Vấn đề xây nhà máy điện hạt nhân ở VN - Một số ý kiến

Vietsciences-Nguyễn Thọ Nhân              11/05/2010

 

Những bài cùng đề tài

Trong những năm 1980-86, Viện Năng Lượng nguyên tử Quốc gia (VNLNTQG), nay là Viện Năng Lượng Nguyên tử Việt nam (VNLNTVN) đã tích cực xây dựng đề án “Phát triển Nhà Máy Điện Hạt nhân (NMĐHN) ở Việt nam” không những trong khuôn khổ một đề tài của chương trình cấp Nhà nước “Sử dụng Năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân” mà còn xem dự án này là một trong hai mục tiêu hàng đầu của ngành hạt nhân ở nước ta, mục tiêu còn lại là phát triển các ứng dụng của chất đồng vị phóng xạ.

Đề án nói trên đã bước đầu trình lên Nhà nước, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủng hộ tích cực và đã có những đàm phán sơ bộ với phía Liên Xô để được cung cấp một NMĐHN 440 MW.

Ngày nay, chương trình xây dựng NMĐHN do Bộ Công nghiệp và VNLNTVN phối hợp thực hiện sắp được trình lên Chính phủ và đang có những hoạt động rầm rộ để chứng minh tính khả thi của nó. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế và xã hội của đất nước ta hiện nay, rất khác với thời kỳ 1980-86, người ta tự hỏi là có nhất thiết phải đi đến kết luận như trước đây hay không?

Đề án phát triển NMĐHN trước đây

Trong những năm 1980-86, VNLNTQG dưới sự hướng dẫn của Viện trưởng Nguyễn Đình Tứ đã trình lên Nhà nước đề án xây dựng NMĐHN, xem đây là một kết luận tất yếu trong bối cảnh chính trị và kinh tế của thời ấy. Trước thời kỳ Đổi Mới, nước ta là thành viên của Hội Đồng Tương Trợ Kinh tế, và bị phương Tây bao vây về kinh tế. Chúng ta chưa phát hiện ra những mỏ dầu trên thềm lục địa và tình trạng ngoại tệ không cho phép bỏ ra hàng tỷ rúp/đô la để phát triển hệ thống năng lượng, xây dựng các đập thủy điện, các nhà máy nhiệt điện đắt tiền. Trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển NMĐHN, chúng tôi dựa vào những yếu tố sau đây:

- ưu tiên phát triển thủy điện ở một chừng mực nào đó do các khả năng tài chính của đất nước cho phép,

- dựa vào nguồn nhiên liệu sơ cấp là than đá mà ta có sẵn để phát triển nhiệt điện,

- Liên Xô đã và đang cung cấp cho các nước thuộc Hội Đồng Tương trợ Kinh tế loại NMĐHN VVER-440 với giá rất rẻ (mặc dầu thay đổi tùy theo từng nước, các bạn Bun ga ri và Cu ba đã cung cấp cho chúng tôi những con số khác nhau),

- VVER 440 là loại nhà máy dùng lò PWR (nứơc áp suất) mặc dầu hiệu suất thấp nhưng khá an toàn dù chưa có ba vành đai bảo vệ như các lò của phương Tây. Liên Xô sẽ bảo đảm việc cung cấp và tái xử lý nhiên liệu, xử lý chất thải.

- Một lò công suất 440MW sẽ đẩy mạnh việc phát triển ngành hạt nhân ở nước ta.

Với những yếu tố thuận lợi về giá cả và vì Liên Xô là nguồn cung cấp thiết bị duy nhất của ta lúc bấy giờ, chúng tôi đã cố gắng tìm tòi để có thể đưa 440MW vào hệ thống điện của ta lúc ấy chưa được kết nối trên toàn quốc (chưa có đường dây Bắc Nam 500kV).

Tính tất yếu của việc xây dựng NMĐHN lúc bấy giờ, mặc dầu đã thấy rõ nhưng muốn chứng minh điều đó, chúng tôi phải làm quy hoạch Điện Hạt nhân (ĐHN) một cách nghiêm túc. Chúng tôi đã xin được chương trình quy hoạch WASP của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dầu biết rằng chương trình này được viết một cách hơi thiên vị để đề cao NMĐHN. Lúc ấy, vì chưa có các máy tính hiện đại, chúng tôi phải hoàn toàn tính toán trên các máy lớn IBM 360/50 của Mỹ để lại ở miền Nam. Với nhiều cố gắng, chúng tôi vẫn chưa tìm ra sự cần thiết phải đưa ĐHN vào Việt nam. Trong dự báo nhu cầu điện theo phương pháp AOKI, chúng tôi đã mạnh dạn đưa vào hệ số tăng trưởng kinh tế hàng năm là 7%, 8% (lúc ấy không ai tưởng tượng được là ta có thể đạt hệ số này) để đi đến một sản lượng điện ở chân trời 2000 là 25 tỷ KWh do đó ĐHN được đưa vào khoảng năm 2005. Mặc dầu các kết quả này được công bố trong một tài liệu của IAEA năm 1986 nhưng mục đích của nó chỉ để làm cơ sở cho tờ trình của VNLNTQG. Vào dịp đi thăm của Phó Thủ tướng Liên Xô Baibakov, hai nước đã thoả thuận là Liên Xô giúp ta xây dựng NMĐHN, trước mắt là cử đoàn chuyên gia sang đánh giá tình hình. Nhưng sau khi xẩy ra sự cố trên lò RBMK ở Tchernobyl năm 1986 và tình hình kinh tế Liên Xô xấu đi thì không ai nhắc đến chuyện này nữa.

