Nhà Văn Võ Hồng  

Văn chương và nhân cách Võ Hồng

Vietsciences- Cao Chư         Sở VHTT Nghĩa Bình, 1987

 
            

Diện kiến một người thầy, một văn sĩ miền Trung

Võ Hồng qua nét bút Tạ Tỵ:

Mùa Hạ 92 tôi có dịp vào Nha Trang, lòng dặn lòng nhất định phải tìm đến Võ Hồng, nhà văn mà tôi rất yêu mến và từng có mối liên hệ nhưng chưa một lần gặp mặt. Số là cách đây 5, 6 năm, không rõ số phận đưa đẩy ra sao, tập tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao (Sở VHTT Nghĩa Bình, 1987). Anh Hà Giao hồi đó là trưởng phòng văn nghệ, một hôm đưa bản thảo đến, bảo tôi "xem thử" (vì đã có một lần anh bạn biên tập đọc qua và lắc đầu). Ðọc xong, tôi bàng hoàng cả người, không chỉ vì nội dung mà còn vì số phận long đong của quyển sách. Võ Hồng viết xong sách này độ năm 72-73, năm 1974 kiểm duyệt chế độ cũ cho in, thì năm 1975, thời cuộc chuyển biến, đành phải gác lại. Chỉ tính đến năm 85, tập bản thảo cũng đã ngủ yên đến 10 năm trời ! Quyển sách kể về cuộc đời một cô gái trong trắng, tài sắc, vì lỡ sa vào con đường ghiền ma túy mà phải hứng chịu không biết bao nhiêu là khổ lụy. Quyển sách lại được viết với một nghệ thuật già dặn, giàu xúc cảm và suy tư, với lối hành văn diễm tình, sắc gọn. Tóm lại, trên những bản thảo đánh máy đã ố vàng là một quyển sách hay, có giá trị. Tôi mạnh dạn đề nghị xuất bản và được cơ quan chấp thuận. Cũng xin nói thêm, hồi đó, sau những năm quá phấn hứng, vì chiến thắng, chính quyền mới đã phải đụng đầu với những vấn đề tưởng đã vĩnh viễn tan biến theo chế độ cũ như nạn mãi dâm, ma túy, tham nhũng... nhưng việc ấn hành các tác phẩm thời trước (dù là bản thảo dồn đọng) vẫn được xem là bạo dạn. Song quyển sách với số lượng in 20.000 bản đã bán hết vèo và nhiều người phải thừa nhận giá trị của nó. Qua cuộc "trắc nghiệm" khá hồi hộp này, tôi không khỏi vui sướng và càng thấy tôn kính Võ Hồng. Tôi rất mong được gặp ông, nhưng ngày qua tháng lại, tôi vẫn chưa có dịp vào Nha Trang, nơi ông ở. Chìm nổi mãi trong ký ức của tôi là cái món nợ tình đó.

    Lần theo địa chỉ, tôi tìm đến Hồng Bàng, một đường phố khá vắng vẻ của Nha Trang. Bước vào phòng ông ở, tôi ngẩn người vì trước mắt tôi không phải một người năm sáu mươi như tôi tưởng khi nhìn trong bức ảnh, mà là một ông lão ! Ðúng, một ông lão trán hói cao quá đỉnh đầu, má hóp, người cao gầy. Trong bộ đồ pijama và vắt ngang vai chiếc áo khoác màu hoa đào đã phai, mắt đeo kính, trông ông như một đạo sĩ phương Ðông thuở nào.

    Võ Hồng đang ngồi trên chiếc võng dừa cột vắt qua căn phòng nhỏ, một tay cầm tờ báo, tay kia đang nâng một chiếc ăng-gô. Có lẽ ông đang ăn sáng. Thấy khách lạ, ông có vẻ hơi lúng túng, vì trong phòng, ngoài mấy thứ đồ đạc, sách vở, chẳng có bàn ghế gì cả. Tôi trấn an ông rồi ngồi xuống sàn gạch. Tôi tự giới thiệu tên mình. Nhà văn bóp trán suy nghĩ, để lộ bàn tay dài và gầy đét.

