Xin dung tha cho ngành đóng tàu

Vietsciences-Đặng Đình Cung              23/07/2010

 

Những bài cùng tác giả

Chúng tôi xin nhường cho những cơ quan chức năng trọng trách làm rõ trách nhiệm và xử lý những sai phạm đã dẫn Vinashin tới tình trạng vỡ nợ. Trong bài này chúng tôi chỉ xin bàn về tái cơ cấu ngành đóng tàu, một ngành quan trọng có tính cách chiến lược về kinh tế và quân sự của một quốc gia như Việt-Nam.

Quan trọng của ngành đóng tàu

Quan trọng trong quy trình phát triển kinh tế

Trong quy trình phát triển kinh tế xã hội một quốc gia phải tuần tự khai triển những ngành có thể tích lũy ngoại tệ, sau đó những ngành tận dụng nhân lực rồi đến lượt những ngành tích lũy kỹ năng và kiến thức khoa học kỹ thuật.

Trong quy trình đó, chúng ta đã khởi đầu với ngành du lịch. Ngành này đã mang lại cho chúng ta ngoại tệ để làm vốn ban đầu. Nhân đó, doanh nhân ngoại quốc đến thăm quan nước ta đã nhận thấy tất cả tiềm năng về nhân lực của ta và đã đầu tư vào những cơ sở sản xuất để tận dụng tiềm năng đó. Bây giờ, chúng ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và ngành đóng tàu có thể giúp ta chuyển sang giai đoạn tích lũy kỹ năng khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, chúng ta có tham vọng trở thành một quốc gia kinh tế biển. Kinh tế biển của một nước tầm vóc lớn như nước ta thì không thể chỉ giới hạn ở những bãi biển đẹp và những tàu đánh cá ven bờ. Những ngành đó cần tiếp tục khai triển mạnh hơn, nhưng chúng ta phải khai triển thêm các ngành đánh cá đại dương, chuyên chở bằng đường sông nội địa và và đường biển liên lục địa. Tất cả những ngành đó đều cần đến nhiều tàu sông và tàu biển. Ngoài việc thỏa-mãn nhu-cầu quốc-nội, những sản phẩm đó cũng có thể là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao.

Chúng tôi chỉ nêu thêm những nhu cầu của quốc phòng.

Trong thế kỷ XIX, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật,... đã khai triển ngành này và đã trở thành những cường quốc công nghiệp. Trong thế kỷ XX, Ba Lan, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đã làm như thế và đã trở thành những quốc gia công nghiệp. Ngược lại, những quốc gia như Hy Lạp, Philippines hay những đảo quốc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sống về nghề biển nhưng không có ngành đóng tàu mạnh đều có kinh tế đình đốn.

Vậy, thế kỷ XXI phải là thế kỷ của ngành đóng tàu Việt-Nam.

Quan trọng trong quy trình phát triển công nghệ

Từ góc nhìn của một kỹ sư thì nghề đóng tàu là uốn nắn những tấm tôn dầy và hàn chúng thành một cái thúng có thể chuyển động an toàn trên mặt nước. Nghề này là một nghề sản xuất từng đơn vị (unit manufacturing). Kỹ năng chính là công nghệ xoong chảo. Kỹ năng thứ là công nghệ lắp ráp những thiết bị công nghiệp cơ khí, điện cơ, điều khiển tự động và viễn thông.

Nói đến tấm tôn, cái thúng, xoong chảo, lắp ráp thì có vẻ nặng mùi công nghệ lạc hậu dành cho những người thất học. Nhưng sự thật không phải vậy. Bộ môn chiến lược công nghiệp thường biếm họa và dùng những từ ngữ nôm na mô tả một ngành nghề để phát hiện nhân tố thành công chính (key sucess factor) của ngành đó.

