Nha Trang ngày 20/01 năm Quý Mùi, tức ngày 10/3/2015

 

Thưa quý độc giả,

 

Hôm nay là đúng 24 tháng từ ngày Cha tôi trừ trần.

Để kỷ niệm, tôi xin giới thiệu quyển luận án về nhà văn, nhà giáo VÕ HỒNG của thạc sĩ Nguyễn thị Thu Trang.

 

**********

VÕ HỒNG - NHÀ VĂN VÀ TÁC PHẨM

 

(TIỂU LUẬN NGHIÊN CỨU VÀ PHÊ BÌNH)

 

HỘI LIÊN HIỆP VĂN HỌC NGHỆ THUẬT PHÚ YÊN

- 2003 -

 

NGUYỄN THỊ THU TRANG

 

MỤC LỤC

 

         Lời đầu sách 

        Giới thiệu

        Chương I :                 NHÀ VĂN

        1. Nửa thế kỷ cầm bút                                                      

        2. Quan niệm thẩm mỹ                                          

 

         Chương II :      TÁC PHẨM

        1. Truyện                                                               

        2. Thế giới nhân vật                                               

        3. Đề tài quê hương                                                   

        4. Hiện thực và hoài niệm                                          

        5. Viết cho tuổi học trò                                              

 

        Kết luận                                               

 

Lời giới thiệu ...

 

Đã có người nói với tôi : "Tác phẩm của nhà văn Võ Hồng gần gũi với thời kỳ Tiểu Thuyết Thứ Bảy hơn là với độc giả ngày nay".

Tôi hiểu ý của người ấy muốn nói rằng từ mấy chục năm qua, đất nước trải qua những sự kiện lịch sử rất sôi động, văn nghệ thường cung cấp cho độc giả những đề tài, nhân vật mang tầm vóc sử thi mà ngòi bút của Võ Hồng thì chỉ sở trường với những con người bình dị hiền hòa, những tình tiết đời thường ít vang dội.

Tôi không nghĩ như vậy.

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có lần mấy sinh viên của tôi, sau một chiến dịch được nghỉ phép, về Hà Nội, đến chơi với tôi. Các anh kể một câu chuyện : "Khi vào Nam chiến đấu, chúng em cùng đi trong một đoàn có các anh bộ đội là nông dân. Đi qua Đèo Ngang, đoàn nghỉ giải lao. Mấy anh bạn nông dân ấy, biết chúng em là sinh viên khoa Ngữ văn, đề nghị : "Các anh học văn hẳn là thuộc nhiều thơ, đọc thơ cho nghe đi. Chúng tôi ít học nhưng cũng thích nghe thơ. Chúng tôi theo dõi những buổi phát thanh Tiếng Thơ". Chúng em đọc mấy bài thơ kháng chiến. Các anh nói : "Những bài thơ ấy chúng tôi được nghe nhiều rồi. Đề nghị đọc và giảng cho chúng tôi nghe bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan". Câu chuyện khiến tôi suy nghĩ : Các chiến sĩ đi vào trận địa ác liệt; tự chuẩn bị cho mình một tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng hy sinh; thế mà các anh lại muốn nghe một bài thơ cổ điển trữ tình mà có người đã đánh giá là ủy mị, bi quan, hoài cổ.

 

Thì ra tâm hồn con người rất tinh vi, uyển chuyển; cứ đem cái logic cứng nhắc ra mà lý luận thì rất dễ sai lầm.

Nhà thơ Xuân Diệu cũng có một câu nói về văn nghệ rất đúng và rất hay : "Đây là quán tha hồ muôn khách đến". Khách có người ưa thích món này món khác, nhà hàng có những đặc sản, tài năng riêng của từng nhà. Văn chương là hình tượng của cuộc sống, cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ có chịu ép mình vào một khuôn khổ nào đâu!.

Và tôi nghĩ đến những nhà văn như Võ Hồng. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với những cái tiêu cực, những cái xấu; trong những tiếng máy vang động, tiếng người hò reo trong các xí nghiệp, công trường chạy đua thời gian tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cũng cần có những lời thỏ thẻ, những tiếng cười hồn nhiên của các em nhỏ và những tâm tình quê mộc mạc, những hoài niệm thương nhớ bâng khuâng.

Cuộc sống không bao giờ phiến diện.

Tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc một công trình nghiên cứu, viết về nhà văn Võ Hồng, nhà văn của những mảng đời êm ả trong gia đình, trong quê hương Việt Nam, nhà văn của những tình cảm truyền thống đậm đà tính nhân văn của con người Việt Nam - "Đạp quân thù xuống đất đen - Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa"

 

Mong rằng cuốn sách này sẽ là người bạn tâm tình với các độc giả.

 

                                                               Tháng 6 năm 2003

                                                      Giáo sư  Hoàng Như Mai

                                        Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy

                                              Văn học thành phố Hồ Chí Minh.

                       

 

Cám ơn và chúc Quý Vị cùng Gia đình được mọi sự như ý,

 

Võ Thị Diệu Hằng

 

20/01 năm Quý Mùi, tức ngày 10/3/2015

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr