Christopher T.Hill, Giáo sư về công nghệ và chính sách công, Đại học
George Mason, Bang Virginia đã đưa ra một cách nhìn mới về xu thế
phát triển của xã hội hiện đại và những đổi mới cần thiết về khoa
học, chính sách khoa học và giáo dục nước Mỹ cần hướng đến nhằm vượt
qua sức ỳ của quá khứ và chủ động đón trước những cơ hội của một
phương thức phát triển mới mang tính sáng tạo của xã hội tương lai.
Cách nhìn mới này có thể gợi ra đựợc những vấn đề gì cho định hướng
chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam trong
thời gian tới? Người viết bài này đã đưa ra câu hỏi như vậy với GG.
Christopher T. Hill khi trực tiếp được nghe ông thuyết trình về khái
niệm “xã hội hậu khoa học” tại Viện Chính sách KH&CN quốc gia ở
Tokyô, Nhật Bản một năm trước đây.
Xã hội khoa học
Theo GS. Christopher T.Hill, “xã hội khoa học” được đặc trưng bởi
môi trường xã hội Mỹ vào cuối những năm 1950 và đầu 1960 khi mà
nghiên cứu khoa học và kỹ thuật đã trở thành xu thế và trào lưu lựa
chọn nghề nghiệp số một của thanh niên Mỹ lúc bấy giờ. Hiện tượng xã
hội này có liên quan một phần đến vụ thử vũ khí nguyên tử, bom
khinh khí và vụ phóng vệ tinh Sputnik của Liên Xô giữa những năm
1950. Nhưng từ trước đó, ngay sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, Ủy
ban tư vấn của Tổng thống Mỹ do Vannevar Bush làm Chủ tịch đã đưa ra
bản Báo cáo nổi tiếng “Biên giới vô cùng của Khoa học”. Báo cáo này
đã hậu thuẫn đắc lực cho Chính phủ Liên bang duy trì chính sách tài
trợ cho nghiên cứu của các trường đại học, đầu tư xây dựng nhiều
phòng thí nghiệm hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề trong quân sự,
y tế và xã hội xuất phát từ kinh nghiệm lịch sử trước đó của Mỹ cho
rằng: những khoản kinh phí hỗ trợ hào phóng của Chính phủ cho các
nghiên cứu cơ bản trong khoa học sẽ mang lại những lợi ích to lớn
cho đất nước.
Nước Mỹ đã xuất hiện như cường quốc thế giới về công nghiệp vào cuối
thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 chính là nhờ vào các nghiên cứu khoa học và
sáng chế công nghệ mà các công ty chế tạo hàng đầu lúc đó như AT&T,
General Electric, DuPont và General Motors đã thử nghiệm và đưa vào
sản xuất. Hầu hết các công ty này đều đã xây dựng các phòng, ban
nghiên cứu R&D chuyên môn ở công ty mình theo gương của Thomas
Edison người đã xây dựng cả một “Nhà máy sáng chế” ở Menlo Park,
Bang New Jersy từ năm 1876.
Vị thế cường quốc của Mỹ về công nghiệp đã thúc đẩy Chính phủ dành
những khoản đầu tư lớn từ Liên bang để xây dựng các phòng thí nghiệm
khổng lồ và tài trợ cho nghiên cứu cơ bản ở các trường đại học. Cho
đến sau Chiến tranh thế giới thứ Hai và 2 thập kỷ sau đó, hầu như
tất cả các công ty lớn và nhiều công ty nhỏ đã đầu tư xây dựng phòng
thí nghiệm riêng biệt, được bố trí cách xa cơ sở sản xuất và các
trung tâm tiêu thụ sản phẩm. Các phòng thí nghiệm này đều được
thiết kế giống như khuôn viên Đại học, thuê các nhà khoa học tự
nhiên và công nghệ tài năng có bằng cấp đến làm việc.
