Từ khi hoàn tất và cho in tập
truyện Hoài cố nhân vào năm 1959 tới nay Võ Hồng đã già thêm tuổi.
Ðối với hạng người phàm tục chúng ta, già thêm tuổi thiết yếu tiềm
chứa một ý nghĩa đặc biệt đã từng khiến xiết bao nhiêu người bỗng
hóa ra sáng suốt và tuyệt vọng : ý nghĩa của thời gian qua mau và
không bao giờ trở lại, ý nghĩa của một cơ thể tàn rụi lần lần sắp
dập tắt ngọn lửa tinh thần đã bắt đầu mất chỗ nương tựa
Song đối với phường nghệ sĩ, nghệ sĩ nghĩa là đối với loại người
mới đầu thai đã lỡ mang cái nghiệp dĩ làm văn nghệ, thì thêm tuổi,
ít nữa cũng chuộc lại được cho y và cho chúng ta điều này : càng
từng trải việc đời bao nhiêu, vốn sống y cung cấp cho chúng ta càng
phong phú bấy nhiêu, càng nhiều kinh nghiệm với chữ nghĩa bao nhiêu,
nghệ thuật của y càng già dặn bấy nhiêu - nếu quả tình y thuộc nòi
nghệ sĩ chân chánh.
Võ Hồng là một nghệ sĩ chân chánh.
Ðược nhận định qua tiến trình sáng tạo nghệ thuật đích thật nào
mà chẳng mang cốt cách một công trình sáng tạo, dầu là sáng tạo
xuyên qua ký ức, như trường hợp Võ Hồng - của một văn
nghiệp còn nhiều triển vọng, nhưng đã bề thế - , hai khía cạnh
vừa nhắc tới cách đây mấy dòng trên đây :
- vốn sống phong phú.
- nghệ thuật ngày càng già dặn
biểu thị rõ rệt con người Võ Hồng và nhà văn Võ Hồng.
Có những kẻ mà mỗi lời nói, mỗi cử động, mỗi hành vi chừng như
được trời phú cho một thứ tiềm lực tự tại, đủ sức làm chấn động một
thời, nhưng, cũng hệt như bong bóng thổi phồng nhờ bầu khí giả tạo,
lời nói ấy, cử động ấy, hành vi ấy thường chí chiếm mặt tiền thời sự
trong giây lát để rồi cùng thời gian mà mất dạng vĩnh viễn.
Võ Hồng không thuộc thành phần minh tinh ngắn ngủi ấy : chúng ta
ít nghe nói tới anh, nhưng đồng thời, chúng ta lại chừng như hiếm
khi thấy anh vắng bóng lâu dài trên trường chữ nghĩa xứ này sắp tròn
mười năm qua. Là vì bản tánh của anh vốn mang thứ sắc thái vừa âm
thầm vừa tế nhị, hạng người chừng mực, và văn phẩm của anh biểu lộ
tánh chất mực thước, mực thước đến độ khiêm tốn và e dè.
Cái thâm thúy, dịu dàng bàng bạc trong tác phẩm Võ Hồng nằm trong
tánh chất mực thước đến độ e dè của mỗi chữ, mỗi dòng, mỗi trang :
nó giải thích tại sao, giữa tình trạng sôi bỏng, rối ren ở đây và
với thứ tâm trạng quá ư hối hả, hời hợt hiện tại, chúng ta khó bề
nhận chân được đặc điểm ấy của anh.
Ðó là chỗ bất công vô tình chúng ta hằng có đối với tác phẩm Võ
Hồng.
Ngoái nhìn tác phẩm đầu tay của mình, Võ Hồng đã viết cho chúng
tôi như vầy : "HOÀI CỐ NHÂN, nhìn lại mà thương, nghèo nàn, in
sai nhiều và chắc chắn có bao nhiều non nớt"
Nhìn lại mà thương... Lời nói chứa chan trìu mến, của
người cha ngắm nghía đứa con tinh thần đã được thai nghén trong thời
kỳ mình mới tập tành và còn chập chững bước tới trên con đường văn
nghệ gập ghềnh, lau lách.
Chúng tôi nói : bước tới, là nhấn mạnh đặc tính căn bản này -
rằng trong công trình sáng tạo, hay đúng hơn, trong công trình tái
tạo mớ ký ức sẵn (ký ức là gì, nếu không phải là việc đời đã trải
qua, đã thấy qua, đã cảm qua, nghĩa là vốn sống còn đọng lại khắc
sâu trong trí nhớ, trong tâm khảm?) và khởi từ tập Hoài cố nhân,
nghệ thuật của Võ Hồng ngày càng tinh vi, mỗi tác phẩm mới xuất hiện
là đã xóa bớt một phần non nớt và vụng về còn chứa trong tác phẩm
trước.
