Cái nhìn hoài niệm trong văn chương VÕ HỒNG

Vietsciences-    Nguyễn Thị Thu Trang     Trường Đại học Phú Yên        Tháng 4/2013
 

 

Võ Hồng là một tác gia lớn của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hơn nửa thế kỷ cầm bút Võ Hồng đã để lại hơn 30 đầu sách, với hàng trăm truyện ngắn, 8 tiểu thuyết và truyện dài cùng với nhiều bài báo khác. Ông sinh ngày 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất tức ngày 21/01/1923 (nhưng giấy khai sinh ghi ngày 05/05/1921) tại làng Ngân Sơn, xãAn Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhà văn đã từ trần lúc 14g ngày 31 tháng 3 năm 2013, tại nhà riêng ở Nha Trang – Khánh Hòa. Nhân kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn, nhà giáo Võ Hồng; bài viết này là tấm lòng tưởng nhớ và biết ơn xin gửi đến anh linh ông!

 

Võ Hồng là nhà văncó biệt tài trong việc làm sống lại những thứ tưởng đã mất trong quá khứ, khơi gợi lại những kỷ niệm êm đềm của một thời.Tìm hiểu qua tất cả những truyện dài, truyện ngắn của Võ Hồng;có thể thấy hiện thực được phản ánh thường được lồng ghép / đan xen với quá khứ và cái nhìn hoài niệm của nhân vậtluôn chi phối giọng điệu,tổ chức kết cấu tác phẩm.

1. Có thể lấy dẫn chứng ngay bằng truyện ngắn đầu tiên được in của Võ Hồng: tác phẩm Hoài cố nhân. Truyện kể về cuộc đời và mối tình của nhân vật chính tên Hoàng Gia Lý.Lý yêu Xuân và tình yêu gặp nhiều trắc trở về phía gia đình. Lý nhiệt tình trong việc phụng sự Tổ quốc nhưng ngộ nhận về con đường chính trị. Cuối cùng Lý cũng cưới được Xuân, lãnh một chức nhỏ phụ giúp ở Ty cứu tế xã hội trong chính quyền kháng chiến và chết vì bệnh sốt rét.Xuân còn lại nuôi con nhỏ, rồi sau đó đi lấy chồng.Nhưng đọc Hoài cố nhân, người ta dễ dàng bỏ qua cốt truyện ấy mà giữ lại một tâm sự, một nỗi xúc động về cuộc đời. Mở đầu Hoài cố nhân tác giả viết:

"Một ngày đầu tháng chín năm 1942, tôi nhận được bức điện tín: "12 tháng 9 tới ga Hà Nội. Stop. Tìm dùm chỗ trọ. Stop. Hoàng Gia Lý"(1).  

Tiếp theo đó, từ bức điện tín - người kể (nhân vật xưng tôi) liên tưởng đến quá khứ - những ngày đi học ở trường làng, trường phủ, trường tỉnh. Từ chuyện ngôi trường, ông thầy mặc áo dài và mang guốc, ông thanh tra đi chiếc xe hơi phải đẩy, đám học trò nhà quê đi học mang muối theo ăn với lá dang, lá é…; đến chuyện anh học trò Hoàng Gia Lý - gia thế, việc học và mối tình của anh nghe qua lời đồn đại. Đoạn liên tưởng dài đến 12 trang (từ trang 3 đến trang 15) nhưng người đọc không cảm thấy khó chịu mà trái lại cảm thấy rất thú vị khi đi theo lời kể duyên dáng được trở về vùng quá khứ ấu thơ, hồn nhiên. Võ Hồng đã biến kỷ niệm thành hiện thực sinh động đang diễn ra trước mắt. Sự liên tưởng tự nhiên gắn liền với cảm xúc người kể:

"Thật tội nghiệp cho cái thời xa xôi mà lũ nhỏ chúng tôi mới bắt đầu tiếp xúc với cơ khí. Nhiều đứa mỗi lần nghe còi xe vang lên ở đầu cầu là rủ nhau vội vã chạy xuống dốc trường. Khi xe chạy vụt qua, các anh nhảy xổ ra giữa đường hít lấy hít để đám bụi mù sặc mùi ét - xăng rồi kháo nhau: Thơm quá! Thơm quá!"(2).

Tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo và khờ khạo được lưu giữ trong ký ức người kể và chỉ cần một mối liên hệ nhỏ là tuôn chảy thành dòng.Càng gắn bó mật thiết với quá khứ, kỷ niệm càng nhiều, càng chất chồng, phong phú. Trong Hoài cố nhân sự liên tưởng đến quá khứ không chỉ dừng ở 12 trang đầu câu chuyện, nó được lồng trong hình ảnh thực tại, trong giọng kể của người thuật truyện:

"Khi tiễn anh ra cổng, tôi cứ nghĩ mãi đến "đám cưới" và "cái chăn". Oái ăm hết sức là hôm nay anh sang thăm tôi lại mặc bộ nĩ màu xanh rêu mà cách đây hai năm chính tôi đưa anh đến hiệu may Hàng Trống chọn hàng và đặt may cho anh. Cái ca-vat màu xanh lục thắt khéo hòa hợp với màu áo. Tự nhiên tôi nhìn sang cái chăn dạ màu nâu cũ. Một chút nghẹn ngào dâng lên làm tôi hơi khó thở. Hạnh phúc một cuộc đời, cuộc đời của một người say mê khao khát, ôm ấp nhiều hy vọng và hứa hẹn nhiều triển vọng, hạnh phúc đó cuối cùng chịu bằng lòng xây dựng bên cạnh màu chăn dạ cũ kỹ kia sao?"(3).

Hoài cố nhân là một câu chuyện về tình yêu nhưng bao la hơn ở đằng sau nó là những suy tư, trăn trở về một cuộc đời, một lý tưởng được lồng trong một bối cảnh lịch sử trải qua nhiều biến động. Màu sắc của thời gian, của sự hồi tưởng tạo cho chuyện cảm giác rưng rưng xúc động. Câu chuyện không chỉ nói về Lý mà đang kể về quá khứ của mỗi người, những được mất trong thực tại chúng ta.

Một truyện ngắn khác là Chuyện cái răng, đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 115, 116 ra ngày 15.10 và 1.11.1961 sau được in chung với các truyện khác trong tập Khoảng mát (Nxb An Tiêm, 1966). Chuyện cái răng chỉ là câu chuyện về một cái răng đau của Văn (tên nhân vật trong truyện). Một cái răng! Có nghĩa lý gì trong cuộc đời của bộ răng tới 32 cái! Nhưng trong sự tầm thường đó truyện lại được làm nổi bật ở chỗ: "Văn có những kỷ niệm không mấy êm đềm về những cái răng của mình". Từ đó ký ức được viết ra bằng một thứ ngôn ngữ trong trẻo lọc qua nhiều tầng lớp thời gian. Chuyện cái răng của Văn gắn liền với cuộc sống của Văn tương quan đến cả những thay đổi của tiến trình thời đại. Cái răng trở thành một chứng tích của các đoạn đường đời khác nhau. Hồi nhỏ Văn phải đi học xa nên ở trọ nhà người khác. Một cái răng đau nhức khiến Văn không ăn cơm được, nằm im trên ván ôm má, lén nhìn cảnh sum vầy, đầm ấm của gia đình người chủ trọ mà nhớ đến mẹ, đến chai dầu và sự quan tâm săn sóc ở gia đình mình. Năm 19, 20 tuổi - đang học ở Hà Nội, cái răng Văn lại có vấn đề. Cái răng có những chấm đen và phải chịu nạo, trám... Cái răng lại gắn với cuộc sống và những kỷ niệm về Hà Nội, về tuổi thanh xuân. Đến khi Văn có tuổi, bận rộn lo toan với con cái, cuộc sống gia đình, cái răng đau lại ám ảnh Văn.

