Nhà Văn Võ Hồng  

Quê hương – đất và tình người.

 Cao Thế Dung.                Quần Chúng      5.6.1969

 

 

2 - Vết hằn năm tháng

 Vết hằn năm tháng, tập truyện (Lá Bối xuất bản-Saigon 1965) gồm 6 truyện: Những bí mật của anh Đỗ Cúc – Người thứ ba – Tình yêu đất – Lạnh tuổi thơ – Vết hằn năm tháng – Thế giới của Năm Nhiều.

     Vết hằn năm tháng so với Hoài Cố Nhân, Võ Hồng quả đã vượt qua một đường bước dài về phương diện kỹ thuật viết. Ở Hoài Cố Nhân kỹ thuật viết cũng như dựng truyện còn quá non tay vì nặng phần trình diễn kể lể cho nên thiếu thanh thoát, tự nhiên. Tác phẩm thứ ba của Võ Hồng đã vươn lên hẳn, đã cao hơn hẳn và tự nó đã chuyên chở riêng một kỹ thuật viết có thể nói là đặc biệt. Võ Hồng từ kết cấu truyện đến cách sử dụng ngôn ngữ và một cú pháp của riêng Võ Hồng tuy mực thước trang trọng nhưng vẫn có vẻ mới. Nói là mới vì chữ nghĩa trong Vết hằn năm tháng (cùng những tác phẩm sau này) luôn luôn tương quan với vị thế của mỗi nhân vật trong truyện – giữa người nói và người nghe, giữa cái bên trong và cái ngoài lề, giữa thực tại và tiểu thuyết – Đọc 8 tác phẩm của ông khởi từ Vết hằn năm tháng đến Gió Cuốn, kỹ thuật viết của ông hầu như luôn luôn được đặt trên một tiến trình mạch lạc và trong đó ta sẽ tìm ra một kiến trúc ngôn ngữ như kiến trúc của căn nhà Việt Nam. Và ở đó ta tìm thấy sự tương hợp và hòa diệu một cách phân minh giữa từ (termes) và Ý. Võ Hồng sử dụng cú pháp và ngôn ngữ một cách chừng mực và thận trọng. Khi chưa tự tìm được một cái Mới hoàn toàn tất thị chưa thể phá. Nếu phá sẽ chỉ đưa đến sự xáo trộn và trở thành lập dị ngây ngô. Võ Hồng qua Vết Hằn Năm Tháng có thể nói ông biết nương theo những biến thái mới của thời đại rồi phối hợp với cái đã có để uyển chuyển tập thành một kỹ thuật viết riêng rẽ Võ Hồng. Nhờ vậy, kỹ thuật viết của ông có mực thước, thận trọng một cách phải chăng nhưng vẫn đạt được khả năng thông đạt của ngôn ngữ. Ngôn từ trong văn ông-lớp người mới có thể cho là cổ song không ai có thể phủ nhận nó vẫn đủ ngữ ý (signifié) vụ về sự điển hình. Nhờ thế, văn ông tuy có phần mộc mạc mà vẫn dễ dàng cảm xúc nhờ tác dụng qua những ký hiệu tạo hình của ngôn ngữ. Những ngôn ngữ ấy không phải là những gì cao xa, bí hiểm, lập dị. Nó có ở ngay trong thế giới ngôn ngữ đời sống nghĩa là thứ ngôn ngữ bình dị của anh Đỗ Cúc, của dân cầu Thị-Lạc, của Làng Ngân Sơn, của lão Túc, của Năm Nhiều…Nhờ thế, cũng như thế giới của Năm Nhiều, Lạnh tuổi thơ, Tình yêu đất…Vết hằn năm tháng đã thành công trong một phần hình thức phát hiện từ khả năng thực. Hình thức ấy không phải một sự choáng lộn làm dáng hay hàm hồ nói để mà nói (verbalement).  Hình thức của một tương quan giữa chữ viết và người sáng tạo do kỹ thuật và nghệ thuật là một phối hợp và từ đó truyện có đủ khả năng chuyên chở chất liệu đời sống. Vết hằn năm tháng, Lá vẫn xanh, Con suối mùa xuân có đủ ưu điểm độc đáo như vậy.

     Vết hằn năm tháng có ba truyện đặc sắc hơn cả: Người thứ ba – Tình yêu đất – Lạnh tuổi thơ. Nhưng Tình yêu đất nổi bật nhất và là một trong mấy truyện hay của Võ Hồng.

