa hiểu. Có hai lý do: một là chưa hiểu hết thực tình đất nước, hai là cố tình không hiểu . Còn nhiều phát biểu của những quan chức trong những lĩnh vực khác ; tôi miễn dẫn để tránh rườm rà. Nếu coi những phát biểu như vậy, như những bài học về cách « trị » dân, thì hẳn phải là Top 1, chứ nước nào sánh kịp ?

 

Xin cám ơn các anh VNQ, NT và KV đã giúp tôi một số điều về từ ngữ và kiểm chứng hộ.

K. K. T.

 

Chú thích :

(1) Theo bản Truyện Kiều, nxb Đại học và THCN, Hà Nội năm 1972, hai câu Kiều (số 209, 210) :

Ví đem vào tập đoạn trường,
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai!

(2) Nhiều nhà khoa học nước ngoài cho rằng không thể coi đó như là một thứ “ khuôn vàng thước ngọc ”. Đây là thí dụ cho đại học Pháp:

Bảng xếp hạng (Đại học Giao Thông Thượng Hải), xếp lẫn lộn các “trường” Pháp; xếp lẫn các Universités (bao gồm nhiều ngành, nhiều khoa) với các “Grandes Ecoles” (thường chỉ có một ngành, và tầm cỡ khối lượng có khi chỉ tương đương với một khoa). Nói chi tiết một chút cho rõ. Bằng tú tài Pháp (baccalauréat) ra đời năm 1808, có đặc điểm sau đây : theo luật, nó vừa là bằng kết thúc Trung học (định nghĩa thứ nhất), đồng thời là “bằng cấp đầu tiên của đại học”, (“premier grade universitaire”, định nghĩa thứ nhì). Vì cái định nghĩa thứ nhì là như thế nên từ thuở nó được khai sinh đến nay đã 200 năm, người có bằng tú tài Pháp được đương nhiên ghi tên vào học Université (“đại học” Pháp, tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây) mà không phải thi tuyển gì hết : bằng tú tài Pháp là kết quả của một sự “gộp thi”, một thứ bằng “hai trong một ”, một tai hoạ mà từ mấy chục năm nay, các chính quyền tả hay hữu cố sửa mà không sửa được. Và vì thế mà “kẹt” : các Universités không được phép tuyển sinh, nghĩa là không lọc được “đầu vào”; bất cứ ai có bằng tú tài cũng được phép ghi tên vào học dù không học được. Với một số lượng sinh viên rất lớn, với trình độ linh tinh, không ngân sách nào có thể chịu đựng nổi ; số sinh viên phải rời trường sau 3 năm, không được phép học tiếp, không có một mảnh bằng nào trong tay, là một con số khổng lồ. Do đó sự lãng phí thật khủng khiếp về thời gian, về nhân lực, về ngân quỹ, khuynh gia bại sản các Universités. Trong khi đó, cũng do lý do lịch sử để lại, có sự hiện diện song song của một số cơ sở giáo dục mà Pháp gọi là những “Grandes Ecoles” – (“Trường lớn ”, tôi dùng tiếng Pháp cho khỏi lẫn lộn dưới đây, tóm tắt là những trường kỹ sư, những trường thương mại quản lý, chủ yếu là những trường cao cấp dạy nghề) – đã được mở bên ngoài các Universités. May cho các cơ sở này, và may cho nền giáo dục của Pháp : nhờ được mở bên ngoài các Universités mà các cơ sở này không bị “kẹt” vào cái định nghĩa thứ hai của cái bằng tú tài kể trên. Do đó, các “Grandes Ecoles” tuyển sinh theo kiểu thi tuyển ở mức tú tài +2. “Đầu vào” nghiêm chỉnh, nên không lãng phí, và có phương tiện học hành đầy đủ hơn. Nhưng đây chỉ là một thiểu số. Các Universités thực sự chỉ “bảnh bao” ở cấp đào tạo tiến sĩ vì trừ một số trường hợp đặc biệt, đa số “Grandes Ecoles” không đảm nhiệm cấp này. Nói rất tóm tắt, có ý nghĩa gì khi đem so sánh (cùng có trên bảng danh sách xếp hạng), Université Paris XI (27000 sinh viên “đầu vào” không thi tuyển trong nhiều ngành như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Luật, Kinh tế, vv. trong đó có 7000 sinh viên Y-Dược, 4500 sinh viên cấp thạc sĩ, 2600 sinh viên cấp tiến sĩ) với Ecole Nationale Supérieure des Mines (Trường kỹ sư Hầm Mỏ, với non 1300 sinh viên, mà “đầu vào” đã thi tuyển ở mức tú tài+2, con số sinh viên vừa kể gồm cả 200 sinh viên cấp thạc sĩ, 470 sinh viên cấp tiến sĩ) ?

Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng cao thấp các trường là đếm số ấn phẩm, nhưng “ người” đánh giá xếp hạng lại không kể những ấn phẩm viết bằng tiếng Pháp.

Một số lớn nghiên cứu khoa học ở Pháp được thực hiện ở trong các phòng thí nghiệm của Universités, nơi chứa nhiều ê-kíp nghiên cứu và nghiên cứu viên của nơi khác, kể cả của CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học) và của Grandes Ecoles. Nhưng vì lý do nghề nghiệp, khi đăng công trình, nhiều nghiên cứu viên lại không ghi là nghiên cứu đã thực hiện trong Universités. Con số ấn phẩm do đó bị đếm sai.

Cũng có người coi việc đếm các công trình nghiên cứu được dẫn nhiều nhất là một tiêu chí quan trọng, nhưng đó là “nói chung”. Chứ có những công trình của một số nhà toán học được huy chương Fields nội dung rất khó, rất ít người đọc hiểu nổi, do đó mà ít được dẫn. Vì thế cũng cần dè dặt.

Nhưng đừng ngạc nhiên khi chính một số người quản lý Universités Pháp cũng dẫn bảng xếp hạng kể trên, tuy biết rằng có sự sai lệch : đó là cách họ than vãn để đòi thêm ngân quỹ, cũng như để đòi quyền tự chủ để tiến hành cải cách.

Liên hiệp châu Âu cũng định lập một bảng đánh giá của họ, mà bước đầu là thí điểm xếp các ngành đào tạo kỹ sư và quản lý, nhưng có nguồn cho rằng mục tiêu là để giúp sinh viên lựa chọn ngành học. Bảng đánh giá này có tiêu chí giá trị đào tạo sinh viên và tỉ số sinh viên ra trường tìm được việc làm, chứ không chỉ nhắm công trình nghiên cứu như cách xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải.

(3) Bài báo dùng cụm từ “dégainer en premier”, tiếng Pháp nghĩa là “rút vũ khí (súng ngắn) ra khỏi bao, trước người khác” (vì họ tung lên mạng toàn cầu trước người khác). Cụm từ này làm cho người đọc liên tưởng đến nhân vật Lucky Luke của băng truyện vẽ, tay cao bồi (cow boy) được “mệnh danh” là bắn súng nhanh hơn là chính cái bóng của chàng ta” (l’homme qui tire plus vite que son ombre). 
 

(4) Bài viết của Jean-Charles Billaut, Denis Bouyssou, Philippe Vincke, đăng trên nhật báo Le Mondee 16/11/2009, có thể đọc ở đây.

 

(5) Thí dụ như thuốc giả, theo nhật báo Le Figaro 20/11/2009, tỉ số hàng giả mà hải quan Pháp tịch thu được (con số năm 2008) là : 89,1% từ các nước Trung Đông, 10,5% từ châu Á (Ấn Độ, Hong Kong), 0,4% từ một số nước khác. Thuốc giả này nhắm nhập vào các nước Mỹ la-tinh (84,7%), châu Âu trong đó có Pháp (14,5%), còn lại là vào các nước khác (0,8%).

(6) Xin kể lại một câu chuyện cũ về việc đổi tiền. Tóm tắt lại : Hội nghị Yalta diễn ra từ 4/2- 11/2/1945 giữa thủ tuớng Anh Churchill, tổng thống Mỹ Roosevelt, và thống chế Liên Xô Staline.