   - Ơ... Tôi nhớ rồi. Ông đã biên tập quyển TÐOTC của tôi ?

    Tôi gật đầu, lòng thầm cảm kích. Tên người biên tập bao giờ cũng được đặt ở trang sách cuối cùng, năm khi mười họa mới có người để ý tới. Vậy mà đã qua năm, sáu năm trời rồi mà nhà văn vẫn không quên.

    - À, mà tôi phải cảm ơn ông, tôi sẽ nói với ông vì sao... Nhà văn tỏ ra hơi lúng túng vì xúc động. Tôi thấy đôi mắt ông sau làn kính trắng đang mở to và ánh lên niềm vui. Mình xin lỗi, vì không ăn, thức ăn nguội mất. Dạ dày mình yếu quá rồi. Nhà lại chẳng có ai... Ông nói như thanh minh. Ông rót chén nước trà mời tôi rồi tiếp tục ăn điểm tâm, vừa trò chuyện với tôi.

    Quả tôi đã vô tình. Qua câu chuyện, tôi mới biết năm nay nhà văn đã qua tuổi bảy mươi. Con cái ông đều ở xa, có người ở tận trời Âu, ông chỉ ở đây một mình, tự lo lấy mọi việc. Rồi Võ Hồng quay sang hỏi thăm tôi đủ chuyện, ngạc nhiên vì thấy tôi còn quá trẻ, ông hỏi tôi đã có vợ, con chưa. Rồi hình như thấy mình hơi tò mò, ông giải thích rằng ông hỏi như vậy để mừng, vì vợ con như một cái vốn ở đời. Tôi tự nhủ, có biết bao lòng nhân ái trong một câu hỏi thăm như vậy !

    Võ Hồng vào trong bưng ra cho tôi một chiếc ghế bố, bảo tôi ngả người lên đó  dể đỡ mỏi. Trong tư thế vừa song song vừa đối diện với nhà văn, ông và tôi, một già , một trẻ, cùng thăm hỏi, đàm đạo nhau như bất tận, như một đôi bạn vừa mới hội ngộ nhau - mặc dù trong thâm tâm tôi vẫ kính ngưỡng ông như một người thầy, cả trên địa hạt văn chương lẫn cuộc sống.

    - Tôi phải cảm ơn ông - Ðôi mắt nhà văn nhìn thẳng vào tôi, nhắc lại cái ý đã bỏ dở - vì trước đây, hễ nghe đến biên tập là tôi sợ lắm. Mấy cái ông biên tập trẻ trẻ như ông, hăng máu lên là phẹt phẹt trong bản thảo, bất kể là gì.

    - Cháu phải cảm ơn bác mới phải - tôi nói - Với TÐOTC, việc biên tập của cháu thật khỏe.

    Nhà văn đã nói thực tình và tôi cũng đã bày tỏ đáp lại ông như vậy. Văn ông viết rất cẩn trọng, kỹ lưỡng. Song không biết do đâu, ông lại "sợ" biên tập đến thế. Chỉ biết rằng cái ấn tượng ấy quả đã không phải trong tâm trí ông. Cho đến gần đây, trong bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay số 77 (xuân Nhâm Thân). nhân việc nói về văn chương ngày trước, ông còn móc một câu có vẻ mỉa mai "Thời đại hoàng kim của ngành biên tập. Khỏi cần thò bút sửa". Lời nói của ông cũng nhắc tôi nhớ rằng, hồi biên tập TÐOTC, anh Hà Giao có bảo tôi rằngVõ Hồng rất sợ biên tập. Tôi mới nảy ra một cái ý cần làm. Tôi soạn tỉ mỉ mấy chỗ cần sửa lại (ít thôi) rồi gửi vào Nha Trang cho ông. Ông đồng ý. Giờ nhớ lại điều này, tôi càng thấy vui, vì ít ra, tôi cũng đã làm cho nhà văn hiểu rằng, người biên tập không phải là một anh đồ tể lúc nào cũng lăm lăm ngọn dao phay thọc huyết tác phẩm của người khác.

