Ý kiến

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng               20/01/2010

 

Những bài cùng tác giả

 1- Giám sát...lòng dân

            Trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XII khi thảo luận ở Tổ về kế hoạch giám sát năm 2009 của Quốc hội tôi đã mạnh dạn đề xuất nên tổ chức Giám sát lòng dân. Sở dĩ tôi nêu lên ý kiến này vì nhớ đến một câu nói của Bác Hồ: Không có lực lượng nhân dân thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong; có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy làm cũng được (HCM Toàn tập, 1986,T.6, tr.112).

         Gần đây tôi thấy nhân dân ca thán quá nhiều về chuyện “Chạy”. Việc gì cũng phải " chạy", không " chạy" thì không xong. Chạy chức, chạy quyền, chạy giấy tờ, chạy trường, thậm chí chạy cả bằng khen,cả huân chương (!). Điều này trái ngược với bản chất ưu việt của Chủ nghĩa xã hội. " Chạy" nói đúng ra là sự đút lót bằng tiền bạc hay nói cách khác là sự hối lộ trắng trợn hay bằng những sự đổi chác bất chính.
       Chẳng hạn, ai cũng muốn cho con em mình được học ở những trường có chất lượng cao, được quản lý tốt, không quá xa nhà...Ai cũng muốn con em mình được học các trường có thầy cô giáo dạy giỏi, học sinh ngoan và có triển vọng để sau này học tiếp lên các bậc cao hơn một cách dễ dàng. Những nguyện vọng đó là chính đáng. Nhưng tại sao lại phải "chạy"? Chính vì số trường đạt các tiêu chuẩn đó chưa nhiều mà số trường có chất lượng thấp lại còn quá phổ biến. Mật ít, ruồi nhiều thì đành phải cố gắng kiếm tiền để "chạy". Chạy được cũng là do có người nhận tiền để lo cho con em người có tiền. Trước đây học sinh được phân theo đặc điểm địa dư để các em đi học cho gần. Nay thì học ở xa nhà cũng không sao miễn là "chạy " được. Tôi không có bằng chứng về chuyện này nhưng đi đâu cũng nghe nói là không "chạy" thì không xong (!). Chạy trường làm thui chột đi tâm hồn trong sáng của trẻ em ngay từ tuổi thơ. Chạy chức, chạy quyền làm hủy hoại tính nghiêm minh và năng lực thực tế của các cấp lãnh đạo.

         Tôi đã gửi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ với nội dung như sau: Sắp tới các cấp chính quyền Nhà nước từ xã trở lên cũng sẽ bầu lại, xin hỏi Chính phủ có quy chế chặt chẽ theo tinh thần như đối với bầu cử các cấp ủy Đảng hay không? Làm sao để chính quyên nhân dân phải thực sự là chính quyền của dân, do dân,vì dân. Cán bộ phải là công bộc của dân như yêu cầu của Bác Hồ.

         Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã có công văn số 3713/BNV-CCVC trả lời tôi như sau:

         “Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ xin được trả lời như sau: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sẽ được tổ chức vào nửa đầu tháng 1 năm 2011. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước; đại hội đẩng bộ các cấp tiến tới Đại hội XI của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Để thực hiện tốt các công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng các cấp, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã có chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4 tháng 8 năm 2009 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Theo đó, về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, Bộ Chính trị yêu cầu phải thực hiện đúng các quy chế, quy định của Đảng và hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ; nói chung phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ, đồng thời chú ý phát hiện những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ khoa học-công nghệ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tiếp tục cải tiến công tác nhân sự cấp ủy, bảo đảm mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên; công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự, chống tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương hoặc thái độ nể nang, né tránh, ngại va chạm. Nghiêm cấm các biểu hiện bè phái, cơ hội hoặc thực hiện không đúng những điều đảng viên không được làm. Công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2010-2015 phải thực hiện đúng quy chế, quy trình trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ theo Kết luận của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa X).

         Trong thời gian tới, để triển khai tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan hành chính ở các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ, tập trung tạo được chuyển biến trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng bộ máy chính quyền các cấp nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng “có đức, có tài”, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phục vụ nhân dân.”

