Nghiên cứu trường hợp Đắk Nông và Lâm Đồng
Tham luận của Hội Bảo vệ Thiên Nhiên và Môi Trường Việt Nam – VACNE
(tại Hội thảo "Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite-sản xuất
alumina-nhôm đối với phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và những yếu tố
ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực" tổ chức ngày 9/4/2009 do Phó Thủ
tướng Hoàng Trung Hải chủ trì)
(Người trình bày: PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, trưởng ban Phản Biện Xã Hội)
Những chữ viết tắt:
· ANMT – An ninh môi trường
· BVMT – Bảo vệ Môi trường
· ĐA SĐN – Đề án bảo vệ Môi trường Lưu vực sông Đồng Nai
· PTBV – Phát triển bền vững
· QHBX – Quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng
bauxite giai đoạn 2007-2015 của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
· SĐN – Hệ thống sông Đồng Nai
· TKV – Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
· UB SĐN – Uỷ ban Bảo vệ Môi trường Lưu vực sông Đồng Nai
· VACNE – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
· VUSTA – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Giới thiệu chung
Ngày 1/11/2007,
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định QĐ 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy
hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite
giai đoạn 2007-2015 (QHBX) tại Tây Nguyên do Tập đoàn Than - Khoáng sản
Việt Nam (TKV) đệ trình. Trong năm 2008 đã có hai dự án khai thác bauxite
và sản xuất alumina tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm (600.000 tấn
alumina/dự án) triển khai tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).
Một tháng sau,
tháng 12/2007,
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án bảo vệ Môi trường lưu
vực sông Đồng Nai (ĐA SĐN) đến năm 2020. Theo đó, lấy phòng ngừa, giảm
thiểu ô nhiễm và ngăn chặn suy thoái môi trường là chính; kết hợp xử lý,
khắc phục từng bước các điểm nóng về ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên toàn
lưu vực, đặc biệt là những nguồn nước được sử dụng cho mục đích cấp nước
sinh hoạt. Bảo vệ môi trường lưu vực SĐN phải được giải quyết tổng thể,
thống nhất trên toàn lưu vực với sự kết hợp hài hoà của 12 tỉnh thành trên
lưu vực. Một năm sau nữa, ngày 3/12/2008, Thủ tướng Chính
phủ ký quyết định thành lập Uỷ ban Bảo vệ Môi trường Lưu vực sông Đồng
Nai (UB SĐN) để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất
thực hiện ĐA SĐN. Việc thành lập UB SĐN là một động thái tích cực triển
khai thực hiện ĐA SĐN trong đó có Đăk Nông và Lâm Đồng – khai trường chủ
yếu bauxite Tây Nguyên.
Do được xây dựng trước
khi ĐA SĐN được phê duyệt và bỏ qua việc thực hiện báo cáo Đánh giá Môi
trường chiến lược (ĐMC) mặc dù QHBX là quy hoạch liên tỉnh cần lập báo
cáo ĐMC theo quy định của Pháp luật về BVMT, nhiều vấn đề môi
trường của QHBX còn chưa được tính toán kỹ trong bối cảnh phát triển bền
vững lưu vực hệ thống sông quan trọng này nói riêng và Tây Nguyên nói
chung. Đó chính là nguyên nhân gây ra những phản ứng trong xã hội về các
vấn đề môi trường liên quan đến QHBX.
Nghiên cứu này được thực
hiện tại Đăk Nông và Lâm Đồng do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt
Nam (VUSTA) tiến hành trong tháng 2 năm 2009. Các số liệu trích dẫn trong
báo cáo do UBND các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng và Ban Quản Lý 2 dự án Bauxite
Nhân Cơ và Tân Rai - Tập đoàn TKV cung cấp trong đợt công tác nói trên.