    - Ông biết không - nhà văn như thêm phấn khích, nói với tôi - Khi TÐOTC ra đời rồi, một hôm tôi nhận được một gói bưu phẩm do một người lạ hoắc ở Nam bộ gởi ra. Tôi hé mở cái gói, nhác thấy bìa quyển sách của mình, tôi giật mình than thầm : "Chết rồi. Thằng cha nào nó chửi mình đây". Bên trong quyển sách có kẹp một bức thư. Tôi chận đọc ở đoạn chót, thấy người đó bảo tôi ký tặng vào sách rồi gỏi hoàn lại theo địa chỉ cũ. Tôi vui sướng không gì bằng.

    - Ðược giải Nobel cũng không bằng.

    - Ðúng !

    - Cháu đọc thấy Hemingway khi đang đi chài lưới ở Cuba thì được tin mình được giải Nobel. Nhà văn chỉ gởi bức điện cám ơn mà không đi nhận, thậm chí cũng không cười to lên như người ta  tưởng. Có lẽ đối với nhà văn , không gì quan trọng bằng tác phẩm.

    - Ðúng. Nên đối với nhà văn, có phần thưởng nào cao quí hơn là từ phía bạn đọc. Tôi chưa kể hết đâu. Mãi tới gần đây, ông bạn đọc nọ ra Nha Trang họp hành chi đó, liền tìm đến thăm tôi. Vô trong rồi, ông lại viết thư ra nói rằng, đứa bé gái của ông hỏi ba có đi tới thăm mộ Băng Trinh (một nhân vật trong truyện) chưa. Tôi nghe mà cảm động quá chừng. À, mà văn chương là cái cóc xái gì mà kể hoài hoài. Nhà văn cười, vỗ hai bàn tay vào nhau đánh đét, kết thúc câu chuyện.

    Tôi nhác trông căn phòng khá đơn sơ của Võ Hồng, thấy trên cánh cửa tủ, tấm bảng con, đâu đâu cũng có ghi mấy câu chữ Hán, mấy dòng chữ tiếng Anh thông dụng. Ông cười bảo tôi đó là những cái ông dạy cho mấy đứa bé quanh nhà. Ông thích vậy. Mặc dù vợ ông đã mất cách đây 35 năm, con cái đều ở xa, ông không chìm trong nỗi buồn chán. Ông đã tự tạo niềm vui cho mình bằng chính cái nghiệp mà ông đã trót dấn thân : nghề giáo, nghề văn. Ông dạy học từ những năm phú Yên cùng cả nước kháng chiến. Giờ đã trên tuổi "thất thập" ông vẫn viết, vẫn dạy theo cách riêng của ông. Ông chưa bao giờ tự tách mình ra khỏi cuộc sống. Ông coi trọng từng số phận nhỏ nhoi ở đời. Và hẳn đây cũng là cái cách để ông khỏi quên những tri thức ông đã học, đã dạy, đã viết.

    Võ Hồng là một nhà văn rất coi trọng việc học. Bên cạnh vốn tiếng Pháp mà ông học được ở Collège Qui Nhơn trước 45, trong thới chiến tranh Pháp - Việt và sau này ông còn học chữ Hán, tiếng Anh. Những công cụ ngôn ngữ này hẳn đã giúp ông nhiều trong việc thẩm thấu văn hóa cổ truyền Ðông-Tây và tiếp thụ những tri thức hiện đại. Và trong sáng tác, ông không bỏ lỡ những cơ hội đưa vào những tri thức một cách hợp lý và bổ ích như niềm vui của một người thầy khi giảng những bài vở mới lạ cho học sinh. Như những tri thức về ma túy trong TÐƠTC chẳng hạn. Tóm lại Võ Hồng là một trong số không nhiều người hiểu rất rõ ràng, nhà văn trước hết phải là một nhà trí thức, một đại trí thức, bởi nếu chỉ có vốn trí thức ít ỏi, nhà văn khó lòng làm tròn thiên chức của mình trước xã hội, trước cuộc sống.