Tôi thiết nghĩ đường lối của Đảng đã quá rõ ràng, quá cụ thể. Chỉ không hiểu các cấp sẽ thi hành ra sao? Liệu còn có người chạy và người nhận chạy nữa hay không? Vấn đề là cần dân chủ và công khai trong lựa chọn cán bộ và cần có sự giám sát của nhân dân  mà tiêu biểu cho nhân dân là Mặt trận Tổ quốc các cấp. Nếu thực sự có chủ trương giao cho Mặt trận khắp nơi thực hiện việc giám sát lòng dân thì sẽ không thể nào để lọt vào đội ngũ cán bộ các cấp những phần tử cơ hội, thiếu năng lực nhưng thừa thủ đoạn .Chúng ta đừng bao giờ quên lời căn dặn ân tình của Hồ Chủ tịch: “Nước ta là nước dân chủ/Bao nhiêu lợi ích đều vì dân/ Bao nhiêu quyền hạn đều của dân/Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra…/Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (HCM toàn tập,2000, T.54, tr.698).

 

2- Công luận và dân chúng

         Lại một lần nữa cả thế giới bị công luận gây hoang mang đến cực độ. Đó là mối đe dọa của đại dịch cúm A/H1N1. Tất cả các loại báo chí đều đưa tin virus gây bệnh cúm này có thể xảy ra đại dich trên toàn cầu. Khi đó thế giới có thể tổn thất 3000-4400 tỷ USD và làm chết trên 70 triệu người (!). Người ta lại nhắc đến đại dịch cúm năm 1918  ở Tây Ban Nha tấn công gần 1 tỷ người - một nửa dân số thế giới lúc đó - vượt qua cả đại dịch Cái Chết Đen thời Trung Cổ. Mặc dù dịch bệnh bắt nguồn từ Viễn Đông, song nó vẫn được gọi là cúm "Tây Ban Nha", do chính đất nước này đã đưa ra lời cảnh báo đầu tiên về sức tàn phá của nó. Người ta còn cho rằng, virus 1918 có thể đã góp phần đưa Đại chiến Thế giới đến hồi kết, do phần lớn quân lính hai phe bị chết vì cúm nhiều hơn vì vũ khí. Người ta cũng nhắc đến dịch cúm Á châu năm 1957 (loại A, H2N2) làm chết hơn 2 triệu người và dịch cúm năm 1969, (loại A, H3N2) dịch cúm xảy ra ở Hong Kong đã cướp đi gần 34.000 nhân mạng.

         Tình hình trở nên nghiêm trọng khi vào ngày 11-6-2009 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố cúm A/H1N1 là một đại dịch, mặc dầu bà Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan nhận xét đại dịch này chỉ ở mức độ nghiêm trọng trung bình. Gần đây tình hình đã đảo ngược lại. Bác sĩ người Đức Wolfgang Wodarg, Chủ tịch Uỷ ban Y tế thuộc Hội đồng Nghị viện Châu Âu (PACE) cáo buộc các hãng dược lớn đã "cài" người vào trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và những tổ chức có ảnh hưởng khác, khiến WHO nới lỏng hơn các định nghĩa về đại dịch, dẫn đến lời tuyên bố đại dịch bùng nổ trên thế giới. Ông Wodarg cho rằng: "Đây là một trong những vụ bê bối y học lớn nhất trong thế kỷ. Chúng ta chỉ có một loại cúm nhẹ - một đại dịch không có thật". Ông Wodarg cho biết, các nhà sản xuất thuốc cúm và vaccine đã tác động đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tuyên bố đây là đại dịch cúm. Nhờ đó các hãng dược thu được những “khoản lợi nhuận khổng lồ”, trong khi các quốc gia đã phải “lãng phí” nguồn ngân sách y tế của họ cho một căn bệnh tương đối nhẹ. Ông cho rằng đó là một “chiến dịch đầu độc dư luận” có quy mô lớn!  Ủy ban Y tế của Hội đồng Nghi viện châu Âu đã phải thành lập ủy ban điều tra về vai trò lobby của các hãng dược phẩm đối với các chuyên gia y tế để thổi phồng mức độ báo động dịch cúm A/H1N1 thành một “đại dịch thế kỷ”. Ông Wolfgang lên án các hãng bào chế đã xúi giục - kể cả hối lộ - giới chuyên gia và những người có trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng để thổi phồng mức báo động dịch cúm A/H1N1  nhằm bán các sản phẩm của họ.

