Vấn Đề Trách Nhiệm Bảo Vệ Sinh Mạng Người Dân

Vietsciences-  Võ Ngọc Phước        01/01/2011

 

Những bài cùng tác giả

Nghe "Hố tử thần"

Cũng như việc bảo vệ sức khoẻ người dân, việc bảo vệ sinh mạng người dân trước các tai họa trong cộng đồng là một bổn phận căn bản của nhà nước và chính quyền địa phương. Việc này, như thường được nhận thấy tại các nước phát triển, rất được chú trọng thực thi. Bởi vì, một khi có xảy ra sự việc tổn hại đến nhiều sinh mạng người dân, thì các cơ quan và tổ chức có nhiệm vụ xã hội tại đây sẽ lên tiếng đòi hỏi nhà nước hay các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đến vấn đề phải truy xét và giải thích tường tận để làm sáng tỏ sự việc.

Nhưng, cũng như việc bảo vệ sức khoẻ người dân, nhà nước hay chính quyền địa phương của những nước kém phát triển, có lẽ vì quá chú trọng đến các việc làm kinh tế và tài chính, nên thường rất lơ là hay có thể nói là "vô trách nhiệm" trong những việc làm bảo vệ sinh mạng người dân. 

Người ta có thể đã quá nhàm chán với những việc mất mát sinh mạng người dân trong những cơn lũ lụt hàng năm tại một số vùng nhất định, tai nạn thuyền bè lật chìm gây chết chóc trên sông biển, tai nạn xe cộ lưu thông hằng ngày trên đường bộ, cả việc người đi bộ bị điện giật chết trên vía hè dọng nước mưa vv …vẫn đều đặn xảy ra trong nước, còn tại nước ngoài thì vẫn thường xảy ra việc công dân bị bán thân làm những việc đồi bại, bị hành hạ khổ cực, bị sát hại…nhưng cơ quan đại diện cho nhà nước tại các quốc gia sở tại cũng không tận tình can thiệp hay truy cứu sự việc.

Người ta cho rằng nguyên do này là vì các cơ quan trách nhiệm thiếu Qui Chế Bảo Vệ An Toàn cho người dân khi điều hành công tác nhiệm vụ hay là nội dung của qui chế an toàn, nếu có, cũng chỉ được làm quá sơ sài hay là cơ quan trách nhiêm xao lãng hay chỉ thực thi một cách lơ là. Nhưng thử hỏi là tại một nước có biết bao cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật .với biết bao kinh phí sử dụng hằng năm do người dân đóng góp nhưng lại không làm được những nghiên cứu đáp ứng cho các sinh hoạt cơ bản của ngườI dân thì chắc đành phải nói là các nghiên cứu đang còn xa vời thực tế hay có thể nói là viển vông không biết chừng.

Người ta còn cho rằng một nguyên do khác nữa là vì các cơ quan hay tổ chức có trách nhiệm xã hội như Quốc Hội, Thanh Tra nhà nước hay báo chí, truyền thông vv… đã không lên tiếng được đúng mức, nghĩa là chỉ "Nói Hay, Làm Lấy Lệ" mà thôi, có lẽ vì bị khống chế tiếng nói do các hình thức cấm đoán hay đe dọa, nên mới sinh ra tình trạng chỉ phát biểu yếu ớt đưa đến những hậu quả tai hại như hiện nay..

Hay là các cơ quan trách nhiệm của nhà nước nghĩ rằng người dân Việt "có thừa đủ thông minh" để "tự tránh" được các tai họa đến sinh mạng, vốn rất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khi lưu thông trên đường lộ, khi đi trên thuyền bè qua sông biển, khi có lũ lụt hàng năm, hay khi phải đi lao động hay sinh sống ở nước ngoài. Nghĩa là những kẻ phải hy sinh tính mạng trong những sự cố này chỉ là những kẻ kém may mắn.

Thật ra gia quyến những người dân đã từng bị mất mạng vì những khiếm khuyết trên đường lộ như "ổ gà", "hố tử thần"…, khiếm khuyết ở các đường dây điện thiết bị lòng thòng nơi công cộng, khiếm khuyết ở thuyền bè trang bị không đủ độ an toàn đi trên sông biển…đã phải chỉ biết "trách trời trách đất", cho thân phận kém may mắn, cũng không biết qui trách nhiệm cho tai họa về đâu, vì đụng tới các cơ quan trách nhiệm thì có thể còn bị nguy khốn hơn.

Tại các nước phát triển, một khi xảy ra tai họa đến sinh mạng nơi công cộng như vậy, việc truy xét trách nhiệm đến cơ quan điều hành liên quan được đem ra thực thi để làm sang tỏ nguyên nhân và trách nhiệm. Vì vậy, trong mục đích nâng cao ý thức bảo vệ an toàn sinh mạng người dân, tại các nước phát triển người ta thường thấy các cơ quan có trách nhiệm thường hàng năm tổ chức các cuộc "vận động dân chúng" ( campaigns ) nơi công cộng như Tuần lễ An Toàn Giao Thông, Tháng Truy Diệt Tai Nạn Lao Động… với sự tham gia có tính cách phụng sự xã hội của các nhân vật nổi tiếng.

