Nhà Văn Võ Hồng  

Văn chương và nhân cách Võ Hồng

Vietsciences- Đặng Minh Châu      Báo Khánh Hòa  11-1993

 
            

Chân dung mùa thu

Ðó không phải là mùa thu của thời tiết, mà là của một nhà văn tôi hằng yêu mến và kính trọng : Võ Hồng. Bao nhiêu mưa nắng của thời gian đã đi qua cái tuổi "cổ lai hy" của ông và đọng lại cả một mùa thu đầy hoa cúc trắng, ấy là tâm hồn ông tỏa sáng qua hàng ngàn trang sách.

    Ðến thăm ông vào những ngày cuối thu này, tôi chợt nhớ đến bài thơ vịnh "Cúc" của Nguyễn trãi :

Người đua nhan sắc thuở xuân dương
  Nghỉ chờ thu, cực lạ dường.
... Tính thanh nào đoái bề ong bướm  
Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương...

    Nhìn dáng ông pha trà mời khách, tôi chạnh lòng thầm nghĩ đến cuộc sống đơn độc của ông mấy mươi năm bay. Nếu ông có vợ con bên cạnh, chắc ông bớt đi những chiều thu ngồi nhìn lá khế rụng...

    - Thưa thầy, sau khi tổ chức thành công chương trình chúc thọ thi sĩ quách Tấn, bây giờ bọn con muốn xin phép thầy cho tổ chức "Ðêm Võ Hồng" tại Nhà Văn Hóa tỉnh... - tôi từ tốn vào chuyện.

    Ông trầm ngâm một lúc rồi mỉm cười ý nhị : 

    - Còn những người khác thì sao ? Ông Ðào Xuân Quý, ông Giang Nam... các em tổ chức trước đi. Ðể tui sau.

    Thế là chạm phải sự khiêm nhường ở ông.

    Tuy không học ông, nhiều người vẫn quen gọi ông bằng "thầy". Ðó là cách tỏ lòng tôn kính. Trong câu chuyện với một kẻ hậu sinh như tôi, đôi khi ông xưng hô bằng tiếng Pháp "toa, moa" và thỉnh thoảng lại chen vào vài ba câu châm ngôn bằng Pháp ngữ. Ông đọc nhiều, học rộng. Trong cử chỉ và lời nói của ông luôn ẩn hiện bóng dáng của văn chương thuần khiết.

    Ðã từ lâu, tôi có ý định làm bộ phim Vidéo tài liệu nghệ thuật về ông. Tôi đã dẫn anh bạn quay phim đến làm quen với ông và chọn cảnh. Nhưng tất cả chỉ là ý định khi đối diện với bản tính ưa giấu mình của ông. Trong những cuộc hội họp chốn đông người, ông thường né tránh ống kính truyền hình và nhiếp ảnh. Có gì đấy thật gần gũi với một nhà chân tu thích bàn chuyện huyền vi hơn là dấn thân vào những thị phi đây đó.

    Nhà ông có cây khế ngọt của hàng xóm rủ ngọn sang. Những khi đến đây, tôi thường hái vài ba trái nhấm nháp chơi. Vị ngọt thanh tao của khế hòa với men rượu do ông cất, tạo thành một thứ hương vị lan tỏa nhẹ khắp người, vừa dễ chịu, vừa cảm như sương khói của đời ông đã thấm vào mình qua những câu chuyện muôn màu.

    Tôi đọc ông không hết. Và có lẽ sẽ không bao giờ hết. Những trang sách của ông gộp lại như lọ hoa cúc trắng trang điểm cho đời. Trong cuốn Hoa bươm bướm, có một đoạn ông viết : 

- Nhìn lọ hoa cúc tráng trên tủ ăn thì người sành điệu phải biết ngay. Mọi lần tôi đến đây đều thấy lọ hoa cắm quá đầy. Ðầy thì đắt tiền, long trọng nhưng đâu còn chỗ để bàn tay và khối óc của người cắm hoa đặt vào ? Hôm nay hoa ít hơn và có chen lá. Có một sự sắp đặt nào nơi đó, tôi cảm thấy đẹp mà chưa nói ra được vì sao mà đẹp. Ðể tôi tìm xem !".

 Ðó là lời của nhân vật Cẩn nói với nhân vật Quỳ. Có gì đó thật tương đồng giữa lọ hoa của nhân vật với những trang văn trong sáng và tinh tế của ông. Nhiều thế hệ độc giả đến với ông cũng vì lẽ ấy. Bây giờ niềm vui của ông không chỉ là cầm bút mà còn cầm phấn dạy các cháu nhỏ quanh xóm. Thiên chức người thầy luôn vỗ cánh trong ông.

    Mùa thu này tóc ông lại bạc thêm một ít, rụng thêm một ít. Mưa nắng đỏng đảnh bất thường khiến cơ thể ông luôn muốn trở chứng. Còn đầy ấp trong ông những dự định. Hai căn phòng của ông bề bộn bao nhiêu thứ. Lạ thế, văn chương của ông lại gọn gàng hết mực. Tôi nhìn những trang bản thảo la liệt trên bàn, giường, lại nhìn dáng gầy guộc, mảnh mai của ông, thầm nghĩ đến cái tâm lực cường tráng của ông khi cày bút lên những trang giấy trắng trong bốn bức tường xi măng không có người thân xẻ chia hơi ấm. Ðộc giả đã không phụ lòng ông. Trong buổi giới thiệu hai tác phẩm mới của ông, Thương mái trường xưaHồn nhiên tuổi ngọc  do nhà xuất bản Trẻ mới ấn hành, có độc giả đã phát biểu rằng, "tôi lớn lên cùng với những trang sách của thầy (Võ Hồng)". 

    Sau cuộc "thương thuyết" không thành về việc tổ chức "Ðêm Võ Hồng" ở nhà Văn Hóa tỉnh, tôi chia tay ông với sự luyến tiếc. Ông tiễn tôi xuống cầu thang. Bậc cầu thang cao và dốc đứng. khi ông trở lên, tôi ngoái nhìn e ngại. Nhìn bước chân chậm rãi của ông, tôi thầm hỏi không biết ông đã qua đó bao nhiêu lần và mỗi lần như thế ông nghĩ gì .

    Trên đường về, mặc cơn mưa thu bất chợt rắc hạt, tôi ghé chợ Xóm Mới mua một bó hoa cúc trắng định quay lại tặng ông. Nghĩ sao tôi lại từ bỏ ý định đó. Chắc ông đang nhìn mưa. Nghĩ đến cuộc gặp ông vừa rồi, lại nhớ câu thơ của Nguyễn Trãi :

Người đua nhan sắc thuở xuân dương
  Nghỉ chờ thu, cực lạ dường !
 

Đặng Minh Châu

 

© nhavanVoHong