Một đặc trưng khác của xã hội khoa học ở Mỹ sau Chiến tranh Thế giới
thứ Hai là các phương pháp và cách tiếp cận khoa học đã trở thành
chuẩn mực cho nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội Mỹ. Các
phương pháp nghiên cứu trong khoa học tự nhiên đã được sử dụng để
phân tích và khám phá các quan hệ xã hội. Hệ thống các nghiên cứu
trong khoa học xã hội đã mở đường cho những chuyển biến xã hội rộng
lớn mang tính cách mạng trong xã hội Mỹ lúc bấy giờ. Vụ thắng kiện
nổi tiếng của Brown với Bộ Giáo dục năm 1954 đã chấm dứt nạn phân
biệt chủng tộc trong các trường công lập chính là nhờ vào phát hiện
của các nhà khoa học xã hội về những ảnh hưởng tiêu cực của tình
trạng phân biệt trường lớp đến việc học tập của trẻ em. Khoa học
thậm chí còn đưa ra những giải thích có sức thuyết phục góp phần
nhận thức lại nhiều quan điểm huyền bí của tôn giáo về hiện thực,
đưa ra những câu hỏi lớn trong loạt bài chiếm trọn các số của Tạp
chí Thời đại (Time) năm 1966 thí dụ: “Phải chăng Chúa đã băng hà?”
Xã hội khoa học, tóm lại đó là xã hội mà trong đó khoa học, với các
lý thuyết, phương pháp và mô hình của nó trở thành chuẩn mực cho các
lĩnh vực hoạt động xã hội, được Chính phủ, các tập đoàn và doanh
nghiệp ưu tiên đầu tư, là mẫu hình nghề nghiệp lý tưởng của các tầng
lớp thanh niên, được xã hội trọng dụng và kỳ vọng. Đầu tư của Chính
phủ và doanh nghiệp cho nghiên cứu cơ bản được coi là điều kiện tiên
quyết và chắc chắn bảo đảm sự phồn vinh dài hạn của các cá nhân, tập
đoàn, doanh nghiệp và xã hội nói chung.
Xã hội hậu khoa học
Trước hết, theo GS. Christopher T.Hill, “xã hội hậu khoa học” không
có nghĩa là một xã hội không còn có vai trò của khoa học. Trong một
xã hội hậu khoa học người ta vẫn sẽ tiếp tục sử dụng những lý thuyết
và phát minh khoa học mới nhất làm cơ sở để đổi mới và phát triển.
Xã hội hậu khoa học vẫn bao hàm các yếu tố của xã hội khoa học cũng
như thời đại ngày nay người ta vẫn sử dụng công nghệ chế tác đồ đá
của thời kỳ đồ đá, vẫn sử dụng sản phẩm của văn minh nông nghiệp và
chế tạo sản phẩm công nghiệp của thời đại cách mạng công nghiệp.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của xã hội hậu khoa học, việc tổ chức
các hoạt động nghiên cứu khoa học tại chỗ như là một mô hình bắt
buộc để đưa ra bất kỳ tri thức khoa học mới nào không còn là tất yếu
và có thể sẽ bị thay thế hiệu quả hơn bởi việc tận dụng các tri thức
khoa học mới đã được tạo ra ở bên ngoài. Tri thức khoa học mới làm
nền tảng cho những đổi mới trong xã hội hậu khoa học sẽ vẫn xuất
hiện ở Mỹ nhưng không chỉ dưới dạng các lý thuyết mà phần lớn là ở
những tri thức ẩn chứa trong các phương tiện, vật dụng, các hệ thống
và quy trình được sáng tạo ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Xã hội
hậu khoa học cũng sẽ cần ít nhà nghiên cứu hơn so với xã hội khoa
học, sẽ có ít thanh niên bị lôi cuốn vào các lĩnh vực nghiên cứu
khoa học bởi các triển vọng thu nhập vượt trội. Các công ty, doanh
nghiệp trong xã hội hậu khoa học sẽ thuê ít các nhà chuyên môn về
khoa học hơn. Vai trò của các nhà khoa học sẽ nghiêng nhiều về chức
năng chuyển dịch và khai thác các tri thức mới hơn là chỉ chú tâm
làm tăng kho tàng tri thức khoa học sẵn có. Doanh nghiệp sẽ bớt cam
kết đầu tư dài hạn cho nghiên cứu cơ bản và dựa nhiều hơn vào các
bên cung cấp tri thức thứ ba.
Trong một xã hội hậu khoa học, của cải và việc làm do đổi mới và
những ý tưởng mới tạo ra sẽ dựa ít hơn vào đóng góp của các khoa học
tự nhiên và kỹ thuật mà chủ yếu dựa vào các khoa học xã hội và khoa
học tổ chức, vào nghệ thuật, các bí quyết kinh doanh và bị quyết
định nhiều hơn bởi khả năng đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm và dịch
vụ đặc biệt được thiêt kế theo thị hiếu của cá nhân người tiêu dùng
hơn là những sản phẩm có chi phí thấp và công nghệ hoàn toàn mới.
