Về điện hạt nhân ở Việt Nam.

Vietsciences-Nguyễn Khắc Nhẫn             02/06/2010

 

Những bài cùng tác giả

(Tiếp theo lời tuyên bố của Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam trên Vnexpress ngày 05/11/2003)

Cách đây 6 tháng, ngày 28/04/2003, theo báo Saigon Times daily, ông Viện trưởng đã cho biết là nước ta sẽ cho vận hành vào năm 2017-2018, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, với 2 hoặc 3 lò 600 MW. Nay ông Viện trưởng lại nói nhà máy sẽ có 2 lò với công suất mỗi lò là 1000 MW.

Theo tôi, nếu bắt buộc phải có điện hạt nhân, lò 600 MW (tương đối nhỏ, nên giá mỗi MW cao) thích hợp với hệ thống điện của ta hơn. Trong bài tham luận về điện hạt nhân tháng 04/2003 (báo Đoàn Kết số 490), tôi đã cho biết rằng các lò PWR (Pressurized Water Reactor) có công suất lớn như ở Pháp (900-1300-1450 MW), đối với nước ta khó khai thác. Nếu thình lình có sự cố, 1 hay 2 lò 1000 MW không vận hành được thì tần số (fréquence) sẽ hạ xuống rất nhanh và hệ thống điện có thể bị sụp đổ trong chớp nhoáng, mặc dù đến 2017-2020 tổng công suất trong nước sẽ tăng cao.

Lấy ví dụ cụ thể ở nước Ý ngày 28/09/2003 vừa qua, bất ngờ xẩy ra sự cố lớn ở vài đường dây truyền tải làm thiếu 6000 MW phải nhập cảng từ Thụy Sĩ (3050 MW), Pháp (2650 MW), Áo và Slovenia (300 MW). Chỉ trong vòng 4 giây, hệ thống điện trên hầu hết toàn nước Ý đã tan rã, làm 55 triệu dân bị cúp điện, có nơi suốt 18 tiếng đồng hồ.

Cần phải thận trọng nếu về sau muốn bổ sung 2-4 lò. Vì ở nước ta xây cất 4 hay 6 lò cùng 1 địa điểm có lợi ít (làm giảm kinh phí chẳng hạn) nhưng có hại nhiều (vấn đề an ninh quốc phòng vì tính cách tập trung và vấn đề môi trường khi có tai biến …).

Về thời gian vận hành trừ lò thế hệ III EPR (European Pressurized Reactor) trong tương lai, các lò PWR hiện hữu, không hoạt động liên tục 2 năm liền như ông Viện trưởng đã lưu ý. Với các lò 1300 và 1450 MW, cứ 18 tháng, EDF (Electricité de France) phải thay 1 phần nhiên liệu. Đối với các lò 900 MW là 12 tháng, sẽ có khả năng kéo dài 18 tháng.

Tùy năm, phân số sử dụng được (taux de disponibilité) của 58 lò EDF thay đổi từ 70% đến 82%. (Lúc sơ khởi, thời gian vận hành dự trù của các lò EDF là 20 năm, sau lên 30 năm, bây giờ chuẩn bị kéo dài đến 40 năm).

Trong ví dụ bài tính kinh tế về giá điện hạt nhân của nhà máy Noyent-sur-Seine (cách Paris 80 cây số) mà tôi đã có dịp trình bày trên báo Đoàn Kết số 491, thời gian vận hành mỗi năm kể từ năm thứ 4 là 6200 giờ (trên 8760 giờ).

Ông Viện trưởng có vẻ rất lạc quan khi nêu tính an toàn về kỹ thuật và chất thải hạt nhân. Không có nước nào, không có công ty nào dám tuyên bố hoàn toàn yên tâm về mặt kỹ thuật tuy xác suất rủi ro là 10-6. Xin đừng quên rằng hai tai biến lớn Three Mile Island (1979 ở Mỹ) và Tchernobyl (1986 ở Nga) xảy ra lúc bấy giờ trên toàn cầu chỉ có vài ba trăm lò hạt nhân (chứ không phải 1 triệu !).

Về chất thải có phóng xạ thấp, tuy thời gian bán rã ngắn (30 năm) nhưng chúng chỉ trở lại trạng thái an toàn như phóng xạ thiên nhiên, sau 300 năm chứ không sớm hơn.

Về loại chất thải có cường độ phóng xạ cao rất đáng lo ngại, thời gian bán rã hết sức dài, hàng ngàn năm; ta cũng nên nhấn mạnh điểm này.

Về số lượng mỗi năm, mỗi lò 1000 MW sẽ thải ra không đến 800 tấn chất thải có phóng xạ thấp (cô đặc lại còn khoảng 90 mét khối chứ không phải 10 mét khối), và dưới 30 tấn chất thải có phóng xạ cao.