1. Đặc điểm vùng
Quặng Bauxite Đăk Nông và Lâm Đồng: cơ sở khoa học về phát sinh tai biến
môi trường liên quan với khai thác quặng bauxite
Bauxite Đăk Nông và Lâm
Đồng theo các tài liệu địa chất là phần tàn dư của vỏ phong hoá laterit
trên đá basalt được hình thành trong suốt thời gian nhiều triệu năm
qua, khác hẳn loại bauxite tái trầm tích nằm xen trong các tầng đá vôi 250
triệu năm tuổi ở Hà Giang, Lạng Sơn, Hải Dương phía Bắc nước ta cũng như ở
Nam Trung Quốc. Bauxite ở đây là bộ xương cứng của vỏ phong hoá, là thành
phần cấu trúc quan trọng của địa hình cao nguyên. Vỏ phong hoá bauxite ở
Tây Nguyên có độ dày rất thay đổi, chiều dày lớp quặng bauxite biến thiên
trong khoảng 1,0-15m, nằm sâu dưới mặt đất 0-3m, trữ lượng bauxite dự báo
khoảng 6-7 tỷ tấn, trữ lượng đã thăm dò đạt 2,235 tỷ tấn, trong đó khoảng
60% trữ lượng bauxite nằm trong phạm vi tỉnh Đăk Nông. Tầng bở rời phủ
trên tầng quặng bao gồm lớp kết von laterit và lớp đất màu khá mỏng. Chiều
dày tầng phủ trên quặng biến thiên nhanh theo địa hình, thường dày khoảng
1m và nhiều nơi không tồn tại. Tầng phủ trên quặng càng mỏng thì lớp phủ
thực vật bên trên càng nghèo nàn. Lớp vỏ phong hoá chứa bauxite ở Tây
Nguyên rộng đến 20.000 km2 nằm dưới nhiều sinh cảnh khác nhau
từ đồi trọc, trảng cây bụi, thảm rừng tự nhiên, điều, cà phê, chè, dâu
tằm, thậm chí cả các khu dân cư,... Do là sản phẩm của vỏ phong hoá tàn
dư, dù là ở vùng đồi trọc hay bất cứ sinh cảnh nào, bauxite laterit Tây
Nguyên cũng nằm trên đỉnh các dạng địa hình dương trên cao nguyên và là bộ
xương khá vững chắc của các dạng địa hình này.
1.1 Vùng
bauxite Đắk Nông
Là phần Nam của Tây
Nguyên, còn được gọi là cao nguyên M’Nông do là địa bàn cư trú chính của
dân tộc M’Nông – một dân tộc thượng võ và giàu bản sắc văn hoá truyền
thống – có độ cao tuyệt đối trên dưới 700m, Đăk Nông có địa hình chia cắt
rất mạnh. Địa hình chủ yếu là cao nguyên lượn sóng bị phân cắt thành các
dải đồi với 400. Khí hậu nóng và mưa nhiều; lượng mưa trung
bình/năm từ 2400mm đến 3000mm nhưng lại chỉ tập trung trong khoảng 3-4
tháng mỗi năm. Có những ngày mưa đến 200-300mm thậm chí đến 500mm “như
ông Trời nghiêng dòng Krong Ana trút nước xuống” – theo cách nói của
người Đăk Nông. Tỉnh Đăk Nông nằm gọn trên thượng nguồn 3 lưu vực sông:
lưu vực sông Đồng Nai chiếm khoảng 240.000 ha, lưu vực sống Krong K’No
(thượng nguồn sông Srepok đổ sang Campuchia) khoảng 360.000 ha, và thượng
nguồn sông Bé (một chi lưu lớn của sông Đồng Nai) trên 50.000 ha. Có thể
nói Đăk Nông nằm trên mái nhà của Nam Tây Nguyên, nơi mà nước chỉ chảy
đi mà không chảy đến. Nước ngầm Đăk Nông rất nghèo, chủ yếu đủ cung
cấp cho các nhu cầu cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ. Đặc điểm này cho thấy nguồn
cung cấp nước tại chỗ rất hạn chế cho các hoạt động sản xuất cần nhiều
nước nhu khai thác bauxite và chế biến alumina; hoạt động xói mòn đất mãnh
liệt chắc chắn gây hại cho các vùng hạ lưu.
Đăk Nông có 8 huyện thì
5 huyện đều có bauxite, với 7 vùng quặng trải rộng trên diện tích gần 1900
km2. Sau khi trừ đi diện tích cấm hoạt động khoáng sản theo
Luật Khoáng sản (500 km2) thì diện tích quặng bauxite tiềm năng
khai thác của Đăk Nông còn khoảng 1400 km2. Diện tích mà dự án
Nhân Cơ được phép khai thác và sử dụng phục vụ khai thác rộng đến 16.000
ha.
