Nhà Văn Võ Hồng  

 Nói chuyện với tác giả "Thiên đường ở trên cao"

 
 Huy Anh        Báo Tuổi Trẻ         25/5/1988  

   

 Đầu năm 1988, quyển tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao của Võ Hồng được ấn hành. Đó là cuốn tiểu thuyết về nạn ma túy, một truyện tình cảm động được độc giả đón nhận với nhiều cảm tình.

    

Tuổi Trẻ: Ông có thể cho biết ý nghĩa cái tên cuốn tiểu thuyết của ông: Thiên đường ở trên cao? Nhiều đọc giả nói: "Tưởng gì, thiên đường chẳng ở trên cao thì còn ở đâu?"

    

Võ Hồng: Đó là ý nghĩ thông thường của mọi người có nếp sống bình ổn, hạnh phúc. Tôi mừng cho họ. Với những nhân vật nạn nhân của tôi thì không phải vậy. Họ nghĩ, như ở trang 120: Thiên đường thu nhỏ, Niết bàn ngay giữa thế gian, Bạch phiến…Khoái cảm trong đó.(từ dòng thứ 10).

 

Chặng 1940 tôi nhớ được đọc cuốn Paradis Artificiels (Những thiên đường nhân tạo), khảo cứu công phu về những chất gây thích thú say sưa như thuốc phiện, moocphin, bạch phiến, thuốc lá, côca… Lại nói chuyện cũ, năm 1971, trên tạp chí Express số ra tháng 8 có bài nghiên cứu về các chất ma túy. Có đến 650 chất, được chia làm bốn loại chính. Loại tạo ra cảm giác khinh khoái như thuốc phiện. Loại tạo ra sự say sưa như rượu. Loại tạo ra cảm giác "mình là người hùng, siêu nhân" như chất LSD. Loại kích thích sự mơ mộng như lá côca, lá cannabla (còn gọi là cây gai Ấn Độ).

    

Tuổi Trẻ: Trong lời giới thiệu, Sở VHTT Nghĩa Bình có nhận xét: "Tác giả, bằng một hiểu biết sâu rộng và khoa học…"

    

Võ Hồng: Cũng tương đối thôi. Có những cuốn sách tôi được đọc nhưng không dám nêu, chẳng hạn cuốn The Politics of Heroin in Southeast Asia (Chính trị dựa vào bạch phiến) của tiến sĩ Alfred W. McCoy. Cuốn sách được in năm 1972 tại Nữu Ước, Hoa Kỳ, Alfred W. McCoy dẫn chứng tài liệu rất phong phú và chính xác. Ông đã để 18 tháng nghiên cứu tại chỗ, phỏng vấn hơn 200 người có liên hệ tới vấn đề ma túy tại Việt Nam hồi đó.

    

Tuổi Trẻ: Có chi tiết này: Tại sao ông chọn Quy Nhơn làm "địa bàn" tập trung miêu tả mà không chọn Nha Trang là nơi ông đang sống?

    

Võ Hồng: Tôi đã mượn Nha Trang làm khung cảnh cho nhiều truyện như: "Nhánh rong phiêu bạt", "Gió cuốn"… Lần này mượn Quy Nhơn. Nhưng mà tôi vẫn không khỏi bị Nha Trang ám ảnh. Ngôi nhà của Khải, tôi phải mượn vị trí ngôi nhà tôi đang ở. Tôi để Khải bị du đãng đâm ở chặng đường Mạc Đĩnh Chi, từ đó anh kêu xích lô ra dưỡng đường BS Lâm hồi đó ở 118 Trần Quý Cáp. Khi về nhà, anh phải đi ngang trường Nữ trung học hồi đó lấy tên Trường Huyền Trân. Có một bất tiện không vượt qua nổi khi dời Nha Trang về Quy Nhơn, đó là việc Khải đi du ngoạn gặp Trinh ở bán đảo Cam Ranh. Giá để ở Nha Trang thì thuận tiện hơn, vì gần hơn.

    

Tuổi Trẻ: Kìa! Cái bình trà ông đang dùng và những cái tách vẽ hình chum trái mận màu hồng nhạt và màu xám nhạt. Có cả con dao cán trắng gãy mũi đặt nơi khay nước. Vậy ra cô Băng Trinh nhân vật chính của truyện là…

    

Võ Hồng: Xin anh cho phép tôi được miễn trả lời câu hỏi này.

                                                                                          

 

 

© nhavanVoHong