Nhà Văn Võ Hồng  

Bên kia đường

     Sơn Nam      -  Khởi hành số 106 ngày 27-05-1971

 

 

Từ hai năm nay, căn cứ vào những sáng tác đăng báo và sách đã phát hành, chúng ta thấy Võ Hồng làm việc rất hăng và rất đều tay. Ngoài Vết hằn năm tháng, Con suối mùa Xuân, Hoa Bươm Bướm, Người về đầu non, tập truyện mới nhất của Võ Hồng có lẽ là Bên kia đường, dày một70 trang, do Mặt Trời xuất bản.

     Bên kia đường gồm 7 truyện ngắn:

-        Những nỗi khổ vụn vặt.

-        Hãy an nghỉ, Abdul Rahim.

-        Mẹ gà con vịt.

-        Lễ cúng trường.

-        Cái nhìn người mẹ.

-        Bên kia đường.

-        Trở về.

     Sở trường của Võ Hồng là diễn tả chứng ưu tư, thắc mắc của giới trung lưu thành thị trước những ảnh hưởng gián tiếp do chiến tranh gây nên. Đó là những người trưởng giả hơi bất mãn khi thấy luân lý xáo trộn, sống trong căn phố có chút ít tiện nghi, luôn luôn cảm thấy túng tiền để mua sắm cho kịp thiên hạ. Họ suy tư nhiều nhưng nỗi suy tư ấy không đi đến đâu cả vì thời trang luôn luôn thay đổi và dục vọng con người vô bờ bến. Họ cố gìn giữ lương năng, lương tâm, gìn giữ một cách khó khăn.

     Nói chung, Võ Hồng có biệt tài dựng lên những mẫu người hiền hòa, theo nếp sống trầm trầm của kẻ hưởng thụ, những công chức hay tư chức. Những người này ít xê dịch, không đánh đấm, hò hét hoặc bắn nhau, chém nhau. Nhưng qua cái nhìn của tác giả, họ là những nhân vật sống động, phức tạp với nhiều động tác.

                           Đàn bà chỉ cần sống trong hiện tại với tình yêu.

     Có lẽ đó là triết lý của truyện ngắn Bên kia Đường. Nhân vật chánh xưng ở ngôi thứ nhất: tôi – Nhân vật ấy có người yêu nhưng 2 bên không cưới nhau được vì nàng quá khôn ngoan, quá độc ác, một sự độc ác thường tình. Nàng đã chọn một người chồng được hoãn dịch để có người ấp ủ thường trực bên cạnh. Và nàng không muốn lấy chồng để được làm chinh phụ.

     Người yêu đi lấy chồng. Nhân vật chánh đã can đảm lạnh lùng đến hiệu cao lầu dự tiệc ấy. Chàng gặp một bạn gái tên là Quỳnh khi vừa đến phòng tiệc.

     Đây là phong cảnh ở thành phố, thử chiến, với vẻ phồn thịnh:

     - Ở hiệu cao lầu:

     -  Người đàn bà ngồi ở quầy có đôi môi dày bôi đỏ như máu. Chiếc áo kỳ pủ thật mỏng in hình hoa màu nóng che không hết những mảnh da thịt trắng mát tròn lẳn.

     Ba quân nhân ngoại quốc ăn ở một góc…Hai thương gia béo phệ chầu hai bên một chai rượu chắc là đắt tiền. Hai điếu xì gà to như hai con mực ống.

     Tiệc cưới ấy gồm vài quan khách độc đáo, nào là:

     - Chàng Thanh hào hoa, đi làm luôn luôn thắt ca vát và thay sơ mi mỗi ngày một kiểu. Chàng Huấn danh ca của đài phát thanh địa phương, có mái tóc ép sấy đúng kiểu. Chàng Thuận, chủ nhân của một chiếc 2CV, giáo sư khiêu vũ của các cô bạn chưa chồng.

     Khi gặp chàng, cô dâu bèn làm mặt lạ, mặc dầu trước đó hai người đã hôn hít nhau. Lạ thật, người đàn bà có một loại thuốc tẩy tinh vi có thể xóa hết mọi dấu vết tình cảm trên tâm não của họ.

     Bữa tiệc diễn ra ồn ào hấp dẫn nhưng cũng rất nhàm. Đến mục giúp vui cho buổi tiệc. Nhiều giọng ca miễn cưỡng. Nhiều giọng ca cố ý làm ra miễn cưỡng nhưng thực tình là đã chuẩn bị sẵn.

     Chàng gặp Quỳnh. Quỳnh như đã yêu chàng nhưng làm sao chàng tin nơi Quỳnh? Lúc cao hứng khi Quỳnh hứa là sẽ hi sinh cho tình yêu, sẵn sàng làm một chinh phu như chàng biết rằng Quỳnh vẫn là một người đàn bà thường tình, cần có người đàn ông ở thường trực bên cạnh.

                            4 tập sách nhỏ loại hoa sen của Nhà Lá Bối.

    4 tập sách nhỏ thật xinh xắn của Nhà Lá Bối vừa đến tay bạn đọc trong tháng qua: Giọt nước cánh chim của Thiều Chi, Mái chùa xưa của Võ Hồng, Trường ca Kalinga của Trúc Thiên và Con đường hòa bình của Nguyễn Hiến Lê.

     Qua những hoạt động của Nhà Lá Bối từ những năm khởi đầu cho đến gần đây, uy tín của nhà này đã được độc giả Việt Nam tín nhiệm mạnh. Nhà Lá Bối vẫn hoạt động không ngừng, phổ biến văn học nghệ thuật dưới nhiều hình thức. 4 tập sách vừa kể là một bằng chứng cụ thể. Đến nay Nhà Lá Bối vẫn là một trong những nhà xuất bản chín chắn hàng đầu, người đọc có thể tin vào hai chữ Lá Bối khi cầm đến tập sách do nhà này xuất bản.

     Nhân đây cũng phải nhắc đến một tập truyện của nhà văn Võ Hồng: Trầm mặc cây rừng cũng do Nhà Lá Bối xuất bản. Một tập truyện đã xuất bản từ những tháng cuối năm 70, nhưng đến nay vẫn còn được nhắc nhở bàn tán tới. Bởi nhà văn Võ Hồng có một sắc thái của riêng ông, làm người đọc phải chú ý, hơn nữa từ năm 59 đến nay nhà văn đã hoạt động thật đều đặn, một điều “đáng nể” của người cầm bút dẫu ông ở xa Sài Gòn.

 

© nhavanVoHong