Trong thời kỳ là một bộ
phận của tỉnh Đăk Lăk (cũ), Đăk Nông được coi là “mỏ gỗ’ vì khai thác gỗ
rừng tự nhiên là thế mạnh của vùng đất này. Liên tục hơn chục năm kể từ
1990, mỗi năm Đăk Nông đưa ra thị trường trên dưới 500.000m3 gỗ
tròn. Mấy năm qua gỗ trước khi xuất tỉnh đã được chế biến nhưng khai thác
gỗ rừng vẫn là nguồn thu nhập chính của địa phương. Hiện nay (2008) Đăk
Nông chỉ còn 370.000 ha rừng trên tổng số 651.000 ha diện tích tự nhiên
(gần 59%), tuy nhiên diện tích và chất lượng rừng ngày càng giảm sút nhanh
do hoạt động khai hoang tự phát của người bản địa và một lượng lớn dân di
cư tự do từ các tỉnh phía Bắc tràn vào chưa thể kiểm soát được. Huyện Đăk
R’Lâp hiện nay không còn rừng. Mỗi năm hiện nay rừng của tỉnh mất thêm
khoảng 3000-5000 ha. Kết quả là nhiều diện tích của Cao nguyên M’Nông
trước đây có rừng che phủ nay chỉ còn cây bụi, trảng cỏ (chủ yếu là loài
cỏ lông lợn), điều hay cà phê kém năng suất, thậm chí trống trọc với quặng
bauxite lộ ngay trên mặt địa hình (Hình 1). Điều này rất thuận lợi cho
việc khai thác quặng bauxite của Đăk Nông.
1.2. Vùng bauxite Lâm
Đồng
Bauxit Lâm Đồng chủ yếu
nằm ở các cao nguyên phân bậc Bảo Lộc (cao trung bình 900m) và Di Linh
(cao trung bình 1200m) và một phần nhỏ ở huyện Lâm Hà. Khai trường bauxite
cũng nằm trên đỉnh cao nguyên, là nơi nước cũng “chảy đi mà không chảy
đến” giống khai trường Đăk Nông. Tổng trữ lượng bauxite của Lâm Đồng
khoảng 900 triệu tấn có thể tuyển thành 400 triệu tấn quặng tinh. Theo
QHBX, TKV sẽ triển khai 3 dự án khai thác tại Lâm Đồng trong đó dự án Tân
Rai - Bảo Lâm là dự án đầu tiên. Giai đoạn 5 năm đầu diện tích khai trường
có thể lên tới 500-600 ha.
Khác với Đăk Nông,
bauxite Lâm Đồng nằm ở vùng địa hình như cái đĩa úp, có bề mặt đồi khá
bằng phẳng và rộng rãi. Sườn đồi thoai thoải, trung bình khoảng 20-250.
Phần lớn diện tích chứa quặng là rừng cây, chè, dâu tằm, cà phê, thậm chí
hoa. Mức doanh thu từ đất trồng cây công nghiệp khá cao: có 60.000 ha cho
doanh thu lên tới 50 triệu đồng/ha/năm và 10.000 ha có doanh thu trên 100
triệu đồng/ha/năm.
Vùng bauxite Lâm Đồng
nằm trên đỉnh cao của lưu vực sông Đồng Nai và La Ngà (cũng là một nhánh
của sông Đồng Nai) có nhiều tiềm năng thủy điện. Không kể thuỷ điện Đa
Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đăk Mi, Trị An, lưu vực sông Đồng Nai còn đang
phát triển 5 dự án thuỷ điện phân bậc khác. Với lượng mưa trung bình
2700mm/năm, Bảo Lộc - Bảo Lâm là vùng sinh thuỷ quan trọng của hệ thống
sông Đồng Nai.
2. Những vấn đề môi
trường bức xúc liên quan đến khai thác bauxite
2.1. Phá vỡ tính
ổn định của địa hình cao nguyên, khởi phát xói mòn đất dữ dội trên diện
rộng, hoàn thổ nhưng không thể tái khôi phục đất trồng trọt
·
Vấn đề xói mòn
đất và giảm năng suất cây trồng
Mô hình nông-lâm nghiệp
bền vững trên đất dốc vẫn tồn tại ở nhiều vị trí trong tỉnh Đăk Nông, có
tên là mô hình “Đầu đội mũ – Chân đi ủng” (hình 1)

Hình 1. Mô hình
nông-lâm nghiệp bền vững trên đất dốc
có bauxite ở Đăk Nông
“Đầu” là phần đỉnh cao
có rừng che phủ (nên gọi là đầu đội mũ). Bên dưới tán rừng là lớp thổ
nhưỡng, tiếp dưới là tầng kết von laterit rồi đến tầng quặng bauxite. Phần
sườn dốc không có lớp bauxite mà là tầng đất basalt phong hóa có độ ẩm
nhất định. Người địa phương canh tác và làm nhà ở phần này. “Chân” dốc là
hồ hay đầm trữ nước cho sinh hoạt và sản xuất, có thể nuôi thủy sản (chân
đi ủng). Sự có mặt của tán rừng trên đỉnh tạo khả năng chống xói mòn và
tích lũy nước cho vùng chân dốc.
