Nhà Văn Võ Hồng  

Những mảnh vụn trong đời sống

 Cao Thế Dung.                Quần Chúng      5.6.1969

 

 

3 - Con Suối Mùa Xuân

Con Suối mùa xuân – Văn phẩm thứ tư của Võ Hồng (Lá Bối xuất bản – Saigon 1966). Gồm 7 truyện: Tháng năm sương mù – Hai người đàn ông – Trả thù – Khoảng trống sau lưng – Mùa hoa soan – Con suối mùa xuân – Dấu chân sa mạc.

     * Tháng Năm sương mù

(tr.9 – tr. 23) Truyện không có gì đặc sắc để vượt trên mức trung bình. Tôi có thể nói đây là một truyện ngắn thưởng tẻ nhạt. Nếu đã đọc Vết hằn năm tháng với nhân vật Doãn với những Hồ Đình Chiến, Thu Hà thì Tháng năm suong mù quả là một truyện không có gì đáng nói. Thiếu sự tha thiết, thiếu cả một nồng độ xúc cảm cho nên tác giả không làm nổi được cái bình thường trong đời sống rất bình thường của nhân vật trong truyện. Quanh quẩn truyện vẫn chỉ được khai triển từ cái mẫu mực trong một chu vi hạn hẹp “…Cuộc đời nặng nhọc và tầm thường níu kéo tôi trở lại, đè bẹp tôi xuống. Tôi không thoát khỏi nanh vuốt của nó (…). Người ta vạch sẵn những con đường cho tôi đi. Những nghị định, những quy chế, những thể lệ bao phủ tôi mỗi ngày một dày thêm và tôi loay hoay đụng chạm vào chúng thường xuyên như đi giữa khu rừng rậm phải chạm vào những thân cây” (tr. 21).

    

* Trả thù

(tr.47 – 63) cũng không hơn bao nhiêu so với Tháng Năm sương mù, chỉ là một điệp khúc buồn tẻ nhắc lại một mẫu đời bình thường nào đó đã từng thể hiện một cách có nghệ thuật qua Vết hằn năm tháng. Cái nhạt nhẽo của truyện cũng tựa như cây kim và tiếng tích tắc đồng hồ không gây ra một sự chú ý nào vì nó không tạo nên một dư âm trong thời gian và không gian.

    

* Truyện Khoảng trống sau lưng

 (tr.68 – 82) tuy không đạt được một bản sắc nào rõ, tuy chất truyện cũng chỉ là sự rút tỉa từ cái bình thường không đáng nói, tuy vậy tác giả đã làm nổi bật được một vài băn khoăn về hạnh phúc. Hạnh phúc ở đâu? Và như thế nào mới là hạnh phúc trong tình yêu?

     Tình yêu ở đây không phải là sự kiếm tìm, không mang một dấu hiệu nào tra hỏi. Và tình yêu tựa hồ như một thầm lén phiêu lưu để được dâng hiến. “Hạnh phúc, niềm tin sự an ủi trong hồn…em đâu có ngờ được chút chi…” (tr.75).

     Nàng vẫn là sự trống rỗng. Nàng bơi lội trong khoảng trống đó. Trước mặt sau lưng nàng thảy đều là vô bổ nhàm chán. Và cả chàng nữa. Tình yêu cũng chỉ đem lại cho chàng trong một thoáng chốc hò hẹn. Và tình yêu thực có phải là một cuộc hò hẹn không? “Buổi trưa đó chúng tôi ít nói trong bữa ăn. Tôi có cảm tường người nào cũng cố giữ một giọt nước mắt của mình. Tình yêu không phải là những cái hôn. Nó còn là sự im lặng. Tôi tin trong khoảng cách giữa tôi và Tuyết nó làm tình yêu của chúng tôi trở thành xót xa và cao quý” (tr.76). Đúng như thế, tình yêu của chàng và nàng chỉ có nghĩa trong sự xa cách cao quý. Tuyết đã lừa dối Bình đến đây cùng chàng? Chàng thì băn khoăn không ít. “Em không hối hận khi lừa dối Bình mà đến đây?” – Tuyết thản nhiên: “một chút ít thôi, Bình lừa em trước, Bình đi Hồng Kông một tháng và có lén đem theo người tình nhân của hắn. Vợ của bạn hắn đó. Tụi thượng lưu ngày nay học đòi lối chim vợ của nhau”. Bình hỏi: “Em không ghen?”. “Vô ích. Vừa mang tiếng là quê mùa. Tốt hơn hết là tiễn Bình lên phi cơ xong, em mang va li đến anh. Ít nhất chúng ta cũng còn cao thượng hơn bọn nó. Vì ờ đây chỉ có một người bị lừa dối” (tr.77).

     Sự xa cách và câm nín có thực đem lại hạnh phúc tình yêu không? Tuyết không mặc cảm lừa dối chồng. Bình thản nhiên chấp nhận. Nhưng cả hai cũng vẫn chỉ là đôi mắt chân thực của tình yêu song cuối cùng họ vẫn chỉ còn lại một khoảng trống.

    

* Mùa hoa soan

(tr.86 – tr.101). Câu chuyện tâm tư của một cô giáo tỉnh lẻ. Niềm tâm tư theo tháng năm cùng nghề nghiệp, thân thế nàng cuộn tròn trong kích thước của chu vi đời sống. Một đời sống nhạt nhẽo, buồn tênh. Niên khóa này qua, niên khóa khác lại tiếp tục, và cứ như thế này “Cuộc đời của Liên lại được gắn liền với cuộc đời của những học trò của mình. Nàng nhẫn nại làm việc, âm thầm cố gắng” (tr.99). Song Liên vẫn chỉ là Liên của từng ngày dài khắc khoải “Mình chỉ có giá trị của một cuốn băng nhựa magnétophone” (tr.94).

     Trong thành phố bãi biển này, Liên đã phải ép thân vào mực thước của trường học, tuy thế Nàng vẫn còn một niềm vui mơ hồ. Niềm vui ấy là đôi mắt Phúc – một đồng nghiệp của Liên – là một chiều thứ Bảy cùng Phúc xem phim “Les canons de Navarone”. Nhưng bây giờ thì Phúc đã đi. Liên chỉ còn lại một niềm vui bâng khuâng khi tưởng nhớ đến Phúc. “Ở Phan Thiết cũng có một bãi biển như đây. Không chừng vào giờ này Phúc cũng ra ngồi ở bãi biển nhìn lằn bọt trắng ngầu, nhìn con sóng nhấp nhô mà nhớ đến Nha Trang, nhớ đến nàng cũng nên” (tr.101).

 

 

© nhavanVoHong