Nhà Văn Võ Hồng  

Tiểu thuyết Võ Hồng

Quê hương – trí nhớ và con người.

 Cao Thế Dung.                Quần Chúng      5.6.1969

 

 

     Võ Hồng viết văn từ thời Tiền chiến. Mãi đến năm 1959, ông mới thực sự gia nhập vào làng văn hậu chiến bằng văn phẩm đầu tay Hoài cố nhân (Ban Mai xuất bản – Saigon 1959 gồm hai truyện Hoài Cố NhânNgày Xưa). Văn phẩm này không có gì đặc sắc để đủ tin tưởng một Võ Hồng tiến xa hơn. Nhưng vốn là người trì chí cần mẫn lại sẵn chất liệu phong phú ở ngay trong cuộc đời khởi từ một dĩ vãng xa xôi, từ đó Võ Hồng đã vươn lên mãi đến nay thì ông là một nhà văn có đủ kích thước của hai chiều sâu rộng. Một nhà văn lớn từ tác phẩm của mình, phát xuất từ cái vốn sáng tạo của riêng mình. Tiểu thuyết của ông mang một khuôn mặt đặc biệt Việt Nam – tiếng nói của một tâm tưởng trong một bản sắc của tình tự con người sống động trên phần sống của mình keo sơn với phần sống thực của quê hương qua từng chặng đường lịch sử. Hiện nay, Võ Hồng đã hoàn thành được 9 văn phẩm vừa truyện dài vừa truyện ngắn: Hoài Cố Nhân, Lá Vẫn Xanh, Vết Hằn Năm Tháng, Con Suối Mùa Xuân, Khoảng Mát, Hoa Bươm Bướm, Người Về Đầu Non, Bên Kia Đường, Gió Cuốn.

     Võ Hồng có sở trường về loại truyện vừa (một thứ trung thiên tiểu thuyết). Những truyện ngắn mức trung (như Mẹ và Em. Đôi chim bồ câu) ông không thành công. Phàm những truyện ngắn như vậy phải đạt được giá trị toàn vẹn ít nhất như một bài thơ vì nó đòi hỏi ở người viết một giòng cảm xúc liên tục, một sự trỗi bật độc đáo nhằm vào một tình tự hoặc sống động cho riêng một chủ điểm để làm nổi một bản sắc. Một truyện ngắn hay tương đối  cũng phải đạt được như vậy.

      Truyện dài của Võ Hồng: dòng tâm tưởng trên từng chặng đường của lịch sử đất nước.

     Về truyện dài, Võ Hồng có ba truyện: Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Gió Cuốn. Tôi thích nhất truyện Người về đầu non. Một loại thuật sự tâm tưởng qua chuỗi dài kỷ niệm sống của ký ức. Văn phẩm này lộ diện một cách rõ rệt bút pháp của Võ Hồng qua một nội dung tâm tưởng. Bút pháp tức là cái thuật riêng của mỗi nhà văn trong cách xây dựng ngôn ngữ và cấu tạo hình ảnh. Người về đầu non, tác giả đã đạt được cho riêng ông một nghệ thuật cấu tạo hình ảnh. Một thứ hình ảnh có nhịp độ rung động và bén. Một thứ hình ảnh nói lên gửi gấm nơi người đọc một điều gì đặc biệt khó phai

    

1 - Hoa Bươm Bướm

(truyện dài – Lá Bối xuất bản – Saigon 1966 – 265 trang).

Truyện chia thành 18 chương – Đalạt là khung cảnh của truyện cắm mốc từ thời gian Nhật đảo chánh (9-3-45) cho đến ngày kháng chiến toàn quốc. Truyện chứa đựng vô số những dấu tích lịch sử trong một giai đoạn lịch sử trọng đại của Việt Nam. Những nhân vật trong truyện đã ít nhiều tham dự vào lịch sử tại một thị trấn vốn êm ả, bình an như Đalạt. Những Quỳ, Thức, Cần, Thanh, Hiệp, Luân, Hoàng, Mậu, Mai Trang, Sáu Thiềng… đều trở thành dấu tích sống của một giai đoạn sống trong phiến động.

     Truyện khởi đầu từ một khí thế bừng bừng của tuổi trẻ lúc bấy giờ “Giai đoạn này là giai đoạn của thế hệ chúng ta (…). Ban xã hội của tổ chức sinh viên hoạt động đắc lực trong việc cứu đói. Các tổ chức chính trị lớp công khai lớp bí mật làm sôi nổi của không khí thủ đô” (tr.8).