 

Đề án phát triển NMĐHN hiện nay

Trong những năm cuối thế kỷ 20, VNLNTQG và đích thân Viện trưởng Nguyễn Đình Tứ đã tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch ĐHN theo chương trình WASP và nhờ có các máy tính hiện đại, các phương pháp tính tóan cũng chi tiết hơn, nhất là các dự báo nhu cầu điện năng. Các cán bộ tập hợp về Viện trong giai đoạn trước thì hoặc được đi nước ngoài bồi dưỡng thêm hoặc tiếp tục các đề án chuẩn bị cho ĐHN (an toàn hạt nhân, kỹ thuật lò, lựa chọn địa điểm…)

Gần đây, vào cuối năm 2003, VNLNTVN đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy sẽ có hai tổ máy 1000 MW được bắt đầu xây dựng vào năm 2012 và hoàn thành vào năm 2017. Đề án này sẽ được trình Chính phủ để duyệt trong một ngày gần đây. Các báo cáo của Viện trưởng VNLNTVN đã gây nhiều tranh cãi cả trong và ngoài nước. Những câu hỏi được đặt ra phần lớn xoay quanh những vấn đề về an toàn hạt nhân, chất thải phóng xạ, phổ biến vũ khí hạt nhân là những vấn đề mà các giới bảo vệ môi trường ở phương Tây thường đưa ra. Tuy nhiên ở Việt nam, có nhiều câu hỏi khác cũng nên đặt ra.

Trước hết, cái mốc 2017 có phải là thời điểm bắt buộc không? Trái với đề án 1980-86, hiện nay xây dựng ĐHN không còn là vấn đề cấp bách nữa. Trước kia, chúng tôi xem ĐHN là câu trả lời duy nhất để giải quyết vấn đề năng lượng của ta khi nguồn cung cấp thiết bị và nhiên liệu chỉ có Liên Xô. Nhưng ngày nay, tình hình kinh tế của ta đã khác hẵn, dầu mỏ khai thác ngoài khơi tuy không nhiều lắm nhưng đối với ta vẫn là nguồn nhiên liệu sơ cấp dồi dào. Khả năng phát triển nhiều mỏ khí thiên nhiên cũng có thể cho ta một lối thoát lý tưởng về cung cấp năng lượng mà không tạo các khí thải của hiện tượng lồng kính. Hiện nay, chúng ta có nhiều thời gian hơn trước kia để suy nghĩ kỹ càng hơn. Nếu thời điểm 2012 là do các kết quả tính toán mang lại thì ta nên rà xét lại cho thật chắc chắn và khách quan. Cũng nên biết rằng các chương trình quy hoạnh như WASP chủ yếu dựa trên các so sánh về giá thành điện năng và người ta thường cho rằng vào thời buổi kinh tế thị trường, giá cả là quan trọng nhất. Điều này có thể đúng với một số dự án và công trình cổ điển như sân vận động, bệnh viện, đường xá cầu cống… nhưng đối với NMĐHN, chúng ta phải rất thận trọng , chỉ cần một sơ suất nhỏ trong thiết kế hay thi công là có thể gây nên những tai họa vô cùng lớn lao.

Do đó, ngoài các chỉ tiêu kinh tế để quyết định việc xây dựng NMĐHN, có lẽ chúng ta nên xét đến một số chỉ tiêu có thể gọi là xã hội mà sau đây là một vài thí dụ:

Liên quan đến an toàn trong vận hành, nếu chưa phải là một vấn đề sống còn của nền kinh tế quốc dân thì chỉ nên sử dụng năng lượng hạt nhân khi người dân có đầy đủ ý thức về an toàn, có trách nhiệm trong công việc. Các sự cố ở Tchernobyl và Three Mile Island chung quy cũng do sơ suất của con người. Ý thức an toàn rất khó định lượng nhưng nó có thể có một tương quan nào đó với, chẳng hạn, số tai nạn giao thông xẩy ra trong một năm, số các công trình bị hư hỏng ngay sau khi đưa vào sử dụng …

Liên quan đến vấn đề xây dựng và kiểm tra chất lượng công trình, chúng ta có thể có một khái niệm nào đấy về sự trung thực trong kiểm tra chất lượng, về các tiêu cực trong kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp sản xuất ra.

