Lời tâm sự: Thiên đường ở
trên cao là tiểu thuyết của nhà văn Võ Hồng viết ra từ 1972 trong vùng
tạm chiếm miền Nam, nhưng đến năm 1987 mới được Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa
Bình xuất bản. Cuốn tiểu thuyết đã được dư luận bạn đọc rộng rãi chú ý. Sau
đây là ý kiến trao đổi giữa nhà văn Trần Thùy Mai và cây bút phê bình Phạm
Phú Phong về tiểu thuyết này.
VNNT.
Phạm Phú Phong: Trước
khi đến được cái Thiên đường ở trên cao ấy của Võ Hồng, tôi đã được đi qua
các truyện dài: Hoa bươm bướm (1966), Người về đầu non (1968),
Gió cuốn (1969), Nhánh rong phiêu bạt (1970), Như cánh chim
bay (1971), các tập truyện ngắn: Hoài cố nhân (1950), Lá vẫn
xanh (1962), Vết hằn năm tháng (1965), Con suối mùa xuân
(1966), Khoảng mát (1966), Bên kia đường (1968), Những giọt
đắng (1969), Trầm mặc cây rừng (1971), và các truyện thiếu nhi:
Áo em cài hoa trắng (1969), Mái chùa xưa (1971). Gần đây tôi
lại được vinh dự cùng các anh chị ở Hội Văn nghệ Nha Trang sưu tầm, tuyển
chọn 11 trong số hơn 30 truyện ngắn khác in trên báo chí trước 1975 ở vùng
tạm chiếm miền Nam (những truyện nhà văn viết vào những năm bảy mươi chưa
đưa in vào tập nào), thành tập truyện ngắn có tên là Trong vùng rêu im
lặng mà Hội Văn nghệ Nha Trang sẽ xuất bản nay mai.
Trần Thùy Mai:
Tôi đọc Võ Hồng từ thời còn đi học và thuở ấy đọc ông tôi rất quý mến tác
giả vì những trang văn của ông bao giờ cũng nhẹ nhàng, tinh tế mà trầm tư
hơn thế nữa, luôn biểu lộ một tấm lòng nhân hậu, chân thật, giản dị. Những
nhân vật của ông thường là những con người giản dị và phần nào đó yếu đuối,
bất hạnh, thiệt thòi trước những đưa đẩy vô tình của thời cuộc. Tác giả đã
miêu tả họ, đưa họ vào tác phẩm với lòng thương sâu sắc và sự đồng cảm rất
bén nhạy với thân phận đồng loại – một khả năng đồng cảm mà mọi nhà văn, mọi
người cầm bút đều cần phải có mới làm được thiên chức của mình.
Đọc Thiên đường ở trên cao
tôi càng thấy đậm hơn những cảm tưởng đã có về ông từ mười lăm, mười sáu năm
trước. Có những trang thực sự làm tôi bùi ngùi, xúc động, sống lại cái cảm
tưởng của những ngày còn đi học khi đối diện với một trang văn giàu sức gợi,
lúc tâm hồn còn ở trạng thái rất mẫn cảm của buổi đầu đời. Tôi thấy thương
nhân vật Trinh, nhân vật Khải vì trong cách cư xử của họ tôi thấy nhân hậu
và chân thật quá! Chẳng hạn, đoạn Trinh đến nhà Khải lần đầu tiên – một cô
gái điếm đến nhà một khách chơi hoa – không phải là gặp gỡ của tình yêu mà
là sự đổi chác thuần túy tiền nong và xác thịt. Nhưng sao những câu nói,
những cử chỉ của họ làm tôi cảm động quá, hình như khi con người có một tâm
hồn nhân hậu thì đối với một cô gái giang hồ cũng đầy nhân đạo, chân thật,
chí tình. Tôi không nghĩ tác giả tô hồng sự thật, vì tôi luôn tin trong cuộc
đời có những người rất tốt. Nếu không có họ, có lẽ nhân loại sẽ không có
khái niệm đạo đức nữa. Chỉ có điều là đạo đức được nói đến dưới những hình
thức như thế nào. Hiện nay ta nói đến những điều to tát, lớn lao mà không
chú tâm đến cách xử thế, quan hệ giữa người và người trong những biểu hiện
đời thường, đến chữ nhân, chữ tín, chữ hiệp… Phải chăng vì thế mà cuộc sống
ngày càng mòn cạn chất minh triết, con người sống trần trụi với những tham
vọng và tị hiềm… Võ Hồng đã như Nguyễn Du, đi tìm đạo đức ở nơi tưởng chừng
nó không trú ngụ, nơi những mảnh đời được xem như là nhơ nhuốc, sa đọa. Ở
đây chính "con mắt xanh" và tấm lòng người cầm bút đã "gạn đục khơi trong"
tìm ra cái tốt đẹp ngay trong cái xấu xa. Tôi nghĩ đến cô gái giang hồ Marie
Madeleine nhờ tình yêu và lòng tin trở thành Thánh. Con người có thể sa ngà
vào muôn ngàn tội lỗi vì sự xô đẩy của xã hội – và cả sự yếu đuối của bản
thân – nhưng dù sao cái cuối cùng để nó vẫn là con người và được thừa nhận
là con người là luôn hướng về sự thiện – biểu hiện của sự thiện là tình yêu,
lòng vị tha, sự hy sinh cho người khác.