Cứ như thế, chuyện cái răng như là chuyện của số phận. Ký ức đuổi theo cuộc đời gắn liền thực tại với dĩ vãng xa xăm.Cái răng đau đem đến cho cuộc đời Văn những kỷ niệm khó quên, làm tâm hồn chàng thêm phong phú, sâu sắc; làm cái vặt vãnh của đời thường trở nên ý vị.

Cái còn lại, đằng sau câu chuyện Hoài cố nhân là nỗi nhớ. Nỗi nhớ gắn liền với cuộc đời và con người. Đằng sau Chuyện cái răng là cuộc sống bình dị; là tâm hồn cần sự cảm thông, chia sẻ; nhưng tâm hồn gắn với thể xác, chi phối và chịu sự tác động của thể xác.

Hiểu một cách cụ thể, hoài niệm là nỗi tưởng nhớ về quá khứ như vậy - nhưng sâu hơn, xa hơn trong cái nhìn hoài cảm của nhà văn Võ Hồng là thái độ đối với thực tại, là quan niệm sống của con người.

2. Văn chương của Võ Hồng là sự tiếp biến từ mạch văn học lãng mạn tiền chiến từng khám phá những miền dĩ vãng và sự tiếc nuối thơ mộng xa xăm. Đó là Nguyễn Nhược Pháp với Ngày xưa; Vũ Đình Liên với Ông Đồ; Lưu Trọng Lư với Khói lam chiều; Thanh Tịnh với Quê mẹ, Ngậm ngải tìmtrầm;là nhà thơ chân quê Nguyễn Bính với thế giới trầu cau, dòng sống, con đò, hoa bướm mơ mộng hôm qua…Võ Hồng nhìn về quá khứnhưng không để nhân vật sống hoàn toàn trong quá khứ.Nhà văn đứng ở thực tại để hồi tưởng quá khứ. Thực tại mới là đối tượng chính của những trăn trở, lo âu, của những hoài niệm. Giữa một ngày hỗn loạn vì bom đạn, xáo trộn với những đoàn quân, đoàn người di cư, Luân (nhân vật chính trong Hoa bươm bướm) tình cờ gặp lại người quen (Kim) trên một đoàn tàu đang đứng ở ga. Trong câu chuyện giữa hai người, Luân được tin bạn của mình tên là Minh đã hy sinh. Luân choáng váng và dồn dập trong ký ức Luân là hình ảnh và nỗi nhớ người bạn cũ:

"Thằng Minh chết rồi.Minh học một năm trường Luật bỏ nhà ra đi kháng chiến.Mẹ khóc ròng nài nỉ ở lại. Minh là con một. Ông bà Hội đồng nhà giàu có lớn ở mãi Sóc Trăng. Hồi nhỏ được cưng đến nỗi ba tuổi còn bú mẹ.Mỗi lần Minh làmnũng khóc quấy thì bà Hội đồng chìa vú cho Minh.Minh cắn vú mẹ và bà Hội đồng đau quá chảy nước mắt ra nhưng vẫn cố cười dỗ con. Những hồi Minh ngứa nướu mọc răng, bà cũng đưa vú cho con cắn để cho con đỡ ngứa. Minh lớn, rụt rè nhút nhát. Đi học thường bị chúng bạn ăn hiếp. Minh bỏ học đi theo kháng chiến…”(4).

Cả một đoạn văn dài thể hiện nhân vật Luân hồi tưởng về Minh; Minh lúc nhỏ, Minh hồi đi học: tính tình, yêu đương, dự định tương lai v.v... Kỷ niệm thức dậy sống động. Trong sự nhớ thương hoài cảm, nghe âm vang điệp khúc  ''Thằng Minh chết rồi!''. Chuyện Minh bú mẹ, cắn vú mẹ, bà Hội đồng cưng chiều con... tưởng như lan man, vô định; nhưng đó mới chính là hình ảnh thực của sự mất mát của thực tại. Cái chết đã cướp đi mạng sống của Minh đồng thời mang theo luôn tình yêu cuộc sống của anh, mang theo luôn những khát vọng và tấm lòng của một bà mẹ vì con. Xen lẫn với lời kể là tình cảm, lồng trong tình cảm là những suy tư. Nhưng đằng sau những bóng dáng lộn xộn của quá khứ là cái nền của thực tại.Hiện tại khắc nghiệt của thời chiến tranh.