Một doanh nghiệp sẽ không thành công trong xã hội hậu khoa học nếu
sử dụng chiến lược bám đuôi rồi tìm cách cạnh tranh với những sản
phẩm đã được các công ty ở các nước khác đưa ra thị trường. Ngược
lại, kiểu chiến lược thành công sẽ đến từ nỗ lực tìm kiếm những tri
thức mới bất kể nguồn gốc ở đâu, rồi đem kết hợp với những hiểu
biết về văn hóa và thị hiếu của người tiêu dùng để đưa ra những sản
phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Chiến lược đó đòi hỏi một mạng lưới
kết nối những cá nhân có năng lực sáng tạo cao và sự cộng tác giữa
các công ty để tạo ra những hệ thống mới khả dĩ có thể đáp ứng được
những nhu cầu đa dạng và mới mẻ của người tiêu dùng một cách kịp
thời.
Một trong những nguyên nhân xuất hiện của xu thế xã hội hậu khoa học
ở Mỹ những năm đầu của thế kỷ 21 với những đặc trưng nêu trên là do:
so với trước đây và với các nước khác, nghiên cứu cơ bản trong khoa
học ở Mỹ đã ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi đó, sau nhiều
thập kỷ nỗ lực, các nước đang phát triển và nhiều tổ chức phát triển
quốc tế, đã đầu tư xây dựng được cơ sở hạ tầng khoa học đáng kể từ
đó làm cho việc tiến hành các nghiên cứu khoa học ở trình độ quốc tế
đã trở nên ít tốn kém hơn. Trong 2 thập kỷ qua, hầu hết các công ty
Mỹ đã rút dần cam kết đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản tiến hành tại
các trung tâm nghiên cứu nội bộ. Theo lôgic đơn giản của lợi thế so
sánh, đa số các công ty Mỹ đã và đang chuyển sang tìm kiếm nguồn
cung cấp các tri thức và công nghệ mới chi phí thấp từ các trường
đại học, phòng thí nghiệm Liên bang, các tổ hợp nghiên cứu, các hãng
công nghệ cao mới khởi nghiệp, kể cả các phòng thí nghiệm ở nước
ngoài. Số liệu thống kê cho thấy trong khoảng thời gian 15 năm từ
1988 đến 2003, tỷ lệ các bài báo khoa học của Mỹ được xuất bản giảm
từ 38% xuống còn 30%. Thậm chí, số bằng sáng chế được cấp cho các
nhà sáng chế Mỹ trong một số lĩnh vực quan trọng như điện tử, máy
móc cơ khí hạng nặng đã giảm so với tỷ lệ của Nhật và Đức.
Hai thập kỷ qua cũng chứng kiến sự suy giảm quan tâm của thanh niên
Mỹ đối với các bộ môn trước kia là thời thượng như toán học, khoa
học và kỹ thuât. Sức ép cạnh tranh về thu nhập đối với các sinh viên
theo đuổi nghề nghiệp khoa học ở Mỹ cũng đến từ những người nhập cư,
thậm chí đến cả từ những sinh viên đã được đào tạo tại Mỹ làm cùng
công việc như họ nhưng lại đang hưởng mức thu nhập thấp hơn ở các
nước đang phát triển. Một khi năng lực nghiên cứu toán học và khoa
học cơ bản bên ngoài nước Mỹ đã được nâng cao thì sức hấp dẫn của
toán học và khoa học cơ bản đối với thanh niên Mỹ thông qua thu
nhập, cơ hội việc làm tại Mỹ sẽ giảm đi và sự lựa chọn nghề nghiệp
khôn ngoan đối với họ chắc chắn sẽ là tập trung sức lực của mình vào
những lĩnh vực khác ngoài toán học và khoa học.