Phạm Phú Phong:
Người ta nói rằng máu của nhà văn là máu nóng, còn người làm phê bình
là máu lạnh, không biết có đúng không. Tôi không đồng cảm sâu sắc với
Võ Hồng như chị. Song, quả là Thiên đường ở trên cao làm tôi mất ngủ.
Cuốn sách đã cuốn tôi hồi hộp lo lắng theo dõi số phận của các nhân vật. Cái
giỏi của ngòi bút Võ Hồng là thể hiện được thế giới nhân vật có đời sống
thật, cứ như những con người có thật đang đi lại, đối đáp, hoạt động trước
mắt ta. Ông đặc biệt thu hút độc giả bằng tư tưởng nhân ái, tình yêu thương
con người. Đó là tư tưởng lớn lao của nhà văn. Hình như ông không thể tả
nhân vật ác. Trong cái thế giới của những nàng tiên nâu, những người sa ngã
lưu manh, đĩ điếm ấy mà đời sống bên trong lại sáng như ngọc, lấp lánh những
phẩm hạnh cao quý nhất của con người. James Huỳnh, Kiều Châu… dưới "bàn tay"
của nhà văn là những con người đẹp trong cái thế giới dưới đáy của xã hội.
Được nhiều lần tiếp xúc, làm việc với ông, tôi ngạc nhiên không hiểu ông lấy
đâu ra cái vốn sống quá xa lạ đối với cái tâm hồn hiền lành, trong như khối
thủy tinh dễ vỡ của ông để dựng nên cái Thiên đường ở trên cao ấy. Số
phận nghiệt ngã của con người, ông đều quy cho hoàn cảnh bên ngoài con
người. Nghĩ về tác phẩm của ông tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Trần Vàng Sao
"mả cha cuộc đời quá vô hậu (…) ngó đi ngó lại chẳng biết thù ai" (SH số
32). Thế giới của riêng ông là thế giới của yêu thương. Dù cuộc đời "quá vô
hậu", song những con người đáng yêu vẫn tụ về đứng chật tâm hồn ông. Con
người, dù có sa ngã, cũng được ông miêu tả quá trình hướng thiện của nó. Bởi
lẽ, bản chất con người là nhân ái.
Trần Thùy Mai:
Chỗ thành công nhất là những đoạn tả tình yêu của hai nhân vật Khải, Trinh,
những đoạn đó gây xúc động nhất, được viết rất giản dị, nhưng đó là sự giản
dị của phép màu, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ giản đơn của nhân vật làm ta rung
động sâu xa. Đoạn tả James Huỳnh, Kiều Châu muốn hướng thiện cũng cảm động.
Trong ông chỉ có được gam màu của yêu thương mà chưa có đủ các cảnh đời muôn
màu muôn vẻ, nhưng tôi vẫn thấy mê cuốn sách này vì chân thật, giản dị và
tình người quá. Trước đây có một nhà phê bình đã nói về Nguyễn Du và Kiều:
"Trong cái thời đại đang chuyển biến với một tốc độ chóng mặt, khi trong
vòng nửa thế kỷ biết bao lý thuyết được dựng lên rồi lại sụp đổ, Nguyễn Du
và Kiều vẫn rung động được lòng ta bởi đấy là những trang văn chương
thiệt thà nhân sự". Tôi rất thích chữ "thiệt thà nhân sự" ấy và khi đọc
Võ Hồng tôi cũng chợt liên tưởng tới mấy chữ ấy. Tôi nghĩ dù có cách tân đổi
mới gì thì cuối cùng văn chương vẫn là thế thôi: trung thực, giản dị, đi sâu
vào đau khổ, hạnh phúc và khát vọng của con người.
