Về cơ sở khoa học của một công trình

Vietsciences-Trần Viết Điền              13/05/2010

 

Những bài cùng tác giả

 

Báo GIA LAI Xuân Canh Dần 2010 có bài phỏng vấn do nhà báo Thanh Vân thực hiện, trang 82, đã đặt vấn đề nghiêm túc khi phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về việc đi tìm vị trí lăng mộ vua Quang Trung. Từ khi công bố công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (ký hiệu [1]) vào năm 2007 cho đến nay, nhà nghiên cứu không công bố thêm những phát hiện mới, và càng ngày ông càng tin vào kết quả nghiên cứu của mình. Trả lời phỏng vấn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: “Công trình nghiên cứu của tôi giải mã được bí ẩn khu vực có Lăng mộ Vua Quang Trung…”. Ông gạt bỏ những ý kiến phản biện khi cho rằng: “…đã có hằng trăm người tham gia ý kiến, trong đó có một số ý kiến phản biện. Nhưng tất cả những phản biện ấy đều thiếu cơ sở khoa học nên không giúp được gì cho tôi. Trái lại, sau các phản biện ấy tôi càng tin công trình của tôi hơn. Theo tôi, sự thực chỉ có một, tôi nghĩ rằng tôi đã tìm được sự thực ấy nên không nghĩ đến bất cứ một hướng tìm tòi nào khác nữa.”.

Như thế nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân mặc nhiên khẳng định công trình của mình là có cơ sở khoa học (?). Năm 2007, chúng tôi từng phản biện công trình [1] với 13 điểm, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân những ý kiến phản biện ấy là thiếu cơ sở khoa học. Điều đáng tiếc là tác giả của [1] chưa chỉ ra những chỗ thiếu sót của những ý kiến phản biện đối với [1] về mặt khoa học. Nếu vì khoa học thực sự, nhà nghiên cứu đã trả lời hay thảo luận một vài vấn đề có phản biện, để làm sáng tỏ, nhờ thế độ tin của công trình [1] mới tăng lên. Dẫu sao tác giả của [1] đã nêu 8 câu hỏi dành cho một số nhà nghiên cứu, vốn không đồng tình giả thuyết trong [1], như Hồ Tấn Phan, Lê Nguyễn Lưu, Trần Đại Vinh và chúng tôi. Chúng tôi đã trả lời 8 câu hỏi ấy. Chúng tôi chờ tác giả công trình [1] thảo luận một cách minh bạch, chỉ ra cái sai, cái thiếu cơ sở khoa học của những phản biện, nhưng điều đáng tiếc là tác giả [1] đã trao đổi với chúng tôi bằng ngôn từ, thái độ ngoài khuôn khổ khoa học.

Công trình [1] dày 416 trang, nhưng thực chất chỉ có khoảng 160 trang là trình bày những giả thuyết công tác. Phần còn lại, chiếm 255 trang, có giá trị về mặt phổ biến kiến thức, mang tính cổ súy công việc nghiên cứu… chứ không chứa đựng cơ sở khoa học của công trình nghiên cứu xác định lăng mộ vua Quang Trung. Phần lớn những dẫn liệu, mà nhà nghiên cứu làm cơ sở của giả thuyết công tác, là ít nhất có hai cách kiến giải khác nhau. Tác giả công trình chưa chỉ ra cái sai của kiến giải khác mình, tức là chứng minh kiến giải mình đúng khi gặp phản biện. Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập năm vấn đề, góp phần chứng minh cơ sở giả thuyết công tác trong [1] thiếu sức thuyết phục, thậm chí bị sai lệch với sự thực lịch sử.

 

Vấn đề I                  Ngọc Hân từng ở và sáng tác Ai Tư Vãn tại chùa Kim Tiên không?

1. Về danh xưng Cầu Tiên.

2. Có thật chùa Kim Tiên bị bỏ phế vì Ngọc Hân từng ở chùa ấy?

3. Ai Tư Vãn cho biết Ngọc Hân không ở chùa Kim Tiên.

4. Không ở chùa Kim Tiên vẫn được tôn xưng “Bà Chúa Tiên”.

Vấn đề II               Triều Tây Sơn có tôn tạo phủ Dương Xuân thành cung điện Đan Dương để vua Quang Trung ở và làm việc không?

1. Đan Dương cung điện là sơn lăng…

2. “Tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu”.

3. Có thật triều Nguyễn cố ý giấu phủ Dương Xuân không?

Vấn đề III            Dấu tích thành lũy do vua Quang Trung đắp thêm quanh dinh ngài ở đâu ?

1. Hướng A, dinh Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm, kỳ thú nhưng thiếu thuyết phục.

2. Hướng B với cách tiếp cận thành Phú Xuân xưa và dấu tích thành lũy do vua Quang Trung cho đắp thêm.

a.    Về một cách định vị trung tâm và bình đồ thành Phú Xuân thời Tây Sơn.

b.    Dấu tích chiến lũy do vua Quang Trung đắp ở khu vực cầu Lạc Nô.

Vấn đề IV            Dấu tích phủ Dương Xuân ở đâu sao cho phù hợp những ghi chép trong thư tịch cổ?

1. Giả thuyết mới về phủ Dương Xuân ở Bàu Vá, Dương Xuân.

2. Tư liệu Nguyễn Sinh Duy về phủ Dương Xuân.

3. Kiểm chứng giả thuyết mới có phù hợp với tư liệu Nguyễn Sinh Duy không?

4. Giả thuyết về phủ Dương Xuân trong [1] quá bất cập.

Vấn đề V               Những di vật gạch đá được giới thiệu trong [1] chưa được giám định mà tác giả [1] đã khẳng định là của Đan Dương lăng.

1. Về viên gạch bìa Tây Sơn.

a) Việc tìm kiếm gạch bìa Tây Sơn ở công trình kiến trúc Tây Sơn ở Huế

b) Không tìm thấy loại gạch bìa nói ở a) tại lăng mộ của chúa Nguyễn.

c) Sự hiện diện của loại gạch bìa 2 cm x12 cm x24cm của Tây Sơn ở các công trình của chúa Nguyễn nhưng Tây Sơn đã tôn tạo, cơi nới để sử dụng.

                     d) Công trình [1] không chỉ ra được gach nào của thời Tây Sơn, gạch nào của thời chúa Nguyễn.

2. Hiện vật đá:

a) Đá kê cột, đá lát…:

b) Bia “Cổ kính trùng viên thuyết” ở chùa Diệu Đức.

c) Về tấm đá ở chùa Vạn Phước.

Vấn đề I                  NGỌC HÂN TỪNG Ở VÀ SÁNG TÁC AI TƯ VÃN TẠI CHÙA KIM TIÊN KHÔNG?

Trên báo THẾ GIỚI MỚI số 26/1992 nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố bài “Công chúa Ngọc Hân sáng tác bài Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên?”, sau đó tác giả in lại trong phần phụ lục của công trình [1]. Qua bài viết tác giả đã xây dựng một giả thuyết công tác hấp dẫn. Tuy nhiên, giả thuyết chưa dựa trên một tư liệu chính sử hoặc dã sử nào đáng tin cậy. Tự tác giả cũng thấy điều ấy khi kết luận: “Mặc dù tài liệu lịch sử, văn thư, văn học dân gian và thực tế ở địa phương có nhiều điểm trùng khớp có thể tin được. Nhưng dù sao bài viết nhỏ này cũng chỉ là một kiến giải ban đầu. Để được xác nhận chính thức, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu.”. Thế nhưng, gần đây trên Giác Ngộ online có bài “Thăm chùa Kim Tiên: Qua Ai Tư Vãn của Công chúa Ngọc Hân” của tác giả Không Lực. Tác giả không dẫn cứ liệu lịch sử nào ngoài Ai Tư Vãn để chứng minh Tây Sơn trưng dụng chùa Thiền lâm để Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân ở thì chắc chắn dựa vào “gợi ý” của [1] rồi. Bài viết của tác giả Không Lực khiến độc giả tưởng chừng như giả thuyết công tác của [1] đã được kiểm chứng, giới nghiên cứu đã công nhận và phổ biến một sự kiện không có trong lịch sử: Tây Sơn chiếm chùa Kim Tiên, ngôi chùa tráng lệ bậc nhất ở Phú Xuân, làm cung điện của Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân. Một công chúa được giáo dưỡng đầy đủ như Ngọc Hân không thể chấp nhận việc chiếm chùa thờ Phật Thánh để ở. Tại sao? Chỉ vỏn vẹn một danh xưng “CẦU TIÊN”, tác giả Ai Tư Vãn dùng như “điển cố, điển tích” để chỉ lăng vua Quang Trung, trong hai câu “Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non/ Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu”, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng đưa giả thuyết táo bạo: Tây Sơn từng trưng dụng chùa Kim Tiên để Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân ở, nhằm gần vua Quang Trung đang sống và làm việc ở cung điện Đan Dương trên gò nhỏ xứ Lâm Lộc. Cung điện này được dựng trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn, gần chùa Thiền Lâm. Khi vua Quang Trung mất, bà đã sáng tác Ai Tư Vãn tại chùa Kim Tiên (?). Với giả thuyết này thì đô thành của Tây Sơn là ở vùng rừng núi, phía nam sông Hương, vây quanh là chùa chiền, mộ địa ư? Có thực như thế không?

Chúng tôi quyết tâm rà soát cơ sở khoa học của giả thuyết táo bạo nói trên.

1. Về danh xưng Cầu Tiên:

Nhà nghiên cứu Hoàng Thúc Trâm trong sách Quốc văn đời Tây Sơn, từng chú thích hai chữ CẦU TIÊN của Ai Tư Vãn: “Mộ giả của vua Quang Trung ở Linh Đường (gần Cầu Tiên) giáp làng Đại Từ thuộc Thanh Trì, Hà Đông. Ý nói: khi thương nhớ buông mắt xa trông mộ giả của vùng Cầu Tiên chỉ thấy mịt mờ khói tỏa, nào đâu bóng người thân yêu? Còn hai chữ “đỉnh non” chừng như tác giả phóng bút thêm vào cho có văn vẻ” (tr.83). Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dẫn chú thích trên và bình luận: “Tác giả Hoàng Thúc Trâm là một nhà nghiên cứu uyên thâm, nhưng đọc cái chú thích trên của ông tôi ngờ ngợ. Tôi không rõ ở Linh Đường có cây Cầu Tiên thật hay không, trong tâm trí tôi ẩn hiện một điều: “Ngọc Hân rất yêu quý vua Quang Trung, tại sao trong phòng tiêu vắng vẻ, Ngọc Hân không nhớ cái mộ thật mà Bà đang có trách nhiệm hương khói hàng ngày tại phía nam sông Hương (Mộ Huệ táng vu Hương Giang chi nam-Đại Nam thực lục, “Ngụy Tây”) mà lại đi nhớ cái mộ giả do triều Quang Toản đã bày đặt ra để đánh lừa các sứ thần nhà Thanh ở Linh Đường thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội?”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đặt vấn đề Ngọc Hân nhớ mộ thật chứ không nhớ mộ giả là đúng đắn. Như thế chú thích của Hoàng Thúc Trâm là chưa ổn. Tuy nhiên, Hoàng Thúc Trâm cho biết Cầu Tiên gần Linh Đường, giáp làng Đại Từ là có thật. Và mộ giả của vua Quang Trung ở Linh Đường cũng có thật, bị kẻ gian đào năm 1989 và sau đó nhóm khảo cổ, TS Nguyễn Mạnh Cường chủ trì, đã khai quật để giám định chủ nhân thật ở mộ giả của vua Quang Trung. Trên baodatviet.vn có bài Đại Từ - làng truyền thống nhận con nuôi, có nói về Cầu Tiên. Xin trích một đoạn:

                                                                                                                                    Hình 1:         Cổng làng Đại Từ (baodatviet.vn)

Đại Từ nằm gần đầm Đại nên còn được gọi là làng Đầm. Theo gia phả các dòng họ thì làng Đại Từ hình thành từ đầu thế kỷ 17. Lúc đầu, có một số người từ xứ Đông đến mở đất dựng nhà bên bờ sông Tô Lịch. Sau, để tiện việc sinh hoạt, họ đến định cư ở bờ tây đầm Linh Đường (Linh Đàm), cách vị trí cũ không xa. Hơn một thế kỷ sau, người đông đúc, xóm ngõ hình thành và bộ phận cư dân này trở thành một thôn của xã Linh Đường, huyện Thanh Trì. Từ sau hòa bình, Đại Từ hợp với các làng Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn thành xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Có người cho rằng, cái tên “Đại Từ” có nghĩa là đại từ bi, theo tinh thần bác ái của đạo Phật, đã ảnh hưởng lớn đến sự hình thành truyền thống kính già yêu trẻ, nuôi trẻ mát tay, hay ăn chóng lớn, béo khoẻ. Còn theo cụ Phạm Đăng Sáng, Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi làng Đại Từ, truyền thuyết kể rằng, xưa các cô tiên hay xuống chơi ở đầu làng, rồi có cô đã để “quên” hai bầu vú ở Cầu Tiên. Vì là vú tiên nên dân làng không dám lạm dụng, họ nghĩ đến việc chia một nửa cho thiên hạ. Từ đó, người làng có tục nhận con nuôi. Đứa trẻ nào đến tay bà mẹ Đại Từ đều được chăm sóc, cái nghĩa “quý con người hơn con mình” của các bà làm cả Thăng Long sôi động, nhà vua đã ban khen “Đại Từ nghĩa dân”.

                                                                                Hình 2:             Ảnh chụp vệ tinh vùng Linh Đàm, có Cầu Tiên và mộ giả của vua Quang Trung

Qua bài viết trên đủ thấy Cầu Tiên ở gần mộ giả Quang Trung là có thật trên 200 năm. Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân viết Ai Tư Vãn trong tình hình triều Tây Sơn ở Phú Xuân đang bí mật chôn cất tiên đế Quang Trung ở kinh đô Phú Xuân, cử sứ bộ Ngô Thì Nhậm sang báo tang và cho triều Thanh biết triều Tây Sơn, theo lời dặn của tiên đế, táng vua Quang Trung ở Linh Đường Thăng Long. Vua Càn Long cảm kích, cử sứ giả Tề Bồ Sâm sang phúng tế, tặng một bài thơ của Càn Long và triều Tây Sơn cho khắc bia đá, dựng ở mộ giả Linh Đường. Thế thì trong tình hình triều Tây Sơn an táng bí mật vua Quang Trung, Ngọc Hân nhắc Cầu Tiên, như một “điển cố”, để người đọc liên tưởng lăng Quang Trung khi viết Ai Tư Vãn, hoặc như một hình thức “đánh tiếng” để góp phần giữ “bí mật quốc gia” vậy. Thế thì giải thích danh xưng “Cầu Tiên” của Hoàng Thúc Trâm không chừng trúng ý của người xưa. Nếu Ngọc Hân viết về Cầu Tiên ở Phú Xuân khi sáng tác Ai Tư Vãn, theo kiến giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì hóa ra Bà để lộ bí mật quốc gia rồi.

Ngoài ra, khi một danh xưng trong một tác phẩm viết bằng thơ có dị bản, chưa xử lý về mặt văn bản học, mà vội làm cơ sở cho một giả thuyết khoa học lớn thì e rằng tác giả công trình [1] quá chủ quan. Thật vậy, gần đây tác giả Mai Đôn khi viết bài “Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung”, đăng trên Bee.net.vn, ngày 3-4-2010, có nói về dị bản của Ai Tư Vãn trong đoạn: “Trong bài thơ Sóc vọng thị tấu nhạc Thái Tổ miếu cung ký, ông có viết: "Nhất tự Kiều Sơn mật bát âm/Kim liên ngự chúc tuyết hoa trầm" (Từ thuở Kiều Sơn bặt tám âm/Đài sen nến ngự tuyết hoa trầm - Ngô Linh Ngọc dịch)… Địa danh Kiều Sơn - núi Kiều còn được Lê Ngọc Hân đề cập đến trong bài Ai tư vãn:

"Kiều Sơn khói toả đỉnh non/Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu”. (1). Và Mai Đôn chú thích: “Chú thích: (1) - Bài Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân có nhiều dị bản. Câu này có bản ghi: Cầu Tiên khói toả đỉnh non, không hợp lý lắm. Đã là "cầu" sao lại có "khói toả đỉnh non"?”. Sách “Bí ẩn của phong thủy”, tác giả Vương Ngọc Đức, dịch giả Trần Đình Hiến, NXB VH-TT, 1995, có đoạn: “Lăng Hoàng đế ở bắc huyện thành Hoàng lăng, Thiểm tây. Hoàng đế, hiệu Hữu Hùng, truyền rằng ngài công lao to lớn, rất nhiều phát minh. Lăng Hoàng đế xây trên đỉnh Kiều Sơn - Kiều Sơn có hình dạng như cây cầu, nên có tên Kiều Sơn (núi cầu). Sông Cù Chảy xuyên trong lòng núi, quặt sang hướng đông rồi chảy đi. Lăng cao 3,6 mét, chu vi 48 mét. Dưới chân Kiều Sơn có miếu Hoàng đế, tùng bách vây quanh, cây cao nhất 19 mét, bảy người ôm” (sđd, tr. 467). Như thế bản gốc Ai Tư Vãn viết Cầu Tiên hay viết Kiều Sơn thì chưa xác nhận được. Nhưng dễ thấy Cầu Tiên hay Kiều Sơn là cụm từ như một “điển cố” nhằm chỉ lăng vua, chứ tác giả Ai Tư Vãn không có ý chỉ một chiếc cầu nào đó ở Phú Xuân.

Vậy tính đến nay không có sử liệu nào làm bằng cớ triều Tây sơn trưng dụng chùa Kim Tiên để Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân ở.

2. Có thật chùa Kim Tiên bị bỏ phế vì Ngọc Hân từng ở chùa ấy ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nêu quyết tâm tìm “Cầu Tiên ở Phú Xuân”. Chưa có một thư tịch cổ nào ghi chép về một chiếc cầu ở Phú Xuân mang tên “Cầu Tiên”. Có cầu Thanh Tiên ở Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, nhưng dân gian không gọi Cầu Tiên. Chẳng hạn cầu xe lửa Tiên An có thể gọi là Cầu Tiên ư? Còn chiếc cầu bắc qua khe gần chùa Kim Tiên, Vạn Phước dân gian không gọi là Cầu Tiên, mà thường gọi là “Cầu Ván Dương Xuân Hạ” và Đại Nam nhất thống chí cũng chép như dân gian gọi. Cứ cho là chiếc cầu bắc qua khe gần chùa Kim Tiên nên có tên Cầu Kim Tiên, thì cũng chưa phải là Cầu Tiên. Thật không ổn khi bỏ bớt chữ Kim để gán ghép Cầu Kim Tiên là Cầu Tiên! Nhắc đến cầu Kim Tiên, khi sáng tác Ai Tư Vãn, là chỉ lăng vua Quang Trung, chứ không thông báo sự kiện Ngọc Hân ở gần cầu Kim Tiên. Thật táo bạo hơn nữa khi cho rằng Bắc cung hoàng hậu ở chùa Kim Tiên, để gần cung điện Đan Dương (nơi vua Quang Trung ngự). Cơ sở của giả thuyết “Ngọc Hân ở chùa Kim Tên” chỉ là câu trả lời chung chung của sư trụ trì chùa: “Trước đây có quân chi đó đến ở, sau đó có quân chi chi đó đến đánh phá. Người dân trong ấp nhớ thương người cũ đã than rằng:

Vì ai nên nỗi sầu này

Chùa Tiên vắng khách, tớ thầy xa nhau”(NĐX, báo TGM, 26/1992)

Ngọc Hân mất năm Kỷ Mùi [1799], quân Tây Sơn còn đóng ở chùa Kim Tiên cho đến 1801 ư?

Năm Tân Dậu [1801], đạo quân phòng thủ Tây sơn ở Qui Sơn gần cửa Ô Long (Tư Hiền), do phò mã Trị của Tây Sơn chỉ huy, bị quân Nguyễn Vương đánh bại. Vua tôi Cảnh Thịnh đang mang quân về phía phá Tam Giang để tiếp ứng, nghe tin mặt trận Ô Long-Qui Sơn bị vỡ, liền bỏ chạy ra bắc, đâu có đánh nhau giữa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Vương ở khu vực gò có chùa Kim Tiên, chùa Thiền Lâm. Công trình [1] cho rằng có đánh lớn ở khu vực chùa Kim Tiên vào năm 1801 là không đúng với lịch sử!

       Hình 3:         Ảnh chụp vệ tinh vùng bờ biển, đầm phá từ cửa Thuận An đến cửa Tư Hiền, nơi quân Cảnh Thịnh chống giữ và tháo chạy vào tháng 5 Tân Dậu [1801], khu vực này có giao tranh đẫm máu, làm gì có đánh lớn ở gò đồi vùng Lâm Lộc (có chùa Thiền Lâm, Kim Tiên).

