Khổng Tử tác Xuân Thu:

Đức Nguyên Nguyễn Văn Hồng

 

  • 孔子作春秋

Khổng Tử tác Xuân Thu là Đức Khổng Tử làm ra sách Xuân Thu để bày tỏ cái đạo của Ngài.

"Kinh Xuân Thu là bộ sách của Khổng Tử làm ra. Ngài theo lối văn làm sử mà chép truyện nước Lỗ, kể từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công. Trong sách ấy chép cả việc nhà Chu (Châu) và việc các nước chư Hầu.

Xem hình thể bề ngoài thì là một bộ sử biên niên, lời lẽ vắt tắt, lắm chỗ hình như không có ý nghĩa gì cả, nhưng xét rõ đến tinh thần thì thật là bộ sách triết lý về việc chánh trị.

Mạnh Tử là người đã hiểu rõ nghĩa Kinh Xuân Thu, nói: "Kinh Thi hết, nhiên hậu Kinh Xuân Thu mới làm ra. Việc ở trong sách Xuân Thu là việc Hoàn Công nước Tề, Văn Công nước Tấn, văn trong sách là văn sử. Nghĩa thì Khổng Tử nói rằng: Khâu nầy trộm lấy đó vậy. Nghĩa là Ngài lấy truyện ở trong các sách nước Tấn, nước Sở, nước Lỗ mà biểu thị cái ý nghĩa của Ngài muốn bày tỏ ra. Thời Xuân Thu bấy giờ xã hội Tàu loạn lạc, vua các nước chư Hầu làm nhiều điều bạo ngược và ai cũng muốn lấn quyền Thiên tử nhà Châu. Ngài không muốn để sự phê bình phán đoán của Ngài đụng chạm đến quyền thế của những người đương thời, vả lại cái học sâu xa của Ngài là cái học Tâm truyền, cho nên Ngài mượn lối văn làm sử, nói việc đã qua để ngụ cái vi ý của Ngài."

Sách Trang Tử (Nam Hoa Kinh) ở thiên Thiên Hạ viết rằng: Xuân Thu dĩ đạo danh phận (Sách Xuân Thu là để nói cái đạo danh và phận).

Vậy cứ theo ý kiến của những nhà đại hiền triết đời Chiến quốc thì sách Xuân Thu thật là cuốn sách để tâm truyền cái đại nghĩa Danh và Phận về đường luân lý và chánh trị, chớ không phải là sách chép sử như người ta thường vẫn hiểu lầm.

Sách Xuân Thu có 3 chủ nghĩa là:

* Chính danh tự.
* Định danh phận.
* Ngụ bao biếm. (Bao biếm là khen chê)

Chủ ý của Khổng Tử là tôn vua nhà Châu. Dẫu đời bấy giờ các nước chư Hầu có nhiều người không biết đến vua nhà Châu đi nữa, nhưng Ngài chép ngay đầu sách là: XUÂN VƯƠNG CHÁNH NGUYỆT, nghĩa là: Mùa Xuân, tháng Giêng, vua nhà Châu, để tỏ cái ý vẫn nhận nhà Châu làm chủ thiên hạ...

Xem Kinh Xuân Thu thì phải biết ý nghĩa và vị trí từng chữ. Mỗi chữ là để định rõ người tà người chánh, như Thiên tử chết thì chép chữ băng, vua chư Hầu chết thì chép chữ hoăng, ông vua đã cướp ngôi làm sự tiếm đoạt mà chết thì chép chữ tồ, người làm quan ngay chánh chết thì chép chữ tốt, người làm quan gian nịnh chết thì chép chữ tử.

Người nào có danh phận chánh đáng thì chép rõ chức phẩm và tên tự, người nào mà danh phận không chánh đáng thì dẫu có chức phẩm gì, cũng chỉ chép có một tên tục mà thôi.

Sự khen chê của Ngài cốt ở những chữ Ngài dùng. Có khi chỉ vì một chữ chê mà thành ra tiếng xấu muôn đời, một chữ khen mà được tiếng thơm thiên cổ.

Bởi thế, người đời sau bàn Kinh Xuân Thu nói rằng: Nhứt tự chi bao, vinh ư hoa cổn; nhứt tự chi biếm, nhục ư phủ việt. (Một chữ khen thì vinh hơn cái áo hoa cổn của vua ban cho, một chữ chê thì nhục hơn phải tội rìu búa.)

Vì Khổng Tử thấy đời suy, đạo mờ, các tà thuyết dấy lên, những sự hung bạo rất nhiều, con giết cha, tôi giết vua, cho nên Ngài lấy làm lo sợ mà làm ra sách Xuân Thu, để định cái Chánh thể, chủ ở sự Chánh danh, Định phận cho hợp đạo lý và cho rõ sự thưởng phạt.

