Mấy hôm nay tôi trò chuyện qua thư điện tử với
TS Nguyễn Hồng Thao, người từng mặc áo lính
thuộc đơn vị Hải quân có tiền thân là “Đoàn tầu
Không số”, là tiến sĩ luật biển tại ĐH Paris I
Pantheon – Sorbonne, giảng viên thỉnh giảng ở
Học viện Ngoại Giao, Khoa Luật ĐHQG, Đại học
Paris VII Denis Diderot..., tác giả cuốn “Việt
Nam và các tranh chấp biển trong Biển Đông” được
giải thưởng quốc tế INDEMER của Viện Nghiên cứu
biển Monaco dành cho các tác phẩm viết về luật
biển bằng tiếng Pháp xuất sắc nhất.
 |
TS Nguyễn Hồng Thao. |
Điều anh nhớ nhất về biển thời
trai trẻ?
-
Tuổi thơ tôi lớn lên và học tập ở Hải Phòng. Gió
biển, muối biển ngấm dần, tạo nên một tình yêu
biển. Nhập ngũ, tôi về căn cứ Lữ đoàn Hải quân
125 với truyền thống “đoàn tầu không số” hai lần
đơn vị anh hùng. Tàu chúng tôi vận chuyển lương
thực, thư từ tình cảm từ đất liền cho chiến sĩ
Trường Sa. Khi tình hình căng lên thì chủ yếu
vận chuyển thay quân. Thuở đó, đối với chúng
tôi, đi Trường Sa lần đầu chưa bắt được đảo, dẫn
tàu đến đúng vị trí thì chưa được coi là cán bộ
chỉ huy tàu. Đảo thì nhỏ, thấp lúp xúp, phương
tiện định vị thời đó lại là la bàn từ đã cũ và
trông vào tài nhìn trăng ngắm sao định hướng.
Quần đảo Trường Sa Lớn, tách biệt hai phần, giữa
là biển sâu, nhiều đá ngầm nguy hiểm.
Lúc trước, tàu hải quân chỉ đi hoặc cụm Bắc
Trường Sa hoặc cụm Nam Trường Sa. Năm 1984 tôi
phụ trách hoa tiêu tàu HQ512 đi chuyến mở đường
nối liền hai cụm đảo. Sau hơn chục ngày lênh
đênh, tôi đã neo tàu tại Bãi Thuyền Chài, lúc đó
còn chưa đóng quân. Bỗng bắt được sóng Đài TNVN,
nghe câu hò ví dặm, tất cả chúng tôi quê từ Nam
chí Bắc đều khóc, Tổ quốc thật bình dị, thật gần
với đảo xa. Có lẽ từ phút giây đó, đời tôi gắn
với Hoàng Sa - Trường Sa, dù sau này có chuyển
công tác thì tim óc vẫn cứ vang tên Hoàng Sa -
Trường Sa...
Từ chàng lính biển trở thành sinh
viên đại học Sorbonne đã khó hình dung, anh còn
học môn Luật biển bằng tiếng Pháp. Làm sao anh
làm được chuyện “tày trời” như thế?
-
Số phận cả. Phục viên, tôi được cử đi học Luật
quốc tế ở Pháp, chỉ với “hành trang” học
tiếng... ba tháng. Lúc đó luật biển còn là lĩnh
vực mới mẻ, ít người theo học. Tôi hiểu rằng học
luật ở Pháp là thời cơ, nhưng học luật qua tiếng
Pháp không dễ. Lịch trình của tôi chỉ là từ nhà
đến lớp rồi thư viện. Đến nỗi sau này các bạn
trong trường và thủ thư muốn tìm nhanh một quyển
sách họ cần thì tốt nhất là hỏi tôi nó ở đâu,
bìa màu gì... Có lẽ tình yêu biển, lòng mong
muốn được cống hiến cho Hoàng Sa - Trường Sa và
sự giúp đỡ của những người thầy nổi tiếng như GS
Quenedec và Lucchini, của những người bạn Pháp
thân thiện đã giúp tôi trụ được trên Khu phố
Latin, là khu phố trường ĐH Sorbonne – Paris
được biết nhiều trong các tác phẩm văn học Pháp.