Diễn thế tự nhiên của
cảnh quan được quan sát tại Đăk Nông là như sau: ở những nơi tán rừng trên
đỉnh bị khai hoang, hoạt động xói mòn tăng tốc, do lớp đất màu mỏng bị rửa
trôi hết, rừng không tái sinh được (dù có trồng lại cũng khó mọc) mà xuất
hiện tập đoàn cây bụi đơn giản về thành phần loài. Nếu đám cây bụi tiếp
tục được khai hoang thì diễn thế thực vật tiếp theo chỉ còn là trảng cỏ,
cuối cùng, nếu trảng cỏ bị đốt phá, không cây gì có thể mọc, xói mòn tăng
tốc và bauxite xuất hiện ngay trên mặt địa hình.
Theo một số cán bộ lâu
năm ở Đăk Nông, chỉ cần 10 năm, tại một số vùng, tầng phủ bở rời trên
quặng bauxite dày 1m bị xói mòn hết. Tốc độ xói mòn mất đất 10 cm/năm là
tốc độ cực nhanh so với những vũng vùng khác. Hoạt động khai thác rừng
trong thời gian qua đã làm nhiều nơi không còn tầng phủ bở rời có thực vật
thân gỗ bên trên lớp quặng bauxite. Vỏ phong hoá bauxite vốn giàu Fe và
Al là những nguyên tố độc hại với đa số các loài cây trồng. Al và Fe bị
rửa trôi xuống vùng sườn, làm giảm năng suất cây trồng tại những vùng sườn
này. Hiện nay năng suất cà phê của Đăk Nông chỉ khoảng 1,5-2 tấn/ha
trong khi ở Đăk Lak là 5 tấn/ha. Nhiều nơi ở Đăk Nông, điều, cà phê hoàn
toàn không cho thu hoạch. So với diện tích chứa bauxite trên đỉnh đồi,
diện tích nông nghiệp trên phần sườn đồi bị ảnh hưởng do xói mòn rộng gấp
3-4 lần diện tích phần có chứa bauxite trên đỉnh đồi.
Mặc dù vậy, lớp quặng
bauxite và nhiều nơi bên trên có thêm lớp mũ sắt (tích tụ hydroxyt-sắt)
lại có kết cấu khá chặt, có khả năng chống lại xói mòn rất tốt, và góp
phần đáng kể làm ổn định địa hình. Khi bauxite được khai thác, toàn bộ
đỉnh cao của khai trường được đào bới, tầng phủ bở rời xuất hiện do khai
đào hay do hoạt động hoàn thổ sẽ không thể chống lại xói mòn. Với
địa hình trên đỉnh cao nguyên, với chế độ mưa như đã trình bày ở trên,
hoạt động xói mòn sẽ là một thảm hoạ khó có thể ngăn cản. Mô hình canh
tác “đầu đội mũ, chân đi ủng” bị triệt tiêu, diện tích trồng trọt suy giảm
năng suất sẽ lớn hơn diện tích khai trường 3-4 lần. Các hồ chứa nước dưới
chân sườn dốc dễ bị lấp đầy làm mất khả năng trữ nước. Nhiều dòng suối cấp
nước cho dân cư dưới hạ lưu sẽ bị đục vì bồi tích từ khai trường tràn
xuống, làm cho hệ sinh thái nước bị thiệt hại khó lường.
Vùng bauxite Lâm Đồng
cũng nằm trên các đỉnh cao của địa hình. Mặc dù tỷ lệ diện tích sườn canh
tác bị ảnh hưởng so với diện tích chứa bauxite có nhỏ hơn Đăk Nông, chỉ cỡ
2 lần (vì địa hình ở đây là dạng đĩa úp), nhưng đây lại là diện tích cho
năng suất cao.
