Tôi vốn lớn lên ở
miền Bắc. Ăn hạt gạo miền Bắc, uống nước những con sông nơi ấy, hít thở khí
trời ngoài ấy - Do vậy, cách nhìn, cách cảm thụ, cách đánh giá cũng có vẻ...
miền Bắc. Dạo mới vào Nam, đọc một vài quyển sách của các tác giả "đàng
trong", tôi rất mất cảm tình: Văn chương sơ sài, câu chữ ước lệ, nội dung,
nếu không ướt át thì cũng rập khuôn nhau... Sau
đó, có dịp đọc sách của nhiều tác giả phía Nam hơn, tôi biết rằng mình sai,
phiến diện, rằng "Ở đâu cũng có anh hùng...".
Một hôm, cô bạn đồng nghiệp đưa tôi xem cuốn "hồn nhiên tuổi ngọc" mới mua
và hỏi tôi có biết Võ Hồng? Tôi lắc đầu. Cô tròn mắt: "Trời ơi! Ở Nha
Trang mà không biết Võ Hồng". Rồi, rất say sưa, cô kể cho tôi về ông, một
người thầy, một nhà văn có tên tuổi của miền Nam. Tôi mở trang sách, lướt
qua… bắt đầu đọc và tôi đã đọc một mạch từ đầu đến cuối. Đó là một cuốn sách
thơ viết cho trẻ con, nói về những điều rất bình dị xung quanh chúng ta: Này
là chim : Chóp Mào, Bìm Bịp, Tu Hú… Kia là cây trái trong vườn: Vồng
cà, vạt ớt, hoặc "Tiếng dế ri rỉ góc
nhà, tiếng gà cục cục trong ổ"… Thế nhưng qua cây bút của Võ Hồng bỗng trở
nên có hồn có hậu, sinh động lạ thường. Lối viết của ông giản dị, chân thật
và mộc mạc. Trong bài thơ "Để chi" có những câu: "Bàn chân để chi? Để mang
đôi guốc. Ông ngoại để chi? Để ngồi hút thuốc". Đọc xong, con gái tôi thích
thú họa thêm: "Cái rún để chi? Để xức cù là"... Cả quyển sách chỉ toàn những
câu chuyện dung dị như vậy mà làm say mê cái đầu không còn xanh lắm của
tôi...
Ngay sau đó, tôi
ra các hiệu sách nhưng ở đâu họ cũng trả lời "Hết rồi!". Mãi sau này tôi vẫn
tiếc là không mua được tác phẩm ấy cho các con.
Đấy là lần đầu
tiên tôi nghe đến Võ Hồng. Sau đó thỉnh thoảng tôi thấy tên ông trên báo.
Ông viết và người ta viết về ông. Tôi nảy ra ý định đến thăm ông.
Đó là một buổi
chiều cuối đông. Trời Nha Trang mát dịu. Tôi đã
đứng rất lâu trước căn nhà 51 Hồng Bàng ấy. Một căn nhà cũ kĩ với hàng dây
leo rậm rạp. Tôi đi qua nơi này đã bao lần nhưng không bao giờ lại nghĩ đó
là địa chỉ của một người nổi tiếng. Tôi tần ngần đứng trước cánh cửa sắt
hoen rỉ đóng chặt. Lòng tôi chợt dịu lại khi
thấy tấm bảng nhỏ: "Kéo dây, gọi Võ Hồng". Tôi giơ tay, định kéo dây nhưng
lại ngập ngừng. Trong lòng lúc ấy thật bối rối: Ông, một tên tuổi lớn như
thế, một người vĩ đại như thế, bận rộn như thế, liệu có chịu dành chút thời
gian quý báu để tiếp tôi, một người xa lạ, vô danh tiểu tốt không nhỉ? Rồi
tôi sẽ nói gì với ông? Mà liệu có gì để nói cho nhau nghe không?
Sau ít phút
lưỡng lự, tôi kéo chuông: Đã đến đây, không lẽ bỏ về?
Một cô gái ra
mở cửa. Khi nghe tôi hỏi Võ Hồng, cô vui vẻ dẫn đường. Con hẻm nhỏ dắt vừa
đúng cái xe, không có chỗ quay đầu. Cô mời tôi lên gác.