      Tại Việt Nam, cả nước có 10.866 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, 42 trường hợp đã tử vong (trong đó có 23 trường hợp có tiền sử mắc bệnh mạn tính, 10 trường hợp là phụ nữ có thai). Chỉ có 42 người chết , nghĩa là chỉ bằng 70% số người chết trung bình do tai nạn giao thông trong... 2 ngày (!). Một nước nghèo như nước ta nhưng để chống lại đại dịch cúm A/H1N1, tính đến hết năm 2009 ngân sách trung ương và các địa phương đã chi gần 1.000 tỉ đồng (!). Trong đó đến hết tháng 10-2009 Bộ Tài chính đã hỗ trợ trên 790 tỉ đồng cho 52 tỉnh thành và tám bộ, ngành mua sắm thiết bị, tuyên truyền chống dịch, máy đo thân nhiệt từ xa tại các sân bay, cửa khẩu...Trung Quốc , một nước có 1,4 tỷ dân đã cấp phép lưu hành hơn 33 triệu liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 do các công ty dược của Trung Quốc sản xuất và sẽ cấp phép lưu hành 100 triệu liều khác trong quý I/2010. Vậy mà tổng số người nhiễm dịch ở nước này có 129 498 trường hợp và chỉ có 648  người đã tử vong . Tại Anh, Chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho 11 triệu người, và dự định sẽ tiêm phòng cúm A/H1N1 cho tất cả các đối tượng dưới 18 tuổi. Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 2-11-2009 cũng mở chiến dịch tiêm phòng cúm A/H1N1 qui mô lớn. Khoảng 350.000 người, bao gồm các nhân viên y tế và những người chuẩn bị hành hương đến Arập Xêút, là nhóm được tiêm phòng trong giai đoạn đầu của chiến dịch này. Từ tháng 5 -2009, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận khoảng 1.500 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1, trong đó chỉ có 4 trường hợp tử vong (!).Tại Afghanistan, tất cả các trường học công và tư nhân phải đóng cửa trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ ngày 2-11-2009, như một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe toàn dân, sau khi Afghanistan ghi nhận trường hợp đầu tiên ở nước này chết vì cúm A/H1N1...
         Các hãng dược phẩm khổng lồ đẩy nhanh việc sản xuất các dược phẩm để đem lại niềm hy vọng cho nhân dân khắp toàn cầu nhằm chống lại “đại dịch” này. Đó là thuốc Tamiflu (hay Oseltamivir) của hãng Hoffman La Roche và thuốc Relenza (hay Zanamivir) của hãng Glaxo Welcom. Đầu tháng 8-2009 Công ty Sinovac của Trung Quốc đã tuyên bố sản xuất thành công vaccin chống virur A/H1N1. Vậy mà không có một nghiên cứu nghiêm chỉnh nào xác minh một cách khoa học và được thế giới công nhận về Tamiflu về Relenza cũng như vaccin của Sinovac. Hai thuốc Tamiflu và Relenza được xác định là có hiệu quả lâm sàng và phòng ngừa thấp. Cơ chế của Tamiflu và Relenza là ức chế sự tăng sinh của virút trong cơ thể người bệnh chứ không thể tiêu diệt được virút. Vì tần số nhiễm virút trong cộng đồng thấp, nên việc sử dụng thuốc đại trà không đem lại hiệu quả kinh tế .Và đại dịch đã không hề xảy ra ! Lợi nhuận thu về cho các hãng dược phẩm khổng lồ này không biết lớn biết đến ngần nào?

