Nhà Văn Võ Hồng  

Trầm mặc Võ Hồng

 Phan Ngộ        Kiến thức ngày nay        1994       

 

 

- Xin ông cho độc giả biết một chút đời riêng của mình. Có phải vì  hình ảnh người vợ yêu quí của ông đã để lại dấu ấn quá đẹp trong đời ông khiến các nhân vật nữ của ông bao giờ cũng có những nét đẹp thâm trầm, sâu sắc mà ngoài đời thường khó gặp ?
- Hình ảnh cô Marie Phan Diệu Báu, tôi có giới thiệu thoáng qua trong tập Hoài cố nhân (truyện Ngày xưa). Sau đó là vai Quỳ trong Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay. Là người mẹ trong truyện Người anh vắng mặt (tập Vẫy tay ngậm ngùi). Thật là khó nói khi phải nói về mình và đúng vào cái tốt của mình. Có lẽ một câu này đủ tóm tắt hết : tôi bảo các con tôi. « Cái Ðức của má bay hay hơn hẳn ba ».

Kể lại một chuyện vui. Thời kháng chiến tôi làm hiệu trưởng một trường trung học. Chiến dịch Atlante, một mình chạy ra Bình Ðịnh, tôi thử đóng vai thợ cúp tóc gần 2 tháng ở xóm Gò Cau. Còn vợ tôi thì, đang dạy tiếng Anh ở trường trung học, bỗng một hôm vào mùa nghỉ hè, lũ nhỏ trong xóm rủ đi bẻ bắp. Vậy là vợ tôi đội nón cầm thúng đi theo. Chiều về, bác gái tôi chưa kịp rầy (vì gia đình điền chủ đang còn giàu) vợ tôi vui vẻ kể lại : « Họ khổ công trồng, mình chỉ đưa tay bẻ. Bẻ 10 trái mình được trả công 1 trái. Khỏe quá. » . Về những đức tính Hiếu, Ðễ, Nhân, Nghĩa …. kể ra thì dài dòng, tôi chỉ chọn nêu câu chuyện nhỏ này. Hồi đó, -  chặng 1955-1956 -  nhà tôi ở khu Xóm Mới, Nha Trang còn rất thô sơ, ranh giới rào giậu giữa các lô đất chỉ là một hàng cọc, kéo hai đường dây kẽm gai. Các nhà lân cận qua lại bằng cách bước qua dây kẽm.

Một hôm con nhỏ ở bên láng giềng tay trái qua tỉ tê ngồi lê đôi mách với con nhỏ ở bên nhà tôi. Thường, những chuyện xấu của láng giềng bao giờ nghe cũng hấp dẫn hơn cả truyện phim trên truyền hình. Nhưng vợ tôi liền từ nhà trên bước xuống, tặng cho cô bé láng giềng một trái ổi rồi bảo em về coi chừng nhà, kẻo lỡ có ăn cắp nó lẻn bóng.

Một hôm khác, tôi đi đâu về nghe vợ tôi bảo người giúp việc sang nhà láng giềng bên tay mặt mượn cái chày giã tiêu. Tôi nhíu mày : « Quấy rầy bà con làm gì. Thì cứ dùng cái cán dao… » Vợ tôi dịu dàng : « Em biết. Thậm chí ở nhà cũng có sẵn chày. Nhưng láng giềng với nhau, thỉnh thoảng phải tạo những dịp giao thiệp qua lại nhẹ nhàng như vậy ». Tôi giật mình. Bản tánh tôi vị tha, ưa giúp người, ai cần thì giúp hết lòng, nhưng tự xét chưa cao bằng cái Ðức đó của vợ tôi. Phải, mình có mượn của bà con thì khi cần, bà con mới dám mượn lại mình. Chuyện thật một trăm phần trăm mà nghe như chuyện sáng tác để ...  minh họa. 

Một số tùy bút của ông như: Một bông hồng cho cha… Nghĩ về mẹ… Nửa chữ  cũng thầy… thấm đậm nét đẹp của nền văn hóa Ðông phương. Xin ông cho biết ý nghĩa của văn hóa trong cuộc sống xã hội sẽ tạo được sức bật gì trong hoàn cảnh đổi mới của đất nước hôm nay ?

