Nhà Văn Võ Hồng  

 

Tôi viết : Trầm tư

                                                                                      
 Võ Hồng       1992  Thế giới mới     trang 48-49
 

 

CHÂN DUNG

 Nhà văn Võ Hồng sinh năm 1921 tại Phú Yên. Gắn bó với nghề dạy học hơn 30 năm, ông có rất nhiều kỷ niệm về học trò và nhà trường. Những trang viết của ông luôn đầy ắp tình cảm dành cho lứa tuổi trong sáng, hồn nhiên… Võ Hồng bắt đầu nghiệp văn chương từ năm 1939 với những truyện ngắn đăng trên báo Tiểu thuyết thứ bảy. Từ đó đến nay, Võ Hồng đã có nhiều tác phẩm được bạn đọc yêu mến như: Hoài cố nhân, Áo em cài hoa trắng, Như cánh chim bay, Thiên đường ở trên cao, Hồn nhiên tuổi ngọc…                    

                                                   

     Ghi rải rác trong những trang nhật ký, trên bìa cuốn vở nháp, sau lưng cuốn sách, cuốn lịch… những suy nghĩ nhỏ, bất chợt. Nay chọn lọc lại, xén cắt, trang điểm, đặt tên là “Trầm tư”, những gì chợt nghĩ là ghi liền.

     Tôi thích câu này của Gérard de Nerval: “Semons de roses/Les pas du Temps (1) (Hãy rắc những đóa hồng trên bước đi của Thời gian). Tôi rủ các bạn tôi rắc những đóa hồng như vậy.

     Có những câu của tôi mang nội dung giống những danh ngôn thường gặp. Tôi ít băn khoăn về tính chất “bản quyền”. Nội dung có thể giống, nên tôi chọn câu có cách phê diễn ngồ ngộ. Đúng vậy. Ai cũng nói được “lá xanh… hoa thơm… yêu quê hương…”. Nhưng nói bằng một cách nói lạ thì người ta gọi là thi sĩ. Có những câu không độc đáo nhưng tôi cứ giữ để người đọc có dịp nhớ tới một cái hay.

     Mỗi câu dẫu ngắn mà gợi lên được…một cái gì đó, thì một tập 500 câu cũng đã khá giàu. Như sinh hoạt Ngân hàng tiết kiệm.

     Có trường hợp những trầm tư của người khác gây suy nghĩ nơi mình. Kinh Talmud của người dân tộc Do Thái ghi: “Hãy leo lên một bậc để chọn bạn, hãy bước xuống một bậc để chọn vợ”. Tôi nói khác: “Hãy bước xuống một bậc để tìm vợ. Hãy leo lên một bậc để chọn chồng”. (Câu 152) và tôi cảm thấy thú vị. Câu Talmud chỉ đề cập đến một nửa nhân loại: đàn ông. Câu của tôi bao trọn cả đàn bà nữa.

     Có những câu chợt hiện ra không do hoàn cảnh cụ thể nào hết. Như câu 420: “Tôi ghét chữ hiền thê nhưng bởi tánh vợ tôi quá hung dữ nên không dám dùng chữ khác để thay”, do tính nghịch ngợm cố hữu nơi tôi mà ra.

     Lại có hôm chị của cô bé vô bếp rồi vừa thở vừa la em: “Bếp núc bỏ bừa bãi. Rờ đâu cũng bụi bặm”. Tôi cười thầm: “Đã mệt ngất ngư mà còn từ hoa: bụi bặm”. Và tôi viết câu trầm tư số 521: “Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh hưởng của luật kinh tế: bụi không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ, buồn không …”…

     Trong tập này, câu nào hình thành trước thì được đánh máy trước và mỗi câu mang một số hiệu để dễ gọi tên. Định sau khi hoàn tất thì sẽ sắp xếp lại theo từng mục như Tình yêu – Tôn giáo – Triết lý… Nhưng chợt nghĩ: cứ để lộn xộn, khi đọc, gặp được sự bất ngờ. Mọi xếp đặt, không ít thì nhiều, đều mang về giả dối, cố ý. Nhàm nữa…

Có những câu của tôi mang nội dung giống những danh ngôn thường gặp. Cũng tất nhiên thôi, vì các danh nhân đích thực cũng thường nghĩ giống nhau. Bà con nông thôn thì có lịch duyệt bình dân, như cụ bà nhà quê mù chữ thường nói, chẳng hạn "Ăn mặn cho lắm vô, rồi khát nước chết cha mày". Có chất trầm tư trong đó! Tôi ít băn khoăn về tính chất "bản quyền". Nội dung có thể giống, nên tôi chọn câu có cách phô diễn ngồ ngộ. Đúng vậy, Ai cũng nói được "lá xanh... hoa thơm... yêu quê hương..." Nhưng nói bằng một cách nói lạ thì người ta gọi là Thi sĩ. Có những câu không độc đáo, nhưng tôi cứ giữ để người đọc có dịp nhớ tới một cái gì hay hay.

Mỗi câu dầu ngắn mà gợi lên được... một cái gì đó, thì một tập 500 câu cũng đã khá giàu. Như sinh hoạt ngân hàng tiết kiệm.

Có trường hợp những trầm tư của người gây suy nghĩ nơi mình. Kinh Talmud của dân tộc Do Thái ghi "Hãy leo lên một bực để chọn bạn, hãy bước xuống một bực để chọn vợ". Tôi nói khác : " Hãy bước xuống một bực để tìm vợ. Hãy leo lên một bực để chọn chồng" (câu 512) và tôi cảm thấy thú vị. Câu Talmud chỉ đề cập đến một nửa nhân loại: đàn ông. Câu của tôi bao trọn cả đàn bà nữa.

