Nhà Văn Võ Hồng  

Nói chuyện với tác giả Như cánh chim bay

 Trần Hoài Thư                    Tạp chí Văn                22-06-69     
 

                  

 

Chúng tôi đến gặp Võ Hồng vào một buổi sáng chủ nhật trong một ngày về phép. Căn nhà nằm trong một khu vực hơi xa phố nhưng chúng tôi còn được nghe sự rộn rịp của xe cộ bên ngoài. Tác giả Gió cuốn tiếp chúng tôi niềm nở trong phòng khách cũng là nơi làm việc của ông.

    Qua chén trà, và những sinh hoạt văn nghệ, chúng tôi được biết ông hiện nay mang trong lòng một mối buồn phiền, -một mối buồn phiền mà chắc chắn các văn nghệ sĩ bạn sẽ sẵn sàng chia sẻ cùng ông- Ý nghĩ phỏng vấn bắt đầu từ đó.

   

Xin ông cho độc giả Văn biết sơ lược vài nét tiểu sử của ông?

    Quê quán tôi ở Tuy An, Phú Yên. Tôi bắt đầu viết khi còn là học sinh trường Collège Qui Nhơn. Rồi kháng chiến, tôi đi dạy ở một trường Trung học. Chính thời gian đó đã cho tôi nhiều khái niệm trong các tác phẩm của tôi về sau này.

   

Xin ông cho biết tác phẩm mới nhất của ông?

    Như cánh chim bay. Nhưng bị gặp trở ngại. Bản thảo hiện đang bị kẹt nơi Sở Phối hợp Nghệ thuật.

   

Bây giờ đến lượt ông?

    Bây giờ đến lượt tôi. Nạn nhân gần đây là cô Trùng Dương. Tác phẩm nạn nhân là Ngàn cánh hạc. Ngàn cánh hạc là truyện dịch. Như cánh chim bay của tôi là truyện sáng tác. Nếu không cho in Ngàn cánh hạc , cô Trùng Dương phiền lòng mười phần thì đến lượt tôi, Như cánh chim bay không được phép in, tôi phải phiền lòng đến một trăm phần.

   

Bởi lẽ?

    Thật dễ hiểu. Bởi lẽ Như cánh chim bay là sách sáng tác. Một cuốn truyện dài là kết quả của một công trình cực nhọc. Thường phải thai nghén hai năm và viết một năm. Ðó là nói một cuốn truyện dài giá trị trung bình và độ dài cũng trung bình, nghĩa là dài khoảng 300 đến 400 trang in.

   

Tốc độ sáng tác mà ông nói đó có phải là tốc độ tiêu chuẩn?

    Tốc độ trung bình thì có lẽ đúng hơn. Có tác giả viết mau hơn. Có tác giả viết chậm hơn. Tôi thuộc loại tác giả viết chậm. Hoa Bươm bướm in năm 1966. Ba năm sau tôi cho in Như cánh chim bay.

   

À, trước đây tôi có đọc Hoa bươm bướm của ông và tôi thấy nhà xuất bản Lá Bối rao rằng truyện Hoa bươm bướm sẽ được tiếp theo bằng truyện Như cánh chim bay.

    Ðúng như lời anh. Những nhân vật trong Hoa bươm bướm độc giả sẽ gặp lại trong Như cánh chim bay.

  

Xin lỗi ông cho tôi đi trở lại một chút. Lúc nãy ông nói thời gian sáng tác một cuốn tiểu thuyết dài phỏng định là ba năm (hai năm thai nghén và một năm viết). Ông có thể giảng rõ việc thai nghén và viết nó khác nhau như thế nào?

    Dùng chữ "thai nghén", ý tôi muốn nói là đặt trọng tâm cho câu chuyện, xây dựng cái sườn, tạo ra nhân vật, xếp đặt tình tiết của câu chuyện. Công việc này đeo đuổi người tác giả thường xuyên, lúc nào cũng bắt y suy nghĩ, suy nghĩ (ông khẽ nhắm mắt lại) suy nghĩ. Sau khi các tình tiết của câu chuyện đã xếp đặt ổn thỏa hợp lý thì bắt đầu viết.