Ngành đóng tàu thực ra đóng tàu mới và canh tân sửa chữa tàu cũ. Ngành này cần đến nhiều nhân lực và nhiều công nghệ khác nhau. Nhân lực gồm nhiều nhân công từ công nhân phổ thông cho đến những công nhân phải được đào tạo bài bản trong những kỹ thuật tinh xảo. Những cán bộ thì từ bậc cử nhân kỹ sư ở những bộ phận sản xuất hàng ngày lên đến thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ về luyện kim, ở những bộ phận thiết kế và nghiên cứu kỹ thuật. Vì phải đào tạo nhân lực từ bậc công nhân phổ thông đến kỹ sư về những công nghệ tiên tiến, ngành đóng tàu đã là đòn bẩy trong công cuộc công nghiệp hoá của một số quốc gia.

Những công nghệ của ngành đóng tàu

Công nghệ xoong chảo nặng

Tùy độ dầy của tấm tôn, những kỹ thuật uốn nắn và hàn những tấm tôn khác nhau rất nhiều. Người ta phân loại hai công nghệ xoong chảo : xoong chảo nhẹ khi những tấm tôn mỏng hơn 10 mm, xoong chảo nặng khi những tấm tôn dầy hơn 10 mm. Dưới một milimét thì gọi là nghề làm tôn, một nghề hoàn toàn khác. Đóng tàu thuộc về xoong chảo nặng. Tất nhiên, như thế phải có các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thương mại liên quan, song không bao gồm việc mua tàu cũ về để tháo ra lấy sắt vụn hoặc sửa sang đưa vào làm dịch vụ chuyên chở chẳng hạn (điều mà Vinashin từng làm), thậm chí để bán lại

Công nghệ xoong chảo nặng có ba đặc điểm.

Điểm thứ nhất là, để thành công về xoong chảo có tay nghề thì vẫn chưa đủ, còn phải có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật của các ngành cơ khí và luyện kim. Học kỹ sư xoong chảo thì rất khó vì ngành này bao gồm cả vật lý lẫn hoá học. Từ đầu cách mạng công nghiệp cho tới nay, cứ sáu bảy năm lại có một biến chuyển công nghệ quan trọng trong công nghệ xoong chảo. Vì thế, những kỹ sư xoong chảo phải liên tục cập nhật công nghệ chuyên môn của mình.

Điểm thứ hai là công nghệ xoong chảo nặng có cường độ vốn và nhân lực cao (capital and labor intensive). Như vậy có nghĩa là, muốn thành lập một xí nghiệp xoong chảo nặng thì ngay từ đầu phải đầu tư nhiều vốn và có sẵn hay tự đào tạo nhiều nhân lực. Vốn tính bằng tỷ đôla Mỹ và nhân lực tính bằng vạn công nhân, kỹ thuật viên và kỹ sư chuyên môn.

Điểm thứ ba là thị trường quốc tế của công nghệ xoong chảo nặng là những thiết bị công nghiệp với ít hợp đồng mua, nhưng mỗi hợp đồng có giá trị lớn tính bằng triệu đôla Mỹ hay hơn nữa. Về chiến lược công nghiệp, công nghệ xoong chảo nặng là một công nghệ sản xuất từng đơn vị.

Công nghệ lắp ráp thiết bị công nghiệp

Để một con tàu có thể chuyển động an toàn trên mặt nước thì phải được trang bị bởi một số động cơ, thiết bị điều khiển (tự động hay không) và thiết bị viễn thông. Nếu là một tàu chiến thì phải được trang bị thêm vũ khí. Những thiết bị này do những ngành công nghiệp chuyên môn sản xuất.

Lắp ráp thiết bị công nghiệp là cả một công nghệ. Trong những ngành sản xuất đại trà (mass production) kỹ năng chính là quản lý sản xuất. Trong những ngành sản xuất từng đơn vị như ngành đóng tàu và ngành xây dựng công trình công nghiệp thì kỹ năng chính là quản lý thực hiện dự án.

Đồng vận với những ngành công nghiệp khác

Đồng vận trong nghề xoong chảo nặng

Nhiều ngành kinh tế khác cũng cần đến công nghệ xoong chảo nặng : vỏ tàu chiến, vỏ bọc xe thiết giáp và nắp pháo đài của ngành vũ trang, dàn khoan, thùng chứa dầu, ống dẫn dầu và ống dẫn khí đốt của ngành dầu khí, thùng chứa hoá chất, chòi chưng cất và lò phản ứng của các ngành hoá học và hạt nhân, hạng mục bằng thép của ngành xây dựng cầu đường,...

