Nhà Văn Võ Hồng  

Những mảnh vụn trong đời sống

 Cao Thế Dung.                Quần Chúng      5.6.1969

 

 

4 - Khoảng Mát

 

Khoảng mát – tác phẩm thứ năm của Võ Hồng (An Tiêm xuất bản – Sàigòn 1966) – 198 trang – Gồm 7 truyện: Mẹ và Em, Đôi chim bồ câu, Đụng độ, Dốc hiểm nghèo, Con đường gai, Khoảng mát, Chuyện cái răng.

     * Mẹ và em

 trước hết cái tên truyện đã không phản ảnh được nội dung truyện. Lẽ tự nhiên tên truyện cũng chỉ là một cái tên không nhất thiết phải thể hiện nội dung truyện. Có thể tác giả đặt tên cho truyện như một sự tình cờ hay nhằm vào một ý chính hoặc chủ đích. Ở đây thì mẹ và em không phản ảnh một ý nghĩa nào của truyện và nếu là sự tình cờ thì sự tình cờ trên rất gượng ép, gò bó. Đâu là mẹ, đâu là em và khởi từ một chất liệu nào hàm dưỡng từ một ý nào tác giả đã dùng hai chữ Mẹ và Em đặt tên cho truyện? Chúng tôi chỉ thấy một sự gượng ép. Trước hết, Mẹ và Em chỉ là truyện của một chàng thanh niên tên Lưu. Chàng không có một cá tính nào đặc biệt, mẫu đời của chàng ở một nhiệm sở mới cũng không có nét nào tương đối đáng cho ta ghi nhớ. Lưu hoàn toàn là một cái bóng mờ nhạt. Sao tác giả lại gắn bó cho Lưu một số giá trị. Thứ giá trị được Nhìn ngắm trên những ý tưởng mệt mỏi và vô căn. Chẳng hạn “Con người nuôi dưỡng quá nhiều thù hằn dưới một lớp kính xã giao quá mỏng và trong suốt. Lưu mỏi mệt trong cái không khí nóng bỏng những tranh giành thù hận đó” (tr.13). Nhân vật Lưu sống và suy tư đầy gượng ép. Suy tư của Anh chỉ là những gì đóng khung  trong một số tư tưởng vụn vặt. Lưu cũng đã từng mệt mỏi, la cà hết phòng trà này qua phòng trà khác, rồi bất chợt “Lòng Lưu thấy phấn khởi vui vẻ. Anh thấy tin tưởng ở sức mạnh cần lao và lòng thiện” (tr.19). Nhân vật Lưu ta thấy có vẻ na ná như chàng Duy trong Con Đường Sáng của Hoàng Đạo. Song Lưu lại không có gì đặc biệt cả trong cá tính. Anh ta cũng không có lấy một nét nào trỗi bật trong nếp nghĩ và nếp sống. Tuy nhiên, Võ Hồng thì như muốn lý tưởng hóa chàng như một mẫu người điển hình cho sự thức tỉnh tư duy. Tác giả đã không thành công trong chủ đích như vậy. Và Lưu chỉ là một nhân vật khô cứng không thể cựa quậy trong một chu vi hạn hẹp mà chính tác giả đã vạch ra để nhốt chàng.

