Nhà Văn Võ Hồng

 

Chương 1: NHÀ VĂN

 

Nguyễn Thị Thu Trang - 2013

 

1. Nửa thế kỷ cầm bút

Lần đầu tiên gặp nhà văn Võ Hồng, tôi thấy ông có phong cách nhà giáo hết sức đặc biệt. Trên sàn nhà la liệt những chữ Hán viết bằng phấn trắng. Ông đang dạy cho những đứa trẻ hàng xóm 4, 5 tuổi vừa chơi vừa học. Bên cạnh ông là một rổ nhựa đựng bút và kính đeo mắt. Tuổi cao, mắt kém, sống một mình, ông vẫn viết. Chuyện dạy, chuyện học, chuyện quê nhà... không dứt với ông.

Võ Hồng đến với văn chương như một sự xếp đặt hết sức ngẫu nhiên mà hợp lý của số phận.

Võ Hồng sinh ngày 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất tức ngày 21/01/1923 (giấy khai sinh ghi ngày 05/05/1921); tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vùng đất này có thành An Thổ, có nghề làm gốm, dệt lụa và một dòng sông thơ mộng chảy ngang qua bên lở bên bồi.

Năm 1939, khi đang học lớp Đệ tam niên trường Collège Qui Nhơn, trong một giờ Việt Văn, thầy Trần Cảnh Hảo phê vào bài viết của trò Võ Hồng : “Tôi nhận thấy có vài đóa hoa trong bài của anh (1). Anh học trò thấy vui vì lời khen của thầy hơn là phát hiện ra mình có khả năng văn chương.

Những năm  30 - 40 phong trào sáng tác trong giới trẻ trí thức lan tràn hồn nhiên như nấm mùa xuân. Lúc này Xuân Diệu đã đăng thơ liên tục trên báo Ngày Nay, Chế Lan Viên xuất bản tập thơ Điêu tàn, thầy Bùi Văn Lăng dịch thơ Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm ra tiếng Pháp (2) ... Cả ba đều học ở trường Collège Qui Nhơn.

Võ Hồng viết truyện ngắn đăng trên báo tường của lớp và ông chọn một truyện gửi cho tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy - tờ báo được hâm mộ lúc bấy giờ - địa chỉ số 93 - phố Hàng Bông - Hà Nội. Không có hồi âm. Nhưng chừng một tháng sau, truyện được đăng báo.  Tên  truyện  là Mùa gặt, bút hiệu : Ngân Sơn (Võ Hồng chọn tên làng của mình). Dưới tên tác giả, tòa soạn cẩn thận chú thích hai chữ : “Trung Việt”. Khó mà diễn tả niềm vui của cậu học trò Võ Hồng trước thành công bất ngờ năm 16 tuổi của mình. Ông kể lại : “Tối đó, thích quá cứ lang thang hết đường Gia Long, rẽ qua  Jules  Ferry, xuôi  Khải Định, rồi đi tuốt xuống biển ngồi... một mình (1). Kỷ niệm văn chương đầu đời đó không ngờ được xem như cái mốc đánh dấu điểm đầu tiên trên con đường văn nghiệp của ông.

Học xong đệ tứ niên trường Collège - Qui Nhơn, Võ Hồng học ban Tú Tài ở Hà Nội. Chiến tranh nổ ra. Bao nhiêu biến cố dồn dập tiếp theo đó. Năm 1943, Võ Hồng lên tàu về quê, bỏ lại Hà Nội với sách vở, việc học hành dang dở và một trời mơ ước về tương lai.

Võ Hồng bắt đầu khởi nghiệp văn chương chính thức từ năm 1959, khi tập truyện ngắn Hoài cố nhân ra đời. Trước đó, ông cũng có làm thơ và viết truyện dài. Bản thảo chép tay của truyện dài Ngôi sao nhỏ viết 1943 và Chỉ một lần (1945) hiện nay vẫn còn. Trong hai tiểu thuyết trên từ giọng văn đến nhân vật, kết cấu tác phẩm... đều chịu ảnh hưởng quá rõ của các tác giả lãng mạn thời đó. Ông kiên trì và vẫn viết. Ông biết tự đánh giá và rèn luyện nâng cao chất lượng ngòi bút mình. Sau này trong những lần nói chuyện tâm tình với bạn trẻ mới viết, ông đều nhắc : “Thành công quá sớm không phải là điều đáng mừng vì luôn luôn có những sơ hở khi mình chưa có kinh nghiệm (2). Võ Hồng đã chuẩn bị cẩn thận cho lần ra mắt đầu tiên. Ông đã tích lũy vốn sống, kinh nghiệm trong gần cả hai mươi năm. Một cách vô tình mà quãng thời gian đầy biến động từ 1939 đến 1959 đã trở thành một kho tư liệu quí để nhà văn khai thác xây dựng tác phẩm.

Cuộc đời nhà văn cũng không ít thăng trầm. Trong quãng thời gian hai mươi năm quan trọng ấy, biết bao sự kiện lịch sử của đất nước và cá nhân đã xảy ra. Từ một cậu học sinh ham mê sách vở phải rời xa trường lớp trở về quê, rồi sau đó ngẫu nhiên trở thành Bí thư của Tòa Tổng  đốc

 

(1) Võ Hồng - Trả lời phỏng vấn báo Tuổi xanh lơ (Phú Yên) số đầu tiên.

(2) Võ Hồng - Họ đã viết truyện ngắn như thế nào? - Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Ngọc số 28 ra ngày 9.12.1971.

Đà Lạt (trong chính quyền Trần Trọng Kim). Chiến tranh nổ ra ông tham gia kháng chiến, rồi theo đoàn người di tản tránh giặc. Năm 1946 đến 1953, Võ Hồng sống ở làng quê làm công tác Bình Dân Học Vụ rồi chuyển sang dạy học. Ông đã đi và ở rất nhiều nơi trong hai mươi năm ấy: Qui Nhơn, Hà Nội, Đà Lạt, Phan Rang, Phú Yên, Khánh Hòa... Quê hương hai lần điêu linh trong khói lửa chiến tranh. Võ Hồng có lần nói : ông và cả thế hệ của ông đã bị nhiều thiệt thòi bởi biến động lịch sử nên ông phải tận dụng nó. Có quá nhiều chuyện đã xảy ra, thay đổi mà bản thân ông đã chứng kiến. Ông viết là để kể lại, để lấp cái khoảng trống đó.