Việc công luận không chính xác gây hoang mang và đưa lại tác hại không nhỏ trong công chúng không phải chỉ trong trường hợp đối với cúm A/H1N1. Trước đây Trước đây người trồng vải đã có lần lao đao vì tin đồn ăn vải bị viêm não . Thực ra virus gây bệnh viêm não Nhật Bản phải truyền qua vật trung gian là một số loài chim. Vào mùa vải chín chim hay về ăn nên tỷ lệ bệnh này có tăng lên. Hoàn toàn không liên quan gì đến tác hại của quả vải. Rồi thì tin đồn ăn bưởi bị ung thư. Qua điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng, chỉ hơn một tháng nay nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỉ đồng vì tin đồn “ăn bưởi bị ung thư”. Báo Daily Mail (Anh) 7-2007 công bố kết quả nghiên cứu của đại học Nam California và Hawaii : ăn bưởi chùm (Grapefruit) tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh. Grapefruit có tên khoa học là Citrus paradisi, tiếng Việt là bưởi chùm hay bưởi đắng. Gọi tên bưởi chùm do quả từng chùm như nho. Gọi tên bưởi đắng do có nhiều chất đắng naringin, không chỉ ở vỏ mà cả ở lõi và màng múi. Bưởi chùm khó bóc vỏ nhưng nhiều nước. Bưởi chùm hiếm gặp ở xứ ta. Vì đắng nên chẳng người Việt nào ăn. Giống bưởi mà người Việt Nam ăn có tên khoa học là Citrus grandis hay Citrus maxima, tên nước ngoài là pamplemousse ; hoàn toàn khác với bưởi chùm. Hơn nữa nghiên cứu về bưởi chùm cũng chỉ là một nghiên cứu thiếu căn cứ. Tác giả căn cứ vào cuộc nghiên cứu trên 46.080 phụ nữ mãn kinh sống ở bang California và Hawaii. Cuộc khảo sát chỉ căn cứ vào các bản hỏi đáp về thói quen ăn uống năm 1993 với nhiều câu hỏi, trong đó có câu : trong năm 1993 chị đã ăn hoặc uống bao nhiêu bưởi chùm. Có 50% phụ nữ trả lời đã ăn hoặc uống nước bưởi chùm. Chín năm sau, tức là tháng 12- 2002, họ liên hệ với các cơ sở y tế để lấy dữ liệu về những người này. Trong số 22.877 phụ nữ đã từng ăn bưởi chùm năm 1993 có 863 người bị ung thư vú, chiếm 3,8%. Trong số 23.203 phụ nữ không ăn bưởi có 794 người bị ung thư vú, chiếm 3,4%. Sai biệt giữa hai nhóm chỉ là 0,4% (!).Ngay chuyện uống nước đun lá đu đủ để chữa ung thư cũng xuất phát từ một bản dịch không chính xác của một Việt kiều ở Australia. Sự thực là như sau : có sự nhầm lẫn giữa cây đu đủ (Papaya) với một cây khác có tên là Paw- paw. Cây đu đủ tên khoa học là Carica papaya thuộc họ Caricaceae (có người xếp vào họ Papayaceae) còn cây Paw-paw có tên khoa học là Asimia triloba thuộc họ Annonaceae. Cây này còn được gọi là Chuối Ấn Độ (Indian banana), Chuối Hoosier (Hoosier banana), Chuối cho người nghèo (Poor Man’s Banana). Trông giống như quả xoài nhưng bên trong không giống.

 