Gặp một đoạn ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí về chùa Kim Tiên, chưa xử lý nghiêm túc, rồi suy diễn “quân Tây sơn đánh nhau với quân Nguyễn Ánh” (ở gò xứ Lâm Lộc (Bình An)) thì chủ quan lắm. Xin trích lại tư liệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng dẫn để thảo luận: “Ở ấp Bình An, tương truyền chùa này do Hòa thượng Bích Phong làm ra, đời vua Thế tôn (Nguyễn Phúc Khoát) bản triều trùng tu sơn thiếp vàng xanh rực rỡ, trước dựng lầu vọng tiên, quy chế tráng lệ. Sau gặp binh hỏa bỏ hoang phế, nay (tức thời Thành Thái – Duy Tân) [NĐX chú] người trong ấp ấy nhân theo nền cũ làm lại. Trước chùa có giếng xưa, sâu hơn 30 thước, nước mát trong sạch (nay vẫn còn). Tương truyền xưa có tiên nữ tắm ở giếng ấy, nên cũng có tên là giếng Tiên”. Nhà nghiên cứu bình luận “ Sau chiến tranh với Tây Sơn, vua Gia Long triệt hạ hết những gì có liên quan đến Tây Sơn (tức “Loạn”)…” và “Nhưng khi vua Gia Long cầm quyền ở Huế, tất cả các chùa khác dù lớn dù nhỏ đều được nhà nước hoặc các bà hậu, các bà chúa bỏ tiền trùng tu, riêng chùa Kim Tiên mãi đến thế kỷ XX dân trong ấp mới được làm lại một cách khiêm tốn”. Từ suy diễn ấy, nhà nghiên cứu đặt vấn đề hấp dẫn “Phải chăng bà Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân đã ở chùa Kim Tiên?”. Thế thì chùa Kim Tiên đã bị triệt hạ và bỏ hoang phế trên dưới 100 năm (từ 1801 đến thời Thành Thái – Duy Tân) ư? Phật tử ở ấp Bình An không dám trùng tu, không dám đến lễ Phật ở ngôi chùa “dính líu Tây Sơn” thì thử hỏi có vị sư nào dám tiếp tục trụ trì ở một phế tích bị triều Nguyễn triệt hạ và cấm lai vãng như chùa Kim Tiên không ? Tại sao “Sau binh hỏa” được viết trong Đại Nam nhất thống chí lại hiểu là “Sau chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn” mà thôi?

                       Hình 4:    Vùng Lâm Lộc có chùa Thiền Lâm, chùa Kim Tiên. Vào năm 1801, thái sư Bùi Đắc Tuyên đã bị giết, Ngọc Hân đã qua đời, đâu còn một lượng quân Tây Sơn đáng kể để đánh nhau với quân Nguyễn Vương!

Tác giả Không Lực, trong bài báo nêu trên lại cung cấp một số dữ kiện về lịch sử chùa Kim Tiên, vô tình phủ nhận giả thuyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về chùa Kim Tiên khi hạ bút: “au khi Gia Long chiếm lại Phú Xuân, trong chiến dịch trả thù Tây Sơn, cùng với sự phá quật lăng mộ Quang Trung, một số chùa chiền có liên quan đến Tây Sơn cũng bị triều Nguyễn triệt phá, trong đó chùa Kim Tiên bị tàn phá nặng nề nhất, chỉ còn lại nền cũ mà thôi.

Một thời gian sau, các bà hoàng và công chúa nhà Nguyễn chạnh lòng mới mở cuộc vận động trùng tu, nhiều chùa đã được xây dựng mới trở lại. Tuy vậy, chùa Kim Tiên vẫn bị bỏ hoang phế trong một thời gian dài nữa, sau được Thừa Thiên Cao hoàng hậu tức mẹ hoàng tử Cảnh (vua Minh Mạng) xuất của riêng trùng tu và sửa sang lại.

Qua thế kỷ XIX, XX, dưới thời các vị Hòa thượng Thích Đạo Thành, Thích Nhất Trí, Thích Hải Từ, Thích Tâm Khoan, Thích Trừng Gia, Thích Hưng Dụng... kế thế trụ trì, thời nào cũng có trùng tu tôn tạo.”. Bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814, như thế trước năm 1814 chùa Kim Tiên đã được “trùng tu và sửa sang lại” do công đức của một bà chính phi của vua Gia Long đang tại vị. Nguồn tư liệu về việc Thừa Thiên cao hoàng hậu trùng tu chùa Kim Tiên không thấy tác giả Không Lực dẫn, nhưng từ thế kỷ XIX vẫn có các sư trụ trì như Hòa Thượng Thích Đạo Thành, Thích Nhất Trí…là có thật. Thật vậy, sự kiện này được cung cấp trên web Hoa mộc Lan: “Dưới triều nhà Nguyễn, từ đời Vua Gia Long đến trước đời vua Tự Đức, chùa [Kim Tiên] cũng đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo và đã được các vị Hoà thượng: Tế Quảng, Đại Quán, Đạo Thành, Tánh Thông, Hải Thuận, Hải Từ, Thanh Đức kế tục đảm nhiệm trụ trì. Bẵng đi một thời gian khá dài, chùa không có người xuất gia trụ giữ vì chiến tranh loạn lạc, chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng.(web hoa mộc lan). Hệ quả: Từ thời vua Gia Long, các sư trụ trì suốt tiền bán thế kỷ XIX đã trùng tu chùa Kim Tiên rồi.

                 Hình 5:             Ảnh chùa Kim Tiên, ngôi chùa lớn được tôn tạo thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Thời Phú Xuân bị quân Lê-Trịnh, quân Tây Sơn chiếm đóng thì chùa bị điêu tàn. Thời Gia Long, chùa đã được trùng tu. Từ thời Gia Long đến 1866, chùa vẫn sinh hoạt bình thường. Sau loạn Chày Vôi chùa mới bị hoang phế lần nữa. đến thời Thành Thái-Duy Tân mới được tôn tạo

Như thế nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng nền móng chùa Kim Tiên trơ gan tuế nguyệt suốt thế kỷ XIX là sai sự thật lịch sử.Từ thời Gia Long đến thời Tự Đức chùa Kim Tiên đã được trùng tu. Vậy cụm từ “sau binh hỏa” trong ĐNNTC, viết về chùa Kim Tiên, là sau binh hỏa do Loạn Chày Vôi năm 1866 chứ không phải sau binh hỏa cuối thời Tây Sơn. Thật vậy sự kiện “Giặc Chày Vôi” do Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực, sư Nguyễn Văn Quí… hoạt động ở đồi Dương Xuân, có nhiều sư sãi tham gia… Đêm khởi sự, phe Đoàn Hữu Trưng - Nguyễn Văn Quý đã tổ chức đàn chay giải oan cho Hồng Bảo ở chùa Khoai (Pháp Vân tự) với nhiều vị sư ở các chùa trên đồi Dương Xuân tham gia cuộc lễ. Sau khi dẹp được giặc Chày Vôi, vua Tự Đực đã ra lệnh triệt giải nhiều chùa có liên đới, đến nỗi hoàng thái hậu Từ Dũ phải can thiệp. Binh hỏa trong vụ Đoàn Hữu Trưng, năm 1866, làm ảnh hưởng chùa Kim Tiên là có khả năng nhất. Vậy chùa Kim Tiên có thể hoang phế khoảng 30 năm, tính từ năm 1866. Đến thời Thành Thái-Duy Tân, cơn sốt “Giặc Chày Vôi” đủ nguội, dân sở tại mới tôn tạo chùa Kim Tiên. Vậy không có sự kiện chùa Kim Tiên bị bỏ hoang phế từ 1801 đến 1900 là do Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân từng ở. Từ thời Gia Long chùa đã được trùng tu và hoạt động trở lại. Sau binh hỏa do loạn Đoàn Trưng, chùa mới bị hoang phế.

3. Ai Tư Vãn cho biết Ngọc Hân không ở chùa Kim Tiên:

Nếu dựa vào Ai Tư Vãn, từ những cụm từ, câu thơ lảy ra những dữ kiện để làm cơ sở giả thuyết công tác “Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên” và sáng tác Ai Tư Vãn ở chùa này thì cũng từ Ai Tư Vãn có thể thấy giả thuyết công tác trong [1] bị sai. Thật vậy, chúng tôi xin trích tám câu mà Ngọc Hân viết về nỗi buồn cô lẻ, trong cảnh góa bụa, khi ở lầu các; quan sát bốn bề: đông thấy thuyền buồm, tây thấy núi, nam thấy nhạn sa (chim nhạn chao cánh trên sông nước), bắc mù sương:

“Trông mái đông: lá buồm xuôi ngược,

Thấy mênh mông những nước cùng mây,

Đông rồi thì lại trông tây;

Thấy non cao ngất, thấy cây rườm rà.

Trông nam thấy nhạn sa lác đác,

Trông bắc thời ngàn bạc màu sương.

Nọ trông trời đất bốn phương,

Cõi tiên khơi thẳm, biết đường nào đi.” (Ai Tư Vãn)

Ở gò Bình An có chùa Thiền Lâm, chùa Từ Đàm, chùa Tuệ Lâm, chùa Kim Tiên…, khi ở trên lầu, dẫu cao, làm sao Ngọc Hân thấy phía đông có thuyền buồm xuôi ngược, phía nam có nhạn đang bay trên sông nước, chốc lát sà xuống bắt mồi như sa cánh. Nếu ở chùa Kim Tiên thì phía đông, phía nam chỉ thấy rừng (khoảng thế kỷ 18 vùng gò đồi có chùa Kim Tiên là xứ Lâm Lộc, còn rừng núi bao quanh, có nhiều mộ dân và tháp mộ các sư). Chỉ cần dựa vào 8 câu thơ trên cũng đoán ra Ngọc Hân không sáng tác Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên mà ở trong hậu cung, có lầu gác, của thành Phú Xuân thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và thời Tây Sơn. Thành này ở chừng phía đông nam của thành Huế hiện nay, chồng lên phòng thành Huế một phần. Phía đông thành Phú Xuân xưa có sông Hương, gần cảng sông Thanh Hà, Bao Vinh, thuyền buồm của khách buôn xuôi ngược. Phía nam là khúc sông Hương giữa hai cồn Dã Viên, cồn Hến, ít thuyền bè hơn, yên ắng hơn nên chim nhạn thường đến săn mồi. Ngay hiện nay thỉnh thoảng còn thấy chim nhạn chao cánh ở khúc sông Hương trước chợ Đông Ba. Phía bắc thành này chắn chắn có hai chi lưu Kim Long, Bạch Yến của sông Hương và ruộng đồng của làng Đốc Sơ, Thác Lạc…nên “ngàn bạc màu sương” là hợp lý.

              Hình 6:    Ảnh chụp vệ tinh vùng Huế, trên đó chúng tôi ký chú khu vực có chùa Kim Tiên. Nếu Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên thì Bắc thấy khe, Nam thấy rừng, Đông thấy ruộng, Tây thấy núi.

Vậy không thể có sự kiện Tây Sơn trưng dụng chùa Kim Tiên để làm phủ riêng của Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân. Và cũng không có việc Ngọc Hân sáng tác Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên. Một nhà thơ có vị thế trong văn học sử, một phụ nữ được giáo dưỡng đầy đủ như công chúa Ngọc Hân không thể hành xử kiểu “thiếu văn hóa” như Thái sư Bùi Đắc Tuyên, đó là chấp nhận chiếm “danh lam cổ tự” để ở! Chắc chắn Hải Lượng đại thiền sư Ngô Thì Nhậm, đạo sĩ Phan Huy Ích, những đại thần thân cận của Ngọc Hân sẽ không đồng tình Tây Sơn chiếm ngôi chùa bậc nhất ở Phú Xuân, rồi đưa Bắc cung hoàng hậu lên ở, việc này rất “thất nhân tâm”. Có dạo đại thần Ngô Thì Nhậm ẩn tu ở thiền viện Trúc Lâm (phường Bích Câu) và đại thần Phan Huy Ích cũng tu tiên ở quán Bảo Chân, phải chăng các ông “buồn” việc quan thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng hành ở kinh đô Phú Xuân? Trừ khi triều đình Cảnh Thịnh ép Bắc cung hoàng hậu đi tu ở chùa Kim Tiên! Nên chăng xem lại giả thuyết công tác với cơ sở mang tính tư biện như [1], kẻo làm sai lạc hành trạng một nhân vật lịch sử mà cuộc đời vốn đầy bi kịch như Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân.

4. Không ở chùa Kim Tiên vẫn được tôn xưng “Bà Chúa Tiên”.

Tác giả công trình [1] cho rằng người đời còn tôn xưng Ngọc Hân công chúa là “Bà Chúa Tiên”, với lý do Ngọc Hân công chúa từng ở chùa Kim Tiên, ngôi chùa có huyền thoại về những nàng tiên xuống tắm ở giếng Tiên và khi trùng tu mở rộng chùa Kim Tiên, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có dựng lầu Vọng Tiên. Một bà hoàng thái hậu góa bụa, lên chiếm chùa thờ Phật để ở, không thành ni sư lại thành tiên. Nghiên cứu lịch sử kiểu này y như viết kịch bản phim thần thoại! Tuy nhiên, đã đề cập sự kiện dân gian tôn xưng Ngọc Hân công chúa là “ Bà chúa Tiên” thì chúng tôi cũng xin thảo luận quanh danh xưng “Bà Chúa Tiên” vậy. Giới nghiên cứu ở Huế đều nhất trí phủ Dương Xuân thường được dân gian gọi là phủ Thợ Đúc, phủ Trên, phủ Tiên. Ở làng Dương Xuân Hạ, thôn Hạ 1, còn có những di tích, di vật có liên quan phủ Tiên. Có giếng Tiên, gần miếu Sơn Thần rất linh hiển, dân gian cũng gọi là miếu Tiên. Dòng khe nối thông sông Hương với Bàu Vá, chảy qua làng Hạ, tức Dương Xuân Hạ, cũng có tên là khe Tiên. Qua Ai Tư Vãn được biết Bắc cung hoàng hậu có đến các đền miếu để cầu đảo, xin thuốc tiên để cứu vua Quang Trung khi lâm bệnh:

“Từ nắng hạ mưa thu trái tiết,

Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.

Xiết bao kinh sợ, lo phiền,

Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu” (Ai Tư Vãn)

Theo cách lý giải của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, do có từ Tiên trong những danh xưng vừa nêu, chúng tôi cũng có thể đưa giả thuyết Bắc Cung hoàng hậu Ngọc Hân từng cầu đảo ở các miếu trong đó miếu Tiên, múc nước thánh ở giếng Tiên để chửa bệnh cho vua Quang Trung. Có khả năng bà Ngọc Hân từng ngự ở một hành cung, có tiền thân là một cung thất của vương phủ Dương Xuân cũ, cơ sở này về sau biến thành đình ấp Dương Hòa ( thôn Hạ 1). Một bà công chúa con vua Lê, ngự ở phủ Tiên, đến miếu Tiên để cầu đảo, có sử dụng giếng Tiên… nên dân gian gọi bà là Bà Chúa Tiên.

                                                          Hình 7:    Đình ấp Dương Hòa, thuộc làng Dương Xuân Hạ, dựng trên cung thất cũ thuộc phủ Tiên.

                                                                      Hình 8:        Ảnh chụp miếu sơn thần ở gần giếng Tiên, dân gian làng Hạ có khi gọi là miếu Tiên.

 

 

                                                                         Hình 9:         Giếng Tiên ở Dương Xuân Hạ, một thời là nơi lấy nước thánh của miếu Tiên.

                                                                                                   Hình 10:    Ảnh chụp một đoạn của Khe Tiên ở Dương Xuân Hạ

Chúng tôi lý giải danh xưng “Bà Chúa Tiên”, mà dân gian dành cho Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân, theo cách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì thấy hợp lý hơn cách lý giải của ông. Bà công chúa trở thành Bắc cung hoàng hậu, từng ở phủ Tiên để cầu đảo ở miếu Tiên thì dân gian tôn xưng là “Bà Chúa Tiên”, cũng thuận lý. Tuy nhiên tất cả chỉ là giả thuyết, vậy danh xưng “ Bà Chúa Tiên” không thể làm cứ liệu để khẳng định người được dân gian tôn xưng ấy từng ở chùa Kim Tiên, để rồi bất chấp ý kiến phản biện của các nhà nghiên cứu khác.


 

Vấn đề II               TRIỀU TÂY SƠN CÓ TÔN TẠO PHỦ DƯƠNG XUÂN THÀNH CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG ĐỂ VUA QUANG TRUNG Ở VÀ LÀM VIỆC KHÔNG?

1.        Đan Dương cung điện là sơn lăng:

Dựa vào câu thơ “Đan Dương cung điện nhật tam thu” và một câu trong phần nguyên chú của bài thơ Cảm Hoài của Ngô Thì Nhậm sáng tác khi đi sứ báo tang năm 1792 “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã giải mã và khẳng định triều Tây Sơn có dựng một cung điện Đan Dương trên nền cũ của Phủ Dương Xuân, để vua Quang Trung ở và làm việc, khi nhà vua mất thì triều Tây Sơn táng trong cung điện ấy để giữ bí mật và Đan Dương cung điện biến thành Đan Dương lăng. Không có một tư liệu lịch sử nào cho biết triều Tây Sơn có xây dựng cung điện Đan Dương để vua Quang Trung ở và làm việc khi còn tại vị. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rất tâm đắc với việc phát hiện “thông tin vô giá” trên. Cần rà soát giả thuyết mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lấy làm tâm đắc này.

CUNG, ĐIỆN là những chữ Hán không những chỉ nơi vua, chúa, hoàng tộc ở và làm việc mà còn chỉ nơi thánh, thần ngự nữa. Nơi vua chúa ở và làm việc gọi là CUNG, ĐIỆN như Trung Hòa điện, Cần Chánh điện, An Định cung, Diên Thọ cung… Nơi thánh thần ngự cũng gọi là cung, điện như: Huệ Nam điện, Thiên Hậu cung,… Như thế các từ CUNG, ĐIỆN có ít nhất hai nghĩa. Cụm từ “ĐAN DƯƠNG CUNG ĐIỆN” trong bài “CẢM HOÀI” của Ngô Thì Nhậm, sáng tác trong thời gian đi sứ ở Trung Quốc để báo tang, không có ý giới thiệu một công trình kiến trúc mà vua Quang Trung sử dụng khi còn sống. Ngô Thì Nhậm dâng sớ của vua Cảnh Thịnh lên vua Càn Long, có tâu dối việc Tây Sơn táng tiên đế Quang Trung ở Linh Đường, nam kinh thành Thăng Long theo ý nguyện của tiên đế. Vì thế Ngô Thì Nhậm phải giữ bí mật quốc gia: Tây Sơn táng vua Quang Trung ở Phú Xuân. Nếu bài thơ CẢM HOÀI, có giới thiệu cung điện Đan Dương mà vua Quang Trung từng ngự, được một đại thần nào của triều Thanh đọc, qua bài thơ biết nhà Tây Sơn từng có xây dựng cung điện Đan Dương, sau khi băng hà, triều đình Cảnh Thịnh táng tiên đế trong cung điện ấy và cung điện Đan Dương thành lăng Đan Dương (kiểu giải mã của nguyễn Đắc Xuân) thì hóa ra họ Ngô đã để lộ bí mật quốc gia. Vì Ngô Thì Nhậm sợ có người đọc “Đan Dương cung điện” rồi hiểu nhầm (theo cách giải mã của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân) Tây Sơn táng tiên đế Quang Trung trong một cung điện mà sinh thời nhà vua từng ở và làm việc thì rõ ràng Tây Sơn táng tiên đế ở kinh đô Phú Xuân rồi! Họ Ngô sẽ phạm tội để lộ bí mật quốc gia! Vì thế họ Ngô buộc phải nguyên chú “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta, quan san muôn dặm, không được trông coi, trông vời viên lăng, không ngăn được tấm lòng, một ngày bằng ba thu…”. Như vậy Ngô Thì Nhậm có ý nói khi ông dùng cụm từ “Đan Dương cung điện” là muốn chỉ “Đan Dương lăng” thôi. Từ một câu chú thích về “Đan Dương cung điện” để tránh hiểu nhầm, sợ lộ bí mật quốc gia của Ngô Thì Nhậm, tác giả công trình [1] lại khẳng định vua Quang Trung cho dựng “Đan Dương cung điện” khi còn tại vị thì quá tư biện và tự mâu thuẫn: Tây Sơn an táng tiên đế bí mật rồi Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm để lộ bí mật.

