Trò chuyện với nhà văn Võ Hồng: những ngày đầu của tuổi 70.

Vietsciences- Đặng Sĩ Tịnh        (Tuổi trẻ chủ nhật số 17 ra ngày 05-05-1991)

 

Nhà Văn VÕ HỒNG

   Tôi đến thăm ông trước ngày kỉ niệm ông tròn bảy mươi tuổi (nhà văn Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921). Tôi không biết là đến hôm đó ông có tổ chức gì không nhưng tôi rất muốn dành cho ông một sự bất ngờ nho nhỏ: rủ mấy người bạn văn nghệ mang theo rượu và một ít đồ mồi, leo lên sân thượng nhà ông – nơi có cây khế chua của nhà bên cạnh phủ qua những tầng lá xanh tốt, để ngồi với ông, mừng ông “thất thập cổ lai hi”. Đó là một buổi chiều chủ nhật giữa tháng tư. Lúc tôi đến đã thấy có một nhà báo, một nhà phê bình văn học đang ngồi với ông trong một căn phòng chật với hàng trăm thứ vật dụng để đầy trên giá, trên bàn, giữa sàn nhà. Ông chợt vui hẳn lên vì sự ồn ào của tôi. Thấy tôi đang chăm chú nhìn một lọ thủy tinh trong suốt cắm mấy đóa hồng nhung  Đà Lạt thật đẹp, nhà văn Võ Hồng nói: “Của bà Ursula Nguyen mới tặng hôm trước”. Ông là người rất thích hoa và sành về hoa, tôi hỏi:

       ● Trong các loài hoa, bác mê nhất hoa nào?

     - Không có mê. Yêu thì có. Đẹp như hoa hồng, hoa lan, hoa thược dược, sen, cúc, mai, đào… thì làm sao mà chẳng yêu cho được? Nhưng giữa yêu hoa và chơi hoa, cắm hoa còn có điểm khác nhau. Ngày trước, lọ hoa nơi bàn tôi còn cắm hoa hồng và chỉ đặc biệt hồng Brigitte. Nhưng gần đây tôi hay ngắt cắm  những đóa hoa dại vô danh, nở rải rác giữa đám cỏ dại quanh nhà hay ở trên cánh đồng. Xin miễn cho tôi phải nói lý do vì sao. Tôi nhìn kỹ màu hoa, nhìn gần nhìn lâu hình dáng của cánh tràng, của lá và tôi thích thú thấy mình đang là người tri kỉ mà hoa không ngờ, không chờ đợi. Ở ngoài chợ người ta mua hồng, mua huệ, mua lai – ơn gần như theo thói quen và hoa như cũng thờ ơ, thản nhiên bởi bàn tay nào mó đến thì cũng như nhau. Chớ hoa dại thì hoàn toàn khác.

     ●Một câu ca dao hoặc châm ngôn Việt Nam mà bác thích nhất?

       - Hình như tôi thích câu:

     Ngày đi, trúc chửa mọc măng

Ngày về, trúc đã cao bằng ngọn tre

     Ngày đi, lúa chửa chia vè

Ngày về, lúa đã đỏ hoe đầy đồng

    Ngày đi, em chửa có chồng

Ngày về, em đã con bồng con, con mang

       Nó không văn chương bằng Gió đưa cành trúc la đà…Tiếng chuông Trần Võ, canh gà Thọ Xương…Mịt mù khói tỏa ngàn sương…Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ. Nó không no ứ cái tâm lý thỏa mãn Thương nhau trao áo cho nhau…Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Mà nó xót xa. Nó như dành cho mọi người. Hầu như người con trai nào cũng được nếm dư vị đắng cay của nó. Ai cũng có dịp xót xa nhìn người bạn gái ngày nào của mình nay đã con bồng con mang với một kẻ không phải là mình.

      Ở thôn quê miền Nam thì ca dao không điêu luyện văn chương mà hồn nhiên, gần gũi dễ thương. Sẵn con cá, con cò…sẵn chèo, sẵn nước…sẵn cây ô rô, cây điên điển…thì cũng ghép vô luôn. Như câu Thò tay mà ngắt ngọn ngô…Bụng thương muốn chết, giả đò ngó lơ. Nhưng mà phải coi chừng. Chớ làm ca dao theo thể hứng này dễ bị…lạm phát lắm. Khiến có hôm nghe tiếng mỡ xèo và mùi hành tiêu bay thơm lừng của cô bé Thu Trâm láng giềng, tôi đùa:

       Cắm đũa thọc vô chảo xào

  Thương anh, lén đứng gốc dừa dòm qua.