Phạm Phú Phong:
Đó, điều hệ trọng đối với người cầm bút chính là ở sức sống lâu bền, chứ
không phải chạy theo các "mode" thời thượng, nay thế này, mai thế khác. Tôi
không tin vào các lời hô hào của các nhà văn chị ạ. Tôi cứ muốn nhìn vào
việc làm của họ, chính ở đó mới hiện nguyên hình là tài năng hay bất tài,
trung thực hay cơ hội, bản lĩnh hay xu thời… Cái giỏi của Võ Hồng chính là ở
tính trường cửu: viết ra cách đây 15, 16 năm, bây giờ in vẫn thu hút người
đọc, vẫn còn ấm nóng tính thời sự. Xin lỗi chị, cứ quan sát những nạn nhân
đêm đêm dọc hai bên bờ sông Hương, ở các công viên, ở bãi biển Nha Trang hay
chính cái bãi biển Quy Nhơn mà cách đây 15 năm Võ Hồng quan sát và miêu tả
trong tác phẩm ấy, cứ thống kê lại xem có bao nhiêu người đã vùi cuộc đời
mình vào cái thiên đường ở dưới đáy ấy, dù đã trải qua một chế
độ xã hội đối lập hoàn toàn về mặt bản chất. Tôi cũng nghĩ như chị, văn
chương Võ Hồng "thách thức" cả thời gian, dù có đổi mới đến bao nhiêu cũng
xoay quanh tấm lòng nhân ái đối với con người. Đó là cái cũ, nhưng là cái
vĩnh cửu của văn chương. Võ Hồng đã đạt được điều ấy. Tôi có cái vinh dự
được đọc cả 16 tập sách của Võ Hồng. Có thể nói, đó là một hệ thống tư tưởng
nhân ái đối với mọi người, mọi tầng lớp xã hội, được thể hiện bằng một loại
ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức liên tưởng và một bút pháp tài hoa đến độ chuẩn
mực.
Trần Thùy Mai:
Anh lại không giữ được máu lạnh rồi đó nghe (cười). Có mấy điểm tôi
nghĩ giá như Võ Hồng tránh được thì hay hơn: ngôn ngữ của mấy tay anh chị
thông thái quá, cô Trinh đau khổ thì rất dễ thương, nhưng rất chán khi cô
triết lý dài dòng như một nhà trí thức uyên bác. Có thể cô có học, học
trường Tây, thông thạo ngoại ngữ, con nhà tử tế, nhưng ở lứa tuổi và nếp
sống hưởng thụ kiểu "cậu ấm cô chiêu" thì sự hiểu biết và cách suy nghĩ của
cô không thể giống một giáo sư đại học… Hơn nữa, dù hiểu biết sâu sắc và
sống với nội tâm bao nhiêu thì phụ nữ không thiên về lý như đàn ông, họ có
thể lý luận về nhiều chuyện nhưng phải qua một "bộ lọc giới tính" thiên về
trực giác hơn là suy luận.
Phạm Phú Phong:
Cái đó thì chị am hiểu hơn tôi. Tôi chỉ nghĩ rằng cái cô Trinh ấy, có bản
lĩnh nghị lực và đầy nhân cách vậy mà sao dễ sa ngã vào bùn lầy nhanh chóng
như thế. Phải chăng nhà văn chỉ thiên về trình bày quá trình hướng thiện của
con người mà bỏ qua quá trình sa ngã, chỉ ra con đường đi đến cái chân thiện
mỹ mà không chỉ ra bước rơi vào vực thẳm của con người? Được đọc các sáng
tác của Võ Hồng, tôi cho rằng ông thành công ở truyện ngắn nhiều hơn. Các
truyện dài của ông (Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt, Thiên đường ở trên
cao…) đều có kết thúc không tưởng, vì sự bế tắc của hoàn cảnh xã hội,
nhà văn lại không tàn nhẫn đối với nhân vật của mình, ông muốn dù trong bất
kỳ hoàn cảnh nào cũng tin vào sự tốt đẹp của con người. Đó là chưa kể về
nghệ thuật xây dựng tính cách, đôi khi để phục vụ cho tư tưởng nhân đạo đẹp
đẽ ấy mà tính cách phát triển không phù hợp với lôgic. Song đọc Võ Hồng,
người ta đã bị mê hoặc, hình như ông không hề viết mà ông thể hiện, giữa hai
hàng chữ bỗng hiện ra một hằng số tư tưởng sống động hẳn lên, làm người ta
không thể rời cuốn sách được. Hữu xạ tự nhiên hương. Tôi nghĩ văn chương hãy
để nó tự phát sóng.
Trần Thùy Mai:
Nghĩa là không cần các nhà phê bình bàn vào chứ gì?
Phạm Phú Phong: A, nói chuyện
với các nhà văn nữ sợ thật. Chị cho tôi nói tiếp đã: Với Võ Hồng tôi lại
nghĩ ông làm thơ chứ không phải viết văn xuôi, thậm chí là thơ trữ tình theo
một kết cấu tự sự. Đọc ông, tôi lại thấy ý tưởng nó không ở trong câu chữ
như văn xuôi người khác.
Trần Thùy Mai:
Tôi cũng có cảm tưởng như vậy. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ tái bản sách của Võ
Hồng.
Phạm Phú Phong:
Thì Hội Văn nghệ Nha Trang đang làm, như tôi vừa nói với chị.
Trần Thùy Mai:
Một tập chưa đủ. Vì văn chương của ông sẽ có tác dụng rất lớn trong việc
chống lại sự xói mòn đạo đức, bồi dưỡng nhân cách thế hệ con em và cả chúng
ta.
© NhavanVoHong