Khi nhìn bảng điểm thấy mình đỗ đầu cả hai khóa,
khóa thạc sĩ Luật quốc tế và Tổ chức quốc tế của
trường ĐH Paris I Pantheon – Sorbonne và khóa
thạc sĩ Lịch sử và Triết học (1993), tôi cũng
không thể tin nổi. Với kết quả này, tôi được làm
nghiên cứu sinh, đề tài “Việt Nam đối mặt với sự
mở rộng biển trong Biển Đông” (tên quốc tế -
biển Nam Trung Hoa). Vấn đề mở rộng biển là vấn
đề mới trong quan hệ quốc tế, nhất là sau Hội
nghị của Liên Hợp Quốc lần thứ ba về Luật biển.
Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển cũng
chưa có hiệu lực và đang có sự lưỡng lự giằng co
trong quan điểm của các quốc gia ven biển về vấn
đề này. Đây cũng là một vấn đề nhạy cảm trong
quan hệ Việt Nam với các nước láng giềng. Luật
biển Việt Nam đang trong giai đoạn thành hình,
vừa làm vừa phát triển. Sau các cuộc binh đao,
đất nước đang rất cần sự ổn định để phát triển,
mà giải quyết hòa bình các tranh chấp biển là
một mục tiêu chiến lược. Đề tài luật biển Việt
Nam hầu như không có tài liệu, mà có cũng khó
tiếp xúc.
Tôi đặt cho mình nhiệm vụ sẽ nghiên cứu, khái
quát hóa tất cả lịch sử phát triển của luật biển
Việt Nam từ thời dựng nước đến nay, các tranh
chấp, quan điểm của Việt Nam và đề xuất cách
giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lúc bắt
tay vào mới thấy ngợp thở. Viết được vài chục
trang đầu, hớn hở đưa lên thầy, ông ấy vứt luôn
vào sọt rác: ý tưởng ngô nghê, ngữ pháp lộn xộn!
Tôi viết đi viết lại vài chục lần, nhờ cả các
anh chị trí thức Việt kiều sửa văn tiếng Pháp.
Tôi rất cảm ơn các thầy của tôi, như GS Monique
Chemillier Gendreau, GS Joel Nguyễn Duy Tân, các
bạn bè Pháp, anh Nguyễn Hương và cộng đồng Việt
Nam ở Paris đã giúp đỡ, động viên tôi hoàn thành
luận án dày hơn 1000 trang. Buổi bảo vệ, người
đến ủng hộ rất đông, vì như GS Joel Nguyễn Duy
Tân, một người con dâu Pháp, phát biểu đây là
buổi bảo vệ luận án tiến sĩ luật đầu tiên tại
Pháp của sinh viên đến từ CHXHCN Việt Nam. Tôi
chả muốn là đầu tiên, nhất là khi trình độ mình
còn hạn chế. Song đã vào cuộc thì phải hết mình.
Buổi bảo vệ thành công. Hội đồng giám khảo đã
dành cho công trình phần thưởng cao nhất: điểm
đánh giá xuất sắc nhất với lời khen của Hội đồng
Giám khảo. Giây phút đó, tôi nhớ đến gia đình đã
xa lâu rồi, nhớ những kỷ niệm Trường Sa, và như
nghe văng vẳng bài hát quen thuộc thời mặc áo
lính biển, “Gần lắm Trường Sa”...