     * Đôi chim bồ câu

(tr.31 – tr.50) là một truyện thường. Ở đây, đôi chim bồ câu như chỉ là một cái cớ để tác giả trình bày một số ý nghĩ của ông về Tình yêu – Tình yêu của loài chim và Tình yêu của loài người. Tác giả viết: “Trong các giống chim nhà, tôi yêu nhất những con bồ câu (…). Tôi yêu mối tình  đằm thắm của chúng đối với nhau. Những buổi nắng đẹp chim đực đi xung quanh người yêu, miệng rầm rì những lời thiết tha” (tr.31). Còn tình yêu của loài người thì sao? – Theo tác giả “Tôi nhớ rằng khi yêu, con người có thể hạ mình làm những việc tầm thường, thậm chí có thể làm những việc ngu si được. Nhưng khi đã không yêu thì họ tàn nhẫn lắm” (tr.43). Tác giả hoài nghi và nhàm chán tình yêu của loài người? Có lẽ vì thế, ông tìm thú nuôi chim bồ câu, tìm sự an vui trong tình tự thương yêu của loài chim này. Ông đã thất bại. Vĩnh, cô bạn gái của ông cũng thất bại như thế. Nhờ đó, tác giả tìm được an ủi qua sự thất bại của cô bạn. Cũng nhờ đó mà hai người tìm được cơ hội cảm thông nhau “Chúng tôi cùng một tâm trạng như nhau. Chắc Vĩnh đang cần một sự an ủi tương tự như tôi” (tr.49). Chủ đích của truyện nhằm vào một chiều sâu và từ đó tác giả muốn nói lên một điều gì cao hơn cái lẽ thường tình của lòng ưa thích nuôi chim bồ câu. Điều đáng tiếc là tác giả đã không làm nổi bật được. Truyện diễn tả một cách nặng nề, khô cứng nên khó đạt được yếu tố truyền cảm để đủ nói lên cái chủ đích nhắm về chiều sâu và chiều cao của truyện. Khi tả về đời sống của đôi chim, tác giả thiếu hẳn sự quan sát linh hoạt nên tác động của chúng rất khô cứng và tựa hồ như một bức tranh vẽ đã không khéo lại được làm bản kẽm in trên nền giấy tốt. Nền giấy tốt ấy chính là chủ đích và một ý thức muốn nói lên một điều gì của tác giả qua truyện.

     * Đụng độ

 (tr.53 – tr.76) truyện ghi lại những kỷ niệm vui ít buồn nhiều của giới thầy giáo đi chấm thi. Truyện được mô tả khá sống động và hoạt. Từ một việc thí sinh uy hiếp giám thị, hành hung giám khảo đến chuyện thí sinh ném súng lên bàn… Thôi thì đủ mọi trò “cười ra nước mắt” mà giới thầy đã phải đưa vai gánh chịu. Nếu độc giả từng là một nhà giáo từng đi coi thi chấm thi thì truyện trên tựa hồ như một cuốn phim rất thực quay từ một thực tại bội phần cay đắng. Tác giả đã quan sát một cách linh động nên hoạt cảnh vừa rõ vừa sống.

     Đoạn tả ông Chánh chú khảo thì đúng quá rõ quá. Ông ta quả là công chức gương mẫu, một nhà giáo chân phương mực thước vốn nhút nhát, có hàng tram mối lo sợ. “Nhà giáo mẫu mực, lo xa lúc nào cũng tự vạch cho mình những ranh giới và nhất định chỉ đi trong ranh giới đó. Đối lập với chính quyền đó là điều không bao giờ Cụ nghĩ tới” (tr.66). Ông Chánh chủ khảo có thể là đại diện cho một lớp công chức già nua bất lực. Hôm hội đồng giám khảo họp để bày tỏ thái độ vụ học sinh hành hung giám khảo. Ông Chánh thực là một người đáng thương. Vì một mặt ông phải bênh đồng nghiệp. Mặt khác, ông lại sợ chính quyền chỉ vì là công chức. Song cái xót xa đáng thương hơn cả là ông Chánh đã phải đương đầu với bọn trẻ cùng một nghề nhưng “tim phổi thì còn căng đầy nhựa sống”.

