|
Về
nhà văn Võ Hồng: “Suốt gần nửa thế kỷ hoạt động văn học, ông vẫn giữ
ngòi bút đứng thẳng, không thách thức mà cũng không quỵ lụy, với
thái độ khách quan trung thực và với lương tâm của người cầm bút”.
- Sở
VHTT Nghĩa Bình giới thiệu tác phẩm Thiên Đường Ở Trên Cao của ông:
“…không chỉ là nhân phẩm, cái đáng kể còn là tài năng của người
viết. Dựng truyện, kết cấu, chi tiết rất dung dị mà sự dung dị của
…phép mầu. Đáng chú ý nữa là Võ Hồng đã sử dụng giọng điệu của một
người miền Trung rất thân tình trong tác phẩm, một điều mà trước đây
ít ai đạt tới”.
-
Hai nhà báo ở TP HCM giới thiệu tác phẩm Một Bóng Hồng Cho Cha:
1. “Khi khép lại tập sách mỏng Một Bóng Hồng Cho Cha, lòng tôi rưng
rưng nghĩ về Võ Hồng, một người cha đức độ chừng mực, một nhà văn,
một tấm gương nhân ái lớn trong văn học Việt Nam…(Phạm Chu Sa –
báo Thanh Niên, số 110, ngày 20.09.1994). 2. Một Bóng Hồng Cho
Cha đã được viết với một kiến thức uyên bác, và quan trọng hơn là
bằng một tấm lòng trân trọng vô biên đối với những giá trị thiêng
liêng của mỗi con người, một lần nữa chứng tỏ Võ Hồng là một nhà văn
bậc thầy trong thể loại và đề tài này…” (Nguyễn
Đông Thức – báo Tuổi Trẻ Chủ nhật, ngày 28.08.94).
-
Nhà giáo nhà văn Huỳnh Như Phương nhận định về đồng nghiệp của mình
là nhà giáo nhà văn Võ Hồng:
- (…) “những
cuốn sách của ông xuất bản gần đây, sinh hoạt học đường vẫn là đề
tài vô cùng thú vị và rất sống động. Thương Mái Trường Xưa có
thể xem là một cuốn cẩm nang đúc kết những kinh nghiệm giáo dục bằng
ngôn ngữ hình tượng. Một Bông Hồng Cho Cha, ấn phẩm đẹp ra
mắt vào dịp lễ Vu Lan cũng là cuốn sách đọc suốt năm cho mọi người.
Võ Hồng không lên giọng giáo huấn, mà truyền đến ta thông điệp của
tình yêu thương bằng một giọng văn bình dị và trong trẻo như nước
suối tuôn ra từ kẽ đá. (…) Ba mươi bảy năm nay, Võ Hồng gà trống
nuôi con, và khi các con trưởng thành, du học rồi định cư nước
ngoài, ông lại một mình với niềm vui lặng lẽ trên trang giấy. Võ
Hồng đúng là một thứ Cây Rừng Trầm Mặc như nhan đề một tập
truyện ngắn đặc sắc của ông. (…) Đặc biệt là những nhân vật miền
Trung của Võ Hồng chắc chắn sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong
phòng triển lãm hình tượng những người nhà quê của văn học Việt Nam.
Đó là những bà Xự, bà Kinh, Lão Túc, Trùm Đẹt…những người đói thì
ăn, khát thì uống, nhưng trong tận cùng tâm hồn luôn ấp ủ một tình
yêu sâu nặng đối với đất đai quê kiểng, chứa đựng một cái gì rất
vững chắc của phong hóa Việt Nam…”
-
Đặng Minh Châu, cán bộ Nhà Văn hóa tỉnh
Khánh Hòa thuật lại cuộc diện kiến để xin phép nhà văn Võ Hồng cho
tổ chức “Đêm Võ Hồng”:
(…)
“Tuy không học ông, nhiều người vẫn quen gọi ông bằng “Thầy”. Đó là
cách tỏ lòng tôn kính. (…) Ông học rộng, đọc nhiều, trong cử chỉ và
lời nói của ông ẩn hiện bóng dáng của văn chương thuần khiết. Đã từ
lâu tôi có ý định làm một bộ phim video tài liệu nghệ thuật về ông,
tôi đã dẫn anh bạn quay phim đến làm quen với ông và chọn cảnh.