Những tùy bút của tôi không nhằm tạo ra được sức bật mà chỉ khiêm tốn góp phần đắp giữ nền móng Ðạo đức trong xã hội. Ngạc nhiên và cảm động biết bao khi rất nhiều bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi viết thư cho tôi tỏ ý tán thưởng . Có người mượn tấm ảnh của mẹ bạn mình, đem lắp vào chổ họa sĩ minh họa nơi bài báo Nghĩ về mẹ, đem photocopy. Rồi gởi tặng bạn nhân sinh nhật của mẹ bạn. Giá có tám trăm. Rẻ hơn đoá hoa hồng mau tàn. Nhiều người đã khóc khi đọc bài Lời sám sối của cha.

 Trong «Xuất hành năm mới»  và «Trận đòn hòa giải», hình ảnh gà trống nuôi con của ông đã làm bao nhiêu người xúc động. Xin cho biết một vài suy nghĩ của ông đối với tình hình các vụ ly hôn gia tăng cũng như việc giáo dục gia đình hiện nay.

 Nhân ông nhắc đến chuyện Xuất hành năm mới, gần đây « nó » được tái bản và tôi nhận được thư của độc giả Lâm Ngọc Tuyết ở Thủ Dầu Một. Cô viết : « … bác ơi, chừng lên mấy tuổi thì bé Tri Thủy biết rằng bức thư bé viết gởi mẹ, không bao giờ mẹ đọc ? Cháu khóc nhiều vì tính ra thì cháu cùng tuổi với Tri Thủy. Cháu hiện có hai con. Tưởng tượng nếu cháu cũng lỡ chết sớm … hai con của cháu sẽ… cháu thêm thương chồng, thương con ... ». Chắc nhiều bạn đọc cũng có suy nghĩ như cô Lâm Ngọc Tuyết.

Hồi tôi dạy học, có nhiều học trò tôi khóc nói sao mẹ mới chết chưa giáp năm mà cha đã vội giao du. Không được như thầy. Tôi chân thật khuyên : « Cứ để cha con tục huyền. Gà trống nuôi con, -  cả ngay gà mái nữa, -  đều rất khổ cực ». 

Còn tình trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng thì không chỉ ở ta mà ở khắp các nước văn minh. Có hại cho việc giáo dục con cái như thế nào thì ai cũng biết, có thể còn biết nhiều hơn, kỹ hơn tôi nữa, vì sách báo nói tới hoài. Thường chỉ khi gặp một trường hợp cụ thể, xét những sự kiện cụ thể thì tôi có thể tìm ra được một lời khuyên thiết thực và nhẹ nhàng chớ chỉ lên tiếng dõng dạc khuyên dạy chung chung thì sợ e độc giả họ… lật gấp qua trang khác.

Chúng tôi có mặt là tập truyện ông viết về các con vật quanh ta. Mọi người chờ đợi tác phẩm ấy ra đời, sao chưa thấy xuất bản ? Ông muốn nhắn gửi điều gì với độc giả qua tác phẩm đó ?

Những chuyện loại này người ta quen gọi là ngụ ngôn. Với tôi thì không đúng, bởi tôi không có hậu ý dạy điều khôn dại mà chỉ muốn người đọc chơi vui với một thế giới hồn nhiên dễ thương.

Nhằm mục đích đó, mỗi chuyện được dựng thành một màn kịch nhỏ. Cười xong, suy nghĩ một chút, nhẹ nhàng. Nếu thấy có một khuyết điểm nào đó giống của mình thì tự sửa hoặc đề phòng. Của người thì rộng lượng tha thứ. Tôi mong độc giả không gọi tập truyện này là « truyện súc vật », bởi chữ « súc vật »  đã được loài người dùng làm lời mắng chửi, khinh miệt nặng nề. Xin coi nó như một kiểu Liêu trai chí dị, một Liêu trai tân chí, trong đó ma đươc thay bằng những con thú.