     Những Thanh, Hiệp, Quỳ, Luân, Thức từng sống trong không khí hào hùng này với bao nhiêu ước ao “Cuộc đảo chánh mồng 9 tháng 3 là cái dịp tốt để dân tộc ta giải quyết lấy vận mệnh của mình. Vận mệnh của mình không phải do quân đội Nhật giải quyết” (tr.8). Người dân Việt lúc ấy những tưởng đã nắm được vận mạng của mình, làm chủ được đất nước mình sau khi Nhật thắng Pháp. Thái độ của ông già Thức đã nói lên một phần nào “Ông về hay kể những câu chuyện lính Nhật đánh Tây, đánh Đầm, đánh Tây văng gương đứt cà vạt, đánh Đầm văng xắc rơi giầy. Những bữa có truyện hào hứng để kể ông ăn dôi một bát cơm” (tr.10). Nhưng tình trạng vong nô của đất nước có gì thay đổi khác hơn. Điểu đó Luân thấy rõ hơn ai. Luân chứng kiến đầy đủ với tư cách viên chức của Tổng đốc Việt nam tại Đalạt: Quê hương thì vẫn tiếp tục đổ vỡ trước mắt “Báo động tản cư bom nổ người chết những khung cảnh đó đã thâm nhập vào đời sống của người dân, biến thành một nề nếp sinh hoạt quen thuộc bình thường mặc dù họ vẫn ý thức mơ hồ rằng cuộc chiến tranh này không phải của họ, rằng họ chỉ là nạn nhân phi lý không hy vọng được hưởng gì hết ”. (tr.43). Thế rồi…. chiến tranh cũng phải chấm dứt. Những ngày huy hoàng của tướng tá Nhật ở thị trấn cũng tàn mau như hoa anh đào sau mùa đông lộng lẫy “tin đồn Việt Minh cướp chính quyền ở nhiều tỉnh ngoài Bắc, ngoài Trung. Trong thành phố, không khí làm ăn trở nên uể oải ngượng ngập. Có một sự bí mật lảng vảng đâu đó, một cái gì trọng đại đang thành hình (…) Ở các ngã phố chợ tuyệt nhiên không có bóng một xe nhà binh Nhật. Không có bóng dáng một người lính Nhật nào ” (tr.66).

Thị trấn nhỏ bé bắt đầu giao động rồi chẳng bao lâu bỗng bùng dậy xáo trộn rồi hoang mang với một chút tin tưởng " Anh Tư gác dan cũng đã xung vào đoàn dân quân tự vệ. Ngày đêm anh cầm súng gỗ, tập đi, tập bắn, tập bò ". Ở Sài gòn súng đã nổ. Không khí hoang mang nghi kỵ trầm trọng . Trong lúc ấy Luân làm gì ?  " Cả ngày Luân theo hết đọc sách đến ra vườn săn sóc những bồn hoa tử dương đang độ nở hoa " (tr.79). Luân trở thành kẻ đứng ngoài lề. Mặc dù anh tiêu biểu cho tuổi trẻ cho một giai tầng trí thức thành thị. Song anh đã hiện diện như một sự buông tay bất lực. Tại sao ? Ðó là dấu hỏi của người đọc. Luân vẫn lơ lững như không bám víu vào đâu cả và nằm dài trên sự tê liệt choáng váng. " Những  ngày đầu khởi nghĩa  người dân bỡ ngỡ thấy mình vụt nhiên lớn lên. Làm chủ lấy đất nước mình, công nhiên tuyên bố đánh Pháp đuổi Nhật, họ choáng váng như vừa uống ly rượu mạnh chưa quen " (tr.149). Giữa không khí choáng váng đó Luân vẫn yên lặng câm nín -  Quân ta đang đồn trú ở phía này - đàng kia là Fimmom quân Nhật vẫn phòng thủ cẩn mật. Một bãi máu của người lính Nhật bị quân ta bắn chết. Luân thấy tanh lờm lợm . Một sự im vắng pha trộn đe dọa nào đang đè nặng lên chàng. Ðây cũng là phản ảnh một phần cái mặt trái của một thời khí thế cách mạng. Luân như một chứng nhân bất đắc dĩ cuả thành phố trong những tháng ngày đầy phiền muộn. Bao nhiêu biến cố xoáy trước mặt chàng, trải dài trên phận chàng với một trọng lượng như chừng có thể sờ mó được. Chàng thúc thủ trong đó. Cuối cùng chàng cũng phải xung vào Ủy Ban để được sống trong những giờ phút thấp thỏm  " Số phận của mình tùy thuộc ở một chiến trường cách xa ba mươi cây số , ở sức cầm cự của một đại đội chưa thiện chiến và thiếu hẳn khí giới" (tr.187). Chiến tranh mỗi lúc một lan rộng. Bấy giờ thì không còn hình bóng người lính Phù tang nào. Bọn Pháp đã tiến chiếm khắp nơi, "... tiếng súng nổ dội lại từ dẫy núi cao trước mặt. Tiếng trung liên lại nổ tiếp một tràng, hai tràng rồi nổ liên miên. Tiếng súng lớn giả đì đùng. Có tiếng la: Pháp tấn công ...   (tr.262)