Thời đại của Võ Hồng sống trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Đứng trước sự tàn bạo của súng đạn, Võ Hồng cũng như nhiều người cầm bút khác đều nói lên lòng đau đớn của mình. Chỉ có điều Võ Hồng thâm trầm hơn, ông muốn lấy quá khứ soi bóng lên thực tại để tìm ra những giá trị bền vững.Đó là cái đẹp của cuộc sống yên lành, cái thiêng liêng của tình yêu thương. Hoài niệm không đơn giản là sự nhớ lại; hoài niệm là sống lại những gì tha thiết nhớ nhung, không hận thù, không định kiến, đố kị. Văn chương Võ Hồng mang bản chất như thế.

Nhân vật nào của ông trên bước đi của thực tại cũng có dĩ vãng níu kéo; trong đó ký ức tuổi thơ luôn là phần phong phú, dễ thương nhất. Cũng như Luân trong Hoa bươm bướmluôn nhớ về những ngày còn nhỏ; lão Túc trong Tình yêu đất, lão Tâm trong Như cánh chim baynhớ về những ngày thơ ấu gian khổ; Nhàntrong Gió cuốn, Huệ trong Khoảng mát...; nhân vật cậu bé An trong Ngày xuân êm đềmLễ cúng trường chính là hình ảnh của quá khứ sống động, tươi đẹp. An sung sướng và bình yên trong khung trời hồn nhiên và bao bọc đó. Nó trở thành chỗ dựa, một cõi đi về cho tâm hồn giữa cuộc đời bất trắc.

Tác phẩm thể hiện cái nhìn hoài niệm tập trung và đậm đà nhất của Võ Hồng là truyện dàiNgười về đầu non. Đây được xem như cuốn tự truyện của chính tác giả. Ở đó có những trang viết chân thực tên người, tên việc, địa điểm, thời gian nhưng vẫn đem đến hình ảnh, cảm xúc về tuổi thơ chung cho mọi người. Lớn lên trong tình yêu thương, trong nếp sống chân thực quê mùa của quê hương làng xóm, tâm hồn của cậu bé (nhân vật trong truyện) được nuôi dưỡng, bồi đắp phong phú. Và cho dù lớn lên, ở tận nơi đâu, con người đó vẫn bùi ngùi nhớ về quê cũ:

"Quê hương của tôi đây, tuổi nhỏ của tôi đây!Nhưng sao mà xa cách hững hờ như tôi là người khác lạ?Lỗi của tôi hết.Tôi ra đi mười năm không hề dừng bước ghé thăm một ngày. Con chim bay về tổ cũ và đang ngẩn ngơ nhìn cái tổ ngày nhỏ của nó"(5).

Người về đầu non không có những lời dẫn giải dài dòng.Tự thân những hình ảnh của kỷ niệm gợi lên bao nhớ thương hoài cảm, tự thân ký ức lưu giữ cái đẹp hồn nhiên, trong trẻo của một thời.Nhân vật của Võ Hồng quý trọng và nâng niu dĩ vãng tuổi nhỏ của mình. Đến như Tộc - một nhân vật trong truyện Niềm tin chưa mất - vốn lúc nhỏ là một học sinh kém, thường bị thầy trách mắng; lớn lên vẫn tha thiết nhớ về tuổi học trò không chút mặc cảm:

"...Bây giờ ngồi nhớ lại thầy tôi thấy thương thầy hết sức. Đành rằng tôi học chẳng đỗ đạt gì, nhưng đó toàn là lỗi của tôi.Tôi học dốt mà lại lười quá. Giá vào tay một thầy giáo khác thì tôi đã bị đuổi học lâu rồi. Thế mà thầy vẫn chịu đựng, vẫn chấp nhận tôi, vẫn cố dạy cho tôi biết rằng la mare là cái ao, le kilo là quả cân... Những kiến thức đó, ra đời tôi không dùng được gì nhưng chúng cho tôi một cảm tưởng êm đềm là ngày thơ ấu của tôi không đến nỗi bạc đãi"(6).