Ngay đối với các chỉ tiêu kinh tế, chúng ta phải đặt câu hỏi là đã xét hết các chỉ tiêu này chưa, có những chỉ tiêu đặc trưng cho Việt nam được đưa vào tính toán không? Các dự báo về giá cả năng lượng có chính xác không? Cũng nên biết rằng các chương trình quy họach do IAEA cung cấp có phần nào thiên vị có lợi cho ĐHN và người sử dụng chúng có một số khả năng lèo lái theo ý của mình, do đó ta cần phải nghiêm khắc hơn khi sử dụng các chỉ tiêu kinh tế để đưa vào chương trình quy hoạch ĐHN. Thí dụ như trong giá thành NMĐHN, người ta thường cố ý quên các chi phí tháo rỡ nhà máy sau vài chục năm hoạt động, các chi phí này tương đương với 9-15% giá xây dựng. Năm 1980, khi sử dụng chương trình WASP, chúng tôi có thay đổi một phần nhỏ do việc ở Việt nam, chúng ta làm việc ngày thứ bảy, các hồ thủy điện được điều tiết theo cách của ta và chúng tôi đã chấp nhận một xác suất mất phụ tải (LOLP) khá cao, công suất tổ máy vượt quá 15% tổng công suất, cốt để có thể nhanh chóng đưa lò VVER 440 vào hoạt động. Giá xây dựng tính theo công suất đặt của nhà máy thì hiện nay chúng ta chưa biết chính xác một phần cũng vì chưa biết cụ thể là loại lò nào. Một chỉ tiêu xã hội khác cũng phải chú ý đến là các “phát sinh” trong xây dựng, ở nước ta hiện nay có nơi vượt quá 50%. Ta có thể chịu được các khoản tăng giá nửa chừng ấy không hay cứ tiếp tục để sau này phải hối tiếc? Trong các nước Đông Nam Á, Phi-líp-pin là nước độc nhất đã xây dựng một NMĐHN 600 MW ở Bataan. Do có quyết định quá cấp tốc và vì có những tiêu cực dưới thời Tổng Thống Marcos nên nhà máy xây xong đã không được dùng đến từ trên 20 năm nay, đang trở thành một phế tích. Ngoài các vấn đề an toàn không được nghiên cứu kỹ (ngưới ta không tính đến việc núi lửa Pinatubo phun tro trở lại) thì các vấn đề giá thành và chi phí vận hành đã khiến Công ty Điện lực Phi-líp-pin quyết định đóng cửa nhà máy này sau khi đã tiêu tốn trên 2 tỷ đô-la.

Chúng ta cũng không nên dựa vào giá chào hàng thấp (cho một hai NMĐHN đầu tiên) hay một số lợi ích trước mắt mà không nghiên cứu kỹ chất lượng sản phẩm đề ra hay kinh nghiệm của nhà sản xuất. Trên thế giới hiện nay chỉ có Mỹ và Pháp là có đầy đủ kinh nghiệm xây dựng NMĐHN, chứng cớ là hiện nay Hàn Quốc và Trung Quốc ở châu Á và trước đây hầu hết các nước châu Au đều đặt hàng từ hai quốc gia này. Tất cả các nước sản xuất NMĐHN khác, kể cả Nhật Bản đều chưa chứng tỏ có đầy đủ kinh nghiệm cần thiết.

Vào năm 2020, ta có thật thiếu năng lượng một cách trầm trọng hay không? Nếu quả thật là thiếu thì có cách nào khác ngoài ĐHN hay không? Ông Viện trưởng VNLNTVN nhấn mạnh đến việc các nguồn năng lượng mà ta có sẵn (than đá, dầu mỏ, thủy điện ..) không đủ để cung cấp cho nhu cầu điện năng vào thời điểm ấy. Quan điểm quy hoạch này là quan điểm “cân bằng năng lượng nhiên liệu” mà ta đã sử dụng nhiều trong thời kỳ bao cấp, khi chưa có hội nhập quốc tế. Thật ra, nhiều khi chưa cạn hết nguồn năng lượng sơ cấp mà ta vẫn có thể đưa ĐHN vào nếu có lợi. Trái lại, khi trong nước không đủ cung cấp điện năng cho nền kinh tế quốc dân mà việc sử dụng ĐHN dẫn đến nhiều vấn đề thì người ta có thể sử dụng các giải pháp khác như nhập khẩu than đá, giảm xuất khẩu dầu thô, trao đổi điện với các nước láng giềng…

Cũng trên vấn đề tăng quá nhanh nhu cầu điện năng, có nhiều người cho rằng mức tăng trưởng 17%/năm do VNLNTVN đưa ra là quá cao, không thực tế. Thật ra, con số này đối với nền kinh tế đang khát năng lượng của ta cũng không phải là quá đáng. Vấn đề là mức tăng trưởng ấy có phải thường xuyên không hay chỉ trong một giai đoạn nhất định. Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, ta đang ở trong tình trạng “nhu cầu bị ức chế” (suppressed demand) vì nhu cầu thì có mà cung cấp thì không đủ. Để chuyển từ đường biểu diễn điện năng tiêu thu theo thời gian hiện nay (ở mức thấp) sang đường biểu diễn bình thường ở một nước công nghệ phát triển (với mức tăng trưởng không quá 5%, 6%/năm) ta phải nhanh chóng vượt qua khoảng ức chế ấy và con số 17% có thể chấp nhận được, mặc dầu có thể điều chỉnh qua kế hoạch kinh tế vĩ mô, đó là điều mà Trung Quốc đang làm hiện nay.

Trong số những biện pháp thay thế cho ĐHN, quan trọng nhất có lẽ là tiết kiệm năng lượng. Người ta thường nói “nguồn năng lượng lón nhất là không sử dụng năng lượng” để chứng minh tầm quan trọng của giải pháp này. Qua các chương trình tiết kiệm năng lượng, gần đây nước Pháp đã có thể hủy bỏ việc xây dựng nhiều NMĐHN đã đưa vào kế hoạch. Nếu ta có một chương trình tiết kiệm năng lượng hữu hiệu thì chắc con số 36-65 tỷ KWh thiếu hụt vào năm 2020 do VNLNTVN đưa ra sẽ không còn nữa. Vào đầu năm 1992, các nước có sử dụng tiếng Pháp đưa ra một chương trình tiết kiệm năng lượng khiêm tốn gọi là PRISME (Programme International de Support à la Maitrise de l'Energie) đã phát huy được tác dụng bước đầu của nó ở một số nước châu Phi.