Nhưng tất cả chỉ là ý định khi tôi đối diện với bản tính ưa giấu
mình của ông. Trong những cuộc hội họp chốn đông người, ông thường
né tránh ống kính truyền hình và nhiếp ảnh. Có gì đấy thật gần gũi
với nhà chân tu, thích bàn chuyện huyền vi hơn là dấn thân vào vòng
thị phi đây đó”.
-
Và, năm 1985, ông Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Phú Khánh làm một
cuộc phỏng vấn ông vài câu: “Xin cho những nhận xét về tình hình
văn nghệ địa phương ta sau mười năm”. Nhà văn Võ Hồng ghi những
suy nghĩ trao cho ông ta vừa nói: “Tôi có thể viện cớ là bệnh,
là bận để khỏi trả lời, nhưng lòng tự trọng không cho phép tôi nói
dối. Nhưng tôi đưa anh đọc rồi xin anh cho lại, đừng đăng lên, bởi
đăng là tôi sẽ bị khó khăn”. Đây là những câu trả lời cuộc phỏng
vấn hôm ấy. (Tạp chí Văn Nghệ Phú Khánh số tháng 11.1988 đăng
nguyên văn) như sau: - Có một nhược điểm thường gặp nơi văn
chương địa phương, cấp nhỏ, cấp thấp, đó là đọc xong các bài viết,
thấy tất cả đều tốt, mọi việc đều hay, tiến bộ khả quan, mọi người
vừa lòng. Văn chương tròn trịa lý tưởng! Không dám có những ý tưởng
gai góc, không để có những cảm xúc mới lạ, độc đáo…Mà chỉ được cảm
xúc thông thường, bình thường, tầm thường, bằng phẳng, công thức gần
như đã vạch sẵn. Văn chương được bào chế như những món ăn quá lành
mạnh, bởi đã được sát trùng quá kĩ như kho cá, rim thịt đúng theo
sách dạy gia chánh. Mà đúng ra, xã hội đòi hỏi người cầm bút phải
nhìn thấy những vấn đề, phát biểu những ý nghĩ, nêu lên những băn
khoăn….để người đọc cùng cảm xúc, cùng suy nghĩ…Có vậy xã hội mới
tiến lên được, chớ cứ tròn trịa như bánh xe thì xã hội cứ thế mà lăn
tới một cách an toàn, hà tất còn cần đến văn chương làm gì”.
-
Nhận xét của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, thành
viên trong hội đồng giám khảo, về bản luận án Phó tiến sĩ của Trần
Hữu Tá, có đoạn đề cập về nhà văn Võ Hồng:
“…tác
giả đã phát hiện ra một nhà văn xuất sắc trong văn học đô thị miền
Nam là Võ Hồng. Việc phát hiện này không phải chỉ riêng Trần Hữu Tá,
nhưng cái mới ở Trần Hữu Tá là anh đã đặt đúng vị trí của Võ Hồng
trong khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ của miền Nam. Thời gian
ngày càng cho thấy Võ Hồng xứng đáng là một cây bút hàng đầu trong
hai mươi năm văn học dưới chế độ Sài Gòn, xét ở cả nội dung sáng tác
cũng như thành tựu văn học nghệ thuật.
(Nhận xét luận án “Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong các
thành thị miền Nam” của Trần Hữu Tá bảo vệ luận án tại Hà Nội, ngày
06.01.1994 – Nguyễn Huệ Chi.
