Những bài cùng tác giả
Mỗi năm khi gió xuân còn
vương vấn chút lạnh cuối đông trở về trong nắng ấm, cũng là lúc người dân ở
biển đảo Phù Tang lại rộn ràng đón chào mùa hoa anh đào nở rộ… Những cành
hoa trắng muốt rung rinh trước gió làm ngất ngây hồn người, cả nước Nhật say
theo cánh hoa rơi nhẹ nhàng khi có cơn gió thoảng qua.
Bắt đầu khoảng trung tuần
tháng 2 hằng năm, từ phương nam, quần đảo Okinawa xa xôi, theo hơi ấm tiến
dần lên phía bắc, hoa nở tới đâu là lễ hội mùa xuân theo đó. Kyushu rồi
Hiroshima, Kyoto, Tokyo… và điểm dừng chân cuối cùng ở đảo Hokkaido tận cực
bắc vào đầu tháng 5.
Người ta rủ nhau ra sân, đi
dạo trong vườn, ngả mình dưới rặng cây… nơi nào có hoa anh đào là nơi đó có
tiếng đàn, lời hát… chen lẫn mùi rượu sa-kê của nhóm người thưởng ngoạn
Hanami. Một khung cảnh thanh bình, chan hòa giữa cảnh vật thiên nhiên và con
người thật ấm áp, dễ chịu.

Lễ hội hoa anh đào.
Con đường ngoằn ngoèo theo
dòng sông uốn khúc ở Kyoto là tuyến tham quan tình tứ về đêm của những đôi
tình nhân. Ban ngày, khách du lịch thập phương kéo về các chùa chiền, đền
đài, lăng tẩm… tận hưởng khung cảnh tĩnh mịch, trang nghiêm tuyệt mỹ, dấu
tích của hàng bao thế kỷ trước. Ban đêm, lần theo ngõ hẻm của những khu phố
cổ, khách du ngoạn sẽ gặp gỡ những geisha hay maiko (nữ vũ công) mỹ miều,
xúng xính trong bộ kimono mùa xuân, kết hoa sakura trên tóc, rón rén… làm
cho người ta có cảm giác như lạc vào động thiên thai.
Ngoài tiếng trống, điệu
múa, hò reo washoi… washoi… từ lễ hội Takayama
của đám thanh niên rước kiệu ở thành phố Gifu vang vọng, náo nhiệt bên cạnh
thì Kyoto lại là một thành phố trầm tĩnh, nơi của thiền và tôn giáo mà bất
cứ du khách nơi đâu đến Nhật Bản đều không thể không ghé thăm. Mùa hoa anh
đào ở Kyoto thật lạ, nhu mì như người con gái đất Thần kinh, có giọng nói
nhỏ nhẹ dịu dàng và ấm cúng, cho dù là người không biết tiếng Nhật cũng cảm
nhận được.
Osaka cách Kyoto không bao
xa nhưng giọng nói của người vùng Kansai hồn nhiên, bỗ bã bao nhiêu thì
người Kyoto hoàn toàn ngược lại. Có lẽ do một nơi là cố đô còn một nơi là
phố xá thương mại sầm uất từ bao đời… Và theo dấu chân ấm áp của mùa xuân,
hoa anh đào lên dần về Tokyo vào giữa tháng 4 khi trời đã giảm lạnh khá
nhiều, chỉ còn khoảng 18-22oC.
Hoa anh đào nở rộ được gọi
là mankai (mãn khai) trong tiếng Nhật, nhưng khi hoa bắt đầu nở một nửa
(gobuzaki) là người dân của thủ đô bắt đầu lên kế hoạch năm nay sẽ đi ngắm
hoa, uống rượu với bạn bè, đồng môn trong công ty ở đâu. Khu vườn Ueno, hay
khu vườn thượng uyển ở Shinjuku sầm uất, ngay trung tâm thành phố Tokyo là
những nơi nổi tiếng tụ tập khách ngắm hoa đông nhất, thường chen chúc nhau
giành lấy một chỗ dưới gốc anh đào từ sáng sớm và chờ đến chiều tối, ngồi
uống rượu, múa hát, hàn huyên, vui chơi cho đến khuya.
Ngồi thuyền du ngoạn trên
con sông Sumidagawa ngắm hoa hai bên bờ trắng muốt là cuộc du ngoạn kì thú
nhất, ai không “tức cảnh sinh tình” mới là lạ. Những ai chuộng thơ văn thì
hãy đến đây, cùng uống rượu và nghe các nghệ nhân đàn tì bà, đàn samisen (ba
dây) và thả hồn theo dòng nước, xa xa lung linh những cành đào la đà ven bờ…
lả lướt tìm tứ thơ.
Kiếp hoa chóng tàn như
người đời thường ví von mệnh bạc của mỹ nhân và sakura cũng không thoát khỏi
số phận ngắn ngủi này, thường là từ khi nở được một nửa cho đến khi mãn khai
kéo dài trên dưới một tuần (ở Tokyo), dài nhất là trên dưới hai tuần nếu ở
Hiroshima và càng về vùng lạnh ở phía bắc thì càng ngắn ngủi hơn, hoa càng
nở rộ bao nhiêu thì càng dễ rơi rụng bấy nhiêu, chỉ cần một cơn gió mạnh đi
qua là cánh hoa rơi lả tả… Thật đáng thương! Lúc hoa nở rộ là lúc đẹp nhất
thì cũng là lúc hoa bắt đầu tàn. Oái oăm thay!
Cảm tác
Rợp bóng hoa đào che nắng mai
Trời Xuân xanh thẳm
ngập ngừng lay
Gió thoảng lâng
lâng mùi cỏ ướt
Đong đầy nhung
nhớ....thấm men say
Một cánh hoa rơi
cánh hoa rơi
Trên áo ai đi giữa
phố người
Vương lên tóc
xõa...màu lụa tím
Tha thiết quê nhà
nỗi đơn côi
"Hoa đào năm
trước...." nay về tới
Ướt đẫm sương
đêm...nụ hé cười
Yêu kiều, tha thiết
mong manh quá
Nào ai ngăn được
kiếp hoa rơi!
H.LT
http://hienhien.blogspot.com/2009/10/hong-le-tho.html
Bước chuyển dời của mùa hoa
nở (sakura zensen) rất âm thầm, nhẹ nhàng như cơn gió xuân nhưng lòng người
thì rộn ràng. Đài khí tượng thủy văn Nhật Bản luôn thông báo hôm nay hoa sẽ
rộ nở ở đâu trong bản tin thời tiết vì thế càng thúc giục, xốn xang bao
người.
Nếu ở nước ta, hái cành đào đỏ hồng hay mua
một nhánh mai vàng rực rỡ về nhà trang trí cho ba ngày tết thì người Nhật
không bao giờ hái cành sakura về trưng bày ở nhà, mặc dù Ikebana là nghệ
thuật tiêu khiển cắm hoa nổi tiếng tao nhã, một trong những “món” nữ công
gia chánh mà hầu hết người phụ nữ gia phong đều phải học trước khi xuất giá
(về nhà chồng). Người Nhật chỉ thưởng thức hoa anh đào nở trên cây, trong
công viên hay dọc theo những con đường vào chùa, đền hoặc ven sông vào những
ngày hoa nở rộ trong khung cảnh thiên nhiên hơn là “ngắm” tại gia.

Mùa hoa anh đào
Suốt mùa Xuân, đến mùa hoa
anh đào, đi đâu cũng nghe thấy tiếng đàn koto (đàn tranh kiểu Nhật Bản) chan
hòa trong tiếng hát lảnh lót bài ca nổi tiếng:
Sakura sakura
Yayoi(**)
no sora wa
Miwatasu kagiri
Kasumi ka kumo ka
Nioi zo izuru
Iza ya ! Iza ya
Mi ni yukan….
Hoa anh đào, hoa anh đào
Bầu trời tháng ba ấm nắng
Nhìn lan tỏa khắp nơi
Sương mù hay mây trắng…
Ngạt ngào thơm ngát
Nào! đi ngắm đi, bạn ơi.
*Hanami: ngắm hoa
**Yayoi: tháng ba âm lịch
http://honvietquochoc.com.vn/Chuyen-bon-phuong/Hanami-%28-%29.aspx
|