Ta đang có kế hoạch xây dựng thủy điện để bán một phần sản lượng cho nước ngoài. Nếu quả thật như vậy thì khi có nguy cơ thiếu điện, ưu tiên phải được dành cho sử dụng trong nước. Chỉ riêng thủy điện với tiềm năng ước tính ban đầu ở nước ta khoảng 80 tỷ KWh thì nếu khai thác hết, chúng ta vẫn còn thì giờ trước khi cạn hết các nguồn năng lượng. Lẽ tất nhiên ở nước ta, trong mùa khô các đập thủy điện sẽ không cung cấp đủ điện năng nhưng đây là một vấn đề có thể khắc phục được.

Nếu quả thật có sự thiếu hụt năng lượng ở mức trầm trọng không có cách nào bù đắp được thì hiển nhiên ĐHN là câu trả lời đúng đắn. Tuy nhiên ta nên xét cặn kẽ các giải pháp khác để bù đắp cho thiếu hụt năng lượng mà sau đây là một vài thí dụ:

Song song với chương trình tiết kiệm năng lượng, ta có thể sử dụng các dạng năng lượng tái sinh (mặt trời, gió, thuỷ điện nhỏ, địa nhiệt…) mặc dầu ở nước ta, các dạng năng lượng mới này chỉ có thể đáp ứng một phần nào cho nhu cầu năng lượng.

Ngoài khả năng khai thác khí thiên nhiên, hoặc độc lập hoặc chung với các nước khác trong vùng, chúng ta có thể nhập nhiên liệu trong đó than đá là loại nhiên liệu có sẵn trong khu vực chúng ta. Với các kỹ thuật mới về khử ô nhiễm, khai thác than ở độ sâu, các nhà máy nhiệt điện chạy than đang trở nên những lời giải đáng chú ý.

Cũng tương tự như vậy, ta có thể nhập điện năng vì chắc chắn là trong một tương lai gần, một mạng lưới điện thống nhất sẽ xuất hiện trong khối ASEAN và Nam Á, việc trao đổi điện năng sẽ thuận lợi hơn trước.

Các quy hoạch năng lượng theo phía nhu cầu sẽ cho thấy có thể giám mức độ thiếu hụt điện năng. Thí dụ ta không xuất khẩu nhôm theo dạng đã tinh luyện mà chỉ dưới dạng bột nhôm thì cũng đã giảm đươc khá nhiều nhu cầu điện năng. Quy hoạch của nền kinh tế vĩ mô có thể cho thấy có khả năng giảm thiếu hụt năng lượng và ngược lại cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này. Hiện nay, Trung Quốc đang phải nhập nhiều nhiên liệu để đáp ứng cho nền kinh tế “quá nhiệt” của họ mà các nhà quy hoạch đang tìm cách làm nguội bớt đi để giải quyết vấn đề năng lượng.

Các vấn đề có thể gây tranh cãi trong dự án của VNLNTVN cũng nên được xem xét một cách nghiêm túc:

Vấn đề ô nhiễm môi trường. NMĐHN, nếu không có sự cố, được xem là ít gây ô nhiễm môi trường nhất, chủ yếu là không thải ra khí CO2 và các khí gây hiện tượng lồng kính. Trong các loại nhiên liệu hoá thạch thì chỉ có các nhà máy dùng khí thiên nhiên là ít gây ô nhiễm. Lẽ tất nhiên là thủy điện cũng không thua gì các NMĐHN trên vấn đề này. Nếu chúng ta tiếp tục xây dựng nhà máy điện chạy than và dầu thì có vi phạm đáng kể các cam kết của các hiệp định Montréal và Kyoto không? Nếu không kể đến các tiến bộ kỹ thuật về lọc khí thải sắp được đưa vào sử dụng thì với quy mô của ta, các vi phạm nếu có sẽ không thấm gì so với các nước như Mỹ và Trung Quốc. Sản lượng than trên thế giới sẽ tăng từ 4 tỷ tấn năm 2000 lên 6 tỷ rồi 8 tỷ tấn năm 2020 và 2040, đây là một nguồn dự trữ dồi dào. Cũng nên biết rằng các nhà máy địên chạy than thải ra rất ít chất phóng xạ, chủ yếu là các chất có chứa trong than đá thiên nhiên, nay trả lại cho thiên nhiên. Nên biết rằng các nhà máy điện chạy than hiện nay chỉ thải ra không trung 1% các kim loại có chứa trong than nhờ có những bộ lọc khí hiện đại. Ở nước ta, chỉ có than Nông sơn là có chứa nhiều chất phóng xạ hơn cả nhưng ở một nồng độ thấp. Nếu lấy lý do là nhà máy điện chạy than thải ra nhiều chất phóng xạ hơn NMĐHN (trước khi có sự cố) để nói lên ưu điểm của nhiên liệu hạt nhân thì có phần nào chưa thỏa đáng. Các báo cáo NCRP 92 và NCRP 95 của Hội Đồng Quốc gia Bảo vệ và Đo lường phóng xạ của Mỹ năm 1987 cho thấy lượng phóng xạ do các nhà máy điện chạy than thải ra không trung vì không đáng kể nên không làm thay đổi gì “phông” phóng xạ thiên nhiên đã có sẵn.