                                                                                                                   Hình 11:       Tượng thờ Ngô Thì Nhậm (nguồn W)

 

 

                                                                  Hình 12:       Đoàn sứ giả Việt đang bệ kiến hoàng đế Trung quốc (Ảnh chỉ minh họa)

2.       “Tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu”:

Do Phan Huy Ích sáng tác bài thơ XUÂN ĐỀ KỶ SỰ khi ông ở nhà CÔNG QUÁN (Cơ quan ngoại giao của triều Tây Sơn), trong phần nguyên chú có câu “Tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu” nên nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giải mã: Đan Dương lăng ở cạnh nhà Công Quán, nhà Công Quán ở gần dinh Thái Sư Bùi Đắc Tuyên, mà dinh Thái Sư là do Tây Sơn trưng dụng chùa Thiền Lâm… nên Đan Dương lăng ở gần chùa Thiền Lâm (xưa).

                                                                                                         Hình 13:       Ảnh chụp tranh vẽ Phan Huy Ích (nguồn W)

Thời Tây Sơn ở Phú Xuân, ít nhất có hai lăng, một là lăng bà Tả cung họ Phạm ( mẹ của vua Cảnh Thịnh) và Đan Dương lăng của vua Quang Trung. Lăng nào cũng có “tiểu giám hộ lăng”. Tại sao khi nói đến “tiểu giám hộ lăng” là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân liền khẳng định những người ấy giữ lăng vua Quang Trung ? Thế lăng bà Tả cung họ Phạm, mẹ của hoàng đế Cảnh Thịnh ở tận núi Kim phụng [theo PGS. TS Đỗ Bang] cũng có “tiểu giám hộ lăng” và mấy vị này cũng có thể “thường đến hầu rượu” đại quan Phan Huy Ích được. Chẳng hạn những vị ấy là đồng hương, là thuộc viên cũ của quan lớn họ Phan, thường kiếm được thú rừng và mang về làm nhắm hầu quan uống rượu. Theo Phan Huy Ích bọn ấy là “khách thân” của họ Phan mà. Thế thì tiểu giám hộ lăng thường đến hầu rượu không đủ chứng lý để khẳng định nhà Công quán, cơ quan ngoại giao của Tây Sơn, nằm sát lăng vua Quang Trung. Hơn nữa nhà Công quán là nơi có sứ thần nước ngoài lui tới, mà “tiểu giám hộ lăng” của ngôi lăng bí mật như lăng vua Quang Trung thường tới nhà Công quán để hầu rượu quan Phan Huy Ích, thử hỏi Tây Sơn có giữ bí mật lăng vua Quang Trung được không? Năm 1796, Ngô Thì Nhậm “thường vào triều cận” Cảnh Thịnh, rồi khẳng định nhà Ngô Thì Nhậm ở cạnh cung điện của Cảnh Thịnh ư? Chi tiết này cũng đủ thấy công trình [1] lại mâu thuẫn nội tại. Vì triều đình giữ bí mật nơi an táng tiên đế Quang Trung nên chọn cách táng xưa nay hiếm, đó là táng ngay trong cung điện mà tiên đế từng ngự. Để rồi những nhà thơ như Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích lại làm thơ để lộ bí mật nơi triều đình Tây Sơn táng vua Quang Trung!

3.        Có thật triều Nguyễn muốn giấu di tích phủ Dương Xuân không ?

Quốc sử quán triều Nguyễn khi soạn Đại Nam nhất thống chí đã nói thực về việc họ không khảo được dấu tích của phủ Dương Xuân. Hai bản ĐNNTC vào hai đời vua Tự Đức và Duy Tân có sự sai lệch về địa giới hành chánh nơi chùa Thiền Lâm tọa lạc là do thời bấy giờ vùng Lâm Lộc quanh Thiền Lâm đang được dân làng Phú Xuân, An Cựu, Dương Xuân… khai phá…Đất Phú Xuân, An Cựu, Dương Xuân khai thác ở xứ Lâm Lộc đan xen vào nhau, thường xuyên biến động do các chủ đất buôn bán, chuyển nhượng, dâng cúng cho chùa, dẫn đến địa giới hành chánh thay đổi cũng là chuyện thường xảy ra. Thậm chí có xảy ra tranh tụng đất đai ở vùng này. Hơn nữa chùa Thiền Lâm có thay đổi địa điểm khi Nam Giao tân lộ được xây dựng từ thời vua Thành Thái, địa điểm cũ ở phần đất xã này và địa điểm mới ở phần đất xã kia, dẫu hai địa điểm cũ và mới gần nhau. Chỉ ngần ấy thôi thì nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chưa đủ bằng chứng để qui chụp Quốc Sử quán triều Nguyễn cố tình che giấu địa điểm phủ Dương Xuân như cố tình che giấu Đan Dương lăng. Đan Dương lăng mất tích, Phủ Dương Xuân mất tích và nhà nghiên cứu nhập hai công trình thành một, rồi khẳng định: Triều Tây Sơn đã dựng cung điện Đan Dương trên nền cũ của phủ Dương Xuân, và về sau triều Nguyễn buộc phải tìm cách che giấu địa điểm phủ Dương Xuân để che giấu Đan Dương lăng. Đây chỉ là sự hoài nghi khoa học, không có tư liệu lịch sử chứng minh. Cao lắm là giả thuyết công tác trong khảo cổ học mà thôi. Tại sao nhà nghiên cứu dám khẳng định mình đã giải mã được bí mật Đan Dương lăng với những cơ sở không chắc chắn và mang tính tư biện chủ quan?.

Nếu triều Nguyễn cố tình giấu Phủ Dương Xuân-Đan Dương lăng, nằm trên gò Bình An theo khẳng định của NNC Nguyễn Đắc Xuân, thì khu vực gò Bình An thuộc bờ nam sông Hương phải bị cấm tuyệt đối, từ hoàng tộc đến quan, dân. Thời Thành Thái, Duy Tân, quốc sử quán triều Nguyễn được lệnh giấu nơi “chôn nhau cắt rốn” của hoàng đế Gia Long (phủ Dương Xuân), theo suy diễn của NNC Nguyễn Đắc Xuân, thế mà từ thời Gia Long, Minh Mạng trước đó, triều đình cho phép các bà hoàng, các thân vương vào tôn tạo chùa cổ, lập sanh phần hoặc tẩm mộ, chưa kể dân sở tại cũng tự do vào lập nương rẫy, có đào xới… ở gò Bình An thì không sợ lộ bí mật hay sao? Khi xây dựng tẩm mộ là có đào huyệt, đào móng. Liệu còn giữ bí mật được không khi mộ to mộ nhỏ ào ạt được dựng ở gò bình An? Trong bài “Lăng mộ của người An –Nam trong phụ cận Huế” (L.Cadierre, B.A.V.H, tập XV, 1928, bản dịch Hà Xuân Liêm, Nhà XBTH, 2004) đã công bố hằng trăm ngôi lăng mộ, riêng thôn Bình An có khoảng 40 ngôi lớn nhỏ, được đánh số từ 30 đến 70. Xin được trích dẫn một số đoạn:

-38. Làng Phú Xuân, thôn Bình An-Đồ bản A.

Văn khắc:

Nghi Hoà Quận Công thụy Cung Lượng chi tẩm. “Tẩm của ông Quận công Nghi Hòa, thụy hiệu là Cung Lượng”. Đây chính là Hoàng tử Miên Thần, con trai thứ 7 của vua Minh Mạng, sinh ngày 16-2-1817, mất ngày 07-10-1878; cha của 11 người con trai và 3 người con gái….

-42. Làng Phú Xuân, thôn Bình An .

Văn khắc:

Duy Tân nhị niên xuân.

Tiền triều Mỹ nhơn Phạm Thị thụy Cẩn Thuận chi mộ.

“Năm Duy Tân thứ hai, vào mùa xuân (1908).

Mộ của bà Mỹ nhơn triều vua trước, họ Phạm Thị, thụy là Cẩn Thuận”…

-66. Làng Phú Xuân, thôn Bình An-Đồ bản A.

Văn khắc:

Quảng Biên Quận Công htụy Cung Lượng chi tẩm .

“Tẩm của Quận Công Quảng Biên, tên thụy là Cung Lượng.”

Đây chính là hoàng tử Miên Gia, con trai thứ 32 của vua Minh Mạng, sinh ngày 12-5-1826, mất ngày 20-7-1875, có 145 con trai, 11 con gái…”

Biết bao người lui tới, đào xới ở gò Bình An và dân sở tại trồng trọt, canh tác ở gò và tăng chúng tu tập ở các cổ tự ở đó thì làm sao mà giữ bí mật nơi từng có lăng mộ vua Quang Trung. “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Sự kiện chùa Kim Tiên bị hoang phế còn có ca dao “nói xa nói gần” huống gì mộ “Ngụy Huệ” bị quật phá mà không còn bia miệng hay sao ? Nên chăng khi không có bằng chứng lịch sử đáng tin cậy thì khoan qui chụp người xưa, vì người xưa không nói được!

Ở gò Bình An có chùa Thiền Lâm là một đại danh lam, chùa Ấn Tôn là một cổ tự có sư phụ Tử Dung của tổ Liễu Quán, chùa Kim Tiên cũng là cổ tự như chùa Huệ Lâm. Nếu phủ Dương Xuân nằm ở gò Bình An, với hằng trăm mỹ nữ, hằng ngàn quân lính thường xuyên túc trực, rồi tàu ngựa, chuồng voi…ở lẫn chùa chiền, thử hỏi hai cách sinh hoạt đạo đời lẫn lộn có được hay không ?. Nếu như các công trình sư thời chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng chùa Thiền Lâm sát gần tàu tượng, tàu ngựa, trại lính, cung thất của cung phi mỹ nữ của vương phủ Dương Xuân thì quá bất cập. Tất yếu Thạch Liêm hòa thượng Thích Đại Sán và đệ tử Từ Tế đạo nhân sẽ phản đối các công trình sư kém cỏi ấy.

Hình 14:       Gò Bình An nếu có cung điện Đan Dương thì cung điên này bị các chùavà tháp sư đoạt hướng, trong phong thủy đó là điều tối kỵ.

Đến thời Tự Đức có loạn Đoàn Trưng Đoàn Trực, có một số sư sãi tham gia cuộc loạn nên các chùa bị quân lính vua Tự Đức và quân Chày Vôi gây cháy… và vua Tự Đức cũng ra lệnh triệt giải một số chùa có dính líu cuộc loạn. Kết quả hoang tàn đổ nát với những đống giải hạ về sau được dân làng Phú Xuân san lấp để lập ấp Bình An vậy. Thật đáng buồn cho vong hồn của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, khi có người cho rằng ngài đã từng ngự ở cung điện Đan Dương, được dựng trên nền cũ của phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn, bốn bề bao bọc bởi chùa, các tháp sư, rừng Lâm Lộc và mộ địa của cư dân Dương Xuân. Đến khi băng hà Đan Dương lăng nằm cạnh những tháp sư được sắc tứ.Thế thì các tiến sĩ triều Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích…những ngày triều cận Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản (1796) không có ý kiến hay sao!!! Không lẽ đến thời Tây Sơn đóng đô ở Phú Xuân, không còn đất công để xây cung điện và lăng tẩm ư? Rất mong nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân chỉ ra cái “thiếu cơ sở khoa học” trong những phản biện của chúng tôi hoặc nhà nghiên cứu soát xét những mâu thuẫn nội tại trong công trình [1] của mình.


 

Vấn đề III            DẤU TÍCH THÀNH LŨY DO VUA QUANG TRUNG CHO ĐẮP THÊM Ở THÀNH PHÚ XUÂN?

Thành Phú Xuân do Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát xây dựng, quân đội Lê-Trịnh chiếm cứ và triều Quang Trung, Cảnh Thịnh có tôn tạo, tạm gọi thành Phú Xuân xưa. Thành này ở đâu, qui mô như thế nào, vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Các nhà nghiên cứu đã tốn khá nhiều công sức để tìm thư tịch cổ, viết về thành Phú Xuân, và đã thống nhất một số điểm khi xử lý chúng. Tuy nhiên chưa có thao tác khảo cổ học nhằm tìm kiếm dấu tích móng, nền của thành ngoại, thành nội, tử cấm thành, cung, đài, điện, các… như đã làm đối với hoàng thành Thăng Long, thành Hoàng Đế hay thành nhà Hồ… Bên cạnh đó, giới nghiên cứu cũng đề cập một công trình phụ, gắn bó với thành Phú Xuân xưa, là thành lũy do vua Quang Trung cho lệnh xây thêm quanh nơi “dinh ông ở” để phòng thủ kiểu thời chiến.

Sở dĩ các nhà nghiên cứu đặt vấn đề tìm dấu tích thành lũy dựng thêm ấy là để góp phần xác định vị trí của thành Phú Xuân xưa. Các nhà nghiên cứu thường dựa vào đoạn trích trong bức thư của giáo sĩ La Bartette, viết ngày 23-7-1788 để rút ra những thông tin cần thiết cho việc tìm kiếm: “Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự:ông đã cho xây một bức tường cao 20 pieds (6,48m)chung quanh dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ”(Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, tr. 235). Việc tìm kiếm dấu tích của thành lũy đắp thêm này cũng có hai hướng, chưa thấy hướng khác:

-  Tìm ở gò Bình An, trước là xứ Lâm Lộc của đồi Dương Xuân (Hướng A)

-  Tìm trên vương đảo có 8 làng trong đó làng Phú Xuân là chính (Hướng B).

Chúng tôi mạo muội trình bày thiển ý, không ngại điều kiện nghiên cứu hạn hẹp của mình, trong tinh thần khoa học, với ước mong các nhà nghiên xem xét để coi hướng nào có sức thuyết phục nhất thì nên đề xuất cơ quan hữu trách tổ chức thao tác khảo cổ học.

1. Hướng A kỳ thú nhưng thiếu thuyết phục:

a)    Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân theo hướng A khi cho rằng, thời vua Quang Trung ở Phú Xuân [1786-1792], nhà vua có dựng cung điện Đan Dương, trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân ở gò Bình An, để sinh hoạt. Khi nhà vua băng hà, triều Cảnh Thịnh táng vua Quang Trung trong cung điện Đan Dương để giữ bí mật. Từ đó Đan Dương cung điện trở thành Đan Dương lăng. Điều kỳ thú là với giả thuyết công tác dẫn đến một số hệ quả như: Tây Sơn chiếm chùa Kim Tiên để Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân ở, sau khi vua Quang Trung băng hà thì lo hương khói ở “Thái Tổ miếu” ( Thanh miếu thờ Quang Trung và Tả cung họ Phạm ). Triều Tây Sơn cũng xây dựng nhà Công quán gần lăng và nhà ngoại giao Phan Huy Ích ở và làm việc tại nhà Công quán và từng sáng tác bài thơ “Xuân đề kỷ sự”.Quan Thái sư Bùi Đắc Tuyên thời Tây Sơn cũng lên trưng dụng chùa Thiền Lâm để làm dinh Thái sư...Dựa vào thư của La Bartette, có thể suy ra vua Quang Trung ắt phải xây thành lũy chung quanh “cấm thành Tây Sơn” ở gò Bình An để phòng chống “thủy quân” của địch. Cấm thành của Tây Sơn được bao bọc bởi các chùa cổ như Ấn Tôn, Thánh Thọ, Viên Giác, Huệ Lâm, Kim Tiên. Đặc biệt cấm thành mới này cũng có mặt vài chục tháp mộ của các sư trụ trì của các chùa cổ nói trên, được các đời chúa sắc tứ.

Chỉ cần phác thảo trong đầu bình đồ của “cấm thành Tây sơn” ở gò Bình An như trên thì thấy kiến giải trong [1] quá ư bất cập. Thật vậy:

Triều Tây Sơn chôn cất bí mật vua Quang Trung ở cung điện Đan Dương, có tiền thân là phủ Dương Xuân, gần một số đại danh lam. Mặc dầu một số chùa đã trưng dụng kiểu thời chiến, nhưng rõ ràng vua Quang Trung, vua Cảnh Thịnh không chủ trương dẹp bỏ Phật giáo (dẫu sao Ngô Thì Nhậm là một đại thiền sư phái Trúc Lâm Yên Tử) nghĩa là một bộ phận sư sãi, đạo tràng vẫn làm Phật sự ở gần gò Bình An, các nhân viên ngoại giao của nước ngoài vẫn thường xuyên lui tới nhà Công quán… thì liệu còn giữ bí mật việc chôn cất tiên đế Quang Trung ở gò Bình An không?

                                                                                                        Hình 15:       Các vị tu sĩ đang hành lễ (Ảnh chỉ minh họa)

b) Nếu tin vào phong thủy thì không ai phủ nhận khu vực gò Bình An là một cát địa. Bằng chứng trước khi Tây Sơn đến thì chí ít cũng có nhiều đại danh lam và tháp sư đã được dựng ở đây, “long mạch” đã bị các “ tháp mộ” của các cao tăng “ thu hút”, chưa kể hàng vạn hoang mộ rái rác ở gò này. Vùng nam sông Hương còn nhiều địa cuộc, hoang vu, vừa bảo đảm “long mạch” dồi dào, vừa bảo đảm bí mật nơi an táng vua Quang Trung lại bị các địa lý gia triều Tây Sơn bỏ qua hay sao ?. Hậu chẩm của Đan Dương lăng (nếu tọa lạc ở gò Bình An) cũng như “não đường” của ngôi lăng bị “đoạt long” bởi các “công trình kiến trúc cổ” như các chùa Ấn Tôn, Viên Giác, Thánh Thọ, và dương cơ của các cư dân Dương Xuân.

                                                                                                          Hình 16:       Chùa Ấn Tôn (Từ Đàm) (Ảnh chỉ minh họa)

                                                                Hình 17:       Ảnh chụp cổng chùa Thiên Thọ (Bảo Quốc), chùa có tháp sư ở gò Bình An

 

                                                                                                                          Hình 18:       Một tháp sư ở gần cồn Bông Sứ

                                                                             Hình 19:       Tượng Phật Quan Âm ở trước chùa Viên Giác, thuộc gò Bình An

c) Trong phong thủy cũng rất tối kỵ những cuộc đất ô uế. Nếu táng tiên đế Quang Trung vào nơi có phủ Dương Xuân thì chất thải của hằng trăm cung phi mỹ nữ của phủ mùa đông, hằng ngàn lính, hằng trăm con ngựa, vài chục thớt voi, chưa kể thiện nam tín nữ của đại danh lam Thiền Lâm từng sinh hoạt ở gò Bình An trên dưới 200 năm… thì “long mạch” đã bị uế. Địa lý gia thời Tây Sơn quả là “vô ý” khi tham mưu cho triều đình Tây Sơn thời Cảnh Thịnh, khi an táng vua Quang Trung vào một nơi đầy chất thải của người và súc vật. Một điều tối kỵ trong việc an táng hoàng đế.

                                                                                                                 Hình 20:       Cung nữ ngày xưa (Ảnh chỉ minh họa)

                                                                                                                      Hình 21:       Một tàu tượng (Ảnh chỉ minh họa)

                                                                                                                       Hình 22:       Một tàu ngựa (Ảnh chỉ minh họa)

d) Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị phe Vũ Văn Dũng – Trần Văn Kỷ đảo chánh và dìm chết ở sông Hương từ năm 1794, thế thì đến năm 1801 đâu còn binh lính đáng kể ở gò Bình An. Khi tiền đồn Qui Sơn bị vỡ thì vua tôi Tây Sơn đã chạy ra Bắc, không kịp mang ấn tín…thì đâu có trận đánh lớn nào ở gò Bình An, để rồi có hằng ngàn “mả loạn” (đúng ra là “mả ngụy”) làm di vật di chứng cho “giả thuyết khoa học” của công trình [1].

Hình 23:       Vùng núi Qui Sơn, nơi trận đánh ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Vương vào tháng 5 Tân Dậu. Tây Sơn thua to ở đây. Vua tôi Tây Sơn bỏ chạy ra Bắc. Khi đại quân chiến thắng của Nguyễn Vương vào Phũ Xuân thì quân Tây Sơn đã vỡ, đâu còn đánh nhau lớn ở chùa Thiền Lâm.

e) Nguyễn Huệ là thiên tài quân sự của thế kỷ 18. Chắc chắn binh thư nằm lòng. Sáu năm ở Phú Xuân phần lớn nhà vua lo đánh nhau và phòng thủ. Ông phải đề phòng những đối thủ mạnh về thủy chiến như quân Gia Định, quân Thanh, quân Qui Nhơn,… Chưa kể Nguyễn Huệ thừa biết pháo binh của quân Gia Định được trang bị đại bác Tây. Thế thì Nguyễn Huệ không dại gì đóng “đại bản doanh” ở vùng trũng của cái gò thuộc xứ Lâm Lộc ( sau là ấp Bình An); đông bắc là đồi Dương Xuân có chùa Ấn Tôn, Tây Bắc có cồn Bông Sứ, Tây Nam cũng đồi Dương Xuân có chùa Kim Tiên, trước mặt là khe Kim Tiên thông với Bàu Vá. Phòng thủ ở gò Bình An thì xây thành để chống pháo và bộ binh là một trò hề!. Quân địch ở chung quanh và ở trên cao, có thể thấy mọi hoạt động trong thành. Quân địch chỉ cần xô đá tảng từ trên các mỏm cao tứ phía của đồi Dương Xuân, là tạo “thế năng” chuyển thành “động năng” lớn; đủ “đè bẹp” cung điện “Đan Dương” của Tây Sơn! Ai từng ở Huế hay từng đọc “ Phấn thông vàng” của Xuân Diệu đều biết “ Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng”, thẳng vì đứng ở đàn Nam Giao theo “Nam Giao tân lộ”, được Tây xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, có thể thấy kỳ đài, không bằng là vì đổ dốc rồi lại lên dốc. Đoạn đổ dốc là khi qua chùa Ấn Tôn (Từ Đàm), Thiền Lâm, gò Bình An, cống bắc qua khe Kim Tiên…, rồi lên dốc khi gặp đồi Dương Xuân. Trong binh pháp, chỗ gò Bình An là “tử địa”, không bao giờ Nguyễn Huệ xây thành lũy ở đó để phòng thủ quân sự và chống thủy binh địch; trừ khi nhà vua “phát tâm bồ đề”, cầu tam bảo che chở mới lên ở khu vực mà chung quanh có chùa Thiền Lâm, Ấn Tôn, Huệ Lâm, Kim Tiên!