Gia đình cũng là nguyên nhân dẫn ông đến nghề viết. Năm 1954, Võ Hồng đưa vợ con về quê vợ là Đà Lạt. Ông tranh thủ đọc và đọc được rất nhiều tác phẩm văn học Đông, Tây trong thời gian này. Niềm khao khát chữ nghĩa vẫn còn nung nấu bên trong. Nhưng ông còn vợ, con... Năm 1956, Võ Hồng đưa vợ con xuống Nha Trang, nhà văn kiếm sống bằng việc dạy học các trường tư. Gia đình chưa kịp yên ổn thì vợ ông bệnh nặng và mất vào năm 1957. Mới ba mươi lăm tuổi, nhà văn đã phải góa vợ, một mình nuôi ba đứa con thơ dại (con út mới ba tuổi). Văn chương giúp ông giải tỏa những tâm sự, nỗi niềm, giúp ông giao cảm với đời và đem lại niềm vui sáng tạo.

Võ Hồng là một người trí thức coi trọng nhân cách. Cũng như những người có học khác, ông luôn cảm thấy gánh nặng của trách nhiệm đối với đất nước đè trên vai mình. Trong hoàn cảnh quê hương đang bị bom đạn tàn phá, cuộc chiến kéo dài không dứt như vậy, Võ Hồng chọn con đường dạy học và cầm bút cũng là cách để ông bày tỏ thái độ tích cực của mình. Từ Hoài cố nhân trở đi, xuyên suốt qua các tác phẩm Võ Hồng có thể thấy rất rõ tư tưởng trung thực, đứng về phía nhân dân của nhà văn.

Hoài cố nhân là tấm thẻ thông hành có giá trị để Võ Hồng vững tin bước vào con đường văn nghiệp. Khi quyển sách ra đời, giới phê bình, độc giả lập tức chú ý. Người ta ngạc nhiên vì phong cách viết chững chạc và nét hấp dẫn riêng của cây bút mới ”trình làng“ này. Nguyễn Văn Xuân trong bài “Phê bình những truyện ngắn đầu năm 59 - cuối năm 60“ viết : “Điều nhận xét đầu tiên của tôi : Võ Hồng không phải là người mới viết văn, mặc dầu - hình như thế - ông ít hay viết truyện ngắn cho các báo, tạp chí. Tập truyện đầu tay này của ông từ lối bố cục đến kỹ thuật viết, đẩy truyện đi tới, đến lời văn đã đạt  tới  mức làm chủ ngòi bút của mình (3). Đó không phải là những lời ngợi khen đưa đẩy và thực sự Võ Hồng thành công cả với những tác phẩm tiếp theo đó.

Sau Hoài cố nhânNgày xưa in chung tập, Võ Hồng viết các truyện ngắn khác. Phần lớn những truyện ngắn này Võ Hồng đều gửi đăng trên các báo, tạp chí trước khi tập họp và xuất bản thành sách. Ví dụ truyện Tai họa cuối cùng đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 107 ra ngày 15.6.1961, truyện Chuyện cái răng - Bách khoa số đặc biệt 115, 116... Đến năm 1963, nhà xuất bản Thời mới  in tập truyện ngắn thứ hai Lá vẫn xanh rồi năm 1965 một tập truyện ngắn khác Vết hằn năm tháng ra đời, thì tên tuổi nhà văn Võ Hồng đã quá quen thuộc với độc giả.

Những năm 1965 đến 1970 là giai đoạn Võ Hồng sáng tác sung mãn nhất. Chỉ trong năm 1966, Võ Hồng đã cho ra mắt độc giả tới hai tập truyện ngắn và một tiểu thuyết (Con suối mùa xuân, Khoảng mátHoa bươm bướm). Năm 1968, hai truyện dài Người về đầu non với Gió cuốn được xuất bản cùng với tập truyện ngắn Bên kia đường. Khoan đánh giá chất lượng, chỉ cần nhìn số lượng trang sách in ra cũng đủ thấy năng lực làm việc dồi dào của nhà văn và lòng ưu ái mến mộ của độc giả dành cho ông.

Võ Hồng mong muốn hoàn thành bộ tiểu thuyết ba tập dựng lại bức tranh rộng lớn lịch sử - sinh hoạt của đất nước trong những ngày kháng chiến giai đoạn 1945 - 1954. Hai tập đầu Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay dù bị ách tắc, bị gây khó khăn ở Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn nhưng rồi cũng được xuất bản và được người đọc hoan nghênh nhiệt liệt. Theo thống kê của Tuần báo Tìm hiểu số 43 ngày 15.7.1972, Như cánh chim bay được xếp vào một trong số những quyển sách bán chạy nhất. Tiếc rằng quyển thứ ba Tiếng ca lặng lẽ như ông dự định không được góp mặt.

Sau Như cánh chim bay, bên cạnh những truyện ngắn, Võ Hồng còn viết một quyển tiểu thuyết nữa nói về tệ nạn ma túy đang lan tràn

 

(3) Nguyễn Văn Xuân - Phê bình những truyện ngắn đầu năm 59 - cuối năm 60, Tạp chí Mai số 3 ra ngày 10.8.1960.

miền Nam những năm trước giải phóng. Tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao hoàn thành vào đầu năm 1974, đã được trích đăng giới thiệu trên Tạp chí Văn nhưng mãi đến năm 1987 Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình mới xuất bản lần đầu. Đó là quyển sách nhà văn ưng ý nhất về kỹ thuật viết.

Năm 1988, Hội Văn học Nghệ thuật Nha Trang tập hợp những truyện ngắn chưa xuất bản của Võ Hồng in trong tập Trong vùng rêu im lặng. Ngoài những truyện cũ được tái bản, sau 1975 nhà văn Võ Hồng có 16 tác phẩm được xuất bản, phát hành rộng rãi trong cả nước. Những quyển như : Vẫy tay ngậm ngùi, Thương mái trường xưa, Một bông hồng cho cha, tập thơ Hồn nhiên tuổi ngọc, tập Trầm tư v.v...

Con đường viết văn của Võ Hồng không có chỗ đứt quãng, rẽ ngoặt. Điểm qua gần 30 đầu sách đã được xuất bản trong mấy thập niên qua của ông mới thấy giá trị của quá trình sáng tác liên tục, đều đặn ấy.