   

Cám ơn ông đã giải thích chi tiết. Tôi hỏi có hơi xa đề nhưng đó cũng là một dịp tốt để độc giả hiểu qua nỗi khổ nhọc của người viết và do đó họ cảm thông với nỗi buồn phiền hay uất ức của người tác giả có tác phẩm không được phép in. Nhưng, xin ông cho phép tôi dài dòng thêm một chút, cái thời gian ba năm viết một tác phẩm mà ông vừa nói, đó là kinh nghiệm riêng của ông?

    Không phải của tôi. Dường như đó là câu của André Gide trả lời một nhà báo phỏng vấn. Lâu ngày, tôi không còn nhớ chắc có phải André Gide không, nhưng nội dung câu trả lời là như vậy. Và cái kinh nghiệm cầm bút cho tôi thấy cái thời gian đó không phải là quá dài.

   

Bao nhiêu công phu như vập mà cuốn sách không được phép in thì nỗi phiền của ông phải lớn lắm?

    Ðúng nhu anh nói. Nhất là cuốn truyện không đáng được Sở Kiểm duyệt bắt tội như vậy.

   

Ông có thể cho tôi biết Sở Kiểm duyệt, à quên, Sở Phối hợp Nghệ Thuật, nhận định thế nào khi không cấp giấy phép xuất bản cho tác phẩm của ông?

    Tôi không trực tiếp nhận lời chỉ giáo của Sở Kiểm duyệt. Nhà xuất bản đưa đi kiểm duyệt và ông giám đôc nhà xuất bản viết thư cho tôi rằng, đại để Sở Kiểm duyệt bảo: Nhân vật chính trong truyện khi trở về miền Quốc gia chưa biểu lộ một tinh thần Quốc gia rõ rệt. Sở Kiểm duyệt yêu cầu tác giả sửa lại theo tiêu chuẩn đó trước khi được phép in.

    Vâng, Luân là nhân vật chính. Trong Hoa bươm bướm, Luân là một thanh niên trí thức tiểu tư sản, con nhà địa chủ. Anh ta yêu nước như mọi thanh niên khác vào thời đó, mà tuyệt đối không có lập trường chính trị. Anh ta ghét thực dân Pháp, tham gia chính phủ Trần Trọng Kim rồi khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ anh ta tham gia cuộc kháng chiến. Có điều không tích cực lắm bởi lẽ anh ta mang cái mặc cảm mình là một phần tử của chính phủ Trần Trọng Kim.

   

Dường như có một nhân vật nữ nữa?

    Tên là Quỳ. Quỳ là thành phần tư bản, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp nặng hơn và đời sống ở thành thị mang nặng dấu vết thân Pháp hơn. Có bị bắt, bị giam và khi thả ra cô cũng tham gia kháng chiến.

   

Lại cũng không tích cực bao nhiêu...

    Ðúng. Các nhà phê bình văn học như ông Nguyễn Mạnh Côn, ông Uyên Thao, ông Cao Thế Dung đều có nhận xét đó. Các ông ấy đều bảo rằng những nhân vật đó còn sống ngoài lề cuộc kháng chiến.

   

Ông cũng công nhận?

    Biết nói sao? Bởi lẽ tôi đã sắp đặt như vậy. Tôi để sang cuốn thứ hai, cuốn Như cánh chim bay họ kháng chiến tích cực hơn.

   

Vì thế nên cuốn truyện bị làm khó dễ?

    Thật ra thì họ cũng tích cực hơn trong phạm vi những người thanh niên yêu nước. Luân được giao phụ trách Bình dân học vụ của một huyện rồi sai đó anh ta lên làm Trưởng Ty Bình dân học vụ. Quỳ thì đi dạy giúp một lớp huấn luyện văn hóa cho chị em cán bộ phụ nữ.

   

Cán bộ tức là đoàn thể, tức là tham gia chính trị rồi.

    Tôi không để cho họ tham gia chính trị mà cả hai chỉ hoạt động trong ngành văn hóa giáo dục. Hoạt động như đại đa số những thanh niên trí thức khác không hề có chân trong đoàn thể.

   

Tôi hiểu. Ý ông muốn tránh nói đến chính trị.

    Tôi không có ý đồ chính trị khi viết bộ trường giang tiểu thuyết này. Tôi chỉ khách quan mô tả lại những cảnh sống của quần chúng trong thời kháng chiến chống Pháp.

   

 Khó lòng mà tránh động chạm đến chính trị bởi chính trị nó nằm ở trong mọi địa hạt sinh hoạt.

