Nhà văn Võ Hồng và tình yêu quê hương!

Vietsciences-    Nguyễn Thị Thu Trang     Trường Đại học Phú Yên        Tháng 4/2013
 

 

Võ Hồng là một tác gia lớn của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Nhà văn vừa từ trần lúc 14g ngày 31 tháng 3 năm 2013, tại nhà riêng ở Nha Trang – Khánh Hòa. Ông sinh ngày 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất tức ngày 21/01/1923 (nhưng giấy khai sinh ghi ngày 05/05/1921); tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Hơn nửa thế kỷ cầm bút Võ Hồng đã để lại hơn 30 đầu sách, với hơn trăm truyện ngắn, 8 tiểu thuyết và truyện dài cùng với nhiều bài báo khác.

 

Vậy là nhà văn Võ Hồng đã chọn ra đi vào cõi thiên thu vào ngày cuối cùng của tháng 3 - Ngày 31/3/2013!  Ngày tiếp sau là ngày 1 tháng 4, ngày kỷ niệm 12 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn nhớ năm 1972, trong cuốn Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, tập 2, tác giả Tạ Tỵ có chọn và viết về mười nhà văn, nghệ sĩ tiêu biểu của miền Nam thời bây giờ. Cuốn sách mở đầu là phần viết về Trịnh Công Sơn và kết thúc là chương viết về Võ Hồng.

Võ Hồng cũng như Trịnh Công Sơn là những người nghệ sĩ mang tâm hồn dân tộc, là những người đã lưu giữ qua tác phẩm của mình một thời đã qua với những mất mát, đau thương của hơn 20 năm khói lửa chiến tranh ở miền Nam.

Trong Từ Điển Văn Học (bộ mới), tác giả T. Khuê và Nguyễn Huệ Chi nhận xét: "Võ Hồng là một nhà văn đôn hậu, yêu quê hương và con người..."

Nhà văn Võ Hồng có lần kể ông sinh năm 1923, nhưng để đủ tuổi đi học người nhà ông đã khai là 1921. Võ Hồng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Phường Lụa, vùng có nghề dệt vải và nghề làm gốm nổi tiếng, thuộc làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thuở nhỏ học ở trường huyện, trường phủ, ra Qui Nhơn học rồi sau đó ra tận Hà Nội học Tú tài. Những năm kháng chiến chống Pháp, Võ Hồng tham gia công tác Bình dân học vụ, dạy học và làm Hiệu trưởng trường Trung học Lương Văn Chánh của Phú Yên. Năm 1954, ông đưa vợ con về quê vợ ở Đà Lạt. Năm 1956, ông chuyển xuống Nha Trang và sinh sống bằng nghề dạy học ở các trường tư thục. Đến 1957, vợ ông qua đời, Võ Hồng một mình nuôi 3 con nhỏ, vừa dạy học vừa sáng tác văn chương. Với gia tài hơn 30 đầu sách đã in gồm hơn trăm truyện ngắn và 8 tiểu thuyết, truyện dài; có nhiều tác phẩm được tái bản; Võ Hồng là nhà văn có vị trí chắc chắn trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong giai đoạn 1954-1975.

Truyện của Võ Hồng bao gồm nhiều đề tài khác nhau: Về hiện thực cuộc sống thời chiến tranh, về thân phận con người, về tình yêu. Nhưng bao quát và thành công nhất của ông vẫn là viết về quê hương, về những kỷ niệm của tuổi học trò. Đọc tác phẩm của Võ Hồng, có thể hình dung các miền của Phú Yên, từ đèo Cả đến đèo Cù Mông, biển Mỹ Á, Sông Cầu, vùng Xuân Phước, Xuân Quang của Đồng Xuân...; làng Ngân Sơn của nhà văn với con sông Phường Lụa trong trẻo, những bến đò đông đúc, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Châu Lâm... Trên những con đường quê nối liền An Thạch với An Thổ, An Dân, An Mỹ; vẫn là bóng dáng của những người nông dân lam lũ, cần cù, suốt đời gắn bó với đất.

