Trò chuyện với nhà văn Võ Hồng

Vietsciences- Nguyễn Trọng Chức      (Tuổi Trẻ chủ nhật số 31 ngày 12-08-1990) 
 

Nhà Văn VÕ HỒNG

Anh Võ Hồng quí mến, có nhiều bạn đọc trẻ chỉ mới biết tên anh qua và truyện ngắn gần đây - đặc biệt là qua tùy bút Một bông hồng cho cha – nhưng các bạn  muốn được biết về tác giả . Anh có vui lòng « khai lý lịch » trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ?

 … Một chút lịch sử. Thời tôi còn đi học cấp nhỏ nhất là cấp Sơ học, gồm ba lớp : đồng ấu, sơ bị và sơ đẳng. Các môn học đều bằng tiếng Việt. Có thêm một giờ sinh ngữ Pháp. Cuối cấp thì lấy bằng sơ học yếu lược. Tiếp theo là cấp tiểu học. Có thể làm hương sư với bằng này. Tiếp tới là bốn năm trung hoc, cũng học bằng tiếng Pháp. Giờ học Việt văn và Hán văn là phụ. Nói vậy để khoe vói anh rằng năm học lớp dệ tam (1939) tôi có một truyện ngắn đươc đăng trên tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy , NXB Tân Dân Hà Nội. Truyện lấy tên Mùa gặt, ký bút hiệu Ngân Sơn. Từ năm 1940 đến 1943 tôi học ban tú tài ở Hà Nội. Thỉnh thoảng có gửi đăng những bài ngắn trên Tiểu Thuyết thứ năm. Ngày 10 và tiếp ngày 14-10-1943 phi cơ Ðồng Minh thả bom Gia Lâm. Có lệnh tản cư, tôi lên tàu xuôi Nam. Những cảnh, những người trong giai đoạn này tôi ghi lại trong tập truyện ngắn đầu tay Hoài cố nhân in năm 1959, nhờ anh bạn Ðặng Quốc Hướng giới thiệu với NXB Ban Mai. Tôi nhớ ơn anh Hướng hoài.

 
Gần như tác giả nào cũng phải trả cái nợ « tự truyện » trong mấy tác phẩm đầu… 

- Một phần vì công lực còn yếu mà. Tập truyện thứ hai, Lá vẫn xanh (1962) thứ ba Vết hằn năm tháng (1965) cùng mang những nét mô tả người và vật và cảnh sinh hoạt nơi quê hương thôn dã của tôi trong các thập niên 30, 40. Tiếp theo : Con suối mùa xuân (1966). Khoảng mát (1966). Bên kia đường (1968) thì thập niên 50, 60 Những giọt đắng (1969). Trầm mặc cây rừng (1971). Trong vùng rêu im lặng (1988). Trong các truyện dài thì Hoa bươm bướm (1966). Như cánh chim bay(1971) lấy đề tài cuộc kháng chiến chống Pháp. Gió cuốn (1969). Nhánh rong phiêu bạt (1970). Thiên đường ở trên cao (1987) mô tả cuộc sống nơi các đô thị. Người về đầu non (1968) mang dáng dấp tự truyện, tôi kể những kỷ niệm về ông bác tôi khi ông từ trần.

 

So với những năm tháng sáng tác sung mãn trước 75, bây giờ anh viết như thế nào, dành cho văn chương thời gian nào ? Anh đang viết truyện (ngắn, dài) hay hồi ký ? 

- Tôi hiện dùng thì giờ để hoàn chỉnh những tập bản thảo . Như tập truyện Vẫy tay ngậm ngùi NXB Thuận Hóa. Ðó là những mẫu sinh hoạt, những suy tư của một nhân vật nữ 17 tuổi, vừa đậu tú tài, sắp vào trường Ðại hoc. Cô vẫy tay ngậm ngùi chào những ngày dĩ vãng ấu thơ, chào người cha thân yêu và ngôi nhà mến thương. Ba chị em cô mồ côi mẹ từ nhỏ. Ngày người chị vào đại học, chị phân công dặn dò hai em ở nhà săn sóc cha như thế nào. Tới khi anh vào đại học thì khỏi phân công. Và bây giờ tới lượt cô. Cô gợi những kỷ niệm mới ngày nào lên bảy lên tám, na cái cặp nặng trịch, hình ảnh cây trứng cá rải cánh hoa trắng trên sân, con chó Bốp Bi, ông thầy giáo cũ…

 
Quả là anh viết và sống trong không khí tình cảm. Tập Áo em cài hoa trắng nói về những em nhỏ mất mẹ. Chắc anh rất yêu trẻ con … 

- Chúng hồn nhiên, không yêu sao được ? Như cô bé Cụi, con của người học trò cũ ở sát nách nhà tôi. Lên chín tháng, mỗi lần Cụi đứng vịn thành giường khóc đòi bế là tôi đi lẻn qua bế về. Ðặt lên võng vừa vỗ lưng vừa hát những bài mà hồi hai mươi tuổi mình hay hát. Như C’est à Capri, Marinella, Guitare d’amour…   Khi bé Cụi lên ba tôi dạy ngắt những cành hoa ti-gôn tặng mẹ, rủ cùng tôi núp trong « cái hang » do những cành khế lòa xòa nơi sân thượng tạo thành… Bên cạnh trẻ con, tôi còn yêu súc vật. Tôi vừa hoàn thành tập truyện Chúng tôi có mặt mà nhân vật toàn là những con thú : cọp, beo , sư tử, cáo, heo rừng, nai, chèo bẻo, két… Không phải ngụ ngôn. Tôi tưởng tượng chúng đang sinh hoạt và tôi yêu chúng. Một kiểu chuyện Liêu trai chí dị trong đó ma được thay bằng những con thú. Như con khỉ mẹ coi tướng để chọn vợ cho con : 

vừa khẹc vừa thò gãi hông.  
 Lấy chục ông chồng cũng chẳng thấm đâu.