Võ Hồng coi văn chương không phải là công việc tiện tay, bất chợt. Ông đến với nghề văn vì coi trọng giá trị của ngòi bút và đánh giá cao hiệu quả của văn chương. Ông không vồ vập mà hết sức kiên trì, nhẫn nại. Có lần ông trầm ngâm nói : “Ngày mới viết tôi không bao giờ nghĩ đến kết quả ngày hôm nay. Lắm lúc tôi giật mình nhìn lại chặng đường đã qua mà tự ví mình như con kiến nhẫn nại tha miếng mồi để rồi nhìn lại không ngờ mình đã làm một công việc ngoài dự ước (4). Quan niệm “mài sắt thành kim” đó đã góp phần đem lại thành quả lớn cho sự nghiệp văn chương của nhà văn. Võ Hồng viết đều đặn hàng ngày. Thường ông viết vào buổi sáng sớm thức dậy hoặc buổi tối. Có nhiều truyện, nếu chưa tìm ra đoạn kết ông tạm gác sang một bên và viết tiếp cái khác. Ông viết chậm nhưng cân nhắc rất kỹ khi dùng từ, chấm câu.

Võ Hồng với công việc viết văn như một người đi bộ đường trường ý thức rõ sức lực của mình và đoạn đường phải đi. Ông hầu như không đi tìm những đề tài xa lạ ngoài cuộc sống bản thân mình. Ông viết về tất cả những gì quen thuộc xung quanh. Và việc ghi lại những tập tục, nếp sinh hoạt, con người của một thời đã qua, đang qua, cả cuộc đời tâm huyết của nhà văn có thể còn chưa đủ. Lịch sử luôn biến thiên, những nếp sống cũng thay đổi, truyện của Võ Hồng lấy bối cảnh xã hội từ thời tiền chiến, giai đoạn kháng chiến và kéo dài đến thời gian hiện tại. Đề tài hoặc vấn đề đặt ra trong tác phẩm Võ Hồng có thể cổ điển, không mới nhưng cũng không bao giờ mòn cũ. Khi nào con người còn vươn tới ước mơ hạnh phúc, còn xót xa vì những mất mát, khổ đau thì còn trăn trở với quá khứ và thực tại... Ngòi bút Võ Hồng hướng tới sự bền vững - sự bền vững muôn đời của giá trị tinh thần con người. Và ông không có dấu hiệu cạn nguồn đề tài.

(4) Tuần báo Tìm hiểu số 7 tháng 10.1971

 

Vốn học vấn chắc chắn, trình độ ngoại ngữ Anh, Pháp lưu loát, trong điều kiện giao lưu văn hóa rộng rãi... nhà văn dễ dàng thu thập, tìm kiếm các nguồn triết học mới mẻ như thuyết hiện sinh, trực giác, siêu hình học, phân tâm học, thiền học v.v... nhưng ông chọn con đường dân tộc, nhân dân. Giữa cuộc sống tràn ngập những học thuyết cách tân đó và tư tưởng xã hội bị phân hóa sâu sắc, ông tuyệt đối bênh vực cho ý thức tự trọng, tinh thần độc lập dân tộc. Tình yêu quê hương, yêu hòa bình tha  thiết là tư tưởng xuyên suốt qua các tác phẩm của ông. Thái độ trung thực, tự tin, không tìm theo những giá trị hào nhoáng bên ngoài khiến ngòi bút của ông đứng vững được qua các thời đại, các biến cố chính trị. Trước và sau Võ Hồng cũng chỉ có một cách viết : nói chân thực những gì mình biết, mình nghĩ. Hai quyển tiểu thuyết Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay bị “kẹt“ ở Bộ Thông tin chính quyền Sài Gòn cũng chính vì lẽ đó. Ông đã kể về phong trào kháng chiến, tả buổi mít tinh đầy đủ chi tiết đến cả “lá Quốc kỳ đỏ thắm!“...

Nhưng điều quan trọng hơn hết để khẳng định sự đóng góp của nhà văn đối với tiến trình văn học vẫn là tài năng của ông. Mấy thập niên qua hàng chục ngàn trang sách ông viết ra dù chỉ nói về những đề tài quen thuộc, những cái nhỏ nhặt trong sinh hoạt hàng ngày... vẫn lôi cuốn hấp dẫn người đọc. Sau Hoài cố nhân, những truyện ông viết ra đều được đăng báo, in thành sách, mặc dù nhà văn không sống ở trung tâm báo chí Sài Gòn, không làm chủ bút hoặc tòa soạn báo như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo..., cũng không có nhà xuất bản riêng như Nguyễn Hiến Lê, Nhất Hạnh... Hơn hai phần ba sách Võ Hồng được xuất bản, tái bản trước 1975 là do nhà xuất bản Lá Bối nhưng đây cũng không phải là nơi độc quyền khai thác tác phẩm của ông. Nói tóm lại, Võ Hồng không có một điều kiện ưu đãi nào trên con đường đến với độc giả. Thành công của ông là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật và khả năng đặc biệt ở ngòi bút của ông. Võ Hồng là một nhà văn - một nghệ sĩ đích thực. Ông có sự kết hợp đầy đủ của các yếu tố: tài năng, sự nhạy cảm bẩm sinh và vốn kiến thức văn hóa cơ bản, rộng rãi. Ngoài 8 tiểu thuyết và truyện dài, 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút và bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình đã được in, được công bố, giá trị của ngòi bút Võ Hồng còn được khẳng định ở chỗ nhiều năm liền tác phẩm của ông được chọn đưa vào chương trình Giảng Văn phổ thông. Thời gian luôn là thước đo khách quan trong việc định giá những sản phẩm nghệ thuật. Nhiều truyện của Võ Hồng viết cách đây gần 5 thập niên nhưng vẫn được nhắc tới và chưa có dấu hiệu lạc hậu.