Vấn đề tái xử lý chất thải. Đây cũng không phải là một vấn đề hóc búa vì với số các NMĐHN mà ta có thể xây dựng thì lượng chất thải phóng xạ cũng không phải là nhiều. Theo thông lệ, các nước cung cấp nhiên liệu cho ta phải có nhiệm vụ thu hồi nhiên liệu đã cháy để tái xử lý (một yêu cầu trong hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân) và giúp giải quyết vấn đề chất thải phóng xạ. Trên nguyên tắc trả lại những gì cho thiên nhiên sau khi đã trích ra phần năng lượng thì có lẽ khoa học sẽ giải quyết ổn thoả vấn đề này trong tương lai hoặc tìm ra trên thế giới những địa điểm lý tưởng để chôn cất hoặc phát minh ra các kỹ thuật hữu hiệu để xử lý.

Vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là một lý do gây chống đối NMĐHN ở các nước châu Âu. Ông Viện trưởng VNLNTVN đã nhiều lần khẳng định là ta sẽ không chế tạo vụ khí hạt nhân và đây là một quan điểm hết sức đúng đắn trên nhiều mặt mặc dầu các tuyên bố ấy chưa chắc làm tan biến hết các nghi ngờ trong nhiều giới nhất là ở các nước láng giềng. Thật vậy, NMĐHN là công cụ thuận tiện nhất để phát triển vũ khí kể cả các vũ khí chiến thuật nhỏ. Ở châu Á, các nước có xây dựng NMĐHN như An Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Đài Loan đều có ít nhiều ý đồ xây dựng tiềm lực và chế tạo vũ khí ở một thời điểm thích hợp vì họ đều phải đối đầu trực tiếp với những thế lực không thân thiện. Nhưng xây dựng NMĐHN đã rất tốn kém mà phát triển vũ khí hạt nhân lại còn tốn kém gấp bội. Nước Pháp đã bỏ ra rất nhiều tiền của trong việc sản xuất vũ khí hạt nhân chỉ mang tính “răn đe”, mà răn đe chỉ hiệu nghiệm trước những đối thủ tiềm tàng giầu có, công nghiệp phát triển, dân cư ít ỏi… Vả lại các biện pháp giám sát và bảo đảm của thế giới hiện nay làm cho một số nước rắp ranh chế tạo vũ khí giết người hàng loạt phải hoạt động lén lút nhưng vẫn bị phát giác.

Vấn đề phát triển tiềm năng công nghiệp và khoa học. Kế hoạch phát triển ĐHN còn có mục đích xây dựng một tiềm năng công nghiệp, trước hết là công nghiệp chế tạo thiết bị và nhiên liệu hạt nhân. Giả thuyết này dựa trên ý đồ xây dựng ồ ạt các NMĐHN, phải chăng là sau năm 2017 (chỉ còn 13 năm nữa), chúng ta chỉ xây dựng ĐHN để đạt đến con số vài chục nhà máy nhằm làm chủ được kỹ thuật mới mẻ này. Có được nhiên liệu sản xuất trong nước sẽ giúp ta đỡ phụ thuộc vào nước cung cấp nhiên liệu (và thiết bị). Dầu ta có một trữ lượng uran trung bình nhưng khai thác và chế tạo ra nhiên liệu là một vấn đề rất khó khăn và tốn kém. Trừ khi ta sử dụng kỹ thuật CANDU dùng uran thiên nhiên (có độ giàu U235 là 0.7%) còn đưa độ giàu lên 3,5 hay 5% để dùng trong các lò PWR thì là một việc quá phức tạp ta khó lòng giải quyết được. Nếu tăng dần tỷ suất nội địa hoá để có một ngành công nghệ hạt nhân như Hàn Quốc đang làm thì có lẽ phải đầu tư xây dựng rất nhiều nhà máy, ta mới đạt đến trình độ tự túc được. Nhiều vấn đề sẽ xuất hiện trên các mặt kỹ thuật và kinh tế. Ngành công nghiệp hạt nhân là một ngành kỹ thuật cao, đòi hỏi một tiềm lực công nghệ tiên tiến và đồng bộ từ luyện kim, hoá học, vật liệu, điện tử … Đầu tư rất nhiều vào công nghiệp hạt nhân sẽ không chắc mang lại một lơi ích kinh tế rõ rệt. Tính tự chủ về năng lượng hiện nay chỉ nên hiểu theo một nghĩa rộng hơn trước. Có một ngành công nghệ hạt nhân tiên tiến bắt buộc phải tận dụng hết khả năng của nó bằng cách xuất khẩu các NMĐHN ra nước ngoài, thị trường nội địa dầu sao cũng rất hạn chế. Thế bí của các ngành công nghiệp hạt nhân ở Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay đang chứng minh cho điều đó. Chúng ta hiện nay đang sử dụng các máy bay hiện đại của Boeing và Airbus nhưng chưa bao giờ đặt vấn đề chế tạo ra các máy bay cỡ ấy.