* * *
-
Luận văn tốt nghiệp Đại học sư phạm Viện Đại học Cần Thơ niên khóa
1972-1973, đầu đề: Nghiên Cứu Truyện “Bên Đập Đồng Cháy của Võ
Hồng”, Lê Bình viết:
- Khi nhắc đến Võ Hồng trong sinh hoạt Văn học Nghệ
thuật Miền Nam, người ta hình dung đến một cái gì mực thước trang
nghiêm, chừng mực…Ông bước vào sinh hoạt văn nghệ bằng sự khiêm
nhường trầm lặng, (…) Ông đã xác định vị thế của mình, gắn chặt cuộc
đời của mình với quê hương…
-
Luận văn tốt nghiệp hệ chính quy Khoa ngữ văn trường Đại học Tổng
hợp TP HCM năm học 1996-1997 của Trần Thị Phong Lan, đầu đề:
Những đóng góp của Võ Hồng đối với dòng Văn Học Yêu Nước trong các
thành thị Miền Nam. - Ở nhà văn Võ Hồng người đọc nhận thấy một tình
yêu quê hương tha thiết. Quê hương hiện lên trong tác phẩm của ông
như một bức tranh thủy mặc với những nét đẹp hữu tình và quyến rũ.
(…). Võ Hồng còn thể hiện một tình cảm và lòng biết ơn sâu xa đối
với những người chân lấm tay bùn. (…) Võ Hồng không ưa dùng sáo ngữ,
cách viết của ông giàu hình ảnh, giàu cảm xúc nhưng giản dị dễ hiểu.
Điểm nổi bật trong nghệ thuật diễn đạt của Võ Hồng là thông minh,
sắc sảo vừa tinh tế vừa dí dỏm.
-
Luận Văn Tốt Nghiệp Trường Đại Học Tổng Hợp Huế Nhiêm Kỳ 1985-1989
của Nguyễn Văn Long, đầu đề Thi pháp Truyện ngắn Võ Hồng: (…) –
Như vậy, Võ Hồng thực sự xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu của Văn
học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. (…) Tư tưởng thống trị trong văn
chương Võ Hồng được toát lên từ thi pháp Truyện ngắn của ông, trước
sau vẫn không ngoài tư tưởng nhân ái. (…) Nó là cái tư tưởng quán
xuyến trong quá trình sáng tạo hình thành tác phẩm.(…) Tư tưởng nhân
ái là Chân, Thiện, Mỹ trong văn chương Võ Hồng…
-
Luận án Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Nguyễn Thị Thu Trang, đầu đề Võ
Hồng Nhà văn Và Tác Phẩm: (…) – Những năm 1965 đến 1970 là giai
đoạn Võ Hồng sáng tác sung mãn nhất. Chỉ trong năm 1966, nhà văn đã
cho ra mắt độc giả đến hai tập Truyện ngắn và một Truyện dài Con
Suối Mùa Xuân, Khoảng Mát, Hoa Bươm Bướm. Năm 1968, hai Truyện
dài Người Về Đầu Non và Gió Cuốn được xuất bản với Tập
truyện Bên Kia Đường. Khoan đánh giá chất lượng mà chỉ cần
nhìn số lượng trang sách in, cũng đủ thấy năng lực làm việc của nhà
văn Võ Hồng và lòng ưu ái mến mộ của độc giả dành cho ông. (…) Ngoài
những sách được tái bản từ 1975 đến ngày 31.12.1995, nhà văn Võ Hồng
đã có 12 tác phẩm được xuất bản, phát hành rộng rãi trong cả nước.