 

Có lần tôi hỏi nhà văn : ông đánh giá truyện nào hay nhất trong số đã viết ra. Ông suy nghĩ một lát rồi nói : "Mỗi truyện có một cái hay riêng". Tôi hiểu Võ Hồng coi tác phẩm là những đứa con tinh thần theo đúng nghĩa của từ này. Ông không phân chia quyển nào xuất sắc nhất, quyển nào kém nhất. Tựa như ông không thể thiên vị cho bất kỳ ai trong tất cả các đứa con ruột thịt của mình. Từ quyển đầu tiên cho đến mấy cuốn mới xuất bản gần đây, ông đều gửi gắm vào đó tất cả tình yêu, những suy tư trăn trở của mình. Sự tận tâm ấy trong nghệ thuật phản ánh  năng lực sáng tạo bền bỉ của nhà văn, đồng thời nó cũng cho thấy khả năng viết của ông không phụ thuộc vào những phút giây ngẫu hứng, thăng hoa đột xuất. Gần năm mươi năm cầm bút, trải lòng mình trên những trang giấy trắng, tác phẩm Võ Hồng là một phần của cuộc đời ông.

 

Sau 1954, ở miền Nam, sự phân hóa về tư tưởng chi phối sâu sắc đời sống tinh thần của xã hội trong đó có nhà văn. Trước tiên là vị trí trong xã hội và danh vọng của họ. Vài năm trước đó, các văn thi sĩ tiền chiến còn danh giá, cao sang. Họ được xã hội nhất là tầng lớp trí thức, thanh niên kính nể. Sau 1954, ở miền Nam tình hình đảo lộn hoàn toàn. Nhà văn phải lăn lộn với đời thực, nghề viết cũng phải bươn chải khó nhọc nên cách họ nhìn cuộc đời đôi khi rất khác nhau. Bên cạnh những tên tuổi cũ như Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, Vi Huyền Đắc, Vũ Bằng... càng ngày càng có nhiều cây bút trẻ xuất hiện nếu không nói lấn át thì cũng táo bạo hơn: Nghiêm Xuân Hồng, Bùi Giáng, Duyên Anh, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ v.v...

Khi Võ Hồng chính thức bước vào làng văn, phong trào sáng tác và báo chí ở miền Nam đang phát triển. Số lượng người cầm bút và số lượng báo chí phát hành gia tăng. Có nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách thể hiện nhưng hầu như không tập họp được một đội ngũ nào đều, mạnh và cùng chí hướng như nhóm "Tự lực văn đoàn" thời tiền chiến. Võ Hồng không ở trong một nhóm bút nào cũng không phải là một điều lạ.

Hai tờ tạp chí có tuổi thọ cao nhất là Bách KhoaVăn. Bách Khoa ra số đầu vào tháng 1.1957 (loại bán nguyệt san, nửa tháng một kỳ) sống đến gần ngày giải phóng. Tạp chí Văn ra đời muộn hơn - số đầu ra ngày 1.1.1964. Nhiều nhà văn, người viết với đủ các quan điểm tư tưởng và nghệ thuật khác nhau trong đó có Võ Hồng thường viết cho hai tờ tạp chí này. Độc giả và các tác giả cùng thời đã đón nhận Võ Hồng với nhiều thiện cảm; với niềm vui được thấy một cái gì trong trẻo, giản dị và quen thuộc.

 Ông Cao Huy Khanh trong Sơ thảo 15 năm văn xuôi miền Nam nhận định : "Viết về kỷ niệm của đời mình, kể lại những chuyện tình đã qua, đưa vào tác phẩm hầu hết những kinh nghiệm sống trong thời dĩ vãng của riêng mình, đó chính là cái yếu tính đặc biệt của Võ Hồng, khả dĩ có thể giúp phân biệt với một nhà văn khác cùng thời cùng phương hướng" (5).

 Võ Hồng trong tác phẩm còn là một cái cười hồn nhiên, thoải mái, thú vị, cái cười thông cảm và bao dung - "một nụ cười vui vẻ thích thú bên cạnh một cái nhìn âu yếm" (6).

Còn có điểm đặc biệt nữa là Võ Hồng gắn bó rất sâu nặng với nghề giáo. Trong khi ngay cả các cây bút nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng... cũng vội vàng rời xa phấn trắng bảng đen khi đến với nghề viết thì Võ Hồng chỉ coi văn chương là nghề chính sau nghề giáo. Vừa dạy học, vừa viết, một tuần trung bình ông dạy tới 30 giờ. Nghề dạy học có thể hạn chế phần nào sự tự do, phóng khoáng của ngòi bút nhưng nó mở ra cho nhà văn một môi trường rộng để khai thác, xây dựng tác phẩm.

(5)  (6) Cao Huy Khanh - Sơ khảo 15 năm văn xuôi miền Nam - Tuần báo Khởi Hành số 84.

 

Nhiều người nhận xét văn Võ Hồng chịu ảnh hưởng của nghề giáo. Ông Châu Hải Kỳ trong bài Khía cạnh giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng viết : "Nhân cách là yếu tố hàng đầu của một giáo chức tốt, nghiêm trang nhưng không cô lập mà cởi mở ngọt ngào, sẵn sàng tiếp xúc với mọi người xung quanh một cách dễ dàng vui vẻ, có lòng yêu mến thực sự và vị tha học trò mình. Và tính chất này thể hiện rõ trong hầu hết tác phẩm của ông.

... Ở vào thời buổi mà tinh thần người đọc sa sút thụt lùi một cách thảm hại, chỉ muốn ồ ạt coi phim chưởng, đọc tiểu thuyết kiếm hiệp        và trong khi vô số tác phẩm chỉ nhằm phơi bày những thứ thấp kém bằng

nội dung đồi bại thì Võ Hồng không chạy theo sự thoái bộ của đại chúng" (7).

Đời sống văn học ở miền Nam trước 1975 rất phức tạp. Chiến tranh. Sự có mặt của người Mỹ. Đau thương. Giả dối... đã làm tan vỡ niềm tin của những người nhạy cảm nhất là nhà văn, người nghệ sĩ. Sự bất mãn, thất vọng với chế độ xã hội cũng in đậm trong sáng tác của nhiều nhà văn.

Vũ Hoàng Chương suy sụp tinh thần đến mức trả lời thẳng tuột trên báo Văn : "Tôi bây giờ chỉ chờ ngày chết thôi. Lắm lúc muốn tự tử. Thơ không viết nữa, giá viết cũng không có người đọc" (8).