Có những câu chợt hiện ra không do hoàn cảnh cụ thể nào hết. Như câu 430 "Tôi ghét chữ Hiền thê nhưng bởi tánh vợ tôi quá hung dữ nên không dám dùng chữ khác để thay". Do tính nghịch ngợm cố hữu nơi tôi mà ra.

Có lần cô bé ở cạnh nhà la con chó "Chó mà cũng chê cơm", tôi liền ghi lên cửa dưới dạng danh ngôn: "Thân phận làm chó mà cũng học đòi chê khen". Tôi nghĩ tiếp: nếu dưới câu đó, ghi tên một hoàng đế La Mã? Rồi đem làm đầu đề bình giảng? Té ra làm tác giả danh ngôn còn khỏe hơn, dễ hơn trồng một... cây bắp.

Lại có hôm chị của cô bé vô bếp rối vừa thở vừa la em: " Bếp núc bỏ bừa bãi. Rờ đâu cũng bụi bặm". Tôi cười thầm: Đã mệt ngất ngư mà còn từ hoa: bụi bặm. Và tôi viết câu trầm tư số 521 " Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh hưởng của luật Kinh tế: bụi không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ, buồn không bã..."

Trong tập này, câu nào hình thành trước thì được đánh máy trước và mỗi câu mang một số hiệu để dễ gọi tên. Định sau khi hoàn tất sẽ sắp xếp lại theo từng mục như Tình yêu - Tôn giáo - Triết lý... Nhưng chợt nghĩ: cứ để lộn xộn, khi đọc, gặp được sự bất ngờ. Mọi xếp đặt đều không ít thì nhiều mang vẻ gượng ép cố ý. Nhàm nữa. Chớ đằng này: đang triết lý tôn giáo bỗng gặp một cô..., đang suy gẫm về Nghệ thuật chợt gặp một bà... Nếu xếp họ vào cùng chung một dãy, một cụm, một lô, họ sẽ bớt giá trị, mình sẽ nhìn lướt qua, thậm chí bỏ chạy qua cho mau.

Nha Trang, mùa Phượng 1992
 

Võ Hồng

 

Trầm tư (trích)

 

     Câu 346 – Này con, hãy học theo thái độ của dòng sông: gặp trở ngại, khó khăn thì đi vòng để tránh. Chứ không đi lui.

     Câu 6 – Người gây tai tiếng thường không được nghe tai tiếng do họ gây. Như sự lặng yên nơi trung tâm của trận bão lớn.

     Câu 148 – Khi đọc một tác phẩm tuyệt hảo, tôi hay thương tác giả. “Trong cuộc đời, ông đã đau khổ nhiều vậy sao?”.

     Câu 427 – Người đàn bà nhiều khi phải gắng bấm bụng nín cười khi nghe đó đây người ta ca ngợi đạo đức và tài năng của chồng mình.

     Câu 232 – Cuối cùng, chỉ có cái huyệt mộ là nhân ái. Nó rộng lượng bao dung nhận người tốt cũng như kẻ xấu. Con người thì luôn luôn: “Tôi có ý kiến”.

     Câu 1 – Đừng ưa chê bai kẻ khác. Con hãy nhìn vào gương. Khi chê ai, mặt con nhăn nhíu xấu xí. Khi khen ai, mặt con rạng rỡ xinh tươi. Hỏi còn có thuật trang điểm nào đơn giản mà hiệu quả hơn không?

     Câu 360 – Làm cho sạch sẽ tươi mát là nước. Làm cho nhầy nhụa dơ dáy cũng là nước.

     Câu 89 – Chuột thường sập bẫy chặng khuya gần sáng. Chống chọi với sự cám dỗ quả thật không dễ.

     Câu 70 – Bất hạnh cho ta nếu có người họ hàng xấu: ta không nhận được cái Tốt từ họ, không làm được cái Tốt cho họ.

     Câu 488 – Thắng người khó, thắng mình cũng không dễ. Vậy bạn đừng bị chạm tự ái khi nghe tôi khuyên. Điều tôi khuyên, chính tôi cũng đang không làm được.

     Câu 436 – Triết gia nào thành công lớn trong tác phẩm là người thất bại nặng giữa cuộc đời.

     Câu 410 – Các ông Thánh đang xầm xì với nhau, ngạc nhiên về những hành vi và tư tưởng cao cả mà người đời cứ khăng khăng gắn cho họ.

     Câu 22 – Trên sân khấu, chỉ nhân vật bại trận mới ngồi lại nói dai. Kẻ thắng trận đã mỉm cười bỏ đi mất. Với chiến lợi phẩm.

     Câu 107 – Cảm thương cho ông Galiléo đóng vai thiểu số tuyệt đối khi khám phá rằng Trái đất quay chứ không đứng yên như đa số đang tin.

     Câu 176 – Để truyện kể hấp dẫn li kỳ, nhà văn thường xây dựng những nhân vật nữ độc ác tàn nhẫn. Thì đồng ý với quý ông là có những người đàn bà dẫn ta đi qua cửa Thiên đàng để đưa thằng xuống Địa ngục, nhưng không yêu họ thì ta biết yêu món gì khác? Ngai vàng, kim cương không thể thay thế họ được.

--------

 

Chú thích của Vietsciences

(1)

 Gérard de NERVAL   (1808-1855)

Chanson gothique Belle épousée,
J'aime tes pleurs !
C'est la rosée
Qui sied aux fleurs.

Les belles choses
N'ont qu'un printemps,
Semons de roses
Les pas du Temps !

Soit brune ou blonde
Faut-il choisir ?
Le Dieu du monde,
C'est le Plaisir.

 

 

   

 

 

© NhavanVoHong