Hoạt động xói mòn rửa
trôi đất liên quan đến khai trường bauxite là rất khó kiểm soát, dù rằng
mỗi năm mỗi dự án chỉ khai thác chừng 100 ha, nhưng thời gian khai thác
liên tục là rất dài (20-30 năm). Kinh nghiệm của mỏ bauxite Bảo Lộc (Công
ty Hoá chất Cơ bản Miền Nam) cho thấy rõ thảm hoạ này: hoạt động liên tục
suốt 32 năm qua, mỏ bauxite Bảo Lộc đã tiến hành khai thác quặng bauxite ở
Bảo Lộc phục vụ cho việc sản xuất phèn chua dùng để lọc nước tại TP Hồ Chí
Minh. Hằng năm mỏ sản xuất ra 120.000 tấn quặng tinh (khoảng 1/11 công
suất của dự án Tân Rai hoặc Nhân Cơ giai đoạn I), đòi hỏi khối lượng quặng
nguyên khai hằng năm là 260.000 tấn. Toàn bộ hạ lưu của mỏ bauxite Bảo Lộc
là suối Đamrông, thuộc khu Minh Rồng (thượng nguồn sông La Ngà, một chi
lưu của sông Đồng Nai, đoạn chảy qua Định Quán) đã biến thành “dòng suối
chết” do bồi tích sinh ra từ hoạt đọng xói mòn rửa trôi tại khai trường
của mỏ này. Không loại trừ khả năng sau khi đưa vào hoạt động của các dự
án Nhân Cơ và Tân Rai, nhiều hồ của các công trình thuỷ điện trong các hệ
thống sông Đồng Nai và Srepok cũng bị bồi nông và đục ngầu.
·
Vấn đề hoàn
thổ và sự xâm nhập của tập đoàn cây mai dương
Dự tính diện tích phải
hoàn thổ của khai trường của cả hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai lên tới 3000
ha ở giai đoạn I và sẽ lên tới 6000-7000 ha ở giai đoạn II. Ở Nhân Cơ
nhiều nơi bauxite lộ ngay trên mặt, không có đất để hoàn thổ. Ngay khi có
tầng phủ bở rời để hoàn thổ, thì đất hoàn thổ cũng không canh tác được.
Kinh nghiệm hoàn thổ 32 năm qua của mỏ bauxite Bảo Lộc cho thấy rõ vấn đề
này.
Mỏ bauxite Bảo Lộc sau
32 năm khai thác mới hoàn thổ được khoảng 2 ha trong tổng số 36 ha diện
tích đã khai thác. Công tác hoàn thổ được thực hiện rất bài bản: tầng phủ
trên quặng (dày trung bình 1 m) được bóc và tích lũy lại; quặng bauxite
(dày trung bình 4 m) được khai thác; sau đó tầng phủ được lấp trở lại vị
trí khai thác. Sau hoàn thổ, cấu trúc ban đầu của phẫu diện có lớp đất thổ
nhưỡng mỏng (0,10-0,40m) nằm trên mặt bị trộn lẫn với lớp kết von laterit
và quặng bauxite nghèo thành một hỗn hợp chua và độc hại với phần lớn các
loại cây trồng. Mỏ cũng đã bỏ công chăm bón được 2 ha cây keo tai tượng ở
vùng đất hoàn thổ nhưng cây cũng khá còi cọc.
Tuy nhiên, cây mai dương
(còn gọi là cây trinh nữ đầm lầy – Mimosa Pigra) đã phát triển tốt
trên các lớp hoàn thổ. Vốn không kén đất, cây mai dương phát triển thành
thảm thực vật khá tốt, cao đến 2m trên vùng đất hoàn thổ chưa đến 2 năm.
Do không phải cạnh tranh với các loài cây khác, chúng thay vì vươn cao, đã
bò lan và sinh quả có kích thước khá mập mạp. Ngay tại bãi quặng đang thải
cũng đã xuất hiện rải rác cây mai dương cao gần 1m.

Hình 2. Mai dương xâm lấn vào vùng đất đã hoàn thổ
của mỏ Bauxit Bảo Lộc
Mai dương là loài thực vật
ngoại lai xâm nhập nguy hiểm có nguồn gốc từ Trung Mỹ (nên còn có tên là Móc
mèo Mỹ hay Trinh nữ Thân gỗ). Chúng không kén đất, phát tán nhanh và chưa ở
đâu tiêu diệt được loài cây xâm lược này. Chúng ưa vùng đất bán ngập nhưng
có thể sống tốt trên đất dốc, sinh sản bằng hạt và bằng cách phân nhánh rất
khỏe. Mỗi m2 cây mai dương có đến 200 hạt. Hạt mai dương “ngủ”
trong đất không thuận lợi có thể đến 25 năm vẫn có khả năng nảy mầm. Nhựa
mai dương rất độc vì chứa chất độc Mimosine nên không con vật nào dám ăn.
Nơi nào mai dương mọc thì không cây nào có thể mọc được trừ vài loài cỏ lá
nhọn rất dễ cháy vào mùa khô. Mai dương đã xâm chiếm vào VQG Nam Cát Tiên
(Đồng Nai), Đồng Tháp Mười và nhiều tỉnh khác gây hại cho nông nghiệp, nuôi
trồng thủy sản và động thực vật hoang dã.