Sự bế tắc trong tư tưởng dẫn đến sự tuyệt vọng, khủng hoảng, hoặc dẫn đến những cuộc "dấn thân" khác nhau trong văn chương. Nhiều người say sưa với tình yêu, lấy tình yêu thác loạn che mắt hiện thực, tình yêu càng "kinh dị" càng được xem là "hiện đại" , "đúng kiểu". Đó là Yêu của Chu Tử, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, Nhà có cửa khóa trái của Trần Thị Ng.H... Chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa hiện sinh v.v... cung cấp cho văn chương những từ lạ tai, những hình ảnh trần trụi, sống sượng... mà vài năm trước đó, người xem bạo gan nhất cũng phải đỏ mặt, xấu hổ hoặc cảm thấy bị xúc phạm.

Một số người khác thoát vào tôn giáo kêu gọi suy tôn những đấng tối cao, huyền bí thiêng liêng và mơ hồ.
 

(7) Châu Hải Kỳ - Khía cạnh giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng - Tạp chí Văn số đặc biệt về Võ Hồng.

(8) Văn số 150, trang 94.

Trong thực trạng sáng tác phức tạp đó, Võ Hồng và một số nhà văn khác vẫn tìm được hướng đi tích cực cho ngòi bút. Ông đứng về phía nhân dân. Võ Hồng không chối bỏ, phỉ báng lịch sử, cũng không để phụ thuộc hoàn toàn vào nó. Văn chương cũng là cách ông bày tỏ thái độ của mình đối với chiến tranh, tình yêu hòa bình, tình yêu lẽ phải, chối từ đạn bom giết chóc.

Coi văn chương như chiếc cầu nối để tạo sự cảm thông chia sẻ nên Võ Hồng rất thiết tha khi có người đồng cảm với mình. Năm 1967 khi tập thơ Thuyền giấy của Trần  Huiền  Ân được Bách Khoa xuất bản, Võ Hồng vui mừng không chỉ riêng vì nhà thơ là đồng hương của mình, ông viết trong bài giới thiệu tập Thuyền giấy :

"Từ sáu bảy năm trở lại đây, giữa những tiếng thơ nặng chất suy tư, những tiếng thơ u buồn vì cuộc chiến kéo dài, có len lỏi một tiếng thơ trong trẻo thuần khiết, cho dẫu có đề cập đến những mất mát đổ vỡ do cuộc chiến gây nên nhưng cái phần trội nhất vẫn là một niềm yêu mến tin tưởng tươi mát : đó là tiếng thơ Trần Huiền Ân" (9).

Thơ Trần Huiền Ân trong tập Thuyền giấy đề cập tới cuộc sống êm đềm thôn dã. Không khoa trương, không cầu kỳ chữ nghĩa, cách diễn đạt thật chân thực, giàu cảm xúc; đúng như Võ Hồng nhận xét.

Võ Hồng rất trân trọng và quan tâm đến bạn Văn - dù là người ít tuổi hơn hoặc chỉ mới bước vào nghề. Những bài Võ Hồng viết giới thiệu hoặc kể về nhà văn Doãn Dân, Nguyễn Đình Vượng chân thành và xúc động.

Ở góc độ một người thẩm định và thưởng thức nghệ thuật, nhiều bài bình của Võ Hồng tỏ ra ông rất tài hoa và nhạy bén. Chẳng hạn Võ Hồng viết về tập truyện Thở dài của Túy Hồng :

"Văn của Túy Hồng không chải chuốt. Đó là những nhát rìu, nhát dao phát mạnh vào thân cây để lại dấu vết có cạnh có góc. Đó là mẫu tâm trạng trần truồng cắt từ sự sống đặt vào, không chịu hóa trang. Đọc văn Túy Hồng ta có cảm tưởng như đang đi vào một con đường lạ có nhiều ngõ ngách và mỗi ngõ sẵn sàng dẫn ta đến một góc cảnh bất ngờ".

                                            (Văn số 24 - ra ngày 1.1.1965)

(9) Võ Hồng - Đọc Thuyền giấy - Nguyệt san Văn số 3. 

Dù không đối lập mình với các nhà văn khác - thậm chí quá khác nhau về phong cách và tư tưởng nghệ thuật - nhà văn Võ Hồng vẫn độc lập trong việc lựa chọn hướng đi cho mình. Ông thành tâm trong việc khen chê, nhưng không hề bị dòng chảy mạnh của thời cuộc lôi kéo. Có thể thấy điều đó trong quá trình viết của nhà văn.

Dù muốn, dù không, cũng cần phải thấy rằng trong giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam dưới chế độ Sài Gòn, văn chương cũng có sự phát triển rầm rộ nhiều màu sắc, đa dạng. Trong sự bừa bộn ấy nổi bật lên một số cây bút rất nghiêm túc và chân thành trong quan niệm sáng tác, trong phong cách viết như nhà văn Võ Hồng. Tác phẩm của ông từ đầu đến cuối đều bộc lộ tình yêu quê hương, con người và cuộc sống tha thiết. Cội nguồn của tình yêu đó là ý thức độc lập dân tộc, tâm hồn luôn vươn tới cái đẹp, cái chân của nhà văn.

Sau năm 1975, Võ Hồng cũng như Sơn Nam, Trang Thế Hy và một số nhà văn khác ở miền Nam vẫn tiếp tục sáng tác. Vẫn là một Võ Hồng điềm đạm, dễ mến. Vẫn là một kiểu viết trong sáng, hoài cảm; không thay đổi. Những bạn văn thuộc thế hệ nhỏ tuổi hơn như Thế Vũ, Khuê Việt Trường... (ở Nha Trang) vẫn hay tìm đến ông. Họ trân trọng nhân cách cầm bút của nhà văn.

 

2. Quan niệm thẩm mỹ

Võ Hồng viết nhiều nhưng phong cách, quan điểm thẩm mỹ của ông từ đầu đến cuối lại rất nhất quán dù nhà văn không đi theo một tôn chỉ nào, không hề có tuyên ngôn, chủ trương hoặc trực thuộc một trường phái, một nhóm bút nào. Lặng lẽ ông di hành trên con đường nghệ thuật của riêng mình - hướng tới cái ĐẸP. Trong bức thư đề ngày 5.4.1967 gửi Trần Thiện Đạo, ông viết "Sống ở ngoài đời, cũng như khi viết, tôi vẫn giữ cốt cách vô tư, yêu cái đẹp tự nó mà không lý luận, để cho lòng mình thật rung động rồi tìm chữ mà diễn tả" (10).