     Đọc xong truyện trên, bỗng dưng thấy hoàn toàn nản. Với Đụng độ thì tự nó đã phơi trần tình cảnh tan giữa một già một trẻ, giữa trò và thầy trong đó giới thầy giáo chỉ như một kẻ bất lực chung thân. Đặc biệt trong truyện tuy sự việc thì rất nhiều song lời lại đơn giản, tình tự diễn biến theo một nhịp tuần tự mực thước, mỗi sự việc đều tương quan theo một mạch chung. Rồi mỗi sự việc tự nó lại tỏ bày một góc cạnh trong hoàn cảnh riêng. Điều đáng tiếc, có lẽ tác giả bị ám ảnh quá nhiều về nội dung chứa đựng cho thích hợp với con đường chung thủy cho nên “đoạn kết” (mà đáng lẽ không nên có vì chỉ làm giảm sút nồng cảm khích của truyện) đã làm cho truyện có vẻ chắp vá gượng ép qua đoạn cuối khi “tả” cảnh trò cũ gặp thầy tay bắt mặt mừng để như là để….tỏ ra ở tình đời vẫn còn đẹp. Cái “cổ” rất cũ là ở chỗ gượng ép như vậy.

     * Dốc hiểm nghèo

(tr.79 – tr.97) một truyện thường khác trong Khoảng Mát. Đọc cho hết truyện, thật không thể tìm ở đâu ra một con dốc hiểm nghèo nào. Truyện thiếu chất sống và quá nhẹ nếu không muốn nói là nhạt. Truyện lại cơ hồ chất đầy một thứ trưởng giả và ảo giác thoát. Nhân vật tôi lãng đãng như muốn bay bổng tâm hồn vào chốn phù du của hoa bướm tựa hồ như một dịp giải thoát trong thoáng chốc. Nhưng vì nó không xuất hiện từ một nguồn sáng tạo theo nhịp điệu thực của cảm tính nên văn thiếu hẳn chất truyền đạt. Sự dựng truyện có vẻ trình diễn có nghệ thuật song không nắm vững được nghệ thuật của tương ngộ nhân vật trong một hình tượng sống.

     Sau Dốc hiểm nghèo là hai truyện Con đường gaiKhoảng mát. Hai truyện này, độc giả có cảm tưởng Võ Hồng như cạn đề tài, nên không đạt được sắc thái rõ rệt. Tuy Khoảng mát có nói lên được một vài sinh hoạt hồn nhiên và cảm động giữa khung cảnh gia đình cha con, song nó vẫn khô khan thiếu cảm tính. Nếu Khoảng mát đặt bên một Lạnh tuổi thơ người đọc sẽ ngỡ ngàng trước một Võ Hồng – cái tôi chân thật của đồng hoa cỏ nội và một Võ Hồng khô khan nặng phần trình diễn gượng ép (qua Khoảng Mát) chỉ vì nguồn nước trong đã bị tát cạn.

     Trong tập truyện Khoảng Mát, truyện Cái răng có phần trỗi bật hơn cả. Câu truyện tuy tầm thường nhưng từ sự tầm thường của một cái răng gẫy Võ Hồng đã làm nổi bật được sự độc đáo. “Văn có những kỷ niệm không mấy êm đềm về những cái răng của mình”. Từ đó, ký ức của Văn được viết ra theo diễn tiến của thời gian khách quan qua một thứ ngôn ngữ của đời sống, tươi trẻ và bình dị mộc mạc. Chuyện Cái răng của Văn gắn liền với đời sống của Văn, tương quan với cả biến thái và tiến trình của thời đại.

 

* Chuyện cái răng.                                       