   Luân vẫn như kẻ bộ hành trên con đường kháng chiến . Con người trí trức thành thị như Luân đã quả là con người khó hiểu. Riêng về phần truyện tôi thấy nhân vật này không có chiều sâu, thiếu cả ánh sáng do đó truyện cũng thiếu ánh sáng.

Bây giờ thì anh đã bị lôi vào guồng máy nhưng tâm tư anh thì vẫn bâng khuâng phía ngoài lề và cũng vẫn như ngày nào anh trang trọng trong bộ nỉ đen ngồi cạnh viên tổng đốc Nam triều. Buổi ấy Luân cũng chỉ là kẻ ngoài lề. Cái còn lại, đáng ghi là cái bằng hữu, là tình yêu. Thì ra con người trí thức tư sản thành thị như Luân thật mâu thuẫn, thật phức tạp và cũng chất đầy phản động tính với một chút ý thức mơ hồ lãng mạn.  

   .......

     Thì ra con người trí thức tư sản thành thị như Luân thật mâu thuẫn, thật phức tạp và cũng chất đầy phản động với một chút ý thức mơ hồ lãng mạn.

     Từ hôm ấy, khi người Nhật đang làm chủ thành phố này, Luân đã lọt vào cặp mắt xanh của một giai nhân – Nàng tên Quỳ Qua bao nhiêu thăng trầm, tình yêu ấy vẫn trong sương nguyên vẹn. Và Quỳ vẫn chỉ là Quỳ nạn nhân của thời cuộc. Mới hôm nào nhà bị niêm phong (thời Nhật) nay chủ quyền về ta. Ủy Ban lại giam nàng như một tên “Việt gian”. Cả hai biến cố, Quỳ vẫn có Luân bên cạnh nhưng tình yêu thì vẫn mơ hồ. “Hôm lên Cầu Đất với anh chị đội trưởng Luân ghé lại thăm Quỳ. Từ ngày bị giam cầm ở đây, không có ai thăm hỏi nàng cả nên khi thấy Luân đến nàng vui mừng ngơ ngác. Luân không chỉ là một người.Luân là hiện thân của một quá khứ là Hảo, là Mai Trang, là Đàlạt là cuộc đời êm đềm có hoa nở và có nắng” (tr.129). Cho đến một ngày kia, giữa cảnh loạn ly tan tóc, Luân gặp lại Quỳ. Nàng vẫn sống trong một ám ảnh kinh hoàng Em đã bị tình nghi. Em đã nằm ở Sở Trà” (tr.234). Quỳ không thể nào theo đuổi kháng chiến. Nàng có ý định hồi cư về thành. Luân thì muốn giữ Quỳ ở lại, cho đến hôm ấy, tình yêu giữa hai người mới có dịp tay trong tay “Chàng ôm mạnh Quỳ vào lòng, hôn lên đôi mắt đôi má”.