Chừng ấy vấn nạn đủ thấy giả thuyết về việc vua Quang Trung xây cung điện Đan Dương và thành lũy phòng thủ ở vùng gò thấp, gần khe Kim Tiên của đồi Dương Xuân cao rộng là không có sức thuyết phục về mặt phong thủy cổ, về mặt quân sự, về mặt chính trị…

Khi vua Quang Trung không bao giờ “ẩn tu” ở một cung điện nào trên gò Bình An thì những “thành lũy” đắp vội kiểu thời chiến làm sao có mặt ở khe Kim Tiên. Vậy phải trở lại khảo sát điền dã trên “vương đảo” giới hạn bởi sông Hương và chi lưu Kim Long, đầu sông thu nước sông Hương (gần đình Kim Long) cuối sông đổ nước vào sông Hương ở làng cổ Lạc Nô, gần Thế Lại Thượng. Hướng A của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không hợp tính cách của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ!

2.  Hướng B và cách tiếp cận vị trí thành Phú Xuân, dấu tích thành lũy vua Quang Trung cho đắp thêm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng viết : “ Đánh chiếm Huế, Nguyễn Huệ không vào thành Phú Xuân như John Barrow đã viết. Ông lấy phủ Dương Xuân làm nơi trú tất. Bởi vì phủ Dương Xuân ở trên gò cao không sợ thủy quân của đối phương, lại gần đường thượng đạo, thích hợp với đội quân người thượng và đàn voi ngựa đông đảo của ông. Sau đó không lâu ông tiến quân ra Thăng Long làm nhiệm vụ “phù Lê diệt Trịnh”. Lúc trở lại Phú Xuân ông mang theo nhiều của cải vật chất quý giá. Để bảo vệ số của cải này, ông cho xây một bức thành cao 20 pieds chung quanh phủ Dương Xuân như La Bartette đã phản ánh.”(Hội KHLS Tỉnh Thừa Thiên Huế, Tây Sơn-Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung, NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr.124).

Nếu dựa vào công trình [1] thì gò Bình An phải có thành cao 6,48 mét, như thế móng thành phải có bề ngang đáng kể. Dẫu vua Gia Long có phá tan thành bình địa thì chí ít cũng còn dấu tích móng thành với chân móng có kích thước đáng kể. Đằng này ở ấp Bình An chỉ có dấu tích tường xây của những công trình nhỏ như chùa chiền, tháp sư, tẩm mộ hoàng tử, công chúa, phi tần. Không có cung điện của vua Quang Trung ở gò Bình An thì rõ ràng hoàng gia Tây Sơn ở thành Phú Xuân là hợp lý. Hơn nữa vị trí tương đối của tử cấm thành và đàn tế trời của Tây Sơn cũng phải tuân theo những qui luật nhất định. Vua Quang Trung ngự ở vùng Lâm Lộc (có gò Bình An) thì có phù hợp với một vị hoàng đế như vua Quang Trung không? Chúng tôi xin trở lại thành Phú Xuân và dấu tích chiến lũy bên bờ sông mà vua Quang Trung từng cho đắp để phòng chống thủy quân địch.

a)      Về một cách định vị trung tâm và bình đồ thành Phú Xuân thời Tây Sơn.

Có thể dẫn ảnh chụp vệ tinh đàn Nam Giao Thăng Long, Đàn Nam Giao thời Hồ ở Thanh Hóa, Đàn Nam Giao Tây Sơn ở Bình Định, Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế để so sánh và kiểm chứng qui luật về hướng thành và hướng đàn tế trời. Từ đó tìm cách xác định hướng đàn tế trời của Tây Sơn ở Phú Xuân.

Trước hết đạt hướng thành Thăng Long . Căn cứ vào ảnh chụp vệ tinh có thể thấy số con đường theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, song song với trục Cửa Bắc-Cửa Nam, ở thành nhà Nguyễn xây lại và khu phố cổ có thể đoán định thành Thăng Long tọa Cấn hướng Khôn kiêm Tí –Ngọ, tức theo hướng Đông Bắc-Tây Nam nghiêng nam một góc khoảng 200.. Công trình cổ như Điện Kính Thiên thuộc về triều Lê, cho nên khu vực có cửa Đoan Môn, cột cờ chưa phải là trung tâm của thành Thăng Long thời Lý Trần. Các nhà nghiên cứu có xu hướng tìm trung tâm của hoàng thành Thăng Long thế kỷ XI, XII là ở phía đền Bạch Mã, bắc hồ Hoàn Kiếm. Còn khu vực có dấu tích đàn Viên Khâu thời Lý, theo giáo sư Phan Huy Lê trong bài Được mùa đàn nam giao, đăng ở welcom IVCE năm 2009 cho biết “ Các nhà nghiên cứu đều thống nhất chỉ định di tích của điện Nam Giao ở vào khoảng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo trước đây, gần cửa ô Cầu Dền thuộc quận Hai Bà Trưng, khoảng giữa các phố Mai Hắc Đế, Thái Phiên, Đoàn Trần Nghiệp, Bà Triệu”. Nếu dóng một đường thẳng từ đền Bạch Mã đến tâm của khu vực giới hạn bởi các phố Mai Hắc Đế, Thái Phiên, Hai Bà Trưng, Đoàn Trần Nghiệp ở Hà Nội thì đường dựng được gần như chính hướng Bắc-Nam. Và như thế hướng hoàng thành Thăng Long thế kỷ XI sẽ là Đông Bắc-Tây Nam, nghiêng với hướng chính Bắc- Nam góc khoảng 200.

Text Box: A

Hình 24:       Ảnh chụp vệ tinh Thăng Long-Hà Nội, cùng ghi chú của tác giả về hướng hoàng thành(thời Lý) và hướng Đàn Viên Khâu( thời Lý).

                                                                       Hình 25:       Ảnh chụp vệ tinh khu vực A (trên hình 23) có Đàn Viên Khâu thời Lý.

Thứ đến nghiên cứu thành và đàn Nam Giao nhà Hồ qua ảnh chụp vệ tinh:

Trên ảnh chụp vệ tinh có thể thấy thành nhà Hồ “tọa càn hướng tốn”, tức là hướng Tây Bắc-Đông Nam, nghiêng Nam góc 30 0 . Con đường phía nam thành trùng với đường thần đạo của thành. Lại quan sát hai hố đào, trong đó có hố là “giếng ngọc” mới phát hiện ở Đốn Sơn thì có thể biết khu vực có dấu tích đàn Viên Khâu, nơi nhà Hồ tổ chức lễ tế trời vào tháng 8 năm Nhâm Ngọ [1402]. Lấy tâm của thành dóng một đường thẳng theo chính hướng Bắc-Nam thì đường dựng được đi qua giữa hai hố khai quật. Như vậy đàn Viên Khâu thời Hồ và tâm hoàng thành nhà Hồ nằm trên chính hướng Bắc-Nam và nghiêng với hướng thành góc khoảng 300.

 

    Hình 26:       Ảnh chụp vệ tinh thành nhà Hồ ở Thanh Hóa và ghi chú của tác giả về hướng thành và hướng đàn Nam Giao nhà Hồ.

                Hình 27:       Ảnh chụp vệ tinh khu vực B (trên hình 25) đang khai quật và từng phát hiện dấu tích đàn Nam Giao triều Hồ.

Tiếp theo thử nghiên cứu hướng thành Hoàng Đế và đàn Nam Giao Tây Sơn thời vua Thái Đức ở Nhơn Hậu, An Nhơn, Bình Định. Nhờ ảnh chụp vệ tinh có thể thấy thành Hoàng Đế thời vua Thái Đức theo hướng Tí –Ngọ tức chính hướng Bắc-Nam. Vì thành Hoàng Đế kế thừa thành cổ Chà Bàn của người Chiêm nên có hướng chính nam.Và căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp hố đào để tìm kiếm Đàn Nam Giao ở Gò Chùa (Nhơn Hậu) có thể thấy Gò Chùa ở phía Tây Nam của Tử Cấm Thành (có mộ Võ Tánh và lầu Bát Giác).

 

 

 

                                                                                 Hình 28:       Ảnh chụp vệ tinh khu vực Tử cấm thành của thành Hoàng Đế.

Trong bài báo đã dẫn, giáo sư Phan Huy Lê viết: “Về phía góc Tây nam của thành ngoại có một quả đồi cao khoảng hơn 37 m, hình tròn như bát úp. Đây là quả đồi cao và to nhất trong thành Hoàng Đế. Nhân dân thường gọi là Gò Chùa vì xưa kia có ngôi chùa cổ. Theo kết quả khảo cổ học thì trên đỉnh đồi và hân đồi, còn thấy nhiều gạch, ngói, đồ gốm Chămpa . Có thể thời kinh đô Vijaya, tại đây đã tồn tại một kiến trúc của tôn giáo Chămpa, sau bị tàn hủy và hoang phế. Chính trên Gò Chùa này, khảo cổ học đã phát hiện di tích đàn Nam Giao của thời Tây Sơn qua kết quả khai quật 2007”. Như vậy hướng của đàn Nam Giao nghiêng với hướng của thành Hoàng Đế góc khoảng 200

                                      Hình 29:  Ảnh chụp vệ tinh thành Hoàng Đế thời Tây Sơn, có ghi chú hướng thành và hướng đàn Nam Giao Tây Sơn.

 

                                           Hình 30:  Ảnh chụp khu vực đang khai quật khảo cổ học và phát hiện những dấu tích của đàn Nam Giao Tây sơn

Tiếp theo nữa, chúng tôi kiểm chứng qui luật trên qua ảnh chụp vệ tinh phòng thành Huếđàn Nam Giao triều Nguyễn thì thấy ngay hướng của phòng thành Huế là “tọa Càn hướng Tốn”, giống thành nhà Hồ. Nhưng đàn Nam Giao và Kỳ Đài nằm trên trục có hướng chính Bắc- Nam . Đường thần đạo của đàn lại nghiêng một góc khoảng 150 so với đường thần đạo của phòng thành Huế.

                     Hình 31:      Ảnh chụp vệ tinh khu vực có thành Phú Xuân xưa và phòng thành Huế thời vua Nguyễn, cùng ghi chú của tác giả về hướng thành Phú Xuân xưa, hướng phòng thành Huế, hướng đàn Viên Khâu Tây Sơn và hướng đàn Nam Giao triều Nguyễn

 

                                                                                Hình 32:      Ảnh chụp vệ tinh khu vực C (trên hình 31) có đàn Nam Giaotriều Nguyễn

                                                                                     Hình 33:      Ảnh chụp vệ tinh khu vực D (trên hình 31) có đàn Viên Khâu Tây Sơn

 

Tóm lại qua nghiên cứu bốn thành cổ của các triều đại phong kiến của nước Việt có thể biết thời Lý Trần, thời Hồ, thời Thái Đức Tây Sơn, thời Nguyễn khi xây dựng đàn Viên Khâu hay đàn Nam Giao thường xây phía nam kinh thành. Tuy nhiên hướng của kinh thành, đặc trưng bởi đường thần đạo, không bao giờ đi qua đàn Viên Khâu hay đàn Nam Giao. Người Á Đông rất ngại “chính hướng”, ngay cả vua chúa, trong tín ngưỡng thờ trời. Trung tâm của thành và trung tâm đàn thờ trời nằm trên trục Bắc-Nam, tức theo hướng Tý-Ngọ của La Kinh. Trục này thường nghiêng với hướng của hoàng thành một góc, với số đo trong khoảng từ 150 đến 300. Hướng thành có thể “tọa Càn hướng Tốn” (Tây Bắc-Đông Nam) hoặc “tọa Cấn hướng Khôn” (Đông Bắc-Tây Nam).

Sau khi đã có qui tắc về vị trí tương đối giữa hoàng thành và đàn Nam Giao qua các thời, có thể tìm cách xác định trung tâm thành Phú Xuân xưa. Chúng tôi thử nêu một cách tiếp cận như sau:

Thứ nhất là đường thẳng qua tâm của gò Viên Khâu, thuộc đàn Nam Giao Tây Sơn ở Phú Xuân, có hướng Bắc-Nam (hướng kim la bàn)(đừơng thẳng A).

Thứ hai là đường thần đạo của thành Phú Xuân xưa, đi qua giữa núi Ngự Bình và nghiêng với đường thẳng A góc 300 .

Thứ ba là giao của hai đường thẳng A và đường thẳng B là điểm thuộc trung tâm của thành Phú Xuân xưa.

Chưa có thao tác khảo cổ học của các cơ quan hữu trách nhằm xác định dấu tích thành Phú Xuân xưa. Các nhà nghiên cứu Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Đỗ Bang, Phan Thanh Hải, Trần Đình Sơn… từng đề cập vị trí thành Phú Xuân xưa. Về qui mô đô thành Phú Xuân và các cấu kiện của công trình kiến trúc thì có tư liệu do Thích Đại Sán, Lê Quí Đôn, Favre, Koffler… cung cấp. Nhưng giả thuyết về bốn bức thành ở đâu vẫn còn bỏ ngõ. Chúng tôi dựa vào những tín hiệu thu lượm được trong những năm qua, xin mạo muội đề xuất giả thuyết về vị trí trung tâm của thành Phú Xuân xưa và bốn góc thành.Theo cách xác định trên thì trung tâm của thành Phú Xuân xưa nằm ở khu vực Đình Qui Giả -chùa Diệu Đế. Dựa vào những thư tịch cổ mà các nhà nghiên cứu từng công bố có thể khoanh vùng tọa lạc của thành Phú Xuân xưa như sau

                                                                                                                                   Hình 34:      Ảnh chụp vệ tinh phòng thành Huế.

                                                                                                          Hình 35:      Ảnh cổng thành Phú Xuân xưa (ảnh tư liệu của NĐX)

                     Hình 36:      Tranh vẽ góc đông nam của phòng thành Huế, bên trong còn một cổng khá cao, phải chăng cổng này là cổng thành xưa, chưa triệt giải khi mới xây dựng phòng thành Huế, nên họa sĩ đã vẽ.

Một số dữ kiện sau đây giúp các nhà nghiên cứu tin chắc góc Đông-Nam của phòng thành Huế hiện nay từng có mặt của kinh thành Phú Xuân xưa.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, trong bài về chùa Giác Hoàng ở Huế, từng viết: “ Từ đầu Xuân Kỉ Hợi (1839), triều đình Huế bắt đầu lập chương trình tổ chức đại lễ mừng sinh nhật lần thứ 50 và kỉ niệm 20 năm đăng quang của vua Minh Mạng (1820 - 1840) sắp đến. Nhà vua rất mãn nguyện khi thấy Nam Bắc ổn định, nước Đại Nam có uy thế lớn trong khu vực. Một hôm bàn chuyện cũ, vua dụ bảo triều thần: Ta nhớ lúc còn là hoàng tử được tiên đế yêu thương ban cho “tiềm để”(1) ở phường Đoan Hòa góc Đông Nam bên ngoài hoàng thành, xưa là trung tâm của đô thành Phú Xuân thời đức Hiếu võ Hoàng Đế (2). Cuộc đất đó rất quý, nên xây dựng một ngôi chùa thờ Phật để tụ linh khí, phát phúc lâu dài.” Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng từng phác thảo bình đồ ức đoán của thành Phú Xuân xưa, chồng một phần lên bình đồ của phòng thành Huế. Ngay một nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính, trong bài Xóm Ngự Viên cũng cho rằng xóm Ngự Viên ngày xưa từng là vườn thưởng uyển. Nhà thơ xúc cảm : “ Khách du lần giở trang hoài cổ/Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên/Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển/Là đây hoa cỏ giống vườn tiên.”.

Tương truyền trước cổng thành phía Đông của thành Phú Xuân xưa có một bãi đất trống. Và lễ Hiến Phù vào mùa đông năm Nhâm Tuất [1802] được tổ chức ở bãi này, trước từ đường Dũng Triết Vương (thờ Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần). Về sau trên bãi đất trống này có Tôn Nhân phủ, Bộ Học, Khâm Thiên Giám và công viên Bao Viên. Như thế tường thành phía tây không vượt quá đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay. Phía đông, có chùa Diệu Đế (phủ cũ của vua Thiệu Trị thời tiềm để), xóm Ngự Viên, nhiều phủ đệ của các hoàng tử của vua Gia Long (như phủ Thường Tín Vương), hay của con vua Minh Mạng ( như phủ Phú Bình Vương Miên Áo). Lại có chợ Qui Giả, chợ họp nơi tập kết những thân bằng quyến thuộc của Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh khi trở lại cựu đô. Phía Bắc có hồ, và cung điện dành cho những bà vợ của các chúa trước Võ Vương. Cung điện này nằm ngoài tường thành mặt bắc. Phía Nam, có cổng chính của thành, tả hữu có bãi bờ dân gian gọi là Giại (Giại là tấm phên che chắn mà cũng là bãi đất có hoang mộ). Chợ Đông Ba (có đình Qui Giả), đến đời Thành Thái dời ra bãi Giại này. Tranh vẽ [Hinh 35] cho thấy góc đông nam của phòng thành Huế, bên trong còn một cổng khá cao, phải chăng cổng này là cổng thành phía nam của thành Phú Xuân xưa, chưa triệt giải khi mới xây dựng phòng thành Huế, nên họa sĩ còn thấy và đã vẽ nó.

Với bình đồ hình vuông, cạnh khoảng 400 mét thì phải chăng 4 góc thành Phú Xuân xưa có thể ức đoán: góc Đông-Nam là đầu cầu Gia Hội, gần chợ Được xưa. Góc Tây Nam là cửa Thượng Tứ. Góc Đông-Bắc là nút giao của đường Nguyễn Du với Nguyễn Chí Thanh. Góc Tây-Bắc là nút giao của đường Đinh Tiên hoàng với đường Nhật Lệ.

                  Hình 37:      Ảnh chụp vệ tinh phòng thành Huế, có phác thảo bình đồ thành Phú Xuân xưa ở góc đông nam của phòng thành Huế.

b)     Dấu tích chiến lũy do vua Quang Trung cho đắp ở bờ sông gần cầu Lạc Nô:

Nhạc Nô hay Lạc Nô là tên một làng cổ có chép trong Ô Châu Cận Lục, đó là ngôi làng gồm các cư dân trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, nhuộm vải…quần tụ hai bờ hạ lưu sông Kim Long xưa, nơi đổ vào sông Hương. Làng Lạc Nô có tên nôm là Nác Nô hay Nước Nô. Có một cây cầu gỗ bắc qua đoạn sông Kim Long xưa, chảy qua làng LẠC NÔ, nên cầu có tên là cầu Lạc Nô hay cầu Nhạc Nô. Khi xây dựng phòng thành Huế, triều Gia Long đã cải tạo dòng chảy, sông Kim Long trở thành sông Ngự Hà, ra khỏi cống Thanh Long thì nhập vào HỘ THÀNH HÀ. Đoạn sông còn lại, từ Thế Lại kiều, bị Hộ Thành hà lấy nước, nên đoạn sông qua làng Lạc Nô bị bồi lấp thành ruộng lúa, hồ rau muống…Còn cầu Lạc Nô là cây cầu lịch sử, nơi quân Tây Sơn phục kích và giết chết phó tướng Hoàng Đình Thể, bộ tướng Hoàng Đình Vị của quân đồn trú Lê Trịnh vào mùa hè năm Bính Ngọ 1786.

Từ Thế Lại kiều đi về phía đông khoảng 100 mét thì đến một xóm nhà của những nhạc công, ca công chuyên sống nhờ nhạc cổ. Xóm có tên là Nhạc Hộ hay xóm Lạc Hộ. Đặc điểm là nhà của xóm này được dựng trên một giồng đất bên bờ của sông Kim Long xưa, đoạn chảy qua làng Lạc Nô. Con đường từ bến đò Cồn đến làng Thế Lại thượng bị khúc sông này chắn ngang nên người xưa đã dựng cầu Lạc Nô. Đến tiền bán thế kỷ XIX, cầu Lạc Nô vẫn còn sử dụng. Tùng Thiện Vương khi du xuân với hai người em, từng qua cầu và có nhắc đến cầu Lạc Nô trong bài thơ chữ Hán:

Đồng thập nhất Khôn Chương,

thập nhị Duy Thiện xuân du tạp hứng

Thủ ảo mai hoa sáp mảo hành

Nhạc Nô cầu thượng thính ca oanh.