Quả Paw-paw

 Sai lầm nghiêm trọng này do một Việt kiều dịch sai lệch một bài từ nguồn Gold Coast Bulletin (04/92) và đưa lên mạng (http://www.dactai. com/ ladudu. html). Thật là một nhầm lẫn tai hại làm cho bao nhiêu người nhắm mắt uống thứ nước đun lá đu đủ rất khó uống trong nhiều năm mà chả có tác dụng gì. Rồi thì lại đến chuyện rau “tăng phọt” do dùng kích tố sinh trưởng thực vật. Về sau sự thật đã được làm sáng tỏ. Đó là việc nông dân sử dụng chất điều hòa sinh trưởng GA3 và một chất mà tác giả bài báo nói không rõ nguồn gốc là chất 920.Tôi xin khẳng định chế phẩm 920 cũng chính là GA3 được sản xuất và ứng dụng rộng rãi tại Trung Quốc. Tác dụng điều hòa sinh trưởng của GA3 (gibberellic acid 3) chủ yếu là xúc tiến việc kéo dài tế bào, xúc tiến quá trình tổng hợp protein và acid nucleic trong tế bào, kích thích hạt nẩy mầm, thúc đẩy quá trình phát triển của thân , lá, hoa. Qua kiểm tra của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thì chưa thấy người trồng rau có sử dụng chất điều hòa sinh trưởng thực vật nào ngoài quy định cho phép. Tin đồn rau to, rau non là do dùng chất kích thích “tăng phọt” là thông tin không chính xác, làm thiệt hại rất lớn cho người trồng rau và gây hoang mang cho người tiêu dùng.

         Thông tin trên công luận có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng và xã hội. Vì vậy thông tin phải chính xác , nhất là các thông tin khoa học liên quan đên sức khỏe con người.

 

3- Quốc hội và công dân

         Gần đây tôi được nhiều cử tri rất bức xúc phản ánh về mối quan hệ với các đại biểu Quốc hội do chính mình bầu ra. Có những cuộc tiếp xúc cử tri đã không cho những người có đơn khiếu nại tố cáo được vào tham dự. Có nơi chỉ cho những người có giấy mời mới được vào tiếp xúc với các ĐBQH. Có nơi thậm chí còn có chỉ thị cho các ĐBQH không tự ý chuyển đơn của cử tri đến các cơ quan có trách nhiệm (mà phải gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH để...xem xét). Rất nhiều ĐBQH từ chối trả lời qua điện thoại, từ chối tiếp xúc tại nhà...

         Tất cả các hiện tượng bất thường nói trên là trái luật. Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và  Đoàn đại biểu Quốc hội thì: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn địa diện cho nhân dân cả nước ; là người thay mặt nhân  dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”... “Đại biểu QH có trách nhiệm rất nặng nề và cũng có những quyền hạn rất lớn, cụ thể là, đại biểu Quốc hội :

- Chịu trách nhiệm trước cử tri, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình;

- Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của chử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan; phải báo cáo trước cử tri  mỗi năm ít nhất một lần về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình;

- Gương mẫu trong việc thực hiện Hiến pháp, pháp luật, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân;

- Có nhiệm vụ tuyên truyền , phổ biến pháp luật, động viên nhân dân chấp hành pháp luật và tham gia quản lý nhà nước;

- Có nhiệm vụ tham gia các phiên họp toàn thể của Quốc hội, các cuộc họp của tổ đại biểu Quốc hội, của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn dề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội;

- Có quyền trình dự án luật, kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, dự án pháp lệnh ra trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định;

- Có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao. người bi chất vấn có trách nhiệm trả lời về những vấn đề mà dại biểu Quốc hội chất vấn. Nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Chủ tịch Quốc hội đưa ra thảo luận trước Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

- Có quyền kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;

- Có trách nhiệm tiếp công dân. Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và  theo dõi việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu Quốc hội về kết quả giải quyết kiến nghị, khiếu nại tố cáo đó trong thời hạn theo quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo;

- Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thoả đáng, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan hữu quan cấp trên của cơ quan đó giải quyết;

- Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của  tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc của công dân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi trái pháp luật đó. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo cho đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết. Quá thời hạnh nói trên mà cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị không trả lời thì đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên, đồng thời báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định;

- Khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền liên hệ với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân. người đứng dầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp và đáp ứng những yêu cầu của đại biểu Quốc hội;

- Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội. Nếu vì phạm tội quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ phải lập tức báo cáo dể Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét và quyết định”.

Rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của ĐBQH đã cho thấy Quốc hội nước ta là một QH của dân, do dân và vì dân. Rất nhiều ĐBQH đã làm được như vậy. Phần lớn các buổi tiếp xúc cử tri nhân dân đến rất đông, nhiều nơi phải bắc thêm loa ra ngoài cho dân nghe. Ai muốn chất vấn hay phê phán gì đều được nói và đều được trả lời nghiêm túc. Bản thân tôi thường xuyên tiếp cử tri nhiều tỉnh tại nhà và chuyển hàng trăm đơn thư khiếu nại tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong các kỳ họp nhiều ĐBQH đã mạnh dạn nói lên khá đầy đủ các nguyện vọng cũng như các phê phán mà cử tri phản ánh trong các đợt tiếp xúc cử tri trước đó.

ĐBQH Nguyễn Bá Thanh nói: “Cần lưu ý tổng dư nợ lên đến 44%GDP rồi, với đà bội chi này sắp tới sẽ tăng lương rồi đua nhau tăng giá, giá vàng tăng, giá xăng dầu tăng, giá điện nước cũng tăng và như thế chắc chắn đồng tiền Việt Nam sẽ bị mất giá. Khi đó sẽ kéo theo lạm phát, sản xuất sẽ gặp khó khăn và phần lớn đời sống của nhân dân, nhất là nông dân, công nhân nghèo, cán bộ nghỉ hưu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

ĐBQH Lê Văn Cuông nói: “Có điều rất lạ là trên thế giới người ta đào tạo tiến sĩ để làm việc trong các ngành nghiên cứu khoa học, ở các trường học, các viện nghiên cứu; còn ở ta phấn đấu có bằng tiến sĩ chủ yếu là để làm quan. Đó còn là chưa kể đến tình trạng tiến sĩ giấy có bằng thật nhưng kiến thức giả. Những người có bằng cấp cao nhưng thiếu tâm và không đủ tầm sẽ gây hậu quả tai hại cho xã hội, mặt khác nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ thì sẽ tạo điều kiện cho nạn mua bán bằng cấp phát triển.”

ĐBQH Nguyễn Hồng Nghị nói: “Tôi cho rằng tình trạng khiếu nại đông người năm 2009 tăng 48,8% so với năm 2008 có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nguyên nhân là sự vào cuộc cán bộ cơ sở và cán bộ ở khu dân cư không sẵn sàng, không tích cực. Có phần cũng do chính sách, chế độ đãi ngộ với họ thấp và cũng thiếu công bằng.”

ĐBQH Đồng Hữu Mạo kiến nghị: “Trong điều kiện hiện nay nói xây dựng cả cái nhà kiên cố thì khó nhưng xây dựng một góc nhà an toàn thì tôi nghĩ có thể làm được. Đó là góc nhà có một cao trình vượt được lũ lịch sử, có kết cấu công trình chịu được lũ lớn, bão mạnh. Tôi nghĩ nếu Nhà nước hỗ trợ một phần và hướng dẫn cho bà con, cộng với sự nỗ lực của từng gia đình thì chúng ta có thể có nơi trú ẩn cho bà con và cất trữ tài sản, không cần thiết di dời như mọi năm”.

ĐBQH Trần Văn Kiệt cho rằng: “Quy định 1ha nông nghiệp chỉ vay được khoảng 7 triệu đồng sẽ không đủ chi phí sản xuất. Nếu sản xuất lúa thì có thể đảm bảo nhưng sản xuất màu, vườn thì không đảm bảo được. Đề nghị Chính phủ xem xét để có thể gia hạn Quyết định 497 đến hết năm 2010.”

ĐBQH kiến nghị “Nếu vuk khiếu kiện nào mà quá thời hạn trả lời theo luật định hoặc cấp thụ đơn giải quyết không thỏa đáng thì người khiếu kiện có thể kiện ra Tòa án hành chính. Mọi tranh chấp phải được xử lý trong Tòa án hành chính theo pháp luật. Phải đảm bảo công bằng giữa cá nhân và các cơ quan trong pháp luật. Tòa án phải được độc lập trong xét xử và phán xét của Tòa án sẽ là kết luận cuối cùng. Có như vậy người khiếu kiện mới thỏa mãn và sẽ giải quyết được các vụ khiếu kiện kéo dài.”