Tình yêu văn chương của Võ Hồng đồng nghĩa với tình yêu cái đẹp. Nhà văn cảm nhận cái đẹp từ cuộc sống, gom góp cái đẹp từ vũ trụ, nhân sinh rồi bằng lao động chữ nghĩa tạo nên cái đẹp cho cuộc đời. Đó cũng là mục đích chân chính của lao động nghệ thuật nói chung.

 

(10) Trần Thiện Đạo - Trích giới thiệu cuốn Hoài cố nhân (tái bản) Nxb Lá Bối, 1969.

 

Thực ra quan điểm của nhà văn đã quá rõ ràng : Nghệ thuật là hướng tới cái đẹp, người nghệ sĩ rung cảm trước cái đẹp và diễn tả CHÂN THỰC cái đẹp ấy. Yếu tố chân thực được nhà văn coi là quan trọng, cần thiết trong việc ghi nhận và phản ánh hiện thực.

Hành trình hướng tới cái đẹp của Võ Hồng bắt đầu từ tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và những khát vọng tinh thần của chính nhà văn.

Võ Hồng sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền Trung. Thiên nhiên tĩnh lặng, trầm mặc của xứ sở đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm hồn ông. Lưu giữ không quên trong ký ức nhà văn là hình ảnh tuổi thơ lang thang trên những con đường làng vắng rình bắt chuồn chuồn, đi trong bóng râm cây lá nghe tiếng chim chóc ca hát. Hương hoa mù  u bay nồng nàn trong buổi chiều. Mái nhà tranh, mẹ con cây chuối đứng xúm xít, sum vầy bên lu nước...

Trong những ngày sưu tập tư liệu để nghiên cứu, tìm hiểu về tác giả, tôi có dịp trở về làng Ngân Sơn của Võ Hồng. Một buổi trưa nắng, tôi ghé thăm chùa Châu Lâm, nơi nhà văn viết trong truyện Mái chùa xưa. Đường đến chùa không thênh thang, rộng rãi nhưng thoáng đãng và không còn gai góc như trong truyện. Đi qua những bụi tre, những đám đất thổ trồng đậu xanh là bước vào một không khí tịch mịch : "Cái không khí tịch mịch bao dung nuôi dưỡng lòng hỉ xả" (Võ Hồng viết trong Mái chùa xưa. Đứng trước cửa Tam quan tôi bâng khuâng tự hỏi : cuộc đời cung cấp cái đẹp cho văn chương hay văn chương làm đẹp cuộc đời! Rõ ràng, trong trang sách, chùa Châu Lâm mang một vẻ đẹp khác hẳn. Cái đẹp không ở trong bậc đá, bờ tường, cây chanh, cây mít, ông thầy trụ trì trầm ngâm mà ở trong cái nhìn yêu thương, trong sự gần gũi gắn bó với con người. Văn chương có giá trị ở chỗ làm cho sự vật rất bình thường dưới mắt mọi người, trở nên lấp lánh, sống động, đáng yêu.

Tâm hồn của nhà văn Võ Hồng hướng về những khám phá giản dị đó. Ông viết trong Trầm tư : "Nét đẹp quê hương trong văn chương có con trâu, con cuốc, bờ suối, cây keo. Chúng đang cất tiếng chào. Hãy lắng nghe, hãy tìm hiểu. Chúng đang vui cái gì, thương yêu cái gì để mình cũng thương yêu theo. Hãy tìm thấy cái đẹp mà mắt chúng ta đang thấy. Chúng khác với con họa mi và cây mai vàng trong chậu được phân công véo von múa hát theo sự xếp đặt của lý trí con người" (câu 153). Quan điểm thẩm mỹ của Võ Hồng cho rằng cái đẹp có trong sự vật bình thường, cụ thể (con trâu, con cuốc, bờ suối, cây keo...). Nhà văn là người cần quan sát, chiêm nghiệm trung thực hình ảnh hiện thực bằng thái độ và tấm lòng thương yêu. Cái đẹp vô tư, mộc mạc, trong sáng khác với cái đẹp được phân công, trình bày, giả tạo. Sâu xa hơn một chút, mục đích của văn chương đối với nhà văn Võ Hồng là thể hiện một cái đẹp hồn nhiên, không vụ lợi, vượt lên trên những giá trị vật chất tầm thường.

Thiên nhiên là người thầy nuôi dưỡng, dạy dỗ tâm hồn con người. Võ Hồng yêu sự vững chãi, bao dung của những thân cây cổ thụ, yêu dòng sông chở nặng những chuyến đò, yêu con đường làng khiêm tốn. Sự sống bình yên, giản dị của cây cỏ, loàiû vật luôn làm ông xúc động. Nhà văn nhiều lần đứng ngắm bụi cỏ dại nở hoa, xem con chim tha mồi về tổ... Trước sân nhà ông có trồng một bụi trúc. Những thân trúc gầy, thanh mảnh mọc sát vào nhau dáng vươn lên mềm mại.

 Ông kể cho phóng viên tạp chí Văn (11) : "Những bụi trúc này là do mấy ni cô đem từ Phật học viện Hải Đức, vượt qua sườn núi đem xuống cho tôi. Trước đây có một hôm tôi đứng nhìn bụi trúc ở Phật học viện, tôi có khen cái dáng đẹp thanh tao của nó và mấy ni cô có nhã ý sớt phần cái Đẹp đó đem xuống núi tặng tôi. Người xưa vẫn ca tụng cây trúc là "Tiết trực tâm hư" tượng trưng cho tâm hồn người quân tử. Tôi tự thấy không đủ cái Đức để làm bạn tinh thần của Trúc, mà chỉ làm bạn được với cái dáng đẹp thanh thoát của Trúc mà thôi".

Bụi trúc trước nhà Tết năm 2013 (Võ Thị Diệu Hằng)

 

Nhiều lần tiễn khách và đón khách, nhà văn ngẫu nhiên đứng kề bụi trúc đó. Ông gợi lên một cái đẹp nhẹ nhàng, bình dị mà thâm trầm, sâu sắc.