     Vừa dứt câu…ca dao thì có tiếng cô em Hạ Uyên đang xách nước đổ vô lu, tôi liền bồi thêm:

         Xách gàu nước đổ vô lu

    Đi thăm em, nhớ cầm dù…kẻo mưa

      (Chúng tôi cùng cười)

        ●Và một câu châm ngôn của Pháp?

     - Châm ngôn? Khó chọn đó. Một cuốn nho nhỏ này – Ông thò tay đưa một cuốn – dã 4896 câu. Một cuốn vừa vừa này – Ông cầm đưa tôi một cuốn khác – dã 1086 trang. Nếu ông quy định rõ lĩnh vực thì dễ chọn. Chẳng hạn về tình yêu, cái món mà ai cũng thích, thì có câu này:

         Người đàn ông làm cô khóc là người đàn ông yêu cô hơn hết. (Câu đó của Cervantès (tác giả cuốn Đông Kisôt). Thoạt nghe qua, tưởng vô lý. Người đàn ông làm cô khóc là người đàn ông bạc tình, đã phụ tình cô mới phải chớ. Một câu chuyện bé nhỏ để chứng minh: Một người đàn bà đã chân thành yêu tôi nhiều năm, tôi đáp lại, nhưng nàng vẫn nghĩ là tôi yêu không nhiệt tình. Nhưng khi nàng khóc thầm để lặng lẽ xa tôi, bị chinh phục bởi một người đàn ông khác và thấy tôi năm, bảy năm vẫn cô đơn nhớ nàng thì nàng mới hiểu chính tôi là người đàn ông yêu nàng hơn hết. Nàng gặp câu này của Cervantès và ân hận là khi biết được thì đã quá muộn rồi.

         Uầy, mà tôi lạc đề. Ông Cervantès là người Tây Ban Nha. Tôi chọn một câu của Chamfort vậy: Tình yêu đẹp hơn hôn nhân. Cũng như đọc tiểu thuyết hấp dẫn hơn đọc sử.

        ●Thưa bác Võ Hồng, hiện nay bác sống và viết như thế nào?

       - Các con tôi đã lớn, vậy là đã nhẹ bổn phận. Khỏi đi dạy kiếm sống, vậy là đã nhẹ hao hơi. Thỉnh thoảng khi thích thì viết chơi, nửa trang, một trang, viết cái gì mình chân thực cảm, nghĩ.

        Tôi cầm viên phấn bằng tay mặt, cầm viết bằng tay trái nên có những niềm vui bất ngờ. Chẳng hạn mới tháng trước, một thượng tọa ở mãi Bình Định và hai đại đức ghé thăm. Lâu ngày quên pháp danh, chỉ nhớ tên Hồ Thanh Tùng. Thượng tọa nói:  -Tôi nhớ hoài ngày thầy dạy chữ tente(cái lều), chúng tôi lộn với chữ tante(bà cô). Thầy liền cầm phấn vẽ chữ e thành hình cái cửa lều và chữ a thành khuôn mặt người đàn bà.

      Khi tiễn ra cổng, tôi ôm người học trò cũ của tôi, và nhìn gần lông mày có sợi bạc trắng. Tôi hỏi: - “Chú năm nay niên kỷ bao nhiêu?”. Trả lời: - “Dạ sáu mươi bảy”. Tôi bàng hoàng.

      Một ni cô từ Vũng Tàu ra ghé thăm. Trong câu chuyện hàn huyên, tôi cứ một điều “thưa ni cô”, hai điều “thưa ni cô”. Chừng nửa giờ sau, ni cô bỗng cười: “Con là Nguyễn Thị Hữu Lễ, thầy không nhớ sao?”.

     Cũng có học trò cũ làm linh mục nữa. Như cha Giuse Tiền Lộc  mà tôi rất trân trọng, thâm tình…

      ●Còn chuyện cầm viết tay trái?

      - Cũng nhiều. Mới hôm qua tôi nhận một bức thư từ Pháp của một người học trò cũ. Thư có đoạn viết: “Một cô bạn của em đọc cuốn Áo em cài hoa trắng, cô khóc. Đặc biệt đoạn người cha cầm cuốn vần cũ lén bỏ vô cặp cho con làm cô xúc động nhất…

                                                                           Nha Trang 04 – 91

                                                                  

 

Trích từ trang http://www.vohong.de

 

© http://vietsciences.free.fr Võ Hồng