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cho biết:“ Tôi đi giám sát ở một tỉnh miền Trung thấy đồng bào dùng hai từ khác nhau- Xây dựng là xây bằng tiền của mình, và Xây cất là xây bằng tiền của Nhà nước, một phần thì xây, một phần thì cất vào túi...Hiện nay chúng ta đang trong khủng hoảng kinh tế mà định vay 500 triệu USD để khai thác bôxít, 500 triệu USD để lập 4 trường Đại học quốc tế và 12 tỷ USD để làm điện hạt nhân (!)”.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân băn khoăn: “Giá than trong nước hiện nay là 30 USD/tấn, giá bán ra thị trường ngoài là 80 USD/tấn. Đến năm 2013 chúng ta bắt đầu nhập khẩu than với giá trên 100 USD/tấn  và đến năm 2020 thì chúng ta hết sạch than! Theo tôi cần đóng cửa hẳn không xuất khẩu than nữa . Tại sao chúng ta lại phải xuất sau đó lại phải nhập?”.

Về gói kích cầu của Chính phủ ĐBQH Nguyễn Văn Ba đặt ra nhiều câu hỏi:“Bao nhiêu phần trăm gói kích cầu đã đến đúng địa chỉ? Những doanh nghiệp nhận tiền của Chính phủ đã sử dụng thế nào? Bao nhiêu doanh nghiệp thực sự khó khăn mà chưa tiếp nhận được vốn?...”.

ĐBQH Đỗ Thị Huyền Tâm cho rằng:“ Một lao động trong công nghiệp chế biến ở nước ta tạo ra giá trị gia tăng chỉ bằng ½ của Trung Quốc, bằng 1/3 của Indonesia, ¼ của Thái Lan và Philippin và 1/5 của Malaysia. Chỉ số ICO của nước ta năm 2009 gấp 2, gấp 3 lần các nước trong khu vực. Nghĩa là chúng ta đang làm ăn và đầu tư với hiệu quả thấp. Muốn đất nước giầu mạnh thực sự, có tính chất dài hạn cũng như ngắn hạn, có sản phẩm mang tính cạnh tranh, có dự báo tốt, có chỉ số ICO hợp lý thì phải có cơ chế, chính sách phù hợp để khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo phát triển ngang tầm với trí tuệ Việt Nam.”

ĐBQH Trần Hồng Việt nhận xét: “Người kinh doanh xuất khẩu gạo quá giàu cong người trồng lúa thì chỉ đủ ăn. tại sao nông dân không được tiếp cận lãi suất như doanh nghiệp khi họ muốn dự trữ lúa chờ lúc giá tăng để bán có lời?”.

ĐBQH Trần Văn Thức phản ánh:“ Giá cả đền bù, giải tỏa khi thu hồi quyền sử dụng đất còn bất cập, tạo ra siêu lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong lúc đời sống người dân nơi giải tỏa thì hết sức khó khăn. Cần tránh tình trạng các tập đoàn kinh tế đa ngành như hiện nay làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn ngay trên sân nhà”.

ĐBQH Nguyễn Văn Sơn phàn nàn: “Cả nước có 92 trường Cao đẳng nghề nhưng Tây Bắc chỉ có 1 trường và Tây Nguyên cũng chỉ có 2 trường. Lực lượng lao động trẻ ở nông thôn. Hoạt động của Đoàn thanh niên ở nông thôn hiện nay cũng thu gọn hơn vì những người trẻ ra thành phố cả rồi. Chúng tôi rất lo lắng về thực trạng này”.

ĐBQH Trần Tiến Cảnh cho biết:“ Trong những năm vừa qua chúng ta xây dựng khá nhiều cơ sở hạ tầng nhưng mới sử dụng hoặc chưa sử dụng đã phải sửa chữa, phải làm lại (!)”.