Các NMĐHN sẽ không giúp ích gì nhiều lắm trong việc đẩy mạnh ngành khoa học nói chung và khoa học hạt nhân nói riêng . Ở các nước có nhiều NMĐHN, các nghiên cứu về vật lý nguyên tử, hoá, sinh phóng xạ, phân tích kích hoạt… vẫn chủ yếu dựa vào các lò phản ứng nghiên cứu hay các máy gia tốc. Ở nước ta, một lò phản ứng nghiên cứu lớn gấp 10 lần lò Đà Lạt hiện nay cũng đủ để nhanh chóng đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu hạt nhân và sản xuất chất đồng vị phóng xạ. NMĐHN có lẽ nên được xem là một xí nghiệp công nghiệp hơn là một trung tâm nghiên cứu, vì có sự lẫn lộn trong hai chức năng này mà sự cố ở Tchernobyl đã xảy ra. Việc chuyển chức năng chủ trì đề án xây dựng NMĐHN từ VNLNTVN sang Bộ Công nghiệp là một quyết định đúng đắn. Ở Mỹ, các trung tâm nghiên cứu hạt nhân lớn không phát triển kỹ thuật hạt nhân mà dành phần này cho các công ty tư nhân, nếu họ có sản xuất nhiên liệu hạt nhân thì cũng vì ban đầu, các trung tâm nghiên cứu được lập ra để phục vụ chương trình vũ khí. Ở Pháp, Ủy Ban Năng lượng nguyên tử (CEA) có nhiệm vụ tiến hành các nghiên cứu để thiết kế những loại lò phản ứng mới và hỗ trợ Công ty Điện lực trong những vấn đề như an toàn hạt nhân, xử lý nước… Công ty Điện lực chính nó cũng có những cơ sở quan trọng để nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân. Có những tiềm lực như thế thì mới mong chào hàng và xuất khẩu NMĐHN, điều mà có lẽ chúng ta không nên làm.

Vấn đề an toàn và bảo vệ chống khủng bố.

Một sự cố hạt nhân gây ra do bất cẩn trong vận hành hay do phá hoại có thể có những hậu quả vô cùng to lớn. Với tất cả lòng mong muốn, hiện ta có thể đoan chắc là không có sự cố ? Các lò phản ứng thế hệ mới có xác suất xẩy ra sự cố rất thấp, nhưng còn yếu tố con người thì chưa ai định lượng được. Lẽ tất nhiên là hoạt động nào của con người cũng có thể có sự cố xảy ra nhưng nếu ta có thể tránh được hay thay thế bằng những hoạt động ít sự cố hơn thì rất nên làm. Ông Viện trưởng VNLNTVN đưa ra ý kiến là Trung Quốc đã và đang xây nhiều NMĐHN ở Hoa Nam, nước ta đã nằm trong phạm vi gây ô nhiễm phóng xạ của các nhà máy ấy do có gió mùa Đông Bắc nên mối lo ngại của công chúng về an toàn hạt nhân ở nước ta chỉ là phần bổ sung cho một cái gì đã có sẵn. Nói như thế không có nghĩa là ta không nên không đặt vấn đề an toàn hạt nhân ở nước ta lên hàng đầu.

Sự cố hạt nhân cũng có thể gây ra do phá hoại. Do tính chất đặc biệt của khủng bố quốc tế hiện nay, không một quốc gia nào có thể nói là không bị khủng bố đe doạ. Các nhà phân tích chiến lược đã chỉ rõ là khủng bố quốc tế ngày nay không loại trừ đánh vào những người dân vô tội hay những quốc gia trung lập chỉ vì họ là thành viên của một dân tộc hay một cộng đồng bị xem là có tội. Lẽ tất nhiên là, nếu muốn, người ta có thể có những những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ nhưng với cái giá phải trả quá cao. Các NMĐHN muốn có đủ lượng nước làm mát phải đặt ở dọc các con sông hay dọc bờ biển là những nơi có dân cư đông đúc nên việc bảo vệ chống khủng bố lại càng khó khăn, tốn kém hơn.

Các nhóm khủng bố cũng không cần phá hoại mà chỉ cần đánh cắp các nhiên liệu hay chất thải phóng xạ để chế tạo ra các bom “bẩn thỉu” của chúng. Khó ai có thể khẳng định là có thể bảo vệ một cách tuyệt đối các kho nhiên liệu và chất thải, kể cả các kho nhiên liệu “để dành” như VNLNTVN đã đề nghị. Bảo vệ các vật liệu phóng xạ trong vận chuyển cũng không phải là một việc dễ làm.

 

Kết luận

ĐHN có phải là giải pháp tất yếu để bù đắp cho việc thiếu hụt năng lượng ở Việt nam hay không?

Nếu quả thật có thiếu hụt năng lượng do việc ta cứ tiếp tục sử dụng lãng phí như hiện nay thì việc đưa ĐHN vào mạng lưới của một quốc gia tầm trung bình như nước ta có kinh tế không?

Nếu ĐHN tỏ rõ ưu thế của nó trên mặt kinh tế thì các vấn đề khác do việc sử dụng ĐHN kéo theo trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, ngoại giao, an ninh, giáo dục … có cho phép ta vội vã đưa ĐHN vào sử dụng hay không?

Đấy là những câu hỏi mà ta nên đầu tư thời gian để nghiên cứu kỹ trước khi quyết định dứt khoát, một quyết định quan trọng vì nó là một lời cam kết về mặt tài chính trong khi đất nước còn phải đầu tư vào nhiều công trình, nhiều dự án cần thiết cho công cuộc phát triển để nâng cao đời sống của nhân dân. Do đó, quyết định xây dựng ĐHN chưa thể đưa ra trong thời điểm này.