Khuynh hướng thẩm mỹ của Võ Hồng luôn có cơ sở lựa chọn xác đáng. Yêu cảnh sắc và tâm hồn quê hương nên trong các bức thông điệp - tác phẩm - gửi tới người đọc, nhà văn ưu ái nói về cái đẹp của quê hương mình.  Đó là đất,  là người,  là lịch sử,  nếp sinh hoạt văn hóa lâu đời  của một vùng. Có nhiều cái đã mất, chuyển lưu, biến dạng, thay thế v.v... Nhà văn rất có ý thức chắt chiu, bảo tồn cái đẹp có giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc đó. Về điểm này Võ Hồng gần gũi với Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân. Nếu Thạch Lam đã chép sử Hà Nội bằng cảm xúc tâm hồn của một nhà thơ và sự hiểu biết của một nhà văn hóa thì Võ Hồng cũng với tinh thần như thế, say mê ghi lại những nét sinh hoạt hàng ngày của những người dân quê mình, những phong tục tập quán, những vui buồn của các thế hệ đã làm nên bề dày lịch sử. Chúng ta tìm thấy trong văn chương Võ Hồng cái đẹp đầm ấm, yên vui của những ngày Tết, của cuộc sống quê nhà. Quê hương còn là chợ búa, trầu cau, giỗ chạp, chùa chiền, cách nói năng, thưa gửi... Đó là bản sắc dân tộc, cái Đẹp của tình quê, hồn quê. Võ Hồng hướng tới cái đẹp, nhưng không phải là cái đẹp mơ hồ, chung chung. Cái Đẹp của ông bắt nguồn trong cuộc đời thực, mang ý nghĩa nhân bản, có giá trị bền vững.
 

 (11) Trả lời phỏng vấn Giai phẩm Văn số đặc biệt về Võ Hồng.

 

Quan niệm thẩm mỹ của Võ Hồng được hình thành, củng cố và bổ sung qua các chặng đường đời, trở thành ổn định trong tác phẩm của nhà văn.

Từ nhỏ Võ Hồng được may mắn đi học sớm và rất ham thích đọc sách. Ông tiếp xúc với văn chương ban đầu cũng qua sách vở. Giọng văn trong sáng của Alphonse Daudet, Anatole France... đã hấp dẫn, lôi cuốn ông đến những miền cảm xúc lãng mạn, khát khao một cái đẹp hoàn thiện. Năm 1940, khi đang học ở Hà Nội, Võ Hồng đã có lần tìm gặp các nhân vật chủ chốt của Tự lực văn đoàn : Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo... Ông ngưỡng mộ văn chương của họ.

Những năm sau này, khi đã trải qua những ngày sống gắn bó, cực nhọc với mảnh đất quê nhà, tư tưởng mở rộng hơn nhưng cảm tình của nhà văn vẫn thiên về cái đẹp nhẹ nhàng, gợi cảm.

Võî Hồng cho rằng ông không cách biệt hoặc có định kiến, chê bai các quan điểm thẩm mỹ khác. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình cái Đẹp riêng. Nhưng cách chừa lề để tránh những nhận xét cực đoan khiến nhà văn luôn có một sắc thái trung hòa trong tình cảm. Khác với các cây bút hiện thực chuyên mổ xẻ, lên án hoàn cảnh; khác với chủ nghĩa lãng mạn với cảm hứng mơ mộng, uyển chuyển, Võ Hồng bao giờ cũng kể lại chân thực theo ghi nhận riêng của mình. Chủ yếu là nghiền ngẫm, suy tư. Trong cuộc đời thường cũng như trong tác phẩm nhà văn luôn tránh sự dễ dãi, hời hợt.

Cũng cần nhận thấy rằng, cái nhìn của Võ Hồng là cái nhìn của một người trí thức luôn giữ gìn nhân cách dù là trong việc đánh giá nghệ thuật. Cuộc đời ông gắn liền với nghề dạy học. Gần ba mươi năm làm thầy giáo, dù muốn dù không, cốt cách sư phạm vẫn ăn sâu trong nhận thức của ông. Vậy nên văn chương ông là biểu hiện của sự thống nhất giữa hai phương diện : thẩm mỹ và đạo đức. Mặt này chi phối và liên quan chặt chẽ đến mặt kia, thể hiện trong từng cách lựa chọn chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ nhân vật... của tác phẩm. Nói một cách dễ hiểu, Võ Hồng rất chú trọng việc giáo dục cái đẹp tâm hồn, nhân cách con người. Ở trong nghĩa đối lập với cái Đẹp, cái Xấu luôn làm con người tổn thương :

-"Trộn cà phê loại 10 đồng với loại 2 đồng sẽ không thành loại cà phê (10+2)/2 = 6 đồng, mà chỉ thành loại cà phê 4 đồng. Cái Tốt đặt cạnh cái Xấu thì cái Xấu không tốt thêm bao nhiêu, còn cái Tốt thì mất đi quá nhiều" (Câu 95 - Trích Trầm tư).

-"Văn chương cũng nguy hiểm. Nó trình bày cái Xấu nhiều hơn cái Tốt. Với tác giả, cái xấu dễ tạo nhiều tình tiết lôi cuốn và độc giả dễ tin cái xấu hơn cái tốt. Dostoievsky làm tâm hồn người đọc thêm phong phú về những hiện tượng xấu mà thực tế cuộc sống gần gũi bình thường ít có" (câu 136 - Trích Trầm tư).

Những phát biểu trên đây của nhà văn Võ Hồng cho thấy rằng : quan niệm thẩm mỹ của ông chi phối tích cực đến quan điểm nghệ thuật và quan điểm nghệ thuật lại gắn liền với quan niệm đạo đức, quan niệm giáo dục.  Ông tránh nói đến cái xấu, tính cách xấu, hiện tượng xấu hoặc những kết thúc bi thảm, đen tối, tuyệt vọng. Chủ trương của nhà văn là có thể nhân cái đẹp lên nhiều lần bằng cách khám phá, kiếm tìm và thể hiện nó trong văn chương. Võ Hồng tin chân thành ở hiệu quả của tác phẩm nghệ thuật, nên ông rất cẩn trọng trong các hành vi sáng tác. Giữa cuộc đời thường không chỉ có Tốt hoặc chỉ có Xấu, Võ Hồng luôn hướng tìm một cái Đẹp bền vững, được chắt lọc qua thời gian : đó là cái đẹp của nhân cách, lương tri; cái đẹp của tình yêu thương và sự thủy chung gắn bó.

Không đưa vào cái xấu, Võ Hồng cũng không chấp nhận sự tầm thường. Theo ông, sự tầm thường lặp lại làm dung tục hóa, làm mất vẻ đẹp của nghệ thuật. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi nó nói được tiếng nói riêng biệt của mình :

"Nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái nhẹ nhất chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng. Là tránh xa những vết xe cũ" (câu 452 - Trích Trầm tư).

