Thể thơ Mới

Võ Hồng Bé Làm Thơ

Lần này thì không phải là Hạ Uyên, mà là Trúc, người chị rất thân thương của Hạ Uyên. Trúc rụt rè trao tôi tờ giấy, vừa nói:

- Thầy coi dùm, bài thơ kiểu gì vậy ?

Tôi chuẩn bị để đọc một lời đe dọa "khát máu", kiểu thách đấu gươm của thế kỷ thứ 16. Nhưng không. hiền hòa. thơ mộng:

Mình nhớ hoài: một buổi sáng tàn Ðông

Ai đó đơn sơ màu áo len hồng

Mái tóc xỏa dài, ngồi đùa với cháu

Sau lưng, vạn thọ chớm nở vài bông

Ðợi tôi ngẩng lên, Trúc hỏi:

Bài thơ kiểu gì vậy thầy ? Thể gì vậy ? Con có hỏi con Hạ Uyên, nó lên mặt khôn, nói: "Ðường luật đây chớ gì. Thất ngôn luật Trắc (nhớ) vần Bằng (Ðông). Nhưng khi đếm lại thấy lòi dư một chữ. Bà nhỏ nghẹn họng.

Tôi không nén được tiếng cười "hà hà" vừa nói:

- Tưởng nó đính chính ngay: "thơ Bát ngôn chớ gì". Chuyên viên đếm chữ đặt tên là nó.

Vẻ mặt Trúc trầm ngâm:

- Con muốn hiểu cách đặt loại thơ này.

- Ðể chi ? Thi tốt nghiệp trung học đâu có đòi hỏi ?

- Nhưng mà con muốn làm.

- À, biết rồi. Bài này của "ảnh" chớ gì. Muốn họa lại ảnh chớ gì. Ðược. Chắc Hạ Uyên đã bày lại cho em căn bản luật thơ rồi. Chữ chót của câu 1-2-4 hiệp vần với nhau: Ðông, Hồng, Bông. Mỗi câu thường được ngắt làm 3 nhịp như ở thơ Thất ngôn. Nhưng khác là số chữ ở mỗi nhịp không bắt buộc (khi thì 3, khi thì 2) miễn sao mỗi câu có đúng 8 chữ.

- Sao có loại thơ "khỏe" vậy ?

- Nó chịu ảnh hưởng ở thơ Pháp, mà chặng 1940 ta gọi là thơ Mới. Tiếng Pháp không có thanh Bằng thanh Trắc, chỉ cần hiệp vần ở thanh chót của mỗi câu. Như đen (chandelle: cây đèn) hiệp với ben (belle: đẹp). Như lăng (filant: kéo sợi) hiệp với giăng (émerveillant: ngạc nhiên) (1). Các chữ ở giữa câu thì tha hồ, chỉ cần đếm đủ 12 âm hay 8 âm (họ gọi là chân: pied).

- Nhưng đọc luôn một hơi 12 tiếng thì mệt lắm, hụt hơi. Phải ngắt nhịp chớ.

- Ðúng vậy. Tiếng ta giàu âm thanh nên ta giữ cái ưu điểm của ta, ta ngắt làm 3 nhịp. Và thường là  ..B..T..B(vần)  hoặc ...T..B..T(vần). Uấy, nói ra thì nó dài dòng, lôi thôi, rối rắm. Bắt tay cụ thể thì dễ hơn. Nào, em làm bài trả lời. Ðặt câu đầu: 8 chữ. Ngắt làm 3 nhịp. Chữ chót vần Bằng.

Vẻ mặt Trúc nghiêm trang. Ngồi xoay qua trở lại. Ngần ngừ rồi rụt rè xoá bỏ. Ngó ra sân rồi ngó xuống sàn nhà. Một lát sau, bẽn lẽn đọc: 

Xuân đang về chậu Cúc đã đơm hoa

- Hay đó. "hoa" vần oa. Nếu kiếm không ra thì dùng vần a cũng được.

Trúc tiếp liền:

- Thược dược rung rinh trước những hiên nhà

- Hay lắm, câu thứ 3 thì dễ hơn vì không cần phải hiệp vần. Nào...

Trúc loay hoay. Lạ. Không cần hiệp vần, bất chấp Bằng Trắc, chỉ kiếm đủ 8 chữ nói về chuyện Tết chuyện Xuân. Dễ quá mà. À, có thể vì dễ quá mà con người không thích. Phải tìm cho ra cái khó để có nét độc đáo. Nhưng kìa, Trúc trao tờ giấy cho tôi. Có viết câu thơ thứ 3: Tết sẽ đem về niềm vui phấn khởi.

- Tuyệt! Có thể thay chữ phấn khởi bằng chữ rộng khắp chẳng hạn. Cho nó giản dị, bớt công thức: Tết sẽ đem về niềm vui rộng khắp. Chữ khắp cũng bắt đầu bằng KH như chữ Khởi.

Biết tôi chọc quê, Trúc mĩm cười, tôi dục:

- Còn câu chót ?

- Vui ở thôn gần, vui mãi làng xa

Bỗng có tiếng chuông gọi cổng. Tôi vội vàng đứng dậy.

- Vậy là em hiểu đại cương. Áp dụng ngay đi. về hỏi Hạ Uyên 3 cách hiệp vần (vần liền, vần chéo, vần ôm) rồi em làm theo. Ðề tự chọn (cũng như đánh số Ðề vậy mà !). Rồi em đưa thầy coi. Bây giờ để thầy đi mở cổng tiếp khách.