     * Truyện Anh Đỗ Cúc

là một truyện vừa (trung thiên tiểu thuyết – 41 trang). Truyện này không có gì đặc sắc điển hình có lẽ cũng chỉ vì đời anh Đỗ Cúc đã không có gì đặc sắc. Một cuộc đời bình dị như anh Đỗ Cúc đã sống và sẽ chết như một cam chịu bất lực trải dài trên nỗi thăng trầm của thời đại. Nếu chỉ đọc đời anh như đời một người trong cái thông thường mờ nhạt nhất thì cuộc đời ấy không nói lên được một ý nghĩa nào để có thể tạo nên một điển hình rung động đáng cho ta cảm và nghĩ. Anh sống theo mực thước đã có rồi cuộn tròn đời sống trong sự đã có như vậy. Đời anh chỉ là chuỗi dài những chấp nhận và toa rập theo khuôn thước (như thuở anh đi học thì bắt chước thầy làm văn mô tả theo mẫu mực của một cuốn tiểu thuyết. Và lớn lên lấy vợ sinh con đẻ cái cũng vẫn cuộn tròn thân thể trong cái vòng tròn của thân thể đã cam chịu như anh). – Anh là một người cẩn thận. Nên anh đã cẩn thận đặt vào cuộc đời anh trên những ô vuông và đường kẻ thẳng do thông lệ và quy ước sẵn có đã tập thành cho anh. Tóm lại, đời anh Đỗ Cúc thu gọn trong giòng văn. Anh dường như lúc nào cũng tự quên mình đi. Những áng văn chương lâm ly hồi đi học là ảnh hưởng của những quyển tiểu thuyết đương thời. Lớn lên đi làm anh chịu ảnh hưởng của thầy anh, cũng rộn ràng những chức tước, phẩm hàm, hoành phi câu đối. Khi lập gia đình thì anh là hình ảnh được thu nhỏ lại của vợ con anh: anh chăm lo nhà cửa, bỏ vốn gây lời và kiêng kỵ một số những tên húy của tổ tiên” (tr.49-50).

     Cuộc đời khuôn thước và rất mực bình thường của Đỗ Cúc không có một nét nào đáng cho ta rung cảm. Song cái khuôn thước rất mực bình thường của nhân vật này ta có thể tìm thấy bất cứ ở đâu và bất cứ trong thời nào vì nó là cái phổ biến thông thường của một đời sống con người. Võ Hồng thành công về một điểm đó và chỉ có một điểm đó thôi. Nghĩa là, ông đã khéo sử dụng giòng ký ức của một người cũng những tế nhận trong tâm thức của một người để vẽ lại một người bình thường như anh Đỗ Cúc. Từ đó, ta thấy rằng, mỗi người dù là một người tầm thường cũng vẫn có một cái gì khác ta, khác kẻ khác. Vì thế, nên nhân vật tôi trong truyện cho dù cố gắng đến mức nào vẫn không thể phỏng theo và bắt chước như kiểu cách cùng lối sống của anh Đỗ Cúc. Nét chính ở truyện thể hiện ở điểm này “không có một anh Đỗ Cúc thật ở chỗ nào hết mà đó chỉ là tiếng vang trung thành của những tiếng động ngẫu nhỏ ở đâu đây” (tr.50).

     Nếu truyện kết thúc ở ngay giòng văn này thì thật khéo. Nó vừa bộc lộ được chú ý của tác giả, nó vừa làm nổi sự hiện diện của Đỗ Cúc trong giòng sinh tồn như cánh lá trên con sông bình lặng. Song tác giả đã cố kéo dài thêm một đoạn nữa như vậy quả là thừa vì nó dài dòng và chỉ như một lời bình thêm thắt thiếu hẳn nghệ thuật.

     * Vết hằn năm tháng

 (tr.149-188) truyện ghi những kỉ niệm trong dòng đời một người – trong đời Doãn – Những kỷ niệm đó như chất men ấp ủ trong tâm hồn Doãn, kỷ niệm nho nhỏ và êm mát như mây thu. Nhờ nó Doãn cảm thấy sự sống thật đáng sống dù có bao điều phiền muộn náo động đổi thay, biến dạng, duy chỉ có kỷ niệm vẫn còn lại và người ta nuôi dưỡng tâm hồn bằng kỷ niệm đó. Cuộc đời thầy giáo của Doãn trước hết đã không hơn cái vòng tròn hạn hẹp và rất khuôn thước như cuộc đời Đỗ Cúc. Nhưng trong và từ cái vòng tròn đời sống nhỏ bé của riêng chàng Doãn cảm thấy yêu đời đáng sống và chàng thấy rằng không phải chàng sống cho kẻ khác mà sống cùng kẻ khác. Nhờ vậy, Doãn tri giao với thế giới nhỏ bé của mình một cách thân mật bằng thứ thân mật quê nhà anh em. Tuy Doãn không thể cởi bỏ được đời sống trong những ý tưởng đóng khuôn nhưng anh cũng không thể bịt kín con mắt trước những biến thái và dao động trong cuộc đời thực tại. Doãn là một người. Doãn biết rõ chàng là 1 người. Một người chân thực giữa những mâu thuẫn ràng buộc một đằng muốn vươn lên một đằng đành thất thủ. Rồi con người ấy nằm dài trên sự im vắng và chỉ còn lại một vùng kỷ niệm. Đôi lúc trở mình thức dậy cùng với khắc khoải muốn phá bỏ những ràng buộc đâu đây. Song Doãn vẫn chỉ là Doãn bất lực như một con người đâu đây, và đành cam chịu bị cuốn tung vào thực tế mà ở đó chỉ còn lại những trái ngược với tâm tư và ước vọng. Trước sau Doãn vẫn còn lại một miền ước vọng tha thiết đi tìm kiếm cho được một người bạn nào ở đâu đây.