Còn nếu nguyên do chính yếu là do ở sự khống chế tiếng nói đòi hỏi cải thiện tình trạng sinh hoạt xã hội, mà các cơ quan trách nhiệm cứ muốn duy trì tình trạng cũ như là "Thường Thức Xã Hội", thì phải hiểu đó là nhằm duy trì tình trạng của một xã hội chậm tiến. Để cải thiện việc này. người ta nhận thấy cần phải có ý thức về một sự "Đổi Mới mới" cho cơ chế phát triển xã hội, khác với sự Đổi Mới trước đây, đã trôi qua trên 25 năm, chỉ nhằm chủ yếu thay đổi cơ chế kinh tế bao cấp quá lỗi thời qua cơ bản của nền kinh tế thị trường nhưng vẫn cố gắng bám víu duy trì các quyền hạn tối thượng cho các cơ cấu lãnh đạo độc quyền xưa cũ.

Tiêu đề "Bảo Vệ Sinh Mạng Người Dân", vì vậy, cần phải được đặt lên hang đầu trong tâm thức của cả hai phía, phía chính quyền và phía người dân, để một khi có những sự việc gây tai họa đến sinh mạng người dân, tiếng nói đòi hỏi truy xét vấn đề hay yêu cầu cải thiện tình trạng có thể được đưa lên đúng mức và từ các kết quả truy cứu, nếu thấy cần, thì phải cho thực thi "các hình phạt đúng mức" đối với cơ quan hay các cá nhân có trách nhiệm đến sự việc.

Sau trận đông đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, vào năm trước, người ta mới được biết hang nghìn trẻ em học sinh bị bỏ mạng oan uổng chỉ vì các trường ốc của nhà nước dựng lên, do cáu kết bè phái tham nhũng tại địa phương, đã được xây cất quá sơ sài nên đã đổ sập xuống hoàn toàn, chôn vùi bao sinh mạng trẻ em, nhưng rồi các quan chức địa phương có trách nhiệm trong vấn đề, dù bị các gia đình có con em bỏ mạng oan uổng phản đối khốc liệt, vẫn không bị hề hấn gì. Cũng như việc pha chế bột plastic mica trắng vào sữa bột trẻ em, do cấu kết tham nhũng giữa các viên chức của các cơ quan trách nhiệm kiểm nghiệm thực phẩm và phía nhà sản xuất sữa bột này tại Trung Quốc đã đua đến một hậu quả tàn khốc chết chóc và bệnh tật cho hàng trăm nghìn trẻ thơ, nhưng các viên chức trách nhiệm vẫn thoát lọt được mọi hình phạt. Những sự việc tội ác này, nếu xày ra tại các nước phát triển, thì các viên chức trách nhiệm đó chắc chắn phải bị đua ra công lý xét xử và đền tội một cách đích đáng.

Vì vậy, ngườI ta nhận thấy, để có được tiếng nói đúng tầm mức trước những vấn đề liên hệ đến sinh mạng ngườI dân, một khi có sự cố tổn hại sinh mạng người dân, thì cơ quan trách nhiệm phải có trách nhiệm giải thích tường tận minh bạch là tại sao xảy ra sự việc, các trắc định và biện pháp phòng ngừa tai họa, vì sao không có biện pháp tránh được tai họa, khả năng tai họa xảy ra trong tương lai, các biện pháp sẽ được thực hiện và các hiệu quả đự toán vv…để các cơ quan trách nhiệm sinh hoạt xã hội như Quốc Hội, Thanh Tra nhà nước, giới truyền thông báo chí vv…được toàn quyền công bố và đánh giá trách nhiệm giải thích, và từ đó người dân ai ai cũng có thể thông suốt được sự việc. Nghĩa là các giới liên hệ đến vấn đề phải có cùng chung ý thức căn bản này để tiến hành việc bảo vệ an toàn sinh mạng người dân ở mọi tình cảnh, vị trí.

Muốn được như vậy, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đến ván đề này ở mọi lãnh vực như phòng chống thiên tai, giao thông đường bộ đường thủy, qui chế bảo toàn lao động, y tế, sản xuất thực phẩm dược phẩm, công tác quốc phòng, sinh hoạt xã hội vv…phải có đầy đủ các qui chế bảo vệ sinh mạng người dân trong khi thực thi công tác nhiệm vụ và phải ý thức việc triệt để thi hành đứng đắn các qui chế này. Và, trong trường hợp có xảy ra tai họa tổn hại đến sinh mạng người dân, thì không được sử dụng quyền lực, trực tiếp hay gián tiếp, để khống chế (ém nhẹm ) tiếng nói đòi hỏi báo trình minh bạch sự việc hay che đậy các sơ xuất đã có.

VNP.

http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/407779/giam-sat-%E2%80%9Cho-tu-than%E2%80%9D.html

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Ngọc Phước