Như chuyện lũ bò, heo, dê… bị loài người khinh khi mắng chê dốt nát liền bàn cách mời cụ mối (được tôn vinh là mọt sách) mở lớp dạy chữ. Nhưng vong hồn lũ heo, bò, gà, vịt… đội đơn xin Diêm vương xử tội mấy đứa sinh thời đã giết chúng ăn thịt. Nhưng luật pháp tuy công minh mà còn sơ lược khiến kẻ dữ được lọt lưới. Mụ rắn hổ man liền chán nản nhắc câu nói của vị triết gia Solon, một trong bảy vị hiền triết cổ Hy Lạp : Luật pháp như những cái mạng nhện, chỉ bắt được lũ ruồi nhỏ.

Sao anh đặt tên tập truyện là Chúng tôi có mặt ?

- Ở trên cái « thư trai cô liêu » của tôi, một buổi sáng tôi để tâm hồn đắm trong thế giới muông thú của tôi, không hiểu do dẫn   khởi nào, tôi tưởng như mọi loài đang đứng trước mặt Thượng đế, bình đẳng, và ngài điểm danh :

 -  Loài người !
 -  Dạ… dạ… Kính thưa… dạ… chúng con xin kính hầu…
 -  Loài vật !
-   Chúng tôi có mặt.

Tôi mượn câu trả lời sau để đặt tên truyện. Chúng tôi có mặt, một câu trả lời dõng dạc mà vẫn khiêm cung thuần nhã biết bao.

 
Nếu được trẻ lại, được khởi đầu lại sự nghiệp của mình, anh sẽ làm những gì, trong văn học và ngoài đời thường ? 

- Tôi làm nghề dạy học. Lứa học trò đầu tiên, có người, có hôm dẫn cháu nội tới trường và ngạc nhiên nhìn tôi mà : « Ủa ! Chào thầy… ». Y như hồi nhỏ đọc trong Quốc văn giáo khoa thư chuyện ông Carnot về làng thấy ông thầy cũ đang dạy học, liền bước vào chào thầy. Rồi quay lại bảo các học sinh : .... Ta bình sinh nhất là ơn cha ơn mẹ ta, sau là ơn thầy ta đây… ». Cái ngộ nghĩnh là nơi hai, ba thế hệ đó, mẹ thì « thưa thầy con… », còn con thì « thưa thầy em… » Học sinh giàu có, nghèo có, xấu có, đẹp có. Phật giáo, Thiên Chúa giáo, giọng Bắc, giọng Nam, trải qua ba, bốn chế độ … cái tâm vốn hòa của mình càng thêm bao dung. Vậy chắc chắn là tôi không đổi nghề khác đâu (cười).

Còn nghiệp cầm bút thì lúc đầu tưởng chỉ mạo muội rong chơi, ai ngờ càng ngày càng lún sâu. Thời trước 1940 văn chương chỉ dành cho đồng bằng Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ, chớ suốt giải đất miền Trung chỉ rải rác mấy người. Khi đã viết được kha khá thì cảm thấy được an ủi là miền quê hiền hòa của mình được độc giả biết đến - nhất là ngôn ngữ bình dân – qua những trang viết chân thực của mình. Một cô học sinh cũ lập nghiệp ở Úc, trong một bức thư năm ngoái có kể rằng : Có một phụ nữ Việt Nam mượn đọc cuốn Trầm mặc cây rừng của tác giả Võ Hồng đã lén xé truyện Chuyến về Tuy Hòa nhét vào xắc. Bị nhân viên thư viện phát giác, người đó đã khóc, nói « nhớ quê hương quá » v v… Thì cứ coi độc giả biên thư tới tòa soạn Tuổi trẻ về Một bông hồng cho cha, chẳng đủ an ủi sao (cười)

 À, lúc nãy anh hỏi « Nếu được khởi đầu lại… ». Tôi xin phép cho nói một chút về chuyện riêng tư. Chẳng là vợ tôi mất từ hồi tôi còn rất trẻ. Ở vậy nuôi con khó lắm chắc ai cũng đoán thế. Nhưng có hôm, rất chân thực, tôi đã an ủi linh hồn vợ tôi : « Nếu Thượng đế cho tôi làm lại cuộc đời thì tôi xin cứ lập lại y như cũ. Vậy là vừa trả lời câu hỏi của anh đó.

 
Xin cảm ơn anh

 

 

© http://vietsciences.free.fr Võ Hồng