Muốn giúp dân, cứu dân, hãy về trước lũ. Đừng đợi
đến khi bão lũ ập về nhấm chìm nhà cửa, xóm làng ngập trắng khăn tang
mới hú còi inh ỏi về thăm dân, lôi những đứa trẻ nít còn vấn vành khăn
tang trên đầu ra trước bàn thờ để trao phong bì, quay phim chụp ảnh.
Những cách “về” như vậy chỉ phơi bày thêm sự giả dối,
phản cảm và xa cách dân thêm mà thôi.
Miền Trung lại bắt đầu vào mùa bão lũ. Nhiều
làng mạc, phố thị lại chìm trong biển nước chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa.
Năm nào cũng vậy, bão lũ triền miên, đói rét đau thương và chết chóc.
Trong bão lũ, trong đau thương, tôi ấn tượng bởi hình ảnh quân dân, những
đoàn xe lội nước băng về với dân, những chiến sĩ, và cả các tướng lĩnh
quên mình lao ra dòng nước cứu dân. Lâu lắm rồi, mấy chục năm sau chiến tranh, kể
từ trận lụt kinh hoàng năm 1998, hai tiếng “tiền phương” lại được
nhắc đến nghe xúc động lòng người. Mấy chục năm sau chiến tranh, lại thấy
lực lượng quân đội, công an đồng loạt triển khai các binh chủng hùng hậu
đến thế, lại nghe những “mệnh lệnh chiến đấu” từ các “sở chỉ
huy tiền phương”. Những đoàn quân hùng hậu bủa vây đánh giặc nước cứu
dân. Quanh họ, quanh những đoàn xe thiết giáp, những máy bay trực thăng
kia không phải là súng đạn, mà đầy ắp những thùng lương khô, gạo, mì tôm
và thuốc men cứu trợ đồng bào. Những hàng chữ “tình quân dân nghĩa
đồng bào” căng vội trên những đoàn xe vượt lũ xẻ nước lao về với dân
xúc động lòng người. Những hình ảnh đó sẽ đọng mãi không phai
trong lòng dân vùng lũ. Nhưng… bình tâm ngẫm lại, tôi vẫn thấy cái sự
về trước lũ với đồng bào nó quan trọng và cần kíp hơn, nhất là đối với bà
con vùng lũ miền Trung, nơi mà không một năm nào không có bão lũ, nơi mà
những cơn lũ dường như có thể đoán định trước được. Cứu dân, giúp dân trong và sau lũ là cần kíp,
nhưng cần và quan trọng, bức thiết hơn ở sự giúp dân phòng tránh ngay
trước những cơn lũ sắp ập về. Miền Trung có những làng chài vắng bóng đàn
ông, có những bản làng mưa ngập chìm không có nổi một chiếc thuyền chạy
lũ, có những cánh đồng lúa chưa kịp gặt đã bị ngập úng chỉ sau một đêm
mưa. Chỉ một cơn mưa đầu mùa mấy ngày qua đã cuốn đi hàng vạn ha lúa và
hoa màu, đã lại có hàng trăm ngôi nhà bị cuốn sập vì chưa kịp kè chống, đã
có người chết vì sơ sẩy chủ quan… Và rồi còn trăm ngàn vạn vạn những nhu
cầu cấp thiết khác, nhiều khi rất đỗi bình thường, nhỏ bé nhưng gắn với
sinh mạng cư dân vùng lũ. Họ cần đến những đoàn quân về giúp họ trước ngày
mưa, trước khi cơn lũ ập về. Thậm chí, ngay cả khi chưa thật sự giúp gì
cho dân, nhưng những “trạm tiền phương” sống gần dân, bên dân
trước những cơn bão lũ sẽ giúp người dân có được cảm giác an toàn, tin cậy
hơn. Ra trận mà chậm một giây là thua, là tổn thất
sinh mạng. Muốn đánh thắng giặc nước, phải biết bày binh bố trận trước,
phải biết về trước lũ. Bài học gần dân trong đánh giặc ngoại xâm vẫn rất
đúng trong đánh giặc nước. Việc thăm hỏi, cứu trợ cũng vậy. Hình ảnh
những quan chức cao cấp về với dân trong và ngay sau các cơn lũ không chỉ
gây xúc động, mà nó thể hiện một trách nhiệm cao trước dân, với dân. Nhưng
đó là trong và sau lũ, khi mà miền Trung đã ngập chìm trong lũ, khi nhà đã
sập, dân đã chết. Còn bây giờ, ngay từ lúc bão lũ chưa ập về,
tôi muốn lãnh đạo phải về trước với dân, về kiểm tra xem, hỏi xem dân cần
gì, thiếu gì. Có khi chỉ cần một chiếc thuyền đưa kịp về sẽ đủ cứu thoát
sinh mạng cho cả một bản làng. Có khi chỉ cần một tiểu đội lính kê lưng
kéo dây chồng chéo cũng cứu giúp được vài căn nhà không bị sập trôi trong
lũ. Và thậm chí chưa giúp được gì, nhưng sự xuất
hiện và vài lời động viên trong thời khắc này, ngay trước những cơn bão
lũ, sẽ kịp sưởi ấm được lòng dân, giúp dân cảm thấy tin yêu, thấy người
lãnh đạo gần mình hơn. Đừng đợi đến khi bão lũ ập về nhấm chìm nhà
cửa, xóm làng ngập trắng khăn tang mới hú còi inh ỏi về thăm dân, lôi
những đứa trẻ nít còn vấn vành khăn tang trên đầu ra trước bàn thờ để trao
phong bì, quay phim chụp ảnh. Những cách “về” như vậy chỉ phơi
bày thêm sự giả dối, phản cảm và xa cách dân thêm mà thôi. Muốn giúp dân, cứu dân, hãy về trước lũ! TDN __________
-
Năm 2006, tại Quảng Bình, trong
lúc bão lũ đang ập về ngập chìm các bản làng, dân đói và chết thì Bí
thư và Chủ tịch tỉnh lại bỏ dân ra nước ngoài… giao lưu. Còn các nhà
báo thì họ lại bơi ngược lũ về với dân bằng những phương tiện như thế
này đây: nhà báo Phan Phương (ngoài cùng bên phải), kế tiếp là
nhà báo Nguyễn Quang Vinh (đội mũ tai bèo)
 Một số hình ảnh
tư liệu về các cơn bão lũ miền Trung:





 




http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/182715
|