     “Doãn mỉm cười với mọi người, hò hẹn với mọi người. Chàng biết sự vui vẻ bồng bột chỉ nhất thời, rồi sau đó sẽ trở lại cuộc sống quen thuộc bình thường như con ngựa của anh đánh xe đi lại thuộc lòng trên con đường mòn, trên lối cũ. Dự định cho hả, mơ mộng cho hả, vì họ biết rằng chỉ đến bấy nhiêu đó rồi hết. Cuộc đời sẽ kéo họ lại đúng vào con đường bình nhật của họ” (tr.187). Đấy là hình ảnh Doãn – hình ảnh của một con người bị phân thây giữa thực tại và ước mơ. Song Doãn vẫn còn lại một nụ cười, còn lại lại một hò hẹn. Với Doãn, sống ở đời như lúc nào cũng băn khoăn về một điều ẩn ức ẩn ức cần nói ra, cần ước mơ, cần hò hẹn để được chia sẻ trước khi bị khuấy động. Với Võ Hồng qua Vết hằn năm tháng qua nhân vật Doãn là những hi vọng cần được nói ra cho một điều cần nói, cần ước mơ, cần hò hẹn…

     Doãn xuất hiện như một tri giác tìm đến tha nhân trong cuộc kiếm tìm trò chuyện để nói và được nghe. Song cuộc đời chàng thì vẫn chỉ tròn vo, lăn như một hòn bi. Con người lạc lõng chân thân của mình từ đó. Rồi nó ám ảnh Doãn, bóp méo cả tâm tư Doãn – “Cứ như thế mỗi mùa thi đến, làm xáo trộn tâm hồn của họ, trong 15 ngày: gặp gỡ mơ mộng, nhớ nhung chia ly…Rồi sau đó ngày tháng chồng chất lên ngày tháng, kỷ niệm bị phủ bụi ngày một dày thêm cho đến hè năm sau những cuộc gặp gỡ khác, mơ mộng nhớ nhung ly biệt khác sẽ tiếp diễn, cũng sâu đậm, tha thiết, xót xa” (188). Cái hay cái đẹp trong truyện này là ở những điều thông thường dễ cảm trong đời sống. Doãn thể hiện có một cái tôi chung: chân thực tuy tầm thường nhưng là sự tầm thường chân thực và rất người.

     * Thế giới của Năm Nhiều

tôi cho là một truyện hay nhất của Võ Hồng về phương diện thực tả (mà vẫn như không thực tả). Đọc Năm Nhiều có cảm tưởng như đang sống với một hạng người Việt Nam chân chất trong chốn bùn lầy nước đọng ở nông thôn. Mới đọc qua, ta sẽ tưởng rằng, Năm Nhiều chỉ là một nông dân u mê ám muội. Nhưng không, không phải thế. Đời sống của Năm là cả một ý nghĩa – “Những bữa có giỗ thì nhà Năm Nhiều tấp nập khỏi phải nói. Anh lục đục nấu nướng đầu tắt mặt tối dù cho nhà anh có dư đàn bà để lo việc ấy (…) Nhưng họ chỉ được anh sai bảo vặt. Việc nấu nướng xôi thịt, đơm đĩa anh đều tự đảm nhiệm hết. Xong rồi cũng chính anh lo sắp dọn bàn. Rồi rửa mặt thay áo dài, đội khăn, anh châm hương, châm đèn đứng lầm thầm khấn. Về điểm này, anh có khác mẹ anh. Bà cụ thì khấn to như đang nói chuyện với khách. Mà bà cụ đang nói chuyện thật. Lúc giỗ chồng bà thì bà kể lể những lúc ông đi binh cách” (tr.201-202). Năm Nhiều coi việc giỗ tết cúng kỵ là một giá trị thiêng liêng. Giá trị thiêng liêng đó tự nó đã hàm chứa một nền tảng triết lý giữa con người và thần linh, giữa sự sống và sự chết trong cảm thông tương giao giữa người và người. Một con người tìm thấy trong giá trị thần linh và quê hương. Năm Nhiều có tư cách như một vị chủ tế trước đấng cao cả của Anh tuy mơ hồ mà có thực.

     “Khi rót rượu, anh cũng lễ độ đúng mực. Tay phải cầm bình rượu chúc xuống còn tay trái vòng ngang để giữ vạt áo dài” (tr.209).

     Phong cách ấy là phong cách thực của bản chất nông dân Việt Nam. Khi nói sự giỗ chạp cúng tế của Năm Nhiều tự đã mang một nền tảng triết lý tuyệt nhiên không thể là một sự gán ghép chữ nghĩa cho Năm Nhiều. Thứ triết lý kia Năm Nhiều không hề suy cảm thấy vì nó vượt ra ngoài khả năng chất phát của anh. Song nó đã tự tại trong anh, và hàm dưỡng và ẩn giấu trong tìm thức của anh và xuất hiện qua cử chỉ, phong cách anh như một thói quen của tập tục lề thói. Và cuộc đời sống động trong đó tin yêu để tìm kiếm Hạnh Phúc cũng ở trong đó. Và quả nhiên nó là thứ triết lý tự tại trong anh “Tối hôm trước ngày ra trường là buổi cúng khai lâm. Con gà luộc nằm trong cái dĩa lớn ngửng mặt nhìn trời. Mình nó vàng bóng loáng như mỡ. Hai bên là hai dĩa xôi trắng. Anh Năm tắm cho tôi rồi bắt mặc quần áo mới. Anh đẩy tôi lại gần con gà, nơi cha tôi đang đứng lầm rầm khấn” (tr.123). Nếu quan sát như một nhà dân tộc học thì thái độ và cử chỉ trên của Năm Nhiều đều bao trùm một ý nghĩa thâm trầm đủ nói lên niềm khát vọng minh mẫn của một con người trước những huyễn tượng thần bí. Năm Nhiều đã tìm được đời sống của anh trong đó. Vậy thì, khi miêu tả thái độ và cử chỉ của Năm Nhiều, tác giả đã tạo cho ta một số ý nghĩ sâu xa hơn, khác hơn về điều mà ta có thể cho là Năm Nhiều mê tín dị đoan.