Tôi cũng thắc mắc về lời tuyên bố quá lạc quan của ông Viện trưởng : “Từ khi nhiên liệu được thải ra cho đến khi cần xử lý phải mất 40-50 năm. Như vậy, nếu Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020 (2017 ?) thì phải đến năm 2070, chúng ta mới cần tính đến việc này. Trong thời gian đó, chắc chắn công nghệ xử lý của thế giới đã đi rất xa và có thể áp dụng cho Việt Nam”.

Hiện nay chưa có cường quốc nào dám lên tiếng đảm bảo là công nghệ xử lý chất thải sẽ có giải pháp ổn thỏa trong tương lai gần (vài chục năm) hay xa (vài thế kỷ). Cứ 12 hay 18 tháng, phần nhiên liệu đã cháy lấy ở lò ra, ta giải quyết thế nào ?

Theo Ông Viện trưởng, “thực tế chất thải của các dạng phát điện khác đáng sợ hơn nhiều, so với chất thải hạt nhân …”. Nếu nói thế thì tại sao điện hạt nhân gần 20 năm nay vẫn còn ở trong tình trạng khủng hoảng. Vẫn biết rằng nhiệt điện than có nhiều vấn đề (không góp phần vào chiến lược chống hiệu ứng nhà kính vì nhà máy thải ra hàng năm 5 triệu tấn CO2) nhưng khía cạnh nguy hiểm cho sức khỏe dân chúng không đáng sợ bằng phóng xạ hạt nhân có ảnh hưởng qua hàng chục, hàng trăm thế hệ.

Tại sao các nước Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục xử dụng nhiệt điện than nhiều hơn điện hạt nhân ? Tại sao nhiều nước trên thế giới nhất là ở Âu châu (Thụy Điển, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý …) không hưởng ứng điện hạt nhân ? Vì lý do gì nước Đức rút lui có trật tự, mặc dù họ thừa biết năng lượng gió (họ đã có 12000 MW) hay mặt trời chiếm những diện tích rất lớn.

Để so sánh với con số 320000 tấn tro bụi (cendre) do một nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất 1000 MW thải ra mỗi năm mà ông Viện trưởng đưa ra, cho phép tôi ghi đây những số liệu của EDF :

Bụi (poussière)

(tấn/năm) Dioxyde soufre

(tấn/năm) Oxyde azote

(tấn/năm)

Nhà máy chạy than công suất 1000 MW Máy cũ 1500 40000 20000

Máy mới <750 <4000 <4000

Nhà máy nhiệt điện chạy than có thể thải ra trên không gian khoảng 220 GBq (220.109 Becquerel), lẽ cố nhiên ít hơn phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân, 50 TBq (50.1012 Becquerel).

Tôi xin nhấn mạnh rằng, đứng về phương diện kỹ thuật, những lò PWR đang vận hành trên thế giới có thể xem như đã lỗi thời. Cũng vì thế mà nước Pháp đang ở trong tình trạng hết sức khó xử. Trong vòng 15 năm tới, EDF muốn thay thế các lò đến tuổi hưu bằng lò chuyển tiếp (réacteur de transition) thế hệ III EPR (European Pressurized Reactor), nhưng rất có nhiều phản ứng, nhiều đảng phái không đồng ý. Lý do chính là lò EPR (có công suất rất cao) tuy chưa ra đời cũng bị xem như lỗi thời vì cùng một kỹ thuật với lò PWR so với lò thế hệ IV đang được 10 nước nghiên cứu, nếu xuất hiện, cũng sau 2035-2040 ! Giới công nghệ hạt nhân đặt nhiều tin tưởng vào lò thế hệ IV này, trên lý thuyết sẽ an toàn hơn và ít chất thải hơn (chứ không phải không có chất thải như có người tưởng).

Theo ông Viện trưởng chúng ta phải xây dựng nhiều nhà máy để phát huy tính kinh tế và các lò phản ứng tiếp theo sẽ từng bước được nội địa hóa. Nói thế có nghĩa là nước ta, mặc dù chưa có nền tảng kỹ nghệ vững chắc sẽ xây dựng công nghệ hạt nhân toàn bộ chăng ?

Chúng ta nên tìm hiểu và suy nghiệm kỹ về tình hình điện hạt nhân của Pháp. Từ 30 năm nay, với một chương trình đồ sộ nhất thế giới, Pháp đã đầu tư vào công nghệ hạt nhân dân sự gần 200 tỷ USD. Nếu điện hạt nhân không có vấn đề an toàn hay vấn đề xử lý chất thải thì tại sao chính sách năng lượng của Pháp đang phải chuyển hướng (bớt điện hạt nhân trong tương lai, do dự đối với lò EPR, khuếch trương mạnh năng lượng tái tạo, tiết kiệm và quản lý tối ưu năng lượng .vv…).

Chương trình điện lực, chỉ là một phần của ngành năng lượng nước nhà, không thể thu hút hết cả kinh phí đầu tư, chận đứng sự khuếch trương của các dạng năng lượng cần thiết khác, cũng như nhiều dự án quan trọng ưu tiên cho đất nước chưa được thực hiện.