Nhiều ngành khác nữa thỉnh thoảng cũng cần uốn nắn và hàn những tấm tôn dày. Nhưng kỹ năng chính của các ngành ấy không phải là công nghệ xoong chảo nặng.

Tỷ dụ, kỹ năng chính của ngành hoá học là chế biến những hoá chất. Thỉnh thoảng ngành này cần đến công nghệ xoong chảo nặng để chế tạo và xây dựng những chòi chưng cất và những thùng chứa cho một nhà máy. Nhưng sau đó nhà máy sẽ dùng để sản xuất hoá chất trong cả chục năm mà không cần đến công nghệ xoong chảo nặng nữa. Ngược lại, ngành đóng tàu có thể thi công chế tạo những hạng mục của một nhà máy hoá chất nhờ có sẵn nhân lực và thiết bị chuyên môn về xoong chảo.

Đồng vận trong nghề lắp ráp thiết bị công nghiệp

Một đặc điểm của ngành đóng tàu là tầm vóc những tàu có thể là một thuyền nhỏ dài vài mét cho tới một tàu rất lớn dài tới ba trăm mét với trọng tải có thể đạt cả trăm nghìn tấn.

Vì đó những thiết bị cần lắp ráp trên một con tàu có thể có công suất của một sản phẩm tiêu dùng thông thường nhưng cũng có thể có công suất của những thiết bị sản xuất công nghiệp. Một tàu 1.000 DWT có thể coi như là một chung cư hay một nhà máy. Một tàu 100.000 DWT trở lên là một khu đô thị hay một khu công nghiệp.

Bởi tính đa dạng đó và bởi ngành đóng tàu là một ngành sản xuất từng đơn vị ngành này không tự sản xuất những thiết bị công nghiệp cơ khí, điện cơ, điều khiển tự động và viễn thông mà chỉ mua để lắp ráp chúng lên tàu đang đóng. Cách đây vài năm, tập đoàn Alstom của Pháp đã suýt phá sản vì tập hợp nhiều ngành nghề khác nhau và đã phải bán bộ phận đóng tàu để trả nợ.

Lắp ráp những thiết bị nhỏ là một nghề, lắp ráp những thiết bị lớn là một nghề khác và cũng là nghề của ngành xây dựng công nghiệp. Ngành đóng tàu đóng nhiều tàu trọng tải nhỏ với những thiết bị nhỏ và ít tàu trọng tải lớn với những thiết bị lớn. Những xí nghiệp đóng tàu có thể nắm công nghệ lắp ráp thiết bị của những tàu nhỏ và gia công cho những xí nghiệp xây dựng công nghiệp việc trang bị những tàu lớn.

Tái cơ cấu Vinashin

Mặc dù lên xuống với biến độ lớn tùy theo tình hình kinh tế thế giới, thị trường dài hạn của ngành đóng tàu tăng trưởng mạnh. Theo nghiên cứu của CCIFV (Chambre de Commerce et d'Industrie Francaise au Vietnam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt-Nam) thì, năm 2008, Việt-Nam xếp hạng tám thế giới về đóng tàu. Theo ước đoán của chúng tôi thì chúng ta xếp hạng thứ năm thế giới vào năm nay hay một hai năm tới.

Một xí nghiệp đứng đầu trong một thị trường tăng trưởng mạnh là một xí nghiệp thuộc ô minh tinh (star) trên bàn cờ BCG (BCG Matrix, Mã-trận Boston Consulting Group), nghĩa là có thế chủ động trên thị trường quốc tế. Nếu coi tất cả ngành đóng tàu Việt-Nam là một xí nghiệp thì đây là tình huống duy nhất mà Việt-Nam có một xí nghiệp minh tinh !