     Nhân vật Năm Nhiều thật dễ thương và sống động như một con người xương thịt trước mắt ta. Trước hết Võ Hồng đã đạt được một thứ văn ngay thẳng nói về một con người như Năm Nhiều và bằng thứ ngôn ngữ của tiếng nói. Trước hết, Năm Nhiều hiện diện rõ rệt như một sự nói thẳng và nói rõ những gì muốn nói. Từ đó nếu Năm Nhiều có mê tín dị đoan thì tự nó đã mang bản tính con người vì Năm Nhiều là con người thực cái trình của Năm Nhiều có thể tìm thấy qua một đoạn tả thật hay: Một anh bạn hỏi:

          - Chị ba sống một mình không biết buồn à?

          - Buồn chứ. Nhưng biết sống với ai cho có hai mình?

          - Để tôi làm mối anh Năm Nhiều cho chị.

          - Em nghèo lại tản cư mà. Anh Năm Nhiều đâu có thèm em.

          Năm Nhiều cười húp hai con mắt, không biết nói sao.Tối đó anh trằn trọc không ngủ được. Hôm sau bần thần không làm gì được. Cứ hay mỉm cười một mình và lát lát nhìn vào chiêc gương soi” (tr.224).

     Đọc Thế giới của Năm Nhiều, ta dễ dàng tìm lại được quê hương trong dĩ vãng. Thứ quê hương được xây dựng trên nền tảng của lòng thành qua một tin yêu……..Năm Nhiều thương chị Ba qua tình yêu của nền tảng quê hương lòng thành đó. Sự không biết nói sao của Năm Nhiều đã là sự nói không thể hết lời của anh nông dân thuần chất này. Cũng như khi anh cung kính dâng lễ vật lên tổ tiên ông bà, ở đó là một sự hiệp nhất. Tình yêu của anh với chị Ba cũng là một sự hiệp nhất.

     Một đàng đi tìm sự hiệp nhất giữa kẻ sống và người chết giữa vô hình và hữu hình. Đằng khác tìm đến sự hòa diệu làm một của một người nam và một người nữ đặt trên sự thuận lòng, tin yêu và tương kính.

     Đã lâu rồi, người ta thường nhìn người nông dân Việt Nam qua con mắt của của nền văn minh đô thị. Hay khác hơn bằng cái lăng kính của sự tiến bộ khoa học. Nếu nhìn bằng con mắt như vậy thì Năm Nhiều chỉ là kẻ u mê kém cỏi, và mắt vẫn còn nhắm chặt trước ánh sáng của tiến bộ. Nếu như vậy thì quả rằng Võ Hồng đã không soi sáng được một thực chất tiến bộ nào qua văn chương và đồng thời ông đã đồng lõa với sự mê tín dị đoan. Nhưng không phải thế, Năm Nhiều rõ rệt là một con người Việt Nam thuần hành.

     Võ Hồng qua thế giới của Năm Nhiều là sự trở về cội nguồn. Năm Nhiều qua sự tôn sung cúng kỵ rất tôn nghiêm bằng một lòng thành nhất của anh chính là giềng mối nền gốc nông thôn Việt Nam. Thiết tưởng, những cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm của dân tộc ta đều xuất phát từ giềng mối đó và thúc đẩy mãnh liệt cũng từ căn bản của lòng tin nhiệt thành nhuốm mùi tôn giáo như vậy qua một Năm Nhiều. Nông thôn Việt Nam bao giờ cũng là một thành trì chống xâm lăng vũ lực và văn hóa thì chính những người như Năm Nhiều đã tạo nên bức thành trì này. Họ thì khiêm tốn bé nhỏ như 1 viên gạch. Cuộc đời của Năm Nhiều đã gắn liền với nông thôn nên cho dù Năm Nhiều phiêu lạc lên chốn thị thành để mưu sinh song anh vẫn không thể nào quên nơi chôn nhau cắt rún – quê hương đích thực của anh. Bởi vậy dù nghèo túng dù phải vay công mắc nợ Năm Nhiều vẫn cam chịu một cách thỏa lòng miễn sao anh được trở về quê vào những ngày cúng kỵ những ngày thiêng liêng nhất đối với anh – Năm Nhiều nói “tốn thì tốn mà không về không được chẳng lẽ ngày kỵ ngày giỗ mà lại…” (tr.245).

     Điều đáng tiếc là Võ Hồng đã mô tả Năm Nhiều một cách không khéo nên anh dễ trở thành một kẻ mê tín dị đoan. Tôi đọc truyện này đến ba lần và nếu bỏ qua sự mô tả không khéo như vậy thì Năm Nhiều phải là một nông dân đáng kính. Văn Võ Hồng trong truyện này như có vẻ phảng phất ảnh hưởng một Lỗ Tấn qua AQ chính truyện. Nếu như tác giả để Năm Nhiều xuất hiện như một thực chất Năm Nhiều tại nông thôn Việt Nam thì nhân vật này quả là sự hiện diện độc đáo trong thế giới nhân vật lạc loài của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Người nông dân Việt Nam ngày nay hay ngày mai tuy không còn một khuôn mặt Năm Nhiều nhưng anh ta vẫn còn lại một thứ tin yêu như thế tin yêu đến độ cuồng tín và thần thánh hóa và đó cũng là thực chất trong tâm hồn của tầng lớp nông dân Việt. Cái gốc không thể nào hủy diệt của dân tộc ta cũng vẫn là những Năm Nhiều – Võ Hồng đã làm nổi bật và sáng rõ về điểm này.