Tộc là một biểu hiện về nhân cách của nhà văn Võ Hồng. Vấn đề không phải Tộc tốt bụng, vị tha mà chính tâm hồn Tộc không biết nghĩ đến cái xấu, không che đậy cho cái xấu cả trong quá khứ. Tâm hồn ấy trong suốt.

Nhắc nhở, hồi tưởng dĩ vãng nhất là kỷ niệm tuổi thơ, Võ Hồng không chỉ dựa vào kinh nghiệm, vốn sống sẵn có của bản thân mình, ông muốn nói nhiều hơn đến nhân cách của một con người luôn gắn bó với cội nguồn thương yêu. Cũng như với nhân vật Tộc, hoài niệm quá khứ không có giá trị về vật chất nhưng nó đem đến sự giàu có phong phú về tinh thần - nhất là cảm giác trong lành, bình yên. Cái nhìn rộng lượng, chân thành với dĩ vãng đã qua giúp người ta vững tin hơn trong cuộc sống thực tại.Vả chăng quá khứ là cái đã qua, đã cố định; trong khi thực tại đang biến động, thay đổi. Một thực tại nhiều xáo trộn lo âu càng khiến con người khát khao những giá trị bền vững.

3. Nhân vật của Võ Hồng không trốn trong quá khứ, không lấy quá khứ để thay thế hiện tại. Nhưng rõ ràng nhân vật vẫn luôn nặng lòng lưu luyến với đoạn đường đã qua; vẫn chủ trương tìm kiếm một thế giới tinh thần trong trẻo, hồn nhiên, vị tha và bình yên. Tuổi thơ và cuộc sống êm đềm ở làng quê những ngày thơ ấu mang những nét đặc trưng đó.Tình yêu hòa bình, yêu cuộc sống chân thực, yêu cái đẹp chan chứa trong văn chương Võ Hồng. Với nhà văn, thời gian được xác định cụ thể trong quá khứ nhưng lại khó xác định trong thực tại. Mục đích của văn chương ông là chắt lọc trong dòng chảy thời gian tìm ra một cái đẹp bền vững, khó phai tàn.

Võ Hồng khác với Xuân Diệu về quan niệm thời gian. Xuân Diệu trong thơ luôn là sự  hối hả, thúc giục - cả trong tình yêu:"Nhanh lên chứ vội vàng lên với chứ/Em ơi em tình non sắp già rồi". Tình mới chớm, Xuân Diệu đã sợ phai tàn, tình còn non Xuân Diệu đã thấy trước tình "sắp già". Sự đổi thay mau chóng của thời gian khiến nhà thơ luôn ở trong trạng thái cực đoan: yêu nồng nhiệt, cháy bỏng và thất vọng cũng ghê gớm cùng cực. Xuân Diệu kéo trước tương lai về với thực tại.Trong khi đó, thời gian trong tác phẩm Võ Hồng chính là sự dồn nén của quá khứ trở về thực tại.Xuân Diệu nôn nóng, vội vàng.Võ Hồng trầm tĩnh, chậm rãi,tư lự.Ông dè dặt với bước đi của thời gian.Ông luôn sợ mất cái đẹp đã có trong quá khứ.

Võ Hồng hay viết về những chuyện tình yêu da diết, nhẹ nhàng mang nhiều  hoài niệm - Những truyện tình mà nhà nghiên cứu Cao Huy Khanh gọi là "những truyện tình bâng khuâng" (7) vì nó trôi chảy chậm chạp và được bao phủ bởi một không khí êm đềm, thi vị cổ điển.