Những quyển như: Vẫy Tay Ngậm Ngùi, Thương Mái Trường Xưa, Một
Bóng Hồng Cho Cha, Trầm Tư, và tập thơ Hồn Nhiên Tuổi Ngọc…
Con đường viết văn của Võ Hồng gần như không có chỗ rẽ ngoặt, đứt
quãng. Nhà văn viết tất cả những gì quen thuộc xung quanh và xảy ra
với bản thân ông. Thái độ trung thực tự tin, không chạy theo những
giá trị hào nhoáng bên ngoài khiến cho ngòi bút ông đứng vững được
qua các thời đại, các biến cố chính trị. Võ Hồng viết nhiều nhưng
phong cách, quan điểm thẩm mỹ của ông từ đầu đến cuối lại rất nhất
quán (…), lặng lẽ di hành trên con đường nghệ thuật của riêng mình
hướng tới cái ĐẸP. Trong thư đề ngày 05.04.1957 gởi Trần Thiện Đạo,
ông viết : “Sống ở ngoài đời cũng như khi viết, tôi vẫn giữ cốt
cách vô tư, yêu cái đẹp mà tự nó không lý luận, để cho lòng mình
thật rung động rồi tìm từ ngữ mà diễn tả”. Truyện của Võ Hồng
(…) xứng đáng xếp vào số những Truyện ngắn hay nhất. Ví dụ: Tình
Yêu Đất, Bên Đập Đồng Cháy, Thế Giới Của Năm Nhiều, Con Suối Mùa
Xuân là những truyện thể hiện được một cách tập trung ưu điểm và
phong cách viết của ông. Bố cục chắc chắn, văn súc tích, giàu cảm
xúc và hình tượng nhân vật sống động. Đặc biệt là truyện đã thể hiện
bản chất nhân bản trong văn chương Võ Hồng: “Tình yêu và sự hướng
tới cái đẹp của ông”.
(Nguyễn
Thị Thu Trang – TP HCM 1996)
* * *
Nhận
thấy những dữ kiện trên đây đã vẽ lên phần nào chân dung và bản chất
nhà văn Võ Hồng, nên tôi trích dẫn vào đây. Sau đó, tôi tiếp tục làm
một cuộc phỏng vấn nhà văn Võ Hồng bằng thư, và bổ túc qua điện đàm
từ Sài Gòn ra Nha Trang, để hoàn tất “Tâm sự Võ Hồng” trong Tâm Tình
Văn Nghệ Sĩ” của tôi. Câu chuyện diễn ra như sau:
-
Xin ông cho biết sau ngày Bắc Nam thống nhất, ông có những tác phẩm
nào đã xuất bản?
Nhà văn
Võ Hồng (qua điện thoại): - Năm 1987, Hội Văn học Nghệ thuật Nghĩa
Bình xuất bản Truyện dài Thiên Đường Ở Trên Cao, cuốn này tôi
hoàn thành năm 1974, đã được nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn in vào
đầu năm 1975. Chủ đề của Truyện là hút, chích ma túy, nhân vật chính
là nữ sinh Thérèse Băng Trinh nghiện ma túy, sống bụi đời gặp luật
sư Khải và hai người yêu nhau, nhưng xã hội có cho họ được hưởng
hạnh phúc không?
-
Sau khi phát hành, tác phẩm ấy có gây được
tiếng vang không, thưa ông?
-
Có hai bạn dạy
trường Đại học Huế là Trần Thùy Mai và Phạm Phú Phong nhận xét và
phê bình.
-
Xin ông cho nghe?
Nhà
văn Võ Hồng: -
Chờ tôi tìm…và đây là lời nhận xét của cô Trần Thùy Mai: -
Đọc tác phẩm Thiên Đường Ở Trên Cao tôi càng thấy
đậm hơn những cảm tưởng đã có về ông từ mười sáu năm trước. Có những
trang thực sự làm tôi bùi ngùi xúc động, sống lại cái cảm tưởng
trong những ngày còn đi học, khi đối diện với một trang văn giàu sức
gợi…tâm hồn còn ở trạng thái rất mẫn cảm của buổi đầu đời…Võ Hồng đã
như thi hào Nguyễn Du đi tìm đạo đức ở những nơi tưởng chừng nó
không trú ngụ, nơi những mảnh đời được xem như nhơ nhuốc, sa đọa.
Còn đây là lời
bình của giáo sư Phạm Phú Phong: - Quả là
Thiên Đường Ở Trên Cao làm tôi mất ngủ, cuốn sách đã cuốn tôi hồi
hộp lo lắng theo dõi số phận của nhân vật…Ông đặc biệt thu hút độc
giả bằng tư tưởng nhân ái, tình yêu thương con người. Được nhiều lần
tiếp xúc làm việc với ông, tôi ngạc nhiên không hiểu ông lấy đâu ra
cái vốn sống quá xa lạ đối với tâm hồn vốn hiền lành, trong như khối
thủy tinh dễ vỡ của ông, để ông dựng nên cái “thiên đường ở trên
cao” ấy…
Trần Thùy Mai
còn viết: - Chỗ thành công nhất là những
đoạn tả tình yêu của hai nhân vật Khải, Băng Trinh. Những đoạn đó
gây xúc động nhất, được viết rất giản dị nhưng đó là sự giản dị của
phép màu. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ giản đơn của nhân vật làm ta rung
động sâu xa.