     * Dấu chân sa mạc

(tr.131 – tr 170) – mô tả lại đời cô Ba Hường, lấy chồng Tàu và chồng chết năm cô 30 tuổi. Đời cô Ba từ đó đã in sâu trong trí nhớ tuổi thơ của tác giả (qua nhân vật tôi). Đây có thể gọi là một trang sử nhỏ về đời một người đàn bà có nhan sắc có sản nghiệp song vẫn không sao tránh thoát được định mệnh khắc nghiệt như đã dành riêng cho khách hồng nhan. Lúc còn thời, còn xuân, cô Ba trở thành cái đích cho mọi người ao ước, ngưỡng trông.

     “Cô Ba Hường thật đã tượng trưng cho nếp sống thong thả phong lưu mà mẹ tôi và tôi đều ước ao” (tr.133).

     Trước sau, cô Ba dù giàu có vẫn chỉ là một kẻ lạc loài và như hoàn toàn xa cách với mọi người chung quanh. Tòa nhà của Cô tuy đồ sộ nhưng chính nó chỉ là một ôc đảo và Cô đã tự giam mình trong đó.

     Gia đình tác giả ở kế cận nhà Cô Ba cho nên đời cô như đã tham dự vào một phần trong đời sống tuổi thơ của tác giả. Mà đời sống của chàng từ năm lên mười đã chỉ thấy bàng bạc một mầu buồn như vô hạn.

     “Năm tôi lên 10 thì mẹ tôi qua đời. (…) Cùng với sự vắng mặt của mẹ tôi, trong nhà ngoài sân, sau vườn cũng càng ngày càng vắng thêm” (tr.135). Tuổi thơ của chàng chỉ còn lại những kỷ niệm của đổ vỡ trong sa sút. Mà những đổ vỡ kia không to lớn không phũ phàng mà nó tựa hồ như từng đám mây tan mau. Một thứ đổ vỡ trong cơn thơ mộng – Truyện còn vẽ ra trước mắt ta một người cha thật đẹp và tình thơ. Cái đẹp và tình thơ trên phận một người đàn ông góa bụa chất đầy một tấm lòng yêu dấu. Ta không khỏi cảm động đến mủi lòng trước cảnh cô quạnh hiu hắt của một gia đình đã vĩnh viễn mất người nội trợ. Thì ra, những thân yêu chỉ khi nào vĩnh viễn mất đi ta mới nhận ra sự hiện diện cần thiết của họ như nhu cầu không thể thiếu. Người cha trong dấu chân sa mạc phảng phất như một mơ hồ tang thương. Nói là tang thương vì từ ngày vợ chết sống cùng với đứa con côi thì người cha đã chỉ như một lữ khách đơn độc cuộn tròn trong tâm tư câm nín. Từng chuỗi thở dài của ông, từng những khi ông ngồi im lặng thẫn thờ rồi một ngày nào đó, ông vác ô đi… có lần đi suốt cả ngày. Thì ra, ông đã lặng lẽ đi tìm dấu chân hạnh phúc đi tìm một người vợ kế để chia sẻ yêu thương.

     Câu chuyện cô Ba còn được lồng trong khung cảnh bình dị êm đềm của thôn xóm, nhưng vẫn không thiếu những eo xèo, dị nghị, không thiếu những tị hiềm, ác tâm. Hình ảnh của người cha góa bụa lại gắn liền với câu chuyện cô Ba. Và tuổi thơ của tác giả đã sống động trong vùng bão táp tình cảm đó. Duy có một điều, tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn tuổi thơ nhờ tấm lòng yêu dấu của người cha, của bà Ngoại, của người Dì. Tác giả đã làm sống lại một cách cảm động qua một vài nét đơn giản đủ nói lên mối tình thầm kín của người Dì đối với cha chàng. Tuy Dì đã có chồng – cam chịu lấy một anh chồng xấu song Dì đã không giấu nổi tình cảm đối với người anh rể góa bụa.

     “Em cực tâm lắm…chán lắm…chị Tư mất…Anh khổ…Phải như em…” (tr.137) – Giọng thật cảm động. Mà trong toàn truyện ta đều bắt gặp những giọng cảm động thấm thía như vậy. “Phải như em…” nghĩa là phải như em chưa có chồng em sẽ lấy anh. Lời nói biết bao nhiêu luyến tiếc, bao nhiêu tình nhớ. Thứ nữa, cái mối cảm tình thầm kín của cô Ba Hường đối với người đàn ông góa cũng thật cảm động. Tác giả đã không dùng nhiều lời để mô tả nhưng qua một vài cử chỉ, một vài giọng điệu ta có thể cảm được một cách rõ rệt trong mơ hồ, và luyến tiếc theo.

     “Sau khi cha tôi lấy vợ, nét mặt cô Ba Hường chừng như già đi” (tr.144) chỉ bằng ấy lời cũng đủ nói lên tình cảm của cô Ba đối với cha chàng như thế nào. Nhưng cuối cùng chỉ vì xa cách không chịu tìm cách lại gần nhau, chỉ vì tự ái nên cả hai đành dang dở. Người cha chàng đi lấy vợ thì từ bấy lại càng làm tăng nỗi cô đơn và thất vọng của cô Ba. Từ đó cô Ba sống day dứt theo niềm luyến tiếc chạy dài trên đoạn đường lỡ dở.