Sách Xuân Thu là sách định chế độ của quân chủ. Khổng Tử biết rằng trong một nước không thể không có quyền quân chủ, song Ngài lại sợ rằng những người giữ quyền quân chủ thường hay lạm dụng thế lực của mình mà làm những điều tàn bạo. Vậy nên Ngài mới đem cái nghĩa, lấy cái nguyên của dương khí mà thống trị việc Trời, lấy Trời mà thống trị các vua chúa, và bày tỏ ra một cách đặc biệt ở sách Xuân Thu để hạn chế cái quyền của vị nhân quân. Nhưng vì những người làm vua làm chúa đã dễ mấy người hiểu được rõ cái lẽ thâm viễn siêu việt ấy, cho nên Ngài mới lấy những điều tai dị như: Nhựt thực, Nguyệt thực, Sao chổi và việc Động đất, v.v... là những điều hiển nhiên ai cũng có thể trông thấy được, để cảnh giới những bậc nhân quân. Ngài muốn những bậc ấy phải lấy những điềm lạ ấy mà kinh sợ, tự mình tu tỉnh và làm những điều nhơn nghĩa. Đó là cái vi ý trong sách Xuân Thu.

Khổng Tử còn sợ người ta không hiểu rõ cái ý ấy, cho nên Ngài nói: Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ, tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ! (Người biết ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu).

Biết Ngài là biết cái bụng của Ngài sợ những tà thuyết, những bạo hành càng ngày càng nhiều ra, cho nên Ngài bày tỏ cái phương pháp chánh trị để đổi loạn ra trị, và để trừng trị những kẻ tàn bạo gian ác.

Trách tội Ngài là vì không hiểu cái ý của Ngài mà cho Ngài là tiếm làm cái việc của Thiên tử, hoặc là ngờ Ngài dùng những điều tai dị để làm mê hoặc người đời.

Học giả nên chú ý và hiểu cái thâm ý và cái khổ tâm của Ngài trong sách Xuân Thu. Về sau Hán Nho thường không hiểu rõ cái phần uyên thâm ấy, chú trọng ở cái thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, gây thành mối mê tín, thật là sai cái ý nghĩa trong sách Xuân Thu vậy.

Người thường không biết, lấy con mắt xem sử mà xem thì không hiểu bộ sách ấy ích lợi về điều gì. Song người nào biết, lấy cái tinh thần mà lãnh hội cái thâm ý trong sách ấy, thì thấy có nhiều ý nghĩa rất sâu xa." (Trích Nho Giáo Trần Trọng Kim)

Mặc dầu Kinh Xuân Thu là một cuốn sách lịch sử, nhưng khi ghi chép, Đức Khổng Tử đã vận dụng bút pháp để khen chê, để phân biệt kẻ thiện người ác hết sức minh bạch và đanh thép, nên người đời sau đã phải công nhận đó là những búa rìu trong Kinh Xuân Thu (Xuân Thu phủ việt), cũng như nói: Khổng Tử làm Kinh Xuân Thu mà bọn loạn thần tặc tử sợ (Khổng Tử tác Xuân Thu nhi loạn thần tặc tử cụ).

Vì thế, Kinh Xuân Thu có tác dụng về Đạo lý, giữ địa vị quan trọng trong nền văn hóa Nho giáo, trong sự biểu dương học thuyết "Chánh danh, Nhất quán, Trung dung, Đại đồng" của vị Vạn Thế Sư Biểu mà dân tộc VN đã chịu ảnh hưởng hơn 2000 năm nay.

Kinh Xuân Thu còn có tính cách điển hình gương mẫu cho người đời sau phải tôn trọng danh dự và nhiệm vụ trong khi viết sử, nên Kinh Xuân Thu được liệt vào năm bộ kinh quan trọng của Nho giáo, gọi là Ngũ Kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ Nhạc, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu.

Văn chép sử trong Kinh Xuân Thu rất tóm tắt, hàm súc, ít người hiểu thấu, nên về sau có ba học giả làm thêm Tam Truyện để giải thích ý nghĩa của Kinh Xuân Thu.

Ba học giả ấy là:

1. TẢ KHƯU MINH, làm Thái Sử nước Lỗ, đồng thời với Khổng Tử. Khi Khổng Tử trứ tác Kinh Xuân Thu, ông làm Tả Truyện để chú giải Kinh Xuân Thu và khai triển, nên người ta gọi là Tả Thị Xuân Thu, hay vắn tắt là Tả Truyện.

2. CÔNG DƯƠNG CAO, một vị văn thần cuối đời nhà Châu, khâm phục tác giả và tác phẩm Xuân Thu, nên soạn ra một bộ sách bổ túc và phát huy thêm Kinh Xuân Thu, gọi là Công Dương Truyện.