Có một bài học tôi nhận được là khi truyện Kẻ trí chết vì người ngu đăng trên Kiến thức ngày nay (số 100) không ngờ được nhiều độc giả tán thưởng. Chắc vì thời nay người ta bận lo chuyện lớn, chuyện quốc kế dân sinh, chuyện kinh tế thị trường, bận suốt tháng ngày vì chuyện NGƯỜI nên thỉnh thoảng được ngồi chơi với một con Khỉ « cứ tự cho mình là khôn » , với một con chim Chìa Vôi bẻo mép. Một con Muỗi Cỏ đa tình… người đọc cảm thấy được xả hơi, được nghỉ ngơi. Chị Hồng Ðoá, nha sĩ, gặp tôi. Khen, rồi nói : « Hình như con Thiêu Thân chỉ sống có một ngày… ». Tôi tuôn ra một tràng hiểu biết về nó, đặc biệt hùng biện là chữ Ephémère tên nó, vừa có nghĩa ngắn hạn « phù du ». Về mở tờ Kiến Thức coi lại. Trời ơi, đây rồi : mới bắt đầu nhập đề, mới bốn chữ đầu « Loài người gọi chung là Thiêu Thân » vậy mà thợ sắp chữ thêm dấu sắc thành « gọi chúng ! ».

Anh mong cuốn truyện được xuất bản ? Bản thảo chỉ dày 117 trang đánh máy, gồm 30 truyện, tôi cũng đang mong gặp một nhà xuất bản « tri kỷ ».

- Hình ảnh nông thôn miền Nam Trung bộ trong các tác phẩm của ông khiến người đọc thích thú và đối chiếu với nông thôn Nam bộ qua các tác giả miền Nam như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Ông muốn phần nào đền đáp món nợ ân tình với quê hương như ông gửi gắm qua tập truyện Người về đầu non, phải vậy không ? 

- Quá phải. Nhưng không chỉ Người về đầu non mà trong suốt hơn 20 tác phẩm, cả truyện ngắn lẫn truyện dài đều có hình ảnh nông thôn miền Nam Trung bộ : Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Ðịnh, Ninh Thuận, Lâm Ðồng… . Có những truyện hay được nhắc tới : Tình yêu đất, Bên đập Ðồng Cháy, Dấu chân sa mạc, Thế giới của Năm Nhiều… . Ngoài cảnh sắc núi sông, cung cách làm ăn sinh hoạt, tôi đặc biệt thương cái ngôn ngữ quê mùa của bà con, cái ngôn ngữ mà các bạn trẻ khi học lên cao, có chút địa vị là họ lật đật chối bỏ. Sợ nó cuối cùng bị xoá mất, tôi liền cho tất cả các con vật  trong tập Chúng tôi có mặt đều nói rặt giọng nhà quê của tỉnh tôi, của miền Nam Trung Bộ. Một hôm cùng vài người bạn ngồi chơi, một anh khen văn tôi viết giọng bình dân. Một anh tiếp lời : « Bình dân mà quí tộc » . Lời nhận xét bất ngờ, lý thú. Tưởng như thô thiển mà thâm thúy biết bao. Bởi còn phải biết tránh những lối nói bình dân thô tục. Tuổi càng cao tôi càng thêm yêu hình ảnh nông thôn. Trước đây 22 năm, trả lời phỏng vấn  của nguyệt san VĂN (số 209 ngày 1/9/1972) tôi đã nói :  « Ước vọng của tôi là tìm gặp những ông nông dân già, ông chài cá lưới tôm, ông thợ rừng ... nghe họ kể chuyện làm ăn, âu lo, hy vọng ... ». Khi được in ra một loạt những cuốn sách như Hồi ký của một ngư phủ ở Tiên Châu, Phút nói thật của một nông dân miền Hóc lá ...  thì ông tưởng tượng xem, độc giả các thế hệ sau sẽ yêu quê hương tha thiết đến chừng mực nào ... .  Quê hương được nuôi dưỡng, được bồi đắp, được bảo vệ bằng sức cần lao âm thầm của đại đa số những người sống đạm bạc nghèo nàn nơi thôn quê chớ đâu phải nhờ lớp thị dân sung sướng ở thành phố ?

Trước 75, mỗi giai phẩm Xuân của một tạp chí khá quen thuộc với độc giả miền Nam lúc đó đều có đăng một truyện ngắn của ông mà độc giả đều thích thú và có cảm tưởng như mùa Xuân được kéo dài thêm qua các truyện Trầm mặc cây rừng, Bên kia đường, Ði con đường khác, Nhẹ hơn cơn gió thoảng… Nhờ đâu mà ông cô đọng được  những từ văn như vậy ?

