Nhà Văn Võ Hồng  

VÕ HỒNG những kỷ niệm xanh

 Khuê Việt Trường               17.07.1993

   

 

Sau khi nhà thơ lớn Quách Tấn qua đời vào ngày 21-12-92, tại Nha Trang, miền đất ấy vẫn còn lại một nhà giáo, một nhà văn có tiếng tăm. Ðến nay ông đã bước vào tuổi 72, và tính từ truyện ngắn đầu tay Mùa gặt đăng trong Tạp chí Thứ Bảy, năm 1939 thì ông đã bước vào nghiệp văn 44 năm. Trong 44 năm ấy, từ Hoài cố nhân (1959) đến Lá vẫn xanh, Trầm mặc cây rừng... ông đã trở thành một nhà văn lớn của Việt Nam.

Mùa hè năm 1993, NXB Trẻ sẽ cho ra mắt hai tác phẩm viết về tuổi thơ của Võ Hồng. Ðó là tập thơ Hồn nhiên tuổi ngọc và cuốn truyện Thương mái trường xưa.

 Tôi vẫn thường tìm đến ngôi nhà mang số 53 Hồng Bàng ấy.. Ðiều đáng ngạc nhiên là tôi vẫn gặp ông những điều mới mẻ. Với ông, viết và được viết vẫn là điều thú vị.

Trước chiếc cổng sắt thường xuyên khép kín ấy có một hộp thư nhỏ, mà hàng ngày ông sẽ mở ra vào giấc trưa. Và gần như từ muôn phương, những người ái mộ ông vẫn thường gởi những lá thư đến nơi này. Những kỷ vật quí báu của đời viết ấy,được ông quí trọng tâng tiu, giữ kỹ. Tôi tin chắc rằng ông đã kể lại cho người đọc ông những niềm vui như thể họ vứa khám phá từ nơi đó, những điều mình muốn nói, mà không thể nào diễn tả nổi. Chính vì thế mà trong lần ghé Nha Trang mới đây, anh Phạm Chu Sa, phụ trách tuyển tập Tuổi Hồng, đã mang theo bức thư của một độc giả ở miền quê xa lắc nào đó viết đến tòa soạn để chỉ cám ơn một người : Võ Hồng, vì ông đã gợi ý để tổ chức một buổi nhập học trang trọng cho những học sinh lần đầu vào lớp sáu. 

Lần đầu tiên tìm đến nhà ông, tôi bắt gặp tấm bảng nhỏ : "Kéo dây gọi Võ Hồng". Sợi dây thép gắn với ba chiếc lon sữa bò đã rỉ sét làm tín hiệu. Với ông, giờ đây được gặp gỡ và trao đổi có lẽ đã trở thành niềm vui. Những chiếc lon đã chạm nhau phát ra những âm thanh leng keng như tiếng đuổi chim. Võ Hồng ở trên căn phòng nhỏ sẽ bước xuống. Và bao giờ cũng vậy, dù cho khách có đề nghị ông cứ ở trong, ông vẫn đi theo, mở cổng, nơi có cây ô ma do chính tay ông trồng đang tỏa mát để tiễn đưa. Có người gọi ông bằng bác, hoặc chú, anh, nhà văn... nhưng tôi biết có một từ ông thích được gọi hơn : "Thầy". Học trò ông dạy bao nhiêu năm đã bay đi dủ mọi phương trời. Tình thầy trò, từ cách dạy dỗ của thầy Võ Hồng đã khiến cho những cánh chim bay ấy, khi có dịp về lại Nha Trang, đều đến nơi thầy ở, thăm thầy.

Tất nhiên, với ông, những lời khen hay chê đều không làm ông vui hay buồn. Ông sống gần như một mình ở đó. Buổi sáng hoặc ngồi trên chiếc võng nhỏ mà ăn sáng hay chiều. Ông ăn chậm rãi, và nếu không có người trò chuyện, chắc ông lại nghĩ những điều ông định viết ? Ông sẽ nói chuyện không mệt mỏi, không hề mất hứng thú với những người đến với ông. Có phải chăng khi đã đến nơi này người ta sẽ nhận ra đây là nơi của những trang văn Võ Hồng tái hiện : mảnh sân, cây ô ma, cây trứng cá... và cả tiếng vọng từ hàng xóm. Nhân xét về văn ông, đã có những nhà phê bình nói đến. Và có lẽ ông đã làm cho cả một thế hệ say mê tìm đọc văn ông. Ðôi lần tôi đã trao đổi với ông dăm ba câu chuyện ở một hiên nắng rọi, những chậu hoa đang xanh lá và cả sân thượng sũng nước vì cơn mưa vội nào vừa qua. Ðôi mắt kính, phải hai tròng kính mới trả đủ cho ông tầm nhìn cuộc sống xinh đẹp này. Ông đọc cho tôi nghe những trang viết thú vị của mình trong tập Trầm tư. Hiện vẫn còn là bản thảo.