Đối chiếu với quá trình sáng tạo của nhà văn chúng tôi thấy rằng Võ Hồng đã dựa vào tài năng và kinh nghiệm của bản thân là chính để tìm một lối đi riêng. Ông viết về ký ức, hoài niệm và những cảm nhận trăn trở của bản thân trước thời cuộc hoặc về cuộc sống đang diễn biến mà ông chứng kiến.

Nhiều năm dài sống tách biệt ở một tỉnh lẻ, bận rộn với công việc dạy học và nuôi con nên quan điểm sáng tác của nhà văn cũng ít chịu tác động, ảnh hưởng của các quan điểm khác và giữ được sự nhất quán, lâu bền. Hơn nữa vì muốn phản ánh chân thành, trung thực nên cách viết của Võ Hồng trước sau hầu như không thay đổi.

Chọn con đường đi giữa hương đồng cỏ nội, lý tưởng thẩm mỹ của Võ Hồng là tìm và khẳng định một cái đẹp có tính bền vững, hoàn thiện, không ở ngoài bản thân cuộc sống con người. Bản tính của nhà văn vốn không thích sự phô trương giả tạo. Trải qua những thử thách của cuộc đời, trước khi "định cư" hẳn với nghề viết, tư tưởng và quan điểm của ông hầu như đã định hình. 

Thâm tâm Võ Hồng rất ngại sự thay đổi và chỉ mong muốn điều bình yên nhưng sự nhạy cảm với cuộc đời và lương tri trong sáng lại luôn làm ông thao thức, kiếm tìm. Những hoài cảm, trăn trở, lo âu cũng là điều tất yếu với ông. Võ Hồng coi văn chương không chỉ phản ánh hiện thực. Văn chương là cái đẹp của tâm hồn, của trí năng, tình cảm. Nhiều năm qua khi viết nhà văn đã hướng tới lý tưởng hoàn hảo đó nên ông khó chấp nhận một sự tô vẽ hiện thực dễ dãi. Ông cũng không chạy theo thị hiếu độc giả, thỏa mãn đòi hỏi nhất thời của thị trường chủ nghĩa. Hành trình đi tìm cái đẹp của Võ Hồng thường bắt đầu bằng tuổi thơ ấu. Ông thích chơi với các em bé. Ông yêu cái đẹp hồn nhiên, đơn giản của tuổi học trò. Võ Hồng là nhà giáo, ông nâng niu tâm hồn trẻ thơ, vun đắp giữ gìn nó với ý thức tuyệt đối của người thợ xây tâm hồn. Trong truyện Tiếng chim vườn ngoại, tôi đọc những dòng chân tình xúc động : "Cuộc sống riêng tư của ông có thể là một cái gì bất ổn, chưa ổn, chỉ tạm ổn và ông vẫn thoang thoáng mong một cái ổn hơn không bao giờ đến. Nhưng ông luôn luôn xoay cái phần rung rinh về phía ông mà trình diện cái phần ổn cái đầy lý trí về phía các con và mọi người" (Nhân vật ông ngoại tự chất vấn khi nghĩ đến những đứa cháu nhỏ của mình). Võ Hồng trong những năm tuổi già bóng xế là một ông ngoại như thế, vẫn mang trong tâm hồn sự bất an, cô đơn và khát khao hướng tới sự bình yên, viên mãn. Ông vẫn ngại cuộc đời không hiểu ông hoặc không hiểu đúng về ông. Bài thơ Di ngôn cuối tập thơ Thời gian mây bay tâm sự về một người ra đi. Ra đi như một cuộc viễn du, không vui, không buồn nhưng thấm thía nỗi khắc khoải cô đơn. Ra đi nhưng ông còn muốn gửi lại, muốn giữ nguyên "chồng sách bừa bộn", "căn phòng", "chiếc ghế nơi sân" - nơi hằng đêm ông ngồi một mình âm thầm. Hình ảnh lãng mạn đó là cái thực của tâm hồn ông. Tâm hồn vừa muốn khước từ tất cả nhưng cũng muốn đa mang tất cả.

Tôi là người may mắn có nhiều dịp tiếp xúc, gần gũi với nhà văn. Nhiều lúc cứ tưởng ông khuôn mẫu, cổ điển nhưng thực tế ông rất hài hước, dễ gần. Nguyên tắc cao nhất đánh giá cái đẹp theo ông là tính hồn nhiên, chân thực của sự vật. Những gì ông thích và không thích đều thể hiện tế nhị, minh bạch.

Quan điểm thẩm mỹ của Võ Hồng có thể không vượt quá tầm ý thức thời đại nhưng cái nhìn yêu thương, khám phá ấy lại luôn phát hiện ra những cái đẹp trong cuộc sống quen thuộc của con người, trong tình cảm, ký ức dễ bị ngủ quên.

Võ Hồng khác nhiều nhà văn khác ở chỗ ít đề cập tới cái phi thường, cao cả hoặc bi kịch đau thuơng. Ông hay nói tới cái bình thường, những điều quen thuộc. Quan điểm thẩm mỹ của Võ Hồng gắn chặt với quan niệm sống, quan niệm sáng tác. Con người ông, ngòi bút của ông không ngừng trăn trở, thao thức đi tìm cái đích của CHÂN, THIỆN, MỸ.

Thái độ mẫn cảm và đầy trách nhiệm của ông làm xúc động nhiều người.

Nếu nghệ thuật là biểu hiện của sự sáng tạo về cái đẹp thì quan niệm văn chương của Võ Hồng là hướng tới một cái đẹp chân thật, có ích và vì cái đẹp!

Ông viết trong một tựa chuyện :

"...Nhưng văn chương không phải chỉ có mục đích hướng thiện. Nó phải có nhiệm vụ làm đẹp cuộc đời như các ngành nghệ thuật. Người thợ nề khi đứng xây tường dưới nắng thường treo cái radio kề bên để nghe vọng cổ, cho quên bớt mệt nhọc. Những đóa hoa cắm trong lọ, những bức tranh treo trên tường cũng cần thiết sau cơm áo. CON SUỐI MÙA XUÂN, LƯƠNG MAI xin được coi như những đóa hoa. Tôi cố ý làm cho chúng đẹp. Một chút ngọt ngào, một chút êm ả, một chút bâng khuâng..."

 

© nhavanVoHong