Đây cũng là một thời điểm không nhất thiết thuận lợi trong các vấn đề đầu tư và cung cấp tài chính như ta tưởng. Ngành ĐHN trên thế giới đã bị thụt lùi từ 10, 15 năm nay và đang trong một tình trạng khủng hoảng. Xu hướng chung trên thế giới là giảm và ngừng xây dựng NMĐHN, tuy nhiên đây không phải là lý do chính khiến ta không sử dụng năng lượng hạt nhân vì không phải yếu tố “phong trào” là quyết định như ở các nước châu Au mà chỉ người Việt nam dựa trên những đặc thù của nền kinh tế Việt nam mới có thể phán xét là có hay không nên làm ĐHN. Tình trạng đình đốn của ngành ĐHN trên thế giới đã làm cho các tập đoàn công nghiệp hay các quốc gia trước đây đầu tư nhiều trong lĩnh vực này bị thua lỗ nặng vì không có thị trường cả trong và ngoài nước. Gần đây, ngành này đang cố gắng ngóc đầu dậy vì nhiều lý do:

- tình hình thế giới không ổn định làm giá dầu mỏ tăng nhanh, vượt quá 40 đô la một thùng,

- những người chống đối ĐHN ở châu Âu (các đảng Xanh) đã thành công trong việc quật ngã ngành ĐHN khi họ lên nắm quyền. Những người này hiện đã đến tuổi về hưu và lớp kế tục họ cho là vấn đề ĐHN đã được giải quyết xong nên tập trung vào các vấn đề khác như môi trường, vật thể biến đổi gien,

- việc nghiên cứu các loại lò phản ứng hạt nhân mới(EPR 5, HTR, GT MHR … ) đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên cũng nên nhớ rằng, trước đây người ta đặt nhiều hy vọng vào các lò phản ứng tái sinh, nhưng về sau bị vỡ mộng một cách đau đớn.

Kiến nghị

1 - Đẩy lùi quyết định về xây dựng NMĐHN. VNLNTVN và Bộ Công nghiệp đang cần có một quyết định nhanh chóng về dự án xây dựng NMĐHN, nhưng còn mhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ thì quyết định này không thể có sớm được. Có lẽ phải cần một thời gian ít nhất là 3 năm để thu thập ý kiến của các ngành khoa học, công nghiệp, xã hội, kinh tế … và để thẩm định đề án khả thi. Thời gian ấy cũng không phải là không được sử dụng để tiến hành song song một số công việc cần thiết hỗ trợ cho quyết định.

2 - Xây dựng một chương trình tiết kiệm năng lượng và đánh giá các nguồn năng lượng khác. Ta phải đánh giá lại một cách đầy đủ hơn những khả năng sản xuất khí thiên nhiên, sản xuất và nhập khẩu than đá. Qua các kết quả bước đầu thu hoạch được, ta có thể chừng nào trả lời câu hỏi : liệu ĐHN có phải là tất yếu hay không?

3 - Đánh giá khả năng của đất nước trên mặt tài chính. So sánh gánh nặng tài chính của mỗi giải pháp đề ra, những rủi ro (thí dụ trường hợp của Phi-líp-pin, bị mất trắng hàng tỷ đô la). Trong trường hợp xây dựng ĐHN nên để ý đến các phí tổn để bảo vệ các nhà máy và các vật liệu phóng xạ, phân tích giá chào hàng cho NMĐHN đầu tiên của các tổ hợp công nghiệp ngoại quốc đang thèm khát thị trường.

4 - Sắp xếp lại tổ chức của đề án. Đề án xây dựng NMĐHN ở Việt nam nên được xem là một đề án công nghiệp. Đã đến lúc đề án này nên giao hẵn cho người thực hiện, cụ thể là Tổng Công Ty Điện lực Việt nam. VNLNTVN chỉ nên có một chức năng cố vấn và Bộ Công nghiệp có trách nhiệm quản lý tổng hợp. Vì là một vấn đề nhậy cảm cần được giải thích cặn kẽ, tránh các hiểu lầm nên tổ chức đứng ra xây dựng đề án nên có một phát ngôn viên chính thức. Trong các lớp học về ĐHN do IAEA tổ chức thường có một buổi dành riêng cho việc họp báo trên truyền hình. Các giáo viên hướng dẫn đóng vai các nhà báo và các học viên phải trả lời những câu hỏi khá độc đáo. Sau đấy, người ta quay lại cuộn phim trước cả lớp và các giáo viên hướng dẫn bình luận về các phát biểu của học viên cả trên mặt nội dung lẫn hình thức. Đây tuy là một vấn đề nhỏ nhưng nó cho thấy việc xây dựng NMĐHN không thể thực hiện một cách đơn giản và tùy tiện.

5 – Tiến hành các bước chuẩn bị. Các chuẩn bị này, nếu không đi đến việc thực thi cụ thể thì vẫn có ích cho ngành hạt nhân của ta hiện nay hay cho việc xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu hay một máy gia tốc. Đề án xin trợ giúp của IAEA do Viện trưởng Nguyễn Đình Tứ ký năm 1986 có những mục sau đây:

- xây dựng cơ sở luật pháp hạt nhân (Việc lựa chọn địa điểm NMĐHN đã tuân thủ đầy đủ các quy phạm của luật hạt nhân chưa? Đã lấy ý kiến của nhân dân quanh vùng chưa? Đã có điều trần nào chưa?)