Khía cạnh quan trọng khác của xã hội hậu khoa học là giờ đây dường
như xã hội đang cần những tri thức khoa học phức tạp hơn nhiều các
khoa học cơ bản, đòi hỏi những tri thức sau tri thức khoa học cơ
bản, kết hợp được tất cả các loại tri thức và năng lực để có thể đáp
ứng tốt nhất nhu cầu của từng cá nhân, gia đình, công ty, cộng động
và cả xã hội. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cần đến không
chỉ là nền y học với các kiến thức y học cơ bản mà còn cần đến những
kiến thức của y-sinh và sự kết hợp của nhiều lĩnh vực phức tạp
khác liên quan đến sức khỏe từ dinh dưỡng đến các liệu pháp tinh
thần và xã hội khác. Thành công trong một xã hội hậu khoa học phụ
thuộc không chỉ vào sự chuyên môn hóa, mà còn bị quyết định ngày
càng lớn bởi sự kết hợp, tổng hợp, gắn kết trong ý tưởng, trong các
thiết kế, sáng tạo và mở rộng không gian tư duy. Có thể thấy được
những thành công như thế từ những công nghệ kiểu tích hợp trong nền
công nghiệp, dịch vụ Mỹ những năm gần đây như: kỹ thuật sản xuất đa
phương tiện, thủ tục đặt hàng một click, các công cụ tìm kiếm trên
mạng yahoo, google, điện thoại không dây, các ổ nhớ dung lượng lớn,
v.v…Và mặc dù các thành tựu công nghệ này vẫn dựa vào các thành tựu
của khoa học cơ bản về vật liệu, xử lý thông tin kỹ thuật số, các
thuật toán máy tính, các phương pháp đo lường tiên tiến và các khoa
học cơ bản khác nhưng của cải và giá trị gia tăng lại được sản sinh
ra chủ yếu từ khu vực hạ nguồn của những ứng dụng.
Xã hội hậu khoa học trong khi vẫn duy trì, nuôi dưỡng và sử dụng
khoa học với những thành tựu mang tính cơ bản nhưng về đặc trưng
chung của sản xuất, của sáng tạo và xu thế của các quan hệ xã hội,
tổ chức hoạt động xã hội đang và sẽ diễn ra theo xu thế hoàn toàn
khác, xu thế của những tích hợp và nhân lên những tri thức khoa học
sẵn có vốn có thể xuất hiện khắp nơi, xu thế hình thành những mạng
lưới kết nối các năng lực nghiên cứu toàn cầu để hạ giá thành nghiên
cứu, xu thế khoa học trở về với những nhu cầu cội nguồn và đa dạng
mang tính nhân văn của những con người cụ thể và các tầng lớp dân cư
với các quyền và lợi ích riêng ngày càng được tôn trọng một cách
bình đẳng. Chí ít đó cũng là một xã hội trong đó vai trò của khoa
học cần phải được nhìn nhận lại, định hướng lại trong một thế giới
toàn cầu hóa, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.
Lựa chọn nào cho Việt Nam?
Cái khó cho một nước đi sau như Việt Nam hiện nay là xã hội mới ở
giai đoạn tiền khoa học và trong khi đất nước đang hướng đến một xã
hội khoa học thì bộ phận tiền tiến nhất của thế giới đã chuyển sang
xã hội hậu khoa học. Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế làm
phức tạp thêm sự lựa chọn cho Việt Nam. Một mặt chúng ta không thể
khư khư bám giữ con đường riêng của mình. Mặt khác cũng khó có thể
copy nguyên si mô hình của nước khác. Vậy thì lựa chọn nào cho Việt
Nam?
Trả lời câu hỏi liệu xã hội hậu khoa học có quá xa với với Việt Nam
đặt ra ở đầu bài viết có thể thấy: đã qua rồi thời đại của những thứ
bậc trong một trật tự gần như bất biến giữa các nền KH&CN trong mô
hình “đàn sếu bay” của các học giả Nhật Bản. Sự “phẳng” xuống của
thế giới đã làm cho các nền kinh tế, văn hóa, xã hội và KH&CN trên
thế giới ngày càng ngang bằng nhau hơn theo nghĩa liên thuộc lẫn
nhau nhiều hơn, bình đẳng với nhau hơn trước những cơ hội mới. Một
xu hướng nổi lên của “các yếu tố hậu khoa học” trong xã hội Hoa Kỳ
cũng đồng nghĩa với sự tham gia của các nước khác ngoài Hoa Kỳ vào
mối liên thuộc này trong đó có Việt Nam. Hơn bao giờ hết, một khi
nước Mỹ đã bước vào xã hội hậu khoa học thì chính sự phẳng xuống của
thế giới cũng sẽ nhanh chóng lan tỏa những yêu cầu và cấu trúc của
xã hội này khắp các vùng, các khu vực của thế giới cũng giống như
mạng internet toàn cầu, như điện thoại đi động và các ứng dụng công
nghệ khác mà chỉ cách đây chừng 1 thập kỷ ít người ở các nước đang
phát triển nghĩ có thể hình dung.