     Tự chung thủy, Tác giả là nhân chứng giữa những đổ vỡ trong cuộc đời cô Ba từ sản nghiệp đến tình cảm. Cũng chỉ vì sự giàu có nên cô Ba trở thành con mồi ngon trước bao nhiêu con mắt của bọn đàn ông “cú vọ” háo hức. Năm cô 45 tuổi thì đời cô trải qua một cơn sóng gió rồi từ đó cô đi dần đến sự khánh tận. Tác giả nhớ mãi cái đêm hôm ấy, Thủ Phò làm cả xóm náo động vì một kẻ vô danh lọt vào nhà cô Ba “Nó đi vào nhà cô Ba, của ngõ cô Ba để ngỏ” (tr.161). Dân làng nghi ngờ cho thằng Thằng Xược – một đứa con trai 20 tuổi đêm đêm vẫn lọt vào nhà cô Ba như vậy. Ít lâu sau, Thằng Xược bỏ đi Cần Thơ. Rồi cô Ba cũng bỏ đi Quy Nhơn một dạo. Người ta đồn rằng cô Ba đi Phan Thiết và sanh được một đứa con trai. Thừa dịp này, đã có bao nhiêu câu chuyện dựng lên và thiên hạ tha hồ đàm tiếu về đời cô về cuộc sống âm thầm của cô.

     Sau ngày đi Quy Nhơn về, cô Ba sa sút trông thấy. Nhan sắc tàn tạ thật mau. Ruộng đất bán dần rồi đến vàng bạc trang sức cũng hết, sau cùng cô phải bán cả đến tủ đến giường. Kết cục, cô Ba chết trong một tuổi già đầy oan trái. Cô chết không ai hay biết và không một tiếng khóc, trong tay không còn một sản vật nào.

     Dấu chân sa mạc được viết bằng một giọng đặc biệt bi hoài phảng phất màu buồn của một Chateaubriand. Truyện lại có nhiều cái bất ngờ, tình tự chuyển biền linh động cũng một cách bất ngờ. Dấu chân sa mạc hay đúng hơn một nỗi tiêu sầu trong đời một người chịu sự khắt khe của định mệnh. Đời cô Ba như một tấm gương phản ánh đủ tấn bi hài kịch của cành giàu sang mấy nỗi tuyệt nhiên nó không đem lại cho con người một hạnh phúc nào.

     Dấu chân sa mạc có thể coi là một truyện tâm tưởng tuy tác giả chưa đi sâu vào được tâm tư của mỗi nhân vật song ông đã thành công khi thu gọn được đời cô Ba trong khung cảnh của một thôn xóm và vùng ký ức tuổi thơ của chính tác giả. Giọng văn của ông ở đây vừa thành thật vừa cảm động đôi lúc bâng khuâng một cách nghẹn ngào và rõ ràng đã phản ảnh đúng tâm tưởng của riêng một người xuất phát từ xúc động theo kỷ niệm dĩ vãng.

    *  Người thứ Ba

(tr.53-73) – Là một truyện tình giữa ba người: Long, Phú và Nguyệt – Nguyệt yêu Long nhưng nàng đã chọn Phú làm chồng vì gia đình ép buộc “Như mọi người gái Huế, Nguyệt chỉ khóc. Và nói với người yêu chiến bại: Em không bao giờ quên anh” – Trước sự thể như vậy, Long biết làm thế nào, chàng đành tạm nhận lời như một an ủi: “Anh cũng thế” (tr.57). Từ đó, Long ghét những mẩu hoa phượng vì ngày xưa khi yêu nhau hai người thường đi dưới bóng phượng. Song cho dù đã vô vọng, Long vẫn ấp ủ một sự ngẫu nhiên nào sẽ đến với anh. Anh vẫn tin rằng cuộc đời vốn dành cho con người nhiều sự bất ngờ (tr.65). Long và Phú còn một tình bạn nữa nhưng đã yêu thì nó không còn là 1 điều cản trở. Tình bạn kia tất không đủ xóa nhòa một hình ảnh mà Long đã khắc sâu trong tâm tư. Anh vẫn còn yêu Nguyệt như ngày nào thì anh vẫn có quyền vẫn còn mơ ước một sự bất ngờ sẽ đến với anh. Sự bất ngờ bỗng thành sự thật – Phú đã chết. Long vẫn ước mơ một sự bất ngờ như vậy. Nhưng vẫn mâu thuẫn. Long không thấy vui “Long bàng hoàng như người say sóng – Anh không thể ngờ rằng Phú có thể chết nhanh như vậy mặc dù vài hôm trước anh cũng đã từng nghĩ : Nếu Phú chết” (tr.67). Phú đã chết thực. Tấm tình xưa giữa Long và Nguyệt không có một trở ngại nào. Nhưng Long lại bắt đầu lúng túng, hoài nghi: “Từ hôm nay hai người đột nhiên rơi vào một mối tình dễ dàng tầm thường, anh thấy mình nhẹ nhõm một cách chán ngắt khi không còn phải vận dụng trí óc phải đối phó” (tr.73).