     Em không thể về Đalạt được. Hiểm nguy đợi em ở đó. Chúng ta không thể rời xa nhau được. Em không thể. Em không…

     Chàng ghì chặt Quỳ giữa vòng tay và hai cánh tay Quỳ cũng lần lần quấn lấy cổ chàng như những dây leo như những rễ phụ, quần xiết mạnh hơn, không mỏi, không rời” (tr.235 tr.236). Lúc ấy, một bóng đen hiện ra, đi nhẹ rồi đứng yên giây lâu “rồi thẫn thờ bước lui, hai tay bấu víu vào bờ tường”. Đó là Mai Trang, một bông hồng của Đalạt hôm nào mà Quỳ đã một lần đến cầu cạnh để Mai Trang can thiệp với người Nhật “Bà ấy quen thân với các ông bên tòa sứ Nhật” (tr.51) – Trang đã có một thời làm ngây ngất bao nhiêu người. Song dư luận cũng đã dị nghị Trang không ít về sự quảng giao của nàng đối với người Nhật “Trang biết ở trong thành phố người ta đồn đãi Trang đi lại với bọn tướng tá Nhật” (tr.81). Tóm lại so với Quỳ còn trong trắng ngây thơ bao nhiêu thì Trang đã từng trải, chin muồi bấy nhiêu. Song nàng vẫn chỉ là người không hạnh phúc. Có lúc Trang muốn đi tu. Thật bất hạnh. Trang lấy chồng, sáu năm không con và chồng thì lấy vợ lẽ “Bỗng nhiên hạnh phúc bị bẻ gẫy như một que diêm bị bẻ gẫy dễ dàng giữa hai ngón tay. Như que diêm bật sáng rồi tắt ngấm” (tr.8A). Hạnh phúc không còn nữa nhưng Trang vẫn còn lại một tình yêu cho Luân. Tình yêu của một kẻ chin mùi, khát sống, khát yêu. Trong đời Trang đã bị mọi người lợi dụng. Trang biết như thế nhưng vờ đóng kịch – chỉ còn lại có Luân nàng chỉ còn lại có một tình yêu để tạm quên tất cả, tạm xóa đi trong giây phút nỗi khổ riêng tư. “Mai Trang ngẩng mặt lên. Đôi mắt nàng ướt đẫm:

     - Anh hôn Trang đi. Hôn cho rõ dài. Luân cúi xuống hôn lên đôi môi. Mai Trang rùng mình bấu sát vào người Luân, mắt nhắm nghiền lại. Hai giòng nước mắt chảy lặng lẽ xuống má” (tr.87).

     Tình yêu của Luân dành cho Trang cũng chỉ như những que diêm bật sáng rồi tắt ngang. Cuối cùng, tình yêu ấy chỉ còn thuộc về kỷ niệm, một ảo vọng xa xôi. Quỳ mới là kẻ chiếm đoạt được Luân, với Mai Trang thì tình yêu chỉ bừng lên. Đốt cháy nụ cười. Đốt cháy mơ mộng. Mỗi người trở lại sống riêng cho phần đời của mình. Thế là hết – Trang và Luân đều phải lựa chọn “Bốn giờ chiều thì Luân và Quỳ được lệnh mang ba lô lên ghe. Quỳ nắm hai tay Mai Trang mà nghen ngào không nói được” (tr.259). Họ đã gặp nhau, quen nhau trong một giai đoạn, một hoàn cảnh không có gì vui, toàn là bom đạn, trốn tránh ruồng bắt. Tình yêu của Quỳ lên men nồng trong hoàn cảnh đó. Tình yêu của Trang mất đi cũng trong cũng trong hoàn cảnh này.

                “Luân bắt tay Mai Trang và chỉ nói được mấy tiếng:

               -  Chị ở lại khỏe mạnh.

               Giọng trả lời của Mai Trang phảng phất như một hơi thở:

              - Anh đi đường bình yên.

               Mai Trang thấy bóng tối như sa sầm chung quanh mình” (tr.260).

              * Đây có thể coi như dấu “chấm hết” của Hoa Bươm Bướm. Có thể nói, truyện mở đầu như một tình cờ bắc nhịp với những tình cờ lịch sử và đứng lại qua sự kết hợp trong tình yêu của Luân và Quỳ. Còn Mai Trang? Một nỗi buồn phiền kéo dài…Mai Trang mang theo “dấu còn lại” của tháng năm cô đơn hiu quạnh…