Hồi tiên dao chỉ Đông Ba nguyệt

Tịnh mã luận thi dạ nhập thành.

Tạm dịch thơ:

“Cùng em mười một Khôn Chương và

em mười hai Duy Thiện chơi xuân cảm hứng.

Hoa mai cài mũ thú xuân hành,

Qua cầu Lạc Nô vẳng tiếng oanh.

Ngựa dừng, nhạc tỏ Đông Ba nguyệt,

Sóng ngựa bàn thơ tối vào thành.”

Với độ cao của giồng đất, trên đó có xóm Nhạc Hộ tụ cư, so với đất vườn, hồ rau muống… ở chung quanh và giồng đất kéo dài gần trăm mét bên bờ sông xưa (nay sông đã chết) cho phép chúng tôi đặt giả thuyết: Vua Quang Trung từng chiến thắng ở cầu Lạc Nô năm Bính Ngọ nên ông thừa biết khu vực cầu Lạc Nô là yết hầu của thành Phú Xuân. Thủy khẩu này là cửa ngõ vào thành Phú Xuân, nên vua Quang Trung cho đắp chiến lũy hai bờ sông có cầu Lạc Nô, bố trí đại bác để đề phòng thủy quân địch… Thời Gia Long –Minh Mạng có xây một sân khấu nổi ở vụng sông, ở hạ lưu sông Kim Long đổ vào sông Hương. Một số nhạc công, ca công nhã nhạc chuyên phục vụ ở sân khấu này mới được bố trí ở trên chiến lũy xưa, do vua Quang Trung cho đắp ở hai bờ sông gần cầu Lạc Nô. Vua Quang Trung và hoàng gia cùng binh lính Tây Sơn không thể ở trong một cung điện ở vùng trũng của xứ Lâm Lộc, giữa chùa Từ Đàm và chùa Kim Tiên. Dinh phủ cung điện củaTây Sơn ở chỗ thấp trũng, bắc nam đều có gò, trên đỉnh gò có thể thấy mọi hoạt động trong thành, có xây thành cao cũng không che được việc quan sát và tác xạ đại bác của quân địch. Một thiên tài quân sự như vua Quang Trung không thể xây thành đắp lũy ở gò Bình An nhằm chống thủy quân địch như giả thuyết được nêu trong [1].

 Hình 38:      Ảnh chụp vệ tinh khu vực có cầu Lạc Nô và xóm Nhạc Hộ.

Để có cơ sở khoa học về vị trí cầu Lạc Nô, chúng tôi trích lại bài viết từng công bố.

Phụ lục:

VỀ TRẬN BỘ CHIẾN CẦU LẠC NÔ NĂM 1786

Trận bộ chiến cầu Lạc Nô vào mùa hè năm Bính Ngọ (1786) là một trận quyết chiến chiến lược quan trọng trong chiến dịch hạ thành Phú Xuân của phong trào Tây Sơn. Do trận này thắng lợi mà phong trào Tây Sơn có một bước phát triển mới và cũng do trận thắng này mà nội bộ Tây Sơn cũng bắt đầu chia rẽ.

Các nhà nghiên cứu, các nhà sử học từng viết về trận bộ chiến cầu Lạc Nô. Nhìn chung các tác giả viết khớp nhau về diễn biến trận đánh nhưng địa điểm và thời điểm xảy ra trận đánh thì chưa ổn!

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa ra những điểm chưa khớp nhau của sử liệu từng biết, đặt giả thuyết mới và kiểm chứng sơ bộ bằng cách điền dã.

1.      Về địa điểm xảy ra trận bộ chiến

Các sử liệu có điểm thống nhất : Khi Nguyễn Huệ cho thuyền chiến vào sông Hương, khúc sông trước thành Phú Xuân, nước sông đã mấp mé chân thành, liền cho đánh đại bác vào thành khiêu chiến. Quân Trịnh trong thành bắn trả như mưa... Nguyễn Huệ cho quân rút lui, khi có một thuyền Tây Sơn bị trúng đạn, Phó tướng Hoàng Đình Thế, các bộ tướng như Hoàng Đình Vị, Vũ Tá Kiên... cùng ra ngoài thành, dàn trận ở cầu Lạc Nô nhằm truy kích quân Tây Sơn. Không ngờ, quân Tây Sơn đã phục kích ở cầu Lạc Nô, Hoàng Đình Vị, Vũ Tá Kiên tử trận. Hoàng Đình Thế tự vẫn trên mình voi và thúc voi bị thương trầm mình ở chân cầu Lạc Nô. Vậy cầu Lạc Nô ở đâu?

Theo Tiến sĩ Lê Văn Hảo, trong sách Huế xưa, trận bộ chiến cầu Lạc Nô xảy ra quanh thành Hóa Châu gần ngã ba Sình (?).

Theo Tiến sĩ Đỗ Bang, ĐHTH Huế, thì trận bộ chiến cầu Lạc Nô diễn ra ở ranh giới làng Thanh Hà và làng Địa Linh.

Còn thư tịch cổ viết về trận đánh trên, có nhắc đến cầu Lạc Nô nhưng không cho biết cầu ở vị trí nào?

Vì vậy, cầu Lạc Nô ở đâu là một câu hỏi cần được trả lời dứt khoát.

Cầu Lạc Nô thuộc làng Lạc Nô. Làng này là một làng cổ đã có trong danh mục Đồ Bản của sách Ô Châu Cận Lục (Dương Văn An...)

Vài tín hiệu hiếm hoi trong Ô Châu Cận Lục có thể biết được làng Lạc Nô ở huyện Kim Trà xưa, có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt và nhuộm vải dù “vải làng Lạc Nô hơi thô”. Cuộc sống của dân làng Lạc Nô cũng sung túc nên “dân làng Lạc Nô vui vẻ”.

Chắc chắn có một con sông chảy qua làng này và có đường giao thông vắt qua sông với chiếc cầu mang tên cầu Lạc Nô. Đến thế kỷ XVIII, năm 1775, Lê Quí Đôn viết Phủ Biên Tạp Lục có nhắc đến cầu Lạc Nô như “vật làm mốc” quan trọng trong việc định vị dinh Phú Xuân : “Dinh Phú Xuân có năm lần hổ thủy (nước về bên hữu) ôm đằng trước : một là nguồn hữu trạch chảy xuống là sông Phú Xuân, hai là sông nhỏ An Nông, ba là nguồn Hưng Bình chảy vào đầm Hà Trung, bốn là nguồn Phúc Âu chảy qua Cao Đôi mà vào phá Hà Trung, năm là nước từ Mệt Mỏi chảy xuống đèo Cảnh Dương. Có ba lần “long sa” (cát bên tả) ngăn bên tả : một là phố Thanh Hà ở bên tả sông cầu Lạc Nô, hai là các xã Hồng Phước, Thuận Hòa ở bên tả hạ lưu sông con ngã ba Sình, ba là các xã Bình Trị, Thai Dương ở bên tả hạ lưu phá Tam Giang thẳng đến Cửa Eo”. Về “năm lần hổ thủy” thì đã rõ nhưng “ba lần long sa” chưa được rõ ràng! Thiết tưởng các dịch giả Phủ Biên Tạp Lục cho long sa “cát về bên tả” là chưa rõ lắm! “Sa” là một thuật ngữ của địa lý phong thủy xưa. Ở đây, Lê Quý Đôn đang dùng thuật phong thủy để nói về “cuộc đất” của Dinh Phú Xuân. Về địa cuộc của làng Phú Xuân, có Dinh Phú Xuân, với ba “long sa” theo thiển ý là :

-         Long sa thứ nhất là dải đất giới hạn bởi sông Kim Long xưa, sông Bạch Yến, sông Hương, đoạn từ cửa sông Kim Long xưa đến cửa sông Bạch Yến (Bao Vinh).

-         Long sa thứ hai là dải đất từ sông Bồ đến phá Tam Giang.

Con đường bên bờ trái sông Hương, qua ba Long Sa, phải vắt qua những chiếc cầu quan trọng :

-         Cầu Lạc Nô bắt qua sông Kim Long xưa;

-         Cầu Bao Vinh bắt qua sông Bạch Yến.

Cầu Lạc Nô là gạch nối giữa dải đất có làng Phú Xuân, Lạc Nô, Thế Lại... với Long sa một, cầu Bao Vinh là gạch nối giữa Long sa một với Long sa hai.

Rà xét “An Nam tứ chí lộ đồ” như “thấy Phú Xuân doanh” được bao bởi sông Phú Xuân (tức sông Hương) và sông Kim Long (tức Ngự Hà).

Lại xem xét “Giáp Ngọ Bình Nam Đồ” (do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774) có ghi “Chính phủ (tức Phú Xuân) nằm trên dải đất giới hạn bởi hai con sông (sông Hương và sông Kim Long)”. Xem xét hai bản đồ trên, lấy sông Phú Xuân làm mốc, theo thứ tự thì có sông thứ nhất là sông Kim Long (Ngự Hà), con sông thứ hai là sông Bạch Yến. Sông Bạch Yến là sông dài hơn sông Kim Long và cửa sông, nơi đổ vào sông Hương, là Bao Vinh. Nơi này có chiếc cầu cổ Bao Vinh mà Ô Châu Cận Lục từng ghi “Cầu Bao Vinh ngựa xe như nước” và sát đó có làng Thế Lại với chợ Thế Lại là một trong những chợ lớn của Ô Châu vào thế kỷ XVI, XVII. Thật vậy, xem đoạn trích sau đây có thể hình dung một Bao Vinh, Thế Lại là nơi đô hội của Thuận Hóa và nó là tiền thân của phố cảng Thanh Hà “Chợ ở xã Thế Lại huyện Kim Trà. Núi Tam Kỳ quanh trước mặt, một ngòi nước quấn sau lưng. Quan nha công thư lắm vẻ tôn nghiêm, nội cỏ xóm hoa, chính nơi trù mật. Đường thủy đã thuận tiện, đường bộ lại thông đồng. Vật hoa thiên bảo tụ hội đầy nơi, kẻ bán người buôn, đi về khắp chốn. Gà cất tiếng gáy thì người đã dậy, mặt trời đứng bóng thì chợ họp đông. Thuyền bè chen chúc, lui tới những khách giàu sang; gấm vóc phô bày, la liệt những hàng tốt đẹp; thật là một nơi thắng cảnh của Ô Châu vậy” (Ô Châu Cận Lục).

Qua tư liệu của các nhà nghiên cứu, có thể thấy phố Thanh Hà thành lập năm 1636 mà tiền thân là chợ Thế Lại vậy. “Con ngòi” quấn sau lưng là sông Kim Long (Ngự Hà). “Con ngòi” này chảy qua sông Kim Long, làng Phú Xuân, làng Thế Lại là nơi đổ vào sông Hương có làng Lạc Nô. Tên nôm của làng Lạc Nô là “nước Nô” hay “Nác Nô” (Bây giờ gọi là xóm Lạc Nô). Phố cảng Thanh Hà càng ngày càng phát triển theo hướng ngược dòng sông Hương; nghĩa là cùng hướng đô thị hóa của Phú Xuân, Thuận Hóa, từ ngã ba Sình đến ngã ba sông Kim Long. Đến thế kỷ XVIII, XIX thì phố Thanh Hà đã sát chợ Dinh - Bãi Dâu. Vì vậy, đầu thế kỷ XIX, khi vua Gia Long quy hoạch phòng thành Huế, nhà vua đã từng các quan đi từ đầu sông Kim Long (có phủ Kim Long) đến cuối sông có phố Thanh Hà. Phố Thanh Hà ở đây đã tiến gần sát chợ Dinh, không lẽ nhà vua về tận làng Minh Hương? Sử triều Nguyễn từng chép : “Vào tháng 3 hoàng đế đã thân hành đi xem xét các địa điểm từ làng Kim Long đến làng Thanh Hà để nới rộng và tái thiết kinh đô”.

Xem kỹ bản đồ do Bùi Thế Đạt vẽ thì thấy rằng đường bộ dọc bờ Bắc sông Phú Xuân (sông Hương) từ Kim Long - Thiên Mụ đến Bao Vinh phải qua cầu (1) ở đầu sông Kim Long (Ngự Hà bây giờ), qua cầu (2) bắt qua sông Kim Long (đoạn cuối của sông để vào sông Hương vùng chợ Dinh) rồi mới đến chiếc cầu bắt qua sông Bạch Yến (tức cầu Bao Vinh).

Đến cuối thế kỷ XIX, trong “Đất nước con người Việt Nam”...(J.L. Dutrevil de Jhin) đã viết : “Tôi lại qua cầu (cầu Gia Hội) đi ngược về vùng ngoại ô chợ Dinh, khu phố chính của các thợ nhuộm. Từ chiếc cầu thứ hai con đường trở nên giống bến tàu hơn”. Đầu thế kỷ XIX, khi xây dựng lại thành Huế, người ta đã đào Hộ thành hà từ nơi có cầu Gia Hội đến Thế Lại Kiều. Cống Thanh Long là cống bắt qua Ngự Hà (tên mới của sông Kim Long xưa). Thế Lại Kiều, hiện còn bia ghi dấu, bắt qua sông Kim Long xưa để đổ ra làng Lạc Nô mà vào sông Hương. Đoạn sông giữa cống Thanh Long và Thế Lại Kiều trở thành một đoạn sông Hộ Thành Hà, chính nơi này sông Kim Long xưa đã bị uốn dòng chạy thẳng về Bao Vinh.

Sau khi có Hộ Thành Hà, đoạn cuối sông từ Thế Lại Kiều, qua làng Thế Lại rồi vào Lạc Nô đã bị bồi đắp và dân sở tại biến thành vườn tược, ruộng lúa. Vậy cây cầu thứ hai mà Jhin nói đến khả năng là cầu Lạc Nô xưa và phố Thanh Hà nằm phía tả ngạn của sông Lạc Nô. Tức đoạn cuối của sông Kim Long xưa, tức Ngự Hà nay vậy. Sau đây là phác thảo Huế xưa và nay để dễ hình dung:

 

Qua một số nguồn tư liệu hiếm hoi nêu trên, xin đặt giả thuyết trên cơ sở hai vị trí trọng yếu về trận bộ chiến cầu Lạc Nô:

-         Thành Phú Xuân của thế kỷ XVIII ở góc Đông Nam phòng thành Huế.

-         Cầu Lạc Nô ở vị trí (4) trên bản đồ phác thảo.

Thủy quân của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đã vào sông Hương, trước thành Phú Xuân (Vị trí A) bắn đại bác khiêu chiến. Trong thành (vị trí B) bắn trả như mưa... Thuyền Tây Sơn có chiếc bị trúng đạn và chìm. Nguyễn Huệ giả lui binh (theo đường mũi tên), quân Trịnh liền ra cửa Đông Bắc, dọc theo sông Kim Long, tiến về phía cầu Lạc Nô (vị trí 4) để dàn trận khóa đuôi đạo quân của Tây Sơn. Phó tướng Hoàng Đình Thế, các bộ tướng như Hoàng Đình Vị, Vũ Tá Kiên không ngờ quân Tây Sơn đã phục kích ở chân cầu Lạc Nô. Trận hỗn chiến đã diễn ra đẫm máu. Hoàng Đình Thế tự vẫn khi voi đã bị thương, song đã thúc voi trầm mình ở chân cầu Lạc Nô... và cầu Lạc Nô ở làng Lạc Nô, làng cổ nằm sát Thế Lại, Chợ Dinh.

2.     Về thời gian xảy ra trận bộ chiến cầu Lạc Nô

Về thời điểm đánh thành Phú Xuân, trận bộ chiến cầu Lạc Nô, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu vẫn không thống nhất nhau.

Xin thống kê các nguồn tài liệu có ghi chép về ngày tháng xảy ra trận đánh, cùng ngày xuất quân, ngày đánh An Nông...


 

 

Ngày

Tài liệu

Ngày xuất quân

Ngày đánh Hải Vân

Ngày đánh An Nông

Ngày xảy ra trận bộ chiến

Lê Quý dật sử

 

 

 

20 - 5

Lê Quý kỷ sự

-5

 

 

- 5

Hoàng triều tạp kỷ

28-4

18-5

24-5

24-5

Hoàng Lê Nhất thống chí

 

 

 

14-5

Vua Quang Trung - PTC

28-4

 

 

14-5

Huế xưa - Lê Văn Hảo

 

 

 

20-5

Longer

 

 

 

20-5

Xem xét bảng thống kê trên, thấy rằng hai nguồn tài liệu do người đương thời viết về ngày hạ thành Phú Xuân, tức ngày xảy ra trận bộ chiến cầu Lạc Nô, là khớp nhau; đó là Bùi Dương Lịch, tác giả Lê Quý dật sử và giáo sĩ Longer, người từng ở Dinh Cát (Quảng Trị) cung cấp. Vì vậy, chúng tôi thống nhất với một số nhà nghiên cứu rằng ngày hạ thành Phú Xuân là ngày 20-5 Bính Ngọ. Ở Huế, cuối tháng năm đã có mưa rào, mưa lớn. Có khả năng, đêm 20-5 trời lụt, thủy quân Tây Sơn đã bất ngờ áp sát thành Phú Xuân khiêu chiến. Bộ, kỵ binh của Trịnh đã phải theo con đường dọc triền sông Kim Long (gần như độc đạo) để ra cầu Lạc Nô dàn trận, vì vậy đã bị phục binh Tây Sơn đánh bại ở cầu Lạc Nô. Lối đánh này, Nguyễn Huệ từng áp dụng ở Rạch Gầm - Xoài Mút.

Phần giả thuyết nêu trên chỉ trên cơ sở tư liệu hiếm hoi và có tính tự biện của chúng tôi mà thôi. Vấn đề là phải có khảo sát điền dã, phải tìm lại chiến trường xưa, bằng phương pháp khảo cổ sơ bộ để kiểm chứng giả thuyết công tác.