- xây dựng cơ cấu an toàn hạt nhân ( Ta đã bước đầu xây dựng được một tổ chức an toàn hạt nhân có kinh nghiệm trong VNLNTVN)

- xây dựng cơ cấu kiểm tra chất lượng hạt nhân,

- xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ cho ngành hạt nhân.

6 – Đào tạo cán bộ cho ngành hạt nhân. Vấn đề cán bộ của ngành hạt nhân không phải là một vấn đề căng thẳng nếu ta không có ý định phát triển một ngành công nghiệp hạt nhân lớn mạnh để chế tạo thiết bị và nhiên liệu. Số cán bộ để vận hành bảo dưỡng cho một vài NMĐHN cũng không cao lắm, không đòi hỏi có trình độ rất cao về vật lý hạt nhân mà chủ yếu là những người có tay nghề, biết tuân thủ một cách tuyệt đối các quy trình quy phạm do nhà sản xuất đề ra, có phán đoán nhanh và xử lý kịp thời các sự cố. Cũng tương tự như trong ngành hàng không, số cán bộ này có thể lấy từ các tổ vận hành các nhà máy nhiệt điện và thủy điện hiện nay, được bồi dưỡng thêm về vật lý hạt nhân và được thực tập một vài năm tại các NMĐHN của nhà cung cấp thiết bị. Các nhà máy đầu tiên sẽ được xây dựng theo hình thức chìa khoá trao tay, việc sử dụng các chuyên gia do nhà sản xuất cử đến là điều không tránh khỏi, tương tự như các phi công nước ngoài mà hãng hàng không quốc gia còn cần đến. Ngành xây dựng cơ bản cũng theo một cách làm tương tự.

Các phát biểu về sự cần thiết phải đào tạo cấp tốc 1000-1500 nhà vật lý hạt nhân cũng nên được xét lại. Thật ra, các nhà vật lý hạt nhân không thể tham gia vào các chương trình xây dựng và khai thác các NMĐHN mà phải là các kỹ sư Nhiệt điện, Thủy điện được đào tạo ở các trường Đại học Bách Khoa, được bồi dưỡng thêm về vật lý hạt nhân và đã kinh qua thực tế nhiều năm. Ngành vật lý, kể cả vật lý hạt nhân, đặc biệt là với chất lượng giáo dục của ta hiện nay, thường khá trừu tượng dù có khả năng cung cấp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu giỏi nhưng có lẽ họ khó hoà mình vào một môi trường công nghiệp. Các nhà vật lý hạt nhân sẽ rất có ích trong lĩnh vực an toàn hạt nhân.

Một vấn đề có liên quan đến giáo dục, đào tạo là việc nâng cao ý thức về trách nhiệm, về an toàn và đạo đức trong xã hội nói chung nhưng nó lại vượt quá phạm trù ĐHN.

Kiến nghị sau cùng

Nếu sự đánh giá sơ bộ cho thấy không đủ căn cứ biện minh cho một chương trình xây dựng cấp tốc NMĐHN ở Việt nam thì ta cũng nên xét đến giải pháp: xây dựng NMĐHN kết hợp với các nươc ASEAN. Giải pháp này có thể có một số lập luận thuyết phục :

1-Các nước ASEAN, hay các nước thuộc vùng hạ lưu sông Mékong sẽ phải có một mạng điện thống nhất, tổng công suất cao. Do đó NMĐHN đầu tiên đưa vào có thể ở mức 1600 MW, kinh tế hơn các nhà máy 1000 MW hiện nay,

2-Tránh sự ngờ vực hay hiểu lầm nếu ta xây dựng “đơn thương độc mã”,

3-Giảm gánh nặng tài chính của moi nước, giảm rủi ro tài chính nếu có, giám sát quốc tế có thể giảm bớt tiêu cực ở mỗi nước,

4-Dễ dàng tranh thủ được sự giúp đỡ của hai cường quốc trong lĩnh vực NMĐHN là Pháp và Mỹ,

5-Các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia trước đây đã có những kế hoạch xây dựng NMĐHN mạnh hơn ta nhưng vì nhiều lý do, họ đã giảm dần tốc độ. Ta có thể học hỏi kinh nghiệm của họ để cùng xác định thời diểm đưa ĐHN vào sử dụng,

6-Một ngành công nghiệp hạt nhân hùng mạnh có thể được phát triển trong tương lai vì có thị trường tiêu thụ,

7-Mô hình hợp tác và tổ chức không phải là chưa có: thí dụ các NMĐHN chung của Pháp và Bỉ ở vùng Ardennes, mô hình tổ chức của Airbus Industries đã cạnh tranh thành công với Boeing,

8-Nếu trong vài chục năm nữa có một loạt các NMĐHN được xây dựng dọc sông Mékong thì việc xây dựng các đập thủy điện ở đây (thí dụ đập Pamong nếu được xây sẽ có ảnh hưởng xấu đến đồng bằng sông Cửu long) sẽ không được đặt ra.

Ngày cho lên trạm web này: 24-6-2004

Đã đăng trên Tạp chí  Thời đại mới

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Thọ Nhân