Vấn đề hoàn thổ sau khai
thác bauxite vì thế trở nên nan giải hơn khi vô tình tạo điều kiện cho cây
mai dương xâm lấn vào vùng đất trước đây là chè và dâu tằm nổi tiếng của Bảo
Lộc. Và nếu tích cực đầu tư cải tạo đất thì cũng vài chục năm sau mới hy
vọng trồng lại được. Như vậy kỳ vọng của nhiều cán bộ Đăk Nông cho rằng “khai
thác bauxite chỉ là mượn đất sản xuất của dân, khai thác xong sẽ hoàn thổ
trả lại cho dân canh tác” là không có cơ sở. Vùng đất sau hoàn thổ bị
nhiễm độc Fe và Al sẽ là vùng đất chết, tuy có thể phục hồi nhưng sẽ rất tốn
kém và mất nhiều thời gian.
2.2. Vấn đề chia sẻ
tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai, đặc biệt với Vùng Kinh tế trọng
điểm Miền Đông Nam Bộ
Hệ thống sông Đồng Nai
(SĐN) trải dài từ cao nguyên M’Nông (Đắc Nông) và LangBiang (Lâm Đồng) đến
cửa Soài Rạp (TP.HCM), gồm các chi lưu chính như sông Bé, sông Đa Dung, sông
La Ngà có tổng lượng nước hàng năm là 36,3 tỷ m3, giàu tiềm năng
thủy điện với công suất 2900 MW và 11500GWh; có hệ sinh thái đa dạng, với
thảm rừng (đặc biệt là thảm thực vật lá kim) nguyên sinh; giàu tiềm năng du
lịch. Lưu vực hệ thống SĐN trải rộng trên địa bàn 8 tỉnh thành: Đắc Nông,
Lâm Đồng. Bình Phước, Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nguồn nước hệ thống SĐN có tầm quan trọng đặc biệt và sống còn trong phát
triển kinh tế - xã hội của 8 tỉnh thành này, trong đó có vùng kinh tế trọng
điểm Miền Đông Nam Bộ. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục
triệu người, cấp nước cho công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng và
đánh bắt thủy sản, du lịch sông nước, ...
Cho đến 2005, tình hình
khan hiếm nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã đến mức báo động khẩn cấp. Năm
2005 bình quân đầu người 2486 m3/năm dưới ngưỡng 4000 m3/người
là mức thiếu nước theo tiêu chuẩn Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA). Theo
dự báo của Cục Thủy Lợi Bộ NN và PTNT thì năm 2010 chỉ còn ở mức 2098
m3/người/năm (84% so với 2005); năm 2020: 1770 m3/người/năm
(71,2% so với 2005); năm 2040: 1475 m3/người/năm (59,3% so với
2005) là mức khan hiếm nước.
Cả hai khâu tuyển bauxite
và alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Dự án Nhân Cơ có tổng
mức tiêu dùng nước 14,832 triệu m3/năm, trong đó để tuyển quặng
cần 12 triệu m3/năm, để sản xuất alumina cần 2,4 triệu m3/năm.
Dự án Tân Rai có dự kiến xây đập chắn nước để đáp ứng nhu cầu của dự án
khoảng 18 triệu m3/năm.
Dự án Nhân Cơ nằm vùng đầu
nguồn suối Đăk R’Tih và cũng đang xây dựng phương án sử dụng nước suối Đăk
R’Tih – nguồn nước chính của các nhà máy thuỷ điện Đăk R’Tih, nằm trên hệ
thống bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai do Tổng Công ty xây dựng số 1 (Bộ
Xây dựng) làm chủ đầu tư, có tổng công suất 144 MW gồm hai bậc, bậc trên với
công suất 83 MW và bậc dưới có công suất 61 MW. Nhà máy thuỷ điện Đăk R’Tih
có diện tích lòng hồ rộng 1600 ha, dung tích lòng hồ chứa khoảng 138 triệu m3
nước, với tổng mức đầu tư 4.200 tỷ đồng.
Dự án Tân Rai nằm vùng các
suối đầu nguồn cung cấp nước cho các sông La Ngà, Đồng Nai, là các nguồn
nước chính của thuỷ điện Hàm Thuận - Đa Mi và hồ Trị An. Để đảm bảo nhu cầu
nước, dự án Tân Rai sẽ xây hồ Cái Bảng với lượng nước được trữ lại trong hồ
là 108,7 triệu m3/năm.