Rất tiếc ban giám đốc Vinashin đã mổ xẻ tập đoàn thành một trăm công ty nhỏ thiếu khả năng phát triển. Rất tiếc ban giám đốc Vinashin đã phân tán vốn vào những kinh doanh mạo hiểm ngoài nghề ruột (core business) của tập đoàn. Nhưng không phải vì ban giám đốc Vinashin đã lầm lỗi và sai phạm mà phải phá vỡ tập đoàn này. Ngược lại, việc phải làm bây giờ là tái cơ cấu Vinashin.

Tái cơ cấu có nghĩa là tập trung lực lượng vào nghề ruột và liên minh với những xí nghiệp khác chuyên về những nghề phụ.

Tập trung vào nghề ruột ám chỉ sáp nhập những công ty quốc doanh và bán quốc doanh ngoài Vinashin nhưng hoạt động trong ngành đóng tàu để tăng cường vị thế của Vinashin trên thị trường quốc tế.

Tập trung vào nghề ruột cũng ám chỉ chuyển sang những xí nghiệp khác những hoạt động không thuộc nghề ruột của mình : cổ phiếu đã mua trên thị trường chứng khoán, nhà máy thép, tàu biển, khu công nghiệp không có nhà máy đóng tàu hay sửa chữa tàu... Những khoản hoạt động này sẽ giao cho xí nghiệp quốc doanh có nghề ruột liên quan, hoặc bán cho khu vực tư doanh.

Tỷ dụ trao cho Vinasteel một nhà máy thép là đúng, nhưng trao cho PetroVietnam hoạt động chế tạo dàn khoan và kho chứa dầu là một sai lầm. Nghề ruột của PetroVietnam là hydrocacbua. Để hoạt động trong ngành đó PetroVietnam phải lắp đặt dàn khoan, thùng chứa dầu và ống dẫn dầu dẫn khí. Nhưng, trên nguyên tắc, chế tạo dàn khoan và thùng chứa thuộc về công nghệ xoong chảo, kỹ năng chính của Vinashin, chế tạo những đốt ống không hàn thuộc về công nghệ rèn, kỹ năng chính của Vinasteel, và lắp ráp tại chõ những hạng-mục đó thuộc về công-nghệ xây-dựng công-nghiệp, nghề chính của VNIC. PetroVietnam không cần và cũng không nên tự mình làm những công việc ấy.

Sau khi loại tất cả những hoạt động ngoài nghề ruột thì Vinashin phải ký những hiệp ước liên minh với những xí nghiệp phụ trợ trong và ngoài nước sản xuất thép và các kim loại khác, những máy công cụ lớn nhỏ, những thiết bị công nghiệp cơ khí, điện cơ, điều khiển tự động và viễn thông,... để bảo đảm nguồn cung cấp. Ngoài ra, Vinashin cũng phải mở rộng và trang bị tốt hơn những khu công nghiệp còn lại và kêu gọi những xí nghiệp phụ trợ liên minh đến hoạt động ở đó.

Chúng tôi xin gợi ý một thí dụ.

Ngành xây dựng công trình công nghiệp nước ta đang trưởng thành mạnh với sự sáp nhập những xí nghiệp xây dựng nhỏ thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt-Nam (VNIC). Tại sao lại không có một xí nghiệp liên doanh giữa Vinashin và tập đoàn này trong ngành lắp ráp những thiết bị công nghiệp nặng ? VNIC lắp ráp những thiết bị ở những công trường xây dựng, nghĩa là không ở những địa điểm cố định lâu dài. Tại sao tập đoàn này không đặt cơ sở hành chính, đào tạo hay bảo trì công cụ của mình ở một khu công nghiệp của Vinashin ?

***

Tái cơ cấu một xí nghiệp không có nghĩa là mổ xẻ nó để đẩy cho những xí nghiệp lành mạnh những bộ phận không mang lợi nhuận. Phương pháp này chỉ đưa đến tình trạng biến lợn lành thành lợn què. Tái cơ cấu một tập đoàn lớn như Vinashin là một dịp để nghĩ lại cơ cấu những tập đoàn lớn khác và tái cơ cấu toàn bộ kinh tế nước ta cho thích hợp hơn với vị thế một nền kinh tế đã hoà nhập với kinh tế thế giới.

 

Đã đăng trên Diễn Đàn

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Đặng Đình Cung