"Đái tháo đường" là một thuật ngữ tiếng việt trong sáng?

Vietsciences- Hồng Lê Thọ                  08/12/2009

 

Những bài cùng tác giả

Giữa lúc cao trào bàn về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt dâng cao thì một trang báo cùng ngày lại đưa tin về hội chứng "đái tháo đường". Thuật ngữ trong y học vẫn sử dụng "đái tháo đường". Báo chí và giới truyền thông trong nước vẫn thường xuyên đề cập căn bệnh quái ác này với thuật ngữ "thô thiển" nói trên.

Hành động bài tiết của cơ thể được diễn đạt một cách thanh tao trong tiếng Việt. "Tiểu tiện" hay "đại tiện" là ngôn từ được dùng khá phổ biến để chỉ hành động "thô tục" tự nhiên của con người, thay chữ "đái" hoặc "ỉa", không gây khó chịu hoặc dơ bẩn trong lời nói, câu văn.

Ngay từ tuổi cắp sách đến trường, cấp tiểu học, các em được cô giáo hướng dẫn "đi tiểu", "đi ngoài", "đi cầu", "đi sông", "đi đồng" (tiếng nói phổ biến của bà con mình ở nông thôn) hoặc ở cấp trung học phổ thông, các em quen dùng "tiểu tiện" hoặc "đại tiện". Ngày nay, người lịch sự thường dùng từ đi "vệ sinh" hay vào "toalét"(toilette) hơn là dùng những từ "lõa lồ" không hay.

Vậy mà các y bác sĩ -những người trí thức- khám chữa bệnh ở nước Việt mình lại chọn từ "đái tháo đường" như một thuật ngữ y học để chỉ căn bệnh mãn tính của người bị rối loạn trong chuyển hóa nội tiết, điều tiết bởi Insuline từ tuyến tụy, cơ thể không thể hấp thụ lượng đường từ thức ăn, nước uống… Đường được bài tiết ra bên ngoài qua nước tiểu cho nên chứng bệnh nầy còn được gọi là bệnh "tiểu đường". Gọi rứa là không có gì sai, nghe dịu dàng hơn ba chữ đái tháo đường, như là khủng bố tinh thần bệnh nhân! Kiểu gọi tên bệnh khủng bố này đang nhan nhản khắp nơi, kể cả bảng hướng dẫn của phòng mạch chuyên khoa hay bác sĩ tại nhà.

Mong rằng đề nghị nho nhỏ nầy sẽ thấu tai các nhà y học và ngôn ngữ học ở nước ta!

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