Cứ hãy đối chiếu hai truyện đầu (Hoài cố nhân và Ngày
xưa, sáng tác trước 1959) với hai truyện chót (Hà vi và
Rồi cây trái sẽ chín, sáng tác gần đây) trong kỳ tái bản này,
thì ắt chúng ta nắm lấy được đặc đìểm ấy của Võ Hồng : Hà vi
và Rồi cây trái sẽ chín, đã giảm nhiều chi tiết rườm rà, lời
văn chính xác hơn, bút pháp cô đọng hơn, cốt chuyện gọn gàng hơn,
suy luận chín chắn hơn và bầu khí chung của câu chuyện trong sáng
hơn.
Nói vậy, tức là nhìn nhận, và tác giả cũng không chối cãi, rằng
mấy truyện in lần đầu trong tập Hoài cố nhân hẳn không thiếu
những chỗ còn non, còn vụng, còn yếu : tập sách đầu tay nào, trừ phi
của kẻ thiên tài, mà đã ngiễm nhiên là kiệt tác bất hủ?
Nhưng tại sao, đọc lại Hoài cố nhân, cho dầu là một tác
phẩm còn non, còn vụng, còn yếu, chúng ta vẫn cứ cảm thấy thương
nó lạ thường, chẳng thua gì tác giả.
- Mỗi nghệ sĩ đều có tàng trữ, tận cùng thâm tâm mình, một
nguồn hứng duy nhứt suốt trọn đời, bồi bổ cho con người của mình và
tiếng nói của mình.
Có nhà văn phương Tây, vào dịp cho tái bản tập in sách đầu tay,
đã nhận xét như vậy, giải thích vì đâu mà mình chan chứa cảm tình
đối với đứa con so, dầu nó chưa phải là kiệt tác bất hủ.
Lời nói ấy đồng thời cũng có thể cắt nghĩa được bởi sao mà chúng
ta, hệt như Võ Hồng, hằng nuôi trong lòng mình một thứ tình tự dịu
dàng, trìu mến đối với tác phẩm đầu tay của chính mình và luôn cả
của nòi nghệ sĩ chân chánh.
Nhìn trọn số tác phẩm Võ Hồng đã cho chào đời non mươi năm nay,
chúng tôi không khỏi có cảm tưởng như mỗi tập sách sanh sau tựa hồ
đều thoát thai từ tập sách đầu lòng. Trước hết, là vì đề tài truyện
nào cũng chừng như đẵ được cấu tạo sẵn ở mỗi một ngọn nguồn duy nhất
là ký ức, chỉ chờ bàn tay nghệ sĩ của tác giả khai thác mà thật thụ
hiện hình. Sau đó, là vi thuật kể chuyện của Võ Hồng khởi nguyên đà
mang sẵn cái duyên hằng cửu, tiềm tàng một thứ ma lực đủ sức lôi
cuốn, ít nữa là thành phần độc giả đã tới mức thâm trầm để
không còn ham thích đơn thuần loại văn có tánh bồng bột nông nổi.
Thật ra cũng chẳng phải Võ Hồng thiếu thứ văn khí bồng bột cần
thiết ấy đâu. Nhưng với anh, nó đã tự mình lột bỏ được bộ vó bất
kham thuộc loài ngựa chưa thuần, để mà dong ruổi đúng theo con đường
anh đã phát quang : và chỉ cần chăm chú chút ít, là chúng ta nghe
thấy nó rộn rã một cách âm thầm, tuy ngấm ngầm mà vẫn cực cùng sôi
sục.
Nghệ thuật kín đáo của Võ Hồng nằm chính ở chỗ đó.
Từ những câu chuyện có tánh chất riêng tư rõ rệt trong mấy tập
sách đầu, chúng ta nghiệm thấy, đặc biệt trong tập sách vừa ấn hành
, Võ Hồng mở rộng lần đầu ranh giới tạo tác mà phóng tầm mắt ra
ngoài phạm vi cá nhân, ghi nhận thêm một số hình nét chủ yếu của một
thời kỳ lịch sử xảy đến ở đất nước này trong một không gian nhứt
định mà anh đã sống qua một thời gian dài.
Mấy năm gần đây, ở miền Nam Việt Nam, chúng ta cũng thường khi
đọc thấy năm bảy tập sách tương tợ của một Nguyễn Mạnh Côn hay của
một Doãn Quốc Sĩ . Nhưng, dầu là với Doãn Quốc Sĩ hay với Nguyễn
Mạnh Côn, thì những hình nét lịch sử nổi bật cũng đều được (hay :
bị ?) tác giả lọc lựa theo ý hướng chủ quan, và chủ quan
một cách chủ quan, nhằm chứng minh một lập trường cá biệt và đồng
thời chống đối một ý thức hệ nào. Chính vì vậy mà, cho dẫu có thầm
phục văn tài của tác giả, chúng ta vẫn cứ chưa lấy làm thỏa
mãn, bị tác giả xem như kẻ chưa đủ suy xét để tự mình thấu hiểu thực
chất của mọi hiện tượng bên ngoài và còn thiếu căn bản sử học
để thẩm định thực chất này.