     Truyện có một kết cấu uyển chuyển linh động và bắt nhịp theo cơn dài biến cố của thời cuộc. Thời cuộc tựa như cái trục và nhân vật của truyện xoay tròn theo cho đến choáng váng. Nhờ vậy Hoa Bươm Bướm đã thể hiện vừa đủ một hoàn cảnh lịch sử trên khuôn mặt một thị trấn bình an. Cùng với bão táp quê hương thị trấn này cũng đổi thay tận gốc ngọn và cùng tất cả quay tròn theo một nhịp độ chóng mặt. Người trong cuộc đã có dịp chứng kiến tận mắt những biến thái và đổi thay trên một phần đất bé mọn Sàigòn báo động từ ngày một Máy bay Mỹ dội bom. Ảnh thống chế Pétain đã bị hạ xuống tạm chấm dứt một thời vàng son của thực dân da trắng. Những Papa những Jean những Jacques lùi lại vãng. Bây giờ là thời của những Kem-pei-tai những Joso những sanoraya. Rồi cách mạng vụt bùng dậy. Và đây là một hình ảnh “não nề” của Cách mạng qua cuộc hành quyết của “nhân dân”. Im lặng một lát. Có tiếng bật lửa đánh xẹt xẹt nhiều lần.. Tiếng môi bập bập vào điếu thuốc.

                    -  Ngon há.

                  - Tất cả quỳ xuống nhắm. Thằng Việt gian thì cứ khóc than xin Chính-Phủ tha tội xin đồng bào cứu dùm. Nó đang kêu khóc thì bên này tiểu đội trưởng giơ tay ra hiệu. Súng nổ đoàng đoàng. Nó ngoẻo đầu xuống. Tiểu đội trưởng lại bắn thêm một phát súng lục vào mang tai. Cả sân vận động im lặng mình thấy ngộp thở. Mình không ngờ đồng bào hăng thế. (tr.127).

     Việt gian, chỉ hai tiếng đó một thời đã trở thành cái bóng ma khủng khiếp. Và Cách mạng đã ám ảnh người ta bằng những cái bóng ma như vậy.

     Hoa Bươm Bướm đã làm nổi bật được một số hình ảnh đơn sơ như thế. Nhưng tiếc rằng, tình tự trong truyện thì thiếu gắn bó, đôi lúc rời rạc. Chất truyện tuy có, tuy phát xuất từ một hoàn cảnh trung thực nhưng lại thiếu hẳn chiều sâu, và không đạt được bản sắc rõ rệt. Truyện có quá nhiều sự việc, tình tiết lại thiếu liên hệ và đôi lúc trở nên xáo trộn khiến người đọc phải khổ công mới nhận rõ được sự liên hệ của sự việc này với sự việc kia.

     Nhân vật của truyện tuy không nhiều nhưng xuất hiện quá phồn tạp. Đã thế lại chỉ được trình diễn như những quân cờ theo từng ván cờ thời cuộc. Không một nhân vật nào trỗi bật vì thiếu một bản sắc cá biệt và đứng một cách mơ hồ trong vị thế mơ hồ của truyện theo chu vi sẵn có. Hầu hết nhân vật của truyện đều thuộc giai tầng trưởng giả thành thị. Song đã không bóc trần được phần căn bản của đời sống thành thị chỉ vì tác giả đã cho họ sống một cách hồi hộp. Bản sắc của người này so với người kia không khác xa bao nhiêu, không phản ánh rõ khuôn mặt của từng người trong đời sống thực tại.

     Luân, Quỳ, Mai Trang có thể coi như ba nhân vật chính của truyện. Luân chỉ là một thanh niên tư sản thành thị, mệt mỏi và già nua trước tuổi. Tâm hồn chàng không hề được chiếu rọi được một niềm tin nào. Chàng chỉ là kẻ bị cuốn tuôn vào biến cố và bất lực trong biến cố rồi đành chịu câm nín thúc thủ. Mối tình giữa bộ ba Luân, Trang, Quỳ cũng không có gì đặc biệt đã thiếu sự tươi mát, lại thiếu cả phần cảm năng.

     Tôi thấy, Hoa Bươm Bướm đã vắng mặt một giọng văn thiết tha chân thực của Người về đầu non. Văn phẩm này chỉ như một thuật sự nhằm trình bày lại một giai đoạn lịch sử cùng những con người sống bên trong song nó chỉ vẫn đứng bên lề. Truyện không đạt được một tác dụng truyền cảm cao và đậm chỉ vì trước hết mỗi nhân vật xuất hiện như con cờ trong những sự việc rối rắm. Từ Luân, Quỳ đến Mai Trang chỉ là những hình ảnh mờ nhạt, không trỗi bật được vai trò trong vị thế của truyện. Tuy trong một không khí biến động và đấu tranh song lại không đạt được không khí như vậy, trái lại truyện có vẻ uể oải gượng ép.

 

 

 

© nhavanVoHong