Theo quyết định của Hội nghị này, khi nào Nhật đầu hàng, thì phía bắc vĩ tuyến 16 Việt Nam (Đông Dương nói chung) sẽ do quân Tàu Tưởng vào giải giáp quân Nhật đóng tại đó ; phía nam của vĩ tuyến 16 này sẽ do quân Anh vào giải giáp quân Nhật đóng tại đó. Quyết định này không đề cập đến số phận của nhân dân các nước Đông Dương. Ba ngày sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh , ngày 17/8/1945, vua Bảo Đại gửi điện kêu gọi tổng thống Mỹ Truman (thay Roosevelt đã chết) và các nước Đồng Minh khác, kể cả De Gaulle, yêu cầu công nhận Việt Nam độc lập nhưng không được trả lời. Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám; vài ngày sau, vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị. Ngày 23/8/1945, thành lập Chính phủ Lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch và sau đó, công dân Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) sẽ là Cố vấn Tối cao. 15/9/1945 rất nhiều quân Tàu Tưởng bắt đầu tới Hà Nội mà tổng số sẽ là 18 vạn, do tướng Lư Hán làm tư lệnh. Tôi nhớ mang máng chuyện này (vì sự việc này xảy cách đây đã 64 năm), họ mang theo hai loại tiền Trung quốc : Quan kim và Quốc tệ (?) ép người Việt Nam phải tiêu. Quốc tệ giá rẻ mạt, sau biến thành một thứ giấy lộn. Ngày 20/11/1945, theo lệnh tướng Lư Hán, Trung quốc Ngân hàng chỉ đổi cho mỗi người 1000 Quan kim theo hối suất 1 Quan kim tương đương với 1,5 đồng Đông Dương còn đang dùng ở Việt Nam, trong khi giá hối suất ở Côn Minh (Trung quốc) là 6 Quan Kim mới được 1 đồng Đông Dương. Ngày 8/9/1946, đội quân cuối cùng của Lư Hán rút về Tàu, nhường chỗ cho Pháp (nguồn về 2 thời điểm này : « Hai mươi năm qua : 1945-1964, sự việc từng ngày » của Đoàn Thêm, nxb Nam Chi Tùng thư, Saigon 1966). Sự việc tôi muốn kể là chuyện sau đây. Trước khi quân Tàu Tưởng rút đi, một số thương gia Hoa kiều tung ra một chiêu lừa rất hay ở Hà Nội, đó là cho một số người đi lùng mua tiền Quan kim với giá cao, kèm theo lời đồn đại là giá Quan kim càng ngày càng tăng. Một số con buôn Việt Nam ngỡ bở, vội vàng đổ sô đi mua Quan kim, hy vọng bán lại lấy lời. Ít lâu sau quân Tàu Tưởng rút đi, Quan kim chỉ còn là giấy vụn.

(7) Bài chê cũng có, bài khen cũng có.

Thí dụ như Bốn thói xấu của người Việt đương đại (TuanVietNam)- Nói “của rất nhiều người Việt ” là để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu này.

Hoặc  Đất Việt :

Bốn điều kỵ khi đặt giường trong phòng ngủ

Năm điều đại kỵ khi lập bàn thờ.

(báo Đất Việt là báo của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).

(8) Esope là người nửa có thật nửa như truyền thuyết, sống khoảng thế kỉ thứ VII-VI trước Công nguyên, vốn là một nô lệ được phóng thích. Chuyện ngụ ngôn của Esope được nhiều nhà thơ nhà văn sử dụng lại, thí dụ như nhà thi hào (Jean de) La Fontaine (Pháp 1626-1695) với tập “Thơ ngụ ngôn”; được ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt (lần đầu tiên vào năm 1916). Tôi tìm nhưng không thấy “chuyện cái lưỡi” của Esope trong đó.

Đành nói sang chuyện bên lề vậy. Tôi không biết thời đó ông Nguyễn Văn Vĩnh viết tên La Fontaine nguyên như tiếng Pháp, hay phiên âm ra là La-Phông-Ten (Tôi không có nguyên bản thời đó để kiểm chứng). Chỉ nhớ thuở nhỏ, có nghe mấy ông đồ Nho canh tân (mới học chữ quốc ngữ) rung đùi tán dương Lã Bố làm thơ ngụ ngôn giỏi – (Lã Bố, tự là Phụng Tiên, là nhân vật có thật thời Đông Hán, nhưng trong Tam Quốc Chí của La Quán Trung được tiểu thuyết hóa, với tích “Lã Bố hí Điêu Thuyền”; đồng thời theo một nguồn, chính Điêu Thuyền cũng là một nhân vật tiểu thuyết, vì điêu thuyền là một chức trong cung thời Đông Hán, chứ không phải là tên người, vậy mà sau đó được kể là một trong tứ đại mỹ nhân trong sử Trung quốc) – bởi vì thời đó có khuynh hướng “Nho hóa” tên người nước ngoài, nên không hiểu các vị đọc ở đâu, mà luận rằng Lã Phụng Tiên (Lã Bố) làm thơ ngụ ngôn.

(9) Chính báo trong nước đăng những loại tin như, không phải do tôi bày đặt : vietnamnett hay tienphong.

(10) BBC, 19 tháng 11, 2009, đặt câu hỏi : Có ý kiến trái chiều nhau về hội nghị lần này. Liệu ban tổ chức có đặt ra "tiêu chuẩn" Việt kiều nào sẽ được hoan nghênh trở về tham dự hội nghị, Việt kiều nào không được hoan nghênh hay không ?câu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn là để trả lời câu hỏi nói trên.

Đăng trên http://www.diendan.org/giot-muc-giot-doi/top-1/

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    KKT