Hơn mười năm qua, chúng tôi đã về thôn Lạc Hộ, sát Thế Lại, nhiều lần để nghiên cứu. Ở đây có Hợp tác xã Nông nghiệp thuộc xã Phú Hiệp, thường canh tác trên những ruộng nước, hồ rau muống. Chúng tôi không có điều kiện để khai quật nhỏ, vừa và lớn, nhưng nhờ những thông tin sau đây để thu thập dữ kiện nhằm kiểm chứng giả thuyết:

a)     Những di vật do nông dân phát hiện

Trong mười năm qua, các bác nông dân của Hợp tác xã Phú Hiệp, khi trồng trọt đã phát hiện vài chục cốt người với đầu lâu, xương ống chân, ống tay khá lớn. Các bác tưởng là hài cốt của lính Mỹ, nhưng kiểm tra bộ răng thấy nhuộm đen, biết không phải hài cốt Mỹ, đã đào huyệt ở khu vực mộ cô hồn hai bờ sông xưa (bị lấp) để chôn lại. Các bác từng phát hiện bộ xương của voi, ngựa, tiền cổ, mũi giáo, mũi gươm đã cùn.

b)    Những di vật do chúng tôi phát hiện

Phía thôn Lạc Hộ và phía bờ sông Lấp có Đình Giáp hạ của làng Phú Xuân với rất nhiều đá, gạch cổ. Dân sở tại đã lấy để làm móng nhà, lót đường đi vào những ngày mưa, đường bùn lầy lội. Lác đác còn những cọc gỗ lim ở hai bờ, cho thấy dấu vết của móng cầu xưa. Phía thôn Lạc Hộ (hay Nhạc Hộ) là giồng đất cao, trên giồng có nhà dân, cao bằng độ cao với phía bên kia Đình giáp hạ Phú Xuân. Đây có thể là chân cầu mà cũng có thể là chiến lũy xưa. Đặc biệt phía giáp hạ của Phú Xuân có Đình giáp hạ còn dấu vết của một đền cổ, có bình phong lớn, đá, gạch cổ ngổn ngang. Đặc biệt có một ngôi mộ cổ trong khuôn viên đền miếu. Hỏi cụ già, các cụ bảo, xưa nay truyền khẩu rằng ngôi mộ xưa là giếng cổ, có một ông tướng thua trận đã nhảy xuống giếng tự vẫn. Sau đó dân sở tại đã lấp giếng, xây mộ thờ ông. Dân sở tại, cùng người Tàu Chợ Dinh, phố Thanh Hà đã quyên góp tiền bạc để dựng miếu thờ, chính là Đình giáp hạ của tổng Phú Xuân ngày nay.

c)      Phố cô hồn ở gần Lạc Hộ

Gần Lạc Hộ có cụm dân cư hàng năm còn giữ lệ tế cô hồn vào ngày
20-5ÂL. Hỏi các cụ già từng tham gia tế lễ hàng năm, các cụ cho biết xưa nay truyền khẩu : tế để nhớ ngày thất thủ kinh đô (?). Các cụ kể lại ngày thất thủ kinh đô, đêm 20-5, ngày 21-5 lính và dân chết đầy đường, hai bên bờ sông và dưới nước. Thây dày đặc đến nổi làng không thể nào đưa đi chôn cất được nữa. Dân làng liền đào huyệt hai bờ sông Lạc Nô để táng tập thể và biến thành mộ cô hồn, hằng năm cứ nhớ ngày 20-5 quyên tiền tế lễ. Chúng tôi hỏi tại sao dân làng không đưa lên Ba Đồn để chôn; các cụ nói không đủ sức! Tại sao không tế ngày 23/5 mà tế ngày 20/3, các cụ cũng không biết. Các cụ còn nhó lệ cúng giỗ trước một ngày đối với ngày mất. Đây là một điều bất ngờ thú vị. Chúng tôi nghĩ rằng 23-5 Ất Dậu (1885) là ngày thất thủ kinh đô của triều Nguyễn Hàm Nghi. Còn ngày 20-5 ở đây cùng là ngày thất thủ kinh đô Phú Xuân của thời chúa Nguyễn vậy. Ký ức dân gian lâu ngày đã chồng lên ngày thất thủ Phú Xuân 20-5 Bính Ngọ (1786). Tháng 5 ở Huế, dân gian có nơi cúng cô hồn từ đầu tháng 5. Thiết tưởng ngày thất thủ kinh đô của Tây Sơn cũng xảy ra vào ngày 2-5 Ất Dậu (1801). Vì vậy ở Ba Đồn có dấu vết của mồ chôn tập thể trước (1885) là một bằng chứng.

d)     Dấu vết của khu phố thợ nhuộm

Khu vực có phổ thờ lại có miếu của một bà thợ nhuộm được vua khen thưởng, ân nhân của dân sở tại. Dân ở đây còn giữ di vật là cái cối đá dùng để giã bột màu nhuộm vải.

e)     Những miếu thờ độc đáo ở Bãi Dâu

Trong những lần điền dã, ở Bãi Dâu gần chợ Dinh, chúng tôi phát hiện những ngôi miếu độc đáo. Hai bên tả hữu có đắp nổi hình tượng của “ông mọi đen” ; dân sở tại bảo để thờ những người dân tộc từng đánh nhau và tử trận ở đây. Điều thú vị năm 1957, các cụ từng tiếp một nhóm người Ba Na ở Tây Nguyên về tìm tông tích của tổ tiên (?). Từ đó chúng tôi thêm tin tưởng vùng này là bãi chiến trường xưa của trận bộ chiến cầu Lạc Nô vậy.

Qua những tư liệu điền dã, thu thập được vừa nêu trên, chúng tôi thấy vùng Lạc Hộ, giáp hạ Phú Xuân, chùa “Áo Vàng” trước trường Gia Hội ở xã Phú Hiệp là một bãi chiến trường xưa của trận bộ chiến cầu Lạc Nô. Cốt người, cốt thú, miếu thờ, móng cầu, mộ cô hồn dày đặc, sông lấp, phố cổ của thợ nhuộm sát chợ Dinh là những di vật, di chứng của một trận đánh bên cầu Lạc Nô.

Hệ quả của phát hiện này sẽ vén bức màn bí mật về:

-         Phố Thanh Hà mà Lê Quý Đôn đã từng viết “bên tả cầu Lạc Nô” để từ đó tìm ra tung tích Ngô Thế Lân.

-         Lệ cúng cô hồn ở Huế vào tháng 5 đã có trước gần 100 năm, sau đó nhập với cúng cô hồn tử sĩ vào ngày 23-5 Ất Dậu.

Tài liệu tham khảo:

- Dương Văn An, Ô Châu cận lục.

- Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục.

- Cao Lãng, Lịch triều tạp kỷ.

- Nguyễn Thu, Lê Quý kỷ sự.

- Bùi Dương Lịch, Lê Quý dật sử.


 

Vấn đề IV            DẤU TÍCH PHỦ DƯƠNG XUÂN Ở ĐÂU SAO CHO PHÙ HỢP NHỮNG GHI CHÉP TRONG THƯ TỊCH CỔ?

Một giả thuyết khoa học được xây dựng trên một số cơ sở nhất định, có thể chưa đủ sức thuyết phục, muốn hoàn thiện nó thì phải tìm thêm tư liệu bổ sung dần dần. Nếu giả thuyết đặt đúng hướng thì khi có thông tin từ những tư liệu mới, những thông tin ấy sẽ phù hợp với giả thuyết, kéo theo độ tin của giả thuyết sẽ tăng dần. Ngược lại, giả thuyết khoa học đã sai hướng thì dễ vấp vấn nạn khi gặp những thông tin mới. Với chiều hướng ấy, chúng tôi xin trở lại vấn đề tìm kiếm dấu tích vương phủ Dương Xuân với giả thuyết công tác mà chúng tôi từng xây dựng và đã công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2007. Tư liệu thư tịch về vương phủ Dương Xuân, giúp xác định vị trí của vương phủ quá hiếm. Mười năm trở lại đây mới có một tư liệu mới, đó là nhật ký của James Bean, do nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy tìm được, dịch và công bố. Tư liệu này góp phần kiểm chứng giả thuyết công tác mà chúng tôi đã đề xuất trong việc tìm kiếm dấu tích vương phủ Dương Xuân.

Để tiện trình bày, trước hết chúng tôi xin tóm tắt giả thuyết công tác mà chúng tôi đã trình bày trong năm 2007 trên diễn đàn giaodiemonline, VietSciences…, bổ sung một số ảnh tư liệu thu được do điền dã. Thứ đến trích tư liệu về vương phủ Dương Xuân trong nhật ký của James Bean do nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy sưu tầm, trích dịch và công bố năm 1997 [tạm đặt tư liệu NSD]. Tiếp theo xử lý tư liệu, coi thử những thông tin rút từ tư liệu này có phù hợp với giả thuyết công tác về vương phủ Dương Xuân không?

1. Giả thuyết công tác về vương phủ Dương Xuân:

Vương phủ Dương Xuân ban đầu chỉ là hành cung nhỏ được dựng trên gò nhỏ của đồi Dương Xuân lớn, gần miếu Phi Vận Tướng Quân Nguyễn Phục vào thời các chúa Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn PhúcTần (thế kỷ17). Hành cung nhỏ này vừa là nơi chúa ngự để tránh lụt vừa là nơi các chúa dễ tiến hành cầu đảo khi gặp thiên tai.Về sau hành cung phát triển vào thời các chúa Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chú… với tên gọi Phủ Dương Xuân.

Năm Canh Thìn [1700], thuộc thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn bị cầu phong với triều Thanh, vùng Bàu Vá (Bộ Hóa) có phủ Dương Xuân rất thuận lợi trong việc huấn luyện quân sự, nên chúa Nguyễn Phúc Chu đã đại trùng tu và mở rộng Phủ Dương Xuân, đồng thời mở Diễn Mã Trường, dựng Pháo Trường, củng cố Phủ Tập Tượng TảPhủ Tập Tượng Hữu. Kết quả ở vùng Bàu Vá có vuơng phủ Dương Xuân, được dựng thêm nhiều cung, thất, viên, tạ… Khi đào hồ, cơ Tả Thủy đã bắt gặp ấn Trấn Lỗ Tướng Quân Chi Ấn và từ đó Phủ Dương Xuân trong quần thể vương phủ còn có tên mới là Phủ Ấn. Phủ này cũng ở gần nơi cư trú của cư dân đúc đồng nên có khi gọi là phủ Thợ Đúc. Phủ này còn gần một miếu sơn thần, rất linh hiển một thời, dân sở tại gọi là Miếu Tiên, gần Miếu Tiên có Giếng Tiên, nơi dân làng một thời chỉ dùng cho việc cúng lễ ở Miếu Tiên. Lại có Khe Tiên vòng trước phủ nên gọi là khe Triều Tiên. Bởi vậy dân sở tại còn gọi phủ Dương Xuân là phủ Tiên.

Đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương thì Phủ Tập Tượng Tả được cải tạo thành Điện Trường Lạc (Tàu voi chuyển đến địa điểm gần ga Huế), tréng voi được lấp một phần để biến thành hồ trước mặt điện Trường Lạc ( dân gian gọi là Hồ Lấp). Phủ Tập Tượng Hữu thành điện Tập Tượng Hữu ( về sau dân gian gọi là Điện Voi Ré). Bên phải điện Trường Lạc có Diễn Mã Trường với con đường “Mã Trường” rải sỏi khá dài, có khi bẻ góc thước thợ, để huấn luyện kỵ binh; có tàu ngựa, trại mã binh với giếng nước sinh hoạt,…tất cả vẫn còn di chứng. Gần đó có nhà xưởng chứa súng thần công, nơi chế tác thuốc súng, kho chứa nguyên vật liệu và trại pháo binh, trại mã binh có giếng sinh hoạt. Còn hành cung xưa của Phủ Dương Xuân cũ chỉ là một tòa nhà nhìn ra Trường Pháo và Diễn Mã Trường. Dưới chân gò, trước Phủ Dương Xuân cũ, bờ ao đối diện có dựng đình Diễn Mã ( nơi chúa ngự cùng các đại thần để xem thao luyện kỵ binh). Đình Diễn Mã có biển “Diễn Mã Trường” hiện nay vẫn còn tôn trí ở tiền sãnh của đình Dương Xuân Hạ. Các cung thất dược dựng sau lưng hành cung, trên những mặt bằng cao hơn của gò Dương Xuân, hướng về phía Pháo Trường, và cồn Bông Sứ. Dưới chân cồn Bông Sứ có địa danh Trường Bia, còn di chứng là giếng Trường Bia. Hành cung có tên phủ Dương Xuân lại trở thành tiền thân của Đền Vũ Sư thời vua Minh Mạng và hiện nay là Đình Dương Xuân Hạ. Điện Trường Lạc gần sông Hương, sau lưng là cồn Dã Viên, chúa Nguyễn thường ngự ở đây vào mùa hè để đôn đốc việc luyện tập kỵ binh, tượng binh.Trong quần thể vương phủ Dương Xuân, phía sau Phủ Dương Xuân (cũ), có một cung điện mới nhìn về cồn Bông Sứ ( hiện nay vẫn còn nền móng). Phía trước cung điện mới này có Hiên Duyệt Võ (vẫn còn nền móng) để chúa ngự vào mùa đông nhằm đôn đốc huấn luyện thủy binh, bộ binh.

Sau đây chúng tôi xin bổ sung một số ảnh về di chứng của vương phủ Dương Xuân:


 

  Hình 39:      Nhóm ảnh về Phủ Dương xuân xưa.

 

 

Hình 40:      Ảnh chụp vùng thượng lưu sông hương


 Hình 41:       Những di vật di chứng về phủ Dương Xuân

 

   Hình 42:      Khu vực trung tâm của vương phủ Dương Xuân

Từ năm 1775, khi quân đội Lê-Trịnh chiếm được đô thành Phú Xuân của chúa Nguyễn thì quần thể vương phủ Dương Xuân bắt đầu hoang tàn, do binh lính Lê- Trịnh phá phách để lấy gỗ về nạp kho, phục vụ việc đúc tiền. Từ năm 1786, quân Tây Sơn ít nhiều góp phần làm quần thể vương Phủ Dương Xuân thành hoang phế vì chủ trương trưng dụng các cung điện chùa chiền phục vụ chiến tranh. Năm 1801 Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại cựu đô thì quần thể vương phủ Dương Xuân chẳng còn cung thất điện các. Tuy nhiên, quần thể vương phủ này vẫn là đất công với nền móng cung thất, điện, các và vườn tược của triều Nguyễn. Vì lẽ đó các vua đầu triều Nguyễn thường cho phép các thân vương, quận chúa, hoàng tử, công chúa lập vườn, lập sanh phần, lập chùa… và nhà nước lại lập đền Vũ Sư, miếu Đô Thành Hoàng. Dân sở tại lại lập đình, miễu xóm…trên nền móng cũ của những công trình kiến trúc của vương phủ.

Như vậy từ chúa Nguyễn Phúc Chu đến Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, trong khoảng thời gian từ 1700 đến 1765, các chúa đã xây dựng trên gò Dương Xuân một quần thể “VƯƠNG PHỦ DƯƠNG XUÂN”, có nhiều điện, cung thất, am, hiên… và đặc biệt vương phủ này là nơi các chúa làm việc vào mùa hè và mùa đông, không chỉ là tránh lụt, cầu đảo mà còn đôn đốc việc huấn luyện các binh chủng:tượng binh, kỵ binh, pháo binh, thủy binh, đồng thời tiếp khách phương tây để thị uy.

2. Tư liệu quí do nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy công bố:

Tạp chí Huế Xưa&Nay số 21, 1997 có bài “Nhật ký hành trình của James Bean” của tác giả Nguyễn Sinh Duy (từ trang 42 đến trang 49). Trong bài viết này nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đã giới thiệu về James Bean, người đã được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp thân mật ở một cung điện ở vương phủ Dương Xuân vào năm 1765 và ông này đã chép lại những gì mắt thấy tai nghe trong những ngày làm khách quí ở Phủ Dương Xuân . Xin được trích dẫn một đoạn trong bài viết nêu trên:

Ngày thứ 6 [6-1-1765, NSD chú]-“Trời mưa quá, chúng tôi không thể đến hầu vua.

Ngày thứ 7-“Sau khi đã chuẩn bị cho nhà vua gồm….

Chúng tôi khởi hành bằng đường thủy xuống bờ sông, cùng với con đường chúng tôi đã dến, và phía dưới chiếc cầu gỗ nhỏ trên một hòn đảo, bên hữu ngạn đã có một sứ giả chực sẵn để báo cho nhà vua biết chúng tôi đã đến nơi . Người sứ giả trở ra, và các linh mục Lorrairo, Petrena muốn làm hướng đạo. Đi bộ trên một con đường mới hoàn thành để đến một cung môn có nhiều lính gác . Tại đây các linh mục đã đón tiếp chúng tôi . Cánh cửa mở ra và chúng tôi bước vào sân rất rộng và đẹp, dưới rải sỏi và trên trang trí rất tráng lệ. Ở một phía kia là tàu tượng, nơi voi của vua ở, đối diện là tàu ngựa. Những bức tường cao ba bộ (feet) đối nhau. Bên phải là một sảnh khá rộng giống như chỗ ngồi của quan tòa, cuối nơi này nhìn ra con kênh lớnlù lù vài khẩu trong số những đại thần công đẹp nhất tôi đã từng thấy. Dọc theo lối đi rải sỏi, chúng tôi được đưa đến một cửa khác, ở đây cũng có lính gác. Chính tại nơi này, chúng tôi bị khám xét rất kỹ vì sợ chúng tôi có mang theo vũ khí . Một cánh cửa khác mở ra cho chúng tôi tiến vào một cung điện lộng lẫy, đồng thời sáu cận vệ của nhà vua cũng theo sát chúng tôi để giới thiệu lên đức vua. Điện vua ngự là một tòa nhà chống đỡ bởi 5 hàng cột, dưới lót săn quang dầu bóng láng, ngồi ngay chính giữa chiếc ngai là đức vua… “ Chúng tôi xin phép được quan chiêm cung điện của vua . Ngài trả lời rằng đây không phải là cung điện nguy nga mà chỉ là “phủ mùa đông”; ở đây cũng có cung phi mỹ nữ. Chúng tôi tản bộ ra ngoài, ngắm nghía mọi thứ…

“Cuộc tấu nhạc bắt đầu…Chúng tôi khởi sự tấu nhạc, vua nhìn chúng tôi và thưởng thức đầy ngạc nhiên. Ngài ngỏ ý muốn nghe những điệu hùng tráng, những khúc nhạc uy nghiêm cũng làm vua hài lòng không kém ..Ngài chỉ cho chúng tôi những quân sĩ ở trần trùi trụi bên ngoài, bảo rằng họ thường như vậy để sẵn sàng xông xáo…Quân sĩ trong vương phủ là 1000, 4000 ở Kinh thành và lực lượng vũ trang hiện dịch của Phú Xuân có thể lên tới 40.000…”

3.  Kiểm chứng giả thuyết công tác ở phần (1.).

Bây giờ thử coi giả thuyết về quần thể Phủ Dương Xuân nêu trên có phù hợp với những thông tin rút từ một tư liệu quí do nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy công bố:

                 Hình 43:      Ảnh chụp vệ tinh khu vực có vương phủ Dương Xuân, có ghi chú con đường (màu đỏ) mà đờn khách James Beans từng theo đường đó để vào phủ Dương Xuân.

Đoạn trích dẫn ở 2/ cho phép hình dung có một con đường (vẽ bằng màu đỏ và vàng) mới tạo tác từ bờ sông ( phía nam cồn Dã Viên) đến đại cung môn (I) của vương phủ. Qua khỏi cung môn (I) này có một đường rải sỏi theo hướng song song với la thành trái, la thành phải và đường thần đạo của Điện Trường Lạc ( cung điện mùa hè) thẳng tới Hiên Duyệt Võ của vương phủ Dương Xuân . Đoạn đường mới đắp vào thời chúa Võ Vương mới xưng vương. Có khả năng cung môn này nằm ở giữa đoạn đường Bùi Thị Xuân hiện nay, từ Cầu Lịch Đợi đến Cổng Bà Lan. Qua khỏi đại cung môn I này, phía trái có thể thấy Tàu Tượng (gần ga Huế hiện nay) và Tàu Ngựa (phía có Diễn Mã Trường) . Khi James Bean thấy những bức thành cao 3 feet song song, vuông vắn thì những bức thành này là tường bao của những công trình kiến trúc của quần thể vương phủ Dương Xuân. Phía bên phải, có một sãnh lớn đó là Điện Trường Lạc, nhìn ra kênh lớn thì kênh lớn này có khả năng là tréng voi của phủ Tập Tượng Tả, khi James Bean thấy thì nó trở thành Hồ Lấp của điện Trường Lạc rồi…Ở đây còn dấu tích của một số mô súng, là nơi ngày xưa Võ Vương cho đặt súng thần công một cách đường bệ, uy nghi . Kiểu trang trí này thường thấy ở dinh phủ chúa Nguyễn ngày xưa. Như thế, khi James Bean rời cung môn I, vào sân khá rộng, rải sỏi, có trang trí thì cung môn I là một đại cung môn của vương phủ Dương Xuân vậy. Từ đại cung môn I đã thấy Tàu Tượng, Tàu ngựa, nơi đặt súng thần công to đẹp của Pháo trườngThử hỏi đại cung môn ở tận khoảnh đất giữa Chùa Thiền Lâm, Cồn Bông Sứ thì làm sao thấy những cơ sở của một “ khu huấn luyện quân sự” ?. Và không thấy khu huấn luyện quân sự thì chỉ thấy chùa Thiền Lâm, chùa Ấn Tôn, chùa Kim Tiên, Chùa Tuệ Lâm…và một số tháp sư được sắc tứ mà thôi. Trong nhật ký của James Bean không thấy ông ghi chép một ngôi chùa nào, điều này cho thấy vương phủ Dương Xuân hoàn toàn tách hẳn khu vực có gò Bình An (có nhiều chùa) . Vương phủ và Gò Bình An ngăn cách bởi cồn Bông Sứ và đám ruộng có ruộng lễ vua Lê Thánh Tông.

Con đường rải sỏi mà các linh mục hướng đạo đã đưa đoàn của James Bean vào một ngôi điện của vương phủ Dương Xuân là con đường phía trái của Điện Trường Lạc, đường Mã Trường. Chắc chắn phải có một cung môn (II), ở phía phải của đoàn khách James Bean, đầu một con đường rải sỏi khác, vuông góc với đường mà đoàn khách đang đi, dẫn vào trước Điện Trường Lạc. Con đường tiếp tục kéo dài đến gò nhỏ có các cung thất, điện các của vương phủ Dương Xuân, nơi chúa sống và làm việc vào mùa đông. Poivre từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp ở một cung thất, sau này thành Đền Vũ Sư ( thời Minh Mạng), cạnh một cái hồ, khi ấy chỉ có những nông dân đang canh tác ruộng phủ, quá quen với Võ Vương, đang thỉnh nguyện chúa.