Mối tình Xuân - Lý trong Hoài cố nhân, Diệp và Thu Vân trong Ngày xưa, Hà và Tường Vi trong Hà Vi... là những khúc nhạc dạo nên thơ, thánh thót nhưng chỉ vang ngân trong dĩ vãng nhớ thương. Kết cục, Lý chết - Xuân đi lấy chồng.Thu Vân không lấy được Diệp và Diệp bâng khuâng với ba thước lụa hồng không biết mua để tặng ai. Hà và Tường Vi đã từng có giây phút chung đôi thơ mộng ở Hà Nội; nhưng cuộc đời biến động: Hà Vi lại là con của Tường Vi với người cha đã mất chứ không phải của Hà. Hà dạy học cho Hà Vi, có nghĩa hàng ngày đối diện lại với hình ảnh của Tường Vi ngày xưa cũ. Nhân vật trong các truyện tình của Võ Hồng luôn nuôi dưỡng quá khứ, cho dù tình yêu trong quá khứ không có kết quả hiện thực.

Trong truyện ngắn Mùa hoa soan, Phúc và Liên yêu nhau, đồng cảm nhau nhưng Liên vẫn im lặng giữ tình cảm riêng tư kín đáo của mình và Phúc vẫn về quê cưới vợ theo sự xếp đặt của mẹ. Trong truyện ngắn Người thứ ba; nhân vậtLong yêu Nguyệt nhưng không được gia đình Nguyệt chấp thuận và Nguyệt cưới Phú một người bạn của Long.Long giận Nguyệt, giận cuộc đời nhưng trong thâm tâm vẫn nuôi dưỡng một tình yêu vô vọng.Long càng cố xa Nguyệt càng xích lại gần Nguyệt trong mối hờn ghen xót xa. Long ghét hoa phượng vì ngày xưa hai người hay đi dưới tàn phượng đỏ và Nguyệt đã lên xe hoa vào mùa hè, khi hoa phượng rực rỡ ở cổng nhà nàng.Khi Phú (chồng Nguyệt) chết, Long lại rơi vào tình thế khó xử. Quá khứ bị lẫn lộn với thực tại: Nguyệt trong bộ đồ tang trắng làm "Long bàng hoàng như mình vừa qua một giấc mơ ngắn. Màu da mặt ấy với màu vải trắng kia chính là màu quen thuộc của Nguyệt khi nàng còn là học trò, mặc áo dài trắng và xỏa tóc bên vai. Chính Nguyệt đã yêu anh với màu trắng ban sơ ấy" (8).

Chính sự hóa thân của quá khứ trong thực tại làm Long hoài nghi thực tại, không chấp nhận thực tại. Long muốn giữ cái vị ngọt ngào pha mùi cay đắng của tình yêu sáu năm về trước. Long không muốn mình làm người chiến thắng tầm thường như vậy.

Con đường đi của các nhân vật Võ Hồng không phải là hướng trở về quá khứ, nó chỉ bắt đầu trong quá khứ và các nhân vật không bỏ quên những gì đã trải qua sau lưng mình. Mang theo hành trang tinh thần đó, nhân vật của Võ Hồng không có những bước dấn thân liều lĩnh trong thực tại nhưng lại nặng nề những suy tưởng, âu lo. Bao phủ trong các truyện là không khí hoài cảm, câu văn nhẹ nhàng, cách mô tả bao giờ cũng mang ý niệm thời gian. Ví dụ như:

"...Chòi canh cao bay phất phơ lá cờ. Một người lính ngồi ôm súng nhìn không gian chập chùng đồi núi. Lô cốt.Trại lính.Hai mươi năm đủ đào tạo một thế hệ. Người lính đang ngồi trên chòi canh đó có thể là con của người lính tôi đã gặp hai mươi năm trước, đứng canh gác cầu này. Các thế hệ kế tiếp nhau đã chuyền cho nhau tiếng nói và cây súng. Nước chảy dưới cầu.Những đồi cát nằm im giữa lòng sông"(9).

Thời gian đang vận động: "Các thế hệ kế tiếp nhau", "nước chảy dướicầu"... nhưng đó là những vận động trong tĩnh lặng. Chính cái tĩnh lặng đó làm cho suy tư đọng lại, trăn trở: "Người dân không có thì giờ để nghỉ ngơi. Hai mươi năm đủ để đào tạo một thế hệ!..."

