Nhận xét của người hướng dẫn
I
- GS. Hoàng Như Mai
Tôi không gặp khó khăn vất vả bao nhiêu. Vì Thu Trang giỏi,
có khiếu cảm thụ văn chương tốt, lại rất chăm chỉ cần cù. Từ
định hướng ban đầu, đến tư liệu cần đọc, đến đề cương bố
cục, rồi bắt tay viết luận án thì Thu Trang đề xuất hết. Tôi
chỉ làm công việc phê duyệt và có góp một số ý, cụ thể là
lấy kinh nghiệm của một người có quá trình nghiên cứu và có
sự hiểu biết về thời thế, tình thế tôi có khuyên ngăn điều
này, điều khác, nên giữ, nên bỏ.
Thu Trang có cái khuynh hướng cầu toàn, lúc nào cũng băn
khoăn chưa được, chưa hay, chưa thỏa mãn mà tôi thì xin thú
thật, có phần thương Thu Trang cũng như các NCS khác của lớp
cao học Nha Trang: thi cử vất vả quá.
Có những lần khi Thu Trang từ nhà tôi ở đường Phó Đức Chính
đứng lên xin phép về, bóng tối đã xuống thành phố. Tôi hỏi:
Bây giờ về đâu? Về Tam Bình. Tôi hoảng hốt:
Đi bằng phương tiện nào? Đi xe buýt.
Thu Trang chào rồi lầm lũi đi, tôi chợt nghĩ đến câu thơ của
Nguyễn Đình Thi:
Bóng nhỏ
Đường lầy
Cho nên thường thường người không hài lòng, đòi hỏi phải
nâng luận án lên nữa, bổ sung thêm, hoàn chỉnh thêm lại là
Thu Trang, còn người gạt đi: "Thôi, đủ rồi, không cần cầu
toàn" lại là tôi, người hướng dẫn.
Như vậy, những lời nhận xét có lý, có tình của các vị trong
hội đồng, những lời đánh giá là được, là tốt, Thu Trang có
quyền nhận tất cả.
Dù sao tôi cũng xin được nói thêm: Viết luận án về nhà văn
Võ Hồng vừa dễ vừa khó.
Dễ vì nhà văn còn đấy, kho tư liệu sống, có gì hỏi được rõ
ràng, không có điều gì mơ hồ.
Nhưng phần khó lại nhiều hơn. Là vì từ bốn năm chục năm qua,
đất nước rất sôi động, các nhà viết văn thường bộc lộ bản
lĩnh của mình ở những nhân vật, tình huống, khung cảnh dữ
dội gay cấn, gần đây thì các nhà văn lại ưa viết về những
vấn đề gay gắt, bi kịch, phức tạp. Độc giả cũng có nếp quen
thưởng thức, ham thích những nhân vật ấy, sự kiện ấy.
Nhà văn Võ Hồng thì lại khác hẳn: ông viết về những điều
bình dị, đời thường thông thường, những con người hiền lành,
lương thiện, những tâm tình êm ả, phảng phất không khí lặng
lẽ, u hoài.
Vì thế đối với thị hiếu hiện thời, tác phẩm của Võ Hồng có
vẻ hiền lành, trầm trầm, thậm chí tẻ nhạt, khuông mặt nhà
văn Võ Hồng thiếu những nét gồ ghề, sắc sảo gây ấn tượng.
Với thực tế ấy làm thế nào khẳng định được vị trí của Võ
Hồng trong văn học hiện đại, mà phải khẳng định vì Võ Hồng
rất xứng đáng - là điều không dễ một chút nào.
Sự đời là như vậy. Thật là éo le nhưng là sự thật. Diễn viên
lên sân khấu đóng những vai hung tợn giết người cướp của
hoặc những vai đểu cáng, xỏ xiên, gian manh dễ hơn những vai
hiền lương.