Võ Hồng từ
trong căn buồng nhỏ bước ra. Ông có dáng cao, gầy, mũi thẳng, nước da trắng
hồng. Ông đi lại nhanh nhẹn, các động tác dứt khoát và đôi mắt ẩn sau cặp
kính hãy còn tinh anh nên rất khó đoán tuổi. Dưới chiếc mũ trắng là một vầng
tráng rộng và một khuôn mặt nhẹ nhõm, phúc hậu. Ông mời tôi ngồi xuống chiếc
ghế may trên sân thượng và hỏi, rằng tôi là ai, đến gặp ông có việc gì, làm
sao mà biết ông - Cách hỏi chuyện của ông chân
tình, cởi mở, làm cho tôi, một khách lạ, hoàn toàn không bối rối. Tôi trả
lời thoải mái, tự tin, không cảm thấy sự cách biệt về tuổi tác, tựa hồ như
chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Sau khi tôi nói mục đích của mình là
muốn làm quen với ông, ông tỏ ra vui vẻ. Ông trả lời các câu hỏi của tôi
bằng những câu chuyện giản dị, đôi lúc pha chút dí dỏm nhẹ nhàng, như kể với
người bạn cũ mới đi xa về. Ông tự giới thiệu về mình: Ông vốn dân "nẫu" –
Phú Yên. Cái tiếng "nẫu" đơn giản ấy luôn làm ông bồi hồi mỗi khi nghe ai đó
nhắc đến. Ông kể lại hồi nhỏ đi học, từ nhà đến trường, ông phải đi bộ bốn
mươi cây số. Thỉnh thoảng, có tiền, ông đi xe ngựa. Tiếng xe ngựa lọc cọc,
lịch kịch, tiếng ếch kêu râm ran, mùi hương lúa chin trên cánh đồng… là
người phát họa đậm nét về nỗi nhớ quê hương da diết trong tâm hồn ông. Cha
ông tuy là người nhà quê nhưng ưa đọc sách. Lòng ham mê đối với sách, ông
được truyền lại từ cha. Nhạy cảm, tinh tế, và niềm say mê sách đã tạo nên,
như ông nói "chút ít khiếu văn chương" và đã làm nên nhà văn Võ Hồng với rất
nhiều cuốn sách nổi tiếng: "Hoa bươm bướm", "Như
cánh chim bay", "Hoài cố nhân", "Thiên đường ở trên cao"…
Thỉnh thoảng, ông vào nhà, lấy cho tôi xem một tác phẩm nào đó. Tôi không
ngờ rằng mình lại được đón tiếp một cách thân tình đến vậy. Tôi nhìn căn
phòng rất đặc trưng của người độc thân: các đồ vật để bừa bộn, rải khắp trên
giường, dưới sàn... rồi hỏi tại sao ông chỉ có một mình? Một cách mộc mạc,
ông nói rằng vợ ông đã mất rất lâu vì bệnh, từ khi bà còn rất trẻ. Ông kể
lại chuyện lần đầu ông gặp bà: Bà thật đẹp, dịu dàng, nhân hậu, chịu thương
chịu khó. Bà vốn là người thành phố, giỏi ngoại ngữ, có năng khiếu piano...
Nhưng về vùng quê ông, bà sống hòa hợp với tất cả mọi người. Thời gian sống
bên bà là quãng đời hạnh phúc nhất của ông. Bởi vì, như ông vẫn nói với các
con: "Cái đức của má bay hơn hẳn ba"... Bao nhiêu năm đã qua nhưng giờ đây,
khi nói về bà, giọng ông vẫn trìu mến, tràn ngập yêu thương. Tôi biết rằng
ông đã rất đau đớn khi bà ra đi, để ông lại với 3 đứa con thơ dại. Tôi hiểu
nỗi vất vả cùng cực khi ông một mình gà trống nuôi con... Ba mươi lăm năm đã
trôi qua như vậy. Không ai có thể thay thế hình ảnh bà trong lòng ông. Các
con ông trưởng thành, họ đều định cư ở nước ngoài. Rất nhiều lần họ đề nghị
bảo lãnh nhưng ông từ chối: Ông không thể rời bỏ quê hương, xóm giềng, bè
bạn và cả mảnh đất nơi bà nằm... Giờ đây, tất cả những điều đó đã trở thành
máu thịt, là tình yêu đằm thắm, là lòng nhân hậu bao la thấm đẫm những trang
viết trong tác phẩm của ông...
Trời mùa đông,
tối rất nhanh. Thành phố đã lên đèn. Khi chia tay, tôi hẹn sẽ sớm trở lại
thăm ông. Ông tiễn tôi xuống gác. Sợ ông mệt, tôi ngăn lại. Nhưng ông cười:
"Đây cũng là một cách tập thể dục!".
Công việc cuốn
hút với vô vàn bận rộn đời thường. Tôi đã không trở lại thăm ông như lời
hứa. Mới đó mà đã một năm. Mùa xuân này, đi ngang qua ngôi nhà ấy, tôi lại
có mong ước mãnh liệt được nhìn thấy ông, được nghe ông nói, được thấy ông
cười... Tôi quyết định rẽ vào...
Ông vẫn thế:
Vui vẻ, nhanh nhẹn, thân mật. Ông nhìn tôi chăm chú: "Trông cô rất quen! À!
Phải rồi! Cô có đến đây lần trước, cách đây chừng một năm!". Tôi cười cười,
thầm phục trí nhớ của một nhà giáo: Có không biết bao nhiêu người đã đến
đây, thăm ông, hỏi chuyện, nói chuyện với ông, vậy mà ông không hề quên ai!
Cảnh vật không
thay đổi: Vẫn hai chiếc ghế mây cũ trên cái sân thượng lợp mái tôn hầm hập
nắng chiều. Căn phòng nhỏ của ông, như lần trước, vẫn bộn bề đủ thứ linh
tinh của một người độc thân: chăn, màn, quần, áo, sách, vở, giấy, bút…
Ông lấy ra chai
rượu nho tự pha và hai cái ly nhỏ. Từ tốn, ông rót rượu vào ly của tôi,
tráng qua, rồi rót vào cái ly kia cho ông. Sau đó, ông rót đầy ly mời tôi,
mỉm cười: "Đảm bảo vệ sinh!". Tôi cũng cười, thầm nghĩ: "Ông già cẩn thận
quá!".
Cũng như trước,
ông hỏi tôi đến có việc gì, cần hỏi gì, ông có thể giúp việc gì không? Khi
tôi nói rằng chỉ đến thăm ông, xem ông sống như thế nào, có viết gì mới nữa
không? Ông tỏ ra vui vẻ, cái vui rất thật của một người ở một mình, lâu lâu
có khách tới chơi. Còn tôi thoáng một chút buồn: Ở trong cùng thành phố mà
chẳng thể đến thăm ông nhiều hơn.
Lần này, coi
như đã quen nhau, ông nói những câu chuyện thông thường trong cuộc sống. Mỗi
câu chuyện của ông hình như đều có một triết lý sâu xa nào đó. Khi tráng cái
ly trước khi rót rượu, ông kể rằng có lần, ông quên không rửa một cái thìa
quấy cà phê. Bỏ quên không biết bao lâu. Cho đến một hôm phát hiện ra. Những
vệt đen. Ghê quá! Ông ném nó vào một cái tách, vặn nước. Dùng hai ngón tay
xoay vuốt hai vòng. Cái thìa trắng tinh. Ông trầm ngâm kết luận: "Mới biết
nước là do tạo hóa ban ơn phước cho người đàn bà!". Tôi hỏi: "Tại sao lại là
đàn bà?". Ông nheo nheo mắt, tinh nghịch: "vì đàn bà thường gắn liền với
việc nhà, bếp núc, tiếp xúc với nước nhiều hơn đàn ông". Nhưng tôi hiểu thế
này: "Đàn bà hình như hay gặp nỗi khổ nhiều hơn đàn ông. Khi đó, nước, kể cả
nước mắt, có thể rửa trôi nhiều thứ, trong đó có cả khổ đau".
Tôi xin chụp
ông một tấm hình. Ông xua tay, bảo tôi đợi rồi vào nhà. Mấy phút sau, ông
bước ra: Bộ pyjama đã được thay bằng cái áo sơ mi trắng. Trên đầu, cái mũ dạ
màu nâu nghiêm chỉnh thay thế cái mũ cũ. Quả thật, trông ông trẻ mà đẹp hơn
nhiều. Ông cười cười, giải thích: "Không phải muốn làm đỏm dáng gì. Nhưng để
sau này con cháu nhìn hình khỏi trách mình cẩu thả!". Tôi thầm phục cái ý tứ
sâu xa của ông.
Ông đưa tôi xem
tập photo các bài viết của các tác giả viết về ông và các bài của ông đăng
trên các báo. Tôi lật qua các trang in. Có nhiều bài viết của ông mà tôi rất
thích. Tôi rất muốn có một quyển. Với giọng áy náy, ông nói: "Tiền để photo
một quyển thì không bao nhiêu. Nhưng nếu photo để tặng khắp bạn bè thì tôi
không đủ. Ngược lại, nếu người tặng người thì không sợ mếch lòng nhau". Quả
là cách nói, cách suy nghĩ ấy cũng rất Võ Hồng: Không màu mè, khách sáo, mộc
mạc mà chân tình, thẳng thắn. Có lẽ những tính cách ấy trải lên những trang
viết của ông mà tạo sự hấp dẫn kỳ lạ của tác phẩm?
Khi thấy tôi
nhìn bộ quần áo đã sờn cũ trên người, ông thanh minh: "Mặc những loại quần
áo cũ này vải mềm, nhẹ, dễ chịu hơn đồ mới. Và chăng, đồ còn tốt, bỏ đi thì
thương, không nỡ". (Ông dùng chữ thương, chứ không phải tiếc). Đó cũng là
một tính cách của Võ Hồng, giản dị, và nhân hậu.
Khi đọc ông, sẽ thấy một Võ Hồng với các câu chuyện đời thường rất tự nhiên
và chân thật. Chân thật đến độ tưởng như ông bê nguyên thực tế đặt lên trang
giấy chứ không phải ông viết. Trong "Trường xưa" ông tả "tiếng gáo cạ vào
thành chum (không có nước) rột rột", hoặc con "cá hổ dài lòng thòng mà mình
mỏng lét như những sợi dây nịt". Muốn được như vậy, ông phải quan sát rất
kĩ, rất tinh tế, tỉ mỉ. Chính vì vậy, các câu chuyện luôn sống động, lôi
cuốn. Văn của ông giản dị nhưng không xuề xòa. Mỗi câu từ ông đều cân nhắc
kỹ lưỡng. Ví dụ như ông nhận xét về câu nói dễ thương này: "Có cho cũng cảm
ơn. Không cho cũng cảm ơn" là "Một chút gì nhân hậu. Một ít vị tha. Rất
nhiều hồn nhiên. Tràn đầy thơ ngây..." (Mới đó). Lời văn ông dùng mộc
mạc nhưng nghiêm túc, trong sáng nhân hậu nhưng không hề ủy mị: "Và hai dòng
nước mắt lặng lẽ chảy hồi nào, tôi không hề hay biết, mãi đến khi chảy thấm
mặn đầu lưỡi tôi mới chợt giật mình, nhẹ cầm vạt áo lên lau" (Thầy, ngôi
sao khiêm tốn của tôi). Đặc biệt, văn Võ Hồng rất giàu âm thanh
và hình ảnh. Đó là những hình ảnh so sánh chính xác, những âm thanh rất
thực, kiểu như "Có một số chú điệu (tiểu) cạo trọc đầu còn chừa một miếng
tóc giống hình miếng tranh lợp nhà" (Màu áo nâu sòng) hoặc: "Tiếng ếp
ồm ộp đồng xa. Bập bùng đó đây ánh lửa" (Hồn nhiên tuổi ngọc)…Đọc các
bài viết của ông, thấy một Võ Hồng nhân hậu, luôn đau đáu trong lòng nỗi nhớ
về quê hương: "Tiếng nẫu như vuốt nhẹ trái tim tôi" (Một cách báo
hiếu), "Đã ba năm rồi chưa về quê ngoại. Nhớ khúc sông, cái bến, con đò"
(Hồn nhiên tuổi ngọc). Tràn ngập trong tim ông là tình yêu thương con
người như "Nhiều hồi nhìn học trò ngồi im lặng làm bài, tôi bồi hồi thấy
mình được hưởng một vinh dự vì ngồi trước mặt tôi là những viên ngọc của
những gia đình" (Tay cầm viên phấn). Đã có thầy giáo nào nói được về
học sinh của mình những lời âu yếm trân trọng đến thế chưa? Khi nói chuyện
với ông, tôi lại nhận thấy thêm một Võ Hồng khác: khẳng khái, bộc trực,
cương quyết. Thật vậy, ít ai dám khẳng định một cách đơn giản như ông "Tôi
ít băn khoăn về tính chất "bản quyền". Cũng hiếm người dám nói thẳng, nói
thật rằng: "Ai trong chúng ta cũng chỉ thích nói cái thâm thúy: tư tưởng,
triết học, chân lý". Cứ thế, các câu chuyện được ông dẫn dắt, đan xen nhau
một cách hợp lý. Ông có cách nói giàu hình ảnh, sinh động, súc tích: Kể lại
một đoạn trong chuyện "Chúng tôi có mặt", cảnh Ông Trời gọi đại diện
con người đến, ông cúi đầu, hai tay vặn vẹo vào nhau, nhũn giọng:
"Dạ…Dạ…Chúng con mới tới!". Ngược lại, lúc đại diện động vật trả lời, giọng
ông to, chắc: "Chúng tôi có mặt!". Đồng thời, ông ưỡn ngực, thẳng lưng. Tôi
bật cười thích thú: Nghỉ hưu đã lâu mà ông vẫn còn giữ được kỹ năng kể
chuyện rất có duyên của một nhà giáo.