Cả hai dự án alumina này,
mỗi dự án cần khoảng 15 - 20 triệu m3 nước / năm.Vấn đề nước trầm
trọng đến nỗi có ý kiến đề xuất phải tính đến việc xây dựng hệ thống lấy
nước từ sông Đồng Nai dài hàng chục cây số bơm lên cao nguyên. Cho dù có thể
như vậy thì nhu cầu nước cho sản xuất alumina Nhân Cơ và Tân Rai (chưa nói
đến toàn bộ các dự án sẽ thực hiện theo QHBX) cũng phải chia sẻ với nguồn
nước sản xuất và sinh hoạt của 20 triệu dân và hàng loạt khu công nghiệp
trọng điểm ở hạ lưu SĐN, trong đó có Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai và gần
chục nhà máy thủy điện.
Việc phá huỷ cấu trúc địa
hình trên đỉnh cao nguyên sẽ tăng khả năng sinh lũ trong lưu vực sông Đồng
Nai cũng như làm giảm khả năng tích nước tại vùng đỉnh Cao nguyên, làm tăng
nguy cơ thiếu nước trong khu vực.

Hình 3. Lưu vực sông
Sài Gòn - Đồng Nai ( nguồn: Cục BVMT)
2.3. Vấn đề bùn đỏ
trên cao nguyên
Theo quy trình hiện nay,
muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bauxite và
thải ra đến 1,5 tấn bùn đỏ. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án
Bauxit Nhân Cơ, nước thải và bùn thải có khối lượng tới 11 triệu m3/năm.
Bùn đỏ (Red Mud) là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bauxite
thành alumina, gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, khá bền vững trong
điện phong hoá như Hematit, Natrisilico-aluminate, Canxi-titanat,
Mono-hydrate nhôm, Tri-hydrate nhôm và đặc biệt là chứa xút – một hoá chất
độc hại dùng để chế biến alumina từ bauxite, v.v. Ở Tây Nguyên, nếu chế biến
bauxite thành alumina, bắt buộc phải xây dựng các hồ chứa bùn đỏ tại chỗ.
Chỉ riêng dự án Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15
năm lên tới 8,7 triệu m3. Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ
thải ra môi trường khoảng 0,8 triệu m3/năm, tổng lượng bùn đỏ
phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 triệu m3.
Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có: 20,25 triệu m3,
số còn lại sẽ được chứa trong các hồ mới sau này sẽ xây dựng thêm ở đâu đó.
Đáy hồ theo thiết kế sẽ
được lót một lớp đất sét và một lớp vải địa kỹ thuật, hồ được chia thành một
số khoang và có xây dựng hệ thống hào ngăn nước mưa chảy vào hồ. Phần bùn
khô lắng dần sẽ được phủ một lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, rồi phủ một
lớp đất dày 1m. Có thể hy vọng rằng hồ sẽ được bảo vệ và tu bổ tốt, đảm bảo
an toàn trong suốt giai đoạn sản xuất. Nhưng sau đó? Các hồ bùn đỏ vì
được chôn vĩnh viễn trên cao nguyên nên sau khi dự án kết thúc, chúng
vẫn tồn tại. Nguy cơ hồ chứa bùn đỏ bị xói lở sau khi dự án kết thúc là
không thể lường trước được vì khi đó chủ dự án đã hết trách nhiệm, lại trong
bối cảnh một vùng có nguy cơ xói lở rất cao.
Đặc trưng của bùn đỏ là có kích
thước rất mịn. Do đó, bùn thải khi khô dễ phát tán bụi vào không khí gây ô
nhiễm, tiếp xúc thường xuyên với bụi này gây ra các bệnh về da, mắt. Nước
thải từ bùn tiếp xúc với da gây tác hại như ăn da, gây mất độ nhờn làm da
không ráp, sần sùi, chai cứng, nứt nẻ, đau rát, có thể sưng tấy, loét mủ ở
vết rách xước trên da... Đặc biệt, khả năng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và
nước mặt rất cao khi lưu giữ bùn với khối lượng lớn trong thời gian dài.
Lượng bùn này phát tán mùi hôi, hơi hoá chất làm ô nhiễm, ăn mòn các loại
vật liệu.
Kết luận và kiến nghị
Bauxit là loại khoáng sản, cần
khai thác bền vững để phục vụ quốc kế dân sinh. Để khai thác bền vững thì
cần tính đến các lĩnh vực liên quan là Bảo vệ Môi trường và Công bằng xã
hội. Riêng lĩnh vực môi trường liên quan đến khai thác bauxite Tây Nguyên
cũng đã là một bài toán khó, là một thách thức lớn. Vấn đề là các nhà Kinh
tế khoáng sản của Việt Nam giải bài toán này như thế nào.
1.