ĐBQH Danh Út thắc mắc: “Thật là vô lý khi kinh doanh gian dối, vô tư ăn cắp móc túi người tiêu dùng, thu lợi khổng lồ lại quá có ít người bị khởi tố vì tội danh này. Vì sao Bộ Công thương cho nhập khẩu ồ ạt thực phẩm vao Việt Nam? Vì sao hàng giả, hàng nhái được bán công khai ở Trung tâm thương mại, Siêu thị mà không bị xử lý?”.

ĐBQH Đặng Như Lợi phân tích: “Về sản xuất gạo ta mới chỉ bàn đến số lượng mà chưa bàn đến giá trị của nó, sản lượng lớn mà giá trị thấp thì nông dân được gì? Chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo chưa đi vào thực chất. Chỉ số giá tăng lên 53%, nghĩa là 1 đồng bây giờ còn có 6,3 hào của năm ta đưa ra chỉ tiêu.Vậy 11% nói lên điều gì?”.

ĐBQH Vũ Quang Hải nhận xét: “Nhà nước muốn giữ vai trò chủ đạo thì phải bình đẳng với các doanh n ghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Thật vô lý, khi khó khăn thì Nhà nước chìa tay ra nhưng đến khi được khoản lãi khổng lồ do được ưu đãi một mình một chợ, ưu đãi khu đất vàn, ưu đãi đầu tư...thì doanh nghiệp lại có thể thưởng với mức thưởng rất cao (!).”

ĐBQH Hoàng Hữu Năng cho biết Bộ Y tế chủ trương đưa bác sĩ tuyến trên xuống tuyến dưới để đảm bảo mỗi xã đều có bác sĩ. Nhưng nhiều bác sĩ rất giỏi về phẫu thuật, về răng hàm mặt khi xuống xã không có phương tiện kỹ thuật gì nên chỉ ...đo huyết áp, cặp nhiệt độ , kê đơn và lại đưa lên tuyến trên, gây ách tắc cho tuyến trên”.

ĐBQH Ngô Quang Xuân đánh giá: “Tình trạng giảm thu, bội chi đang có nguy cơ chạm ngưỡng nguy hiểm của chỉ số uy tín quốc gia trong vấn đề nợ Chính phủ.Tỷ lệ hiện nay là 44,6% đang sớm dẫn đến ngưỡng nguy hiểm là 50%. Một số vùng liên tiếp bị thiên tai tàn phá nặng nề đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng các cây công nghiệp chiến lược”.

ĐBQH Phạm Xuân Thường xác nhận: “Hiện nay từ nông thôn đến thành thị đâu đâu cũng thấy rác .Việc không xử lý được rác thải đang gây bức xúc trong dân, ânhr hưởng đến sức khỏe của dân. Thà đầu tư xử lý môi trường 1 đồng bây giờ còn hơn phải chi 10 đồng để chữa bệnh cho dân sau này”.

ĐBQH Nguyên Thị Bạch Mai nói: “ Gói hỗ trợ lãi suất 4% qua sơ kết của Ngân hàng Nhà nước thì đã có trên 8000 khoản vay vi phạm về chính sách với khoảng 8000 tỷ đồng. Đấy là qua kiểm tra của nội bộ ngân hàng , còn nếu thực tế qua kiểm tra của các ngành chức năng thì sẽ như thế nào?”...

Như vậy là hầu như mọi ý kiến đóng góp của cử tri qua các lần tiếp xúc trước kỳ họp đều được các ĐBQH cố găng phản ánh trước Quốc hội, được Thủ tướng và các Bộ trưởng trả lời. Những câu trả lời chưa thỏa đáng đều được chất vấn tiếp trong các buổi có truyền hình trực tiếp và gây phấn khởi cho đông đảo quần chúng.

Chúng ta cần luôn luôn  ghi nhớ những lời căn dặn ân cần của Bác Hồ lúc sinh thời đối với các đại biểu Quốc hội và nhân dân:

“...Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân và phục vụ chủ nghĩa xã hội. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...”(Hồ Chí Minh, Toàn tập, T. 10, tr.130)

Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân...Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình...”.(Hồ Chí Minh, Toàn tập,T.9,  tr. 586; 591)

 

         Đã đăng trên Lao Động cuối tuần

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Lân Dũng