|
Câu 1:
Thưa ông, nhân vật Luân ở trong “Như Cánh Chim Bay” đã dựng lên
trên tiêu chuẩn nào? Hoàn cảnh địa phương? Tâm tình cá nhân hay lý
do nào khác?Câu 2:
Có thể cho tôi biết sơ qua bước đầu văn nghiệp của ông. Nghe nói ông
sắp sửa có tập “Truyện Ngắn Võ Hồng”. Sao chưa thấy có bán.
Câu 3:
Người ta nói các nhà văn miền Nam bây giờ hết đề tài sáng tác? Có
chăng chỉ là nhắc lại những đề tài sáo
cũ lỗi thời. Và tại sao hầu như không có tác phẩm lớn như các nước
ngoài. Dù có cũng không được nuôi dưỡng cái tài đó sống lâu.
Những ý
kiến, đồng thời những thắc mắc của một kẻ mến mộ văn nghiệp của ông
chắc cũng mong được ông vui lòng giải đáp.
Võ Hồng trả lời:
Câu hỏi 1.
a) Nhân
vật Luân được dựng lên trên tiêu chuẩn nào?
Nhân vật
Luân trong Như Cánh Chim Bay đại diện cho tầng lớp trí thức tiểu tư
sản trong công cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Thật ra nói
đại diện cho tầng lớp tiểu tư sản trí thức không phải là đúng hẳn vì
một tầng lớp như vậy nếu có chung một số điểm tương đồng thì lại
cũng có rất nhiều điều tương phản hay dị biệt nơi từng cá nhân.
Trong Như Cánh Chim Bay không phải chỉ Luân thuộc thành phần trí
thức tiểu tư sản mà còn nhiều đại diện nữa. Có thể nói Luân là thứ
tri thức chuộng cái tuyệt đối, cái toàn hảo nên trở thành rụt rè
trong mọi quyết định. Huỳnh Vạn Đông dấn thân ồ ạt hơn, học trường
Quân chính ra chỉ huy ở mặt trận. Chủ tịch Trị là tiểu tư sản được
rèn luyện chính trị, tiến bộ nên được đề bạt một cách xứng đáng. Ông
Vạn Lợi là tiểu tư sản hoạt đầu, dưới triều đại nào, dưới chế độ nào
cũng khéo xoay chiều để hường lợi. Vân vân, còn nhiều lắm, mỗi nhân
vật mang một cá tính riêng, cho dù họ cũng ở tầng lớp tiểu tư sản.
Vì
Như Cánh Chim Bay là cuốn thứ hai trong một bộ gồm bốn cuốn (cuốn
thứ nhất là “Hoa Bươm Bướm”) mô tả mọi giai đoạn của cuộc kháng
chiến 1945-1954 nên tôi phải xây dựng nhiều nhân vật đại diện mọi
giới tiêu biểu của xã hội thời đó: nông dân, công nhân, hào phú, phụ
lão, thiếu nhi…
b)
Hoàn
cảnh địa phương?
Tôi
để cho Luân sinh trưởng ở miền Nam Trung Việt và khung cảnh kháng
chiến cũng xảy ra ở miền Nam Trung Việt. Lý do là vì tôi ở miền này
và như vậy những điều nghe thấy được mô tả lại sẽ mang được tính
chất chính xác.
c)Tâm
tình cá nhân hay không một lý do nào khác?
Tôi
không hiểu ông định hỏi gì bằng chữ “tâm tình cá nhân”. Có phải ông
định nói: Nhân vật Luân mang hình ảnh và tâm tình của tác giả? Nếu
vậy thì tôi xin thưa: Không hoàn toàn đúng như vậy. Tác giả không
dại tự trói tay mình bằng cách đem mình ra làm nhân vật chính của
một truyện. Có thể có nhiều hoàn cảnh sống và kinh nghiệm
sống của mình gời trong đó chớ không phải là tất cả là y nguyên như
sự thật. Tiểu thuyết mà. Phải xáo trộn thay đổi cho có chút hồi hộp
hấp dẫn chứ.
Câu hỏi 2:
a)…
sơ
qua bước đầu văn nghiệp…
Truyện ngắn đầu tay của tôi được đăng trên
tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy
(Tân Dân-Hà Nội) mùa thu năm 1938. Nguyên do thế này. Hồi tôi học ở
Trung học, mỗi tuần có hai giờ học Việt văn được coi như Sinh ngữ
(hồi đó các môn học đều bằng Pháp văn). Một hôm giáo sư dạy Việt
văn, ông Trần Cảnh Hảo, tác giả một mẫu tự Quốc ngữ mà tôi có dịp đề
cập đến trước đây trên nguyệt san Tân Văn, sau khi chấm bài Luận văn
của tôi có phê mấy chữ: Tôi nhận thấy có vài đóa hoa trong bài của
anh. Tôi không sung sướng nhiều lắm bởi vài đóa hoa mông lung nào đó
trong khi các bạn tôi lại tỏ ra vui vẻ một cách hăng hái thay tôi.
Bởi lẽ họ đang chủ trương một tờ thư
báo của lớp (báo viết tay) và họ nhất quyết bắt tôi phải góp
bài. Tôi không từ chối được. Bài viết xong, một bản tôi đưa đăng
trên báo nhà, một bản tôi gởi ra tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở phố
Hàng Bông Hà Nội. Tòa soạn chẳng thư từ liên lạc gì với tôi hết
nhưng chừng một tháng sau tôi bỗng thấy bài đó được đăng. Đầu đề của
truyện là Mùa Gặt. Dưới ký bút hiệu là Ngân Sơn (Ngân Sơn là tên
làng tôi). Dưới ký bút hiệu có thêm chữ Trung Việt đặt giữa vòng
đơn, đó là sáng kiến của tòa soạn. Năm đó tôi đang học
Troisième
année (đệ tam niên) ở Collège Quy Nhơn.