Năm 2000 trên cơ sở luận án, tôi bổ sung tư liệu
cập nhật, viết cuốn “Việt Nam và các tranh chấp
biển trong Biển Đông”, tập trung nhiều vào Hoàng
Sa, Trường Sa. Cuốn sách được giải thưởng quốc
tế INDEMER của Viện Nghiên cứu biển Monaco cho
các tác phẩm viết về luật biển bằng tiếng Pháp
xuất sắc nhất. Nỗi vui lớn nhất của tôi lúc ấy
không hẳn vì giải thưởng mà còn là sự đánh giá
quốc tế về những lập luận bảo vệ chủ quyền trên
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cho đến bây
giờ đó vẫn là tác phẩm duy nhất viết về Hoàng
Sa, Trường Sa nhận được giải thưởng quốc tế.
Lý do nào, tầm nhìn nào mà anh
chọn học Luật biển?
-
Lý do thì nhiều, cả định mệnh nữa. Nhưng trong
đó có món nợ với đồng đội lính thủy Lữ đoàn 125
và các đơn vị hải quân khác đã ngã xuống trong
những ngày tháng Ba năm 1988 trên Gạc Ma, Len
Đao, Colin. Cũng có thể nói chính luật biển đã
chọn tôi một khi tôi muốn đóng góp phần “hạt
cát” trong giải quyết các tranh chấp biên giới
lãnh thổ, trong đó có các tranh chấp biển. Có
khá nhiều công trình nghiên cứu của nước ngoài
về các tranh chấp biên giới lãnh thổ liên quan
đến Việt Nam. Người ủng hộ có, người phê phán có
nhưng tất cả ít nhiều đều có những cái nhìn
phiến diện, chưa thật sát với cách suy nghĩ,
tình cảm, giải quyết của người Việt.
Trong khi đó các công trình nghiên cứu viết bằng
tiếng Anh của người Việt ở lĩnh vực này còn
khiêm tốn. Nếu chúng ta không tự mình giải quyết
những vấn đề của chúng ta, không giải thích với
thế giới, không thể hiện rõ quan điểm của chúng
ta thì ai sẽ làm hộ chúng ta. Thế giới quan tâm
nhiều đến Biển Đông, có cả một thuật ngữ “các
nhà Trường Sa học” nhưng trong số đó không có
tên người Việt nào. Năm 1996, Phan Thạch Anh
(Pan Shiying) có bài “The petropolitics of the
Nansha islands – China’s indisputable legal
case” (Chính trị dầu mỏ của các đảo Nam Sa – lập
luận pháp lý không thể tranh cãi của Trung Quốc)
đăng trên Economic Information & Agency, tháng 7
năm 1996, được giới nghiên cứu quan tâm. Thấy
các lập luận của Phan Thạch Anh không đúng với
luật quốc tế, tôi viết hai bài đáp trả bằng
tiếng Anh tự học. Bài đầu phân tích chiến lược
hải dương của ông phương Bắc này: “Về cái gọi là
lãnh thổ xanh bị gặm nhấm” (About the alleged
grabbed blue territory) đăng trên Vietnamese Law
Journal, N05 (7) - 1996. Sau đó là bài trực diện
“China’s ‘nine broken lines’ in the Bien Dong
Sea (South China Sea) in the light of
international law” (Đường đứt khúc 9 đoạn của
Trung Quốc ở Biển Đông dưới ánh sáng luật quốc
tế) đăng trên Vietnam New, ngày 18.4.1997 N02073
(265).
Để
tiếng nói người Việt về Biển Đông được ra quốc
tế, tôi viết bài gửi tạp chí Ocean Development &
International Law (ODIL), tạp chí được giới
nghiên cứu Luật biển coi trọng. Viết bài mất
chừng một tháng, nhưng thời gian thư từ qua lại
hiệu đính, kiểm tra từng chú thích một phải mất
đến sáu, bảy tháng mới được xếp vào hàng chờ, mà
chưa biết có được đăng hay không vì phải có ý
kiến của hội đồng những nhà nghiên cứu luật biển
tên tuổi. Cũng chẳng có đồng nhuận bút nào, vì
với tạp chí ODIL, “nhuận bút” chính là vinh dự
được đăng bài trên tạp chí. Mỗi tác giả được
nhận 25 bản trích riêng bài viết của mình để
tặng bạn bè thôi. Với tôi, “nhuận bút” lớn nhất
là dòng chú thích “Việt Nam” bên cạnh tên các
nước, là được lên tiếng nói đấu tranh cho Tổ
quốc, cho Hoàng Sa -Trường Sa của mình trên
trường quốc tế. Cứ vậy, tôi đặt mục tiêu mỗi năm
đăng được một bài trên ODIL.
