Tin
thầy Hồng qua đời lúc 14 giờ ngày 31 tháng 3 năm 2013 tại
nhà riêng ở Nha Trang đã lan nhanh! Chúng tôi chuyền tin
nhau và nhận tin nhau trong niềm đau chung, không ngạc nhiên
nhưng vẫn bàng hoàng, hụt hẫng!
Nhà văn Võ Hồng
là một trong những tác gia tiêu biểu của văn xuôi miền Nam
giai đoạn 1954-1975. Trước đây có người gọi ông là một trong
ba anh chàng họ Võ nổi tiếng của tạp chí Bách Khoa.
Tác giả Tạ Tỵ chọn Võ Hồng là một trong mười nghệ sĩ tiêu
biểu của miền Nam thời bây giờ (gồm có Võ Hồng, Trịnh Công
Sơn và 8 nghệ sĩ khác) để viết trong cuốn sách Mười
khuôn mặt văn nghệ hôm nay, tập 2.
Suốt hơn 60 năm
dạy học và viết văn, Võ Hồng đã để lại một gia sản tinh thần
nhiều người ao ước. Ông có hơn 30 đầu sách đã xuất bản và
nhiều cuốn được tái bản. Ông có nhiều học trò, bạn bè văn
chương…
Khác với nhà
thơ Trần Huiền Ân và nhiều người khác làm học trò của thầy
trước khi đọc văn chương thầy; tôi là người biết thầy với tư
cách nhà văn trước. Từ khi tôi quyết định làm luận văn cao
học về Võ Hồng năm 1994 do giáo sư Hoàng Như Mai hướng dẫn,
thì địa chỉ số 51 Hồng Bàng, Nha Trang trở thành một chỗ
thân quen. Tôi may mắn được thầy quí mến có lẽ vì là tôi là
người Phú Yên quê của thầy và cũng theo nghề dạy học như
thầy. Nhiều khi tôi ở luôn nhà thầy cả mấy tuần, vì ngoài
việc được trao đổi tìm hiểu qua chính tác giả, tôi còn được
sử dụng nguồn tư liệu văn học rất phong phú mà thầy đã dày
công lưu giữ.Hoàn thành luận văn cao học xong, nhiều năm
sau, khi học tiếp nghiên cứu sinh, tôi lại quay vô nhà thầy
để đọc lại một số tư liệu. Mới đó mà giờ tất cả đã hóa thành
kỷ niệm, thành quá khứ xa xôi!
Còn nhớ, mỗi
lần ghé thăm thầy, từ dưới gác chị Hiền hay các con chị đều
gọi vọng lên gác: “Ông thầy có khách!”, “Thầy ơi,
có cô thạc sĩ đến!”. Khẩu lệnh này không biết được qui
định từ lúc nào, nhưng tôi cứ thấy vừa nghiêm túc, vừa hài
hước. Thầy thỉnh thoảng đón tôi tận dưới sân, hoặc tận đầu
cầu thang với câu nói thay cho lời chào: “Qua đi lên
xuống để tập thể dục”. Tôi thỉnh thoảng đùa thầy: “Thầy
ơi, con thấy dáng thầy chuẩn rồi, khỏi cần tập thể dục”.
Thấy thầy hay mặc áo đơn, áo kép, đội mũ cho dù trời nóng,
tôi “chọc quê” thầy: “Thầy cho con chụp mấy tấm
ảnh để lăng-xê cho mốt mới của mùa hè năm nay!”. Thầy
đùa lại: “Thì tui đã nói tui là đồ nhà quê mà!”. Có
khi thấy thầy xay nhuyễn cơm canh ra để ăn rồi bảo: “Cho
khỏi mất công nhai!”. Có lần, đang ngồi ăn thầy nói đùa
với tôi: “Nhiều người ăn chay sao lại còn lấy đậu giả làm
món mặn như thịt gà rút xương, thịt bò hầm. Thôi vậy mình
xay thịt giả làm đậu để ăn chay vậy!”. Hai thầy trò cười
ha hả.Thầy Hồng là người nghiêm túc mà dí dỏm, rất giản dị
nhưng cũng rất nghệ sĩ. Nhìn thầy đùa vui với mấy đứa con
nít hàng xóm hay ngồi với những người bạn văn chương đàm đạo
đều thấy rất thú vị!