     Đã 6 năm rồi, sáu năm Nguyệt làm vợ Phú, sáu năm chàng vẫn mơ ước được gặp lại Nguyệt. Bây giờ thì Phú đã chết “Thực tế thì sáu năm đã ghi lại những nét quá đậm, trong tâm hồn của Nguyệt của anh. Lấy gì để xóa đi được?” (tr.17). Bây giờ sự hiện diện của bộ ba không còn nữa. Phú đã trả Nguyệt cho Long. Nhưng tuổi thơ hôm nào đã không còn nữa. Một ảo ảnh thoáng qua. Anh chỉ thấy chua xót “Có thật là mình bắt gặp lại tuổi thơ đâu?” (tr.71). Từ đó, Long chỉ còn phảng phất một cái bóng trong tình yêu xưa “tuy không mất không bao giờ mất” nhưng Long thì vẫn thơ thẩn một mình trong bóng mờ của tình cũ. Phú chết rồi. Nhưng Long vẫn không còn tìm được Nguyệt trong hình bóng cũ.

     Truyện người thứ ba hay đúng hơn cái tình mộng của một người đã yêu bằng đam mê đã đuổi theo bằng cả một chân thành của tuổi trẻ. Anh chỉ là một người chiến bại. Sáu năm trường chiến bại chính là thời gian Long vẫn gặp được Nguyệt trong tuổi thơ anh vẫn được yêu trong cơn thầm vọng. Tình tiết trong truyện và cái bản sắc riêng của Long làm người đọc có cảm tưởng tình yêu của Long vẫn phảng phất cái màu lãng mạn của một Đợi Chờ (Khái Hưng). Nỗi buồn tình yêu ở đây phảng phất một cách bâng khuâng trên cái nền lãng mạn. Chất truyện nhẹ và trong ẩn dưới một lớp của tình cờ theo sự day dứt bâng khuâng cùng với một cảm giác nửa vời lơ lửng. Đọc lên ta cảm thấy buồn một cách thích thú và êm nhẹ như làn gió thu. Truyện tình viết được như thế đã là cao độ đạt vừa đủ bản chất của một nguồn lãng mạn suối trong. Cái đẹp của truyện chính là nỗi buồn phảng phất trong yêu và yêu trong lơ lửng. Khiến ta cảm mới thấy và đã cảm được rồi thì nỗi buồn len nhẹ và thấm sâu ngay vào tâm thức mình. Hồ Dzếch từng ca ngợi một tình yêu chỉ là tình yêu khi còn dang dở. Long đã yêu bằng tình yêu đó. Chất truyện trong nhẹ đã diễn ra theo sự tình cờ như lời kể và sự tình cờ ấy lại làm cho người đọc khó quên hình ảnh Nguyệt và mối tình của Long như từng đã có một thời tuổi thơ chạy đuổi theo cơn tình mộng như vậy.

     Trong thế giới truyện ngắn Võ Hồng thì đây là truyện tình thứ nhất ông đã thành công. Điểm thành công đáng kể là đọc xong truyện ta có cảm tưởng như vừa sống qua một mẩu đời cùng với trạng thái yêu. Truyện diễn ra trôi chảy theo một giòng cảm xúc nguyên vẹn, thuần khiết và liên tục.

     Trong Vết hằn năm tháng, truyện Tình yêu đất vẫn là truyện hay hơn cả - thấm đậm sâu sắc và đủ nói lên cái ý nghĩa sâu xa trong tương quan giữa người, quê hương và cuộc kiếm tìm một đời sống thực.

     * Tình yêu đất

Lão Túc (nhân vật chính của truyện) cũng chỉ như trăm ngàn nông dân Việt Nam, sinh ra để sống một cuộc đời bình thường giản dị và như sinh ra chỉ để sống với đất, với thôn xóm với tình người, mộc mạc nhưng không thiếu một lòng chân thành kín đáo. Hình ảnh Lão Túc gắn liền với hình ảnh thôn xóm Việt Nam, đẹp một cách đơn sơ phản ảnh đủ sự hồn hậu và lòng nhiệt thành yêu Đất như yêu người như yêu quê hương. Lão Túc dù phải cam go chiến đấu để tạo nên mảnh đất cho mình nhưng tâm hồn ông vẫn trong như pha lê cũng không vẩn một chút tị hiềm.

     Đối với Lão, đất mới là nguồn sống thực, như một chiếc nôi nuôi trẻ thơ, nuôi chính lão. Đất là người bạn tâm tình của Lão. Đất là tất cả. Đất cho tất cả: “Khi vào tháng hai lưỡi cuốc của lão bổ xuống từng nhát mạnh để cuốc cỏ mía, nơi vết thương của lòng đất vừa mở, hơi nóng tỏa nhẹ lên làm lão ngây ngất và khiến lão nghĩ rằng đất là thứ da thịt có cảm xúc” (tr.77). Đất đối với lão là một giá trị thiêng liêng không một quyền uy nào có thể xúc phạm. Một điều thật dễ hiểu, chính thửa ruộng này, mảnh đất này đã in sâu vết chân lão, lão đã đổ mồ hôi sức lực mới có. Hy vọng của lão ở đó, hiện tại và tương lai của lão ở đó. Đất là nơi gửi gấm cả thân xác lão mồ hôi và sức lực. Cho nên khi con lão – thằng Lột trót xúc phạm đến mảnh đất của lão thì lão đã không nén được cơn giận: “Mày nói sao? Đất sao lại mồ mả? Công tao khai phá, đốt từng cái gai, dời từng ngôi mộ đổ mồ hôi cục mồ hôi hòa xuống đó” (tr.85). Mỗi khi đi làm về, nếu ai hỏi lão: “ở dưới đất về đó hả” lão dạ một cách hân hoan – bốn tiếng “ở dưới đất về” như làm mát một nơi nào trong bụng lão, tận trong tâm can lão. Mụ vợ thì vẫn thường chê bai mảnh đất của lão “có một vại đất bằng bàn tay mà cũng làm rộn”. Lão vẫn cười hề hề với một niềm kiêu hãnh “Một bàn tay cũng là đất, năm sở bây giờ cũng là đất. Tao có một bàn tay thì tao rộn theo một bàn tay” (tr.99). Lão bằng lòng với điều mình có do sức lực và mồ hôi tạo thành.