Với Võ Hồng, thì khác. Ở đây nữa cũng vậy, căn cốt mực
thước của anh lại được dịp thi thố. Những nhân vật trong truyện,
chúng ta có đủ yếu tố cần thiết để nhận mặt họ, rằng đây là chính Võ
Hồng, kia là bạn anh, nọ là thân quyến anh, này là khung cảnh của sự
việc; nhưng chung quanh các cá nhân ấy , vẫn rộn ràng nhiều hình ảnh
rõ nét của một thời kỳ lịch sử xảy ra trong một không gian nhứt
định, những hình ảnh có thể kiểm chứng qua nhiều tập san nghiên cứu
chuyên môn. Ở những hình ảnh rõ nét ấy, chúng ta nhận thấy được
nhiều hành động, cảm nghĩ, thành bại thật sự tiêu biểu và điển hình
cho cả một giới người, chớ không cho riêng mình tác giả. Nhờ vậy,
chúng ta nắm lấy được những hiện tượng khả dĩ giải thích rạch ròi
thực chất của biến cố lịch sử, mà không phải bực lòng với bàn tay
hướng dẫn của tác giả.
Tất nhiên, người đọc vội vã có thể cảm thấy rằng lối
kể chuyện có duyên thầm ấy lạt lẽo, thiếu bản lãnh. Nhà phê bình hấp
tấp có thể lầm tưởng rằng quan điểm của tác giả không sáng tỏ, chứng
thật rằng chính nhà phê bình có một quan điểm vừa hẹp hòi vừa sai
lạc . Riêng chúng ta, thì chúng ta chỉ đòi hỏi ở nhà văn cái duyên
kể chuyện, trình bày khách quan và cung cấp cho chúng ta đầy đủ tài
liệu, dầu một cách gián tiếp, mà vẫn tôn trọng quan điểm riêng lẻ
của từng người chúng ta.
Với Võ Hồng, chúng ta được toại nguyện về phương diện đó. (1)
Mấy đặc điểm nội dung nhắc tới trên đây lại được nâng đỡ bằng một
lối hành văn thật tình giản dị, trong sáng và điều độ. Câu văn Võ
Hồng không cô đọng tới mức tối nghĩa, hay tới mức đòi hỏi ở chúng ta
nhiều cố gắng trí thức mới lãnh hội được, nhưng nó cũng không cuồn
cuộn, vừa hùng hồn vừa bừa bãi bẩm sanh của một trường phái gọi là
nghệ thuật nào kia. Nó xuất hiện dưới mắt chúng tôi như một lối hành
văn hầu chừng cổ điển, sắp (chúng tôi nói : sắp, mà không nói
: đã) đi tới chỗ mẫu mực và chắc nịch.
Sắc thái đặc biệt nhận thấy trong bút pháp ấy vốn dĩ ăn khớp với
ý hướng viết văn của Võ Hồng : làm đẹp cuộc đời, dầu với những chất
liệu tích lũy trong một hoàn cảng bế tắc. Võ Hồng đã viết cho chúng
tôi như vầy :
"Sống ở ngoài đời cũng như khi viết, tôi vẫn thường giữ cốt
cách vô tư, yêu cái đẹp tự nó mà không lý luận, để cho lòng mình
thật rung động, rồi tìm chữ mà diễn tả"
Ðể cho lòng mình thật rung động, rồi tìm chữ diễn tả cái đẹp mình
yêu, mà vẫn giữ cốt cách vô tư : nhà văn Võ Hồng quả tình biết khách
quan nhìn cái chủ quan của mình. Chính nhờ vậy mà, với bàn tay ngày
càng điêu luyện của nhà sáng tạo ngày càng lành nghề, với bộ óc tựa
hồ không lúc nào ngừng hoạt động.
Võ Hồng đã thấm nhuần mỗi kinh nghiệm, mỗi cảm nghĩ, mỗi màu sắc,
mỗi hương vị của cuộc đời đẻ đã có thể tỉa bông xén lá như một kẻ
sành điệu, sao cho đẹp, cho tốt, cho vui mắt, cho thoải mái tinh
thần, rồi cống hiến toàn thể cho chúng ta thưởng ngoạn.
Anh làm đẹp cuộc đời bằng cách thế riêng biệt ấy, không cố
tình chứng minh bất luận điều gì. Vậy mà, là người hằng theo dõi văn
phẩm của anh và thường xuyên cảnh giác hầu khỏi bị thôi miên bởi
những cuộc đua đòi chạy theo thị hiếu thời thượng, chúng ta vẫn cứ
tin ở những sự việc anh kể, tin mà không hề bị anh thôi thúc, bị anh
dẫn đường, chúng ta tin thật sự.
Biết đâu ấy chẳng là khía cạnh vững bền tiềm tàng trong tác phẩm
Võ Hồng, sẽ tồn tại mai hậu, sau khi mọi sự đã tiêu tán điêu linh ?
Và đó chẳng phải là mục đích cuối cùng của mọi nghệ sĩ chân chánh
hay sao?