    Tôi hiểu vậy nên thật là khó viết. Tôi phải lục bỏ những gì có dính dáng đến chính trị, và đó không phải là một việc dễ làm.

   

Nhưng sao ông lại chọn chi một việc mà ông biết là không dễ làm?

    Bởi, như tôi đã trình bày với anh khi nãy, tôi muốn cho cuốn sách của tôi khách quan hết sức, vô tư hết sức.

   

Ông nghĩ rằng ông đã đạt được mục đích đó?

    Tôi cho rằng tôi đã đạt được. Tôi biết anh đang nghĩ là tôi chủ quan. Nhưng tôi có thể tin tôi bởi vì một nhà phê bình, ông Trần Thiện Ðạo, khi phê bình Hoa bươm bướm đã nhận xét như vậy (1)

   

Tôi thấy từ nãy đến giờ ông hay nhắc đến chữ "khách quan, vô tư", coi như đó là tiêu chuẩn ông tự vạch ra khi cầm bút. Ông không chịu dấn thân như nhiều tác giả trong thời đại của ông...

    Vô tư và khách quan cũng là một cách dấn thân. Ông không nghĩ rằng "vô tư" là một thái độ sao? Tôi chuộng sự thật và như ông thấy đó, muốn nói cho được sự thật đâu phải là chuyện dễ. Tới đây xin ông cho tôi phép tôi được nói ngoài lề một chút. Tôi rất có cảm tình với những phóng viên báo chí -cố nhiên là những phóng viên theo đúng nghĩa của nó- nghĩa là vô tư, chỉ biết viết sự thật, những điều tai nghe mắt thấy. Hai nước đang tranh chấp nhau, thì nước nào cũng nói tốt cho phần mình và chê bai nhục mạ kẻ đối địch của họ. Muốn biết rõ sự thật, người bàng quang chỉ còn có cách là đọc những bài của phóng viên, nhất là phóng viên ngoại quốc.

   

Tôi hiểu ông định nói gì. Có phải rằng những điều ông viết có phần nào... giống như những điều viết của một phóng viên?

    Có phần giống như thế và cũng có phần khác. Bởi lẽ tôi không phải là một phóng viên. Tôi viết tiểu thuyết và dưới ngòi bút của tôi các nhân vật đều có nếp suy tư của họ. Những suy tư đó đều hướng về tình yêu nước, chịu những gian khổ để kháng chiến chống Pháp. Thế hệ thanh niên miền Nam chúng ta được biết bao nhiêu về giai đoạn kháng chiến đó? Họ không biết rằng những người kháng chiến ngày xưa là những nguời hiện sống cạnh họ hôm nay, là chú bác ba má họ, là những người công chức, là quân nhân vào cỡ tuổi 35 đến 50 tuổi, là đồng bào nông thôn và công chức thành thị. Viết về cuộc kháng chiến với một quan điểm minh bạch như vậy mà Sở Kiểm duyệt nghi ngại thì thật có hơi hẹp hòi.

   

Ông có trình bày quan điểm của ông cho Sở Kiểm duyệt?

    Có.

   

Ông có thể cho độc giả Văn biết những quan điểm ấy?

    Tôi trình bày câu chuyện Như cánh chim bay không dừng lại ở dấu chấm hết của cuốn truyện mà nó sẽ còn tiếp tục ở những cuốn sau. Tôi dự định viết bốn cuốn lấy bối cảnh cuộc kháng chiến. Hoa bươm bướm là giai đoạn chính phủ Trần Trọng Kim, cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến, Hiệp định sơ bộ. Như cánh chim bay là giai đoạn 1946 đến 1949. Sẽ có hai cuốn nữa giành cho giai đoạn 1949 đến 1954.

   

Ông đã viết xong cả?

    Chưa. Tôi dàn xong cuốn thứ ba.

   

Ðầu đề của cuốn thứ ba là gì?

    Tôi chưa tìm ra.  Ban đầu tôi định đặt tên là Ngày về. Sau tôi đổi ý kiến. Ngày về sẽ là tên cuốn thứ tư. Cuốn thứ ba tôi chưa tìm ra tên. Như vậy là trong cuốn Như cánh chim bay nhân vật chính chưa về miền quốc gia. Nhân vật chính còn đang kháng chiến. Tôi cũng có trình bày với sở kiểm duyệt là bộ tiểu thuyết của tôi, tôi muốn được coi là một bộ sử. Tôi viết dưới dạng tiểu thuyết cho người đọc thấy hứng thú. Tôi chỉ nhằm mục đích văn hóa, muốn ghi lại cho các thế hệ đàn em được rõ những nếp sống của dân tộc trong thời kỳ chống Pháp. Hoàn toàn không có mục đích chính trị.

