HÀ NỘI TRONG VĂN XUÔI CỦA VÕ HỒNG

Vietsciences-    Nguyễn Thị Thu Trang     Trường Đại học Phú Yên        Tháng 4/2013
 

Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất tức ngày 21/01/1923 (giấy khai sinh ghi ngày 05/05/1921); tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hiện nay, ông đang sống tại Nha Trang, Khánh Hòa nhưng tuổi đã cao, sức đã yếu dần. Văn chương, chữ nghĩa giờ chỉ còn lại phía sau, trong ký ức mịt mù và những hoài niệm ngày càng xa…Trân trọng những đóng góp của nhà văn và nhân kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô- 10/10, xin được giới thiệu vài nét về đề tài Hà Nội trong văn chương Võ Hồng.

 

1.      

Võ Hồng là nhà văn sáng tác chủ yếu ở giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam, nhưng là người dành nhiều cảm tình cho Hà Nội. Các truyện ngắn có nhắc nhiều đến Hà Nội của Võ Hồng như Hoài cố nhân, Ngày xưa, Hà Vi… Hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi Võ Hồng là Hà Nội của những năm đầu thập niên 40, thời trước Cách mạng tháng Tám. Thông qua nội dung truyện, nhà văn không chỉ mô tả bờ hồ, góc phố, những con đường, món ăn đặc trưng của Thăng Long xưa mà còn ghi nhận chân thực nhiều đặc điểm lịch sử giai đoạn trước 1945. Ví dụ như trong truyện Ngày xưa, tác giả viết rất cụ thể mốc thời gian:

 

“... Ngày 10 và 14 tháng 10 năm 1943, phi cơ Mỹ thả bom xuống Hà Nội. Lệnh tản cư đưa ra. Những chuyến tàu chở người tản cư kéo hàng hai mươi toa rầm rộ chạy suốt đêm. Tôi không thể còn ở lại Hà Nội nữa. Gửi lại tất cả đồ đạc, gửi lại cả một hy vọng rộng rãi về tương lai, tôi xách va-li nhỏ lên ga Hà Nội, lên tàu xuôi Nam.

... Tôi nhớ rõ, ngày 16 tháng 10, một buổi chiều xám, lạnh. Xung quanh mọi vật đen và buồn...”(1).

Trong truyện Hoài cố nhân, Hà Nội cũng gắn với sự kiện lịch sử Nhật đảo chính Pháp:

“… khoảng đầu năm 1942. Nước Pháp bại trận ở Âu châu đã mở đường cho Nhật tràn vào Đông dương (…). Những cô đầm cong cớn không còn đi nghênh ngang trên phố Tràng Tiền mà được thay bằng những anh lính Nhật lùn, đi lạch bạch với vỏ gươm dài lê thê…”

 

Còn trong truyện ngắn Hà Vi, nhân vật là một người Hà Nội di cư vào Nam, viết bức thư cho người yêu cũ mà nội dung chủ yếu là nhắc lại những kỷ niệm về Hà Nội:

 

“…Anh sẽ nhắc em nhớ đến “những ngày Halais” như hồi ở Hà Nội anh thường nói. Những ngày Halais! Anh còn nhớ những ngày chúng mình đi chợ Hôm mua hoa loa kèn, những lúc mình ngồi uống nước chanh quả vừa ngồi đợi tàu điện trước mặt nhà thuốc Tây Nguyễn Đình Hoằng không? Anh còn nhớ ngày nào anh ở số 11 ngõ Tràng An cạnh nhà chị Tố và bà Tham Huệ (…). Anh còn nhớ những ngày đông lạnh chúng mình đi ăn chả cá ở phố Hàng Cân và khi đi ngang qua phố Chợ Hôm anh lè lưỡi nhìn những con chó nạo lông sạch bị treo ngược ở mấy cái móc sắt trước quầy hàng không? Anh còn nhớ hàng cháo lòng ở phố Hàng Lọng, hàng xôi “chuối tiêu trứng cuốc” ở phố Cửa Nam, hàng bánh cốm ở phố Hàng Than không? Em muốn nhắc anh nhớ hết, con đường Cổ Ngư, bờ hồ Hoàn Kiếm, phố Sinh Từ, ga Hàng Cỏ, vườn hoa Con Cóc… cho đến Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy…”(2).

 