Phạm Phú Phong
cũng còn viết: - Với Võ Hồng tôi lại nghĩ
ông làm thơ chứ không phải viết văn xuôi, thậm chí là thơ trữ tình
theo một tiết tấu tự sự. Đọc ông, tôi lại thấy ý tưởng không ở trong
câu chữ như văn xuôi của người khác.
Tôi
ghi âm trong điện thoại qua cassette xong, hỏi tiếp: Có phải trong
truyện này, ông đã cho cô Thérèse Băng Trinh triết lý áp đảo luật sư
Khải không, thưa ông.
Nhà
văn Võ Hồng cười lớn trong điện thoại:
-
Đúng vậy. Có nhà
phê bình Đông Hải cũng nhận xét như anh vậy…
-
Xin ông cho biết năm chào đời của tập
truyện Trong Vùng Rêu Im Lặng và nội dung của nó?
-
Trong Vùng Rêu Im Lặng
được Hội Văn Nghệ Nha Trang xuất bản năm 1988, gồm 11
Truyện ngắn tôi đã viết trước 1975, trong ấy truyện ngắn Nhẹ Hơn
Gió Thoảng được nhiều người yêu thích, kể về mối tình giữa cô
nhân viên Bưu điện Hà Nội yêu tha thiết người chủ máy điện thoại 115
ở đường Carreau, qua đường dây điện thoại mà không biết mặt. Năm
1954 cô ta di cư vào Nam, lấy chồng. Người cô thầm yêu qua điện
thoại mà chưa biết mặt cũng vào Nam, rồi một ngày cuối tuần, anh
tình cờ biết và gặp cô trong khi cô du ngoạn với chồng ở Lái Thiêu,
anh về điện thoại cho cô, hẹn sẽ điện thoại nữa, nhưng cô biết rằng
sẽ chẳng bao giờ. Trong tâm hồn cô vang lên tiếng kêu: “Ngôi sao!
Ngôi sao! Địa cầu đây! Địa cầu đang nghĩ đến ngôi sao đây. Nhưng địa
cầu biết rằng Ngôi sao đang lặng lẽ tách xa, mỗi ngày mỗi xa, vận
chuyển âm thầm, lạc nẻo âm thầm giữa vũ trụ mênh mông mênh mông…
Truyện này được tạp chí Văn Hóa tháng 8 năm 1996 in lại ở Hà Nội, và
một người quen ở Úc cho biết tạp chí Chiêu Dương bên ấy đã in lại
trong số Xuân Quý Sửu – 1997.
-
Nghe nói dạo này ông còn dạy trẻ em làm thơ
nữa?
- Ấy
là cái nghiệp thầy giáo của tôi đó mà. Hồi còn dạy học, tôi dạy Luật
Thơ vì có ghi trong chương trình. Tôi không chỉ dạy lý thuyết như
các đồng nghiệp, mà bắt các em thực hành, phải tìm ra phương pháp
sao cho gọn, nhẹ, dễ để bày cho các em. Ban đầu tôi dạy các em học
sinh các lớp Ngũ, Tứ, sau hạ thấp xuống Thất, Lục. Khi nghỉ dạy,
không có học trò nữa thì tôi bày cho trẻ hàng xóm lớp Tư, lớp Năm.
Tôi rút gọn phương pháp còn một trang rồi dịch sang Pháp văn, để
người ngoại quốc không biết tiếng Việt có thể học làm thơ được,
phương pháp đó là Initiation à la versification Vietnamienne, của
tôi nghĩ ra để bày làm thơ tiếng Việt…
|