- Có lẽ nhờ tôi viết ít. Có cảm xúc thật mới viết. Tôi lại viết chậm. Ðể có một truyện như vậy, tôi phải bắt tay viết từ cuối tháng chín. Cân nhắc, chắt lọc, thêm bớt … Tháng mười một thì có thể đánh máy gửi đi.

Nhờ đâu mà có đọng được những từ văn ? Nếu chỉ nói lý thuyết thì ai đã học hết chương trình Văn lớp 9 là đã trả lời trôi chảy được. Còn nếu nói kinh nghiệm thì: tránh sự dễ dãi ... tránh sự nhàm sáo ...  tránh sự lưu loát. Một ví dụ cụ thể : cách đây mười ngày, một buổi tối, tôi nghe cháu bé Kim Nhã, học sinh lớp một, ở sát cạnh nhà, bị chị kiểm tra bài chánh tả viết ở lớp. Chợt nghe tiếng thước kẻ vụt, và tiếng cháu khóc nấc lên, nấc dồn dập. Rồi oà ra. Tôi có cảm giác xót xa lạ. Thằng cháu Nhật Thành cũng ở cạnh tôi, cũng bằng tuổi Kim Nhã, cũng khóc nức nở khi mẹ đánh, tôi cũng rất thương, nhưng tiếng khóc con trai vẫn có nét gì can cường, mang chút ít tính chất biểu diễn. Thử phân tích tiếng khóc để tìm hiểu sự xót đau, nhưng cho đến hôm nay tôi vẫn chịu thua. Chẳng lẽ bắt đánh một lần nữa để ghi âm mà … phân tích ?

Gần suốt cuộc đời, ông đã sống trong ngành giáo dục, nhờ đó những tác phẩm của ông viết về nhà trường như Vẫy tay ngậm ngùi, Thương mái trường xưa, Hồn nhiên tuổi ngọc… đều được hoan nghênh. Xin ông nhắn gửi cho lớp học trò hôm nay, những người chủ tương lai của đất nước vào thế kỷ 21, những điều ông tâm đắc…

Hồi đi dạy học, cứ vào đầu giờ của niên khoá, tôi ghi lên bảng đen 3 câu :

  1. Chịu khó học 15 năm để được thong thả 50 năm.
  2. Năm đầu học giỏi thì năm sau dễ giỏi.
  3. Nhất định không chịu đứng hạng trung bình.

Mục đích là khuyên chăm học. Sau 75, có một số phụ huynh không hăng hái trong việc khuyến khích con đi học. Tôi chân thật nói :  « Có thể là học xong, cháu sẽ chỉ bán bún bò để sống. Nhưng đậu trung học xong rồi bán bún bò thì vẫn khác xa so với bán bún bò mà mới học tới lớp 2 ». Ðại khái là khuyên các em học khi đang ở tuổi học. Học lên bậc cao thì các em sẽ nhận những lời khuyên của các bậc thầy trí thức cao. Có một điều là phải sống có Ðạo Ðức. Mỗi người hãy nhớ rằng mình không xứng đáng với bữa cơm dẫu tầm thường mình đang ăn, những tiện nghi dẫu hạn chế mình đang hưởng. Làm ra được gạo, được  cá … nặng nhọc lắm. Xã hội đang rộng lượng nuôi dưỡng mình. Vậy mình phải sống nhân ái. Tôi dạy các cháu : hãy dành ra cỡ 5 phần ngàn số tiền lương hàng tháng để làm việc từ thiện. Nghe thì có vẻ ít : lương 200 ngàn mà chỉ truất ra có 1 ngàn. Nhưng là đều đặn thường xuyên.

- Xin thành thật cảm ơn ông đã dành cho bạn đọc cuộc nói chuyện lý thú hôm nay. Kính chúc ông sức khoẻ và có thêm nhiều tác phẩm hay.

Xin cảm ơn KTNN và bạn đọc ưu ái đã dành cho tôi buổi phỏng vấn này. 

 

 

© nhavanVoHong