     Răng của Văn trở như cái mốc ghi dấu chân của một đoạn đường kỷ niệm. Hồi nhớ lại ngày anh còn ở trọ cắp sách đến trường, một cái răng đau khiến Văn phải năm im ôm má đưa mắt lên nhìn cảnh xum họp vui vầy của nhà trọ rồi mường tượng đến cảnh quê nhà ở Xóm Lò Gốm “Ôi! Bao nhiêu là đầm ấm thế mà nó phải nằm một mình ở đây, ôm một cái răng nhức”. Bẵng đi một thời gian, cuộc sống không còn ghi dấu bởi những cơn nhức răng. Năm 19, 20 khi chàng ở Hà Nội – xa quê hương cả ngàn cây số - Văn lại bị ám ảnh về một cái răng hàm có chấm đen. Cái răng lại thêm một lần nữa ghi dấu kỷ niệm của Hà Nội (từ tiệm trồng răng Minh Sinh đến trường Thuốc. Và đã bao lần chàng phải thuyết trình về tiểu sử của nó cho Nha sĩ do thám rồi rọi hình kềm cặp). Cái răng cứ như thế đuổi theo chàng như thân phận chàng từ năm 19, 20 đến khi trưởng thành rồi già nua theo năm tháng. Cái răng vẫn là một ám ảnh. “Văn thấy đầu mình choáng váng như vừa nhìn phải một cái chớp giật”. Sự đau đớn của thân xác chỉ do cái răng đã cho đời chàng nhiều kỉ niệm khó quên , đã làm tâm hồn chàng càng thêm phong phú, sâu sắc, và đồng thời cũng do cái răng. Như chừng nó đã giúp chàng khám phá ra bao điều tốt đẹp để thấy rằng đời sống rất khó sống như cái răng rất khó nhai, khó nói khó phát âm nhưng đời sống thật rất đáng sống cũng như cái răng. Không thể tách rời thân xác và tự nó giúp cho ta tìm thấy rõ thực những nhu cầu của thân xác tương quan với tâm thức và tâm thức như một nhu cầu cảm thông giữa người và người. Cái răng quan trọng là vậy. Dù bình thường không ai nghĩ đến nó – Không ai ngờ cái răng lại tác dụng sâu xa đến tâm hồn như vậy.

     Nhà văn chỉ là nhà văn khi chàng không đóng vai trò một người thuật truyện. Qua truyện Cái Răng cũng như Thế giới của Năm Nhiều, Dấu chân sa mạc…Võ Hồng xuất hiện như một người thuật truyện. Ông đã biết dựa vào kinh nghiệm đời sống, một hiểu biết rõ rệt trong từng quãng đời và từng môi trường sống để từ đó ông tự tôi luyện và tập thành một nguyên chất sáng tạo. Chất sáng tạo thể hiện qua chữ viết một tiếng nói bình thường để thuật truyện do chính mình đã sáng tạo ra nó. Qua những truyện vừa kể trên, ta có thể nói Võ Hồng đã thành công một cách đặc biệt trước hết chỉ vì ông đã không tiểu thuyết hóa nhân vật của truyện. Truyện như cơn thức dậy của hoài niệm. Mỗi nhân vật được lồng trong một biến cố. Mỗi biến cố được mô tả như sự xuất hiện tình cờ của ký ức và ở đó – ta có thể nhìn một cách rõ rệt từng con người trong một con người sáng tạo giữa không gian và thời gian. Một khuyết điểm dễ nhận thấy là thường thường , sau mỗi tác động của nhân vật, sau mỗi biến cố trong bối cảnh thời đại. Võ Hồng như có thói quen hay tô điểm bằng những lời bình phát xuất từ một suy tưởng của riêng ông. Song chính những lời bình bằng suy tưởng đó đã chỉ làm cho truyện trờ thành nhiều lời và làm loãng cả chất truyện vốn hàm dưỡng đủ cái tôi chân thực trong nguồn sáng tạo của tác giả. Giá trị của truyện không bao giờ tùy thuộc ở một vài đoạn suy tưởng dễ dãi như vậy. Hơn nữa nó chỉ là sự tỏ bày nặng phần trình diễn và khó lòng tác động đến trí tưởng tượng của người đọc.

     Đứng trong khuôn khổ và nếp sinh hoạt của Văn học hiện đại mà nhận xét, tôi thấy tiểu thuyết Võ Hồng thể hiện rõ một bản chất Việt Nam đặc biệt. Từ đó ta dễ dàng cảm thấy cái dân tộc tính đã bén sâu từ nền gốc tiểu thuyết Võ Hồng. Cái dân tộc tính đó bàng bạc trong tiểu thuyết của ông như ánh sáng và khí lành. Ta chỉ cảm mà thấy. (Dấu chân sa mạc, Thế giới của Năm Nhiều, Tình yêu Đất, Người về đầu non...) Tiểu thuyết của ông còn ẩn giấu một tình yêu quê hương và ta cũng chỉ cảm mà thấy như một khẳng định không hề biện giải.

