Tết ta và Tết tây
Noël và Tết tây
Ở pháp, từ khoảng đầu tháng 11, các đường phố, quảng trường, ngã tư lớn... đã bắt đầu được trang hoàng để tạo ra một không khí lễ hội ngày càng tưng bừng. Nhiều người cũng đã bắt đầu suy tính đến việc mua quà cáp để tặng nhau vào đúng nửa đêm Noël (24/12), đây là một khoản chi phí khá lớn.
Thông thường, bữa tiệc vào tối Noël chỉ tập hợp những người trong gia đình và một vài người rất thân đang sống một mình. Hai món ăn truyền thống vẫn còn được chuộng nhất trong bữa tiệc này là hàu sống (ăn với một tí nước chanh) và gan ngỗng vỗ béo (foie gras, hiện nay chủ yếu được chế biến từ gan vịt vỗ béo). Đến nửa khuya thì mọi người tặng quà cho nhau (các món quà đã được đặt từ sớm dưới gốc cây thông).
Vào đêm giao thừa của Tết tây (người Pháp gọi là đêm Thánh Sylvestre), người ta thường rủ nhau đi ăn tiệm (rất thịnh soạn và đắt hơn ngày thường đến bốn, năm lần) hoặc mời bạn bè ăn tiệc làm ở nhà cho đến 12 giờ khuya thì mọi người ôm hôn và chúc mừng nhau dưới nhánh cây tầm gửi(gui, tượng trưng cho may mắn) treo trên trần nhà. Riêng ở Paris, hàng triệu người đổ về đại lộ Champs Élysées (lớn và sang trọng nhất của thủ đô Pháp) để đón giao thừa: họ bóp còi xe và thổi nhiều loại kèn, loạn xị và đinh tai nhức óc; họ chúc mừng, ôm hôn cả những người chưa từng quen biết và, nhiều khi, mời nhau uống rượu champagne.
Giai đoạn lễ hội chấm dứt vào ngày chủ nhật đầu tiên của năm mới: trong hầu hết các gia đình, vào cuối bữa tiệc mọi người chia nhau chiếc bánh "các vua" (galette des Rois, một loại bánh nướng, tròn như bánh tráng nhưng dày hơn 2cm, bên trong có kem hạnh nhân); người nào tìm thấy trong phần bánh của mình hình nhân làm bằng sứ (gọi là feve) sẽ được đội vương miện (làm bằng cáctông thếp vàng, bán cùng với hộp bánh) để đóng vai vua hay hoàng hậu cho đến khi tiệc tàn.
![]() |
So với
cái Tết hiện nay ở bên nhà, phải nói là
cái Tết Việt kiều dường như quá sức giản
đơn, thậm chí có phần thê lương. |
Tết ta ở Pháp hiện nay
Vì Tết ta thường đến khoảng một tháng sau Tết tây, ngay trong thời gian mọi người ở nước sở tại đang tất bật làm ăn, nên chẳng có được một chút không khí rạo rực, háo hức và rộn ràng nào của những ngày Tết ở quê nhà. Những Việt kiều lớn tuổi (thường sinh ra và trưởng thành ở Việt Nam trước khi sang định cư ở Pháp) thường tìm đôi chút hương vị Tết trong miếng bánh chưng hay bánh tét mà những người thuộc thế hệ thứ hai trở đi thường không thích mấy vì quá "nhớt" (gluant) và vì nhân thường quá nhiều mỡ.
Để ăn Tết ta, một số Việt kiều, nhất là ở vùng Paris, cũng thường tham dự các bữa tiệc lớn (quy tụ cả hàng mấy trăm người), được tổ chức ở các nhà hàng Á Đông đôi khi giao thừa đến cả tháng!
Tết xưa và Tết nay ở trong nước
Nói chung những người đã cao tuổi như tôi thường ăn Tết bằng hoài niệm: đây là dịp để tưởng nhớ da diết đến quê nhà, ôn lại những kỉ niệm xưa, nhất là về thời thơ ấu. Qua hoài niệm, tôi chiệm nghiệm được là hóa ra Tết nhất cũng vô thường ra phết: vì mỗi thời một khác.
Trong những năm tản cư ở một làng vùng núi Quảng Nam, vào thời kháng chiến chống Pháp. Khi tôi còn ở tuổi thiếu nhi, Tết là dịp duy nhất để được ăn bánh tét, bánh tổ, vài lát thịt... sau suốt năm ăn cơm ghế bắp, sắn hay khoai với mắm muối. Và Tết cũng là dịp để tôi được mặc bộ quần áo bà ba mới may bằng vải ta, cùng bạn bè chạy chơi trong làng.