Đến giờ tôi đã có một “gia tài” kha khá trên
ODIL. Cái khó nhất là bài viết phải có cái mới,
phải dự báo được phần nào tiến triển của các sự
việc. Vào thời điểm không chỉ ở Việt Nam mà cả
trên thế giới có rất ít bài viết liên quan đến
lập trường của Việt Nam trong giải quyết tranh
chấp ở Biển Đông, năm 2001 tôi đăng bài “Vietnam
and the Code of Conduct for the South China Sea”
(Việt Nam và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông) trên
ODIL (vol. 32, number 2-2001), đưa ra dự đoán
những bước đi tiếp theo, trên quan điểm cá nhân
tôi.
Để góp ý với ngành Luật biển tại
các ĐH trong nước, anh sẽ nói gì?
-
Việt Nam là một đất nước biển. Quyền lợi biển
của đất nước không chỉ nằm trong Biển Đông mà
còn được mở rộng ra đáy đại dương, vùng biển di
sản của loài người, tới các vùng biển cả quốc
tế. Đất nước đang rất cần những người con hiểu
biết sâu về luật biển, không chỉ quản lý tốt và
bảo vệ vùng biển của đất nước mà còn cùng cộng
đồng quốc tế quản lý các đại dương. Luật biển
không chỉ dành cho các sinh viên trường luật mà
kiến thức luật biển cần cho tất cả những người
tham gia sử dụng, quản lý và bảo vệ biển, từ nhà
nghiên cứu hải dương, chiến sĩ hải quân, cán bộ
dầu khí, tới các ngư dân bám biển ngày đêm. Đảng
và Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư cho công tác
tuyên truyền biển đảo, đào tạo cán bộ.
Bên cạnh đào tạo chiều rộng, theo tôi, cần quan
tâm đào tạo chiều sâu; cần sớm có kế hoạch đưa
được người Việt vào các hoạt động của Tòa án
Công lý quốc tế, Tòa án Luật biển quốc tế, các
Tòa trọng tài quốc tế, cơ quan quyền lực đáy đại
dương, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Còn rất
nhiều khoảng trống ở phía trước để sáng tạo. Gần
đây anh Nguyễn Đăng Thắng, một nghiên cứu sinh
tại ĐH Cambridge đã có bài viết đăng trên ODIL
tháng 2.2012, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Anh Dương Danh Huy, TS vật lý tại Anh đã đăng
những bài viết về luật biển sắc sảo.
Tôi tin thế hệ trẻ Việt Nam sẽ dần chiếm lĩnh
những đỉnh cao khoa học, trong đó có luật quốc
tế và luật biển. Chương trình luật biển tại các
trường ĐH cần có sự kết hợp hài hòa giữa lý
thuyết và những vấn đề thực tiễn hiện đang xảy
ra trên Biển Đông và đòi hỏi phải đưa ra giải
pháp. Phải có nhiều sách giáo khoa, sách tham
khảo cho sinh viên. Cần cử sinh viên đi đào tạo
và thực tập tại những cơ sở luật pháp, các hãng
luật tên tuổi ở nước ngoài. Có như vậy chúng ta
mới nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng nghiên
cứu khoa học quốc tế, đóng góp được nhiều hơn
cho sự nghiệp bảo vệ, quản lý biển đảo của đất
nước, trong đó có Hoàng Sa – Trường Sa.
- Cám ơn anh và mong sớm được đọc
tác phẩm “Việt Nam và các tranh chấp biển trong
Biển Đông” bằng bản tiếng Việt!
Vĩnh Quyền
thực hiện