   

Ông có thể nhân đây, nói qua cho biết nếp sống mà ông đã chọn để ghi lưu lại cho thế hệ đàn em, như ông nói?

    Nhiều lắm. Ngay ở trong Hoa bươm bướm anh cũng đã thấy rồi. Trong Như cánh chim bay tôi có tả lại cảnh giáo viên Bình dân học vụ dạy học trong những cái chòi lá, cảnh đóng cổng đố chữ, cảnh giao thông bằng xe goòng, cảnh xung phong nhập ngũ, cảnh gia tăng sản xuất, cảnh vận động đời sống mới, cảnh tắm bằng lá chuối.

   

Tắm bằng lá chuối?

    Có nhiều điều để kể cho anh ngạc nhiên nữa. Ðối với lớp tuổi thanh niên thành thị thì sự ngạc nhiên còn nhiều hơn đối với anh.

   

Như cánh chim bay không được phép in, ông có biện pháp nào không?

    Tôi biết biện pháp gì bây giờ? Quyển truyện được in, tôi sẽ thăm dò dư luận khen chê để tôi viết cuốn tiếp theo. Ông đọc Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi rồi chứ gì? Ðể viết bộ sách đó, Tolstoi đã đọc kỹ không biết bao nhiêu là tài liệu đã được in rồi. Ở miền Nam, tôi muốn tìm tài liệu, mà không có. Tôi đành phải căn cứ vào những cuốn sổ nhật ký cá nhân và số ít, rất ít những tác phẩm, những bài viết về thời đó. Tôi phải hỏi chuyện những người thời kháng chiến và họ kể lại theo trí nhớ của họ. Cuốn sách của tôi không thể đầy đủ được, nhưng tôi nghĩ rằng những cuốn sách sau nó sẽ đầy đủ hơn. Mọi chúng ta phải hy sinh để kẻ đến sau có kinh nghiệm. Ðó, làm việc trong những hoàn cảnh thiếu thốn như vậy, đã không được khuyến khích mà còn gặp thêm trở ngại, anh em nghĩ xem làm sao mà các tác giả của ta có thể làm giàu cho kho tàng văn hóa đất nước được?

   

Lúc nãy ông nói rằng cuốn Như cánh chim bay, ông đã dựng xong cái sườn rồi. Vậy ông có định viết tiếp không? Theo tôi thì dù hôm nay Như cánh chim bay chưa được phép in, nhưng ông cứ viết cuốn tiếp theo. Bởi lẽ Sở Kiểm duyệt có thể sẽ xét lại.

    Tôi định nghỉ hè có thì giờ rảnh rỗi tôi sẽ bắt đầu viết. Nhưng không biết có đủ hứng thú để viết không.

   

Bản dịch Ngàn cánh hạc của cô Trùng Dương đã được Sở Kiểm duyệt xét lại và cho phép in rồi mà, ông có hy vọng...

    Tôi cũng mong rằng cuốn Như cánh chim bay cũng sẽ được Sở Kiểm duyệt xét lại và cho phép in.

   

Tôi cũng mong như vậy.

    Nắng đã hơi lớn ở ngoài sân. Tôi nghĩ rằng những câu hỏi của tôi cũng đã tạm đầy đủ. Một vị tu sĩ vào mời ông tham dự một cuộc du ngoạn với anh em học sinh. Ông cáo vì bận. Nhìn ông ngồi trong chiếc ghế bành rộng, tôi ngỡ rằng nhà văn của chúng ta là đang bị lẻ loi hơn bao giờ hết.


(1) Tân văn số 1, tháng 10.1967, ông T. T. D. có viết: "chúng ta đòi hỏi ở nhà văn hóa cái duyên kể chuyện, trình bày khách quan, và cung cấp cho chúng ta đầy đủ tài liệu, dù một cách gián tiếp, mà vẫn tôn trọng quan điểm riêng rẽ của từng người chúng ta. Với Võ Hồng, chúng ta được toại nguyện về phương diện đó"

 

 

© NhavanVoHong