Năm 1955, sau khi hồi cư, tôi mới được ăn lần đầu tiên một cái Tết tưng bừng ở cả quê nội lẫn quê ngoại: được xem hay tham gia rang nổ, làm các loại bánh (tét, tổ, nổ, in... ), làm thịt heo, đốt pháo, chơi bài chòi, đánh "xìlát" và "cáctê" cắn hạt dưa (đỏ cả răng, môi)... và nhất là được nghe loại nhạc boléro mà sau này nhiều người thường gọi đùa là nhạc sến, phát ra từ chiếc máy hát cổ lỗ sĩ chạy bằng lò xo!
Tôi vẫn tiếp tục ăn cái Tết quê mùa đó trong những năm sống ở Hội An rồi Đà Nẵng cho đến khi qua Pháp du học vào năm 1963: khoảng mồng hai Tết, tôi lại về quê ăn Tết ba bốn ngày với gia đình nội, ngoại. Vào thời đó ở Quảng Nam, tuy không còn chuyện ăn chơi trong suốt cả tháng riêng, nhưng hương vị Tết vẫn còn lưu lại cả tháng trong các lát bánh tét, bánh tổ chiên hay trong các món mứt, dưa món với những củ kiệu còn nguyên cả rễ.
Tết ta ở Pháp ngày xưa
Sau cái Tết xa xứ đầu tiên buồn thối ruột trong cái giá lạnh của quê người (vào năm 1964), tôi đã ăn ròng rã mười mấy cái Tết "đấu tranh" bên cạnh những người bạn cùng trang lứa. Những cái Tết này còn kéo dài hơn những cái Tết bên nhà và khá độc đáo: Tết là dịp rất quan trọng để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận Việt kiều cũng như dư luận Pháp cho việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, thông qua đêm văn nghệ và lễ hội có đến vài ngàn người tham dự.
Chúng tôi thường phải chuẩn bị Tết từ năm, sáu tháng trước: tập các tiết mục văn nghệ, rồi làm phông, phối cảnh sân khấu... Và cả tuần trước đêm Tết, chúng tôi còn tham gia làm thức ăn (thịt heo nướng, chả giò, gỏi cuốn... ) để bán cho khán giả. Các buổi gặp nhau để tập dượt hay "lao động chân tay" như vậy, thường kết thúc quanh một nồi cháo gà kỳ diệu không kém nồi cơm của Thạch Sanh vì bao nhiêu người ăn cũng đủ! Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy vui.
Lại ăn Tết ta ở quê nhà
Khoảng năm 1990, lần đầu tiên tôi lại được ăn một cái Tết ở Đà Nẵng đến nay vẫn nhớ, nhất là cảnh cả thành phố đốt pháo đến đinh tai nhức óc, khói bay mù mịt khắp nơi đến ngạt thở. Vì lúc đó mọi người nói chung còn nghèo do Việt Nam mới mở cửa, nên một số gia đình vẫn còn phải chung tiền, rồi cử người về quê mua heo đem ra Đà Nẵng làm thịt để chia nhau, hoặc góp củi to để nấu chung nồi bánh tét.
Trong ba năm rồi, tôi lại ăn liên tiếp ba cái Tết ở Đà Nẵng - phải nói là tưng bừng và có nhiều lễ nghi hơn xưa rất nhiều - khiến tôi càng thấm thía câu "phú quý sinh lễ nghĩa". Cách đây năm mươi năm, vào dịp Tết, người mình cũng thích cắm hoa trong nhà, ở miền Trung chủ yếu là hoa mai vàng. Chỉ có một số ít nhà giàu mới có được cả cây mai chặt sát gốc, chứ bàng dân thiên hạ thì chỉ mua được một cành thôi. Trái lại, hiện nay, nhiều nhà có thể bỏ ra đến cả mấy chục triệu đồng để mua một chậu mai kiểng rất nhiều hoa và có hình dáng đẹp. Và chợ hoa ở quảng trường 29. 3 là cả một rừng màu sắc mênh mông: về chuyện trồng và chơi hoa, đúng là Việt Nam đã tiến một bước rất dài. Vào đêm giao thừa, cảnh đốt pháo bông ở hai địa điểm trên sông Hàn cũng rất hoành tráng. Ngay cả việc lì xì cho trẻ con (và ngay cả cho một số người lớn có vai vế) và tiếp đãi nhau khi thăm viếng cũng sang trọng hơn thời xưa quá đỗi.
So với cái Tết hiện nay ở bên nhà, phải nói là cái Tết Việt kiều dường như quá sức giản đơn, thậm chí có phần thê lương: đối với nhiều người như tôi, nói thường là dịp để hoài niệm về những cái Tết của thời thơ ấu ở quê nhà, và đôi khi để băn khoăn, day dứt hay ước mơ về quê cha đất tổ!
Nguyễn Thanh
Theo Sài Gòn Tiếp Thị số Xuân 2011