Nhà văn Võ Hồng
sinh ngày 05 tháng Chạp năm Nhâm Tuất tức ngày 21/01/1923
(nhưng giấy khai sinh ghi ngày 05/05/1921) tại làng Ngân
Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tuy An của Võ
Hồng có nhiều địa chỉ nổi tiếng như nhà thờ Mằng Lăng, chùa
Đá trắng, sông Phường Lụa, gành Đá Đĩa; là nơi tìm ra đàn
đá, kèn đá rất cổ xưa. Đặc biệt, Tuy An cũng quê hương của
nhạc sĩ Nhật Lai, của nhà thơ Nguyễn Mỹ và nhiều nghệ sĩ tài
danh của Phú Yên.
Sau 1954, ông
và gia đình chuyển từ Phú Yên lên Đà Lạt rồi chuyển về Nha
Trang.Năm 1957, vợ ông – cô Phan Thị Diệu Báu qua đời vì bệnh.
Lúc đó ông mới 34 tuổi và đứa con gái út của nhà văn (chị
Tri Thủy) mới 3 tuổi. Miệt mài dạy học và viết văn, nuôi ba
con nhỏ; chính ông cũng không nhớ mình đã vượt qua những
đoạn đường đời khó khăn như thế nào. Các con lớn lên, học
hành rồi đi xa, sống ở rất xa có khi cách tới nửa vòng trái
đất. Ông không muốn rời bỏ căn nhà nhiều kỷ niệm nên vẫn ở
vậy. Cho tới khi nhắm mắt thanh thản từ giã cõi tạm, nhà văn
vẫn một mình!
Tôi nhớ dáng
thầy cao gầy, hay đội mũ và đeo kính cận dày cộp trong căn
phòng bừa bộn nhiều sách vở giấy tờ của ông. Tôi nhớ cái rổ
nhựa ông luôn để trên giường đựng mấy cái gương đeo mắt và
nhiều cây bút. Mấy lần dọn dẹp, tôi đều bị thầy la rầy, vì
ông bảo sự bừa bộn đó là trật tự của ông, tôi làm ông bực
mình vì không tìm thấy cái ông cần.
Tôi học thầy
Hồng nhiều thứ, nhưng cái quí giá nhất là thái độ dung hòa,
không cực đoan, không giả tạo. Thầy hay nói thầy ghét thứ
văn chương véo von, sáo rỗng, thầy ghét những nhận định to
tát. Thầy nói, năm tháng sẽ qua đi, mình không thể lúc nào
cũng đúng nhưng đừng bao giờ có thái độ cực đoan hay sự đánh
giá vội vàng, hấp tấp về người khác.
Lần cuối tôi
gặp thầy cách đây vài tháng thì thầy đã không còn nhận ra
tôi. Dù ngồi cạnh thầy trên giường bệnh, dù gọi tên và cố
gắng trêu đùa thầy thì tâm trí thầy dường như đã trôi về nơi
xa lắm. Chị Hằng và cô Đạm có nói với tôi về phòng tư liệu
hay nhà lưu niệm Võ Hồng; còn tâm trí tôi lúc đó dường như
đã đong đầy, trào dâng những hồi ức về thầy! Sau Tết nghe
thầy trở nặng, tôi có gọi điện hỏi thăm, chị Hằng có báo
thầy đã đỡ hơn. Vậy mà!?
Thầy ơi! Học
trò của thầy vẫn nhớ thầy nhiều lắm!
Tuy Hòa
1/4/2013

Nhà văn
Võ Hồng trên giường bệnh và nhà thơ Trần Huiền Ân
TS. Nguyễn Thị Thu Trang
Trường Đại học Phú Yên
|