Có 3 vấn đề môi trường
bức xúc chưa được giải quyết thấu đáo khi tiến hành khai thác bauxite ở Đăk
Nông và Lâm Đồng:
(1)
Khai thác bauxite vỏ
phong hoá như ở Tây Nguyên dù muốn hay không cũng phải phá bỏ một diện tích
rất lớn phần địa hình cao khá ổn định và tạo ra các địa hình nhân tạo, bở
vụn, không ổn định trước tất cả các quá trình địa động lực nội sinh và ngoại
sinh (như trượt lở, lũ bùn đá, xói mòn, rửa trôi,...), lấp dần các hồ thuỷ
lợi thuỷ điện, làm đục các dòng suối chảy vào hệ thống sông Đồng Nai và
Srepok, gây tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái nước. Đây là yếu tố tai
biến môi trường cần phải được tính toán kỹ càng khi thực hiện QHBX.
Do khai trường toàn nằm trên
đỉnh cao địa hình, các sản phẩm xói mòn rửa trôi giàu Al, Fe gây độc hại
và giảm năng suất cây trồng ở phần đất thấp vốn đang sản xuất nông
nghiệp. Vấn đề hoàn thổ sau khai thác bauxite trở nên nan giải. Sau hoàn
thổ, cấu trúc ban đầu của phẫu diện có lớp đất thổ nhưỡng mỏng nằm trên mặt
bị trộn lẫn với lớp kết von laterit và quặng bauxite nghèo thành một hỗn hợp
chua và độc hại với phần lớn các loại cây trồng, nhưng lại tạo điều kiện cho
cây mai dương xâm lấn vào vùng đất hoàn thổ, nếu tích cực đầu tư cải tạo đất
thì cũng vài chục năm sau mới hy vọng trồng lại được.
(2)
Vấn đề chia sẻ nguồn nước
với các lĩnh vực kinh tế dân sinh khác, đặc biệt với vùng kinh tế trọng điểm
Miền Đông Nam Bộ, cũng như mạng lưới thuỷ điện trong lưu vực.
(3)
Vấn đề xói lở các hồ chôn
bùn đỏ vốn được chôn lâu dài trên cao nguyên đe doạ môi trường tại
chỗ và vùng hạ lưu hệ thống SĐN.
2.
Trên quan điểm Phát
triển Bền vững có thể thấy rõ Bản “Quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai
thác, chế bến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 có xét đến 2025” –
phần liên quan đến Tây Nguyên – của TKV nói chung cũng như 2 dự án Nhân Cơ
và Tân Rai đang được triển khai nói riêng, chưa tính toán đầy đủ yêu
cầu Bảo vệ Môi trường gắn với phát triển kinh tế khoáng sản. Cần nội bộ
hoá chi phí môi trường vào giá thành alumina. Đề nghị TKV nghiên cứu
điều chính lại Quy hoạch nói trên về quy mô, địa điểm khai trường, công
suất, lộ trình và các giải pháp Bảo vệ Môi trường liên quan, nhằm đáp
ứng đầy đủ, khả thi và hợp lý các quy định về Phát triển Bền vững mà Chính
Phủ đã ban hành. Bản Quy hoạch Điều chỉnh cần có sự tham gia của các bên
liên quan đặc biệt là các tỉnh trong lưu vực SĐN, và cần thực hiện ĐMC theo
luật định. Trong báo cáo ĐMC, theo quy định tại Thông tư 05/2008/TT-BTNMT,
QHBX cần xây dựng, nâng cấp chương trình quan trắc và quản lý môi trường,
định hướng cần lập báo cáo ĐTM các dự án thành phần, giải pháp cân bằng nước
trong lưu vực SĐN, đặc biệt tác động đến các dự án thuỷ điện trong lưu vực.
Cần xúc tiến áp dựng công nghệ cacbonat hoá bùn đỏ để khử xút, sử dụng bùn
đỏ để sản xuất vật liệu xây dựng nhằm giải khối lượng bùn đỏ phải chôn lấp
lâu dài.
3.
Các tỉnh có dự án khai
thác bauxite và chế biến alumina cần nâng cấp hệ thông quản lý môi trường
địa phương (nhân lực, trang bị, thông tin, mạng lưới quan trắc, tần suất
quan trắc, hoạt động thanh kiểm tra,...) để có thể tiến hành tốt hoạt động
quản lý môi trường (trong đó có khả năng phải kiểm soát bauxite “thổ phỉ”)
song hành với quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá liên quan đến QHBX./.
HD Bauxite Việt Nam biên
tập
©
http://vietsciences.free.fr
và
http://vietsciences.org
Nguyễn Đình Hòe
|