Nói đúng hơn, quê hương không chỉ là đề tài. Quê hương còn là máu thịt, là tâm niệm của nhà văn Võ Hồng. Ông có lần nói:

"Nếp sống của quê tôi chưa hề được nhà văn nào nhắc đến... Thế hệ của chúng tôi bị chiến tranh tàn phá quá nhiều, một số lớn đã chết, những nếp sống cũ lần lượt bị xóa đi, thay thế bằng nếp sống mới. Tôi nghĩ rằng nếu tôi dâng trọn cả cuộc đời của tôi để dựng lại cái Dĩ vãng đó cũng vẫn còn chưa đủ... Vậy viết về những kỷ niệm Dĩ vãng tôi nhằm vào việc lấp một cái hố trống. Tôi muốn các thế hệ đàn em có dịp để thiết tha gắn bó với quê hương hơn..." .

Tiểu thuyết Như cánh chim bay là truyện dài nhất của nhà văn Võ Hồng được nhiều người biết đến, có nội dung chính nói về lịch sử kháng chiến và con người Phú Yên. Truyện mô tả đầy đủ những phong trào chống giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Cảnh phá đường, tập huấn quân sự, canh gác; cảnh tăng gia sản xuất, trồng khoai lang bồ, trồng bí, trồng sắn; cảnh dạy học đóng cổng đố chữ của phong trào Bình dân học vụ, cảnh đi xe goòng... diễn ra sống động trong suốt tác phẩm. Võ Hồng miêu tả sự vận động của lịch sử chính bằng những đổi thay trong cuộc sống và nếp sinh hoạt của người dân. Tập truyện ngắn Hoài cố nhân là tác phẩm được in đầu tiên của Võ Hồng. Hoài cố nhân còn là nỗi hoài cố hương, là những kỷ niệm trong trẻo, hồn nhiên của tuổi học trò.

Nhà văn cho rằng quê hương đồng nghĩa với cội nguồn và là chỗ dựa về tinh thần cho mỗi con người. Bị bứt khỏi ruộng vườn, con trâu, cái cày, những người dân quê trở nên lạc lõng, tội nghiệp. Và trong mệt mỏi, bất an... của cuộc sống hiện tại, những người dân quê càng hướng về "chốn cũ", càng da diết với mảnh đất quê nhà. Những nhân vật người nông dân như ông Túc trong Tình yêu đất, bà Xự trong Bên đập Đồng Cháy, Năm Nhiều trong Thế giới của Năm Nhiều, cô Ba Hường trong Dấu chân sa mạc... là những người dân quê thân quen mà ông đã từng biết, đã từng sống với họ. Đó cũng là những chân dung văn học thành công nhất của Võ Hồng.

Văn chương Võ Hồng không gây nên những cuộc tranh luận bàn cãi nhưng bền bỉ và nhất quán. Viết về quê hương, Võ Hồng bắt đầu bằng một tình yêu ruột thịt như con với mẹ. Mở rộng thêm một chút còn là ý thức lưu giữ một nếp sống, một nền văn hóa, làng mạc của người miền Trung mà ít người biết đến.

Nhà văn ra đi khi mùa xuân đã cạn ngày! Nắng rất vàng và biển vẫn rất xanh ở miền Trung. Tại ngôi nhà số 51 Hồng Bàng, Nha Trang của ông mọi thứ dường như vẫn vậy. Học trò, người quen vẫn thường ghé thăm. Tại Phú Yên, học trò cũ, người quen của nhà văn Võ Hồng nhận tin ông qua đời, ai cũng buồn thương, xót xa. Vẫn biết người không ra khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử; vẫn biết thầy đã nằm lâu trên giường bệnh và sức lực đã cạn dần, cạn dần. Không biết giờ đây trong cõi u minh trên đường từ bỏ cõi tạm, ông có nhìn thấy quê hương và nghe tiếng gọi đò xưa cũ!

Vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng! Vĩnh biệt thầy với những ngày tháng được ở bên thầy, được lắng nghe và được chia sẻ với thầy những tâm tình cuộc sống và tình yêu dành cho văn chương!

TS. Nguyễn Thị Thu Trang

                                                            Trường Đại học Phú Yên

 

© http://vietsciences.free.fr