Grenoble, 18/ 11/ 2003

 

* Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến đặt ở Ninh Thuận

Xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận có thể sẽ được chọn đặt nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở nước ta. Dự kiến nhà máy bắt đầu được xây dựng vào năm 2012, để đến năm 2017 có thể hòa điện lưới quốc gia, với 2 lò phản ứng có công suất tổng cộng 2.000 MW.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, đã thông báo như vậy bên lề Hội nghị các chủ dự án thông tin đại chúng về Năng lượng hạt nhân, diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Địa điểm này được chọn từ 3 khu vực khảo sát trước đó, gồm 2 ở Ninh thuận và 1 ở Phú Yên.

Trước mắt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ có 2 tổ máy (mỗi lò công suất 1.000 MW), với vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, về sau có thể bổ sung 2-4 lò. Thiết bị cho nhà máy sẽ được nhập khẩu. Các lò phản ứng tiếp theo sẽ từng bước được nội địa hóa, mà đầu tiên là thanh nhiên liệu. Dự kiến khi nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động, điện hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 6-10% sản lượng điện của cả nước. Song cũng theo ông Tấn, để phát huy tính kinh tế của loại hình năng lượng này, chúng ta phải xây dựng nhiều, chứ không chỉ một nhà máy.

Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, có khi 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi thủy điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Đồng thời, công suất của nhà máy điện hạt nhân cũng rất lớn. Nếu một nhà máy có 6 lò phản ứng, thì tổng công suất sẽ là 6.000 MW, tương đương với tổng sản lượng điện cả nước hiện có.

Vấn đề công chúng lo ngại nhất với loại hình năng lượng này là tính an toàn, gồm an toàn kỹ thuật và rác thải hạt nhân. Tuy nhiên theo ông Tấn, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về mặt kỹ thuật. Các thiết kế tiên tiến trên thế giới đảm bảo rằng xác suất rủi ro là 10-6  (tức là 1 triệu lò phản ứng, mới có một lò có nguy cơ bị sự cố).

Về chất thải, nhà máy điện hạt nhân có hai dạng. Dạng thải phóng xạ thấp (phát sinh từ các phin lọc của lò phản ứng, từ các dụng cụ thay ra...), có thời gian bán rã ngắn, dài nhất 30 năm. Để xử lý, người ta sẽ bê tông hóa chúng, đóng vào các container nhỏ rồi chôn xuống đất. Sau một thời gian, chúng sẽ trở lại trạng thái an toàn. Một lò 1.000 MW mỗi năm sẽ thải ra khoảng 800 tấn chất thải loại này, cô đặc lại còn khoảng 10 mét khối.

Loại chất thải đáng lo ngại nhất là nhiên liệu đã cháy. Một lò 1.000 MW thải ra khoảng 30 tấn mỗi năm. Chúng có cường độ phóng xạ cao, và thời gian bán rã rất lâu. Song, từ khi nhiên liệu được thải ra cho đến khi cần xử lý phải mất 40-50 năm. Như vậy, nếu Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020, thì phải đến năm 2070, chúng ta mới cần tính đến việc này. Trong thời gian đó, chắc chắn công nghệ xử lý của thế giới đã đi rất xa, và có thể áp dụng cho Việt Nam.

Cũng theo ông Tấn, thực tế chất thải của các dạng phát điện khác đáng sợ hơn nhiều so với chất thải hạt nhân, vì chúng phát tán thẳng vào môi trường, còn chất thải hạt nhân có số lượng nhỏ, lại quản lý được. Chẳng hạn, một nhà máy nhiệt điện chạy than cũng có công suất 1.000 MW, một năm thải ra 320.000 tấn tro bụi, trong đó có 400 tấn kim loại nặng, hít vào người rất nguy hại. Xỉ than của nhà máy cũng có lượng phóng xạ cao hơn nhiều so với phóng xạ mà những người sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân tiếp xúc. Song người dân không biết, và cũng không phản đối nhà máy đó, trong khi lại tỏ ra rất e dè với nhà máy điện hạt nhân.

Để khắc phục được trở ngại tâm lý này, Viện Năng lượng nguyên tử đề nghị nhà nước công khai các chính sách phát triển, tổ chức các triển lãm, mở cửa cho khách tham quan các cơ sở hạt nhân, như lò Đà Lạt (lò này có thể giảm hoạt động vào năm 2015, phục vụ đào tạo cán bộ là chính)...

Tính kinh tế của các nguồn năng lượng tái tạo ở Nhật Bản(nguồn: Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á)

Loại hình năng lượng Điện mặt trời Năng lượng gió Điện hạt nhân
Chi phí sản xuất 1 kWh   66 yen 10-14 yen 5,5 yen
Diện tích xây dựng nhà máy có công suất 1 GW 67 km2 248 km2 Không đáng kể

Bích Hạnh

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Khắc Nhẫn