3. CỐC LƯƠNG XÍCH, người nước Tần, trong thời Chiến Quốc (478-221 trước TL) biên khảo thêm một bộ truyện để bình giải Kinh Xuân Thu gọi là Cốc Lương Truyện. (Theo Lê Phục Thiện, chuyên viên Hán Học TTHL)

Trình Tử nói: "Một câu trong Kinh Xuân Thu là chỉ một việc, trái phải thấy ngay. Cứ xét cho đến cùng lý thì học giả chỉ học Kinh Xuân Thu thì đủ biết hết Đạo. Các kinh khác, không phải là không có thể xét được đến cùng lý, nhưng chỉ cần luận đến nghĩa thôi. Kinh Xuân Thu căn cứ vào việc, việc phải trái cần được so sánh cho rõ, cho nên các yếu tố là phải xét đến cùng lý. Đọc Kinh Xuân Thu không phải như đọc Trung Dung. Muốn biết Trung Dung thì phải hiểu Quyền. Quyền là gì? Là việc nên làm vào thời nên làm. Còn Kinh Xuân Thu, lấy gì làm chuẩn đích? Từ Xuân Thu về trước có lập lệ. Về đời sau, các sách đều khác nhau. Cùng một việc mà chép khác nhau về ý tứ. Nếu lấy lệ cũ mà coi thì rất lầm. Kinh Xuân Thu chép việc, nếu việc giống nhau thì lời giống nhau. Người sau cho là lệ. Tuy nhiên, có việc giống nhau mà lời chép lại khác. Vậy câu nào có nghĩa câu nấy, thấy thế không nên buộc vào một lệ mới."

Thiệu Tử nói: "Chưa biết phân biện danh với thực, chưa định rõ công với tội của Ngũ Bá thì chưa đọc được Kinh Xuân Thu. Hãy định công với tội của Ngũ Bá đã, rồi mới đọc thì đại ý rõ ngay. Nếu cứ lần từng việc mà tìm thì không tìm được đầu mối."

"Phép của Kinh Xuân Thu là trị kẻ gian ác, dù còn sống hay chết rồi, trị ngay đến bản thân, cốt để răn kẻ ác, khuyến khích kẻ trung nghĩa, còn đến con cháu xa thì thôi, là để khuyến thiện.

Văn trong Kinh Xuân Thu có chỗ cùng việc thì cùng lời, người sau đọc cho đó là lệ. Có chỗ cùng việc mà lời khác, người sau cho đó là biến lệ. Thế nên đã là chính lệ, nếu không phải là Thánh nhân thì không đặt được, mà đã là biến lệ, nếu không phải là Thánh nhân thì cũng không tìm được. Chính lệ là việc làm thường của Trời Đất, mà biến lệ là việc nên làm của cổ kim. Chỉ có xét lý cho cùng, nghĩa cho tinh, thấy phép trong lệ, biết việc ở ngoại lệ, chỉ có thế mới hiểu Kinh Xuân Thu."

Dương Thời nói: "Đọc Kinh Xuân Thu là việc sau cùng. Học giả phải học Ngũ Kinh đã, rồi sau mới học Kinh Xuân Thu thì mới có lợi. Nhiều người nói Kinh Xuân Thu khó biết được thực. Trong Ngũ Kinh, Khổng Tử nói về lý, trong Xuân Thu, Khổng Tử chép các việc. Học giả nếu đã rõ cái lý ở Ngũ Kinh thì việc trong Xuân Thu không có gì là khó hiểu."

Lục Thầm nói: "Kinh Xuân Thu so với các Kinh khác thì thật là khó đọc. Giản, nghiêm, mà rộng lớn. Giản nghiêm thì lập luận ít, rộng lớn thì luận bàn nào cũng thông. Bút tự của Thánh nhân ý tứ sâu xa. Vì vậy, việc thì xem Tả Thị mới đúng, còn nghĩa thì xem Cốc Thị, Công Thị mới tinh. Hai lời đó là phép cốt yếu để đọc Kinh Xuân Thu."

Xem như thế thì Kinh Xuân Thu là một bộ sách rất quan trọng, tiêu biểu cho Đức Khổng Tử, mà cũng tiêu biểu cho cả Nho giáo nữa. Đức Quan Thánh hồi sanh tiền đã dùng Kinh Xuân Thu làm sách gối đầu.

Do đó, Đạo Cao Đài ngày nay dùng Kinh Xuân Thu làm cổ pháp của Nho giáo, tượng trưng Nho giáo.

TNHT: Xuân Thu định vững ngôi lương tể,
Phật Chủ quét tan lũ nịnh thần.

TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển

Bài đọc thêm:

Khổng Tước Minh Vương

Tiểu sử Mạnh Tử

Tiểu sử Đức Không Tử

 

 

© http://vietsciences.free.fr  Cao Đài tử điển