Truyện của Võ Hồng ít đề cập tới tương lai (nếu có - tương lai đó cũng thuộc về quá khứ - Ví dụ ước mơ ngày bé, điều mong muốn của người bạn đã chết v.v...) nhưng xuyên qua những trầm tư, tiếc thương quá khứ đó ta vẫn bắt gặp một hoài vọng âm thầm, tha thiết.Nhàn trong Gió cuốn trở về quê hương, vì tin cậy vào kỷ niệm tuổi thơ và cuộc sống ở quê nhà. Tộc và quá khứ của Tộc tạo "niềm tin chưa mất" trong cuộc đời.Nhìn về quá khứ, Võ Hồng mang theo niềm khát khao về một tương lai tốt đẹp, trong sáng, bình yên. Nâng niu dĩ vãng, thái độ của Võ Hồng đối với thực tại là khẳng định những giá trị tinh thần, những gì tốt đẹp đã có trong cuộc sống.

Nhân vật của Võ Hồng thường đi trong hoài niệm và cảm nhận thực tại bằng cái nhìn hoài niệm!Thường xuyên ta bắt gặp trong tác phẩm là những chữ: "hồi tưởng lại", "nhớ lại", "thấy lại", "cách đây ba năm", "Năm tôi lên...tuổi", "nhắc đến", "nhữnghồi", "những lúc" v.v...Đi theo những chữ mở đầu giản dị đó, là những dòng cảm xúc miên man. Trong hầu hết các bức tranh mô tả của Võ Hồng của có hình ảnh, đường nét của thực tại và bóng quá khứ lung linh, soi chiếu.

Suốt hơn nửa thế kỷ cầm bút, Võ Hồng không phải là người đi đầu trong các cuộc thể nghiệm, cách tân văn chương; cũng không phải thuộc lớp lạc hậu không theo kịp thời đại. Ông lặng lẽ, điềm tĩnh trong cách viết và cách sống.Cho đến nay; những tác phẩm văn chương của Võ Hồng vẫn làm người đọc yêu mến, trân trọng và ngưỡng mộ.Truyện của ông luôn đem đến tình yêu tuổi học trò, tình yêu gia đình, quê hương – bản quán và đặc biệt là những giá trị tinh thần, là kỷ niệm được chắc lọc, gìn giữ trong ký ức của mỗi người.

Nhà văn Võ Hồng giờ đã rời xa cõi tạm; đã bình yên, thanh thản về một thế giới không có thời gian tồn tại, không có tiếc nuối, hoài niệm. Nhưng văn chương của Võ Hồng vẫn như sống tiếp cuộc đời của ông; vẫn lung linh những suy tư, hoài niệm!

CHÚ THÍCH

(1)  Võ Hồng: Hoài cố nhân (tập truyện ngắn); Nxb Ban Mai- SG, 1959; tr.3.

(2)  Võ Hồng: Hoài cố nhân (Sđd); tr.5

(3)  Võ Hồng: Hoài cố nhân (Sđd); tr.35

(4)  Võ Hồng: Hoa bươm bướm (tiểu thuyết); Nxb Lá Bối- SG, 1966; tr.170-171.

(5)  Võ Hồng: Người về đầu non (truyện dài); Tập san Văn xb - SG, 1968; tr.123

(6)  Võ Hồng: Lá vẫn xanh (Tập truyện ngắn); Nxb Thời Mới- SG, 1963; tr.114.

(7)  Cao Huy Khánh: Võ Hồng – Những truyện tình bâng khuâng; Tuần báo Khởi Hành số 84-1974.

(8)  Võ Hồng: Vết hằn năm tháng(Tập truyện ngắn); Nxb Lá Bối- SG, 1965; tr.70.

(9)  Võ Hồng: Bên kia đường(Tập truyện ngắn); Nxb Mặt trời- SG, 1968; tr.145.

 

 

TS. Nguyễn Thị Thu Trang

                                                            Trường Đại học Phú Yên

 

© http://vietsciences.free.fr