(1) Bài thơ  à Hélène của Ronsard :

Quand vous serez bien vieille, au soir, à la chandelle
Assise auprès du feu, devidant et filant
Lisant, chantant mes vers en vous émerveillant
Ronsard me célébrait du temps que j'etais belle

 

 
Tạm dịch: 
 
Khi em già đi, buổi tối dưới ánh đèn
Ngồi cạnh lò sưởi vừa quay tơ kéo sợi
Em đọc thơ anh, ngâm nga và ngạc nhiên
Ronsard đã ca tụng ta khi ta đang đẹp.

 

 

Buổi chiều Hạ Uyên được chị phái cầm tờ kết quả (lại y như kết quả xổ số kiến thiết). Tôi đọc:

 

Hai người bạn nhỏ  (vần liền)

 

Sát nhà tôi, có Thanh Hải, Nhật Thành

Ðứa mập, đứa gầy, nhưng rất thông minh

Sáng sáng đèo xe đem gởi nhà trẻ

Mặt mày buồn thiêu vì phải xa mẹ.

 

 

Nhớ Ba  (vần chéo)

 

Con nhớ lắm, con nhớ nhiều ... Ba đó

Ở nơi xa, Ba có nhớ con không ?

Những buổi trưa mưa, những chiều lộng gió

Con nhớ Ba, nhớ quá, nhớ vô cùng

 

 

Dòng sông quê hương   (vần ôm)

 

Sáng hôm nay em đứng lặng nhìn sông

Dòng nước trắng mênh mông im lặng chảy

Hai bên bờ, gió lay hàng lau sậy

Nằm xa xa, xanh mướt những ruộng đồng

 

 

Tôi nói vói qua rào:

 

- Vậy là Trúc đã giàu rồi. Biết 4 cách để làm thơ Mới. Mà phàm cái gì đã gọi là Mới thì nó có quyền và có bổn phận phải mới hoài. Như có một cách này ông Xuân Diệu hay dùng: chữ chót của câu 4 vần Trắc sẽ hiệp vần với chữ chót câu 1 của đoạn thơ tiếp sau. Ðây:

 

Là thi sĩ nghĩa là ru với gió

Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây

Ðể linh hồn ràng buộc với muôn dây

Hay chia xẻ bởi trăm tình yêu mến

        .....

Ðây là quán tha hồ muôn khách đến

 

      ......

 

Có ông đặt câu thơ chỉ 2 chữ:

 

Sương rơi

nặng trĩu

trên cành

dương liễu

 

 ......

 

Có ông xếp bài thơ thành hình thoi:

 

Mưa

Lưa thưa

Ai  khóc tả  tơi

Giọt   lệ  tình  đau  xót

    .....

Long lanh trong tim hoa

Ai   ươm   mơ   sầu

Ôi mong manh

Trong tim

Ta

 

- Nhưng thôi, biết chơi đại khái vậy là đủ rồi.

Im lặng một giây. Chợt giọng Trúc bên kia rào:

- Thầy này.  ....  Khi tìm chữ để hiệp vần, nhiều ý mình định nói thì chữ dùng lại không chịu hiệp đúng vần, nên con chắc người làm thơ nhiều khi đành nói sai sự thiệt. Buổi sáng chia tay nghe tiếng bìm bịp kêu, nhưng vì câu trên là "lệ buồn hoen mắt người đi", phải hiệp vần i nên đành lấy con chim họa mi thay con chim bìm bịp: "Thôn xa vẳng tiếng họa mi đổ dồn". Ði trong vườn phải vạch lách nhánh lá, nhưng vì cần vần Bằng mà đành đổi lại là nâng niu cành hoa ! Do vậy khi đọc thơ, con khen tác giả có tài, khéo lựa chữ hay, tạo dựng hình ảnh đẹp chớ con chưa tin đó là sự thấy thiệt, cảm xúc thiệt.

Tôi thật không ngờ cô bé giỏi Toán giỏi Lý mà lại cũng tinh tế về văn chương như vậy. Cô Hélène trong bài thơ của Ronsard, khi già ngồi bên lò sưởi dưới ánh đèn, có thể vừa quay tơ vừa đập muỗi, nhưng vì chữ đập muỗi trong tiếng Pháp chiếm tới 3-4 âm chẳng hạn mà số âm còn thiếu chỉ có 2, nên ông phải dùng chữ kéo sợi, 2 âm để thay.

Nhìn Trúc hôm nay làm dáng có băng đô hồng, tôi đùa:

- Nhưng khi làm thơ tặng "ảnh" thì không được vì kẹt vần, dùng chữ vụng mà làm ảnh buồn. Chẳng hạn:

Yêu anh, em nhớ giọng hò

Nghe du dương tựa ... tiếng bò đòi rơm 

Trúc và tôi cùng cười. Tôi tiếp:

- Chỉ vì kẹt vần thôi, nhưng mà "ảnh" đâu có chịu hiểu dùm. Em muốn ví giọng "ảnh" du dương như giọng Ngọc Sơn, giọng Tú Trinh, nhưng âm ƠN (Sơn) âm INH (Trinh) đâu có hiệp vần được với O () ? Khổ quá !

Trúc mắc cỡ:

- Thầy thiệt !