Sự xuất hiện của xã hội hậu khoa học sẽ đưa lại cơ hội thực sự đối
với những nước đi sau như Việt Nam. Cũng như chính trạng thái tiền
khủng hoảng, chưa định hình về triết lý của hệ thống giáo dục nước
ta hiện nay, xét về một mặt nào đó lại là cơ hội để thiết kế lại
ngôi nhà giáo dục Việt Nam khang trang và hiện đại hơn, khả dĩ có
thể bắt kịp với những đặc điểm và yêu cầu của xã hội hậu khoa học.
Đó cũng là cơ hội để Việt Nam có thể “đứng trên vai người khổng lồ”
về khoa học ở đây là những thành tựu khoa học cơ bản tạo ra bởi các
phòng thí nghiệm đại học ở các nước tiên tiến, các tổ chức hợp tác
quốc tế đa phương và song phương về KH&CN. Cơ hội này cũng cho phép
và đòi hỏi nhìn nhận lại về vai trò của đầu tư và tổ chức nghiên cứu
khoa học cơ bản và chú trọng hơn đến các khoa hội xã hội và nhân
văn trong chiến lược phát triển KH&CN của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, xét theo ưu tiên chiến lược đối với Việt Nam, vai
trò của hợp tác quốc tế về KH&CN, vai trò của cơ chế bảo đảm cho cả
nền khoa học và kinh tế tiếp cận và sử dụng thành tựu của KH&CN
quốc tế (mà thực chất là tận dụng những thành tựu KH&CN được tạo ra
bằng tiền của người khác) trở nên vô cùng quan trọng và nên được ưu
tiên ít nhất ngang bằng với việc xây dựng một Viện nghiên cứu hay
một vài đại học đẳng cấp quốc tế ở trong nước. Đặc biệt việc đặt ra
và thực hiện yêu cầu mới đối với giáo dục nói chung và đại học nói
riêng về việc đào tạo những kỹ sư và cán bộ khoa học có tư duy sáng
tạo và đổi mới, có năng lực liên kết các ý tưởng và tích hợp các
thành tựu khoa học sẵn có, nhạy bén phát hiện và sáng tạo trong giải
quyết các bài toán phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết thực,
ngày càng phong phú của con người.
Trong xây dựng tiềm lực KH&CN, việc tạo ra cơ chế để liên kết các tổ
chức KH&CN theo vùng, tạo ra không gian và cơ chế thúc đẩy liên kết
giữa các tổ chức KH&CN trong vùng với các doanh nghiệp và hộ nông
dân trên các vùng và địa bàn lãnh thổ theo mô hình các hệ thống đổi
mới quốc gia và vùng (national and regional innovation systems) để
tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ trọng điểm quốc gia và vùng
còn cấp thiết và có ý nghĩa chiến lược hơn việc đi tìm những ưu tiên
cho từng bộ môn và lĩnh vực KH&CN theo cách tiếp cận tuyến tính vẫn
thường được áp dụng trong các chiến lược phát triển KH&CN trước đây.
Việc hình thành trong cả nước các cụm liên kết bao gồm các tổ chức
KH&CN, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và dịch vụ theo vùng và các cụm
liên kết nội vùng sẽ là một công cụ quan trọng để các chính sách của
Chính phủ vượt qua các ranh giới hạn hẹp của mô hình tuyến tính
trong xã hội khoa học.
Và cũng không kém phần quan trọng, nâng cao tính nhân văn của chiến
lược phát triển KH&CN, làm cho nó vừa thiết thực hướng vào phục vụ
và đáp ứng được những nhu cầu phong phú, đa dạng và cụ thể của con
người Việt Nam lại vừa bao quát được không gian văn hóa, hoạt động
sáng tạo KH&CN và hoạt động kinh tế toàn cầu để tìm ra những trọng
điểm, những khớp nối, những đột phá, các cơ chế thích hợp và hiệu
quả Việt Nam có thể tạo ra - đó cũng là cách để Việt Nam chủ động
hội nhập vào kỷ nguyên của một xã hội hậu khoa học từ một xã hội
tiền khoa học mà không nhất thiết phải đi hết các chặng đường của xã
hội khoa học.
Tài liệu tham khảo
1. Christopher T.Hill (2007), The Post-Scientific Society, Issues
in Science and Technology Online, Fall 2007;
2. Christopher T.Hill (2009), Prospering in the Post-Scientific
Society, Paper presented at RISTEX/JST/NISTEP, Tokyo, Iapan,
June-2009.