Vấn đề đặt ra là còn dấu vết những con đường trong vương phủ không ? Một thắc mắc của chúng tôi khi nghiên cứu ảnh chụp vệ tinh vùng Bàu Vá có ruộng phủ, có những “đường giường” (đê thấp), vuông góc nhau, lại dẫn đến nền móng cũ của những cung điện xưa. Phải chăng những “đường giường” này là những con đường xưa trong vương phủ?... Các vườn hoa trong vương phủ thì biến thành sanh phần, tẩm mộ của các thân vương, hoàng tử, thái trưởng công chúa của triều Nguyễn sau này…

Còn đoàn của James Bean được chúa tiếp vào mùa huấn luyện bộ binh và thủy binh ở trường súng, phía gần Cồn Bông Sứ- Chùa Tuệ Lâm. Như vậy cung môn (III) có nhiều lính gác, khám xét cẩn thận chính là cung môn trước Hiên duyệt võ. Từ hiên này lính thị vệ đã đưa đoàn của James Bean vào cung điện để bệ kiến Võ Vương. Khoảng 1000 lính đang tập trung ở phủ Dương Xuân, mình trần trùi trụi, là lính đang huấn luyện thủy trận và bắn súng ở trường pháo. Rõ ràng Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã tiếp đoàn James Bean vào mùa huấn luyện quân sự và chúa cũng có ý biểu dương lực lượng ở nơi tiếp người ngoại quốc.

 

4.    Giả thuyết về phủ Dương Xuân trong công trình [1] quá bất cập:

Có ba nhân chứng lịch sử từng đến vuơng phủ Dương Xuân và có ghi chép về vương phủ này. Poivre từng được Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát tiếp ở ngôi đình ở bên phải và phía dưới hành cung Dương Xuân cũ, nhìn qua ao lớn thì có đám nông dân đang canh tác trên ruộng công của phủ, thuộc ánh đồng Bàu Vá. Do “khá gần gũi” với Võ Vương nên họ đã mạnh dạn “biểu tình” phản đối sự “bất công” của những người thu tô thuế. Còn đoàn James Bean đến vương phủ vào mùa Võ Vương đang đôn đốc việc huấn luyện quân sự trên trường pháo, quân lính khoảng ngàn người…nên chúa tiếp ở cung điện sau lưng hành cung Dương Xuân (cũ). Điện này ở trên đỉnh gò, phía dưới có hiên Duyệt Võ. Trong thâm tâm Võ Vương muốn thị uy đối với khách phuơng tây như đoàn của James Bean. Lê Quí Đôn đến vương phủ Dương Xuân khoảng năm 1775, khi phủ Dương xuân mới bắt đầu vô chủ, nghĩa là các công trình kiến trúc của quần thể vương phủ cơ bản còn nguyên vẹn, nên Lê Quí Đôn đã mô tả điện Trường Lạc đến phủ Tập Tượng Hữu, gần bờ sông Hương về phía thượng lưu. Xong Lê Quí Đôn mô tả hành cung Dương Xuân (cũ) ở trên gò.Sau lưng của công trình này là ngôi điện lớn ở trên đỉnh gò Dương Xuân với đình tạ, vườn hoa cùng hiên Duyệt Võ. Nói chung giả thuyết chúng tôi đã nêu khá phù hợp những ghi chép của những nhân chứng nêu trên.

Khu vực có những sinh hoạt huyên náo mang đặc trưng ĐỜI của vương Phủ Dương Xuân này hoàn toàn tách hẳn khu vực hoạt động tín ngưỡng mang đặc trưng ĐẠO với chùa Ấn Tôn, chùa Thiền Lâm, chùa Tuệ Lâm, chùa Kim Tiên, chùa Viên Giác nhờ cồn Bông Sứ . Cồn Bông Sứ đã che tầm mắt của tăng chúng đang hành thiền hay cúng lễ ở chùa Thiền Lâm, Tuệ Lâm, Viên Giác, Ấn Tôn; không thấy những hoạt động của vương phủ. Nếu Ấn Tôn, Thiền Lâm… là những đại danh lam, đang ở chung quanh Phủ Dương Xuân, tại sao James Bean không có một dòng ghi chép, trái lại chú ý đến tàu tượng và tàu ngựa ? Nếu như các công trình sư thời chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng chùa Thiền Lâm sát gần tàu tượng, tàu ngựa, trại lính, cung thất của cung phi mỹ nữ của vương phủ Dương Xuân thì quá bất cập. Tất yếu Thạch Liêm hòa thượng Thích Đại Sán và đệ tử Từ Tế đạo nhân sẽ phản đối các công trình sư kém cỏi ấy. Và đến thời Tây Sơn ở Phú Xuân, quan Thái Sư Bùi Đắc Tuyên đã dẹp các chùa chiền, chiếm đại danh lam Thiền Lâm làm dinh quan Thái Sư thì tất yếu một số tháp sư được sắc tứ của Ấn Tôn, Thiền Lâm, Bảo Quốc phải được triệt giải và di dời . Đến thời Tự Đức có loạn Đoàn Trưng Đoàn Trực, có các sư sãi tham gia cuộc loạn nên các chùa bị quân lính vua Tự Đức và quân Chày Vôi gây cháy…Kết quả hoang tàn đổ nát với những đống giải hạ về sau được dân làng Phú Xuân san lấp để lập ấp Bình An vậy.

Khi vương phủ Dương Xuân không ở ấp Bình An thì toàn bộ những dẫn liệu của công trình [1] của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân hoàn toàn sai với sự thật lịch sử vậy. Rất mong nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đến làng Dương Xuân Hạ, lên đình Dương Xuân Hạ khảo sát thì có thể thấy phản biện của chúng tôi có cơ sở khoa học hay không.


 

Vấn đề V               NHỮNG HIỆN VẬT GẠCH, ĐÁ KHÔNG ĐƯỢC GIÁM ĐỊNH TRONG GIẢ THUYẾT CÔNG TÁC [1]

 

Trong [1], tác giả đã đưa vào những hiện vật hấp dẫn như gạch, đá kê cột, đá lát, bia đá và nhất là đá bọc kim tĩnh. Rất tiếc là những hiện vật ấy không được tác giả giám định. Khi viết về chúng thường tác giả đặt câu hỏi “Phải chăng …là của Tây Sơn?”. Đúng đắn nhất phải đợi giám định mới kết luận, trái lại tác giả vội vàng khẳng định, bất chấp ý kiến phản biện. Trong các vấn đề trên, đủ thấy không hề có cung điện Đan Dương là nơi vua Quang Trung ở và làm việc, phủ Dương Xuân không tồn tại ở ấp Bình An mà ở quanh đình Dương Xuân Hạ, thế nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại “chồng chập” ba công trình hoàn toàn khác nhau, phủ Dương Xuân, cung điện Tây Sơn, lăng Đan Dương làm một. Tại sao? Vì nhà nghiên cứu đã thấy ở ấp Bình An có những loại gạch, đá táng, đá lát nhiều kiểu, nhiều niên đại. Chồng chập như thế thì khỏi lo bị sai, khỏi phải giám định nữa. Ba “tầng văn hóa” nhập lại thì bất kỳ di vật, di chứng nào phát hiện được cũng là di vật Đan Dương lăng tất(?). Điều không may cho tác giả của [1] là không có cung điện Đan Dương, phủ Dương Xuân ở lẫn với chùa chiền, tháp sư, mộ địa và rừng rú ở xứ Lâm Lộc vào cuối thế kỷ XIX. Hơn nữa Hương Nao và Hồng Phi đã phát hiện bài thơ của Lê Triệu, có nói về mộ Quang Trung ở “Khuân Sơn” (theo Hương Phi và Hồng Nao) hay “Ngụy Sơn” ( theo Trần Viết Điền, Lý Thúc Đồng) hay “Kim Sơn” ( theo Trần Đại Vinh)hay “Xước Sơn”(theo Lê Nguyễn Lưu) thì Khuân hay Ngụy hay Kim hay Xước thì mộ Quang Trung ở núi, chứ ở một cái gò nhỏ, bao quanh là đồi Dương Xuân thì không gọi nơi ấy là Sơn được.

Rồi Phan Duy Kha lại phát hiện bài thơ của Ngô Thì Hoành, em ruột Ngô Thì Nhậm, có viết về mộ Quang Trung ở “ Ngọc Trản phong đầu”(xứ núi Hòn Chén) mới thấy ấp Bình An không thể là “ Ngọc Trản phong đầu”…Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rất chủ quan khi không cần để mắt những tư liệu mới, phải chăng ông còn “tâm đắc” với những di vật, di chứng mà ông phát hiện được ở ấp Bình An. Vậy sự thực về những di vật, di chứng ấy như thế nào ?

1. Về gạch bìa Tây Sơn.

Để góp phần giám định các viên gạch thẻ phát hiện ở gò Bình An nói riêng và các công trình kiến trúc cổ nói chung, chúng tôi thử nêu một cách tiếp cận tiêu chí gạch thời Tây Sơn:

Để có một tiêu chí nhằm giám định một công trình kiến trúc Tây Sơn ở Phú Xuân, từ 1786 đến 1801, quả thực rất khó. Một là trong khoảng 16 năm Tây Sơn có mặt ở Phú Xuân, phần lớn thời gian là chiến tranh, hai là sau khi Tây sơn sụp đổ thì các công trình kiến trúc bị triệt hạ. Ngoài những motip trang trí mỹ thuật kiến trúc quá hiếm hoi, chúng tôi chú ý về vật liệu xây dựng, trong đó là gạch bìa. Sở dĩ chúng tôi chọn gạch bìa để nghiên cứu là vì trong một công trình kiến trúc bao giờ gạch bìa hay gạch thẻ cũng có số lượng lớn, và khi công trình bị đổ nát chúng còn lưu giữ trong đất.

Có thể phân lập và khẳng định một loại gạch bìa của Tây Sơn ở Phú Xuân không? Phương pháp nghiên cứu như thế nào?

Qui trình phân lập:

a) Tìm gạch ở một công trình kiến trúc của nhà nước Tây Sơn ở kinh đô Phú Xuân, và công trình kiến trúc này phải thuần Tây Sơn.

b) Xác định một số công trình kiến trúc thuần chúa Nguyễn và thuần vua Nguyễn, tìm các loại gạch bìa, gạch thẻ ở những công trình thuần Nguyễn này.

c) Kiểm chứng sự có mặt của loại gạch bìa Tây Sơn, đã phân lập được, tại những công trình vừa do chúa Nguyễn xây dựng vừa do Tây Sơn tôn tạo, mở rộng.

a.    Việc tìm kiếm gạch bìa Tây Sơn ở công trình kiến trúc Tây Sơn ở Huế :

Chúng tôi nghĩ rằng, công trình kiến trúc thuần Tây Sơn còn lại ở Phú Xuân là Đàn tế trời ( gò Viên Khâu ) ở núi Bân, do PGS TS Đỗ bang nghiên cứu và nhà nước đã công nhận công trình kiến trúc này là di tích lịch sử.

Đáng tiếc trong công trình của minh về Đàn Nam Giao Tây Sơn ở Phú Xuân, PGS TS Đỗ Bang chưa làm rõ cấu tạo, chức năng của đàn này. Ví dụ Tây Sơn tế trời đất hay chỉ tế trời ở đàn, và không chỉ rõ các tầng đàn là chỉ có tròn ( viên đàn) hay vừa có tròn vừa có vuông ( phương đàn). Hơn nữa PGS TS Đỗ Bang cũng bỏ qua vật liệu xây dựng đàn, cụ thể là gạch bìa để ốp, lát…khi công bố ban đầu. Trong bài viết Trở lại Đàn nam giao Tây Sơn ở kinh đô Phú Xuân, đăng ở tạp chí Nghiên cứu lịch sử Bình Trị Thiên, chúng tôi đã khẳng định đàn nam giao Tây Sơn ở núi Bân là Đàn chỉ tế trời vào ngày đông chí và thuộc loại gò Viên Khâu, gồm ba đàn tròn, tức là ba hình nón cụt chồng lên nhau; tầng dưới có đường kính 60 m, tầng giữa có đường kính 40 m, tầng trên cùng có đường kính 20 m và đàn có sử dụng gạch để gia cố. Còn Tây Sơn đã san bằng chùa Thiên Mụ để lập đàn Phương trạch để tế đất vào ngày hạ chí . Việc làm này giống thời nhà Hồ nhưng khác triều Lê trước đó và triều Nguyễn sau này. Đây là một việc làm có tội với Thanh triều và triều Nguyễn đã đập phá, nhưng không “ phá tan thành bình địa”, để lại như một chứng tích về tội của Tây Sơn ; nhờ vậy sau hơn 200 năm chúng ta mới nghiên cứu được. Khi khảo sát lần đầu, chúng tôi phát hiện có gạch bìa với kích thước 2cm x 12 cm x 24 cm, phần lớn đã vỡ vụn và chúng tôi đã công bố . Nhưng hiện nay 2006-2007, do nhà nước cho dời lăng mộ của dân ra khỏi núi Bân, xe ủi đã lùa lớp đất bề mặt một số nơi ở tầng dưới, làm lộ ra khá nhiều gạch bìa. Những viên gạch này dùng để ốp lát các tầng đàng và các lối đi. Dĩ nhiên có một số gạch kích cỡ khác nữa nhưng số lượng ít hơn. PGS TS Đỗ Bang trong bài viết gần đây đã thừa nhận ở Đàn Nam Giao Tây Sơn có sử dụng gạch trong xây dựng. Rõ ràng thời chúa Nguyễn không có xây dựng gì ở núi Bân và các vua triều Nguyễn lại không có xây dựng gì ở đàn Nam Giao của “NGỤY TÂY” . Thế thì loại gạch bìa nói trên chắc chắn là gạch do Tây Sơn sản xuất và đã dùng để xây dựng đàn tế trời. Tuy nhiên, để tăng độ tin của kết luận trên, chúng tôi rà soát các lăng mộ của các chúa Nguyễn để kiểm chứng vậy.

 

Hình 44:      Gạch bìa Tây Sơn ở gò Viên KhâuTây Sơn

 

b.    Không tìm thấy loại gạch bìa nói ở (a.) tại lăng mộ của chúa Nguyễn :

Như chúng ta đã biết, danh xưng các lăng mộ của chúa Nguyễn thường có chữ đầu là TRƯỜNG…và lăng các bà vợ chính của chúa Nguyễn có chữ đầu là VĨNH….Khảo sát điền dã các lăng mộ này không tìm thấy loại gạch nói trên. Điều dễ hiểu là Tây Sơn chỉ có quật phá các lăng này như chính sử đã ghi, chứ không bao giờ tôn tạo hay xây dựng lăng mộ tổ tiên của Nguyễn Vương Phúc Ánh. Đến đây, có thể tin chắc rằng ; Tây Sơn có sản xuất ở Phú Xuân một trong những viên gạch bìa 2 cmx12 cm x24 cm và đã dùng chúng trong việc xây dựng Gò Viên Khâu để tế trời.

c.    Sự hiện diện của loại gạch bìa 2 cm x12 cm x 24 cm của Tây Sơn ở các công trình của chúa Nguyễn nhưng Tây Sơn đã tôn tạo, cơi nới để sử dụng:

Qua chính sử, chúng ta được biết ở chùa Thiên Mụ, Tây Sơn từng xây dựng Đàn Phương Trạch để tế Đất vào ngày hạ chí. Nếu gò Viên khâu ( đàn tế trời ) ở núi Bân có ốp, lát loại gạch bìa nói trên thì ở đàn Phương trạch cũng phải ốp lát loại gạch ấy. Từ suy nghĩ này, chúng tôi đã khảo sát điền dã nhiều lần phía sau chùa Thiên Mụ và đã tìm được những mảnh vụn của loại gạch bìa Tây Sơn ở phía sau của chùa.

 

   Hình 45:      Ảnh chụp gạch ốp đàn Phương Trạch Tây Sơn sau lưng chùa Thiên Mụ

Một công trình kiến trúc thứ hai, không thể không tính đến là chùa Thiền Lâm xưa . Thời Tây Sơn đại danh lam Thiền Lâm đã biến thành nơi ở và làm việc của quan Thái Sư Bùi Đắc Tuyên. Chắc chắn Tây Sơn phải có xây dựng thêm một số cấu kiện để chùa thành công sở của vị đại quan họ Bùi . Hơn nữa, ở đó còn có nhà công quán ( cơ quan ngoại giao), nơi Phan Huy Ích từng ở và làm việc . Vì vậy phải khảo sát điền dã khu vực này. Kết quả, chúng tôi phát hiện sự có mặt loại gạch bìa Tây Sơn ở khu vực này.

Đặc biệt qua phần nguyên dẫn trong bài thơ “ Đăng Văn Miếu ký kiến” của Phan Huy Ích, chúng ta được biết Tây Sơn đã tôn tạo Văn Miếu Long Hồ thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, nơi Lê Quí Đôn từng đến giảng sách thời còn làm quan hiệp trấn ở Phú xuân, để trở thành Văn Miếu triều Tây Sơn. Triều Tây Sơn đã cơi nới mặt bằng Văn Miếu Long Hồ, xây dựng thêm học cung, học viện để sĩ tử đến học. Thái Tử Nguyễn Quang Toản từng học ở đây, mà một vị quốc tử giám tư nghiệp là Võ Xuân Hoài. Khi trở lại cựu đô, vua Gia Long ra lệnh chôn tượng Đức Khổng Tử do Tây Sơn đúc và biến văn Miếu Long Hồ thành “ Khải Thánh từ” để thờ cha mẹ của Khổng Tử . Chúng tôi đã khảo sát Khải Thánh từ nhiều lần, phát hiện có loại gạch Tây sơn ở đây với số lượng ít . Tháng 3 năm 2007, chúng tôi tìm kiếm ở xóm Bành, góc Tây Bắc của Văn miếu thời Tây Sơn, phía hậu của Khải thánh từ thì may mắn phát hiện một mảng tường rào đã sụt lở, nhưng còn hàng trăm viên gạch bìa Tây Sơn, chúng còn kết dính nhau khá chắc .

                     Hình 46:      Gạch Tây Sơn phát hiện ở Học cung, thuộc Văn Miếu Long Hồ, do Tây Sơn cơi nới văn miếu thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, nay thuộc xóm Bành.

Theo Hương Phổ Đồng Di thì Văn miếu làng Đồng Di được xây dựng từ thời chúa, do ngài Lê Quang Hiến, ký lục thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Văn miếu bị hư hại do thiên tai, chiến tranh, Tây Sơn có trưng dụng và về sau bị phá, làng Đồng Di có tôn tạo vào thời Gia Long…Hiện nay chỉ còn một cổng gạch, khi tôn tạo có tận dụng gạch cũ, trong đó có loại gạch bìa thời Tây Sơn.

 Hình 47:      Cổng gạch còn sót lại của Văn miếu Đồng Di, trong cổng có tận dụng các loại gạch bìa của các thời, trong đó có gạch bìa Tây Sơn.

Vậy quả có một loại gạch bìa 2 cmx 12 cmx 24 cm của Tây Sơn đã từng được triều Tây Sơn dùng để xây dựng các công trình của nhà nước . Nếu một ai phát hiện một công trình kiến trúc vào cuối thế kỷ 19, nếu có mặt gạch bìa này thì có thể tin rằng Tây sơn đã từng xây dựng ở đó; và nếu công trình ấy thuộc về lăng mộ thì chắc chắc chắn lăng mộ ấy là của Tây Sơn vậy.

d. Công trình [1] không chỉ ra được gach nào của thời Tây Sơn, gạch nào của thời chúa Nguyễn.

Trong công trình [1], cho thấy nhà nghiên cứu cứ phát hiện có đá táng, đá kê cột, gạch, đá lát nền… trên thực địa là tác giả đều nêu câu hỏi “phải chăng của Tây Sơn?”. Nêu nghi vấn là đúng đắn, nhưng chưa giám định, thảo luận đã vội kết luận những hiện vật ấy là giải hạ của cung điện bị đập phá thì nóng vội quá. Chưa kể rêu rao càng ngày càng tin giả thuyết mình là đúng thì e rằng tính khoa học của công trình càng ngày càng sút giảm. Chỉ cần xem ảnh chụp đống gạch do nhà báo Thanh Tùng chụp, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sử dụng trong [1], không xác định được niên đại, …mà vội khẳng định chúng là gạch của cung điện Tây Sơn thì không thuyết phục.

 Hình 48:      Ảnh chụp đống gạch ở gò Bình An (ảnh tư liệu của Thanh Tùng, Nguyễn đắc Xuân sử dụng trong [1])

2. Hiện vật đá:

a.    Đá kê cột, đá lát...:

Gạch không được giám định, còn đá kê cột, đá lát thì có khả năng là vật liệu để xây chùa hơn là lăng mộ. Gặp vấn nạn này buộc tác giả công trình [1] phải “hư cấu” việc xưa nay hiếm, đó là vua Quang Trung dựng cung điện ở giữa những ngôi chùa, nhiều bửu tháp, bửu châu của các thiền sư và vùng mộ địa để ở, rồi sau khi băng hà, vua con táng vua cha trong cung điện mà ngài từng ngự (?). Nhờ thế mới lý giải số lượng khá lớn các hiện vật đá kê cột, đá lát được nêu trong [1]. Chỉ cần xem xét kiểu thức tạo tác những hiện vật này có thể đoán định chúng là cấu kiện của các công trình kiến trúc khác nhau, được xây dựng vào các thời kỳ lệch nhau.