Năm
1943 tôi viết một truyện dài lấy tên Ngôi Sao Nhỏ định dự giải
Alexandre de Rhodes, nhưng truyện vừa viết xong thì xảy ra cuộc đảo
chánh 1945. Năm 1945 tôi ở Đà Lạt, viết xong một truyện dài khác lấy
khung cảnh Đà Lạt thời đó. Truyện viết xong, chép lại thành tập sạch
sẽ nhưng chưa tìm ra được một cái tên truyện vừa ý. Rồi xảy ra Cách
Mạng Tháng Tám và cuộc Kháng Chiến. Trong thời gian cuộc kháng chiến
tôi viết truyện Hoài Cố Nhân.
Khi
kháng chiến chấm dứt, tôi trở về mang theo cả các tập bản thảo. Một
anh bạn của tôi một hôm bất ngờ lôi đọc truyện Hoài Cố Nhân và anh
đề nghị đem đưa nhà xuất bản Ban Mai. Cuốn truyện được in sau ba
tháng. Và từ sau Hoài Cố Nhân, trong hoàn cảnh sống đơn chiếc, tôi
cứ tiếp tục viết cho đến ngày nay.
b)…
tập Truyện Ngắn Võ Hồng…sao chưa thấy có bán?
Tuyển tập Truyện Ngắn Võ Hồng là sáng kiến của nhà xuất bản Lá Bối.
Nhưng nhà Lá Bối chưa kịp thực hiện thì giá giấy cao, giá sinh hoạt
cao, vốn liếng kẹt tứ tung đành phải chờ đợi một ngày tốt hơn.
Câu hỏi 3:
Các nhà văn
miền Nam hết đề tài sáng tác…tại sao hầu như không có tác phẩm lớn
như các nước ngoài…?
- Tôi không nghĩ
như vậy. Đề tài thì thiếu gì, chỉ có vấn đề là có phương tiện để
sáng tác hay không.
1)
Sáng tác phẩm trước khi được in phải bị kiểm duyệt, như vậy nghĩa là
chỉ có một số nào đó được in, còn một số khác, trong đó hy vọng có
những tác phẩm lớn mà ông nói, bị chận lại.
Muốn có tác phẩm lớn, người viết phải say mê và tự do trong việc
phát biểu tư tưởng của mình, trong cách trình bày tư tưởng của mình.
Nếu vừa viết vừa tránh bên này né bên kia, mắt láo liên liếc nhìn
xem đâu là đường bị cấm, đâu là đường cho lưu thông thì thử hỏi tác
phẩm nó lớn thế nào được? Chặt đuôi, chặt cánh, chặt chân, chặt luôn
cả cổ thì dẫu vĩ đại như con phượng hoàng cũng sẽ chỉ còn hình thù
của một con gà mái hoặc là một con cút.
2)
Muốn tạo tác phẩm lớn, ngoài tài năng, người tác giả phải để nhiều
tâm não và thì giờ vào đó. Ở ngoại quốc, một tác phẩm được in ra có
thể nuôi tác giả trong mười năm, hai mươi năm, có khi suốt đời.
Không kể vài cuốn được thành công hi hữu, trước đây tôi có đọc ở một
bài nào đó, người ta bảo cứ trung bình một chữ trong tiểu thuyết của
E. Hemingway được trị giá một đô la. Theo giá ngạch đó thì một trang
sách của ông mang lại cho ông đổ đồng
180 ngàn đồng bạc.
(10
chữ x 30 dòng = 300 chữ = 300 đô la = 180.000 đồng bạc).
Một
cuốn sách dày 300 trang mang lại cho ông 51 triệu bạc.
Ở
Việt Nam một cuốn sách thuộc loại bán chạy in được ba ngàn cuốn.
Theo như mỗi cuốn giá năm trăm đồng thì bản quyền tác giả được
500 x 3.000 x 10%
= 150.000 đồng.
Với số tiền đó tác giả chỉ có thể sống
tiết kiệm được ba tháng trong khi một tác phẩm lớn phải được viết
trong năm năm, mười năm hay dài hơn.
3) Muốn viết tác phẩm lớn, tác giả phải đi đây đi đó, điều
tra tận chỗ, hỏi han tận người, vừa lục lọi tra cứu tài liệu (tôi
còn nhớ để viết một cuốn sách nào đó mà tôi xin lỗi đã quên mất tên,
một tác giả đã phải lục lọi đọc các tài liệu liên quan đến vấn đề,
số tài liệu nhiều đến nỗi có thể chứa đầy hai toa xe lửa!). Có tác
giả phải nhờ thư ký riêng của mình lục tìm tài liệu. Cố nhiên nếu là
thiên tài thì khỏi đặt điều kiện gì hết, cứ cất tiếng lên là đã
thành tiếng hát Thiên Nga rồi. Nhưng qua sự tìm hiểu chân thật biểu
lộ trong thư ông, tôi nghĩ rằng ông không muốn biết về những người
viết văn bình thường, nghĩa là những người làm việc nhọc cũng biết
đổ mồ hôi, những người khi cảm cúm cũng cần thuốc Doxymycine và để
nuôi sống hàng ngày cũng cần gạo Thần nông R18, R20.
|