Có một tấm bìa cứng màu xanh trong đó kẹp những bài viết nhỏ của Võ Hồng về tình cha mẹ, tình thầy trò. Ông vẫn có cái khao khát lạ kỳ của người gieo giống khi ông nói với tôi : phải chi mọi người được đọc những bài viết này, họ sẽ yêu thương quí mến cha mẹ, thầy cô hơn xưa nữa. Ông ít bước ra đường, đôi khi đi đâu đó thì nhờ đứa cháu chở đi. Vì thế, ông không biết rằng đời đã đổi thay nhiều, tuổi trẻ bây giờ dường như bận tâm về những trò vui hơn là ngồi lại để đọc những dòng viết ấy. Có phải vì thế mà giờ đây các nhà xuất bản ngại ngần khi in sách ông ?

Nhưng có một lần, buổi chiều nọ, nơi hiên chùa tôi thường dọn đồ nghề để sửa xe nếu không giong ruổi mọi nơi để lấy tư liệu viết bài, ông đã tìm tới, như một bạn văn tìm đến một bạn văn. Hiên chùa nhạt nắng, trăm tiếng ồ ào. Võ Hồng ngồi bên thềm với mái tóc đã bạc. Với ông văn chương chỉ là văn chương , tự nó không hình thành đẳng cấp và cách biệt. Ông sợ những đại ngôn, ông sống bình lặng và rất bình lặng : một mình. Tôi cảm thấy trong ông có biết bao nhiêu bài học của đời. Ðôi khi ta không nhìn thấy được người thầy lớn trong đời ta đang bên cạnh mà cứ mải mê tìm kiếm ở tận những muôn trùng.

Ngày mùng một Tết, tôi và gia đình đến thăm ông. Căn nhà vừa được quét lên lớp vôi mới để đón xuân hay đón một người con ở xa của ông trở về. Một mình Võ Hồng tiếp khách. Căn phòng ấy với chiếc hộp đựng mứt mà ông nói đã có tuổi 37 năm. Cây hoa trạng nguyên ai tặng ông đang nhuộm hồng màu lá. Ngày sinh nhật, ông trải khăn trên chiếc bàn quen. Nhữngđóa hồng cắm lên. Không phải ông chọn những lễ nghi để sống đâu. Mà chính đó là cả tấm lòng của ông đối với tất cả những người yêu quí ông, tìm đến sẻ chia sẻ với ông ngày vui kỷ niệm. Tôi đã hút hết điếu thuốc cuối cùng chiều ba mươi Tết, trở về nhà chuẩn bị cho chiều cuối năm, để trên kệ sách gói thuốc lá Võ Hồng gởi tặng. Ông nghĩ đến người khác như thế đó, trong khi đúng ra là mọi người phải nghĩ đến ông mới phải đạo, phải lẽ.

Theo định luật của cuộc sống, theo vòng quay của đất trời, tháng ngày không bao giờ dừng lại. Năm 18 tuổi, tôi đã say mê đọc Võ Hồng. Có thể trong cuộc bươn chải với đời, giờ đây tôi không còn cái say mê thuở ấy. Nhưng đã và mãi mãi là một nhà văn chuẩn mực với tôi. Làm sao tôi quên được từng truyện ngắn tôi đã đọc được, đó là truyện một cô gái đến nhận nhiệm sở ở trường mẫu giáo, rồi thầm yêu ông phó tỉnh trưởng. Truyện Ði con đường khác... và biết bao nhiêu chuyện nữa. Ông đã là cây cổ thụ trong làng văn, lúc đó tôi vẫn chưa bắt đầu nghiệp viết của mình.

Một lần ghé qua nhà anh Ngô văn Ban, hiệu phó trường Trung học Hà Huy Tập, tôi bắt gặp cả gia tài truyện ngắn Võ Hồng được gom lại từ nhiều báo : Văn, Bách Khoa. Ðộc giả đã yêu quí và mãi mãi yêu quí Võ Hồng như thế đó.

 

 

© nhavanVoHong