Đó là cái khó nhất, thật là khó mà Thu Trang băn khoăn lo
lắng suốt cả trong cuộc hành trình đi tìm nhà văn Võ Hồng
đích thực là Võ Hồng, không tô son vẽ phấn cho nhà văn.
Khi Thu Trang hoàn thành luận án, tôi nhận ra được đúng diện
mạo Võ Hồng, tôi rất bằng lòng.
Hướng dẫn bản luận án này, cộng với những lý do tình cảm ân
tình tôi đã nói bên trên, kết quả khóa học mà NCS đạt được
là một niềm vui trong trẻo của tôi, vì thế nên lời phát biểu
của tôi có hơi nặng chất trữ tình, xin thông cảm.
II -
PGS. TS.
Trần Hữu Tá
---�&�---
1. Theo chúng tôi, đây là một đề tài độc đáo và đặc sắc.
Thứ nhất, Võ Hồng là một cây bút nổi tiếng cả trước và sau
năm 1975. Nghiên cứu về nhà văn lão thành này, chị Thu Trang
đã góp phần làm rõ sự đóng góp có ý nghĩa của giòng văn học
trong sạch, thấm đượm tinh thần nhân văn và tình cảm yêu
nước trong nền văn học thành thị miền Nam giai đoạn 1954 -
1975 vốn rất xô bồ, phức tạp.
Thứ hai, chị đã giúp người đọc nhận biết khá đầy đủ, sâu sắc
sự đóng góp của một nhà văn vẫn đang tiếp tục sáng tác nhưng
sự nghiệp về cơ bản đã ổn định.
Thứ ba, chị đã trang trải được món nợ tinh thần đối với quê
hương. Võ Hồng vốn là người con của Phú Yên. Và nơi chôn rau
cắt rốn này của Võ Hồng đã và đang là nguồn cảm hứng sáng
tạo của ông.
Tôi quý công phu lao động của tác giả luận án, mà chỉ riêng
khâu chuẩn bị chiếm lĩnh hệ thống tư liệu tham khảo và tìm
hiểu, khai thác kỹ đối tượng khảo sát đã rất đáng khen. 35
trang của phần phụ lục đã khẳng định thái độ lao động rất có
trách nhiệm của chị. Tất nhiên chị Thu Trang đã có một thuận
lợi lớn: nhà văn Võ Hồng đã hết lòng đáp ứng yêu cầu của
chị, không phải vì động cơ đề cao cá nhân mà vì tấm lòng đôn
hậu, lối sống chân tình vốn có của ông. Qua những lần tiếp
xúc với ông tôi tin như thế.
2. Luận án khá dầy dặn, gồm 96 trang (không kể phần phụ
lục). Kết cấu luận án rành rõ. (Chương I: Nhà văn; Chương
II: Tác phẩm). Có thể ta chưa đồng tình với cách sắp xếp
tiêu đề các đoạn mục của chương II (gồm 5 tiểu mục:
Truyện / Thế giới nhân vật / Đề tài quê hương / Hiện thực và
hoài niệm / Viết cho tuổi học trò) và có thể có một cấu
trúc khác, nhất quán hơn về tiêu chí nhưng phải công nhận
chương nào, đoạn nào tác giả luận án cũng viết say sưa, kỹ
lưỡng.
Chị đã trình bày trúng và sâu quan điểm thẩm mỹ của Võ Hồng.
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn luôn hướng tới cái Đẹp hồn
nhiên, trong sáng; cái Đẹp bắt nguồn trong cuộc đời thực,
mang ý nghĩa nhân bản có giá trị bền vững (trang 16); cái
Đẹp của nhân cách, lương tri; cái Đẹp của tình yêu thương và
sự thủy chung, gắn bó (trang 17).
Trong chương II, từ những góc độ khác nhau, tác giả luận án
đã thâm nhập khá tốt về thế giới văn chương của tác giả cao
niên này, đã phân tích cụ thể, chỉ ra được những sắc thái
riêng, sức hấp dẫn và những đặc điểm nổi trội của nghệ thuật
truyện Võ Hồng. Đó là, nhà văn coi trọng tình tiết hơn cốt
truyện; chú ý đến sự dẫn dắt của cảm xúc, của những suy
tưởng bâng khuâng dịu dàng chứ không phải đến tính chặt chẽ
của kết cấu; làm say mê nhiều thế hệ người đọc bằng giọng
điệu êm đềm trôi chảy như tuôn từ nội tâm chứ không phải
bằng lối thể hiện độc đáo tân kỳ.
Tôi tán thành luận điểm quan trọng của chị: thế giới của
riêng ông là thế giới của yêu thương, con người trong tác
phẩm của ông là con người nhân ái, hướng thiện, trăn trở với
trách nhiệm làm người.
Tuy vậy, có lẽ do mến trọng đối tượng nghiên cứu, đôi lúc
chị Thu Trang thiếu đi cái nhìn toàn diện. Chị chưa chỉ ra
những chỗ yếu của tác phẩm Võ Hồng, thậm chí có lúc tưởng
như đã định đề cập tới nhưng lập tức lại nhiệt tình biện hộ
cho nhà văn. Một dẫn chứng, trang 71 "Nhiều người cho
rằng việc hồi tưởng quá khứ, gợi lại những hình ảnh xưa cũ
làm truyện Võ Hồng thiếu sự năng động, linh hoạt cần thiết,
nhưng chính nhược điểm đó lại là chỗ mạnh để nhà văn vượt
qua được sự tầm thường, nhàm chán của một cốt truyện đơn
giản".
3. Trong quá trình xử lý đề tài, chị Thu Trang đã vận dụng
khá nhuyễn và khá tinh phương pháp so sánh để làm nổi bật
nét riêng của Võ Hồng. Nhưng nếu người đọc đồng tình và
thích thú khi chị so sánh Võ Hồng với Nguyễn Tuân, Thạch
Lam, Thanh Tịnh... thì ngược lại, khá băn khoăn khi liên
tưởng, so sánh tác phẩm của ông với Võ Phiến (trang 42) hoặc
với Thụy Vũ, Túy Hồng (trang 51, 52). Những cây bút này
thuộc khuynh hướng nghệ thuật khác, thậm chí có ý thức hệ
khác. Việc so sánh có gì đấy bất ổn, không tạo được hiệu quả
thẩm mỹ cần thiết.
Về mặt hành văn, diễn đạt, nhìn chung chị viết khá chững
chạc, mực thước và tinh tế. Nhiều trang viết hay, có chất
văn. Một dẫn chứng ngắn trong phần kết luận: "Trên bầu
trời văn chương, Võ Hồng không vụt loé sáng rồi vụt tắt như
một vài hiện tượng khác. Nhà văn cũng không đóng vai trò
quan trọng lãnh đạo hoặc cổ súy cho một phong trào, một hình
thức sáng tác nào. Lặng lẽ, khiêm nhường, ông là ngôi sao
nhỏ biết tự toả sáng bằng năng lực bản thân, bền bỉ thao
thức cùng cuộc đời" (trang 96).
Tuy vậy, rải rác đây đó tác giả vẫn còn để sót một vài hạt
sạn nhỏ về câu, chữ (trang 18, 53...) Và dù nghiêm trang,
đúng mực, đôi chỗ chị cũng chợt quên văn phong luận án
(trang 25).
Kết luận chung:
Đây là một công trình nghiên cứu dầy dặn, công phu và có giá
trị đóng góp vào việc tìm hiểu, đánh giá Văn học Việt Nam
hiện đại. Chị Thu Trang - tác giả của luận án này - xứng
đáng được nhận học vị Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn.
Ngày 1 / 8 /
1996
TS. Nguyễn Thị Thu Trang
Trường Đại học Phú Yên
|