     Đất, chỉ một tiếng ấy đã truyền cảm bao nhiêu và nuôi sống ước mơ của lão. Đọc nhân vật Lão Túc, người đọc bỗng liên tưởng đến những nông dân Trung Hoa, cần cù cam chịu trong thế giới tiểu thuyết Pearl Buck. Nhưng họ là những con người thực. Con người sống bằng lương năng và hồn nhiên trong nỗi cam chịu cơ cực. Nhân vật của Lão Túc phảng phất khuôn dáng của một con người rất mực và đầy khí thế đối kháng với thiên nhiên trong thế giới truyện ngắn của Tchékhov. Thực vậy, Lão Túc cũng như phần lớn nhân vật của Tchékhov đã rất tầm thường, sống trong sự quên lãng của đời, sống chơi vơi ngoài lề cuộc đời. Lão tựa hồ như loài cây cỏ dại, không ai tri giao với lão. Lão hoàn toàn trơ trọi và bị áp chế mọi đàng. Cả vợ lão cũng áp chế lão. Lão chỉ như một tiếng nói đơn âm. Lão sống ở đời như chỉ còn đất tương quan với lão, thân mật hòa cảm với lão. Đất không áp chế lão. Đất bằng lòng cho lão chinh phục, bằng lòng nằm trong tay lão. Trong lão Túc còn hàm dưỡng cái tính chất đặc biệt Việt Nam. Lão hồn hậu và chung thủy. Lão chung thủy. Lão cần cù nhẫn nhục, như một con trâu. Lão Túc chính là sự hiện diện của một thực chất nông dân sống động. Chính cái thực chất đó qua lối văn đơn giản mộc mạc của Võ Hồng đã làm cho tình yêu đất trở thành một nghệ phẩm tức là truyện đã đạt được bản chất và kích thước của nghệ thuật.

     Một đặc điểm khác, tác giả đã để cho lão Túc xuất hiện một cách tự nhiên tức là ông đã thoát được sự gán ghép cho lão một nhãn hiệu, khuôn mặt tạo hình lão xuất hiện trong toàn truyện để rồi từ sự xuất hiện này qua chủ quan của người đọc sẽ nhận chân ra con người lão Túc.

     Con người ấy trước hết đã tiềm ẩn một ý chí phấn đấu. Lão Túc đổ mồ hôi sức lực trên mảnh đất hoang đầy mồ đầy mả. Nhưng từ lòng yêu đất, từ sự cần cù sắt đá của một nông dân lão đã chiến thắng được tất cả và tự tay lão tạo nên một gia tài sản nghiệp cho lão. Rồi lão vẫn tiến lên, không bao giờ đứng lại một chỗ. Lão đã được Trời trả công. Bây giờ thì lão đã trở thành một nghiệp chủ trên mảnh đất hoang mà lão phải dày công phá vỡ. Nhưng bao giờ cũng như bao giờ lão vẫn trung thực với con đường đi tới của lão “nhát cuốc của lão giáng xuống mạnh hơn những nhát rựa chém xuống mạnh hơn. Lão thêm tình yêu đối với đất, đồng thời dự tính của lão cũng nhiều hơn” (tr.118). Còn thằng Lột, con của lão tuy bỏ quê hương ra thành phố nhưng rồi lại lê chân què trở về đất cũ. Bây giờ thì Lão túc có thể yên tâm “Nó sẽ luôn ở bên cạnh lão trên mảnh đất này. Có bị thành phố hắt hủi nó mới chịu an phận trên luống cày” (tr.119). Song giấc mộng của lão Túc vừa thành thì lão Túc bị rắn hổ mang cắn rồi chết vì nọc rắn. Phút lâm chung, lão vẫn cố lấy hơi thở tàn dối dăng: “miếng đất Gò Đình…thằng…” (tr.126).

      * Truyện Lạnh tuổi thơ (tr.129 – 146) cảm động một cách chân thành tuy chỉ là một truyện đơn giản tả lại đời sống của cảnh gà trống nuôi con. Một người cha trẻ góa bụa đành lòng ở vậy nuôi con. Lạnh Tuổi thơ có thể coi là một thứ tự truyện được viết lên bằng một cái tôi chân thật. Cái tôi của một cảnh gà trống nuôi con tựa như tấm thảm xanh gợi lên bao luyến tiếc tự cảm.

     Truyện dí dỏm và vui một cách cảm động, thành thực một cách đơn sơ. Đọc xong bỗng dưng người ta dễ dàng lạc vào một vùng sương mờ và ở đó chỉ còn lại một linh hồn băng giá.

 

 

 

 

© nhavanVoHong