 

                  Hình 49:      Đá táng cột, đá khối và nhiều loại đá khác thu được dưới lòng đất trong sân vườn chùa Thiền Lâm. (Ành của nhà báo Thanh Tùng 12/1988, Nguyễn Đắc Xuân sử dụng trong[1])

b.    Bia “ Cổ kính trùng viên thuyết ở chùa Diệu Đức”

Trong khuôn viên của chùa Diệu Đức có một giếng cổ, cạnh giếng cổ từng có một tấm bia đá “CỔ KÍNH TRÙNG VIÊN THUYẾT”, khắc chữ Hán, do quan Phủ Doãn Thừa Thiên Nguyễn Đình Hiến soạn văn bia, Thượng Thư Bộ Binh Phạm Liệu viết lời bình. Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu đã dịch và công bố văn khắc của bia ấy.

 

   Hình 50:      Chính diện chùa Diệu Đức ở gò Dương Xuân (có tiền thân là Thạch Thủy Uynh của Phủ Doãn Thừa Thiên Nguyễn Đình Hiến )

 

Hình 51:      Giếng cổ chùa Diệu Đức, do cụ Phủ Doãn Trương Đình Hiến tôn tạo, dựng bia “Cổ kính trùng viên thuyết”cạnh giếng.

 

                                                                                                                            Hình 52:      Lòng trong của giếng cổ chùa Diệu Đức.

Điều đáng quan tâm là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân qua nội dung văn bia, đã lảy ra những tư liệu phục vụ cho công trình nghiên cứu Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương -sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung của ông. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết : “ Đọc văn bia của ông Nguyễn Mạnh Khả ( Nguyễn Đình Hiến}, tâm tôi đính vào mấy câu hỏi này: “Cái giếng này do ai bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang? Tác giả hỏi nhưng suốt bài văn bia không thấy câu trả lời . Tác giả khắc văn bia mấy câu hỏi ấy nhằm để lại đời sau tìm câu trả lời chăng? Trả lời được các câu hỏi ấy cũng như mục đích tác giả viết, Cổ kính trùng viên thuyết, “Để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”. Vậy thì “Cái đổ nát” ấy là cái gì mà quan trọng cần phải dựng lại? Một cái giếng cổ có gì đặc biệt đâu mà phải viết một bài văn dài, viết rồi còn đưa cho một ông Thượng thư ( Phạm Liệu) viết lời bình rồi khắc vào bia đá? Hiểu được ý của Nguyễn Mạnh Khả nên Thượng thư Phạm Liệu đã hạ xuống một lời bình chắc nịch:

“ Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn”. “Cái nhỏ” là cái giếng cổ, còn cái lớn là cái gì? Phải chăng hai cụ Nguyễn, Phạm không tiện nói ra sự thực cái lớn ấy, mà qua tấm bia Cổ kính trùng viên thuyết hai cụ gửi lại cho thế hệ sau thấy được và dựng lại cái lớn ấy? Phải chăng cái giếng cổ đó từng phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho kẻ thù của triều Nguyễn, mà kẻ thù đó đã bị triệt hạ, các tác giả là người của triều Nguyễn nên không tiện nói ra sự thực ai đã đào giếng, đào vào thời gian nào và vì sao bị bỏ hoang . Các câu hỏi này gần với nội dung công trình nghiên cứu Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-Lăng Đan Dương của tôi.”( Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng Đế Quang Trung, NXBThuận Hóa Huế, 2007, tr. 85, 86).

Các tư liệu về “tiểu giám hộ lăng”, “Đan Dương Cung điện nhật tam thu”, “Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân”, “Giếng Loạn”, “ Mả loạn”, cùng với suy luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, chúng tôi đã thảo luận về độ tin trong các bài viết đã công bố. Và trong phần này, chúng tôi tiếp tục thảo luận một vấn đề mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đặt ra trong công trình dày công của ông: giếng cổ chùa Diệu Đức có liên quan Đan Dương lăng.

Nếu chỉ có một khả năng như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã chỉ ra và không gặp vấn nạn gì thì không còn thảo luận nữa và chấp nhận khả năng ấy. Nhưng nếu khả năng ấy gặp vấn nạn không vượt qua và còn có khả năng khác thì cần rà soát lại luận cứ của tác giả công trình.

*     Hai cụ Nguyễn Đình HiếnPhạm Liệu là các đại thần của triều Nguyễn, được triều Nguyễn trọng dụng không lẽ còn “ hoài Tây Sơn” qua việc viết bài thuyết, lời bình về cái giếng cổ như cách đặt vấn đề của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ? Nếu quả có “ hoài Tây Sơn” thì các cụ chỉ mạn đàm, vì khẩu thuyết vô bằng, đằng này các cụ cho khắc bia bài thuyết “ hoài Tây Sơn”, dựng trước mặt kinh thành Phú Xuân thì các cụ quá táo bạo! Một bài thơ có khẩu khí của Nguyễn Văn Thuyên, con trai của đại công thần Nguyễn Văn Thành, từng là cái cớ để vua Gia Long buộc Nguyễn Văn Thành chọn “tam ban triều điển”, huống gì trên bia các cụ Nguyễn, Phạm dám khắc “trong cái nhỏ”( giếng cổ Tây Sơn) thấy “cái lớn”( công nghiệp của Tây Sơn), theo cách nghĩ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Thế thì rõ ràng các cụ ngầm làm “công tác bảo tàng di vật tưởng nhớ Tây Sơn” chăng ? . Vậy mục đích “ trùng tu” giếng cổ của cụ Phủ Doãn là “ Để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”, qua giải mã của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì các cụ muốn dựng lại một di chứng của triều Tây Sơn, một di vật có liên quan Đan Dương lăng . Điều sâu kín của tác giả CỔ KÍNH TRÙNG VIÊN THUYẾT được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giải mã như trên, không chừng làm cho các cụ bị hàm oan vậy.

*     Sau khi đánh bại Tây Sơn, các công trình kiến trúc chùa, tháp sư được sắc tứ, miếu đền thời chúa Nguyễn…đều được nhà vua, mẹ vua, vợ con vua bỏ tiền của để tôn tạo. Ví dụ bà Hiếu Khang ( mẹ vua Gia Long) tôn tạo chùa Bảo Quốc, bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu ( vợ chính của vua Gia Long) tôn tạo đại danh lam Thiền Lâm…Các chùa Ấn Tôn, Viên Giác, Huệ Lâm …trên gò Bình An cũng được tôn tạo sau năm 1801. Vậy vết thương chiến tranh trên gò Bình An, tính đến thời Minh Mạng, Thiệu Trị coi như đã tạm hàn gắn. Thế thì tại sao đến thời Khải Định( Pháp thuộc) vùng ấp Bình An vẫn có các chùa, tháp sư hoang phế? Có một biến cố ở kinh đô Phú Xuân, dẫn đến chùa chiền trở nên tiêu điều, hoang vắng:đó là loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực 1866 . Tại sao? Một vị lãnh đạo cuộc nổi dậy là Đoàn Hữu Ái từng cạo đầu làm sư để dễ bề vận động giới sư sãi tham gia tổ chức Đông Sơn . Đêm khởi sự, các vị thủ lĩnh như Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực, Sư Nguyễn Văn Quý…đã tập họp lực lượng nòng cốt trong một đàn giải oan cho Hồng Bảo ( anh ruột vua Tự Đức) ở chùa PHÁP VÂN ( CHÙA KHOAI ) trên gò Dương Xuân. Đàn giải oan tất phải có nhiều sư sãi ở các chùa gần chùa Khoai như Ấn Tôn, Thiền Lâm, Viên Giác, Huệ Lâm, …tham dự và thiện nam tín nữ đến chùa Khoai dự lễ ắt có thành phần tham gia khởi nghĩa, gánh lương thực và vũ khí đến chùa.Trong các sư sãi hành lễ vẫn có nòng cốt của Đoàn Trưng cải trang thành các sư để dễ hành động bí mật. Vì lẽ đó, vua Tự Đức sau khi dẹp loạn đã ra lệnh triệt giải các chùa có người tham gia cuộc nổi dậy 1866.

*     Hàng ngàn quân lính, nhân công ở công trường xây dựng Vạn Niên… phải có nhà ở, hoặc lán trại trên gò Dương Xuân. Vùng LÂM LỘC còn chưa khai khẩn là nơi cung cấp gỗ, nứa, tranh …để làm nhà, cũng như cung cấp những mặt bằng cho lán trại. Tất nhiên ở đâu có nhiều người ở thì phải có đào giếng để lấy nước sinh hoạt. Xong việc thì có khi giếng bị bỏ hoang khi những người sử dụng chúng đã ra đi. Sau cuộc loạn, việc giết chóc, bắt bớ, triệt hạ chùa chiền trên gò Dương Xuân là chắc chắn xảy ra. Đức Từ Dũ ( thân mẫu vua Tự Đức) phải can thiệp nên mới giữ được 24 chùa với 24 sư trụ trì. Vậy loạn Đoàn Trưng, Đoàn Trực đã làm thay đổi bộ mặt của ấp Bình An và dĩ nhiên sau cuộc loạn, triều đình Tự Đức phải theo dõi các hoạt động ở các chùa lớn nhỏ trên gò Dương Xuân. Rồi phải lo đối phó với quân Tây Dương xâm lược nên không có điều kiện trùng tu tôn tạo các chùa trên gò Dương Xuân. Sự quản lý đất công ở gò Bình An quá lỏng lẻo, quan chí dân thì mạnh ai người ấy khai phá, tận dụng đất đai, vật liệu xây dựng của các công trình cổ hoang phế, đổ nát…Giếng cổ chùa Diệu Đức lúc ban sơ là như thế, có thể làm xao lòng các cụ Nguyễn, Phạm về một quá khứ buồn của triều đại mà các cụ đang phụng sự.

Khi cụ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến, cụ Thượng thư Phạm Liệu đến bờ khe trước chùa Thiền Lâm, cảm nhận sự hưng phế tang thương của ấp Bình An, có thể nghĩ đến biến cố khoảng 64 năm xưa (tính từ 1930), nhân trùng tu giếng cổ, lập Thủy Thạch Uynh và đã xúc cảm viết Cổ kính trùng viên thuyết cùng lời bình . Đây là một khả năng, khi cơn sốt “ LOẠN CHÀY VÔI” đã hạ, khiến các cụ có thể viết bài thuyết, có lời bình. Tại sao nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cứ đính cái tâm vào Tây Sơn và gán ghép cho các cụ Nguyễn, Phạm “hoài Tây Sơn”?

 

                 Hình 53:      Một phần của tấm bia “Cổ kính trùng viên thuyết”của Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả (1930) (tức Nguyễn Đình Hiến), khổ 80 x 162, (đã bị bể làm đôi theo chiều dọc) [Ảnh tư liệu và chú thích của NĐX.]

c.    Về tấm đá ở chùa Vạn Phước:

Trong công trình [1], có một hiện vật thu hút người đọc, nó rất “ấn tượng” vì đó là di vật quan trọng cho phép nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tiếp cận huyệt mộ của vua Quang Trung, dưới hè nhà bà Liên. Tác giả viết về tấm đá kỳ lạ: “Anh Oánh cho biết cụ thân sinh anh có kể, vào khỏang năm 1925, trong lúc đào đất làm vườn cụ đã gặp bốn tấm đá lớn. Cụ đã bán cho dân Phú Cam một tấm, cho một người thân ở Bến Ngự một tấm, một tấm bị bể và tặng chùa Vạn Phước một tấm. Chúng tôi đã đi thẩm tra, không tìm được tấm ở Phú Cam và tấm ở Bến Ngự, tấm bị vỡ mất từ lâu, chỉ còn lại một tấm được dùng làm mặt bàn nhà bếp chùa Vạn Phước. Tấm đá này thuộc lọai đá granít, mặt trên được mài trơn nhẵn, mặt dưới xô xảm còn hằn rõ vết đẽo của một lọai dụng cụ thô sơ. Tấm đá có kích thước lớn: dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,035m…. Ở đường mép tấm đá còn bám vôi vữa giống như lọai vôi vữa chúng bắt gặp trong vùng này. Phải chăng những tấm đá này bọc chung huyệt mộ bảo vệ quan tài vua Quang Trung?”.

Chúng tôi đã đến chùa Vạn Phước để nghiên cứu tấm đá quí ấy. Tấm đá được làm mặt bàn, đúng như nhà nghiên cứu mô tả, mặt trên nhẵn, mặt dưới xô xảm. Có điều các cạnh của tấm đá đâu có thẳng và có bốn góc vuông! Đúng ra nhà nghiên cứu nên làm rõ việc nhà chùa đã dùng nẹp gỗ, bào thẳng, lắp vào tấm đá để thành mặt bàn vuông. Nếu gỡ các nẹp gỗ khỏi tấm đá thì “buồn cho hoàng đế Quang Trung quá”. Tại sao? Triều Quang Toản “xem nhẹ” tiên đế khi dùng những tấm đá xô xảm, không góc cạnh để “bọc chung quanh huyệt mộ bảo vệ quan tài Quang Trung”. Cứ cho là thuộc hạ của vua Gia Long đục phá nên xô xảm, có điều lạ là chỉ đục một mặt (?). Như thế tấm đá không thể là cấu kiện của kim tĩnh hay quách. Một điều mâu thuẫn nữa: Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì triều Nguyễn cố tình giấu đi lăng mộ “ngụy Huệ”, lại để dân thường như cụ thân sinh ông Nguyễn Hữu Oánh tự do đào bới ở nơi “nhạy cảm” nhất, cần giữ bí mật nhất, như vị trí của vườn nhà ông Oánh vào năm 1925, thời vua Khải Định. Chúng tôi từng công bố sự kiện có thật; rằng ông Hồng Lô tự khanh Vũ Bá Khương, nghe lời thầy địa, đưa hài cốt thân phụ là Vũ bá Bình vào chôn ở lăng Ba Vành vào năm 1917, suýt bị trọng án. Nhờ người con là hàn lâm biên tu Vũ Bá Đạm nhờ Tòa Khâm sứ Pháp chạy án. Vũ Bá Khương lo sợ, dời ngay hài cốt thân phụ ra khỏi lăng Ba Vành năm 1917, làm đàn chay giải oan và bị đột quị trong khi hành lễ.

 

                 Hình 54:      Tấm đá xô xám, được những nẹp gỗ làm cho nó có góc cạnh, mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng nó là cấu kiện của kim tĩnh bọc quan tài vua Quang Trung.Tấm đá dài 2,72m, rộng 0,67m, dày 0,035m do gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh tìm được dưới lòng đất trong khuôn viên nhà ông - nơi có dấu hiệu lăng mộ cũ bị đập phá gần chùa Thiền Lâm (đang được dùng làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước)[Ảnh tư liệu của NĐX, chúng tôi trích lại và chú thích].

Có khả năng, ở khu vực vườn nhà thân phụ ông Nguyễn Hữu Oánh, từng có một cống thoát nước của một công trình tiền thân của chùa Vạn Phước và chùa Tịnh Độ. Tấm đá xô xáp, chẳng đẽo gọt góc cạnh dài 2,27 mét có khả năng là một tấm đoang úp trên mặt cống. Bằng tác nghiệp của ký giả, tác giả công trình [1] đã thành công khi thu hút nhiều người quan tâm vấn đề lăng mộ vua Quang Trung. Với sự quảng cáo có bài bản, người đọc người nghe tưởng chừng như đã “tiếp cận” huyệt mộ của vua Quang Trung. Khi đào thám sát, các quan sát viên đều thấy đường hầm không phải xây bằng gạch mà được đắp bằng một thứ vữa gồm cát, vôi và gạch vụn…tận dụng giải hạ của những kiến trúc đổ nát. Nếu đây là đường toại đạo của Đan Dương lăng thì triều Tây Sơn đã dựng lăng hoàng đế Quang Trung quá sơ sài, thậm chí khi quân (?). Chỉ cần quan sát vật liệu quá thô sơ thì đủ biết nó là cống thoát nước. Thật ra các cơ quan hữu trách ở Thừa Thiên Huế đã tạo điều kiện lớn cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khai quật ở hè nhà bà Nguyễn Thị Liên, gần nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, nhưng hôm khai quật chúng tôi có chứng kiến và vô cùng thất vọng, vì chứng kiến đường “toại đạo” quá thô thiển đối với Đan Dương lăng. Nếu lăng vua Quang Trung như thế thì triều Cảnh Thịnh quá nghèo khổ, An Nam Quốc Vương Cảnh Thịnh và các văn thần chắc vô học tất…Chính vì thất vọng, nên cộng sự của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ngưng đào và lấy lý do “sợ sập nhà bà Liên”. Nếu hôm khai quật, quả có một đường toại đạo xây bằng gạch hay đá đàng hoàng, xứng đáng lăng mộ của vua chúa, thì không cần đền bù, bà Liên sẵn sàng cho đào tiếp với niềm vui lớn là dưới nền móng nhà của mình có huyệt mộ của hoàng đế Quang Trung.

Trong năm vấn đề nêu trên, chúng tôi đã chỉ ra những bằng chứng về sự vận dụng tư liệu thư tịch cũng như tư liệu khảo cổ một cách chủ quan của tác giả công trình [1]. Phần lớn dẫn liệu cho giả thuyết lại là thơ cùng phần nguyên chú, không phải là chính sử, do đó thiếu sức thuyết phục. Ngay cả thơ được dẫn, tác giả [1] cũng cố lái độc giả về những cách hiểu rất tư biện, không đúng chủ đích của nhà thơ. Vậy chỉ còn thuyết phục người đọc là nhờ lý luận, nhưng mặt này tác giả công trình [1] cũng bộc lộ sự mâu thuẫn nội tại của công trình. Tác giả luôn dựa trên quan điểm “vua Gia Long đã phá tan thành bình địa, chôn vùi tất cả những gì thuộc về Tây Sơn” để lý giải, thế nhưng có những hiện vật của Đan Dương lăng hoặc có liên quan thì tác giả lại phát hiện ngay trên mặt đất (ví dụ giếng loạn, mả loạn). Tác giả dựa vào sự kiện Tây Sơn cần giữ bí mật việc an táng vua Quang Trung để lý giải việc xưa nay hiếm, đó là táng nhà vua trong một cung điện ngài từng ở và làm việc, chưa kể cung điện ấy có tiền thân là phủ cũ của kẻ thù, thế mà những người đáng phải giữ bí mật như Ngọc Hân, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích lại làm thơ để lộ những bí mật ấy theo cách giải mã của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Chưa kể vùng Lâm Lộc có chùa Ấn Tôn, Kim Tiên, Tuệ Lâm, Thiền Lâm, về sau lại là dinh Thái Sư, nhà Công Quán (thời Tây Sơn là cơ quan ngoại giao), rất nhiều người lui tới (dẫu chỉ bí mật trong 7 tháng kể từ khi vua Quang Trung băng hà) thì liệu giữ bí mật được không? Cũng vì quá tin vào phong thủy mà vua Quang Trung ra lệnh quật mồ lăng mộ các chúa Nguyễn, thế nhưng các địa lý gia Tây Sơn đã phạm sai lầm khi gặp cát địa, nhưng cát địa ấy đã là dương cơ âm phần của rất nhiều chủ nhân, chùa, tháp sư, nhiều mộ có chủ và vô chủ, chưa kể từng là nơi người, voi, ngựa từng sinh hoạt cả trăm năm. Thử hỏi một người mới nhập môn phong thủy cổ có chấp nhận kiến giải trong công trình [1] không ? Không những phản biện công trình [1], chúng tôi còn trình bày những cơ sở cho một giả thuyết công tác về sự tồn tại vương phủ Dương Xuân ở làng Dương Xuân Hạ, công trình kiến trúc này có khi gọi là Phủ Tiên, có khả năng có hành cung để Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân ở để tiến hành cầu đảo ở miếu Tiên. Ngoài ra chúng tôi thảo luận phương pháp tiếp cận trung tâm thành Phú Xuân xưa, cùng dấu tích chiến lũy do vua Quang Trung cho đắp ở Lạc Nô…và thấy sự bất cập khi xây thành đắp lũy ở vùng trũng của đồi Dương Xuân. Vậy công trình [1] không có một cơ sở nào đủ sức thuyết phục, thậm chí kiến giải sai lạc với lịch sử. Điều đáng tiếc, tác giả công trình [1] đã coi thường những phản biện của chúng tôi và các nhà nghiên cứu khác từ 2007 đến nay. Tác giả chỉ phán một lời: những phản biện đều thiếu cơ sở khoa học. Chí ít nhà nghiên cứu cũng vui lòng chỉ ra cái thiếu cơ sở khoa học chỗ nào. Nếu tác giả của [1] không thảo luận những vần đề chúng tôi đã nêu thì chúng tôi tin rằng công trình [1] không được tác giả của nó bảo vệ được nữa.

Huế, tháng 4-2010.

Trần Viết Điền.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Trần Viết Điền.