    Song Võ Hồng có một bộ lọc khá tốt để nhiều tri thức đông tây kim cổ thẩm thấu vào ông mà ông không bị choáng gục, như người ta thường thấy ở một số "trí giả" khác. Tôi mời thuốc, ông từ chối. Thấy tôi ngạc nhiên , ông bảo : "Trước đây tôi cũng có nghiền". "Ghiền nhiều ?". Ông nói : Trong đời tôi không có cái gì là quá mức cả". Tôi liền nghĩ đến tri thức của ông. Lối sống chừng mực, vừa phải của ông  chừng như là để cân bằng, hòa trộn những cái không dễ hợp nhau : giữa các triết thuyết Ðông-Tây,  giữa truyền thống và hiện đại, giữa những dục vọng và sự thánh thiện, giữa cái đẹp với cái bi và cái hài... Ðể cuối cùng, ông vẫn là người Việt đậm chất. Nhưng ông sống chừng mực chớ không phải làng nhàng. Làm sao một người sống không đam mê lại có thể viết văn, vốn là công việc đầy khổ lụy ! Ông bỏ qua biết bao cám dỗ để dồn sức vào hai (hay một) đam mê duy nhất của ông  : dạy và viết.

    Thật may cho tôi, ngay từ buổi sơ giao này, Võ Hồng đã không ngại thổ lộ đời riêng của ông. Ông quê ở Ngân Sơn, huyện Tuy An của "Phú Yên tốt lúa" từng dấn thân vào cuộc kháng Pháp trường kỳ. Góa vợ từ năm 35 tuổi, ông đã gánh trên vai nỗi khổ của cảnh gà trống nuôi con. Hơn thế, ông đã dốc sức cho người con trai đi du học tự túc bên Tây, để tránh quân dịch. Cũng có thời, nhà văn được mời vào Hội đồng Văn hóa Giáo dục của phủ tổng thống chính quyền cũ. Giữa những nhà văn chống cộng hoặc trung lập, ông thuộc hạng "trên núi xuống". Té ra chính phủ Việt Nam cộng hòa hồi đó đã đánh giá ông khá cao, cũng cần đến ông. Về phần mình, được một dịp giúp dân, ông đã không từ chối. Nhưng có sự cám dỗ nào có thể biến đổi được ông:  Thỉnh thoảng ông đáp máy bay vào Dinh Ðộc lập để họp Hội Ðồng. Gặp người quen có ai hỏi, ông chỉ nói ông đi thăm con. Tánh ông vẫn thế !

    Giờ thì tất cả trôi qua. Con cái ông đều ở phương trời xa tít. Chỉ còn một mình ông, tuổi đã cao, bình thản ở lại thành phố biển thân yêu của ông.

    Khi nhớ rằng ông đã bước qua tuổi "thất thập", tôi hỏi ông đã chuẩn bị gì cho tuyển tập cả đời văn chưa. Ông ngập ngừng rồi thở dài không đáp. Có lẽ câu hỏi này chính ông cũng không trả lời được.

    Trong đời có những người mà "chỉ cần nghĩ đến một con người như vậy là ta lại cảm thấy yêu đời, trí óc ta lại trở nên tỉnh táo". Ðó không chỉ là cảm giác của Gorky trước Tcheckhov, còn là cảm giác chung của nhiều bạn đọc, bạn văn khi tiếp xúc vói Võ Hồng. Riêng tôi, khi được diện kiến ông, tôi bỗng thấy những bã vinh hoa trong đời không còn ý nghĩa gì nữa và chỉ thấy thuần một lòng kính ngưỡng ông. Tôi muốn thốt lên : đúng là một người thầy, một văn sĩ ! Có lẽ không cần một hình dung từ nào khác, với Võ Hồng, bấy nhiêu thôi, cũng vừa đủ.

                                                                  (*)Thiên đường ở trên cao.

                                                                     Sở VHTT Nghĩa Bình, 1987.

Đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay

 

© nhavanVoHong