Võ Hồng cùng thời với Nguyễn Văn Xuân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và những nhà văn sáng tác tập trung ở giai đoạn 1954-1975. Mỗi người có một cách viết khác nhau và mối quan tâm đến Hà Nội, địa chỉ đỏ trên bản đồ văn chương đất nước, cũng khác nhau. Bình Nguyên Lộc khác Võ Hồng ở chỗ ông nhắc đến Hà Nội, miền Bắc thông qua các biểu hiện khác biệt về văn hóa vùng miền. Truyện của Bình Nguyên Lộc thường có các nhân vật là người Hoa gốc Triều Châu, người Quảng Nam, Quảng Ngãi hay là người Hà Nội, người Bắc nói chung. Trong truyện ngắn Quyển gia phổ, Bình Nguyên Lộc xây dựng nhân vật Thụ làm nghề khai thác lâm sản: ngày Tết, Thụ đến nhà Tồn để tìm không khí gia đình ấm cúng. Thụ sống ở miền Nam nhưng vẫn giữ các phong tục, nếp sinh hoạt của người Bắc, mặc “chiếc áo dài bằng the thâm, đầu bịt khăn chữ nhứt chớ không phải chữ nhơn” như người miền Nam, vẫn nói giọng Bắc, thích ăn bánh chưng hơn bánh tét và đặc biệt là cho dù ăn Tết rất đầy đủ vẫn cứ thấy thiếu, “thấy nhơ nhớ cái lạnh, nhơ nhớ bình thủy tiên và rất nhiều thứ lặt vặt khác…” (3). Trong khi đó, Võ Hồng viết về Hà Nội với tư cách là người trong cuộc. Nhà văn thường để cho các nhân vật của mình sống với những hoài niệm về Hà Nội, tha thiết bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ khôn nguôi về đất Thăng Long xưa. Cách khai thác ký ức và xử lý thời gian nghệ thuật trong tác phẩm Võ Hồng gần với Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai. Trong văn của Võ Hồng, Hà Nội cũng đẹp lấp lánh vì được thêu dệt bằng kỷ niệm và sự nhớ thương. Vũ Bằng yêu Hà Nội bằng tình yêu ruột thịt, còn Võ Hồng cũng gắn bó với Hà Nội chân thành vì ông mang ơn những năm tháng ông từ làng quê An Thạch, Tuy An, Phú Yên ra trọ học Ban Tú tài tận Hà Nội. Viết về Hà Nội trước hết như một cách ghi nhớ, lưu giữ trong tâm hồn hình ảnh thành phố, nơi ông đã từng sống.

 

2.      

Như vậy, Hà Nội là một địa chỉ có thực đồng thời là một không gian – bối cảnh nghệ thuật được nhiều tác phẩm văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, trong đó có Võ Hồng, quan tâm. Trong bối cảnh đất nước bị chiến tranh chia cắt đến hơn hai mươi năm; viết về Hà Nội, về thủ đô ở bên kia giới tuyến là điều đặc biệt của văn chương miền Nam. Tiếng nói và sự hoài niệm của những nhà văn gốc Bắc xa quê, dĩ nhiên góp phần đáng kể trong việc thể hiện hình ảnh Hà Nội (như Mai Thảo, Vũ Bằng, Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Mạnh Côn, Y Uyên…); nhưng quan trọng hơn, đó còn là sự đồng vọng của cả dân tộc, đất nước hướng về cội nguồn.

 

Hà Nội trong tác phẩm của Võ Hồng luôn được mô tả chân thực. Dường như nhà văn ý thức về trách nhiệm ghi nhận lịch sử hơn là yêu cầu hư cấu nghệ thuật. Cách thể hiện chân thực, cụ thể đó phần nào thuyết phục được độc giả, nhất là khi độc giả có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc.

Ngoài cảnh đẹp và những đặc tính của một thành phố lớn, một thủ đô lâu đời; Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975 được nhấn mạnh ở chiều sâu văn hóa. Đó là nguyên nhân chính để Hà Nội tồn tại da diết trong cảm xúc của người đọc. Thử hỏi ai đọc Thương nhớ mười hai, Món ngon Hà Nội của Vũ Bằng mà không rưng rưng; ai đọc Hoài cố nhân, Ngày xưa, Hà Vi của Võ Hồng mà không thấy mình cũng có chút liên hệ với nơi cội nguồn ấy. Cho dù ra đi không phải với tư cách “mang gươm đi mở cõi”, vì chính trị hay tôn giáo, thì con người trong các tác phẩm viết về Hà Nội vẫn có nỗi niềm “ngàn năm thương nhớ” đất Thăng Long. Thực tiễn tác phẩm viết về Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 là một minh chứng xác đáng rằng tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc là một nội dung cơ bản của văn học ở cả hai miền.

Viết và kể chân thực về Hà Nội trong văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975 vừa là tình cảm chủ quan của con người đối với quê hương, đất nước; vừa như qui luật khách quan của đời sống văn học: xu hướng bù trừ, cân bằng với cái đã mất. Hà Nội không mất, nhưng sự cách biệt với Hà Nội có thể khiến cho việc ngóng trông, đồng vọng trở nên tha thiết hơn.       Vậy nên, hình ảnh Hà Nội trong văn xuôi Võ Hồng giai đoạn 1954 - 1975 ngoài giá trị văn chương, còn là một giá trị văn hóa. Viết là sự biểu hiện rõ nhất tình yêu, thái độ của nhà văn với thủ đô có chiều dài lịch sử bằng đúng ngàn năm.

 

------------------------------

 

Chú thích

(1) Võ Hồng, Tuyển tập Võ Hồng; Sđd, tr.48.

(2) Võ Hồng, Tuyển tập Võ Hồng; Sđd, tr.116.

(3) Bình Nguyên Lộc, Tuyển tập Bình Nguyên Lộc; tập 1; Nxb Văn học, tr.347-442.

Lac Halais  (Ho Thien Quang)

TS. Nguyễn Thị Thu Trang

                                                            Trường Đại học Phú Yên

 

© http://vietsciences.free.fr