Đặc biệt, ông
rất dí dỏm, kiểu như: "Câu "Trầm tư" này của tôi đáng được bạn đọc thưởng
cho một huy chương kẽm", hay "Sắp tới ngày mà ngôn ngữ cũng phải chịu ảnh
hưởng của Luật kinh tế: Bụi nhưng không bặm, chậm không chạp, vui không vẻ,
buồn không bã...". Tôi bật cười: Thật ngộ nghĩnh! Nếu có thể, tôi sẽ thưởng
cho ông huy chương vàng chứ không phải kẽm vì "Trầm tư" của ông rất có giá
trị. Có nhiều câu rất hay như "Này con, hãy học theo thái độ của dòng sông:
Gặp trở ngại, khó khăn thì đi vòng để tránh. Chớ không đi lui". Hoặc:
Cuối cùng, chỉ có huyệt mộ là nhân ái. Nó rộng lượng bao dung, nhận người
tốt cũng như kẻ xấu. Con người thì luôn luôn: "Tôi có ý kiến".
Không ít lần, tôi đã
dùng những "Trầm tư" của ông để tự an ủi mình, đại khái như "Hãy nhìn những
cái khổ của người khác, và ta sẽ bớt khổ", hoặc "Đang an bình với loại trà
ướp sen mười ngàn đồng, bỗng một hôm được nếm loại hai mười ngàn đồng. Và
cái khổ bắt đầu". Chí lý mà sâu sắc biết bao! Rồi, theo đà, ông kể đã viết "Trầm tư" như thế nào, xuất xứ của các ý tưởng trong đó ra sao. Cứ thế, thời
gian trôi vùn vụt mà tôi không nhận ra. Bây giờ thì tôi hiểu lý do tại sao
có những độc giả yêu văn ông, lặn lội ra Nha Trang tìm ông. Rồi khi đã biết
ông, biết rằng ông không còn trẻ nữa, mà vẫn không thể quên ông. Ấn tượng về
ông sâu đậm đến độ chỉ cần tiếp xúc với ông, dù chỉ một lần, là không thể
dứt ra, là phải đến lần thứ hai, lần thứ ba…Chính vì thế, có nhiều cánh
thiệp đắt tiền gởi đến ông từ nhiều miền đất xa xôi trên thế giới. Nghĩa là
người ta yêu ông, quý ông, kính trọng ông không phải bởi chính ông mà họ bị
chinh phục bởi tâm hồn và trí tuệ của ông. Nhìn ông, nghe ông nói, thấy ông
cười, tôi quên rằng ông đã quá tuổi "cổ lai hy".
Có một điều này
nữa, ông sống một mình nhưng không cô đơn. Ông có nhiều người bạn nhỏ ở tầng
dưới, vài tờ bướm có in hình ảnh, màu sắc rực rỡ. Ông giải thích: "Phục vụ
trẻ con: chuông kêu nghe vui tai, tờ bướm hình vui mắt" (vì tầng dưới là nhà
trẻ). Trên nhà ông, ở nhà dưới, cạnh bờ giếng, trên tường nhà…vẫn còn những
tấm bảng nhỏ ghi các chữ tiếng Tàu, tiếng Anh, tên một số loài vật, các câu
thơ...Đó là những lớp học mini ông dạy bọn trẻ học chữ, làm thơ. Đặc biệt,
cu Nụ - người bạn nhỏ của ông, năm nay lên 8, lĩnh hội "nền giáo dục" của
ông nhiều hơn cả: Ông bảo Nụ đọc cho khách là tôi nghe vài câu tiếng Anh,
rồi tự giới thiệu: "Tôi là Nụ tiên sinh" bằng tiếng Trung Quốc, chào bằng
tiếng Nhật…Niềm vui và một chút tự hào ánh lên trong mắt ông khi nhìn cụ Nụ.
Tôi hiểu rằng, chơi với cụ Nụ, dạy bọn trẻ con học, chỉ cách làm thơ…Tất cả
những điều đó không chỉ là niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống mà còn là cái
tâm trong sáng của một người đã từng là thầy và mãi mãi vẫn là thầy.
Hỏi về dự định
trong thời gian tới, ông cho biết: Ông rất muốn xuất bản mấy cuốn vừa hoàn
thành và tái bản một số tác phẩm cũ. Nhưng mà, ông vốn ít đi đâu nên đang
không biết nên liên hệ với ai để thực hiện điều này. Có ai đó không, những
người yêu mến các tác phẩm của ông, khâm phục tính cách ông, quý trọng phẩm
giá và cuộc đời ông, hãy giúp ông với!
|