     Hầu hết văn phẩm của Võ Hồng đã gắn liền với bối cảnh xã hội và lịch sử hiện đại. Song nếu tìm ở văn phẩm của ông về thái độ tiếp nhận của nhà văn trước hai bối cảnh trên trong một nội dung thời đại, ta sẽ chỉ thấy một Võ Hồng lúng túng, mờ nhạt. Ông lại có thói quen hay phô diễn một số tư tưởng nhằm biện giải về một sự kiện, một biến thái trong một hình tượng. Sự phô diễn ấy không có gì đặc biệt và chỉ làm tác động của mỗi nhân vật dễ bị chìm lặng. Tác giả chỉ nên để nhân vật nói và tiếng nói như thế nào sẽ theo tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh. Lời nói của Văn còn có thể cảm được qua sự yên lặng, bằng một tác động hay một hình ảnh, nhờ thế người đọc mới có cơ hội cảm thông trực tiếp qua hoạt cảnh và ấn tượng của truyện.

     Song có điều rõ rệt nhất là tiểu thuyết của Võ Hồng luôn luôn như một nỗ lực, một thực của chính nhà văn hay đúng hơn là khát vọng của một con người muốn vươn lên, được nói lên, và truyền đạt gửi gấm một cái gì từ tấm lòng và nguồn sáng tạo của mình cho Quê hương trong con người. Tiểu thuyết của Võ Hồng nhằm bao quát về Con người trước đã. Ông không nhằm khám phá nó hay phân tách nó (như lối phân tâm mà Nguyễn Mạnh Côn đã ảnh hưởng sâu đậm). Con người trong tiểu thuyết Võ Hồng chỉ là một con người có đấy, nó hiện diện trong phần đời sống của chính nó, tác giả mô tả lại và bằng thiện tâm trả lại giá trị sẵn có của nó chứ không phải chỉ nhằm đặt nó vào trong một số giá trị của riêng nhà văn. Cũng vì vậy, nếu tìm một thái độ tiếp nhận cuộc đời trong toàn bộ tiểu thuyết của ông sẽ là điều không có được hay nếu có thì đã rất mờ nhạt, lúng túng. Mỗi nhân vật của ông là một thái độ riêng và gửi gấm riêng nơi người đọc mỗi thái độ đôi khi đã mâu thuẫn nhau một cách lạ lung chỉ vì mỗi nhân vật đã luôn luôn tự tại trong một ý nghĩa của sự sống. Bản sắc chung của tiểu thuyết Võ Hồng đại đề là vậy.

     Nhân vật của Võ Hồng chỉ là những con người bình thường trong đời sống bình thường của xã hội cho dù xã hội có thay đổi biến thái như thế nào thì con người vẫn là con người có đấy nó đang hiện diện. Tác giả bắt nhịp với nó tri giao cùng nó qua sự đơn giản, bình thường. Nó sống như để mà sống, băn khoăn dày vò trong sự chấp nhận rồi lầm lũi phấn đấu trong tình cảnh chung quanh và trước mặt. Hầu hết nhân vật của ông xuất hiện theo những mảnh vụn của đời sống, xuất hiện tự nhiên không hề có sự giả hình hay do những ám ảnh bóp méo. Tuy rằng, nó vẫn thiếu sự phản kháng. Một sự phản kháng ở ngay những câu thúc trói buộc của đời sống riêng mình. Song điều rất đặc biệt đáng nói là nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã rất gần với mọi người. Nhờ vậy tiểu thuyết của Võ Hồng đạt tới một tinh thần nhân bản lồng trên căn bản thực chất của con người trong quê hương của nó. Nông thôn và tập tục, đồng lúa xanh sông dài và con người sống động trong đó như bao giờ cũng là đối tượng cho lòng say mê của nhà văn họ Võ Ngân Sơn.

 

 

© nhavanVoHong