Tư vấn, phản biện của các nhà khoa học với Quốc hội: Chưa có cơ chế!

Vietsciences-Hoàng Thư  - Pháp Luật                22/03/2010

 

Những bài cùng đề tài

Để các đại biểu quốc hội “không nhát tay” khi quyết vấn đề quan trọng của đất nước phải có quan điểm của các nhà khoa học. Tuy nhiên vẫn chưa có cơ chế phối hợp…
Các nhà khoa học lẫn đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự đóng góp “tất yếu” và “không thể thiếu” của trí thức với Quốc hội thông qua các tổ chức dân sự. Tuy nhiên, cơ chế hợp tác cụ thể như thế nào thì cả hai bên còn phải chờ… Hội thảo “Vai trò tư vấn của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đối với các cơ quan của Quốc hội” tổ chức tại Hà Nội ngày 19-3 nhất trí như trên.

Đại biểu luôn cần các nhà khoa học…

Đại biểu kiêm sử gia Dương Trung Quốc thuật lại một câu chuyện: “Rất nhiều vấn đề làm chúng tôi phải lưỡng lự, ví dụ về cao trình của thủy điện Sơn La, chuyên môn quá, chúng tôi không biết thế nào cả. Tôi tham khảo ý kiến ba người: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Trần Văn Giàu, rồi Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đại tướng thì bảo phải hết sức thận trọng, đặt an ninh quốc phòng lên hàng đầu, đề phòng nguy cơ bị khủng bố quốc tế về môi trường. Giáo sư Trần Văn Giàu nói nước ta xưa nay mạnh về chiến tranh nhân dân, có làm nhà máy điện thì phải xây dựng nhiều điểm phát điện rải rác ở nhiều địa phương, không tập trung vào một công trình quá lớn. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại nói rất nên làm lớn, rất có lợi, mà ta có thể làm được, đủ an toàn… Ba người đều là ba nhân vật lớn cả, ba ý kiến khác nhau, tôi rất hoang mang…”.

Từ câu chuyện của mình, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng là phải bổ sung tri thức cho đại biểu Quốc hội, đại dương tri thức thì vô cùng nên rất cần vai trò tư vấn trực tiếp của đông đảo nhà khoa học. “Mà nói về tập hợp trí tuệ xã hội thì VUSTA là có điều kiện nhất” - ông Quốc khẳng định.

VUSTA đã tham gia tư vấn, phản biện về dự án Thủy điện Sơn La, đề án Khai thác than đồng bằng sông Hồng, đánh giá Quy hoạch khai thác bauxite Tây Nguyên, tư vấn cho dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…Công trình thủy điện Sơn La là một trong những dự án mà VUSTA đã tham gia tư vấn, phản biện. Ảnh: TTXVN

TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Nguyên tắc của tranh luận là chỉ có thể tranh luận dựa trên chứng cứ và logic. Không có chứng cứ khoa học, chất lượng tranh luận của Quốc hội rất thấp, đại biểu Quốc hội không chất vấn Chính phủ được. Vì thế, Quốc hội cần đến VUSTA”. Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đồng tình: “Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về luật Thủ đô và việc quy hoạch Hà Nội chẳng hạn, mà chỉ toàn phát biểu “theo tôi thế này, theo tôi thế kia, vấn đề này không thuộc lĩnh vực của tôi nên tôi chỉ xin có ý kiến nhỏ thế này…” thì làm sao thuyết phục được Chính phủ. Không có chứng cứ khoa học, thành ra cứ như là nói cho vui ấy”.

Nhưng “cung” và “cầu” chưa gặp nhau?

Theo TS Hồ Uy Liêm, hơn 90% trí thức khoa học công nghệ của đất nước tập trung trong VUSTA luôn mong muốn được đóng góp ý kiến cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Các hội sinh học Việt Nam, làm cử tọa tại hội thảo cười ồ khi ông phát biểu về thực trạng hợp tác giữa các nhà khoa học với Quốc hội, Chính phủ: “Chúng tôi có tới 15 hội sinh học với 12.000 nhà khoa học luôn luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ tư vấn nếu được Quốc hội giao, thông qua Liên hiệp hội. Nhưng chúng tôi được đặt hàng ít lắm. Nhiều khi thấy các đại biểu tranh luận ở Quốc hội mà chúng tôi thấy… sao Quốc hội ít chuyên nghiệp quá, làm luật hở nhiều quá mà chẳng tham vấn các nhà khoa học gì cả để cho luật bớt hở đi!”.

Ông Nguyễn Lân Hùng cho biết 12.000 nhà khoa học thuộc các hội sinh học Việt Nam “muốn tham gia đầy đủ hơn, mạnh hơn” vào việc tư vấn, hỗ trợ Quốc hội xây dựng chính sách về mọi lĩnh vực có thể: môi trường, công nghệ sinh học, di truyền học, phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo v.v. “Có gì Quốc hội cứ đặt hàng, thông qua đầu mối VUSTA. Chúng tôi sẵn sàng làm, VUSTA cứ bảo gì là chúng tôi làm nấy!”.

Theo Quyết định 22/2002 của Thủ tướng thì VUSTA thực hiện vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên cơ sở hai chiều: 1. cơ quan có thẩm quyền yêu cầu VUSTA thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội; và 2. VUSTA đề xuất thực hiện tư vấn, phản biện, giám định xã hội và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.

Thực tế tại nhiều kỳ họp Quốc hội cho thấy các cơ quan Quốc hội nói chung và đại biểu nói riêng vẫn ở trong tình trạng phải đứng trước “một rừng thông tin” mỗi lần chuẩn bị ra quyết định về một chính sách quan trọng của đất nước. Thông tin lại thường đến khá muộn, nói như Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên là “khi mọi sự đã “đóng thuyền”, mà tới lúc đó thì “rất khó thay đổi điều gì, không cẩn thận còn tạo sự đối kháng, đối đầu về chính sách”.

Có lẽ việc hợp tác giữa giới trí thức khoa học công nghệ mà đại diện là VUSTA với các cơ quan Quốc hội cần được khuyến khích bằng những quy chế và giải pháp cụ thể. Một số đại biểu Quốc hội cũng là nhà khoa học như GS Trần Ngọc Đường, TS Hoàng Ngọc Giao, Th.s Nguyễn Đình Xuân gợi ý như vậy.

VUSTA thành lập ngày 26-3-1983 với 14 hội chuyên ngành trung ương và một liên hiệp hội Hà Nội. Hiện nay, VUSTA có 10 hội ngành toàn quốc, trong đó có bốn tổng hội: Tổng hội Y học, Tổng hội Địa chất, Tổng hội Xây dựng, Tổng hội Cơ khí. VUSTA tập hợp hơn 1 triệu trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phối hợp, làm đầu mối giữa các hội thành viên với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…

              http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org